Vấn đề của thơ

Charles Simic (sinh năm 1938) là nhà thơ và dịch giả người Mĩ gốc Serbia. Ông được trao giải Pulitzer năm 1990 cho tập The World Doesn’t End, giải Wallace Stevens năm 2007, và được bổ nhiệm làm Poet Laureate (thi sĩ công huân) của Hoa Kì nhiệm kì 2007 - 2008. Simic từng biên tập thơ cho tờ The Paris Review, là giáo sư hưu trí ngành văn học Mĩ và sáng tác tại Đại học New Hampshire.

Điều duy nhất mà thơ luôn hữu dụng là khiến lũ trẻ ghét trường và nhảy lên vui sướng cái ngày chúng không còn phải nhìn vào bài thơ nào nữa. Cả thế giới hoàn toàn nhất trí về vấn đề ấy. Chẳng ai đầu óc bình thường lại đọc thơ. Ngay cả với các nhà lí luận văn học ngày nay, cảm thấy cao quý hơn mọi thứ văn chương và nhất là thơ là điều thời thượng. Việc ai đó vẫn tiếp tục làm thơ là một điều kì quặc nằm trong cột “tin khó tin” nào đó của tờ nhật báo.

Khi ca ngợi những vị thần anh hùng bộ lạc và tôn vinh trí tuệ của họ trong chiến tranh, các nhà thơ được dung thứ, nhưng với sự xuất hiện của thơ trữ tình và nỗi ám ảnh của nhà thơ với bản thân, mọi thứ đã thay đổi. Ai muốn nghe về cuộc đời của những kẻ vô danh trong khi các đế chế vĩ đại trỗi dậy và sụp đổ? Tất cả những chuyện yêu đương, âu yếm, và phải chia xa khi ngày vừa rạng và gà trống gáy cùng lắm chỉ đến độ nực cười. Giáo viên, tu sĩ, và những viên cảnh sát khác có đức hạnh luôn đồng ý với các triết gia. Không mô hình xã hội lí tưởng nào từ thời Platon chào đón các nhà thơ trữ tình, và với nhiều lí do chính đáng. Các nhà thơ trữ tình luôn làm suy đồi giới trẻ, khiến chúng ngạt thở trong tự thương hại và đắm chìm trong mơ tưởng. Tình dục bẩn và coi thường chính quyền là những gì họ thì thầm vào tai chúng trong hàng năm liền.

“Nếu thằng bé viết thơ, hãy đuổi nó đi,” một người mới làm cha được khuyên như vậy cách đây hai ngàn năm ở La Mã. Điều đó chưa hề thay đổi. Các bậc cha mẹ vẫn muốn con cái họ làm nghề nhồi xác hay thu thuế hơn làm nhà thơ. Ai trách được họ? Bạn muốn con gái mình làm nhà thơ hay làm tiếp viên trong một hộp đêm nhếch nhác? Khó đấy.
Ngay cả những nhà thơ đích thực cũng ghét bỏ thơ. “Còn nhiều điều hơn thứ gian dối này,” Marianne Moore của chúng ta từng nói. Bà có lí. Một số trong số những điều ngu ngốc nhất con người từng thốt ra sẽ được tìm thấy trong thơ. Thơ, như một quy luật, làm xấu hổ cả cá nhân lẫn dân tộc.

Thơ đã chết, những kẻ thù của thơ vui sướng hét lên trong hàng thế kỉ và đến nay vẫn hét. Các nhà thơ cổ điển của chúng ta, những vị giáo sư thức thời của chúng ta, chẳng là gì ngoài một nhóm tuyên truyền viên cho các giai cấp thống trị và sự đàn áp của nam giới. Những ý tưởng từng được những kẻ cầm tù và sát hại các nhà thơ ở Liên Xô thúc đẩy giờ phổ biến trong các trường đại học Mĩ. Chủ nghĩa duy mĩ, hài hước, sự khêu gợi, cùng mọi biểu hiện khác của trí tưởng tượng tư do đều đáng ngờ và phải được kiểm duyệt. Thơ, thứ đánh lạc hướng ngu ngốc cho sai trái chính trị, gần như không còn tồn tại vì tầng những lớp có giáo dục của chúng ta. Tuy nhiên, như thể để chọc tức họ, thơ vẫn được viết.

Thế giới luôn tìm cách khen thưởng sự tuân thủ. Mỗi thời lại có dòng quan điểm chính thức riêng về cái gì là thật, cái gì là tốt, và cái gì là xấu. Món ăn làm từ gian dối, ngu dốt, và hèn nhát được tin tức truyền hình phục vụ mỗi tối với điệu bộ nghiêm túc và một bầu không khí liêm chính tột độ là lí tưởng. Văn chương cũng được mong đợi là sẽ ủng hộ điều đó. Bộ lạc của bạn luôn cố gắng cải tạo bạn và dạy bạn cách cư xử. Nhà thơ là đứa trẻ đứng trong góc quay lưng về phía các bạn cùng lớp, nghĩ mình đang ở thiên đường.

Nếu điều đó chưa đủ, nhà thơ, như mọi người biết, là những kẻ dối trá vô địch. “Ta phải nói dối để vẫn nửa quan tâm đến bản thân mình,” tiểu thuyết gia Barry Hannah nói. Điều này đặc biệt đúng với mọi nhà văn viết thơ. Mỗi kẻ ngốc trong số họ đều tin mình nói dối chỉ để nói lên sự thật. Nếu chúng ta không thể thấy thế giới như nó vốn thế trong thực tại, thì đấy là do những tầng lớp ẩn dụ chết mà các nhà thơ bỏ lại. Thực tại chỉ là một tấm áp phích thơ cũ bong tróc.

Các triết gia nói nhà thơ lừa dối bản thân khi họ trầm tư một cách trìu mến về những điều cụ thể. Xác định những gì chưa bị sự thay đổi động đến là nhiệm vụ của triết gia. Thơ và tiểu thuyết, trái lại, thích thú với sự phù phiếm - mùi bánh mì chẳng hạn. Theo các nhà thơ, chỉ những kẻ ngốc mới bị những điều khái quát dụ dỗ.

Trời và đất, tự nhiên và lịch sử, thần thánh và ma quỷ được hòa giải một cách tai tiếng trong thơ. Phép loại suy nói rằng mỗi là mọi, mọi là mỗi. Do vậy, những bài thơ tôn giáo hay nhất chứa đầy khêu gợi. Tính chủ quan, các nhà thơ tuyên bố, vượt qua chính mình bằng thực hành nhìn nhận bản sắc trong những điều rời rạc. Trong một bài thơ hay, nhà thơ viết bài thơ ấy biến mất để nhà thơ-độc giả có thể đi vào hiện hữu. Cái “tôi” của một người hoàn toàn xa lạ, một người Trung Quốc cổ đại, chẳng hạn thế, nói với chúng ta từ nơi thầm kín nhất trong bản thân mình, và chúng ta thích thú.

Nhà thơ đích thực đi sâu vào một dạng siêu hình học phòng ngủ và phòng bếp. Tôi là nhà huyền bí của chảo rán và những ngón chân hồng của tình yêu tôi. Như mọi nghệ thuật khác, thơ phụ thuộc vào sắc thái. Có nhiều cách gảy ghi ta, cách hôn và gặm ngón chân ai đó. Các nhạc sĩ nhạc blues biết một vài nốt đặt đúng nơi có thể chạm đến tâm hồn, và các nhà thơ trữ tình cũng vậy. Ý tưởng là, việc làm ra những món ăn đáng kinh ngạc từ những nguyên liệu đơn giản nhất là khả dĩ. Có phải Charles Olson nói rằng huyền thoại là chiếc giường nơi con người làm tình với các vị thần? Chừng nào con người còn phải lòng yêu và còn viết thư tình, thơ còn được viết.

Phần lớn thơ đều khá ngắn. Mất nhiều thời gian để hắt hơi đúng cách hơn đọc một bài haiku. Nhưng một vài bài thơ “nhỏ” trong số đó chỉ trong một vài từ đã nói lên nhiều điều về tình cảnh con người hơn các hình thức viết khác. Nói ngắn gọn, thỉnh thoảng thơ tồn tại được qua hàng ngàn năm trong khi sử thi và gần như mọi thứ khác thì trở nên không thể đọc nổi. Phép màu tối cao của thơ là cách những bài thơ như thế lôi cuốn người đọc. Bài thơ vốn không tài nào hiểu được sau một lần đọc, nhưng lập tức ta muốn đọc lại nó. Bản chất của thơ là sự tái lặp nhưng không bao giờ trở nên đơn điệu. “Nữa cơ!” con tôi buồn ngủ vẫn nài khi tôi đọc xong mấy vần thơ mẫu giáo. Với chúng, giống như với tất cả những người yêu thơ, chỉ có hơn, không bao giờ đủ.

Phẩm chất nghịch lí của thơ chính là thứ cho thơ hương vị của nó. Nghịch lí là gia vị bí mật của thơ. Không có vô số điều mâu thuẫn và ngạo mạn, thơ sẽ nhạt nhẽo như bài giảng ngày Chủ nhật hay bài phát biểu thông điệp liên bang của tổng thống. Nhờ nhiều nghịch lí thú vị mà thơ liên tục đánh bại và sống lâu hơn những nhà phê bình nghiêm khắc nhất. Bất cứ nỗ lực nào nhằm cải cách thơ, khiến nó mô phạm và đạo đức, thậm chí giới hạn nó vào “trường phái” văn chương nào đó, đều là hiểu sai bản chất của thơ. Thơ hay thì không bao giờ chệch hướng khỏi mục đích của nó như một nguồn vô tận của những nghịch lí về nghệ thuật và tình cảnh con người.

Chỉ phong cách nào là sự pha trộn thú vị của những phong cách mà đưa ra được sự bất kính của thơ thì mới có vẻ thích hợp với tôi ngày nay. Nói ngắn gọn, một bài thơ có cảm giác như truyền hình cáp hơn ba trăm kênh, những sự thật kì lạ hơn cả hư cấu, phép lạ giả tạo và mê tín trong các tờ lá cải siêu thị. Một bài thơ giống như việc nhìn thấy Elvis Presley trên sao hỏa, phụ nữ có ba bầu vú, hình ảnh một con chó gặm vở kịch hay nhất của Shakespeare, tin địa ngục chật cứng, những tội đồ xấu xa nhất giờ đang được ở thiên đường.

Đây, chẳng hạn, một người vô gia cư có mái đầu hói từng thuộc về Julius Caesar. Chẳng phải tôi thấy anh giơ biển Live Sex Show trên Quảng trường Thời đại hôm qua sao? Ông mừng rỡ gật đầu. Hannibal sẽ lại qua dãy Alps với đàn voi của ông ấy chứ? là câu hỏi tiếp theo của tôi. Coi chừng bà nhà thơ, là câu trả lời của ông ấy. Nếu bà ấy đẩy xe hàng chất đầy sách cũ và quần áo cũ đến, sẵn sàng nghe thơ đấy.

Điều đó nhắc tôi nhớ. Ông cố tôi, thợ rèn Philip Simic, qua đời ở tuổi chín mươi sáu, năm 1938, năm tôi ra đời, sau khi từ một quán rượu về nhà một đêm muộn cùng những người Di-gan. Ông nghĩ họ sẽ giúp ông ngủ, nhưng ông qua đời như thế trên giường mình trong lúc các nhạc sĩ chơi những bài ông thích. Điều đó giải thích tại sao cha tôi hát những bài ca Di-gan rất tốt còn tôi thì viết thơ, vì như ông nội tôi, đêm tôi không ngủ nổi.

NGUYỄN HUY HOÀNG dịch
Nguồn: Charles Simic, “The Trouble with Poetry,” in The Life of Images (HarperCollins, 2015)

------

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 28.02.2017.

Thông tin truy cập

63695601
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15893
23426
63695601

Thành viên trực tuyến

Đang có 673 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website