“Tôi tin rằng nhìn nhận văn học quá khứ một cách công bằng, khách quan sẽ góp phần hòa giải, hòa hợp dân tộc” – GS Huỳnh Như Phương nói.
GS Huỳnh Như Phương là nhà giáo chuyên giảng dạy lý thuyết văn học ở Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, đồng thời là nhà nghiên cứu, phê bình văn học trước năm 1975. Lúc chưa tới tuổi 20, Huỳnh Như Phương đã có bài đăng trên các tạp chí có khuynh hướng thiên tả lúc đó như Trình Bầy, Đối Diện.
Văn học miền Nam là thành phần hữu cơ của văn học dân tộc
* Thưa ông, được biết thời đại học, hai năm đầu ông học triết ở ĐH Văn khoa Sài Gòn, sau ngày thống nhất ông lại được ra Hà Nội học tiếp về văn học. Ông có cho trường hợp mình là may mắn vì được học ở hai nền giáo dục hoàn toàn khác nhau để bổ sung cho nhau?
– Chúng ta là đồng môn, chắc anh hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn những năm tháng đó. Nhiều lớp sinh viên ở ban Triết có bằng cử nhân đã không thể tìm được việc làm. Lớp chúng tôi học dở dang, được chuyển sang ngành văn, phải kéo dài sáu năm ở đại học nhưng vẫn may mắn hơn nhiều người khác không có điều kiện theo đuổi con đường học vấn. Nghĩ đến sự may mắn của mình, nhiều khi tôi cảm thấy có lỗi với một số người cùng thế hệ. Tôi đã thụ hưởng nền giáo dục miền Nam từ tiểu học đến đại học, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa bốn năm đại học và bốn năm sau đại học. Không thể nói phần nào quan trọng hơn nhưng nếu mình biết chắt lọc và tiếp thu thì chắc chắn cả hai đều có ích cho nghề nghiệp hiện nay.
* Ông có thể kể lại vài kỷ niệm đáng nhớ về những năm học ĐH Văn khoa Sài Gòn và ĐH Tổng hợp Hà Nội?
– Khuôn khổ trang báo không cho phép tôi nói gì nhiều. Vả chăng, những kỷ niệm đó tôi đã ghi lại trong hai bài viết “Văn Khoa ngày tháng cũ” và “Hà Nội trong sương mù ký ức”, hiện còn lưu giữ trên các trang mạng. Tôi nghĩ rằng đó là những cơ hội cho tôi hiểu sâu hơn hoàn cảnh đã tác động đến con người như thế nào và người ta có khả năng kháng cự lại hoàn cảnh hay không. Đôi khi tôi nghĩ vẩn vơ nếu như đất nước thống nhất sớm hơn hoặc muộn hơn, thân phận của những người trẻ thế hệ chúng tôi sẽ thay đổi ra sao. Và trong cái tình huống cực đoan của lịch sử đất nước ta, con người phải làm gì để giữ được chân dung tinh thần của mình.
Văn học ở miền Nam là một thành phần hữu cơ của văn học dân tộc. Nhìn nhận một cách công bằng, khách quan sẽ góp phần hòa giải, hòa hợp dân tộc.
“Tôi thấy mình phải có trách nhiệm giới thiệu về văn học miền Nam”
* Có phải do có thời gian học ở ĐH Văn khoa Sài Gòn mà trong một số tác phẩm, đề tài khoa học và nhiều bài viết, ông đã đầu tư nghiên cứu về văn học miền Nam trước 1975?
– Thật ra năm 1975 tôi mới vừa 20 tuổi, trước đó có mấy bài đăng báo nhưng đọc và tích lũy tư liệu về văn học chưa được bao nhiêu. Sau này, vì công việc dạy học, tôi thấy mình phải có trách nhiệm sưu tầm, giới thiệu với sinh viên hoạt động văn học ở miền Nam mà tôi luôn quan niệm đó là một thành phần hữu cơ của văn học dân tộc. Cuốn sách đầu tiên tôi biên soạn được xuất bản ngay từ đầu thời đổi mới là một tuyển tập truyện ngắn miền Nam có nhan đề Mùa xuân chim én bay về (NXB Cửu Long, 1986). Từ ấy đến nay tôi có viết một số bài và tham gia hai công trình nghiên cứu tập thể về đề tài này. Điều khiến tôi ngạc nhiên và thú vị nhất là những người khuyến khích và giúp đỡ chúng tôi trong công việc này không chỉ là các nhà văn, nhà nghiên cứu ở miền Nam mà còn có những đồng nghiệp rất nhiệt tâm ở Viện Văn học, ĐH Sư phạm và ĐH Quốc gia Hà Nội. Gần đây tôi lại có niềm vui là sau khi công bố những bài viết về chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cấu trúc và chủ nghĩa Marx ở miền Nam, tôi nhận được phản hồi, góp ý từ những học giả cao niên rất có uy tín.
* Hồi tháng 10 năm ngoái, Hội Nhà văn Việt Nam (VN) đã tổ chức cuộc tọa đàm “Nhận diện văn chương Hà Nội thời tạm chiếm (1947-1954)” với nhìn nhận: “Văn học sử VN còn mắc nợ văn chương Hà Nội vì đã bỏ quên một không gian văn học đầy giá trị…”. Thế còn những tác phẩm giá trị của nhiều nhà văn đô thị miền Nam thời kỳ 1954-1975, Hội Nhà văn VN và Hội Nhà văn TP.HCM (mà ông từng là thành viên ban chấp hành) có thấy mắc món nợ văn chương này không?
– Tôi không phải hội viên Hội Nhà văn VN nên không đủ thẩm quyền trả lời câu hỏi này của anh. Tôi có tham gia ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM một nhiệm kỳ (2005-2010), người ít, chỉ việc khảo sát, tổng kết hoạt động sáng tác đương thời và tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đã không đủ thời gian. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những người thiện chí đều thừa nhận đó là một món nợ, món nợ lớn mà trả thì quá chậm. Tình hình gần đây có vẻ thuận lợi hơn nhưng điều đáng buồn là giới nghiên cứu, phê bình trong nước chưa quan tâm đúng mức đến việc này. Có lẽ cuộc sống bây giờ có quá nhiều nỗi lo, nỗi lo văn học chưa phải là điều bức xúc nhất chăng? Dù sao hiện nay khó ai bác bỏ được sự thật là trong những năm chiến tranh, giới trí thức sáng tạo ở miền Nam đã cho ra đời nhiều tác phẩm mang phẩm cách dân tộc, tinh thần nhân đạo và giá trị nghệ thuật theo hướng cách tân và hiện đại. Tôi luôn tin rằng nhìn nhận văn học quá khứ một cách công bằng, khách quan sẽ góp phần hòa giải, hòa hợp dân tộc và phát huy các nguồn lực tinh thần để bảo vệ, phát triển đất nước.
Chưa bao giờ không gian văn học mở rộng như những ngày này. Lớp nhà văn, nhà phê bình độ tuổi trên dưới 40 hiện nay rất đáng nể.
Phê bình bị chê trách vì không chống đỡ được với óc bè phái
* Trong một giai đoạn mà phê bình văn học có phần vắng lặng, có ý kiến đánh giá phê bình văn học hiện nay chủ yếu là khen ngợi và ve vuốt nhau. Theo ông, nhận xét như thế có quá khe khắt không?
– Không thể chối cãi đó là một phương diện của đời sống phê bình văn học hiện nay. Phê bình bị chê trách vì không chống đỡ được với những cám dỗ của tính vụ lợi, sự đố kỵ, óc bè phái và sự đả kích cá nhân. Những người làm phê bình như chúng tôi chắc chắn là có lỗi rồi nhưng bạn đọc và báo chí cũng có một phần trách nhiệm. Thử hỏi bạn đọc bây giờ có thích đọc phê bình không, báo chí có chịu đăng những bài phê bình đúng nghĩa không? Biết bao nhiêu cuộc hội thảo, tọa đàm đã lên tiếng, đề xuất giải pháp nhưng sao tình hình phê bình vẫn chưa được cải thiện? Có lẽ phải cần thời gian suy nghĩ kỹ hơn, sâu hơn để tìm câu trả lời đích thực về điều này. Mặt khác, cũng không nên đặt trên vai phê bình một sứ mạng quá lớn.
Một thế hệ cây bút mới đang xuất hiện và khẳng định mình không phải chủ yếu bằng những phương tiện và con đường của những lớp nhà văn trước đây: các tạp chí văn nghệ, các giải thưởng văn học, sự tán dương của giới phê bình… Những hồi ứng của bạn đọc chưa bao giờ nhanh nhạy như hiện nay và điều đó làm bộc lộ sự chậm chạp, trễ nải và cả uy tín sút giảm của phê bình chuyên nghiệp. Tất nhiên, thời nào cũng có những cây bút viết sơ lược, sáo mòn về đề tài, bút pháp, chạy theo những vinh hoa phù phiếm. Nhưng thời nào cũng phát hiện được tài năng đích thực. Tôi thấy lớp nhà văn, nhà phê bình độ tuổi trên dưới 40 hiện nay rất đáng nể, tôi tin là họ sẽ làm nên chuyện.
* Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.
Phạm Chu Sa thực hiện
Nguồn: Hội nhà văn Việt Nam, ngày 02.5.2021.