Nghiên cứu phê bình truyện kể không chỉ lý giải những chủ ý tự sự của nhà văn mà thông qua đó, người nghiên cứu còn kể lại câu chuyện trí tuệ, tâm hồn, nội lực và cả những khát vọng của mình. Nếu Nguyễn Thị Tịnh Thy gọi nhà văn Lý Nhuệ là “phản tư của phản tư” thì chuyên luận “Dám ngoái đầu nhìn lại” cũng chính là một “tự sự của tự sự”. Tôi gọi đó là “tự sự kiểu Tịnh Thy”.
Đến với hơn 500 trang sách được trình bày một cách tâm huyết, cẩn trọng và công phu, người đọc không chỉ nhận diện được vị trí và phong cách, tài năng và tinh anh của 5 nhà văn Trung Quốc đương đại, không chỉ được chứng kiến một cuộc đối thoại riết róng giữa độc giả, tác phẩm, nhà văn và những căng thẳng của hiện thực xã hội mà còn thấy được một bản lĩnh phê bình, như cách nói của Mạc Ngôn, “thực sự gây chấn động hồn người”.
1. Trước hết, Nguyễn Thị Tịnh Thy thể hiện sự dũng cảm trong ngòi bút của mình qua việc lựa chọn đối tượng phê bình. Có thể thấy, điều đầu tiên mà tác giả công trình mang đến chính là việc vượt qua những tranh cãi, thiên kiến thông thường để không ngần ngại khai phá và giải mã những tiểu thuyết đầy thách thức sự đọc mà tiếng vang của nó đã thoát hẳn khỏi đường biên đại lục Trung Hoa, chiếm lĩnh chỗ đứng một cách ngoạn mục trên văn đàn thế giới. Đó là những tiểu thuyết như: “Chốn xưa”, “Ngân Thành cố sự”, “Cao lương đỏ”, “Sống đọa thác đày”, “Kinh thánh của một người”, “Gào thét trong mưa bụi”, “Chuyện Hứa Tam Quan bán máu”, “Tứ thư”, “Phong nhã tụng”…; các hiện tượng văn học, có thể được đồng thuận, có thể bị chối bỏ, có thể được tung hô, có thể bị nghiêm cấm tẩy chay: Lý Nhuệ, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện, Dư Hoa và Diêm Liên Khoa.
Họ là những tên tuổi ghi dấu ấn rực rỡ từ sau năm 1976, gắn liền với sự ra đời của một loạt trào lưu văn học lớn: “văn học Vết thương”, “văn học Phản tư”, “văn học Tầm căn”… Họ đã phá vỡ những đóng kín, đơn nhất, tù túng để bộc lộ thái độ cách tân mạnh mẽ, tích cực, làm nên diện mạo mới cho văn học Trung Quốc đương đại.
Đặt trong bối cảnh những nghiên cứu, phê bình về văn học Trung Quốc từ thế kỷ XX trở đi nói chung và văn học đương đại Trung Quốc nói riêng ở Việt Nam đang còn khá khiêm tốn, nhiều khoảng trống và có phần chừng mực, dè dặt thì công trình nghiên cứu “Dám ngoái đầu nhìn lại” của tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy, từ phương diện cá nhân, đã nghiêm túc đem đến cái nhìn bao quát, toàn cảnh và sự thẩm bình đánh giá văn chương một cách mới mẻ, độc đáo. Qua cuốn sách này, người viết cũng thẳng thừng đối mặt và đương đầu với rất nhiều vấn đề nhức nhối khi quyết định khoan sâu vào từng lõi tầng của tác phẩm, không hề tránh né khi lý giải các tư tưởng, ý nghĩa vẫn đang còn gây tranh cãi nhất, sẵn sàng đối thoại với những “nhạy cảm về văn hóa lẫn chính trị” bằng sự minh xác của khoa học văn chương.
Soi vào lĩnh vực viết, trong khi ngày càng có rất nhiều người cầm bút vì nhiều lý do hoặc quay lưng lại với hiện thực, muốn từ bỏ trách nhiệm với thời đại, hoặc thỏa hiệp, lặng câm trước phi lý của cuộc đời và độc giả cũng trở nên e ngại với những tác phẩm “gây hấn” thì Nguyễn Thị Tịnh Thy lại đặc biệt quan tâm và đưa vào khảo sát 5 đối tượng nhà văn dám “chọn những điều không được phép viết” để “đỡ dậy ký ức của một dân tộc”.
Giống như nhận định của chính tác giả cuốn sách: “Họ can đảm đối mặt với hiện thực, không khoan nhượng hiện thực; thông qua bi kịch cá nhân để tái hiện quá khứ, tái hiện lịch sử đầy biến động, sai lầm và tủi nhục của đất nước trong hơn một trăm năm qua… Cay nghiệt, dữ dội, dũng cảm, tha thiết, chân thành và bền bỉ, các nhà văn đã viết để đối thoại, để phê phán, để chuộc lỗi, để ăn năn, để trừng phạt và để sòng phẳng với lịch sử…”. Có lẽ chính vì thế mà ở 5 chương mục của tập chuyên luận, mặc dù mỗi chương là một khám phá riêng về từng tác giả nhưng tất cả đều tập trung làm rõ nhiều khía cạnh phong phú về sự “căng thẳng với hiện thực” mà các nhà văn thể hiện như tiêu chí đặt ra.
2. “Dám ngoái đầu nhìn lại” cũng là một tập nghiên cứu - phê bình thể hiện khả năng định danh, gọi đúng, gọi trúng đối tượng bằng một sự nhạy cảm đặc biệt với ngôn ngữ. Một sự thật không thể chối cãi rằng, mỗi tiểu thuyết gia được bàn đến ở đây đều đã đóng một dấu triện riêng, khắc lên danh tính đậm nét, không lặp lại của người và của mình. Tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy đã thật sự nhạy bén và chân xác khi gọi tên cũng như định hình từng bản sắc ấy.
Mỗi chương của chuyên luận đặc biệt kích thích, gợi dẫn người đọc, buộc người đọc băn khoăn và mong muốn tìm hiểu xem người viết sẽ “trình diễn” điều gì tiếp theo bằng những đề mục gây ấn tượng: “Ghét cái lịch sử vô lý - Lý Nhuệ phản tư”, “Gây chấn động hồn người - Mạc Ngôn dấn thân”, “Cởi hết sự trói buộc - Cao Hành Kiện hồi cố”, “Căng thẳng với hiện thực - Dư Hoa phẫn nộ”, “Sứ mệnh với bóng tối - Liêm Diên Khoa nghịch dị”. Bằng những động tính từ có khả năng xoáy sâu vào tâm trí (“phản tư”, “dấn thân”, “hồi cố”, “phẫn nộ”, “nghịch dị”), Nguyễn Thị Tịnh Thy bước đầu giúp độc giả phần nào hình dung được thế giới nghệ thuật của nhà văn và giá trị biểu hiện của tác phẩm.
Mở đầu công trình nghiên cứu - phê bình, người viết lựa chọn Lý Nhuệ cùng tác phẩm “Chốn xưa” và “Ngân Thành cố sự” - hai tiểu thuyết góp phần đưa Lý Nhuệ trở thành nhà văn Trung Quốc được phương Tây chú ý nhất. Đi từ khái niệm triết học cho đến ý nghĩa đặc định của thuật ngữ “phản tư”, Tịnh Thy đặc biệt chỉ ra sự chú trọng của nhà văn Lý Nhuệ tới “sự thất thế bất lực của con người trước lịch sử và tính vô cảm vô lý của lịch sử”.
Bằng cái nhìn sắc sảo và sự kiến giải đầy thuyết phục, tác giả công trình không ngần ngại nhận định, trong tiểu thuyết Lý Nhuệ, “Lịch sử là một nhân vật bí ẩn hàm chứa nhiều ẩn dụ sâu sắc. Lịch sử không phải là kết quả của đấu tranh giai cấp, đấu tranh chủng tộc, đấu tranh tôn giáo… mà lịch sử là phép cộng của dục vọng thời đại và sự đổ vỡ những dục vọng. Không phải tính tất nhiên mà ngược lại, tính ngẫu nhiên quyết định lịch sử và oái oăm hơn, lịch sử vô lý quyết định sinh mệnh con người”.
Phân tích tác phẩm cặn kẽ, chọn lựa chi tiết sự kiện đắt giá, bày tỏ quan điểm rành mạch, có thể nói, tác giả cuốn sách đã làm bật nổi tính “hoài nghi lịch sử” - dấu ấn sâu đậm mà nhà văn mang đến. Ngoài ra, trong quá trình phát hiện về hệ thống hình thức nghệ thuật được Lý Nhuệ sử dụng, Nguyễn Thị Tịnh Thy cũng đã khai thác được sự “phi trung tâm nhân vật”, “phân mảnh ghép mảnh sự kiện” và “làm mới ngôn ngữ tiểu thuyết nhưng chọn con đường cổ phục cách tân” để nhận ra, Lý Nhuệ không viết một cách thô tục, suồng sã mà ngược lại, luôn cố công “phục hưng một phong cách viết đã lùi vào dĩ vãng với cách sử dụng các từ ngữ đẹp đẽ, thanh cao…”.
Trong tiểu luận “Chẳng hát đồng ca” (1994), nhà văn Lý Nhuệ trăn trở: “Từ khi nhà Tần thống nhất cách đo cách cân, vô số người Trung Quốc chỉ thích cất giọng cùng tập thể, thực đáng chán, khó chịu. Chúng ta liệu có gan hát solo hay không?”.
Và không cần phải “lên gân” tuyên bố, những Lý Nhuệ, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện, Dư Hoa, Diêm Liên Khoa đã nói lời “cự tuyệt hợp xướng”, bước ra khỏi số đông để gan góc “độc tấu” bản nhạc văn chương của mình.
Lắng nghe tận cùng, thấu hiểu từ trong sâu thẳm, tác giả “Dám ngoái đầu nhìn lại” tiếp tục thể hiện dũng khí với Mạc Ngôn, nhà văn đạt giải Nobel văn học năm 2012, người có sự nghiệp sáng tác đồ sộ, đạt thành tựu rực rỡ với hơn 40 giải thưởng và danh hiệu. Chương thứ hai của chuyên luận, Tịnh Thy vẫn giữ bút lực dồi dào khi đồng cảm với đằng sau sự cực đoan nghiệt ngã của Mạc Ngôn là “một tấm lòng trăn trở và sự hoài nghi đầy trách nhiệm đối với căn bệnh tinh thần của dân tộc, đối với lịch sử, hiện tại và tương lai của đất nước Trung Hoa”.
Viết về Mạc Ngôn, tác giả đặc biệt chủ ý viện dẫn các lý thuyết tự sự học hiện đại và hậu hiện đại để chứng minh “sự đan quyện trong truyền thống và hiện đại” qua nghệ thuật kể chuyện độc đáo của ông. Với việc phát hiện hệ thống điểm nhìn trần thuật mà Mạc Ngôn sử dụng: “điểm nhìn trẻ thơ”, “điểm nhìn súc vật”, “điểm nhìn của người dân đen”, “gắn kết điểm nhìn với người kể chuyện” và chỉ ra những kiểu ngôn ngữ và giọng điệu tự sự như “ngôn ngữ tục tĩu”, “giọng điệu bỡn cợt và giễu nhại” qua hàng loạt tiểu thuyết “Cây tỏi nổi giận”, “Rừng xanh lá đỏ”, “Báu vật của đời”, hay “Đàn hương hình”…, Nguyễn Thị Tịnh Thy cho thấy sự “dữ dội”, “cực hạn”, “nghiệt ngã” của những tác phẩm và bày tỏ: “Mạc Ngôn đã xây dựng trong tiểu thuyết của mình một thế giới ngôn từ hồn nhiên, ngạo ngược, trần tục đầy nhục tính nhưng cũng rất nhuần nhị, uyển chuyển, đa biến và ảo diệu... Đó là nội lực, là quỷ tài của Mạc Ngôn”.
Nếu tiểu thuyết là tự sự của nhà văn thì một công trình nghiên cứu - phê bình cũng chính là chuyện kể về những trải nghiệm đọc của độc giả. Trải nghiệm đọc của Tịnh Thy còn gây chấn động lòng người khi viết về “sự hồi cố sự kiện lịch sử” qua kĩ năng “tự sự chấn thương” của Cao Hành Kiện; khiến cho người đọc đau đớn khôn nguôi khi phân tích “sinh mệnh cá nhân để hiểu lịch sử” trong tiểu thuyết Dư Hoa hay tìm hiểu “bút pháp nghịch dị” của Diêm Liên Khoa để phần nào nhận ra “nỗi đau thương lẫn nhục nhã, nước mắt ướt, nước mắt khô và tiếng cười điên dại của những người không được sống cho ra con người”.
Với tư cách là một “siêu độc giả” có tư duy đa chiều, kiến văn rộng rãi và nội lực đọc “thâm hậu”, Nguyễn Thị Tịnh Thy tìm đến, giải mã từng tác phẩm, tương kiến với các nhà văn để minh chứng một điều, 5 tiểu thuyết gia “dám ngoái đầu nhìn lại” hiện thực đầy kinh hãi của dân tộc Trung Hoa, dẫu “độc tấu” nhưng họ không hề cô đơn.
Bởi lẽ, với những đánh giá, khái quát trên hơn 500 trang viết, nhà nghiên cứu - phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy đã xóa bỏ khoảng cách ranh giới và lãnh thổ, nối gần con đường đến với nhà văn của người đọc, định hướng và khơi mở những cách đọc bằng cả tinh thần học thuật, niềm đam mê và tấm lòng đối với văn chương của mình.
3. Trong tập nghiên cứu - phê bình văn học Trung Quốc đương đại đầy công sức này, tác giả đã có sự kết hợp, vận dụng các lý thuyết nghiên cứu văn học hiện đại như tự sự học, thi pháp học, liên văn bản… vào việc cắt nghĩa, lý giải, định hình phong cách, nét nổi bật của nhà văn cũng như khai phá những tầng nghĩa của tác phẩm. Tuy nhiên, xuyên suốt hành trình đó, Nguyễn Thị Tịnh Thy đã nỗ lực tinh giản, rút gọn hoặc không làm màu, không khoa trương lý thuyết nặng nề mà biến những khái niệm, vấn đề khó hiểu thành dễ tiếp cận.
Tác giả chủ yếu đưa ra nhiều dẫn chứng, phân tích cặn kẽ thấu đáo dẫn chứng để làm bật nổi luận đề mà mình hướng tới. Chính điều này khiến cho bạn đọc hứng thú hơn với một công trình tưởng chừng hàn lâm. Tôi cho rằng, điều quan trọng mà một tác phẩm nghiên cứu - phê bình hiện nay cần đạt được là ngoài hàm lượng thông tin khoa học cao, sự phát hiện vấn đề mới mẻ thì còn phải gần gũi, dễ hiểu.
Trước “vấn nạn” rất nhiều đề tài hay công trình sách được xuất bản chỉ phục vụ được giới nghiên cứu chuyên sâu thì những chuyên luận vừa đảm bảo yêu cầu về chuyên môn vừa chinh phục được cộng đồng bạn đọc rộng lớn như “Dám ngoái đầu nhìn lại” là xứng đáng được trân trọng.
Sẽ rất dễ khiến người đọc bỏ cuộc nếu người viết phê bình chỉ trình bày sản phẩm một cách cứng nhắc, khô khan; tuy nhiên ở đây, tác giả đã kéo gần khoảng cách với độc giả bằng một lối viết hấp dẫn, lôi cuốn. Với bút lực dồi dào, cá tính, văn phong phê bình vừa nghiêm cẩn, xác đáng lại vừa phóng túng tài hoa, càng viết càng bay bổng càng đằm thắm, chân thành và thu hút, Nguyễn Thị Tịnh Thy đã xác lập nên một lối phê bình ấn tượng, khó trộn lẫn trong tâm trí người đọc.
Có lẽ, không chỉ sáng tác mà phê bình văn chương cũng là một trao gửi và dấn thân. Sự dũng cảm, dấn thân của tác giả Tịnh Thy thể hiện ở việc lựa chọn đối tượng khảo sát, điều đó đã hẳn. Nhưng trên và trước hết, tự trong thăm thẳm tấc lòng, tự đáy sâu trách nhiệm của một người duyên nợ, tận tụy, xem văn chương như là nghiệp dĩ thì qua cuốn sách của mình, tác giả còn thực hiện một cuộc đối thoại với nhà văn và văn học Việt Nam, như lời tự bạch: “Tôi mong họ dám ngoái đầu nhìn lại, mong họ có những đột phá về đề tài và bút pháp, có thể dùng ngòi bút của một người “đỡ dậy ký ức của một dân tộc”…
Đó cũng là khát vọng, là mong muốn của cả người đọc hôm nay.
Lê Si Na
Quảng Trị, tháng 8/2021
Nguồn Văn nghệ số 38/2021