Nhà văn, nhà Hán học Mai Quốc Liên sinh ngày 8-6-1941 tại xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội), Đại học Hán học, Cao học Hán học (Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam), Tiến sĩ Văn học, hội viên Hội nhà văn Việt Nam (1981). Lúc đương thời, ông là ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, ủy viên hội đồng chức danh Giáo sư ngành Văn học, ủy viên Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh (ngành Văn - Ngữ - Sử) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.
Những tác phẩm phê bình, khảo cứu và sáng tác đã xuất bản:
Ngô Thì Nhậm tuyển tập (đồng tác giả, dịch, khảo cứu, 1980); Nhà thơ - cơn bão và những cánh hoa (1980); Ngô Thì Nhậm trong nền văn học Tây Sơn (chuyên luận, 1985); Khảo cứu Văn Chiêu hồn (1991); Trước đèn (tiểu luận, 1992); Dưới gốc me vườn Nguyễn Huệ (tiểu luận, 1986); Tạp luận (1998); Phê bình và tranh luận văn học (1998); Nguyễn Trãi toàn tập (chủ biên, và dịch, phiên âm, 2002); Cao Bá Quát toàn tập (chủ biên, dịch, giới thiệu, 2003); Vị mặn biển đời (thơ, 2003); Tiểu luận và phê bình văn học (2011); Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (2015)…
…
Tôi được gặp GS. Mai Quốc Liên lần đầu tiên chừng 1988, khi ông nói chuyện về nhà văn Pháp lừng danh Rabelais tại khoa Văn Sử, Đại học Đà Lạt. Câu nói của thầy mà tôi ấn tượng nhất hôm ấy là: “Nếu nhìn từ văn học viết sang sẽ không thấy Rabelais đâu nhưng nếu nhìn từ văn hoá dân gian thì chỉ thấy mỗi Rabelais”. Tác giả đã ký tặng tôi cuốn Dưới gốc me xanh vườn Nguyễn Huệ, tất nhiên sau đấy thầy không thể nhớ tôi - một trợ giảng vô danh non trẻ...
Rồi tôi được gặp lại GS. năm 1997 khi thầy làm thư ký Hội đồng chấm đề cương Nghiên cứu sinh của tôi. Tôi nhớ là thầy đã quát tôi: - Anh nói to lên để tôi còn ghi! Tôi xin lỗi GS. và Hội đồng. Từ ngoài nắng gắt vào ngay phòng máy lạnh và bị sốc nhiệt nên tôi gần như bị mất giọng 2/3...
Kỷ niệm gắt như vậy nên có gặp lại thầy thì tôi cũng chỉ dám kính nhi viễn chi. Không ngờ GS. lại dành cho tôi món quà đặc biệt mà cách cho quà còn khiến tôi xúc động hơn nhiều...
Năm 2004, vừa bảo vệ xong luận án, GS. Mai Quốc Liên gọi điện bảo tôi chỉnh sửa bản thảo, bớt các thủ tục mang tính trường quy để Trung tâm Nghiên cứu Quốc học in thành sách. Tôi sửa chưa xong thì vợ đau phải đi cấp cứu tại TP.HCM. Tôi xin GS. thư thư cho một thời gian...
Vậy mà GS. đã viết ngay thư tay gửi đường bưu điện tới tôi. Nội dung chính của bức thư: Tập trung lo cho chị ấy, sửa luận án sau; tôi gửi trước nhuận bút với số tiền ... để anh lo cho vợ; tôi đã gửi bằng thư chuyển tiền theo địa chỉ anh...!
Tôi thực lòng xúc động trước sự quan tâm của GS. Nhiều người thấy ông nghiêm khắc trong học thuật và khó gần trong giao tiếp. Nhưng có ai chưa cầm bản thảo mà đã trả trước nhuận bút như ông đã ứng xử với tôi - một tác giả trẻ chưa từng tiếp xúc thực sự? Đó là hạnh phúc của một người viết.
Phải đến năm 2006 sách mới được phát hành, phần nhuận bút sau khi trừ ứng thì tôi dùng mua sách để tặng bè bạn và đệ tử. Vậy là thầy, GS. Mai Quốc Liên, giám đốc Trung tâm Quốc học khi ấy đã lo cho tôi trọn gói từ giấy phép, biên tập, in ấn và phát hành, lại còn cho tôi ứng nhuận bút trước khi nộp bản thảo. Chuyện lạ có thật xoay quanh việc tôi được in cuốn Tìm hiểu truyện cổ Tây nguyên - trường hợp Mạ và K’ho, NXB Văn học, 2006.
Đọc tin biết GS. Mai Quốc Liên đã từ trần! Quy luật muôn đời rồi ai cũng ra đi... Xin vĩnh biệt Thầy với sự tri ân sâu sắc của hậu thế - một học trò với bậc thầy dù chưa nghe giảng trọn một giáo trình nào chính thức...
TS. Lê Hồng Phong
(Giảng viên Đại học Đà Lạt)