NCS. Đỗ Dũng
Từ khá lâu, trong giới nhạc Tài tử Nam bộ đã có sự phân biệt ranh giới nhạc Tài tử và nhạc Cải lương kể từ sau khi Cải lương ra đời. Sự phân biệt đó là lẽ tất nhiên, vì hai loại hình có những đặc điểm riêng, nhưng cũng có những nội hàm chung. Tuy nhiên, xưa nay về sự khác biệt giữa hai loại hình này chưa có một công trình nghiên cứu khoa học, hoặc bài viết nào nghiên cứu chuyên đề này, để lý giải sự phân biệt cho thỏa đáng… Bài viết này sẽ đặt vài vấn đề có liên quan, có tính thiết thực của đề tài.
Những nhận định chung
Trong giới nhạc Tài tử và Cải lương, và những ai quan tâm đến hai loại hình này cũng đều biết, nguồn gốc chung của nhạc Tài tử và Cải lương có từ nhạc Lễ Nam bộ. Nhạc Tài tử xuất hiện trước và nhạc Cải lương có sau. Một bộ phận lớn của nhạc Cải lương bắt nguồn từ nhạc Tài tử, nói khác đi là nhạc Tài tử sinh ra nền tảng của nhạc Cải lương. Nghĩa là nhạc Cải lương là một phức hợp, nó không chỉ hình thành từ nhạc Tài tử, mà nó tổng hợp nhiều dòng âm nhạc khác như nhạc Tàu (một số thể điệu có gốc từ nhạc Quảng, nhạc Tiều), nhạc Tây (quãng 8), nhạc Nhật, nhạc Lễ Nam bộ, các điệu lý dân ca ba miền, thể điệu mới… Dù vậy, nhạc Tài tử vẫn giữ vai trò chính trong nhạc Cải lương nên gọi là tính nền tảng (bộ phận lớn hơn các dòng nhạc khác cùng tham gia). Còn nhạc Tài tử, ban đầu xuất phát từ nhạc Lễ Nam bộ, nhưng sau đó nó tự phát triển cho đến khi định hình là một dòng nhạc chính thống của Nam bộ. Nó không bị chi phối hay tiếp nhận bất cứ một dòng nhạc nào khác như nhạc Cải lương, đây là đặc điểm nổi trội nhất của nhạc Tài tử về căn cội.
Nếu xét về thuật ngữ nghệ thuật, nhạc Tài tử là một loại hình ca nhạc truyền thống Nam bộ (để phân biệt với nhạc cổ điển Việt Nam như nhạc Cung đình chẳng hạn), nó có hình thức là Đờn ca Tài tử, là một dòng nhạc sinh ra tại vùng đất Nam bộ khoảng vào nửa cuối thế kỷ XIX; Cải lương là loại hình ca kịch truyền thống Nam bộ hay còn gọi là Sân khấu Cải lương Nam bộ; trong đó, dòng nhạc Tài tử Nam bộ là nền tảng của Cải lương (nay là Cải lương Việt Nam). Như vậy, nhạc Tài tử với hình thức diễn đạt là ca nhạc, Cải lương với hình thức là sân khấu ca kịch. Đây là hai phạm trù đặc trưng về nghệ thuật diễn đạt của hai loại hình khác nhau về hình thức, và nếu khác nhau về hình thức thì tất nhiên sẽ có nhiều khác nhau trong tính chất của mỗi thực thể. Mặt khác, hình thức ca nhạc mang tính chất thính phòng, người ca (nghệ nhân, ca sĩ) trình diễn thể điệu hoặc ca khúc mang tính cá nhân bằng trạng thái biểu đạt đơn lẻ của cái “tôi”. Hình thức ca kịch, diễn viên vừa ca vừa diễn theo trạng thái của nhân vật kịch, mà không còn cái “tôi” nữa, họ phải hóa thân vào số phận, tâm lý của vai diễn, và tình huống của kịch đặt ra nữa. Do vậy, hình thức và tính chất âm nhạc giữa ca nhạc và ca kịch hoàn toàn khác nhau. Chúng còn khác nhau về nội hàm của đôi bên, những yếu tố cấu thành loại hình, và còn tùy thuộc vào đề tài, thể loại của chúng.
Nói chung, với những đặc điểm trên của hai loại hình thì sự phân chia ranh giới giữa nhạc Tài tử và nhạc Cải lương đã rõ ràng. Bên cạnh đó, một đặc điểm khác cần chú ý hơn, là những thể điệu nào của nhạc Tải tử mà nhạc Cải lương sử dụng đều biến tấu (thay đổi tiết điệu) và biến thể (chặt khúc thể điệu), nghĩa là những thể điệu đó được chặt khúc từng lớp hoặc một số câu, tăng tiết tấu, rồi chuyển sang ca kịch Cải lương cho phù hợp với hoàn cảnh kịch và tính cách nhân vật. Đó là nét khác nhau cơ bản về âm nhạc của hai loại hình, và những thể điệu đã biến tấu, biến thể nhạc Tài tử không còn công nhận là “tài sản” của mình nữa. Đó cũng là điều hợp lý, vì trong thời gian diễn tấu những thể điệu đó ít nhiều chúng có sự biến đổi cả hình thức và tính chất âm nhạc.
Những phân biệt chưa hợp lý
Trong hệ thống nhạc Ngũ cung Việt Nam có rất nhiều dòng nhạc trải dài trên ba vùng miền của đất nước và trong 54 dân tộc. Ở Nam bộ có ba dòng nhạc truyền thống mang tính chính thống là nhạc Lễ Nam bộ, nhạc Tài tử Nam bộ và Cải lương Nam bộ (nhạc ca kịch). Ba dòng nhạc này đều lấy nhạc Ngũ cung Việt Nam làm nền tảng, tức là sử dụng trong phạm vi 5 âm chính: hò, xự, xang, xê, cống. Nói cách khác, ba dòng nhạc truyền thống của Nam bộ đều sinh ra từ nhạc Ngũ cung Việt Nam. Bao đời qua, các tiền nhân sáng tác những thể điệu (bài bản) nhạc Tài tử hay nhạc Cải lương cũng chỉ sử dụng không ngoài 5 âm: hò, xự, xang, xê, cống. Cho đến những thập niên gần đây, một số danh cầm, nhạc sĩ sáng tác một số thể điệu mới, lý mới cũng không ngoài qui luật ngũ cung Việt Nam.
Những thập niên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều nhạc sĩ của hai trường phái nhạc Tài tử miền Đông và miền Tây Nam bộ thi đua nhau sáng tác nhiều thể điệu (bài bản) nhạc Tài tử. Sau đó có người trong giới đã hệ thống lại thành 10 loại bài bản nhạc Tài tử Nam bộ: Nhất lý, Nhì ngâm, Tam nam, Tứ oán, Ngũ điếm, Lục xuất kỳ sơn, Thất chánh, Bát ngự, Cửu nhĩ, Thập thủ liên hườn. Kế đó là một số bài bản của Giáo Thinh sáng tác như Ngũ đối ai, Thập bát thủ, Thanh dạ đề quyên, Chinh phụ ly tình, Ngũ châu minh phổ, Nam âm ngũ khúc, Ngũ cung luân hoán… thì sự phát triển bài bản nhạc Tài tử đến đây coi như khép lại. Mặc dù sau đó, một số danh cầm, nhạc sĩ khác đã sáng tác một số thể điệu khác có hơi điệu không ngoài niêm luật của nhạc Tài tử, nhưng trong giới không công nhận các thể điệu này là nhạc Tài tử. Như vậy, vì sao các thể điệu sau này không công nhận là nhạc Tài tử, trong khi chúng cũng được sinh ra từ nhạc Ngũ cung - cùng một dòng họ (?). Vấn đề này chưa thấy ai lý giải thỏa đáng. Có nghệ nhân cho rằng vì các thể điệu đó chỉ phục vụ cho Cải lương chứ không có trong Đờn ca Tài tử. Nếu thế, lấy những thể điệu đó viết lời cho ca lẻ theo phong cách Đờn ca Tài tử thì sao không thể gọi chúng là nhạc Tài tử (?). Có nghệ nhân, nhạc sĩ cho rằng, những thể điệu đó không có những lớp, khúc như các bài bản Tài tử. Như vậy, một số bài bản nhạc Tài tử không có lớp, khúc mà được công nhận là nhạc Tài tử thì sao? Như Lưu Giang, Lý con sáo, Ngựa ô bắc, Ngựa ô Nam, Lưu thủy đoản, Bình bán vắn, Kim tiền Huế (Lưu-Bình-Kim), một số bài bản trong nhóm Tứ bửu, Ngũ Châu, Bát ngự, có câu mà không có lớp, khúc nhưng chúng vẫn vốn là nhạc Tài tử chính thống. Phải chăng sự nhìn nhận này bắt nguồn từ xa xưa của cái nhìn võ đoán, cực đoan nào đó, nếu không muốn nói là thiếu cơ sở lý luận.
Vào những năm của thập niên 30 - 40 của thế kỷ XX, soạn giả Mộng Vân tức nhạc sĩ Trần Tấn Trung của lò nhạc Tài tử Nhạc Khị - Bạc Liêu, lò nhạc được xem là cái nôi của nhạc Tài tử Nam bộ, ông đã sáng tác trên dưới 30 thể điệu mà trong giới lúc bấy giờ cho là nhạc “Cà chía” và cũng không được trong giới công nhận là nhạc Tài tử. Điều này có thể chấp nhận được, vì chủ đích của Mộng Vân sáng tác cho Cải lương. Tuy nhiên, những thể điệu - bài bản của Mộng Vân sáng tác cũng không ngoài hơi điệu, niêm luật của nhạc Ngũ cung; và nếu những thể điệu này không phục vụ cho tình huống kịch và tâm lý nhân vật, mà đem ra viết lời cho bài ca lẻ như những thể điệu nhạc Tài tử thì sự phân biệt (không chấp nhận là nhạc Tài tử) có hợp lý không; nếu có thì dựa trên cơ sở nào để không chấp nhận (?). Trong chiến tranh (trước 1975), ông Tư Trương còn có bút danh là soạn giả Hoài Linh (tức Trương Bỉnh Tòng - cố Phó Giám đốc Sở VHTT TP. HCM) sáng tác điệu Lý sâm thương; sau này, danh cầm Bảy Bá (NSND soạn giả Viễn Châu) sáng tác thể điệu Dạ khúc; danh cầm - NSƯT Văn Giỏi sáng tác Đoản khúc lam giang và Phi vân điệp khúc; nhạc sĩ Cao Văn Lý sáng tác một loạt thể điệu lý mới: Lý qua cầu, Lý đêm trăng, Lý trăng soi, Lý Mỹ Hưng… Những thể điệu này đều đã được sử dụng trong Cải lương, và trong những cuộc chơi Đờn ca Tài tử vẫn sử dụng, vậy mà trong giới nhạc Tài tử không công nhận chúng là nhạc Tài tử, vì sao, dựa vào tiêu chí nào? Trong khi đó 10 loại bài bản của nhạc Tài tử nhóm Lý được xếp đầu bảng. Nếu như những sáng tác thể điệu mới được dựa theo nền tảng của nhạc Ngũ cung, nguyên lý hơi điệu nhạc Tài tử mà không được công nhận là bài bản nhạc Tài tử là một sự võ đoán rất đáng tiếc…
Những vấn đề cần đặt ra
Bài viết này, ít nhiều đã nêu lên một số vấn đề cần được quan tâm, và làm thế nào để phân biệt giữa hai dòng âm nhạc cho thỏa đáng về mặt nhạc học. Bởi vì về hình thức âm nhạc thì đã xác định để phân biệt rõ ràng giữa ca nhạc và ca kịch, nhưng nguồn gốc sinh ra của từng thể điệu, tính chất hơi điệu, cấu trúc thể điệu thì chưa có cơ sở lý luận vững chắc để xác định cho sự phân loại hay phân biệt ranh giới của thể điệu - bài bản. Nói khác đi, để xác định và phân biệt vì sao nhiều thể điệu được sử dụng trong địa hạt Cải lương, khi tách rời ra đưa vào Đờn ca Tài tử mà không được công nhận là bài bản nhạc Tài tử; và sự phân biệt này dựa vào tiêu chí nào? Chúng tôi đặt một giả thuyết khác, nếu những thể điệu mới không đưa vào Cải lương mà viết lời ca lẻ như những bài bản Tài tử thì có được công nhận là nhạc Tài tử không, và ai đủ tư cách để công nhận?... Những đứa con (những thể điệu) được cha mẹ (nhạc ngũ cung) sinh ra mà không được công nhận là con thì là cái gì (?). Một điều hết sức vô lý!...
Một số bài bản - thể điệu chưa được công nhận là nhạc Tài tử, nhưng hơi điệu của chúng vốn mang âm hưởng của nhạc Tài tử, liều lượng nhất định ở mỗi thể điệu, chẳng hạn như bài Đoản khúc lam giang và Phi vân điệu khúc của Văn Giỏi đậm đặc hơi Nam - Oán, một chút của hơi Ngự; một số điệu lý mới cũng vậy. Mặc dù, chúng có thoáng chút âm hưởng dân ca, nhưng trong sự hình thành của nhạc Tài tử có cả âm hưởng của hò, lý Nam bộ và ca nhạc Huế… đó chẳng phải là âm hưởng của dân ca sao?
Vấn đề công nhận và không công nhận cần phải có một Hội đồng khoa học về âm nhạc truyền thống, từng thành viên trong Hội đồng phải là những nhạc sĩ, nghệ nhân, nhà khoa học có đủ tầm kiến thức chuyên môn, lý luận nhạc học, kinh nghiệm thực tiễn…; chứ không thể là những “Ông bà sống lâu lên lão làng” được, hoặc có học vị mà thiếu kiến thức chuyên môn và thực tiễn... Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống Đờn ca Tài tử và Cải lương, nhưng bảo tồn và phát triển không có nghĩa là khư khư giữ cái đã có mà không phát triển thêm cái mới. Những sáng tác thể điệu - bài bản mới cũng dựa theo nguyên lý nhạc Ngũ cung, hơi điệu nhạc Tài tử mà không được công nhận là bài bản mới của nhạc Tài tử, vậy thì bải bản làm sao có điều kiện để phát triển thêm cho phong phú được? Có lẽ, bải bản - thể điệu của nhạc Tài tử đã khép lại từ sau những bài bản của Giáo Thinh chăng?...