Hơn 100 họa sĩ chuyên nghiệp được tuyển chọn từ khắp nơi trên thế giới đã thực hiện 65.000 bức tranh sơn dầu tuân thủ chặt chẽ thủ pháp của Van Gogh. Từ đây các nhà làm phim đã dựng lại cuộc đời một con người vốn dĩ chỉ còn lại 800 manh mối là tranh và khoảng vài chục lá thư gửi cho người em trai. Trong ảnh: Anna Kluza, một trong những họa sĩ đầu tiên được mời tham gia dự án. Nguồn: cartoonbrew.com
125 họa sĩ sơn dầu chuyên nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đổ về hai studio ở Ba Lan và Hy Lạp để cùng nhau biến một dự án lãng mạn, điên rồ trên giấy thành phim truyện dài - hoạt hình sơn dầu hoàn toàn đầu tiên trên thế giới, Loving Vincent (Vincent thương mến), bất chấp kinh phí làm phim hạn hẹp.
Chuyện về cuộc đời và cái chết của Van Gogh, vừa quá quen nhưng cũng lạ lùng với công chúng số đông và ngay cả với các nghệ sĩ trong giới mỹ thuật. Bắt đầu vẽ từ năm 28 tuổi khi chưa hề qua trường lớp nào, Van Gogh trong giai đoạn cuối đời đang tĩnh dưỡng để chữa trị chứng bệnh tâm lí nặng nề đã một lần cắt tai, một lần tự bắn vào bụng mình rồi chết sau đó ít ngày, để lại 799 bức tranh hoàn toàn không bán được, trừ một bức.
Phim không hẳn đã tuyệt vời vì nhiều điều còn có thể khác đi nhưng như bức tranh độc bản - một lần và vĩnh viễn không bao giờ lặp lại, ngay cả những nét chưa tròn cũng là một lựa chọn làm nên tuyệt tác riêng tư. Thủ pháp kể chuyện cổ điển, dễ xem, dễ hiểu, rất từ tốn, xây dựng lại các manh mối về cuộc đời nhân vật thông qua cái nhìn (điều tra) của một nhân vật khác (mà ở đây là Armand Roulin, một nhân vật có thật trong tranh của ông). Bằng cách ấy, các nhân vật xung quanh (một dạng “nhân chứng”) sẽ cung cấp các dữ kiện - góc nhìn - kiến giải - phỏng đoán… Người xem ban đầu cảm thấy hơi tẻ, nhưng sau khoảng 10-15 phút thì bắt đầu bị cuốn. Nói cách khác, ban đầu chúng ta cũng như anh dẫn chuyện kia, có sự thờ ơ vì mọi sự rõ như ban ngày, nhưng rồi, bồi đắp từ từ, bóng dáng của Vincent Van Gogh hiện lên rõ dần, một khối cảm xúc lớn lên theo đó, và chúng ta bị cuốn vào phim lúc nào không hay. Đến tầm 1/3 phim trở về sau, nhịp kể đã đạt ngưỡng hấp dẫn nhưng vẫn giữ cho phim ở một ranh giới hoàn hảo (dẫu rất mảnh) của cảm giác “thương mến”! Người xem bắt đầu hồi hộp, bắt đầu hoài nghi, bắt đầu chất vấn ngược những giả thiết mà mình đã đọc từ rất lâu ở khắp mọi nơi.
Lựa chọn kể một phiên bản Van Gogh có phần kịch tính và hồi hộp như một phim điều tra theo kiểu trinh thám Agathe Christie, là lựa chọn quá thông minh của hai đạo diễn Dorota Kobiela và Hugh Welchman. Nhưng có lẽ với một phim “hoạt hình” tinh xảo hoàn toàn từ tranh sơn dầu mang phong cách chuẩn Van Gogh, “câu chuyện diễn ra” không phải yếu tố quan trọng nhất mà người xem đã biết trước là phim về cuộc đời Van Gogh - đặc biệt quãng trước khi ông chết. Cái cuốn hút hơn chính là từng khuôn hình làm theo lối 12 hình trên giây bám theo những kiến giải tinh vi về bút pháp trong tranh danh họa - nét đi, nét lại, nét đậm, nét mờ… - tất cả tạo ra một sự gián cách với việc “Phim kể về cái gì? Phim đang diễn tiến ra sao? Đã đến tình huống nào rồi?” Tôi tin, cảm giác này đến với hầu hết khán giả trên toàn thế giới, những người cuồng Van Gogh!
Sự phấn khích khi được xem cuộc đại - tiểu - vi phẫu bút pháp của Van Gogh kéo dài đến tận giữa phim, cách mà các họa sĩ hiểu từng đường đi, từng mạnh nhẹ của nét bút, cũng là cách mà họ sáng tạo nên - phục chế từng khung hình, mà mỗi khung đơn lẻ đều xứng là một bức tranh độc lập - duyên dáng - đáng giá, tất nhiên mang nặng phong cách của Van Gogh, với đầy sự nể vì, ngưỡng mộ và yêu thương!
Loving Vincent là một kho tàng đồ sộ và cực kỳ sáng tạo cho bất cứ ai ngưỡng mộ Van Gogh, bởi vì có lẽ lần đầu tiên, các nhân vật trong tranh - bác sĩ Gachet, thiếu nữ đánh dương cầm, thằng quỷ tóc đỏ, gã Rene, bác sĩ Mazuline, ông bưu tá, cô gái con ông chủ quán rượu, những người ở bến thuyền, thậm chí cả bọn quạ đen trên cánh đồng lúa, đám hoa diên vĩ, hay nhà thờ ngày chủ nhật… tất cả đột nhiên hiện ra, ngời ngời và rõ nét, kẻ u sầu, kẻ phớt đời, kẻ thô lỗ, gã say sưa… Họ ở đó, đúng như từ tranh của Van Gogh bước ra, nói chuyện, cử động, hành xử, phán quyết…, với sức sống do Van Gogh ban cho còn hơn cả nét chấm của Mã Lương trong thần thoại. Họ từng là những người có thật, nhờ đi vào tranh Van Gogh mà trở nên bất tử, và hôm nay, họ lên phim, không phải như một nhân vật trong tranh, mà như những nhân vật độc lập được lí giải qua cái nhìn - trí tưởng tượng của hơn 100 họa sĩ khác. Đó là sự kết nối kì diệu tạo nên màn trình diễn đương đại khổng lồ trong Loving Vincent…
Các diễn viên được chọn lựa sao cho giống nguyên mẫu nhất có thể và từ đó đạo diễn dàn cảnh để họ diễn trong trường quay, trên phông xanh lá, đưa vào máy tính thay đổi thành phông nền vẽ dựa trên các dữ liệu mà tranh Van Gogh cung cấp. Trong ảnh: Hai diễn viên Chris O’Dowd và Douglas Booth trong một cảnh phim. Nguồn: cartoonbrew.com
Tôi vẫn nhớ cả rạp đã ồ lên khi lần đầu tiên cận cảnh bác sĩ Gachet, người đàn ông sầu muộn tóc đỏ bị những ước vọng bủa vây. Vẫn chính là bức tranh đã thôi miên hàng triệu triệu lứa người yêu hội họa, giờ xuất hiện trên phim, chân xác và căng đầy biểu cảm. Trong phim, ông đã rời khỏi dáng nghiêng nghiêng buồn thảm, bắt đầu nói chuyện, sửa cổ áo, bắt đầu cãi vã, bắt đầu rưng rưng… Và khán giả thì rung động tận đáy lòng; lúc ấy cảm giác chẳng khác nào họ đang tham gia vào màn trình diễn bất tận dành cho Vincent Van Gogh - người mà qua bộ phim này, hình như cô độc nhất thế gian!
Yêu thương như tựa phim đã nói: Loving Vincent! Phải rồi, không mến thương không có bộ phim này - bộ phim này là kết quả và bằng chứng của tình yêu thương - bộ phim này nhân danh tình yêu, thứ tình yêu trong trẻo như những giọt lệ rớm trên mi mắt của nàng Margaret Gachet - người thiếu nữ đánh dương cầm đã sống độc thân 44 năm sau khi Van Gogh ra đi. Bức họa thiếu nữ chơi dương cầm mà Van Gogh họa bà luôn được treo trân trọng trong phòng ngủ suốt những năm tháng sau này, có khi cũng là một lời thì thầm Vincent thương mến!
Cầu kỳ nhất, khó tin nhất và lãng mạn nhất
Để tạo ra Loving Vincent, Dorota Kobiela và Hugh Welchman đã lựa chọn phương án cầu kì nhất, khó tin nhất nhưng cũng lãng mạn nhất thế gian. Nghĩa là một dạng sản xuất phim hoạt hình nhưng dựa trên ba nguồn dữ kiện: một là phần hình ảnh đóng diễn của diễn viên người thật; hai là nhân dạng và bối cảnh, màu sắc, không khí đã được quy ước trong 800 bức tranh của Van Gogh; ba là… sự sáng tạo cá nhân dựa trên niêm luật và bút pháp quy chuẩn của Van Gogh!
Các diễn viên được chọn lựa sao cho giống nguyên mẫu nhất có thể và từ đó đạo diễn dàn cảnh để họ diễn trong trường quay, trên phông xanh lá, đưa vào máy tính thay đổi thành phông nền vẽ dựa trên các dữ liệu mà tranh Van Gogh cung cấp, ghi hình lại bình thường, thực hiện cắt dựng rồi các họa sĩ sẽ vẽ từng khung hình sao cho đúng với yêu cầu của kịch bản và đạo diễn. Nhưng như thế chưa đủ, các khung hình này còn là những bức họa rất đặc sắc, hoàn toàn thủ công và cực kì tinh xảo cũng như sáng tạo, được thực hiện bởi hơn 100 họa sĩ chuyên nghiệp. Họ tham gia dự án bằng tình yêu và lòng ngưỡng mộ sâu sắc với Vincent Van Gogh. Chất liệu sơn dầu đã tạo nên một phim hoạt hình độc đáo và không thể lặp lại - hoàn toàn tương xứng với câu chuyện về số phận độc đáo của người nghệ sĩ chưa từng lặp lại: Vincent Van Gogh. Đạo diễn nữ của phim - Dorota Kobiela - vốn là một họa sĩ sơn dầu, nói rằng, chỉ tính riêng phần thời gian thôi, một họa sĩ làm việc liên tục không ăn ngủ cũng phải mất 80 năm để thực hiện xong chừng đó bức sơn dầu!
Loving Vincent do Dorota Kobiela (Ba Lan) và Hugh Welchman (Anh) đạo diễn, dài 94 phút, được chiếu ra mắt tại LHP Hoạt hình quốc tế Annecy, Pháp, hồi tháng Sáu mới đây và được cả khán phòng đứng dậy vỗ tay hoan nghênh 10 phút liền (sau đó, phim đã nhận giải do khán giả bình chọn). Phim được chiếu rộng rãi ở nhiều nước từ tháng Chín, và ở Việt Nam từ đầu tháng 10 này. Nguồn: hollywoodreporter.com
Kinh phí làm phim hết sức hạn hẹp, nếu bạn nhìn thẳng vào quy mô và hiệu quả của dự án này: Năm triệu đô không đủ để có từng đó tài hoa tham gia vào dự án, không đủ để tiến hành một bộ phim theo cách quá nhiều mơ mộng như Loving Vincent. Nhưng cũng chính sự mơ mộng của những nghệ sĩ đã kéo theo sự mơ mộng của những nghệ sĩ khác… Loving Vincent không còn là dự án lãng mạn điên rồ trên giấy. Những họa sĩ tuyệt vời từ khắp nơi trên thế giới đổ về hai studio ở Ba Lan và Hy Lạp, chỉ cần được vẽ, chỉ cần được tái hiện những rung động, những chắt chiu mà Van Gogh đã trải. Bốn năm ròng cho những bức vẽ mà cứ 12 bức mới tạo nên một giây hình. Bốn năm ròng những diễn viên có thật, giọng nói, cơ thể, biểu cảm, thần thái có thật được họa lại trên tranh. Các nhân vật trong tranh bước đi trong khung cảnh mà Van Gogh ghi lại theo cách của riêng ông, giờ đây đã thành thế giới được chia sẻ với tất thảy khán giả.
Bộ phim có lẽ là một minh chứng sống động và… lộ liễu nhất nhưng cũng nhuần nhụy nhất về sự tương hợp giữa kĩ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại. Nếu có ở đâu ta nhìn rõ sự giao thoa (đến sờ cầm nắm chạm được) của các ngành nghệ thuật khác với điện ảnh thì chính là ở đây: Loving Vincent, phim truyện dài - hoạt hình sơn dầu hoàn toàn đầu tiên trên thế giới.
Và nhiều khả năng là… duy nhất!
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 6.10.2017