18 giờ 30 tối ngày 23 tháng 12 năm 2017, Vở kịch “Chim hải âu” của đại văn hào nước Nga, Anton Chekhov sẽ có buổi trình diễn thứ hai trên Sân khấu của Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Kịch “Chim hải âu” là Dự án phi lợi nhuận đầu tiên của Sân khấu kịch Văn Khoa, Trường ĐHKHXH&NV nhằm đưa những tác phẩm kịch kinh điển của Việt Nam và Thế giới lên sân khấu.
Khởi đi từ ý tưởng: “Đại học là thành trì cuối cùng để bảo vệ những tác phẩm tinh hoa của nhân loại”, CLB Sân khấu và Điện ảnh đã thống nhất cho rằng: cách duy nhất để bảo vệ những sản phẩm tinh hoa chính là cùng nhau chia sẻ, dù trên phương diện nghiên cứu hay trình diễn. Từ đó, Dự án Sân khấu kịch Văn Khoa được khởi động.
Sân khấu kịch Văn Khoa thành lập và điều hành bởi TS. Đào Lê Na, giảng viên Khoa Văn học, cố vấn CLB Sân khấu và Điện ảnh cùng hai bạn cựu sinh viên Khoa Văn học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sân khấu là Bùi Thiên Huân và Nguyễn Tiến Phát. Mục đích của Sân khấu kịch Văn khoa là đưa những tác phẩm kịch kinh điển Việt Nam và thế giới lên sân khấu, đồng thời theo đuổi con đường sân khấu hàn lâm. Thông qua dự án này, CLB Sân khấu và Điện ảnh tin rằng không chỉ khán giả mà bản thân những người thực hành nghệ thuật cũng sẽ học được rất nhiều từ những tác phẩm kinh điển ấy. Đưa tác phẩm kinh điển lên sân khấu là cả một quá trình tiếp nhận đầy thách thức để rồi những người thực hiện sẽ đồng sáng tạo và tái sáng tạo. Mục đích lớn nhất của Sân khấu kịch Văn khoa là truyền cảm hứng đến người xem, khiến họ sẽ tìm đọc lại những tác phẩm kịch kinh điển của Chekhov, Gorky, Shakespeare, Molière, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Tưởng…và có những giây phút thưởng thức nghệ thuật đầy ý nghĩa.
Sân khấu kịch Văn Khoa lựa chọn tác phẩm Chim hải âu của Chekhov làm vở kịch ra mắt vì Chekhov được xem là đại diện tiêu biểu của kịch thế giới hiện đại và Chim hải âu là một tác phẩm thể hiện rất rõ tuyên ngôn nghệ thuật của Chekhov về sân khấu lẫn văn học. Đây cũng chính là thông điệp mà Sân khấu kịch Văn khoa hướng tới.
Nhận xét về buổi công diễn đầu tiên, TS Lê Hồng Phước, Phó Trưởng khoa Ngữ văn Pháp, Trường ĐHKHXH&NV đã phát biểu: “Diễn viên trên sân khấu là người học văn học, bởi thế các bạn diễn kịch không chỉ bằng sự đam mê nghệ thuật sân khấu, mà cái rất riêng ở các bạn đó là các bạn diễn kịch còn với tư cách những người văn học đang muốn truyền cảm hứng văn học đến cho công chúng. Ngồi bên dưới xem, chúng tôi cảm nhận rất rõ rằng: các bạn diễn với tâm thế tự tin vì làm chủ rất rõ nét nội dung văn học của từng chi tiết, các bạn vừa diễn với tư cách diễn viên vừa diễn với tư cách của người văn học muốn lột tả bằng được một cách rất văn học thông điệp của tác giả vở kịch gửi gắm. Nói một cách đơn giản thì người diễn viên ở đây vừa diễn với tư cách diễn viên, vừa với tư cách người làm văn học đang muốn thị phạm những tác phẩm văn học. Nét riêng này đúng chất NÉT VĂN KHOA. Trong thời buổi môn văn học đang trở nên khô cứng với giới trẻ, thì rõ ràng cách đưa những tác phẩm văn học lên sân khấu là một giải pháp để đưa người trẻ trở về đúng với bản chất của văn học: mềm mại, lãng mạn và rất tình.”
Thông tin buổi diễn thứ hai
18g30 23/12/2017 (Thứ 7)
ĐỊA ĐIỂM: HỘI TRƯỜNG D, trường ĐHKHXH&NV, số 10-12, Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Liên hệ đặt vé :
Cách 1:
Điện thoại: 0946780580 (Huỳnh Thơ)
Cách 2:
- Gửi tin nhắn về cho BTC tại fanpage https://www.facebook.com/skdavhnn/