Nghệ thuật thị giác
Nghệ thuật video xuất hiện trong thực hành của một số nghệ sỹ từ thập kỷ 1960, và dần phát triển theo nhiều xu hướng khác nhau. Ngày nay, cùng với cuộc cách mạng truyền thông, truyền hình, số hóa, những ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới đã được các nghệ sĩ tận dụng, hỗ trợ các sáng tác nghệ thuật thị giác. Bởi vậy, trên thế giới và nhiều nước trong khu vực, video art không còn là xa lạ, trở thành một phương tiện biểu đạt sáng tạo nghệ thuật thị giác, bên cạnh nghệ thuật “truyền thống” như hội họa, điêu khắc...
Tuy nhiên, ở Việt Nam, loại hình này chưa quen thuộc với cả nghệ sĩ và công chúng. So với nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn, số lượng nghệ sĩ thực hành video art không nhiều. Một lý do được đưa ra là bởi những yếu tố liên quan đến kỹ thuật khi sáng tạo, nên không thu hút được thế hệ nghệ sĩ có tuổi và những người có hạn chế nhất định về điều kiện máy móc, phương tiện. Cũng vì thế, có thể thấy rằng, các nghệ sĩ tiếp cận hình thức nghệ thuật này phần lớn là người trẻ, hiểu biết về kỹ thuật, internet, ham thích tìm tòi và thử nghiệm các kỹ thuật nhằm tạo ra phương thức biểu đạt mới.
Từ những năm cuối thập kỷ 1990, đã có một số triển lãm video art được nghệ sĩ Việt giới thiệu tới công chúng. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, nhìn chung sáng tác video art trước kia có kỹ thuật khá thô sơ, nhiều sáng tác mang nặng xúc cảm hội họa, kỹ thuật hạn chế. Đến nay, số nghệ sĩ thực hành video art vẫn chiếm tỷ lệ rất ít so với nghệ thuật hội họa truyền thống. Một số lý do có thể kể tới là video art chưa được nhiều công chúng đón nhận, việc trưng bày và bán tác phẩm không dễ dàng…
Nhằm giúp khán giả phần nào hiểu thêm về video art, loại hình độc đáo mang đầy tính gợi mở của nghệ thuật đương đại, mới đây, Trung tâm Nghệ thuật VCCA, Hà Nội tổ chức triển lãm Fragments giới thiệu các tác phẩm của nghệ sĩ Nhật Bản Hirakia Sawa. Sử dụng các tác phẩm điêu khắc và thể hiện sự biến đổi qua thời gian, nghệ sĩ dùng các đồ vật nhỏ như bánh răng máy bay, sợi dây, ngựa gỗ đồ chơi, tảng băng, cả đồ gia dụng... và “thổi hồn” cho chúng bằng kỹ thuật làm phim. Từ đó, tác phẩm điêu khắc bất động được “di chuyển” trong tác phẩm video, thể hiện sự biến đổi trong không gian, theo thời gian. Hirakia Sawa cho biết, anh tạo ra các tác phẩm bằng cách lấy những vật thể, dùng kỹ thuật số thay đổi kích thước của chúng, ghép nhiều yếu tố lạ thường vào một khung hình và đặt chúng trong một bối cảnh bình thường của đời sống hiện đại...
Tương tác không gian và thời gian
Nếu khách tham quan mang tâm thế đến triển lãm như để xem một bộ phim, hay chương trình truyền hình, với nội dung rõ ràng, trọn vẹn có mở đầu, có kết thúc, thì họ sẽ nhanh chóng cảm thấy... thất vọng, bởi trong tác phẩm không có diễn viên, đối thoại, câu chuyện hay cốt truyện rõ ràng. “Tôi chỉ đơn thuần tạo ra ấn tượng thị giác mạnh để thu hút người xem. Tôi không chủ đích tạo ra khởi đầu hay kết thúc của hình ảnh. Dĩ nhiên, tác phẩm luôn có sự bắt đầu hay kết thúc, nhưng không phải theo cách của một bộ phim” - nghệ sĩ Hirakia Sawa chia sẻ.
Trên thế giới, video art không chú tâm đến nội dung câu chuyện, kịch bản như điện ảnh mà sáng tạo những hình ảnh mới, mỹ cảm mới, tác động lên thị giác và cảm giác người xem. Với loại hình nghệ thuật này, khán giả thưởng thức sẽ được thấy sự kết hợp các yếu tố thực và ảo, với những hình ảnh được quay với góc máy lạ, chuyện động đan xen, kết hợp không gian ánh sáng, tiếng động...
Cũng bởi sự mới mẻ này, tới xem triển lãm, có khách tham quan chia sẻ, tác phẩm video art không tạo được hiệu quả về thẩm mỹ, ấn tượng như các tác phẩm hội họa hay điêu khắc. Cũng có người lại cho rằng, tác phẩm video art được giới thiệu có yếu tố của phim, nhưng suy lý, có nhiều tìm tòi sáng tạo hơn, hình ảnh đọng lại trong tâm trí người xem đậm nét hơn.
Trong kỷ nguyên hậu internet, ai cũng có thể sản xuất và tiêu thụ quá nhiều hình ảnh trong cuộc sống thường ngày. Vì thế, nghệ sĩ có xu hướng tạo ra cách thể hiện và cảm thụ nghệ thuật mới, mà khán giả không thấy trong đời thường. Giám đốc nghệ thuật VCCA Mizuki Endo cho rằng: Mỗi loại hình nghệ thuật đều có đặc thù và xã hội phát triển chắc chắn sẽ xuất hiện thêm nhiều loại hình nghệ thuật mới. Nghệ sĩ sẽ luôn tìm các hình thức thể hiện trải nghiệm của mình sao cho tốt nhất. Tuy vậy, không vì có các loại hình nghệ thuật mới như video art mà hội họa mất đi, trong tác phẩm video art vẫn có những yếu tố hội họa, điêu khắc... Hơn nữa, dù ở bất kỳ loại hình nghệ thuật hay hình thức thể hiện nào thì cốt lõi ở đó vẫn là sự sáng tạo không ngừng của nghệ sĩ.