Từ những bộ phim kinh điển nghĩ về phim Việt hôm nay

Điện ảnh Việt Nam từng để lại dấu ấn không chỉ với công chúng trong nước mà còn tạo ấn tượng với thế giới, gặt hái những giải thưởng quốc tế qua những bộ phim như “Cánh đồng hoang”, “Chung một dòng sông”“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nổi gió”, “Em bé Hà Nội”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, ... Thế hệ đi trước đã đặt những viên gạch nền vững chắc, song sự tiếp nối của ngày hôm nay thì sao?

20190107 Canh dong hoang

Nghệ sĩ Lâm Tới trong phim “Cánh đồng hoang”, một thời nổi danh.

Dòng sông không ngừng trôi

Thế hệ đi trước đã tạo ra những nền móng vững chắc còn sự tiếp nối của ngày hôm nay thì sao? Đây là một câu hỏi lớn, một vấn đề lớn, mà hẳn là từ những góc nhìn khác nhau sẽ có những cách lý giải khác nhau. Nhưng chắc chắn, nhiều người đều thống nhất rằng, “dòng sông” điện ảnh Việt vẫn không ngừng chảy. Và ở mỗi thời kỳ, cách “chảy” là khác nhau, điều đó tạo nên sự phong phú đồng thời bộc lộ những ưu khuyết của từng thời kỳ.

Nhắc đến điện ảnh Việt Nam, người ta thường nhắc tới những thế hệ làm phim với những tên tuổi như các đạo diễn Nguyễn Hồng Sển, Hải Ninh, Lê Hoàng Hoa, Lê Dân, Đặng Nhật Minh…; các diễn viên: Trà Giang, Kiều Chinh, Thế Anh, Lan Hương… đã từng tạo nhiều dấu ấn với “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nổi gió”, “Em bé Hà Nội”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cánh đồng hoang”… Đến nay, những tác phẩm điện ảnh này vẫn còn được nhiều người nhắc. Sau thời kỳ này, khi bước vào thời kỳ đổi mới, điện ảnh Việt Nam lấy lại được khán giả với những bộ phim ăn khách như “Gái nhảy”, “Những cô gái chân dài” của đạo diễn Lê Hoàng. Bên cạnh đó, một số bộ phim Việt Nam đã được khán giả nước ngoài biết tới, trong đó nhiều phim của các đạo diễn Việt kiều như “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng đã được đề cử giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất năm 1994. 

Kế đó, điện ảnh Việt cũng chứng kiến một thời làm phim theo kiểu “mì ăn liền”. Sang đầu thế kỷ 21, điện ảnh Việt lại có bước chuyển mạnh mẽ khi nhiều nhà làm phim đầu tư nhân lực, vật lực để sản xuất những bộ phim hướng ra thị trường chiếu rạp. Sự góp mặt của nhiều đạo diễn Việt kiều như Hồ Quang Minh (“Thời xa vắng”), Đoàn Minh Phượng (“Hạt mưa rơi bao lâu”), Nguyễn Võ Nghiêm Minh (“Mùa len trâu”), Lưu Huỳnh (“Áo lụa Hà Đông”, “Huyền thoại bất tử”)… đã nhường lại sân cho thế hệ tiếp theo với những cái tên mới như: Charlie Nguyễn (“Dòng máu anh hùng”, “Để Mai tính”, “Long Ruồi”, “Cưới ngay kẻo lỡ”), Victor Vũ (“Chuyện tình xa xứ”, “Giao lộ định mệnh”, “Cô dâu đại chiến”, “Thiên mệnh anh hùng”)… đã làm cho điện ảnh Việt có những màu sắc khác. Và chúng ta nhận thấy, các bộ phim này đã thu hút được một bộ phận khán giả, kéo họ đến rạp. Thành công của những bộ phim có tính thương mại đã làm nên nhiều kỷ lục phòng vé mà trước đó ở Việt Nam chưa ai làm được.

Nhiều ý kiến cho rằng, ưu điểm của các đạo diễn Việt kiều là có tay nghề. Đặc biệt với các đạo diễn đến từ Mỹ, nơi môi trường phim giải trí đã rất phát triển nên kỹ năng và cách suy nghĩ của họ về phim giải trí vì thế mà cũng gần hơn với chuẩn mực. Với thế mạnh đó, họ dễ dàng nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất đang đi tìm cách làm phim mới để thu hút khán giả hơn. Thêm nữa, họ xuất hiện đúng thời điểm khi mà các đạo diễn trong nước khá ít, lại đang “loay hoay” tìm đường, thì ngay lập tức, những tác phẩm điện ảnh với góc nhìn mới, cách khai thác mới, lại đánh trúng tâm lý khán giả đã nhanh chóng tạo nên dấu ấn, và gặt hái ở góc độ thương mại.

Tư duy “ăn xổi”

So sánh luôn là sự khập khiễng và thường là khởi đầu của những mối bất hòa, những tranh luận. Bởi ở mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn, và cụ thể là với từng bộ phim, các nhà sản xuất, nhà đầu tư, đạo diễn có những mục đích riêng. Họ làm phim theo những mong muốn của họ. Cũng như thế hệ trước đây có những khuôn khổ riêng, họ phải làm phim để trước hết với mục đích tuyên truyền, hoặc do sự chỉ đạo, định hướng nào đó. 

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, quan sát trên thị trường điện ảnh không khỏi băn khoăn về sự “bùng nổ”, “trăm hoa đua nở” của các nhà sản xuất phim vớ những “mánh lới” khác nhau. Trong khi kịch bản thiếu, người ta đô xô mua kịch bản nước ngoài về làm lại, hình thành hẳn cả một dòng phim remake. Những bộ phim “nửa Việt nửa Hàn” khuấy đảo các phòng vé, chưa kể sự Việt hóa không tới, hoặc chưa đủ tầm để xảy ra những sai sót đáng chê trách mà năm qua, “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt là một ví dụ.

Bên cạnh đó, là sự đầu tư hay dàn dựng cũng chưa thể nói là đã cao, thậm chí còn rất hời hợt, nhất là ở những bộ phim mang tính “mùa vụ” , “ăn xổi” với hài nhảm, nhạt nhẽo… Nhưng khán giả vẫn phải bỏ tiền mua vé, và xem xong, nhiều người tiếc ngẩn khi đã “chọn nhầm”. Nếu cũng với số tiền đó, họ mua vé xem phim nước ngoài chiếu trên rạp thì đã mãn nhãn với kỹ xảo, cách dàn dựng công phu và chuyện phim hấp dẫn.

Tất nhiên, cần kêu gọi người Việt  xem phim Việt. Nhưng phim Việt đừng làm mất niềm tin của khán giả, đừng chỉ khiến khán giả móc ví trả tiền mà ít quan tâm đến tâm lý khán giả, và quan trọng không kém là nuôi dưỡng tình yêu của họ với điện ảnh nước nhà. 

Một thế hệ điện ảnh mới đang hình thành và vươn ra thế giới

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm- tác giả cuốn sách “101 bộ phim Việt Nam hay nhất” cho rằng, “chúng ta có nhiều bộ phim hay, cảm động và để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả. Qua những bộ phim, tôi cảm nhận được tâm hồn, văn hóa, con người Việt Nam”. Đây cũng chính là tiêu chí của anh khi lựa chọn 101 bộ phim cho cuốn sách của mình. Đặc biệt, những bộ phim nói về vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam, vẻ đẹp của văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam bằng điện ảnh và phải do nghệ sĩ Việt Nam (hoặc gốc Việt) sáng tạo.

Theo ông Lê Hồng Lâm, nếu phải chọn 10 phim Việt hay nhất để giới thiệu với thế giới, thì danh sách đó như sau: Bao giờ cho đến tháng Mười, Cánh đồng hoang, Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Thương nhớ đồng quê, Mùa len trâu, Mùa ổi, Ba mùa, Đời cát, Bi, đừng sợ! “10 bộ phim này là những phim đoạt các giải thưởng điện ảnh quan trọng tại một số liên hoan phim quốc tế hay các cuộc bình chọn uy tín của thế giới nên tôi nghĩ chúng đã tiệm cận với trình độ kỹ thuật hoặc thẩm mỹ của điện ảnh thế giới. Nhưng quan trọng hơn, xem những bộ phim này, ta thấy chân dung của con người, văn hóa Việt Nam hiện lên rõ nét và không trộn lẫn với bất cứ một nền văn hóa nào khác. Những giá trị cốt lõi của tinh thần Việt Nam mà các bộ phim này chạm được, tôi nghĩ còn quan trọng hơn kỹ thuật, bởi kỹ thuật chỉ là một phương tiện biểu đạt cho điều cốt lõi này mà thôi”- nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm chia sẻ.

Bằng quan sát của mình sau hơn 20 năm theo dõi điện ảnh, xem hàng ngàn bộ phim của điện ảnh Việt, Lê Hồng Lâm nhận thấy một điều là điện ảnh Việt Nam gần như không có giai đoạn nào thực sự “cất cánh và bay cao”. “Nhưng thời nào cũng vậy, giữa hàng loạt những bộ phim tầm thường, vẫn có những bộ phim khiến ta lay động và có niềm tin rằng, những tài năng của điện ảnh Việt Nam dù ít, nhưng luôn luôn hiện hữu. Vì vậy, tôi hiếm khi thấy bi quan về điện ảnh Việt”- Lê Hồng Lâm cho biết, và thêm rằng: “Tôi không hy vọng một cuộc “cánh cánh và bay cao”, nhưng tôi cảm nhận có một thế hệ điện ảnh mới đang dần dần hình thành và vươn ra thế giới. Tất nhiên, sức ảnh hưởng của họ đến đâu thì phải chờ thời gian trả lời”.

Chia sẻ về những bộ phim giải trí hiện nay, theo ông Lê Hồng Lâm, khán giả cũng không nên có cái nhìn quá tiêu cực về điện ảnh Việt, bằng chứng là gần đây vẫn có những bộ phim hay, đủ sức hấp dẫn lôi kéo khán giả tới rạp. Điều đó cũng chứng tỏ khán giả vẫn còn yêu và ủng hộ phim Việt.            

Cảnh trong phim “Lật mặt” đang ăn khách.

“Người Việt Nam hay có một định kiến về phim Việt Nam, họ cho rằng điện ảnh Việt Nam không có gì. Đó chỉ là những bộ phim không mang lại giá trị gì về mặt nghệ thuật hay tinh thần”- nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng đó là những nhận định sai lầm của người Việt đối với nền điện ảnh nước nhà. Bởi theo anh, hiểu và yêu phim Việt cũng giống như hiểu và yêu một người không phải vì người đó vốn dĩ đã hoàn hảo, mà vì người đó đã nỗ lực đạt gần tới chỗ hoàn hảo trong khả năng có thể, và mang tiềm năng cho sự hoàn hảo trong tương lai. 

Hoàng Oanh

Nguồn: Đại đoàn kết, ngày 01.01.2019.

Thông tin truy cập

63688613
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8905
23426
63688613

Thành viên trực tuyến

Đang có 902 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website