Hòa ước Giáp Tuất được ký ngày 18-3-1874, toàn cõi miền Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Bốn năm sau đó, ngày 6-4-1878, thống đốc Nam Kỳ là phó đề đốc Hải quân Pháp Louis Lafont ban hành nghị định, kể từ ngày 1-1-1882 bắt buộc tất cả những giấy tờ hành chánh như công văn, nghị định, sắc lệnh, án tòa v.v… không được viết bằng chữ Hán nữa, mà phải viết bằng mẫu tự La Tinh, tức là chữ Pháp hoặc chữ Quốc ngữ. Ngoài ra, những người muốn vào làm việc cho các cơ quan nhà nước ở các cấp phủ, huyện, tổng phải biết chữ Quốc ngữ. Thời gian ban hành nghị định và thời gian thi hành cách nhau 4 năm để có đủ thời gian tổ chức giáo dục. Chương trình cho bậc tiểu học Pháp-Việt là 6 năm, 3 năm đầu học sinh được học 3 thứ chữ là chữ Nho, Pháp và Quốc ngữ, nhưng 3 năm sau chỉ còn học chữ Pháp và Quốc ngữ mà thôi. Kể từ đây, người Việt được học theo hệ thống giáo dục của Pháp và bắt đầu làm quen với phong tục và văn hóa Tây phương. Kết quả của sự cưỡng bách giáo dục này là đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tại Việt Nam đã có nhiều người theo tân học. Nhờ tiếp xúc với nền văn minh Tây phương, những người theo tân học này, trong đó bao gồm cả những nhà cách mạng, nhà báo và các nhà trí thức nhận thấy xã hội Việt Nam còn thua kém nhiều nước trên thế giới nên đã có nhiều phong trào kêu gọi dân Việt nên canh tân, đổi mới ngõ hầu theo kịp nền văn minh tiên tiến và danh từ “Cải Lương” đã bắt đầu được nhiều người biết đến.
Nếu giải thích theo định nghĩa thông thường của tự điển bằng cách cắt nghĩa riêng từng chữ Hán Việt “cải” có nghĩa là “sửa đổi” và “lương” có nghĩa là “tốt lành” rồi ghép lại thì hai chữ “Cải Lương” có nghĩa là “sửa đổi cho trở nên tốt hơn”. Định nghĩa đó quả đúng như hoài bão của Lương Khắc Ninh khi ông muốn “Cải Lương” lại bộ môn Hát Bội vào những năm 1916, 1917 vì lối diễn xuất cùng hát xướng của các đào kép hát bội ngày càng sút kém, nên ông kêu gọi chấn chỉnh lại lối hát cùng diễn xuất cho hay như xưa. Tuy nhiên, vào những thập niên cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, hai chữ “Cải Lương” tại Việt Nam có một định nghĩa khác, được dùng trong nhiều trường hợp để chỉ sự “Thay Cũ Đổi Mới”, kêu gọi “Duy Tân” theo nền văn minh Tây phương, thí dụ như “Cải Lương Hương Chính”: tổ chức hành chánh làng xã theo lối mới; có hợp tác xã, “Sử Ký Cải Lương”: viết sử theo phương pháp Tây phương theo diễn biến sự việc, thay vì viết theo niên biểu; “Đám Tang Cải Lương”: tang lễ làm theo nghi thức Tây phương; “Thiên Chúa Cải Lương”: đạo Protestantisme (đạo Tin Lành, người Trung Quốc gọi là Tân Giáo); “Quốc Âm Cải Lương”: dùng chữ quốc ngữ để phiên âm tiếng ngoại quốc thay vì dùng Hán Việt (thí dụ: cà phê, ba ton, bánh bích quy…), “Cúp Tóc Cải Lương”: hớt tóc ngắn thay vì để búi tóc ; “Chèo Cải Lương” tức “Chèo Văn Minh”: hát chèo trên sân khấu ở rạp có bài trí phông màn như sân khấu thoại kịch Tây phương thay vì hát ở sân đình, phục trang cải tiến v.v…
Các sách báo thời đó khi dịch hai chữ “Cải Lương” ra tiếng Pháp thì họ dùng từ “Modernes” có nghĩa là “hiện đại hóa”. Tác giả Trung Trực đã viết trong báo Lục Tỉnh Tân Văn ngày 9-2-1923 bài “Tình Trạng Cải Lương Của Người Mình” như sau:
“Đang buổi phong trào thay cũ làm mới, cái tiếng cải lương xuất hiện ở xứ mình, nghe ra ngày một cổ võ vô cùng, trong dân bất cứ là làm những việc gì, đều mượn cái tiếng cải lương bịa vào để nghe cho đẹp! Nào là nghề diễn kịch cũng cải lương, cuộc tuyển cử Nghị viên quản hạt cũng cải lương, việc hôn, quan, tang, tế cũng cải lương, vân vân; nên làm những việc chi hễ bịa vào tiếng nói cải lương được, thì trong trí vẫn trộm tưởng rằng việc ấy đã thập phần hoàn mỹ, không còn điều chi phải ái ngại nữa. Mà thật thế, phàm việc gì đã gọi rằng cải lương, thì cả thảy ai ai cũng phải nhìn cho là việc hoàn mỹ vậy. Nhưng mà, nếu có ai là người ưu thời mẫn tục, lưu tâm chính xét đến hiện tình cải lương tấn bộ của người nước mình, thì người ấy ắt phải châu mày về nỗi lễ nghi trật tự nước nhà ngày kia phải điên đảo cũng bởi cái tiếng cải lương đó đi mà chớ. Là bởi tiếng cải lương của người mình đang dùng đó, phần nhiều chưa thấy có cái hiệu quả gì vào đường khai trí tấn đức của quốc dân, mà xét kỹ ra, thì cũng phần nhiều hình như đem việc tệ nay mà thay vào việc tệ xưa, hoặc đem một việc mới không cần dùng mà đổi phứt đi với một việc cũ đã giúp ích cho nước nhà xã hội ta từ xưa một nền luân lý rất đẹp đẽ vô cùng.
Nghĩ ra, thì cái tiếng cải lương của dân ta đang hâm mộ, đang trọng dụng bây giờ đó, ví khác nào một gã dung y kia ham dùng những vị thuốc độc ấy đâu. Mà quả làm vậy, cái hại của những người chưa có trí dục và đức dục mà lạm dùng hai chữ cải lương, thì có khác nào cái hại của bọn dung y chưa thông tánh dược mà lại ham dùng những vị thuốc độc.”
Đến giữa thập niên 1910, tại miền Nam có nhiều tỉnh đã lập ra những hội Khuyến Học với mục đích là khuyến khích và giúp đỡ dân Việt trong việc theo tân học, cải tiến canh nông, thương mại, kỹ nghệ v.v… Năm 1916, hội Khuyến Học Long Xuyên do đốc phủ Lê Quang Liêm, còn gọi là Đốc phủ Bảy làm hội trưởng lập ra “Cải Lương Kịch Xã”, thành viên là những nhà trí thức, thông ngôn, ký lục để trình diễn những vở kịch nói bằng tiếng Pháp và tiếng Việt cho công chúng xem.
Trong buổi tiệc mừng ngày 16-9-1917 tại nhà hàng Soái Kình Lâm ở Chợ Lớn để đón tiếp hội Khuyến Học Long Xuyên lên Sàigòn, Nguyễn Chánh Sắt đã tóm tắt sứ mạng của các hội Khuyến Học như sau: “Tôi nghĩ vì Khuyến Học Hội là chỗ giáo dục nhân tài, chư Báo Quán là nơi quảng khai dân trí, còn Cải Lương Kịch Tràng là chỗ điểm hóa nhân tâm. Nếu ba nhà ấy mà liên hiệp với nhau, lo tìm điều công ích mà phổ hóa cho đồng bào, dường ấy thì cái tiền đồ của quốc dân ta mới thấy mon men tới bến văn minh mà vẻ vang trong hoàn võ”.
Đốc phủ Lê Quang Liêm (người đứng giữa mặc áo gấm) và các viên chức trong hội Khuyến Học Long Xuyên
Nhóm “Cải Lương Kịch Xã” này trình diễn lần đầu tại Long Xuyên nhân ngày quốc khánh Pháp 14-7-1916. Năm sau, cũng vào ngày quốc khánh Pháp 14-7-1917, “Cải Lương Kịch Xã” trình diễn vở kịch “Vì Nghĩa Quên Nhà” bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp do Đốc phủ Bảy và Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh) sáng tác để lấy tiền giúp cho cô nhi quả phụ trong trận thế chiến lần thứ nhất. Buổi trình diễn này rất thành công, được cả người Pháp lẫn người Việt ca ngợi nên hội Khuyến Học Long Xuyên tiếp tục lên Sàigòn trình diễn tại rạp hát bóng Eden vào hai ngày 11 và 12 tháng 9 năm 1917.
Hai chữ “Cải Lương” dùng để chỉ bộ môn kịch nghệ sân khấu lần đầu được báo chí nhắc đến trong dịp này. Lần thứ nhất Nguyễn Chánh Sắt viết trong bài giới thiệu “Cải Lương Kịch Xã” trong “Nông Cổ Mín Đàm”:
“Bổn quán xin nhắc lại cho liệt vị rõ rằng bạn hát Cải Lương nầy toàn là mấy thầy trong hội Khuyến Văn tỉnh Long Xuyên làm tuồng, đều là người có học thức, chớ chẳng phải như hát bội Annam mà chúng ta xem thường tự thuở đến nay đâu”. (Nông Cổ Mín Đàm ngày 6-9-1917)
Lần thứ nhì là trong bản tin tường thuật cuộc hát tại Gò Vấp:
“Cuộc hát làm phước tại Gò Vấp:
Đêm 20 Septembre 1917 rồi đây cuộc hát làm phước của mấy ông Hội đồng quản hạt bày ra tại rạp hát Cải Lương Gò Vấp, thâu được ba trăm mấy chục đồng, và đã dâng liền cho hội Ái Quốc Sàigòn và để tế cấp cho những trẻ mồ côi vì cuộc binh tai bên Âu Châu”. (Nông Cổ Mín Đàm ngày 18-10-1917)
Lần thứ ba đề cập trong lời giới thiệu bài ca Tứ Đại khuyên đồng bào giúp cô nhi quả phụ:
“Bổn quán xin nhắc lại rằng trong đêm 12 Septembre 1917, là đêm Hội Khuyến Học Long Xuyên diễn tuồng Cải Lương tại rạp hát Cô Tám ở Chợ Lớn, trong khi đổi lớp tuồng thì có đờn tài tử và ca”. (Nông Cổ Mín Đàm ngày 6-12-1917)
Như vậy, hai chữ “Cải Lương” được dùng cho bộ môn sân khấu bắt nguồn từ bộ môn Kịch Nói do hội Khuyến Học Long Xuyên khai sinh với nhóm “Cải Lương Kịch Xã” là để “diệt tục phong di theo lối văn minh thời đại”. Bộ môn kịch nói được gọi là “Cải Lương” này là trình diễn theo lối “văn minh” của kịch nghệ Tây phương đã được Nguyễn Chánh Sắt giải thích rõ ràng như sau:
“Vả chăng trong cuộc hát xướng mà cải lương theo lối văn minh thời đại này, thì vẫn có ba điệu: Một là Opéra (Ô-bê-ra); Hai là Opérette (Ô-bê-rết); Ba là Comédie (Cô-mê-di)[2]. Opéra là tuồng hát ròng Nam Khách ngâm nga, có múa nhảy và có đờn ca nhạc trổi từ đầu tuồng cho đến vãn; Opérette là tuồng hát có Nam Khách ngâm nga mà cũng có khi diễu cợt; còn tuồng Comédie cũng như tuồng đồ để mà bao biếm phong tục, và cũng có làm trò diễu chơi cho vui dạ kẻ khán tràng.
Nay Hội Khuyến Học Long Xuyên mà hát đó là hát tuồng Comédie (Cô-mê-đi) rồi lần lần đây sẽ đặt tuồng thêm mà hát cho đủ ba điệu cho được trọn tốt trọn lành, chớ nay mới khởi ra thì làm sao cho toàn hảo được”. (Nguyễn Chánh Sắt, “Cuộc Hát Cải Lương”, Nông Cổ Mín Đàm, 27-9-1917).
Vở “Vì Nghĩa Quên Nhà” tuy không phải là vở kịch đầu tiên viết bằng tiếng Việt, nhưng nhờ có sự trình diễn của các vị trí thức trong nhóm “Cải Lương Kịch Xã” của hội Khuyến Học Long Xuyên cùng với sự phổ biến rộng rãi của báo chí thời đó nên được nhiều người biết đến. Lối diễn xuất tự nhiên cùng với lời đối thoại trong sáng, dễ hiểu, khác xa với bộ môn hát bội nên đã được đón nhận nhiệt liệt, mở đầu cho một luồng gió mới trong bộ môn kịch nghệ Việt Nam.
Trước đây cũng đã có nhiều nơi diễn những vở kịch của Pháp, hoặc bằng tiếng Pháp, hoặc được dịch ra tiếng Việt, nhưng thường là trong phạm vi của những trường học hoặc nhà thờ, chưa được phổ biến rộng rãi trong công chúng vì nội dung những vở kịch đó thường mang tính cách học đường hoặc tôn giáo. Thỉnh thoảng trên báo chí cũng có đăng những vở kịch bằng tiếng Pháp được dịch sang tiếng Việt, nhưng văn phong của những vở kịch dịch đó vẫn còn chịu ảnh hưởng của lối viết tuồng hát bội. Thí dụ như trong Nông Cổ Mín Đàm có đăng những vở kịch dịch từ tiếng Pháp của Nguyễn Ngọc Ẩn như “Con Khỉ Hát Bóng” ngày 14-11-1914, “Gà Và Vịt” ngày 9-2-1915 và “Nhuệ Minh Kê” ngày 10-2-1916. Vở “Nhuệ Minh Kê” được dịch ra từ vở kịch Chantecler (1910) của thi sĩ kiêm kịch tác gia người Pháp là Edmond Rostand, diễn tả cuộc đối đáp của con gà trống cắt nghĩa cho con chim trĩ nghe về việc gà trống gáy sáng đánh thức mặt trời dậy. Vở kịch này rất nổi tiếng và hiện nay được coi như là một trong những vở kịch kinh điển của bộ môn kịch nghệ đầu thế kỷ 20. Sau đây là một phần trích đoạn của vở “Nhuệ Minh Kê” do Nguyễn Ngọc Ẩn dịch, ta thấy vẫn còn văn phong cùng những câu “hường”, “vĩ” của hát bội:
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Thư Trĩ kinh hoàng nhi viết:
Húy cha chả!
Nhuệ Minh Kê viết:
Và cái tiếng gáy của ta
Đã chắc rồi chỗ thắng không sai,
Liền trổi tới giọng hùng thêm rõ,
Càng nghe càng ó
Càng lóng càng oai
Chơn trời mù sảng sốt thừa sai,
Vừng mây ửng nhộn nhàng phụng lịnh!
Thư Trĩ viết:
Húy cha chả!
Nhuệ Minh Kê viết:
Ta gáy lên, chừng đó thì
Đêm hắc ám cầu hòa dua nịnh
Mượn huỳnh hôn hối lộ tà tây;
Dẫu thế nào, ta cũng không nghe;
Vì nghĩa nọ, ta thì cứ gáy!
Rồi phút chốc...
Thư Trĩ viết:
Húy cha chả!
Nhuệ Minh Kê viết:
Ta thối lui, lạ bấy!
Thoạt mình đà rực rỡ, xinh thay!
Ta đây. Chẳng qua là đứng giữa quần kê
Mà lại đã làm lên mặt nhựt!
Thư Trĩ viết:
Té ra, đó là trọn cả cái điều bí nhiệm nó làm cho mi gáy sao?
Nhuệ Minh Kê viết:
Ấy cũng bởi vì ta dám chắc
Rằng nếu mà không mỗ đảm đương
Thì hẳn hòi ở phía Đông phương
Sẽ mê mẩn yên vòng hắc tịch!
Ta nào ráng “ó o” thích lịch
Đặng mà xin eo éo lôi đồng!
Ta chỉn vì quang diệu gia công,
Dễ nào tưởng vinh hoa cần tác.
Gáy là hẳn phép ta công phạt
Gáy là rành lẽ mỗ tư lương;
Và nếu mà trong. Tiếng tầm thường, giọng mỗ phi thường,
Ấy là chỉn vì ta. Gáy minh bạch, cho trời thanh bạch!
Những vở kịch do nhóm “Cải Lương Kịch Xã” diễn đã không còn ảnh hưởng theo lối viết văn của hát bội nữa vì những vị trong hội Khuyến Học Long Xuyên là những người theo tân học và họ đã từng diễn những vở kịch của Pháp bằng tiếng Tây trước đó rồi. Sau đây là lớp thứ nhất của vở tuồng “Vì Nghĩa Quên Nhà”[3] do Lê Quang Liêm và Hồ Biểu Chánh sáng tác:
Lớp nhứt
Giở màn ra thì thấy Lê Hiền Sĩ đương ngồi dạy con trai lớn và con gái học dựa bàn. Cô Thông ngồi may trên bộ ván, còn đứa con trai nhỏ nằm ngủ một bên.
Lê Hiền Sĩ: Con dạy hoài cũng vậy. Làm toán mà viết không ngay hàng cộng làm sao được?
Ngọc Anh: Tại cha không gạch mà ai viết cho ngay được?
Hiền Sĩ: Đâu, đưa tao viết lại cho mà cộng.
(Hiền Sĩ lấy giấy viết rồi đưa lại cho con gái)
Hiền Sĩ: Đây, cộng đi.
Ngọc Anh: Bảy với chín là... là...
Hiền Sĩ: Mấy?
Ngọc Anh: Mười lăm.
Hiền Sĩ: Cộng sao mà mười lăm? Con nầy muốn tao bộp tai bể đầu?
(Ngọc Anh mếu và tay dụi con mắt)
Hiền Sĩ: Bây giờ mầy ngồi đó khóc hay sao?
Trần Thị Oanh: Cha nó nạt om sòm, con nó hết hồn, nó học sao được?
Hiền Sĩ: Đồ ngu quá, không rầy sao được?
Thị Oanh: Thủng thẳng mà dạy nó chớ!
Hiền Sĩ: Mẹ nó tài nói giỏi hoài. Đâu mẹ nó dạy thử nó, rồi coi có nóng hay không?
Thị Oanh: Đã biết mình dạy con mình thì sao mình cũng muốn nó mau giỏi. Hễ nó không hiểu thì sao mình cũng giận. Vậy mình mà biết dằn lòng, hòa huỡn mà dạy nó được mới hay chớ!
Hiền Sĩ: Hứ! Thánh Hiền xưa còn phải nóng, lựa là tôi. Hèn chi cổ nhơn diệt tử nhi giáo cũng phải.
(Chú Bếp hầu ngoài cửa bước vô xá thầy thông và thiếm thông)
Hiền Sĩ: Có chuyện chi hay chú Bếp?
Bếp hầu: Dạ, bẩm thầy quan lớn chánh cho mời thầy.
Hiền Sĩ: Ủa! Chúa nhựt mà có chuyện chi hay chú?
Bếp hầu: Dạ, bẩm tôi không biết. Quan lớn mới được cái giây thép rồi hối tôi đi mời thầy đây.
Hiền Sĩ: Quan lớn ở nhà tư hay là nhà hầu?
Bếp hầu: Bẩm trên nhà tư.
Hiền Sĩ: Ừ! Thôi chú về đi, để tôi thay đồ rồi tôi lên sau.
Bếp hầu: Bẩm thầy tôi về, bẩm cô tôi về.
(Bếp hầu đương bước ra, Hiền Sĩ đương đứng dậy bước vô buồng thì màn kéo lại)
Với những lời đối thoại như vậy và cách diễn xuất mới lạ, những vở kịch do nhóm “Cải Lương Kịch Xã” trình diễn đã mau chóng được mọi người chấp nhận. Tuy nhiên, ta cũng phải thừa nhận rằng cũng nhờ có trận thế chiến lần thứ nhất nên mới có nhu cầu lạc quyên giúp đỡ cô nhi quả phụ trong trận chiến, những hội đoàn như hội Khuyến Học, hội Nhà Báo mới có cơ hội trình diễn những vở kịch mới để quảng bá trong quần chúng. Sau này, khi nhắc đến Hồ Biểu Chánh, người ta thường nhớ tới ông với tư cách là một nhà văn, nhà báo mà quên một điều là ông cũng là một trong những kịch tác gia tiên phong trong việc Việt hóa bộ môn kịch nghệ của Pháp. Hồ Biểu Chánh cũng đã đóng góp nhiều trong công cuộc “cải lương” nghệ thuật sân khấu miền Nam khi tham gia cuộc quốc trái lần thứ tư vào năm 1918. Trong cuộc quốc trái đó, không những Hồ Biểu Chánh đã đóng một vai trong tuồng “Pháp Việt Nhứt Gia” với lối trình diễn mới, ông còn cho trình diễn vở kịch nói “Phú Nhi Háo Nghĩa” do ông sáng tác để giới thiệu một loại nghệ thuật sân khấu mới lạ cho người dân vùng Nam Kỳ lục tỉnh. Bên cạnh Hồ Biểu Chánh, công của đốc phủ Lê Quang Liêm cũng không nhỏ khi ông cho lập nên “Cải Lương Kịch Xã” để diễn những vở kịch mới, mở đường cho sự ra đời của nghệ thuật sân khấu “Cải Lương” sau này.
[1] Nguyễn Tuấn Khanh, Bước Đường Của Cải Lương, California-USA, Viện Việt-Học, 2014, trang 83.
[2] Opéra = Nhạc kịch, Opérette = Ca kịch, Comédie = Hí kịch
[3] Lê Quang Liêm - Hồ Biểu Chánh, Vì Nghĩa Quên Nhà, Imprimerie Moderne S. Montégout, Saigon, 1917. (215553 7/23/2019)