“Đời cát”, bộ phim giúp tên tuổi của Hồng Ánh đến gần hơn với khán giả yêu mến điện ảnh Việt sẽ được chiếu lại, trong khuôn khổ Tuần phim Cách mạng Việt Nam - Những góc nhìn trẻ.
Ra mắt năm 1999, Đời cát được xem là bước tiến trong diễn xuất của diễn viên Hồng Ánh. Trong phim, cô vào vai Tâm, người vợ thứ thương chồng, sống hy sinh, chấp nhận san sẻ tình yêu với người vợ cả.
Trong một lần chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM, diễn viên Hồng Ánh cho biết có 3 vai diễn mà cô khó có thể quên trong sự nghiệp. Đó là vai Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng, vai Tâm trong Đời cát, và vai Quỳ trong Người đàn bà mộng du.
Diễn viên Hồng Ánh và cố diễn viên Đơn Dương trong phim Đời cát
“Tôi ám ảnh vai diễn không phải vì sự giống nhau giữa các số phận mà giai đoạn hóa thân thành họ, tôi còn quá trẻ. Khi đóng Tâm trong Đời cát, tôi mới 22 tuổi, có nhiều câu hỏi còn thắc mắc. Tôi không hiểu vì sao phụ nữ thời hậu chiến lại chịu cảnh chồng chung như vậy. Khi đóng Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng, quá trình tìm hiểu thế giới tâm linh của người phụ nữ này cũng khiến tôi hoang mang. Với Người đàn bà mộng du cũng vậy, tôi không rõ bằng cách nào những người chứng kiến quá nhiều mất mát trong chiến tranh có thể gượng dậy”, diễn viên Hồng Ánh chia sẻ.
Với diễn xuất ấn tượng trong Đời cát, Hồng Ánh đã đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 45 tổ chức tại Hà Nội vào năm 2000. Vai diễn minh chứng cho thành công của Hồng Ánh ở cả lĩnh vực truyền hình lẫn điện ảnh.
Sau hơn 20 năm phim ra mắt, sắp tới, Hồng Ánh sẽ gặp gỡ khán giả trong khuôn khổ Tuần phim Cách mạng Việt Nam - Những góc nhìn trẻ. Đây là sự kiện do chương trình Cà phê học thuật Nhân văn năm 2022 kết hợp với chương trình Điện ảnh trẻ (Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực) cùng Câu lạc bộ Sân khấu và điện ảnh (Khoa Văn học) tổ chức.
Hình ảnh trong phim Cánh đồng hoang của đạo diễn, NSND Nguyễn Hồng Sển |
Tuần phim Cách mạng Việt Nam - Những góc nhìn trẻ diễn ra vào các ngày 23 - 24/4 và 7 - 8/5. Ở mỗi buổi, khán giả sẽ được xem lại phim và trò chuyện với các diễn viên, đạo diễn, nhà nghiên cứu điện ảnh để hiểu thêm về tác phẩm.
Theo chia sẻ từ đơn vị tổ chức, ngoài Hồng Ánh, chuỗi sự kiện còn có sự tham gia của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, NSƯT Đặng Lưu Việt Bảo, diễn viên Huy Tạ, NSƯT Công Ninh, đạo diễn Lê Hoàng, tiến sĩ Hồ Khánh Vân, đạo diễn Đinh Thái Thụy, biên kịch Vũ Ánh Dương.
Một số phim được chiếu bao gồm Cánh đồng hoang (1979), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), Ai xuôi vạn lý (1996), Đời cát (1999).
“Chương trình được tổ chức với mong muốn đem đến cho các bạn trẻ một không gian thích hợp để tiếp cận và thưởng thức những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Thông qua đó, các bạn sẽ có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ của các khách mời là những người có sức ảnh hưởng và hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật về một miền ký ức bi hùng của dân tộc”, đại diện đơn vị tổ chức chia sẻ. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022).
Chương trình được tổ chức trực tiếp tại Rạp Cinestar Nhà văn hóa sinh viên (TP. Thủ Đức) và Hội trường C, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (cơ sở Thủ Đức).
Diễm Mi
Nguồn: Phụ nữ online, ngày 21.4.2022.