Jean-Louis Taberd và cuốn Dictionarium Anamitico-Latinum

Một trong những quyển tự vị tiếng Việt xa xưa có liên quan tới tiếng Đàng Trong (trong đó chủ yếu là tiếng Nam Bộ) là quyển “Dictionarium Anamitico-Latinum” của Jean-Louis Taberd, (tên Việt là Từ), còn có tên gọi khác là “Nam Việt Dương Hiệp tự vị”, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1838. Quyển tự vị này có nhiều ngữ liệu liên quan đến phương ngữ Nam Bộ vì ba lí do: 1. Theo soạn giả Taberd, cuốn tự vị này được khởi công do vị Giám mục thứ 12 của Giáo phận Đàng Trong là Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) soạn vào những năm 1772-1773, nhưng chưa xong (Bá Đa Lộc, người Pháp, đến Đàng Trong, Hà Tiên, năm 1767 và ông sống chủ yếu ở vùng này nên rất thạo tiếng Đàng Trong); 2. Soạn giả Taberd lại là vị Giám mục thứ 17 của Giáo phận Đàng Trong sang truyền giáo, sống và hoạt động chủ yếu ở Đàng Trong (khoảng 20 năm); 3. Do sự đóng góp hết sức quan trọng của các đại chủng sinh Đàng Trong, đặc biệt là thầy Phan Văn Minh, người làng Cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre (Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853), được phong thánh ngày 19-6-1988, dưới thời Đức Giáo hoàng Jean-Paul II)

Có thể nói Giám mục J. L. Taberd đã học tiếng Việt từ tiếng nói của người dân Đàng Trong. Trong bối cảnh đó, không loại trừ ông đã học tiếng Việt Nam Bộ từ chủng sinh Phan Văn Minh khi còn ở quê nhà Bến Tre. Hơn nữa, khi thầy Phan Văn Minh sang học ở Đại chủng viện Pénang (Malaisia), chưa thụ phong linh mục, thầy Phan Văn Minh, đệ tử của Giám mục J. L. Taberd, đã giúp ông có được những hiểu biết sâu rộng về tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Việt Đàng Trong để hoàn thành quyển tự vị này (Theo tư liệu của Thiên Chúa giáo: Năm 1835, Đức cha Taberd gọi thầy Philipphê Minh sang Calcutta để cùng với Ngài làm tự vị). Nếu xét công mà nói, nhà ngữ học tiền phong này đã góp một phần công sức vào việc hình thành quyển tự vị. Như vậy, có thể xem người là đồng tác giả cũng nên. Trên bình diện khoa học ngôn ngữ, thánh Phan Văn Minh đã có đóng góp âm thầm cho sự phát triển tiếng Việt, thời kì đầu của chữ Quốc ngữ. Cần phải ghi nhận ông là nhà ngôn ngữ học tiên phong, nhà từ điển học của khoa Ngữ học, bên cạnh Giám mục J. L. Taberd, trước cả Trương Vĩnh Ký.

Quyển “Dictionarium Anamitico Latinum” có khoảng 25.000 mục tự vị. Mỗi mục tự vị tuỳ đặc trưng ngữ nghĩa có thể có nhiều hay ít mục tự vị được chọn phân tích diễn giải ngữ nghĩa. Mỗi mục tự vị có 3 cột văn tự được xép theo thứ tự: chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Latin. Chữ Hán giúp nhận diện về phương diện nghĩa các mục tự vị có cùng hình thức ngữ âm, chữ Quốc ngữ được gắn kết trong một chu cảnh giúp nhận diện mục tự vị được chọn để giải thích, chữ Latin dùng để giải nghĩa từ. Như vậy, quyển tự vị này cần cho người nước ngoài học tiếng Việt qua chữ Quốc ngữ và trong chừng mực giúp nắm bắt chữ Hán. Việc giải thích từ ngữ bằng tiếng Latin được xem như một ngôn ngữ khoa học phổ biến thời bấy giờ (Tuy 2 vị giám mục đều là người Pháp, nhưng họ không chọn tiếng Pháp để giải nghĩa các mục từ, mà lại chọn tiếng Latin. Điều này có ý kiến cho rằng thời ấy, hai vị rất coi trọng tính chất khoa học, tính phổ cập của công trình tự vị. Mặt khác, cũng loại bỏ được những ý kiến quy chụp là công trình nhằm phục vụ cho chính sách thực dân Pháp thời bấy giờ). Trong khoảng 25.000 mục từ được chọn giải thích, có rất nhiều mục từ gắn với từ địa phương Nam Bộ. Sở dĩ, có tình trạng này như đã nói trong phần mở đầu do tác giả là những giám mục hoạt động truyền giáo chủ yếu là ở Đàng Trong và những cộng sự giúp họ trong quá trình học tiếng Việt hoặc làm từ điển là những học giả xuất thân từ Nam Bộ.

Nhưng, theo Trần Văn Toàn, trong tự vị còn có những yếu tố của Đàng Ngoài: “…Tuy vậy, tiếng Đàng Ngoài cũng xuất hiện khá nhiều trong tự vị đó, ví dụ: “được” thay vì “đặng”, “vào” thay vì “vô”. Cho nên có thể đoán rằng có người Đàng Ngoài cộng tác vào đó.” (trích phần giới thiệu “Tự vị Taberd và di sản văn hoá Việt Nam” trong “Dictionarium Anamitico-Latinum”, tr. lii.). Theo chúng tôi, vấn đề không nhất thiết phải như vậy. Vì những người Đàng Trong thời ấy, tuy có sử dụng yếu tố tiếng Đàng Trong (tiếng Nam Bộ) trong giao tiếp, thì cũng chỉ có một lượng tự vị nhất định nào đó thôi. Không thể có chuyện giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Đàng Trong được. Nói cách khác, cái nền từ ngữ chung để giao tiếp của người Đàng Trong vẫn là tiếng Đàng Ngoài (tạm hiểu: tiếng toàn dân). Thành thử, “tiếng Đàng Ngoài cũng xuất hiện khá nhiều trong tự vị đó” là điều hoàn toàn tự nhiên; không nhất thiết phải có “người Đàng Ngoài cộng tác” vào việc biên soạn tự vị. Vì, cộng đồng người Đàng Trong vốn vẫn là người Việt, từ Đàng Ngoài nam tiến vào Đàng Trong, chớ họ không phải là một cộng đồng khác có gốc gác từ đất Đàng Trong.

Như vậy, xét từ bình diện từ ngữ, nói rằng, “Nam Việt Dương Hiệp tự vị” có cả tiếng Đàng Ngoài và tiếng Đàng Trong (tiếng Nam Bộ) là chuyện tất nhiên. Vì vậy trong tự vị này, ngoài lớp từ toàn dân (tiếng Đàng Ngoài), còn có một lớp từ riêng địa phương Nam Bộ (tiếng Đàng Trong), mà chúng tôi sẽ trình bày, gồm các nhóm sau: từ gốc Nam Bộ, từ gốc Trung Bộ, từ gốc toàn dân.

Với lớp từ địa phương Nam Bộ, trong từ điển Taberd có khá nhiều từ biến âm. Hiện tượng biến âm tuy không quá gây trở ngại cho giao tiếp giữa người Đàng Trong - Đàng Ngoài, nhưng nó góp phần làm nên đặc trưng phương ngữ trên bình diện ngữ âm, mà người nghe chỉ cần chú ý có thể nhận diện được. Chẳng hạn:

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm “ơ” ngắn (viết là â) thành chính âm “ơ” dài (ơ) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “chơn” và “nhơn”, dù có nội dung nghĩa nào: “bàn chơn, bắp chơn, bấn chơn, bận chơn, chậm chơn, chơn cẳng, chúm chơn, cóng chơn, cuồng chơn, dịp chơn, duỗi chơn, dừng chơn, giạng chơn, giậm chơn, gót chơn, hổng chơn, kẽ chơn, kiềng chơn, kịp chơn, lỡ chơn, màn chơn, mau chơn, móng chơn, náng chơn, nghỉ chơn, ngón chơn, ngừng chơn, nhẹ chơn, quều chơn, sải chơn, sái chơn, sẩy chơn, tê chơn, trặc chơn, trật chơn, tréo chơn, trợt chơn, uynh chơn, vun chơn, chơn thật…; bất nhơn, bất tỉnh nhơn sự, dã nhơn, dong nhơn, hạnh nhơn, hôn nhơn, khoan nhơn, nam nhơn, ngoại nhơn, nhơn chánh, nhơn đạo, nhơn đức, nhơn gian, nhơn sâm, nhơn thể, nhơn vật, nữ nhơn, phu nhơn, phàm nhơn, quả nhơn, quí nhơn, sát nhơn, tha nhơn, thế nhơn, thường nhơn, tiên nhơn, tiểu nhơn, tội nhơn, văn nhơn, xá nhơn…”. (1)

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm “iê” (chữ viết ia), không chung âm thành chính âm “a” dài (chữ viết a) có chung âm “-j” (chữ viết i) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “ngãi”, dù có nội dung nghĩa nào: “bất ngãi, bội ngãi, đạo ngãi, giảng ngãi, ngãi lý, phải ngãi, phi ngãi, phụ ngãi, tình ngãi, trả ngãi, trung ngãi…”. (2)

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm “ươ” (chữ viết ươ), có chung âm thành chính âm “a” dài (chữ viết a) có chung âm trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “đàng”, dù có nội dung nghĩa nào: “chặng đàng, đàng hẻm, đàng phèn, đàng phổi, đàng phước đức, đắp đàng, lỡ đàng, ngào đàng, thuộc đàng…”. (3)

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm “a” dài (chữ viết a) thành chính âm “ơ” dài (chữ viết ơ) hoặc chính âm “ô” dài (chữ viết ô) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “đờn” và “bổn”, dù có nội dung nghĩa nào: đờn anh, đờn bà, đờn ca, đờn địch, đờn hát, đờn kìm, đờn tì bà, ghe đờn, phím đờn; bổn ấp, bổn đạo, cao bổn, căn bổn, bổn chất, bổn tính, Nhựt Bổn…”. Cũng có hiện tượng chuyển đổi ngược lại, chính âm “ơ” dài (chữ viết ơ) thành chính âm “a” dài (chữ viết a) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “giái”, dù có nội dung nghĩa nào: “cảnh giái, cương giái, giái răn, khí giái, phá giái, thế giái, thượng giái…”. (4)

                

         Mục từ trong Từ điển Dictionarium Anamitico-Latinum

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm đôi “iê” (chữ viết yê), có chung âm đầu lưỡi (n) thành chính âm đơn “ơ” dài (chữ viết ơ) có chung âm gốc lưỡi “ng” (chữ viết n) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “quờn”, “nguơn” dù có nội dung nghĩa nào: “cầm quờn, cất quờn, phong quờn, quan quờn, quờn bĩnh, quờn cao, tiếm quờn, ỷ quờn…; căn nguơn, nguơn nhung, trạng nguơn…”, hoặc thành chính âm đơn “a” dài (chữ viết a), có chung âm gốc lưỡi “ng” (chữ viết n) như: “căn doan, nợ doan...”. (5)

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm “ư” ngắn (chữ viết ư), có chung âm gốc lưỡi (chữ viết ng) thành chính âm “ơ” ngắn (chữ viết â) có chung âm gốc lưỡi (ng) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ, dù có nội dung nghĩa nào: “ăn mầng, cháy bầng bầng, chưa tầng, đã tầng, tâng bầng…”. (6)

Hiện tượng chuyển đổi một chính âm đơn “a” dài (chữ viết a), có chung âm môi “u” (chữ viết o) thành chính âm đôi “iê” (chữ viết iê) có chung âm môi “u” (chữ viết u) trong tiếng Đàng Trong xuất hiện trong hàng loạt từ “biểu”: “dạy biểu, dễ biểu, khó biểu, khuyên biểu…”. (7)

Ngày nay, các trường hợp chuyển âm (1, 2, 3, 4, 5, 6) chỉ thấy xuất hiện thưa thớt trong cách nói của người Nam Bộ ở vùng nông thôn sâu. Trường hợp chuyển âm (7) còn xuất hiện khá phổ biến trong cách nói của người Nam Bộ.

Một số hiện tượng chuyển âm không phổ biến trong tiếng Đàng Trong, nay cũng không còn lưu giữ trong cách nói của người Nam Bộ: hiện tượng chuyển âm “â” thành “ư”: “vưng, dưng lễ…”; hiện tượng chuyển âm “ô” thành “u”: “hun tay, nút ruồi…”; “ô” thành “uô”, như: “xuông xáo”; hiện tượng chuyển thành chính âm đôi: “u” thành “ươ”, như: “giáng phước, hồng phước, phước đức…”; hiện tượng chuyển khuôn vần: “an” thành “iêng”, như: “biêng mai”; “ui” thành “ươi”, như: “khươi ra”; “anh” thành “iêng”, như: “thiềng thị”…

Ngoài ra, còn có các trường hợp chuyển âm trong tiếng Đàng Trong vẫn còn lưu giữ trong cách nói của người Nam Bộ hiện nay, như: hiện tượng chính âm “ê” chuyển thành chính âm “i” trong các từ: “binh vực, căn bịnh, chứng bịnh…”; hiện tượng chính âm “ư” chuyển thành chính âm “ơ” trong các từ: “bức thơ, gởi gắm, gởi thơ, phong thơ, thơ kí, tiểu thơ…”; hiện tượng chính âm “â” chuyển thành chính âm “ư” trong các từ: “hạng nhứt, lễ sinh nhựt, giựt, nhứt, nhựt, nhứt hảo, nước giựt mớn, Tết nhứt…”; hiện tượng chính âm “a” chuyển thành chính âm “ô” trong từ “hột” ở các từ ngữ: “chuỗi hột, chuối hột, hột đậu, hột sen, hột trai, lần hột, tràng hột…”.

Một số hiện tượng dùng từ của người Đàng Trong được duy trì trong cách nói của người Nam Bộ ngày nay, như:

- “bắp” thay “ngô”: bắp con chàng, cạp bắp, cốm bắp, cùi bắp, mao bắp…;

- “bông” thay “hoa”: bông bụt, bông trang, bông trái, cây bông, ngắt bông…;

- “ca” thay “hát”: đờn ca, ca hát, ca xướng…;

- “chi” thay “gì”: biết chi, can chi, chi bằng, chi đó, chớ chi, hèn chi, hề chi, huống chi, kể chi, lo chi, màng chi, phải chi, sự chi, vật chi…;

- “coi” thay “xem”: coi mạch, coi mòi…;

- “dù” thay “ô”: dù, dù lọng…;

- “đặng” thay “được”: chẳng đặng, đặng công, đặng mùa, đặng trái…;

- “ghe” thay “thuyền”: be ghe, choác ghe, cong ghe, ghe bầu, ghe cộ, ghe giàn, ghe guộc, ghe lườn, ghe tiểu điếu, lườn ghe, sạp ghe, then ghe, trét ghe, xảm ghe…; “heo” thay “lợn”: bọng heo, chim heo, chuồng heo, cũi heo, đùi heo, gấu heo, giò heo, lòng heo, heo nái, heo nân, heo rừng, heo thiến, heo ủi, nanh heo, nây heo, nọng heo…;

- “huỳnh” thay “hoàng”: huỳnh anh, huỳnh bào…;

- “lội” thay “bơi”: lội bơi, lội lặn, lội sông…;

- “mè” thay “vừng”: cây mè, hột mè…;

- “mền” thay “chăn”: đắp mền, mền chiếu, trùm mền…;

- “mồng” thay “mùng”, “mào”: mồng một, mồng hai, Tết mồng năm, mồng tếch, mồng gà…;

- “nón” thay “mũ”: cất nón, chằm nón, nón gõ, nón lá, râu quai nón…;

- “ổ” thay “tổ”: ổ chim, ổ gà…;

- “trà” thay “chè”: pha trà, uống trà…;

- “trái” thay “quả”: chùm trái, đồng hồ trái quít, giú trái, lảy trái, lắt trái, ngắt trái, nụ trái, trái bả, trái bứa, trái cân, trái cầu, trái chôm chôm, trái đẹt, trái gấc, trái ké, trái khói, trái lẹo, trái lòn bon, trái mãng cầu, trái mận, trái măng cụt, trái muồi, trái nhãn, trái nũng, trái tắt, trái thơm, trái trăng...;

- v.v.

Hiện tượng dùng từ “đậu” (đỗ) phổ biến trong tiếng Đàng Trong vẫn được duy trì trong phương ngữ Nam Bộ ngày nay: thi đậu, thuyền đậu, đậu phụng, đậu nành…

Có những lớp từ ngữ chỉ thực tại khách quan được người Đàng Trong dùng, nay đã có sự khác biệt với tiếng toàn dân nên tạm gọi phương ngữ. Dù vậy, không hẳn mọi trường hợp thay đổi dẫn đến sự khác biệt từ ngữ đều xuất phát từ tiếng Đàng Trong: a dao, áo lá, ăn gỏi, ba rọi, bà bóng, bàn cầu, bàn độc, bàn toạ, bánh in, bánh thuẫn, bánh ú, bàu hói, bâu áo, bí rợ, bình bát, bình tích thuỷ, bột báng, búng nước, cà khêu, cá khoai, cá lóc, cá lòng tong, cá lù đù, cá phèn, cá phướn, cá thia thia, cái trang, căm xe, cây da, cây làu táu, cây sầu đâu, cây viết, chả giò, cháng ba, chảo đụn, che đạp mía, chén thuốc, chệc, chìa ống ngoái, chiếc trẹt, chim cưởng, chim nhồng, chim trảu trảu, chim séo, con cần đước, con cúi, con giáp, con nít, cổ nhạc, cốt cây, cờ phướn, cù lao, cũi hùm, cúm núm, dao lụt, dây dụi, dây đỏi, dây luột, dĩa bàn than, dưa gang, dưa leo, đánh trổng, đèn chong, đủ đủ tía, đũa bếp, đục vũm, gà lôi, giá triệu, giấy súc, gió chướng, gió nam, gió nồm, hàng xáo, khăn xéo, khu dĩa, khuy áo, lăng quăng, lòi tói, lọn chỉ, lọn tóc, lồng đèn, lúa khén, lưới bén, mỏ ác, mồng gà, một nạm, một trự, mụt bạc đầu, ngoạt, ngòi viết, nhà bè, nhà thương, nhang đèn, nhành vàng, níp, nút áo, nước dão, ống dòm, ốc xa cừ, rắn điu điu, rắn nẹp nia, rau giấp cá, rau nhút, tam bản, thịt bạng nhạng, thằng chài, vải bô, vàm rạch, ve chai, vợ bé, xuồng…

Có những lớp vị từ, ngữ chỉ đặc trưng động hoặc tĩnh được người Đàng Trong dùng, nay đã có sự khác biệt với tiếng toàn dân nên tạm gọi phương ngữ. Các trường hợp thay đổi này cũng không hẳn đều xuất phát từ tiếng Đàng Trong: ăn hiếp, ăn mót, ăn ong, ăn rập, bán sỉ, bán mắc, bắc nước, bắn ná, bằng chạn, bằng riến, bắt ấn, bèo trẹt, bẹo, biên chép, bôi chữ, bộn việc, bở rệt, bới cơm, bự bự mặt, bửa củi, bươn tới, cà lăm, cãi lẫy, cãi lộn, cao tay ấn, cặm, cân chạn, cất rớ, chạn gà, chấn đón, chầu rày, chuột khới, chụp ếch, cua óp, củi đượm, dao lóng, dòm, dùa lại, dún mình, dùng lắc, dức lác, đạc chừng, đánh lộn, đánh trúm, đen kịn, đi trớ, đòn bọng, đốt lói, ghẻ hờm, giòn khớu, hàng nàm, hầm thịt, hỏi dọ, hỏi phăn, hớt tóc, hút gió, khích báng, khứng tiếng, làm trớ, lặt rau, lo cạy cạy, lua cháo, lửa ngún, mạy nhớ, mặt bư, mỏng tăng, nắng ui ui, ngộ, ngồi chồm hổm, ngồi tréo mảy, nhắc cò cò, nhận nước, nhúm lửa, ních hết, niển lưng, niệt trâu, nín lại, nói bỗng chãng, nói chấn, nói lịu, nói trăm, nói trớ, quá giang, quớt, rã bèn, rấn lên, rộng cá, ruồi bu, say bết, tẻ ra, trâu báng, trụng nước nóng…

Có những lớp từ ngữ trong tiếng Đàng Trong nay được xem là vốn từ riêng của phương ngữ Nam Bộ như lớp từ chỉ những sản vật của Nam Bộ, bao gồm:

- các loại thực vật được trồng hoặc hoang dã thích hợp với vùng đất phương Nam: cây bần, cây bình bát, cây bồn bồn, dây choại, dừa nước, đủng đỉnh, cây đước, cây giá, cây mắm, cây nhàu, cây ô rô, cây nổ, cây quao, cây tra, cây sộp, cây thốt nốt, cỏ xước, củ năn, nhãn lồng, ô dước…;

- các loại cá nước ngọt: cá tra, cá vồ…;

- vật dụng, thực phẩm: cái chàng, nóp; bánh tét, bánh ít…;

- từ ngữ phản ánh đặc trưng địa hình sông nước: nước đứng, nước lụt, nước nhửng, nước rặc, nước ròng, nước ròng kiệt, nước rông, nước săn cón…;

- các từ xưng gọi xưa: qua bậu, chúng bậu, chúng qua…;

- từ ngữ chỉ một số địa danh Đàng Trong: Ba Lạch, Cái Mơn, Cái Nhum, Đồng Nai, Hai Huyện, Hòn Đất, Long Hồ, Nha Trang, Phan Rí, Qui Nhơn, Sài Gòn…;

- từ phụ: bao lăm, ví dầu, mốc xì…

Ngoài ra, còn một lớp từ trong tiếng Đàng Trong vẫn còn được dùng trong giao tiếp người Nam Bộ, mà nghĩa của một hoặc cả hai thành tố khó nhận diện, khiến nhiều người nhận định chúng là những từ láy, dạng như: ạo ực, bạt chạt, băn hăn, bẳn hẳn, băng xăng, bệu bạo, bôn ba, bôn chôn, bộn bàng, bợt chợt, bươn bả, chả chớt, cành nanh, cắp nắp, cháng váng, chành rành, chạy lúp xúp, chần vần, diềm dà, dụ dự, ểng ảng, hắt hẻo, kèo nèo, khùng khịu, lá lay, lé đé, lỏn chỏn… Việc truy tìm nguồn gốc, ngữ nghĩa của lớp từ này chắc sẽ có nhiều thông tin thú vị; ít ra cũng giúp xác định được những cách nói có “căn cứ” của người Nam Bộ hiện nay với hiện tượng phát âm sai lệch. Vì tiếng nói của người Đàng Trong một thời gian dài vẫn được dùng ở dạng khẩu ngữ nên hiện tượng lệch chuẩn trong phát âm không nhỏ.

Trong quyển “Dictionarium Anamitico-Latinum” của Jean-Louis Taberd còn có bảng kê trên 1.000 loại cây (kể cả cây hoang dại), rau, cỏ ở Đàng Trong với tên gọi Nôm, Hán. Lớp thực vật này có thể mất đi nhiều, khiến tên gọi chúng trở nên khó hiểu đối với lớp người Nam Bộ hiện nay. Điều này cũng dễ làm cho hiện tượng diễn đạt bị sai lệch và trở thành quen (Khi có điều kiện chúng tôi sẽ tìm hiểu lớp từ này).

Quyển “Nam Việt Dương Hiệp tự vị” là quyển tự vị cổ tiếng Việt, được làm từ những người am hiểu tiếng Đàng Trong nên nó là một cơ sở tốt, có giá trị thực tiễn cho việc tìm hiểu phương ngữ Nam Bộ. Xét từ phương diện lịch sử, thì vào cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX, các nhà làm từ điển đã làm một việc hết sức có ý nghĩa. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ hiện nay, người đọc dễ nhận ra một số hạn chế của nó mà chúng tôi chưa đề cập trong bài viết này. Xin mượn lời GS TS Mai Quốc Liên giới thiệu về công trình này như một sự nhìn nhận của người viết về công trình xét trên bình diện phương ngữ hết sức có giá trị kia: “Cuốn Từ điển Anamitico-Latinum này có một vị trí và một giá trị đặc biệt trong nền văn hoá nước nhà, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, tìm hiểu kho tàng tiếng Việt, trong đó có nhiều từ ngữ cổ, được ghi lại bằng tiếng Việt và chữ Nôm… Đây là một kho tàng quý báu của quá khứ, của lịch sử. Khi những nhà nghiên cứu, những người yêu tiếng Việt và những người muốn tìm hiểu tiếng Việt trong cội nguồn có cuốn Từ điển này trong tay, chắc chắn các vị sẽ phát huy được hết tác dụng và giá trị của nó.” (Sđd, tr. ii)

TS. HUỲNH CÔNG TÍN

 

SUMMARY

The article presents the Dictionarium Anamitico - Latinum by Jean - Louis Taberd published in 1838. This is not only a dictionary but also a research work, very meticulously compiled on language data of the Vietnamese language mainly the one used in the Southern part of Vietnam. Through the dictionary, the reader can figure out the Vietnamese language physiognomy in general and itsvlexicon in particular in a time nearly 2 centuries ago.


 

Nguồn: Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 01, năm 2011, ngày 3.7.2013.

Thông tin truy cập

63688431
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8723
23426
63688431

Thành viên trực tuyến

Đang có 935 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website