Hoàn cảnh ra đời của tín ngưỡng Thiên Hậu ở Cà Mau là sự hòa trộn giữa những người Hoa lưu vong và dân tứ xứ quần tụ về vùng đất mới khai hoang mở cõi. Họ không phải là các tầng lớp trên với học vấn uyên bác có những nhu cầu nhất định về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần mà là những con người đã kinh qua bao sóng gió, mang trong lòng tâm hồn hào sảng, khẳng khái chỉ mong được an cư lạc nghiệp và ổn định cuộc sống. Đối với họ, chỗ dựa về tinh thần là thiết yếu, thế nên tín ngưỡng Thiên Hậu đã phát triển hết sức tự nhiên và thuận lợi qua hình ảnh vị Mẫu thần đầy quyền năng luôn che chở bảo bọc và chăm lo cho cuộc sống nhân sinh.
Có thể nhận thấy quá trình phát triển của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam nói chung và ở Cà Mau nói riêng là quá trình giao lưu và tiếp biến không ngừng với các cộng đồng anh em (Việt và Khmer), tín ngưỡng Thiên Hậu cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trải qua hơn 300 năm tồn tại trong cộng đồng đa sắc tộc, tín ngưỡng Thiên Hậu đã dung hợp phần nào các đặc trưng văn hóa của các tộc. Tính dung hợp thể hiện rõ ở các khía cạnh như phương diện nhận thức, đối tượng thờ tự, cách tổ chức hoạt động tín ngưỡng, thành phần dân cư tham gia tín ngưỡng và kiến trúc mỹ thuật.
Về mặt nhận thức, tính dung hợp hể hiện ở quan niệm coi Bà Thiên Hậu là thần cai quản cả thế giới tự nhiên và thế giới nhân sinh, vừa là thần thánh vừa là Mẫu thần. Từ xưa thần tích của Bà đã gắn liền với việc cứu giúp các ngư dân hay người đi biển gặp nạn, hướng dẫn các ghe đánh cá, thương thuyền vào bờ trong những lúc thời tiết nguy hiểm và khắc nghiệt nhất. Do vậy trong tâm thức người dân, Bà là vị thần cai quản vùng biển khơi (còn gọi là Hải Thần). Sau này, khi định cư nơi thị tứ, nhu cầu của con người chuyển sang ước vọng sung túc về tài chính, mạnh khỏe trong cuộc sống và hạnh phúc trong gia đình. Khi đó Bà Thiên Hậu không chỉ là nữ Thần nơi biển cả mà còn kiêm nhiệm vai trò của vị phúc Thần mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đảm đương vai trò của thần phồn sinh và thần bảo hộ cho cuộc sống nhân sinh. Ngoài vai trò là vị Thần được mọi người thờ phụng, trong tâm tưởng của người dân, Bà còn là một vị “Mẫu thần”. Danh xưng “Mẫu thần” ở đây là do là sự tôn sùng, thành kính trước sự linh thiêng, ban phúc và che chở của Bà. Trong tín ngưỡng Thiên Hậu, khó có thể phân tách rạch ròi giữa vai trò thần thánh và “Mẫu” mà cả hai đã hòa quyện và dung hợp vào nhau.
Trong đối tượng thờ tự các cung thờ Thiên Hậu ở Cà Mau thể hiện rõ nét sự dung hợp giữa tín ngưỡng của người Hoa cùng tín ngưỡng dân gian bản địa, tín ngưỡng của người Khmer và Phật giáo, tạo nên nét đặc trưng đa văn hoá qua đối tượng thờ tự. Chẳng hạn trong cung thờ Bà còn thờ thêm nhiều vị thần khác như thần Hổ, xương cá Đao, Thổ địa, Chiến sĩ trận vong, Tiền hiền - Hậu hiền. Một số nơi còn thỉnh tượng Phật Quan Âm(1) đặt phía trước sân như một sự kết hợp giữa hình thức thờ Phật và thờ Thần hay đặt miếu thờ ông Tà (dạng tín ngưỡng có nguồn gốc của người Khmer nhưng đã được người Việt tiếp thu một cách gần như trọn vẹn) thay cho miếu thờ Hỏa Đức Nương Nương (ở Thiên Hậu Cung Thới Bình). Đồng thời cũng có hiện tượng theo chiều ngược lại như một số miếu thờ của người Việt phối thờ Thiên Hậu. Điển hình là Tam vị cổ miếu tại khóm 2, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước hay miếu Bà Thủy thuộc khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân.
Ngoài các ngày lễ mang đậm nét đặc trưng riêng biệt, đặc thù dành cho Bà như lễ nghênh đón Bà hồi cung vào mùng ba Tết, lễ vía Bà vào 23 tháng ba âm lịch và lễ cuối năm đáp tạ thần ân vào tháng 12 âm lịch do Ban Trị sự chọn ngày tốt, còn lại đa phần là các dịp có sự kết hợp với các ngày lễ của Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian và phong tục, lễ tết của người Việt. Các ngày lễ mang tính Phật giáo kết hợp với tín ngưỡng dân gian, phong tục lễ Tết của địa phương như lễ Thượng Ngươn (Nguyên) vào rằm tháng giêng cũng là dịp Tết Nguyên Tiêu; lễ Trung Ngươn cúng rằm tháng bảy kết hợp với lễ Vu Lan hay lễ Hạ Ngươn vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Đồng thời còn có các lễ như cúng Đoan Ngọ mùng năm tháng năm và lễ Đông chí vào tháng 11 âm lịch. Bên cạnh đó cũng có một số ngày lễ mang tính Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian tiêu biểu như cúng Ngọc Hoàng vào sáng mùng chín Tết, cúng Thần Nông vào sáng mùng năm Tết, cúng Thần Hổ (có nơi còn gọi là “Thiên soái Hổ gia”(2)) vào 16 tháng giêng để cầu mưa thuận gió hòa. Các nghi thức tế lễ cũng ảnh hưởng phần nào theo Nho giáo như phân cao thấp tôn ti trong trình tự tế lễ, hay những người hành hương phải thể hiện sự tôn trọng, lễ phép khi bước vào nơi tôn nghiêm. Phần diễn hội hàng năm gồm múa lân, hát tuồng hầu Bà và cho cả người dân thưởng thức. Hiện nay hình thức diễn chủ yếu là văn nghệ quần chúng, trong đó các bài tân nhạc biểu diễn bằng tiếng Hoa, tiếng Việt và cả tiếng Khmer, còn các tuồng tích thì diễn bằng tiếng Việt và theo phong cách Việt kịch dù nội dung tuồng có gốc tích từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Điều này cho thấy tín ngưỡng Thiên Hậu trong các sinh hoạt cộng đồng đã thực sự tiếp nhận văn hóa của các tộc người trong cộng đồng, có sự kết hợp, dung hòa giữa cái riêng và cái chung, tạo nên sự hòa điệu giúp người dân gần gũi và dễ tiếp nhận tín ngưỡng.
Tín ngưỡng Thiên Hậu ban đầu chỉ gói gọn trong cộng đồng người Hoa nhưng đến ngày nay đã trở thành tín ngưỡng phổ biến của người dân nơi đây. Theo tư liệu khảo sát điền dã, thành phần Ban quản lý hay còn gọi là Ban trị sự ở các cung thờ hiện nay đã có sự hòa trộn giữa Hoa và Việt do thế hệ con cháu tiếp nối đã mang dòng máu Hoa - Việt và thậm chí ở một số nơi như chùa Bà Thiên Hậu ở huyện Cái Nước, Thới Bình và Đầm Dơi đã có người Việt tham gia vào Ban Trị sự dù không chiếm tỷ lệ cao, chỉ khoảng 2 đến 5 người. Một số người khi được phỏng vấn khẳng định có người Khmer tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng. Nếu nói Cà Mau có ba tộc người chính Việt – Hoa – Khmer thì tín ngưỡng Thiên Hậu đang thu hút phần lớn người Việt tham gia và một số ít người Khmer có điều kiện kinh tế khá giả.
Về mặt địa hình, các cung thờ Thiên Hậu thể hiện rõ đặc trưng: gần sông, gần chợ giống như quan điểm chọn nơi xây nhà của người Việt là “nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận điền”. Hình thức kiến trúc và nguyên vật liệu xây dựng cũng mang nhiều dấu ấn bản địa hóa. Theo thời gian, những chất liệu bằng gỗ thường có tuổi thọ thấp, thêm vào đó bị thiên nhiên tàn phá, nên trong quá trình trùng tu, sửa chữa, họ phải thay bằng các chất liệu mới có sẵn tại địa phương. Những chi tiết trang trí mỹ thuật ban đầu thường là những đồ án cổ điển của Trung Hoa như bát tiên, bát bửu, long mã hà đồ, lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, chồng thư ống bút, mâm bồng lọ hoa, quả đào, quả lựu, hoa cúc, hoa mẫu đơn, rồng phượng; các tích truyện của Trung Quốc như Bát Tiên quá hải, Tam quốc diễn nghĩa, v.v… dần được thay đổi hoặc có thêm nhiều mô típ trang trí mới, gắn liền với thiên nhiên, con người, động vật, thực vật của vùng đất Cà Mau trù phú. Chẳng hạn, hình vẽ trang trí các loại trái cây gồm đu đủ, mãng cầu, khóm, dưa hấu, chuối, măng cụt, v.v…; các loại rau củ có bí rợ, cà rốt, khổ qua, cà tím, v.v… ở hai bên thiên tỉnh của Thiên Hậu Cung thành phố Cà Mau hay vách ngoài cửa vào chính điện ở huyện Đầm Dơi. Còn Thiên Hậu Cung ở thị trấn sông Đốc, huyện Trần Văn Thời trên vách mái ngoài có vẽ hình các loài thủy hải sản như cá voi, cá đao, cá đuối, ba ba, rắn biển, v.v… và cảnh tàu đánh bắt cá neo tại cảng sông Đốc trang trí bên vách cửa chính điện.
Từ việc hấp thụ các đặc trưng văn hóa như trên, giá trị của tín ngưỡng Thiên Hậu ở Cà Mau nhìn từ góc độ giao lưu văn hóa thể hiện ở những điểm chính như sau:
1. Giá trị giữ gìn văn hóa tộc người
Tín ngưỡng Thiên Hậu dưới sự tác động của quá trình giao lưu văn hóa đã dung hợp nhiều yếu tố từ các nền văn hóa của các tộc người anh em nhưng vẫn giữ được các giá trị truyền thống vốn có của cộng đồng Hoa. Trong số đó thể hiện rõ nhất qua phương diện sinh hoạt tín ngưỡng và đặc trưng kiến trúc của cơ sở thờ tự.
1.1. Văn hóa tộc người qua hoạt động tín ngưỡng
Sinh hoạt tín ngưỡng là một thể hiện của văn hóa truyền thống. Xét trên góc độ giao lưu văn hóa, vốn văn hóa truyền thống được bảo tồn tự thân nó đã thẩm thấu những yếu tố văn hóa mới của các cộng đồng lân cận, tự thân vận động và điều chỉnh để thích nghi. Trong năm vào các ngày rằm và mùng một hàng tháng, người dân thường đến thắp hương và cúng viếng tại các cung thờ Bà. Ở Thiên Hậu cung Cà Mau lễ hội chính trong năm gồm nghi thức đón Bà mùng 3 Tết, cúng rằm tháng giêng, vía Bà 23 tháng 3, cúng rằm tháng bảy và trả lễ Bà cuối năm vào tháng 12 âm lịch. Những ngày lễ hội tại cung thờ Bà Thiên Hậu là dịp tôn vinh thần thánh, đề cao những giá trị đạo đức như lòng nhân hậu, hiếu thảo, biết hi sinh vì mọi người cũng như để tỏ lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn trước sự cưu mang, bảo bọc của Bà và nhắc nhở con người hướng thiện, sinh sống hài hòa với các cộng đồng xung quanh.
Bên cạnh ý nghĩa về mặt tâm linh, các ngày lễ còn tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực là cải thiện các mối quan hệ giúp mọi người có dịp gặp gỡ, cùng chuyện trò và thể hiện sự quan tâm lẫn nhau. Ngoài ý nghĩa đáp ứng nhu cầu tâm linh cho con người, lễ hội tín ngưỡng Thiên Hậu ở Cà Mau cũng chính là những nét phác họa chân thật và sinh động về đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng Hoa. Trong các nghi thức cúng tế trang nghiêm thì lễ vật dâng cúng đóng vai trò rất quan trọng. Theo quan niệm của họ, thức ăn cũng là lễ vật biểu hiện lòng thành của con người đối với thần thánh. Quan trọng nhất là lễ vía Bà hàng năm, 12 món lễ vật được Ban thầu náng chuẩn bị gồm: rượu, trà, hương đăng (nhang đèn), giấy chúc thọ, bông trắng thơm (thường dùng hoa lài), bánh bao đào, trái cây, mì thọ, bánh bò, cốm phước, ngũ sanh (gồm thịt của năm loài vật là tôm, cua, heo, gà, vịt) và sớ tế. Trong đó mì xụa và cốm phước là những món đặc trưng của người Hoa Triều Châu dùng trong những dịp quan trọng. Rượu trà vừa là đồ cúng truyền thống trong những nghi lễ, vừa là thức uống quen thuộc trong những dịp tụ họp gia đình, bạn bè.
Người Hoa quan niệm sắc đỏ mang ý nghĩa cát tường, tượng trưng cho may mắn, tài lộc nên trang phục đỏ luôn là lựa chọn hàng đầu cho các dịp lễ tiết quan trọng. Trong nghi thức diễu hành ngày vía Bà, các thiếu nữ xinh xắn mặc sườn xám đỏ(3) đi theo đám rước tạo nên bức tranh sinh động đầy sức sống thể hiện không khí vui vẻ và cuộc sống thịnh vượng của người dân. Trang phục truyền thống Hoa như sườn xám, áo xẩm cho nữ, trường bào cho nam cũng xuất hiện xen lẫn trong trang phục của các dân tộc khác (Việt, Khmer) trong các tiết mục biểu diễn văn nghệ làm tăng thêm bản sắc tộc người, tô điểm và tạo nét riêng cho không khí lễ hội. Lòng tôn sùng và ngưỡng vọng oai linh thánh mẫu khiến người Hoa có xu hướng muốn gần gũi với Bà. Họ thích sống quần tụ xung quanh nơi thờ Bà để tiện việc nhang khói, thờ phụng cũng như thụ hưởng ân lộc từ Bà.
Hình 1: Các món lễ vật cúng Bà |
Hình 2: Đoàn diễu hành trong lễ vía Bà |
Ngoài ra tín ngưỡng Thiên Hậu còn lưu giữ không ít các giá trị về văn hóa nghệ thuật như nghi thức diễu hành, múa lân, trình diễn cổ nhạc và các tiết mục hát xướng. Mỗi dịp lễ hội là người dân có thể tham gia và thưởng thức các hoạt động biểu diễn như một cách thỏa mãn nhu cầu giải trí đồng thời bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống.
1.2. Văn hóa tộc người qua kiến trúc cơ sở thờ tự
Dưới góc nhìn giao lưu văn hóa, các cung, miếu thờ Thiên Hậu ở Cà Mau lưu giữ được những đặc trưng văn hóa tộc người trên phương diện kiến trúc – mỹ thuật là một điều đáng quý. Theo chiều dài lịch sử của các cung, miếu thờ Bà ở tỉnh có thể thấy Thiên Hậu cung Cà Mau là nơi xây dựng đầu tiên, lâu đời nhất và còn lưu giữ nhiều giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật theo kiểu đền miếu cổ Trung Hoa như bộ khung chịu lực bằng gỗ, mái lợp ngói ống, chân mái được viền bằng hàng ngói thanh lưu ly, đường bờ mái cong nhẹ, trang trí hoa văn gốm sứ thanh thoát hình hoa lá, chim muông và sử dụng các tông màu sặc sỡ tươi sáng với màu đỏ (tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc) chiếm vai trò chủ đạo là đặc trưng dễ nhận thấy ở chùa miếu của nhóm Hoa Triều Châu. Trong khi phong cách kiến trúc của người Hoa gốc Quảng Đông có bộ mái nặng, nhiều họa tiết bằng gốm sứ mô tả nhà cửa, phố phường, con người với đầu đao vuông thành sắc cạnh. Còn đặc trưng của người Phúc Kiến là những đường bờ nóc uốn cong hình thuyền, hai đầu đao vút cong có gắn các mô hình tòa thành hay những nhân vật bằng gốm sứ thể hiện những điển tích trong văn học cổ Trung Quốc.
Giá trị về kiến trúc còn bao gồm cả nghệ thuật phù điêu chạm lộng và chạm nổi. Những bức phù điêu chạm nổi được bảo quản trong các lồng kính gắn trên vòm cửa ra vào miêu tả các điển tích Trung Hoa mang ý nghĩa giáo dục về nhân – lễ – nghĩa – trí – tín như Đào viên kết nghĩa, Bát tiên quá hải, v.v… tinh tế và tỉ mỉ. Hai bên vách ngoài chạm nổi hình thanh sư, bạch tượng, còn vách trong dưới thiên tỉnh là hình long, hổ được đắp bằng xi măng thật sống động. Các phù điêu đều thể hiện hình ảnh các con vật cùng chơi đùa với ấu thú giống hình tượng mẹ con nhằm thể hiện ước muốn sinh sôi, nảy nở, phồn vinh cũng như ý thức đùm bọc, gắn bó thân tộc - dòng họ, và tinh thần tương trợ cộng đồng.
Hình 3: Bạch tượng vui đùa cùng con trang trí ở vách ngoài Thiên Hậu Cung Cà Mau |
Hình 4: Các bảng hoành phi trong chính điện |
Trên các vì kèo, đầu cột là các phù điêu gỗ được sơn thếp vàng tạo vẻ lộng lẫy hoành tráng dưới mái hiên được trang trí công phu với hình đóa sen chạm ngược nở nhiều lớp, tượng kỳ lân ngậm châu, tôm cua bơi lội và các dây hoa chạm trổ tinh xảo. Kỹ thuật chạm lộng sử dụng trong việc trang trí các bao lam trang thờ rất phong phú như hoa văn dây quấn, hình sóng nước, hoa, điểu, hình kỷ hà, v.v… với các đường nét uyển chuyển, tinh tế tôn tạo sắc thái trang nghiêm và thần thánh cho điện thờ.
Nghệ thuật thư pháp qua các bảng hoành phi, câu đối ở đây ngoài tài nghệ chạm khắc thủ công còn là sự biểu diễn với các kiểu chữ “thảo”, “khải”, “lệ” qua các nét bút bay bướm, điêu luyện nhưng không kém phần mạnh mẽ. Ngoài ra miếu còn lưu giữ khá hoàn hảo các cổ vật như tượng tròn, chuông đồng, bia ký, tranh dân gian có niên đại lâu đời giúp nâng cao giá trị văn hóa lịch sử của cung thờ giúp các thế hệ sau hiểu biết nhiều hơn niềm tin tín ngưỡng của cha ông. Cụ thể như bức hoành có niên đại từ thời Quang Tự (1899) ở gian tiền điện, chiếc chuông đồng được khắc dấu tích thời Quang Tự (1897) và tấm bảng đồng khắc họ tên của 48 vị phu nhân đã quyên góp tiền bạc, gạch đá để trùng tu cung thờ vào năm Trung Hoa dân quốc thứ 17 (1928). Tranh vẽ các vị võ tướng môn thần (thần canh cửa) trên cửa ra vào với đường nét sắc sảo và màu sắc sinh động có từ lần trùng tu năm 1903.
2. Giá trị định hướng phát triển văn hóa cộng đồng
2.1. Định hướng nhân cách sống
Trên phương diện định hình nhân cách, tín ngưỡng Thiên Hậu cũng là một kênh giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả và sâu sắc cho cộng đồng. Miếu Bà đã trở thành nơi để lập những lời thề nguyền tuyên xưng sự trung thực, để xác tín những điều không thể hay khó kiểm chứng từ việc làm ăn buôn bán, đến trao đổi vay mượn và cả những lời thề tình yêu đôi lứa. Khi đó vai trò của Bà lại trở thành người làm chứng, giám sát và thực thi trừng phạt. Đồng thời cũng không thể bỏ qua chức năng quan trọng khác của tín ngưỡng nói chung hay tín ngưỡng Thiên Hậu nói riêng đó là mang lại trạng thái cân bằng cho tâm lý con người. Xét ở phương diện tâm thần, có thể nói đây cũng chính là liệu pháp điều trị khủng hoảng tâm lý bằng phương pháp “tự kỷ ám thị” nhằm giải tỏa mọi ức chế bằng cách trút gánh nặng của mình vào thần linh để đầu óc thanh thản, tạo sự cân bằng tâm lý để tiếp tục sinh hoạt, sắp xếp những công việc hàng ngày và vững bước tiến tới mục tiêu đã hoạch định. Không thể phủ nhận mỗi lần đến cung thờ hay tham gia vào những sinh hoạt lễ hội của tín ngưỡng, dưới sự ảnh hưởng của không khí thiêng liêng, phảng phất uy linh thần thánh soi rọi qua những nghi thức trang trọng cùng với những hoạt động nhằm đề cao lòng biết ơn, cách sống nhân nghĩa, hướng thiện, tinh thần vì cộng đồng sẽ giúp người tham dự nhìn nhận lại bản thân.
Ý thức mượn tục thờ Thiên Hậu, mượn “cái thiêng” để thực hiện chức năng giải tỏa ức chế tâm lý, giáo hóa tâm tính con người, giúp định hình nhân cách và hướng cộng đồng về lối sống cao đẹp được người Hoa thực hiện suốt hơn ba trăm năm qua và nay dưới sự chung tay góp sức của các tộc người anh em đã góp phần chứng minh giá trị về mặt văn hóa tinh thần của tín ngưỡng Thiên Hậu đối với người dân ở Cà Mau.
2.2. Giá trị cố kết cộng đồng
Giá trị cố kết cộng đồng là đặc điểm vốn có của mọi dạng thức tín ngưỡng do con người biết tận dụng uy linh, quyền năng thần thánh (cái siêu hình) để gắn kết các thành viên cộng đồng mình cho các mục đích nhân sinh được định dạng sẵn.
Miếu Thiên Hậu ở Cà Mau cũng không ngoài xu hướng chung đó. Những người Hoa di cư luôn mang theo tâm lý phải rời xa xứ sở, lưu lạc tha phương nên họ muốn giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau không chỉ vì tình đồng hương mà còn để khỏa lấp tâm lý nhớ quê nhà, để cảm thụ tình cảm ấm áp giữa những người cùng ngôn ngữ nơi đất khách và giữ mối liên lạc với quê hương bản quán. Có thể nói ở giai đoạn đầu của làn sóng di cư đến Nam Bộ, Hội quán đóng vai trò quan trọng hơn cơ sở thờ tự do nhu cầu ổn định cuộc sống và thực hiện sinh kế là điều thiết yếu, phải quan tâm hàng đầu.
Sau đó, khi đã có nơi trú ngụ và công việc, người ta mới nghĩ đến nhu cầu tâm linh và việc giữ gìn ngôn ngữ bản quán. Thế nên miếu thờ và trường học được xây dựng để phục vụ cộng đồng. Vai trò của Hội quán là nơi đón tiếp, giúp đỡ những người Hoa mới nhập cư về mặt kinh tế. Miếu thờ là chỗ dựa tinh thần, nơi ghi nhớ công ơn thần thánh và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong những lúc nhân sinh mỏi mệt. Còn trường học dạy tiếng Hoa miễn phí cho con em trong cộng đồng để duy trì truyền thống tộc người. Nói cách khác, ở giai đoạn này, bộ ba thành phần Hội quán – miếu thờ – trường học là những mắt xích để cố kết cộng đồng, là mối liên hệ ràng buộc kết nối các nhóm phương ngữ để giữ gìn văn hóa truyền thống và phát huy tinh thần tương thân tương ái giúp cộng đồng người Hoa trụ vững trên vùng đất mới.
Hiện nay đại diện cho cộng đồng người Hoa ở Cà Mau là Hội Tương tế người Hoa trực thuộc quản lý của Ủy ban Mặt trận tổ quốc, đặt trụ sở tại số 88 đường Lý Thái Tôn, phường 2, thành phố Cà Mau. Hoạt động của Hội Tương tế và trường dạy tiếng Hoa (trước đây mang tên Dục Tài, sau này đổi thành Nguyễn Tạo) đã từng có thời gian suy giảm do kinh phí hạn hẹp và những chính sách quản lý giáo dục của nhà nước. Trong khi đó người tham gia tín ngưỡng Thiên Hậu ngày càng đông, dân chúng chủ yếu quyên góp cúng dường cho miếu Bà. Chính vì thế để thuận tiện cho hoạt động của Hội, cộng đồng người Hoa đã thống nhất nguyên tắc, trưởng Ban Trị sự của miếu Bà sẽ là Hội trưởng của Hội Tương tế. Như vậy chi phí cho các hoạt động của Hội cũng được nguồn quỹ của miếu Bà san sẻ. Từ đó miếu Bà trở thành nguồn đóng góp chính cho các hoạt động xã hội của cộng đồng người Hoa ở Cà Mau, và trở thành mắt xích chính, nhân tố chủ chốt trong việc cố kết tộc người qua các hoạt động từ thiện và công ích. Chẳng hạn hoạt động phát gạo cho người nghèo vào dịp rằm tháng bảy; tham gia các hoạt động như chương trình “Nhịp cầu yêu thương” ủng hộ xây dựng 13 cây cầu xi măng cho các huyện vùng sâu như U Minh, Bộ Tời với chi phí 260 triệu; chương trình xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho bà mẹ Việt Nam anh hùng hay các hộ nghèo khó khăn khoảng 450 triệu; ủng hộ 20 suất học bổng cho hội khuyến học giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học khoảng 30 triệu và đóng góp cho chương trình cứu trợ thiên tai lũ lụt cho đồng bào miền Trung khoảng 250 triệu, v.v… Các hoạt động này đã giúp tăng thêm tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương trợ và đoàn kết lẫn nhau. Ở đây sự cố kết cộng đồng không chỉ tồn tại trong phạm vi tộc người mà đã lan ra toàn xã hội.
2.3. Giá trị ứng biến với những tác động của thời cuộc
Với đà biến chuyển của xã hội hiện đại, khoa học kỹ thuật phát triển đi cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa dẫn đến nhu cầu di chuyển để học tập, làm việc ở đô thị lớn đã làm tan chảy một phần trí tuệ cư dân Cà Mau (trí thức rời quê). Hiện tượng giới trẻ quay lưng với văn hóa truyền thống và hào hứng đón nhận các luồng văn hóa mới đã đặt ra một thách thức lớn cho sự phát triển của các loại hình tín ngưỡng dân gian, ứng biến để đồng hành với thời cuộc hay trôi vào quên lãng? Với những kinh nghiệm ứng biến với các nền văn hóa đã diễn ra trong lịch sử, tín ngưỡng Thiên Hậu ở Cà Mau đã và đang phát triển theo chiều hướng tích cực.
Do tín ngưỡng không tách rời khỏi đời sống xã hội nên nó luôn vận động và biến đổi theo nhịp sống của thời đại. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, tín ngưỡng Thiên Hậu đã có nhiều trải nghiệm trong việc thích ứng với xã hội. Chẳng hạn việc “nội kết ngoại tùng” (liên kết trong, mở rộng ngoài) thể hiện qua hai bình diện sinh hoạt tín ngưỡng và cấu trúc kiến trúc, mỹ thuật đã đề cập ở phần trên. Thế nên ứng biến với thời cuộc là biết lưu giữ truyền thống một cách phù hợp với cuộc sống hiện tại tạo sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Như nhận định của ông Trịnh Văn K. về những biến đổi của tín ngưỡng Thiên Hậu ở thành phố Cà Mau: “Những lễ hội thì nghe theo những người đi trước, cụ ông cụ bà truyền lại, cố gắng giữ truyền thống. Nhưng cũng có một số giản lược chẳng hạn hồi xưa mỗi 24 Tết đưa Bà về trời thì trống chiêng dẹp hết không cho đánh, rồi tối mùng ba khi rước Bà về thì trong Ban hội xin keo để xem năm nay có mưa thuận gió hòa không, nghi lễ có múa lân đốt pháo còn bây giờ Nhà nước không cho đốt pháo thì chỉ múa lân thôi. Trước đây bắt buộc phải đúng 12 giờ khuya mới rước Bà về còn bây giờ thì rước sớm một chút khoảng 10 đến 11 giờ khuya để mọi người về lo cúng trong gia đình”(4).
Hay những thay đổi ở phương diện biểu diễn nghệ thuật như sự có mặt của đội kèn Tây trong Hội âm nhạc Đồng Tâm đã giúp cho hoạt động của Hội thêm phần khởi sắc và theo kịp thị hiếu của cộng đồng. Còn trong chương trình sân khấu vào lễ vía Bà là sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn của ba cộng đồng Hoa - Việt - Khmer (đã đề cập phần trên) minh chứng cho sự thay đổi khéo léo, vận động theo xu hướng hiện đại để thu hút số đông cộng đồng, giúp tín ngưỡng ngày càng phát triển cũng như nâng cao tinh thần đoàn kết các tộc người trong xã hội.
Thiên tai, lũ lụt và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét khiến cho tỉnh Cà Mau và nhiều khu vực Tây Nam Bộ chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo lý thuyết thang nhu cầu của Abraham Maslow, một khi bối cảnh sống thay đổi lập tức nó tác động đến từng bậc nhu cầu của con người, trong đó nhu cầu được an toàn càng có giá trị then chốt. Khi đó những kinh nghiệm dân gian đúc kết được gắn với uy linh của Bà Thiên Hậu chắc chắn càng có giá trị (sự kết hợp các giá trị thiêng và phàm), ví như kinh nghiệm đi biển, kinh nghiệm đi rừng, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm tổ chức, gắn kết cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái v.v… càng phát huy tác động sâu sắc đối với đời sống xã hội. Mặt khác, các giá trị tôn trọng tự nhiên và thái độ chung sống hài hòa thể hiện qua tín ngưỡng thờ Thiên Hậu sẽ góp phần thay đổi thái độ nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với môi trường và xã hội.
Bên cạnh đó xu thế mới của chủ nghĩa hậu hiện đại đặt trọng tâm ở sự trải nghiệm, sự hiểu biết tri thức, kinh nghiệm sống của các cộng đồng cư dân bản địa được coi trọng. Thế hệ trí thức mới đặc biệt chú trọng ở sự ngưng tụ của lịch sử văn hóa, đọng lại ở từng mái ngói, từng tiếng trống đình miếu và không khí tưng bừng, náo nhiệt của hội hè đình đám. Khi tư tưởng và cách nhìn nhận của thế hệ trẻ dần thay đổi thì văn hóa tín ngưỡng cũng thay đổi theo, bởi họ chính là những chủ thể sẽ duy trì và sáng tạo thêm những giá trị mới cho tín ngưỡng đã có. Xu hướng này đã bắt đầu xuất hiện ở một số tỉnh thành khi ra đời loại hình du lịch văn hóa – hành hương vừa tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh kết hợp với thỏa mãn nhu cầu tâm linh và tìm hiểu văn hóa tộc người là dạng du lịch mang đến nhiều trải nghiệm thú vị có thể thu hút lượng lớn du khách tham gia, nhất là giới trẻ muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc hay các khách ngoại quốc muốn hiểu biết thêm về văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn miếu Thiên Hậu Tuệ Thành ở quận 5, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những di tích mang đậm nét kiến trúc – mỹ thuật độc đáo của cộng đồng người Hoa Chợ Lớn luôn là điểm tham quan quan trọng của các đoàn du khách trong và ngoài nước khi đến thăm viếng thành phố mang tên Bác. Tương tự, Kiến An cung ở Sa Đéc, Vĩnh An cung ở Vĩnh Long, miếu Thiên Hậu Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng và miếu Thiên Hậu thành phố Cà Mau cũng là các di tích kiến trúc – mỹ thuật quan trọng, là điểm đến được cộng đồng chia sẻ.
Có thể thấy là một phần của văn hóa tín ngưỡng được chia sẻ bởi cả ba cộng đồng Hoa, Việt, Khmer, tín ngưỡng thờ Thiên Hậu ở Cà Mau đã và đang thay đổi để ứng biến với các tác động của thời cuộc, để tiếp tục phát huy các giá trị lưu giữ truyền thống, định hướng các giá trị chân thiện mỹ, giáo dục nhân cách sống và cố kết cộng đồng đa văn hóa đồng thời chấp nhận dung hòa với các dòng văn hóa đại chúng mới như đã từng điều chỉnh để thích ứng với môi trường đa văn hóa ở địa phương.
Kết luận
Cùng với quá trình dung hợp văn hóa đa tộc người trong suốt ba trăm năm qua, tín ngưỡng Thiên Hậu dần hấp thụ yếu tố văn hóa từ các cộng đồng xung quanh để phù hợp với nhịp sống xã hội hiện tại. Ngược lại, các tộc người cũng dần chấp nhận tín ngưỡng với tấm lòng thành kính và xem đó như là một trong những hình thức tín ngưỡng dân gian của vùng. Tục thờ Thiên Hậu nhìn chung mang tính mở, sẵn sàng giao lưu văn hóa đa tộc người trở thành biểu tượng của sự giao lưu văn hóa Hoa – Việt – Khmer đồng thời phản ánh sinh động tính dung hợp văn hóa đa tộc người tại tỉnh Cà Mau cũng như toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, tín ngưỡng cũng mang lại các giá trị thiết thực khi bảo lưu những di sản văn hóa quý báu cho đời sau, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người dân và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đời sống xã hội. Có thể khẳng định tín ngưỡng giống như chất keo gắn kết cộng đồng Hoa giúp giữ gìn bản sắc tộc người đồng thời góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết các dân tộc trong vùng thông qua việc đề cao những giá trị nhân văn như lòng biết ơn, tinh thần tương thân tương ái, biết chia sẻ đùm bọc lẫn nhau nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của xã hội.
Chú thích:
- Tại Thiên Hậu Cung xã Phú Hưng, huyện Cái Nước; thị trấn sông Đốc, huyện Trần Văn Thời; thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình.
- Cung thờ tại thị trấn sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
- Tên gọi Việt hóa theo cách phát âm trong tiếng Quảng Đông của từ “長衫” nghĩa là trường sam, áo dài. Một loại trang phục truyền thống Trung Quốc hay thấy ở vùng Thượng Hải nên còn gọi là áo dài Thượng Hải.
- Biên bản phỏng vấn số 7.
Tài liệu tham khảo
- Hội Văn học Nghệ thuật Cà Mau (2008), Đôi nét phác thảo văn hóa dân gian Cà Mau, Nxb Phương Đông, Hồ Chí Minh.
- Trần Hồng Liên (2005), Tục thờ cúng và lễ hội truyền thống của Bà Thiên Hậu ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, tham luận Hội thảo Folklore Châu Á, Viện Văn hóa dân gian, Hà Nội.
- Trần Hồng Liên (2005), Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ - Tín ngưỡng và Tôn giáo, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Trần Hồng Liên (chủ biên) (2007), Văn hóa người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Nghê Văn Lương – Huỳnh Minh (1972/2003), Cà Mau xưa, Nxb Thanh Niên, Hồ Chí Minh.
- Ngô Đức Thịnh (2009), Đạo Mẫu Việt Nam, Tập 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
- Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2001), Tín ngưỡng và Văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Ngọc Thơ (2011), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hoa Nam, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, (tập 14), tr 42-60.
- Phạm Văn Tú (2008), Miếu, Lăng, Cung thờ ở Cà Mau – Tín ngưỡng và giá trị nhân văn, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Viện nghiên cứu Văn hóa.
- Phạm Văn Tú (2011), Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu ở Cà Mau, Nxb Khoa học Xã hội, Hồ Chí Minh.
- Phan An (chủ biên) (2004), Chùa Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phan An (chủ biên) (2006), Góp phần tìm hiểu văn hóa người Hoa ở Nam Bộ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hồ Chí Minh.
- Tsai Maw Kuey (1968), Người Hoa ở miền Nam Việt Nam, Luận án Tiến sĩ (Bản dịch của Ủy ban nghiên cứu Sử học và Khoa học của Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn). - Paris: Thư viện Quốc Gia Paris.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa và Du lịch, Vol. 7, số 2&3 (82&82), tháng 3&5/2016