Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Một vài đặc trưng

20170826.Tho mau

Ảnh: Chơi trò chơi dân gian “kéo chữ” trong khuôn khổ lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) từ ngày 3 đến 10/3 âm lịch hằng năm. Trong hình, người dân đang kéo chữ “thiên” trong cụm từ “Mẫu nghi thiên hạ”, chỉ Mẫu Liễu Hạnh.

 

Theo TS Nguyễn Ngọc Mai, ngày nay, các nghi lễ trong hệ thống thờ Mẫu Tam phủ đã hội họp cả nghi lễ trong hệ thống Tam phủ thờ ba vị nam thần: Thiên Thần – Địa Thần – Thủy Thần và hệ thống thần linh các vùng miền khác.

Trong hầu hết các loại hình tôn giáo tín ngưỡng truyền thống ở Việt Nam thì có lẽ thờ thần, thánh là một loại hình tiêu biểu nhất. Tiêu biểu không chỉ bởi bề dày lịch sử mà còn bởi nó là loại hình tâm linh phổ biến trong số đông dân chúng.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh xưa có hệ thống riêng được gọi là Tam tòa Thánh mẫu, thờ nữ thần Liễu Hạnh và hai thị nữ Quỳnh Hoa và Quế Hoa - đều là những nữ thần có nguồn gốc tiên giới. Trong hệ thống này, Liễu Hạnh vừa là thần chủ, vừa là vị tối linh thần của cư dân thương mại. Cuối thế kỉ XVI, đầu thế kỷ XVII là thời kỳ tầng lớp thương nhân - tầng lớp thứ tư trong hệ thống thứ bậc xã hội truyền thống: Sĩ – Nông – Công – Thương, phát triển, khẳng định vị thế xã hội của mình. Sự phát triển của nền kinh tế thương mại thời gian này cũng đồng nghĩa với đòi hỏi phải có biểu tượng linh thần để quán xuyến, đáp ứng những nhu cầu tín ngưỡng của một tầng lớp đang lên. Mô thức Liễu Hạnh ra đời!

Liễu Hạnh có sử tích lưu truyền trong dân gian khác hẳn các thần linh khác. Bà là con gái Ngọc Hoàng, do đánh vỡ chén ngọc bị đày xuống trần gian đầu thai vào nhà Lê Thái Công tại thôn Thiên Bản (Vụ Bản, Nam Định). Cuộc đời và huyền kỳ về người phụ nữ có nguồn gốc tiên giới này diễn ra khá phức tạp và liên quan chặt chẽ đến ba lần xuống trần và các địa danh: Vụ Bản (Nam Định – nơi sinh); Tây Hồ (Hà Nội- nơi xướng họa thơ văn với các Nho sinh đất kinh kỳ); và Sòng Sơn1 (Thanh Hóa - nơi bà mở quán bán hàng và nảy sinh cuộc đại chiến với thế lực của bát vị Kim cương do Phật bà phái đến2 để rồi từ lần thất trận này, bà quy y theo Phật). Đây là lí do giải thích vì sao trong khuôn viên chùa Việt thường có kiến trúc phủ Mẫu (tiền phật, hậu Thánh), dân gian gọi là phủ Bà Chúa Liễu.

Ngày nay, tại nơi bà thác sinh còn quần thể di tích phủ Dầy gồm: Phủ Tiên Hương (quê chồng) và Phủ Vân Cát (quê mẹ). Lễ hội bà Chúa Liễu tại Thiên Bản (Vụ Bản) ngay từ thời Nguyễn đã là lễ hội lớn có quy mô cấp quốc gia. Chuyên mục “Nghi lễ phổ thông”, tạp chí Nam Phong năm 1930 cũng đã phản ánh về lễ thức tế lễ Mẫu Liễu với tư cách Thánh Mẫu rất trang nghiêm với sự tham gia của các quan chức đương thời như sau: “Lễ thức chúa Liễu: tục xưng Thánh Mẫu, ngài thác sinh ở làng Thiên Bản thuộc huyện Vụ Bản, Nam Định. Đền thờ chỗ ấy gọi là Vân Cát, lúc tế Ngài, đàn bà mặc áo mũ vào tế, đệ niên ngày hội quan huyện và quan tỉnh về làm lễ rất tôn nghiêm, đền ở Sùng Sơn, Thanh Hóa thờ Ngài rất là linh ứng cho nên bản triều sức cho quốc tế”3. Người dân Vụ Bản vẫn gọi hệ thống thờ Mẫu Liễu là Tam tòa Thánh Mẫu. Khái niệm Thánh Mẫu Tam phủ theo chúng tôi có thể là một cách gọi/ đọc gán từ chữ Phủ trong Phủ Dầy, hoặc là cách dân gian muốn sử dụng hệ thống thờ Mẫu Liễu Tam tòa này để đối ứng âm – dương với một hệ thống Tam phủ khác thờ ba vị nam thần: Thiên Thần – Địa Thần – Thủy Thần.

Hệ thống Tam phủ thờ ba vị nam thần Thiên – Địa – Thủy có nguồn gốc là các vị thần tự nhiên được dân gian thờ cúng và thực hành tế lễ từ rất lâu đời, thậm chí có thể có trước hệ thống thờ Mẫu Liễu. Đền thờ những vị thần này phân bố chủ yếu ở các vùng ven sông, biển. Mục “Nghi lễ phổ thông” trong tạp chí Nam Phong (1930, 1934) cho biết; “ tế lễ Tam phủ bao gồm tế thần linh Thiên phủ, Địa phủ và Thoải phủ, ở các xã duyên giang (vùng ven sông, biển) đều thờ đức Tam phủ”. Ngày nay vẫn còn các di tích đền thờ quan Tam phủ ở Hải Dương, Hoài Đức, Phúc Thọ và nhiều địa phương khác nữa.

Cả hai hệ thống Tam phủ này đều có những thực hành tế lễ bởi dân địa phương nhưng có quy mô khác nhau và văn khấn khi tế lễ cũng khác nhau, cụ thể:

- Văn khấn Chúa Liễu: “Cung duy Liễu Hạnh, công chúa sắc phong Chế Thắng Hòa Diệu Đại v­ương Ngọc Động hạ. Mẫu nghi thiên hạ, mặc tư­ớng sinh linh. Sùng Sơn hiển thánh, Thiên Bản giáng sinh. Ti dân hộ quốc, giáng vũ khu tình; Cầu chi tất ứng, lễ bản hồ thành. Thần tứ chi phúc, cộng h­ưởng an ninh”.

- Văn khấn Tam phủ: “Mỗ niên Nguyệt Nhật, mỗ quán mỗ danh, cẩn dĩ lễ vật thứ - phẩm cung tiến vu. Thiên - phủ tôn thần bảo tọa; Địa - phủ tôn thần bảo tọa; Thủy - phủ tôn thần bảo tọa. Kính duy quyền tham chủ tế; hỏa diệu tài thành. Tế nhãn hoàn phú - tái chi công; nhuận vật hợp thí - sinh chi đức. Ng­ưỡng kỳ giáng giám; bảo hựu khang ninh. Tứ thời vô hạn lạo chi tai, phong hòa vũ thuận; hợp cảnh hưởng thuần - hi chi phúc, vật phụ nhân khang. Thần đẳng bất thăng nguyện vọng chi chí. Cẩn tấu.”4

Như vậy, cho đến đầu thế kỷ XX thì hiện t­ượng thờ cúng Mẫu Liễu Hạnh với t­ư cách là vị thánh phù dân giúp nư­ớc (ti dân hộ quốc); giáng phúc, giáng hoạ (Thần tứ chi phúc) và hiện tượng thờ cúng thần linh Tam phủ với tư­ cách là các vị thần tự nhiên phù hộ cho mư­a thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh (tứ thời vô hạn lạo chi tai, phong hòa vũ thuận; hợp cảnh hưởng thuần - hi chi phúc, vật phụ nhân khang) là hai hệ thống tín ngưỡng dân gian với những dạng thức thực hành nghi lễ riêng biệt. Một đằng là tín ngưỡng có quy mô tế lễ mang tầm cỡ quốc gia và một đằng là tín ng­ưỡng có quy mô tế lễ ở làng xã.

Khái niệm Tứ phủ là một khái niệm muộn. Có sự giải thích cho rằng có thể do sự hợp nhất với các thần linh vùng sơn cước vào hệ thống thần linh Tam phủ mà thêm một phủ nữa là phủ Nhạc - miền rừng (đây là lý do cho thấy tại nhiều địa điểm thờ Mẫu hiện nay, ban thờ Mẫu Thượng Ngàn được tách ra ở một nơi riêng biệt). Nhưng cũng rất có thể khái niệm Tứ phủ là chỉ sự hợp nhất của phủ Dầy (phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh) với hệ thống Tam phủ nam thần (Thiên – Địa – Thủy) mà thành. Chữ Phủ ở khu vực Vụ Bản lúc đầu chỉ khu vực hành chính: phủ Dầy là địa bàn người dân sinh sống và làm nghề bánh dầy5. Sau khi có huyền tích li kỳ về Mẫu Liễu mà thành tên gọi Phủ Mẫu (chỉ nơi thờ Mẫu) và đã bị hiểu lầm/ đánh đồng/ làm thành một phủ và ghép vào trong hệ thống Tam phủ để trở thành Tứ phủ. Đây cũng là quy luật giao lưu và tiếp biến, hợp nhất văn hóa giữa các cư dân và các vùng miền. Hệ thống thần điện hiện nay trong nghi lễ lên đồng– một thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - đã chứng tỏ sự hội họp giữa các miền vùng này (có đủ cả ngôi Mẫu, quan lớn Tuần Tranh của miền sông nước, Chầu Mười Đồng Mỏ, Chầu Bé Thượng Ngàn, ông Hoàng Mười gốc Thanh - Nghệ, Hoàng Bơ gốc vùng biển, Hoàng Bẩy gốc Tày – Nùng, Cô Chín Cam Đường, Cô Bơ Thoải, Cô Bé Bắc Lệ... Tất cả lên tới 36 giá đồng được cho là thường xuyên giáng đồng. Gần đây, tôi theo dõi còn thấy xuất hiện thêm khá nhiều các thần linh địa phương như: Cô Bé Đồng Đăng, Cô Bé Sa Pa, Cô Bé Đà Lạt, Cô Bản Cảnh, Mẫu Tam Giang...)

Không rõ trong quá trình xây dựng hồ sơ di sản văn hóa, các nhà quản lý văn hóa có cân nhắc đến những cứ liệu này không và diễn biến của quá trình xây dựng hồ sơ di sản với nội hàm như thế nào, nhưng tôi cho rằng khi tổ chức UNESCO công nhận Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là công nhận thực hành nghi lễ của hệ thống thờ Mẫu Liễu Hạnh mà giờ đây đã hội họp trong đó cả nghi lễ thờ Tam phủ nam thần và hệ thống thần linh các vùng miền khác. Cách thức lên đồng hầu bóng hiện nay đã và đang đồng nhất giữa Tam phủ và Tứ phủ, tức là dù Tam phủ thờ Mẫu Liễu hay Tam phủ thờ các vị nam thần hoặc Tứ phủ nói chung thì đều đã và đang thực hành lên đồng hầu bóng theo một quy trình giống nhau6.

Trong các hình thức tế lễ Thánh Mẫu Liễu Hạnh dưới thời xưa, ngoài tế nam quan, nữ quan còn tồn tại một hình thức khác là nhập đồng Thánh Mẫu mà ngày nay chúng tôi gọi bằng khái niệm “lên đồng hầu bóng”. Nghi lễ này dung chứa nhiều lễ thức như nhập hồn, múa bóng, hát văn từng xuất hiện nhiều trong dân gian, như các cuộc lên đồng tế lễ các nữ thần khu vực miền Trung. Về giá trị của thực hành nghi lễ này tôi đã viết rất kỹ trong sách “Nghi lễ lên đồng - lịch sử và giá trị” xuất bản năm 2013, và do khuôn khổ có hạn của tạp chí, tôi chỉ xin tóm lược như sau:

Lên đồng hầu bóng có nguồn gốc từ sự hỗn hợp/ dung hợp của khá nhiều yếu tố: Tục lập thi (xác cốt/ nhập hồn) vốn dĩ lưu truyền trong dân gian từ rất xa xưa ở Trung Quốc và có lẽ du nhập vào Việt Nam khoảng thời Bắc thuộc và lưu hành trong dân gian với các hình thức gọi hồn, nhập hồn, về sau được sử dụng trong thờ Mẫu Tam phủ như một phương cách để tiếp nhận linh hồn Thánh Mẫu. Nghi thức lên đồng còn du nhập cả các điệu thức trong múa Bóng thờ thần của người Chăm do sự thâu hóa văn hóa Chăm của người Việt trong khoảng thế kỷ X- XV để rồi đến thế kỷ XVI – XVII khi tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu thịnh hành thì những yếu tố này được cấu thành lại mà làm thành diễn xướng nghi lễ lên đồng như chúng ta thấy ngày nay (ở miền Trung Việt Nam xưa gọi là “ tiệc hát”)7.

Nghi lễ lên đồng xưa cũng như nay đều có những giá trị đặc thù về nhiều mặt như: lịch sử, văn hóa, tôn giáo, y học và có sự tham gia của nhiều yếu tố nghệ thuật đặc sắc: nghệ thuật biểu diễn trang phục, âm nhạc, ca từ, diễn xuất đóng vai… Các lời ca từ hát văn đều là những truyền thuyết, thần tích, giai thoại đẹp đẽ kể về những lịch sử, hành trạng, công lao của các vị thần.

Đặc biệt, từ phương diện y học, tâm lý bệnh học, khi thực hành nghi lễ lên đồng, các Căn Đồng xưa (có căn tính đặc biệt khác người) hoặc các Thanh Đồng nay (là người nhạy cảm) khi ở vào không gian tôn giáo, dưới tác động của âm nhạc, chất kích thích, màu sắc, hương, lửa… rất có thể đạt đến trạng thái cảm xúc được phóng thích, các huyệt đạo được khai mở mà xuất hiện trạng thái hưng phấn cao độ. Nói cách khác, trong trạng thái lên đồng, hoạt động ý thức yếu đi và thu hẹp giao diện, nhường chỗ cho hoạt động vô thức chiếm ưu thế mà tạo ra trạng thái ngây ngất. Không hiếm trường hợp nghi lễ hầu đồng tạo ra trạng thái hưng phấn khác thường trong và sau đó khiến nhiều cá nhân mắc các chứng bệnh thần kinh (trầm nhược ở các thể hưng cảm hay trầm cảm) có thể khỏi bệnh8. Điểm đặc biệt này của một số Thanh đồng khi thực hành nghi lễ đã tạo ra quyền uy cho cá nhân họ với vai trò người trung gian và cũng chính là “điểm mờ” của nghi lễ. Từ đây dẫn đến sự ngộ nhận của nhiều Thanh đồng, và cũng kéo theo hệ lụy không ít cho những người cuồng tín nếu như những Thanh đồng cố tình lợi dụng thực hành nghi lễ để phục vụ lợi ích cá nhân.

Tóm lại, là một thực hành nghi lễ tôn giáo độc đáo, nghi lễ lên đồng hầu bóng tạo ra những cơ hội thu hẹp khoảng cách giữa thần và người để vươn tới những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp, đồng thời với tập hợp các lễ phục, âm nhạc, đạo cụ…, nghi lễ lên đồng giống như một bảo tàng sống về văn hóa Việt Nam.
--------------
1 Trong các tài liệu cũ ghi là Sùng Sơn.
2 Được giới nghiên cứu gọi là cuộc chiến với nội đạo tràng.
3 Thiện Đình (1930), Nghi lễ phổ thông, tạp chí Nam Phong số 150.
4 Thiện Đình (1930), Nghi lễ phổ thông, tạp chí Đông Dương.
5 Giống như cách đặt tên Phủ Xuân Trường, Phủ Phụng Thiên, Phủ Lý Nhân thời Lê.
6 Tham dự nghi lễ lên đồng hầu bóng tại đền thờ quan Tam phủ ở thôn An Phú, xã Đức Chính, huyện Lai Cách, Hải Dương, hay ở đền Ông Mười (Nghệ An), đền Cô Bé Bắc Lệ (Lạng Sơn) và nhiều nơi khác nữa, tôi nhận thấy những nghi thức này giống với các thực hành nghi lễ lên đồng hầu bóng ở Phủ Dầy.
7 Xem thêm Lê Hữu Trác (1971), Thượng kinh ký sự, Nxb Văn học, tr. 19
8 Xem thêm: Nguyễn Ngọc Mai (2013) Nghi lễ lên đồng - lịch sử và giá trị, Nxb VH, tr 341.

*Nguyễn Ngọc Mai, Tiến sĩ, Trưởng phòng nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống, Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 11.3.2017

Thông tin truy cập

63687518
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7810
23426
63687518

Thành viên trực tuyến

Đang có 1006 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website