Ảnh: Internet
1. Đặt vấn đề
Tín hiệu ngôn ngữ được hiểu là một hệ thống gồm các loại đơn vị: âm vị, hình vị, từ và câu. Hệ thống này được dùng để giao tiếp và tư duy, có một số tính chất (chủ yếu được nhìn nhận ở đơn vị từ): a) Tính võ đoán, tức giữa hình thức ngữ âm (cái biểu hiện) và khái niệm (cái được biểu hiện) không có mối tương quan bên trong nào; b) Tính đa trị, mỗi cái biểu hiện tương ứng với nhiều cái được biểu hiện khác nhau, như các từ đa nghĩa và cùng âm; c) Tính xã hội, có quy luật phát triển theo cộng đồng, không lệ thuộc vào ý muốn của cá nhân;…
Nếu tín hiệu ngôn ngữ tác động vào con người chủ yếu bằng mắt, tai, thì tín hiệu phi ngôn ngữ là tất cả các cảm giác, tức ngũ quan nói chung (bên cạnh thị, thính, còn bao gồm cả khứu, vị và xúc giác). Có nhiều loại tín hiệu phi ngôn ngữ hay gặp trong cuộc sống, trong đó, có ba loại: tín hiệu bằng cử chỉ của tay (thường dùng cho người câm điếc), tín hiệu bằng biển báo (thường dùng trong ngành giao thông), tín hiệu bằng hình ảnh tượng trưng, biểu trưng (thường dùng ở nhiều ngành kinh doanh, dịch vụ). Ngoài ra, có những biểu hiện phi ngôn ngữ khác (mà chúng ta sẽ thấy qua các mẩu truyện cười sắp trình bày). Theo đó, ở bình diện giao tiếp, có thể nói, tín hiệu phi ngôn ngữ có phạm vi rộng hơn tín hiệu ngôn ngữ (1).
Một số truyện cười dân gian người Việt sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ trong giao tiếp, để gây cười; chẳng hạn: “Tấm biển hiệu bán cá”, “Phượng Lệnh”, “Tài đối đáp”, “Khúc ruột cũng không cho”,“Quả là thần đồng”, “Hên quá, mình chưa nói!”,… Số này không nhiều, nhưng cần chú ý khi muốn nắm bắt một cách thấu đáo về chúng.
Để thực hiện bài viết này, người viết đã xem xét số tài liệu sưu tập truyện cười hiện có (khoảng 150 đầu sách), đồng thời gạt bỏ số truyện cười liên quan đến khuyết tật của con người - như truyện “Chồng điếc vợ câm” (nguyên nhân thuần tuý đạo đức: cười trên sự tật nguyền của người khác là một điều bất nhẫn).
2. Việc sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ trong giao tiếp để gây cười, ở truyện cười dân gian người Việt
Sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ trong giao tiếp, gồm nhiều dạng thức khác nhau. Khi phân tích, có thể trình bày thêm một số truyện liên quan, để sự việc được rõ hơn. Đồng thời, cũng nêu tác dụng của việc sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ trong truyện cười.
2.1. Việc sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ, trong truyện cười
Đọc bốn mẩu truyện dưới:
(1) TẤM BIỂN HIỆU BÁN CÁ
Ông chủ bán cá treo một tấm biển hiệu trước cửa hàng của mình: Ở đây có bán cá tươi.
Một người hàng xóm đến xem, cười bảo:
- Nhà này xưa nay quen bán cá ươn hay sao, mà bây giờ lại phải đề biển là cá tươi?
Nghe có lí, ông chủ cho xoá bớt chữ “tươi”, tấm biển trở thành: Ở đây có bán cá.
Người hàng xóm khác đến xem, lắc đầu:
- Cửa hiệu của ông chuyên bán cá, mọi người đều biết, cần gì phải ghi “ở đây”? Ông cho rằng không có hai chữ đó thì khách vào tiệm bánh để mua cá à?
Ông chủ nghe cũng có lí. Hôm sau, trên tấm biển chỉ còn ba chữ: Có bán cá.
Một người thứ ba nữa, lại phê bình:
- Hiệu của ông mở ra là để bán cá, chứ chẳng lẽ lại bày cá ra để khoe, hay để mua cá của khách hàng? Cho nên, hai chữ “có bán” thật là thừa...
Ngẫm nghĩ thấy có lí, ông chủ tiếp tục cho sửa, và tấm biển chỉ còn vỏn vẹn có một chữ: Cá.
Lại một người thứ tư đến bảo:
- Mình bày hàng ra, khách hàng trông thấy, biết ngay là bán cá, chứ ai còn lầm rau hay thịt gì nữa chứ. Để chữ “cá” thật vô ích, khó coi.
Lần nữa, ông chủ hàng cá nghe có lí, cho hạ tấm biển hiệu xuống.
Nguồn: Nguyễn Cừ, Phan Trọng Thưởng (1992), Kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.
(2) PHƯỢNG LỆNH
Ngày xưa, ở vùng Bắc có một gánh hát nổi tiếng, tên là “Phượng Lệnh”, biểu tượng con chim phượng cắp cái lệnh (3). Nhờ các đào kép nổi tiếng đàn ngọt hát hay, ông trùm lại có tài giao tiếp, nên các làng đua nhau mời gánh hát mỗi lúc có dịp hội hè, đình đám.
Năm ấy, làng nọ được mùa to, vào đám đúng bảy ngày. Làng tổ chức hội diễn, mời nhiều gánh hát tham dự, trong số đó, có “Phượng Lệnh”. Vào đêm trao giải, Ban tổ chức viết tên các gánh hát bằng chữ Nho, kèm theo biểu tượng. Ông lí mắt kém, chữ nghĩa ít, nên cứ nhìn vào biểu tượng để xướng tên, mời các đại diện gánh hát lên nhận thưởng.
Phần thưởng cao nhất, ông lí trịnh trọng:
- Xin mời ông trùm gánh hát “Đại Bàng” lên nhận phần thưởng!
Các ông trùm nhìn nhau ngơ ngác. Một người đứng lên:
- Thưa cụ lí! Trong số chúng tôi, không có gánh hát nào tên Đại Bàng đâu ạ.
- Vâng! Vâng! Thế thì xin mời gánh hát “Gà mổ bánh đa”...
Xướng mấy lần không thấy ai lên, cụ lí lại dõng dạc:
- Xin mời gánh “Quạ và Mặt trời”!
Vẫn không thấy ai lên.
- Xin mời gánh “Cò cắp vành khuyên”!
Ở dưới chỉ có các ánh mắt nhìn nhau.
- Mời gánh “Chim xây tổ”!
Lúc này, ông trùm gánh “Phượng Lệnh” nghĩ ra, hẳn cụ lí muốn mời gánh hát của mình, bèn đứng dậy nói:
- Thưa cụ lí! Chỉ có gánh hát “Phượng Lệnh” của chúng tôi là có phần gần gũi với các danh hiệu mà cụ xướng thôi ạ.
- Vâng! Thế thì mời gánh “Phượng Lệnh” lên cửa đình nhận giải!
Xong cuộc trao giải, cụ lí gặp ông trùm gánh hát “Phượng Lệnh”, trách yêu:
- Sao cái gánh hát của ông có cái tên lạ tai thế? Mà phượng với chim, cò, quạ,..., có khác nhau là mấy đâu chứ!
Nguồn: Nguyễn Quang Khải (2011), Chuyện vui thường ngày, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, tr. 47-48.
(3) TÀI ĐỐI ĐÁP
Có một ông thầy trụ trì ở ngôi chùa nằm trên ngọn đồi của làng nọ. Thầy hiền từ nhưng chữ nghĩa kém. Viên lí trưởng muốn đuổi thầy đi, bèn trình lên quan huyện. Quan huyện nói sẽ đích thân đến tận nơi xem xét.
Việc ấy, có người mách lại cho thầy trụ trì biết. Lúc này, có ông thợ đóng giày lên chùa chơi, nghe được, bèn bàn với thầy: khi quan đến, thầy tạm lánh đi, đưa áo cà sa cho tôi mặc, để tôi đối đáp với quan.
Hôm nọ, quan giả dạng du khách lên vãng cảnh chùa. Khi gặp thầy trụ trì (là ông thợ đóng giày), ông khách không nói, đưa tay chỉ lên trời. Thầy cũng im lặng, lấy tay chỉ xuống đất. Ông khách chỉ tay vào bụng, thầy chỉ vào lưng. Ông khách giơ ba ngón tay, thầy đưa năm ngón. Ông khách chào, quay gót.
Quan huyện gặp viên lí trưởng, nói:
- Ta đã đích thân xem xét, ông đó là người tu hành chân chính, lại là nhà thông thái nữa. Khi ta đến, đưa tay chỉ lên trời, ý nói “Thiên tào”, ông ta liền chỉ tay xuống đất, ra ý đáp “Địa phủ”. Ta chỉ tay vào bụng, ý nói “Tu tại tâm”, ông ta chỉ tay sau lưng, ngầm đáp “Dìu hậu thế”. Ta lại giơ ba ngón tay, ý hỏi “Tam quy”, thì ông ta đưa ra năm ngón tay, nhằm trả lời là “Ngũ giới”. Người giỏi như thế, sao lại đòi đuổi?
Mấy hôm sau, thầy trụ trì mời ông thợ giày lên chơi, rồi hỏi:
- Bác đối đáp ra sao mà quan có vẻ nể phục quá vậy?
Ông thợ giày nói:
- Có gì đâu! Khi ông ta chỉ tay lên trời, tôi đoán ngay rằng ông hỏi: “Có phải ông làm thợ mũ không?”; tôi chỉ ngay xuống đất, hòng nói: “Không, tôi là thợ đóng giày”. Khi ông chỉ tay vào bụng, ý hỏi: “Da bụng có tốt không?”; tôi chỉ tay sau lưng, là đáp lại: “Da lưng dày hơn, tốt hơn”. Ông ta giơ ba ngón tay, ý muốn trả giá ba đồng một đôi giày, tôi liền giơ năm ngón, để cho thấy năm đồng mới bán được. Chuyện chỉ có vậy thôi mà!
Nguồn: Ngô Sao Kim (2011), Truyện cổ, truyện dân gian Phú Yên, Nxb. Lao động, Hà Nội, tr. 338-341.
(4) KHÚC RUỘT CŨNG KHÔNG CHO
Ông quan nọ ỷ có chút chữ nghĩa nên hay tỏ ra xem thường mọi người. Một hôm cao hứng, ông phán: “Hễ ai đáp trọn những câu đối của ta, ta sẽ thưởng cho một con heo bự”.
Có anh nông dân đến nhà quan xin được vào đối như lời quan truyền. Vào cuộc, quan đưa một ngón tay lên; anh nông dân thấy vậy liền đưa hai ngón tay đối lại. Quan giơ lên ba ngón; anh nông dân liền giơ bốn ngón. Ra chiều suy nghĩ hồi lâu, quan lấy hai cánh tay khoả ghép vòng tròn trước mặt; anh nông dân liền đưa một cánh tay ra, tay kia chặt xuống. Quan lắc đầu, mặt mày méo xẹo, bảo mình chịu thua, sai người nhà đưa con heo cho anh nông dân dẫn về.
Vợ quan hớt hải chạy ra hỏi:
- Sao ông thua nó dễ dàng quá vậy?
Quan lắc đầu đáp:
- Không ngờ nhà nông mà có cái thằng thông minh quá vậy. Tôi nói “Nhất Quan Âm”, nó nói “Nhì Bồ Tát”; tôi ra “Tam Thánh”, nó đối “Tứ Hiền”. Tôi ra câu “Vầng nhật nguyệt kết thành một khối”, tưởng là nó ngắc ngứ đoạn này, ai dè nó trả lời đúng là “Dải ngân hà chia rẽ hai phần”! Thành ra, mình thua chứ còn gì nữa.
Thấy chồng dẫn heo về, vợ anh nông dân mừng rỡ, sốt sắng hỏi chồng:
- Mình đối ra làm sao mà thắng quan hay vậy?
Anh nông dân đáp:
- Quá dễ! Sáng sớm chưa ăn gì hết, mà ông ấy hỏi “Một đòn bánh tét ăn có hết không?”, tôi liền trả lời “Hai đòn cũng hết”; rồi ông thách “Ba đòn”, tôi nói ngay là “Bốn đòn cũng xong!”. Ông biết đã thua tôi, suy nghĩ mãi, cuối cùng, ông xin lại “Bộ lòng”, nghĩ mà ghét quan gì keo bẩn, tôi trả lời dứt khoát “Khúc ruột cũng không cho!”. Cuối cùng, ông đành sai người đem heo cho tôi dẫn về. Thế thôi, chứ có gì đâu!
Nguồn: Châu Nhiên Khanh, Lê Hoàng Mai (2005), 1001 chuyện trạng nói khoác, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, tr. 134-135.
2.2. Phân tích việc sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ trong truyện cười
+ Phân tích truyện “Tấm biển hiệu bán cá”:
Nếu làm như “ông chủ hàng cá” ở truyện này, thì các biển quảng cáo đang phô trương rực rỡ hiện nay phải gỡ xuống hết. Điều này chẳng những khiến bộ mặt phố phường thay đổi mà cả đến người có nhu cầu cần mua thứ gì cũng ngỡ ngàng. Nhưng nói vậy là cứ vào thực tiễn, mà cho dẫu cuộc sống đã qua hàng nghìn năm vẫn cần nhìn lại, xem thử đúng sai, thì điều ấy vẫn nằm ngoài vấn đề đặt ra.
Vấn đề đặt ra ở đây là sự chiến thắng của quan niệm, biểu thị bằng lí lẽ, trong việc quan hệ giữa người bán với người mua, được thể hiện qua tấm biển hiệu. Người mua cần một tín hiệu đáng tin cậy, tín hiệu ấy là ngôn ngữ, văn tự mà tấm biển Ở đây có bán cá tươi đã đáp ứng. Theo đó, việc xoá bớt chữ, dẫn đến phải tháo gỡ nó đi của ông chủ hàng cá là đã phá vỡ mối quan hệ này, do ông chưa hiểu hết được ý nghĩa và sự khác biệt của tín hiệu ngôn ngữ và tín hiệu phi ngôn ngữ, nên không bảo vệ được nội dung ghi trên tấm biển. Tín hiệu phi ngôn ngữ như “bày cá ra”, “mùi tanh của cá”, cả cụm từ “ở đây” (“ở đây” được định vị bằng tập quán của người xóm giềng quen biết, chứ không phải bằng chữ viết dành cho tất cả mọi người,...). Chưa nói, “cá tươi” không chỉ phân biệt với “cá ươn” như nhân vật “người hàng xóm” đầu tiên hiểu, mà còn phân biệt với “cá khô”, “cá nướng”, “cá hộp”, “cá hấp chín”,… (4)
+ Phân tích truyện “Phượng Lệnh”:
Hình vẽ con chim phượng cắp cái lệnh, biểu tượng của gánh hát có tên Phượng Lệnh, được ông lí trưởng miêu tả bằng: “Gà mổ bánh đa”, “Quạ và Mặt trời”, “Cò cắp vành khuyên”, “Chim xây tổ”,... Có lẽ ông lí sẽ không thể nói ra được tên gọi chính thức của gánh hát này, nếu ông trùm gánh hát không chịu đứng lên để thừa nhận Phượng Lệnh có phần gần gũi với các tên gọi kia. Dù “phượng”, “gà”, “quạ”, “cò”, “chim”,… , là những từ cùng trường nghĩa chim gà, nhưng để nhận ra cái tên của gánh hát nọ, rõ là không mấy dễ dàng. Điều ấy cho thấy giá trị của việc sử dụng tín hiệu ngôn ngữ lớn biết nhường nào!
Cũng hình thức giao tiếp bằng hình ảnh, biểu tượng, nhưng thay vì dùng màu sắc của tranh vẽ, là một vật liệu khác, đó là gỗ, được tìm thấy ở truyện Trạng Lợn. Truyện kể việc Trạng đi sứ sang Tàu, qua cửa ải, quan giữ ải sai người trèo lên nóc thành, đưa ra một hình chữ thập bằng gỗ, lấy tay chỉ đông chỉ tây rồi biến mất. Trạng bèn cho người làm một cái vòng tròn đưa vào. Cửa ải được mở ra nghênh đón. Khi hàn huyên, mọi người mới biết: chữ thập của quân giữ ải hàm ý “Tung hoành vũ trụ”, còn vòng tròn của Trạng mang nghĩa “Bao quát càn khôn”. Đây là một lối giao tiếp (qua việc đối nhau) bằng biểu tượng. Có điều, tiếng cười nếu có chỉ “ăn theo”, chứ đây không phải là truyện cười (5).
Cần nói thêm, hình chữ thập cho thấy việc giao nhau giữa hai trục, trục tung (trục dọc) và trục hoành (trục ngang); do đó, “tung hoành vũ trụ” có thể hiểu tương tự với “dọc ngang trời đất”. “Càn” (chỉ trời), “khôn” (chỉ đất), là hai trong tám quẻ của bát quái, nên “bao quát càn khôn” là nắm cả đất trời. Tất nhiên, mỗi khi “nắm cả đất trời” thì khống chế được mọi sự “dọc ngang” trong đó. Có điều, các nghĩa vừa nêu chỉ là những hình thức suy diễn. Bởi ai cũng biết, hình chữ thập còn biểu trưng cho ngành y tế, vòng tròn còn biểu trưng cho trời (theo quan niệm “trời tròn đất vuông”, qua truyện “Sự tích bánh chưng bánh dày”); và khi “tròn” kết hợp với “vuông”, thì chỉ sự hoàn hảo, tốt đẹp (như các tổ hợp: “vạn sự vuông tròn”, “mẹ tròn con vuông”,…).
+ Phân tích truyện “Tài đối đáp”:
Quan huyện sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ bằng hành động, cử chỉ, để giao tiếp với ông thợ giày (sắm vai sư trụ trì), và được ông ta đáp lại, cũng cùng loại tín hiệu ấy. Rồi vấn đề được “lật ngửa”: tín hiệu thì phù hợp nhau mà ý nghĩa liên quan lại khác hẳn. Nói rõ ra, trên đại thể, nếu ngôn ngữ trùng khít với tư duy, thì loại phi ngôn ngữ được sử dụng tuỳ thích, sẽ không như vậy.
Bên cạnh “Tài đối đáp”, liên quan đến nó và nhóm truyện sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ bằng cử chỉ, điệu bộ, có một số mẩu thuộc truyện cổ tích thế tục, như “Chàng rể hay chữ”, “Con cua đó, cái dù đây”, kể việc ra hiệu để đối, và nhờ đó mà các “thầy gà”, “thầy kiện” có cơ hội đem lại chiến thắng cho “thân chủ” của họ. Với thể loại truyện cười, cũng có một số mẩu, như “Quả là thần đồng”, “Khúc ruột cũng không cho”,…
+ Phân tích truyện “Khúc ruột cũng không cho”:
Tương tự với truyện “Tài đối đáp”, mức độ chủ quan của truyện đang bàn giống nhau. Ở đây, nhân vật quan chức thì đưa mặt dại, bày sự ngây ngô ra. Nếu ở “Tài đối đáp”, ông thợ giày suy nghĩ kiểu bàn chân, thì ở “Khúc ruột cũng không cho”, anh nông dân tính chuyện ăn uống lối người cày. Những kiểu nghĩ suy, toan tính ấy khác hẳn với lối tư duy của kẻ đi học, thi đỗ, rồi được ban chức quyền, như quan.
2.3. Tác dụng của việc sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ trong truyện cười
Xét mặt tác dụng, có thể chia vấn đề đặt ra làm hai: tác dụng của nhóm truyện sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ xuất phát từ quan niệm (truyện 1), và tác dụng của nhóm truyện sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ xuất phát từ thực tiễn (các truyện 2, 3, và 4).
+ Tác dụng của nhóm truyện sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ xuất phát từ quan niệm:
Quan niệm được nêu có tính chất tuỳ tiện, thiếu hẳn sự đúng đắn, khách quan. Từ quan niệm không đúng này, sẽ dẫn đến việc nhân vật truyện có hành động sai trái.
Truyện “Tấm biển hiệu bán cá” cho thấy nhân vật chủ hiệu bán cá do nhìn nhận về tín hiệu ngôn ngữ và tín hiệu phi ngôn ngữ lệch lạc, nên đã không bảo vệ được việc làm hợp lẽ của bản thân: ông chủ hiệu phải huỷ bỏ tấm biển hiệu.
Đây là truyện cười truyền thống. Chúng khiến người nghe/đọc suy nghĩ nhiều về mối quan hệ được đặt ra. Rằng từ rất sớm, cha ông ta đã nhận ra vai trò lớn lao của ngôn ngữ trong giao tiếp. Khi từ bỏ vai trò này, thay thế nó bằng các hình thức của phi ngôn ngữ, đều không thuận lợi, dễ dàng. Rằng mối quan hệ giữa tín hiệu ngôn ngữ và tín hiệu phi ngôn ngữ cần được nắm hiểu thấu đáo, hòng định hướng tốt cho công việc, tránh sai phạm không đáng có.
+ Tác dụng của nhóm truyện sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ xuất phát từ thực tiễn:
Dựa vào thực tiễn của tín hiệu phi ngôn ngữ (tín hiệu phi ngôn ngữ là hình ảnh, biểu tượng, và tín hiệu phi ngôn ngữ là cử chỉ, điệu bộ),vấn đề có thể chia làm hai nhóm nhỏ.
- Tác dụng của nhóm truyện sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ xuất phát từ thực tiễn: tín hiệu phi ngôn ngữ là hình ảnh, biểu tượng:
Hình ảnh dùng trong truyện “Phượng lệnh”, vẽ con chim phượng cắp cái lệnh, có thể xem là một logo (logo: từ tiếng Anh, viết tắt của logotype, được dịch là biểu trưng, là một yếu tố đồ họa (kí hiệu, chữ biểu thị, biểu tượng, hình tượng...), nhằm thể hiện một nhãn hiệu hay thương hiệu, hình ảnh đại diện cho một công ty hay các tổ chức phi thương mại, hình ảnh biểu thị một sự kiện, một cuộc thi, một phong trào hay một cá nhân nào đó - theo: https:// vi.wikipedia.org truy cập ngày: 19-10-2017). Logo dù có vai trò như đã nói, nhưng không phải bao giờ người ngoài cuộc cũng nhận ra (để đồng nhất với cái tên đơn vị mà nó biểu trưng).
Việc ông lí cố sức diễn tả hình ảnh “con chim phượng cắp cái lệnh” bằng những cụm từ gần gũi, nhưng vẫn không thể cho đó là gánh hát “Phượng Lệnh”, đã nói lên điều ấy. Sự việc này cho thấy, tín hiệu phi ngôn ngữ là hình ảnh, biểu tượng, chắc hẳn thiếu chuẩn xác, khó nhận diện rạch ròi, so với tín hiệu ngôn ngữ.
- Tác dụng của nhóm truyện sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ xuất phát từ thực tiễn: tín hiệu phi ngôn ngữ là cử chỉ, điệu bộ:
Bố cục của hai truyện “Tài đối đáp” và “Khúc ruột cũng không cho”, trên đại thể là giống nhau. Chúng gồm hai phần: phần gặp gỡ, đối đáp (bằng cử chỉ, điệu bộ, không sử dụng ngôn ngữ); và phần giải mã (dùng ngôn ngữ để miêu tả, chỉ ra ý nghĩa của các cử chỉ, điệu bộ kia). Chẳng hạn: a) Phần đầu của “Tài đối đáp” là việc gặp gỡ và đối đáp giữa viên quan và ông thợ giày (đang sắm vai nhà sư), của “Khúc ruột cũng không cho”, là việc gặp gỡ và đối đáp giữa viên quan với anh nông dân; b) Phần sau của “Tài đối đáp” là nội dung việc đối đáp kia qua lời kể của ông quan và ông thợ giày, của “Khúc ruột cũng không cho” là nội dung cuộc trao đổi với bà quan của ông quan, với vợ của anh nông dân. Phần đầu nêu lí do và thực tiễn của việc sử dụng cử chỉ, điệu bộ thay ngôn ngữ; phần sau nhằm giải thích rõ ra ý nghĩa của việc sử dụng cử chỉ, điệu bộ kia của mỗi bên. Việc giải thích này nói lên: dùng tín hiệu phi ngôn ngữ một cách cảm tính, tuỳ tiện, không thành hệ thống và được cộng đồng thừa nhận (6), sẽ chẳng đâu vào đâu, nếu không nói là gây hại (do sự thiếu tương ứng giữa cử chỉ, điệu bộ với tư duy của các bên trong hoạt động giao tiếp).
Sở dĩ phải có bố cục như thế, vì yêu cầu của nhóm truyện này không thể khác. Có “gặp gỡ, đối đáp”, mới giải quyết được sự thách đố hay điều vướng mắc (phần đầu). Nhưng lại giải quyết sự việc theo lối riêng (bằng cử chỉ, điệu bộ), người ngoài cuộc, cho dù có ở bên cạnh cũng không hiểu, nên cần phải giải thích, và nhân vật đã làm việc này (phần sau). Đây là một bố cục gò bó, không thích hợp khi cần phát triển. Có điều, nó lại cho thấy một vấn đề cơ bản: khi sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ là cử chỉ, điệu bộ theo lối chủ quan, tuỳ tiện, thì ngay cả người cùng tham gia hội thoại, vẫn không hiểu người trong cuộc muốn nói gì.
3. Kết luận
+ Sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ để giao tiếp trong truyện cười, có thể đã xảy ra từ rất lâu, giữa những người cùng nói tiếng mẹ đẻ, nhưng vì lí do này khác, tiếng nói ấy không phải là duy nhất. Điều này có thể xuất phát từ việc vừa sử dụng tiếng Hán trong giao tiếp chính thức (ở trường học, công sở; ở các văn bản hành chính,…), vừa sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp không chính thức (với gia đình, bạn bè, làng xóm,…), kéo dài cả nghìn năm ở nước ta. Việc sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ, qua truyện cười, biết đâu lại nhằm tìm kiếm một phương tiện giao tiếp thay thế cho cả hai thứ tiếng kia. Đến khi phát hiện ra sự bất lực của tín hiệu phi ngôn ngữ so với tín hiệu ngôn ngữ, người ta mới bẻ sang truyện cười, theo hướng thường gặp “Không vui nói lộn lui mà cười”, như tục ngữ đã nhận xét.
Dẫu sao, điều vừa nêu cũng chỉ là sự giả định. Có vấn đề được coi là hiển nhiên, khi cho rằng, giao tiếp, dù bằng hình thức hay phương tiện gì, đều có tính chất cộng đồng, không phụ thuộc vào sự cảm tính, tuỳ tiện của cá nhân. Tức để giao tiếp được, thì phương tiện sử dụng (ngôn ngữ, phi ngôn ngữ) phải có tính hệ thống và được cộng đồng thừa nhận. Mỗi khi thiếu đi điều cơ bản, hiển nhiên ấy, việc giao tiếp sẽ trở nên lạc lõng, vô lối, thậm chí gây hại cho các bên tham gia (mà số truyện cười đang bàn đã cho thấy điều ấy).
+ Với truyện cười, các nhà nghiên cứu thường quan tâm đến đối tượng đáng cười (cười về cái gì?) và biểu hiện gây cười (vì sao mà cười?), với lưu ý: có cười đã, mới xem xét lí do. Vậy với các nội dung vừa nêu ở sự việc đang bàn ra sao? Đối tượng đáng cười ở đây là việc sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ để giao tiếp (nếu có nhân vật tiêu cực đi kèm với hiện tượng này, thì đồng thời phê phán nhân vật ấy), còn biểu hiện gây cười là sự biểu thị cụ thể của từng việc sử dụng kia. Chẳng hạn, với truyện “Tấm biển hiệu bán cá”, có đối tượng đáng cười là việc sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ để giao tiếp, trong đó, có các quan niệm sai lạc từ mấy ông hàng xóm của ông chủ hiệu bán cá; biểu hiện gây cười, là việc ông chủ hiệu bán cá đã nghe lời những người kia mà huỷ bỏ tấm biển hiệu. Với truyện “Phượng Lệnh”, đối tượng đáng cười là việc sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ để giao tiếp, khiến ông lí trưởng “chữ nghĩa nhấp nhem, mắt mũi kèm nhèm” đã phải lòi ra sự yếu kém ấy của bản thân; biểu hiện gây cười: ông lí trưởng cố đọc hình vẽ con chim phượng cắp cái lệnh, thành “Gà mổ bánh đa”, “Cò cắp vành khuyên”…, may mà ông trùm gánh hát nghĩ ra, nói: “Chỉ có gánh hát Phượng Lệnh của chúng tôi là có phần gần gũi với các danh hiệu mà cụ xướng thôi ạ”, mới cứu được ông ta; và câu cuối truyện của ông lí: “Sao cái gánh hát của ông có cái tên lạ tai thế? Mà phượng với chim, cò, quạ,..., có khác nhau là mấy đâu chứ!”.
+ Tìm hiểu việc sử dụng tín hiệu phi ngôn ngữ thay thế tín hiệu ngôn ngữ để giao tiếp trong truyện cười dân gian, ở lĩnh vực ngôn ngữ, là một nghiên cứu có tính chất ứng dụng, nhằm cho thấy sự phong phú, đa dạng trong hoạt động giao tiếp của nó, ở bình diện truyện cười, là một nghiên cứu có tính chất tự thân, giúp nắm hiểu thể loại truyện dân gian này một cách hợp lẽ. Tất nhiên, vấn đề cũng có thể có đóng góp ít nhiều cho những người yêu thích tiếng nói và văn hóa Việt.
T.N
(TCSH352&SDB29/06-2018)
--------------------
(1) Ngôn ngữ ngoài việc để giao tiếp còn là phương tiện để tư duy. Cho nên, giao tiếp bằng ngôn ngữ tuy không rộng bằng các lĩnh vực phi ngôn ngữ, nhưng lại sâu hơn.
(2) Mỗi truyện có thể được chép ở nhiều tài liệu, nhưng để giản lược, ở đây chỉ ghi một.
(3) Lệnh: loại cồng chiêng nhỏ, hình cái đĩa, có đường kính chừng 20-25cm; một số nơi hiện nay, được treo trên một cái giá gỗ, dùng để điều khiển lễ tế thần thánh, đám tang người chết (như ở Bình Trị Thiên, người đánh lệnh, được gọi là quan chấp lệnh, bắt đầu đánh, gọi là khởi lệnh).
(4) “Cá khô”, “cá hộp” ngày nay vẫn phổ biến; còn “cá nướng”, “cá hấp chín”, thì được bày bán ở các chợ vùng gần biển, hay được người dân ngày trước gánh đi bán dạo.
(5) Hiện nay, truyện Trạng Lợn có hai hướng kể: 1) Dạng tiểu thuyết chương hồi - diễn biến theo một trình tự chặt chẽ, gồm 19 hồi (qua: a/ Kim Mã, Vũ Hoàng (1987),Truyện Trạng lợn, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh xuất bản; b/ Nguyễn Cừ, Phan Trọng Thưởng (2001), Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam - Tập III: Truyện cười, truyện trạng cười, truyện ngụ ngôn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội); 2) Dạng các mẩu truyện nhỏ - các truyện rời rạc, đứt mạch (qua hầu hết các tài liệu sưu tập truyện cười, truyện trạng khác). Truyện đang đặt ra thuộc dạng sau. Về mặt thể loại, dạng đầu không phải truyện cười, dạng sau có dáng dấp của giai thoại.
(6) Ba loại tín hiệu phi ngôn ngữ thường gặp trong cuộc sống đã nêu (tín hiệu bằng cử chỉ của tay, với người câm điếc; tín hiệu bằng biển báo của ngành giao thông; tín hiệu bằng hình ảnh, biểu tượng của các ngành dịch vụ), có tính chất hệ thống, và được cộng đồng liên quan chấp thuận. Chẳng hạn, những người tham gia giao thông đường bộ, đều tuân thủ các biển báo, đèn hiệu (xanh, đỏ, vàng), vạch kẻ đường; hàm ý việc xem đây là một hệ thống gồm nhiều yếu tố, và thừa nhận chúng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Tiến Tựu (1990), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Lưu Vân Lăng (1998), Ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Nguyễn Chí Bền (Chủ biên) (2014), Truyện cười dân gian người Việt, 5 quyển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Cừ (2007), Truyện cười Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.
5. Nguyễn Đức Dân (1987), Lô gích, ngữ nghĩa, cú pháp, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
6. Nguyễn Thiện Giáp (Chủ biên) (2000), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Sông hương, ngày 06.7.2018.