(Thethaovanhoa.vn) - Hát trống quân là hát giao duyên, một sinh hoạt văn nghệ dân gian mang đậm tính cộng đồng làng xã của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ở Hà Nội, hát trống quân có những điểm chung nhưng mỗi nơi lại có những cách thức trình diễn và giai điệu khác nhau.
Trước nguy cơ mai một, thất truyền, hát trống quân đã được Hà Nội đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Đôi nét về hát trống quân ở Hà Nội
Thời xưa, chủ nhân của hình thức sinh hoạt nghệ thuật hát trống quân là trai gái còn chưa lập gia đình. Trong sinh hoạt đó, họ bộc lộ tài năng thông qua nghệ thuật ứng tác bẻ vần lời ca, làn điệu. Bằng cách đó, trai gái có điều kiện tìm chọn người bạn đời tương lai của mình ở một tầng bậc cao hơn.
Những người am hiểu về hát trống quân đều không ai biết hình thức hát giao duyên này có từ bao giờ. Nhiều giả thiết cho rằng hát trống quân có từ thế kỷ 13, trong thời kỳ nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên. Có người lại nói hát trống quân có từ thời Nguyễn Huệ khi đưa quân ra Bắc dẹp giặc Thanh vào cuối thế kỷ 18. Chỉ biết chắc chắn rằng, xưa kia, khi mùa vụ đã xong, nông nhàn, vào tiết Thu trăng sáng vằng vặc, nam thanh nữ tú ở các làng quê Hà Đông, Sơn Tây (cũ) nay là ngoại thành Hà Nội lại rủ nhau đi hát trống quân.
Có một điểm chung của hát trống quân là sự dân dã, hồn nhiên của những chàng trai cô gái - những người nông dân tham gia hát đối đáp với nhau - nhưng mỗi nơi lại có một cách hát khác nhau.
Những người già, ở độ tuổi 70 - 80 trở lên ở 3 huyện ngoại thành Hà Nội: Thường Tín, Phú Xuyên và Phúc Thọ kể rằng, có những làng xưa thường tổ chức hát trống quân trong các dịp hội hè mùa Thu, nhất là trong những đêm trăng sáng đẹp của trung tuần tháng 8, nhằm khoảng mùng 10 - 16/8(Âm lịch). Người ta hát từ lúc trăng lên cho đến khi trăng lặn. Đêm hôm rằm được coi như cao điểm của hội mùa Thu với ý nghĩa cầu mong sự sinh sôi nảy nở, vạn vật giao hòa, đơm hoa kết trái.
Ngày nay, không nhiều người trong họ còn biết hát và nhớ các bài hát trống quân xưa bởi vì tập quán này đã dần bị bỏ quên từ những năm 1960. Ở xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), hiện nay có bà Nguyễn Thị Vẫy (1934), ông Nguyễn Văn Bôn (1938); ở xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) có bà Nguyễn Thị Loan (1937), bà Lương Thị Yệc (1938), ông Lương Văn Nền (1930) còn biết hát trống quân.
Xưa ở làng Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, vào dịp nông nhàn tháng 7, tháng 8 Âm lịch, hát trống quân thường được tổ chức bên dòng sông Nhuệ. Tháng 9 là mùa gặt, người dân tạm dừng không hát cho đến tháng 10, khi gặt hái xong xuôi họ lại tiếp tục hát trống quân.
Bà Nguyễn Thị Vẫy, nghệ nhân hát trống quân xã Khánh Hà nhớ lại: “Hồi đó mê hát trống quân lắm, dù có đánh chết vẫn cứ đi”. Cũng vì đam mê ấy mà đến nay bà vẫn tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, vẫn thích lên sân khấu trình diễn và miệt mài truyền dạy lại cho lớp trẻ.
Tại thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, trước đây, hát trống quân cao điểm vào dịp hội đền Phúc Lâm (hội làng Rước Đức Quốc Mẫu), diễn ra từ ngày 12 đến 16/8. Vào những ngày này, người dân nơi đây ngày thì dự hội, tối lại nô nức ra đường tham gia các nhóm hát trống quân. Hát trống quân ở nơi đây có thể diễn ra tại ngay đầu ngõ hoặc trước sân nhà.
Tại cả 3 địa danh còn có hát trống quân ở Hà Nội là xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), thôn Phúc Lâm (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên) và xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ), người ta chỉ cần đào hố, căng dây làm trống - nhạc cụ duy nhất cho hát trống quân - ở những nơi rộng rãi như sân đình, cổng chùa, cổng xóm, đầu làng là cuộc hát có thể bắt đầu. Hát trên sông thì gõ nhịp vào mạn thuyền.
Độc đáo trống quân
Điểm độc đáo của nhạc cụ cho thể loại hát này chính là cái trống quân. Để có một chiếc trống quân, người ta đào một hố tròn dưới đất làm hộp cộng hưởng, đường kính từ 20 - 25cm, sâu 20cm, bên dưới còn khoét thành hàm ếch để tạo độ âm vang, trên đậy tấm ván gỗ sung hình tròn mỏng độ 1cm, vừa kín mặt hố (không để các khe hở xung quanh) làm thành mặt trống.
Tại Phúc Lâm (Phú Xuyên), người ta còn bỏ vào hố dăm bảy chiếc vỏ ốc để tạo thêm âm thanh khác nhau. Phía trên dùng sợi dây mây giờ, phơi kỹ, dài 1,5 - 2m, hai đầu buộc vào cọc tre kéo căng qua mặt trống đóng xuống đất. Giữa mặt trống có chiếc lẫy bằng tre hoặc gỗ dài 15 - 20cm, kéo sợi dây cho thật căng, đầu dưới lẫy nằm giữa tâm mặt trống. Người hát dùng dùi gỗ gõ trên dây tạo nên âm sắc bổng trầm, khoan nhặt, thiết tha, làm nhịp hát.
Trong khoảng 100 năm gần đây, trống quân đã có nhiều thay đổi. Người ta có thể dùng các thùng sắt Tây úp dưới đất làm hộp cộng hưởng thay cho việc đào hố hoặc thay dây mây bằng dây thép, dây cước. Hiện nay, hát trống quân chủ yếu là để trình diễn trên sân khấu nên không thể đào hố làm trống. Câu lạc bộ đang khôi phục hát trống quân, người ta làm trống di động những vẫn giữ nguyên lý về căng dây qua hộp cộng hưởng bằng các hộp sắt gắn trên một tấm ván dài khoản trên dưới 2m.
Đa dạng cách hát trống quân
Nhạc cụ thì giống nhau nhưng cách hát trống quân lại khá đa dạng chứ không đồng nhất. Các địa phương khác nhau có cách thực hành hát trống quân khác nhau.
Ở các huyện phía Nam Hà Nội như Thường Tín, Phú Xuyên, khi trình diễn hát trống quân thì bên nam và bên nữ chia nhau ngồi (hay đứng) hai bên trống, bên nào hát thì một người đại diện vừa hát vừa gõ lên sợi dây mây đánh nhịp trống.
Nhóm hát đôi khi có cả người hát giỏi hay người thuộc nhiều thơ, ứng đối nhanh, nhưng người lớn tuổi không tham dự cuộc thi mà chỉ ở bên cạnh nhắc bài. Nhịp của trống quân là nhịp 2/4 “thình thùng thình”, “thình thùng thình”.
Ở các huyện phía Tây Bắc Hà Nội như Phúc Thọ có cách hát trống quân hoàn toàn khác. Ở đây, tham gia cuộc hát có 3 người. Mỗi nhóm nam, nhóm nữ cử một người đại diện để hát giao duyên với nhau, đố nhau bằng cách hát các bài thơ tình hay các bài thơ đố; ai không trả lời được, nếu “bí” thì thua, thay bằng người khác.
Cả 2 nhóm cùng thống nhất cử một người thứ ba chơi trống và hát các bài thơ được bên nam hay bên nữ xướng lên, người này được gọi là “kép”. Kép ngồi ở giữa đánh trống cầm nhịp. Kép là nhân vật có ngoại hình sáng sủa, lại có giọng hát hay, có nhiệm vụ chuyển lời thơ của người chơi thành giai điệu hát trống quân kiểu như kẻ xướng, người họa, đồng thời đánh trống điêu luyện, dẻo dai nâng bổng lời hát thêm hấp dẫn.
Kép giỏi còn có thể sáng tạo bằng cách chỉnh sửa lời thơ chưa vần, chưa hợp mà người chơi vừa xướng lên. Câu thơ tăng thêm giá trị làm người hát, người nghe đều thích thú.
Lễ hội hát trống quân ở Hà Nội
Về thứ tự trình diễn hát trống quân hay quy tắc các bài hát trống quân tại mỗi địa phương đều có nét riêng của mình.
Tại huyện Thường Tín, mở đầu cuộc hát trống quân là bài “hát gọi”- đây là bài mang giọng điệu giống điệu lý. Tiếp sau đó, cuộc hát chuyển sang đối thoại giao duyên với nhau giữa hai bên nam và nữ. Nếu bên nam hát trước thì bên nữ sẽ tùy theo câu hát mà đối đáp lại sao cho chuẩn và hay nhất.
Ví dụ đoạn đối thoại:
Nữ:
“Mình về để trâu mà ai chăn
Để nón ai đội để khăn cầm ai cầm”
Nam:
“Mình về ta lại ngắm theo
Ngắm nước thời nước chảy ngắm bèo nay bèo trôi”
Cao trào trong đối thoại là các bài đố dài như bài Đố quả, Đố hoa, Đố chim. Các câu hát dài khoảng hơn 20 câu, nội dung đố các loại quả, hoa, đòi hỏi bên đáp phải trả lời hết…
Nhìn chung hát trống quân xưa có một giá trị to lớn đối với mỗi người dân thực hành nơi đó. Thế nhưng hiện giờ, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian này đang bị thất truyền. Những làng xã có hát trống quân, nay những người hát giỏi còn sống đếm không đủ hai bàn tay, tất cả đều đã vào độ tuổi 80. Hơn nữa, các nghệ nhân hát trống quân gần như sống “ẩn dật” với loại hình sinh hoạt văn hóa này. Không nhiều người còn muốn hát, bởi hát vào dịp nào, hát cho ai nghe, mấy ai nhớ họ biết hát trống quân.
Kỳ 3 (30/12): Rối nước làng Ra - làng rối “chân truyền” của một thiền sư
(Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa)
Nguồn: Thể thao và Văn hóa, ngày 23.12.2019.