(Sách Những vấn đề chính tả tiếng Việt hiện nay, Nhiều tác giả, Huỳnh Thị Hồng Hạnh – Nguyễn Hữu Chương chủ biên, NXB. Văn hoá – Văn nghệ TP.HCM, 2014, 520 trang)
Tháng 12 năm 2012, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn và Báo Thanh niên tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về ngôn ngữ học với chủ đề “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng”. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong toàn quốc và các phóng viên, biên tập viên có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề đã trình bày các kết quả nghiên cứu, khảo sát về chính tả hiện hành – vấn đề luôn thu hút sự quan tâm của nhiều giới, nhiều ngành trong xã hội đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và truyền thông. Hơn bao giờ hết, sự thiếu thống nhất và tùy tiện trong cách viết chính tả hiện nay đã khiến cho những quy phạm trong văn bản mất đi sự chuẩn mực cần thiết, gây ảnh hưởng không ít cho việc dạy học chữ Quốc ngữ trong nhà trường cũng như mang lại những tác động tiêu cực đến người tiếp nhận văn bản. Sau gần 400 năm phát triển, nhiều nhà khoa học thống nhất ý kiến cho rằng một số vấn đề về chính tả cần được xem xét lại dưới cả hai góc độ khoa học ngôn ngữ và xã hội, hướng tới việc đề xuất những ý kiến có cơ sở khoa học lẫn thực tiễn nhằm thống nhất chính tả trong cả nước, tránh việc trong một quốc gia thống nhất lại có đến 2, 3 hình thức chính tả khác nhau.
Các bài viết tập trung vào các nội dung sau:
1. Cơ sở khoa học và thực tiễn của việc xây dựng chuẩn mực chính tả tiếng Việt thống nhất
2. Hiện trạng chính tả tiếng Việt và một số đề xuất
3. Kinh nghiệm từ việc xây dựng chuẩn chính tả ở các quốc gia sử dụng tiếng Anh.
Trên cơ sở những nghiên cứu về lịch sử và tiến trình phát triển của chữ Quốc ngữ, các nhà khoa học đã chỉ ra những cơ sở khoa học và thực tiễn của việc xây dựng chuẩn chính tả tiếng Việt sao cho vừa đảm bảo việc giữ gìn bản sắc và sự trong sáng của tiếng Việt vừa phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay. Có bài viết vừa đề cập đến những vấn đề lý luận mang tính khái quát, có bài trực tiếp đi vào những vấn đề chính tả cụ thể như: bảng chữ cái tiếng Việt; viết tên riêng trong tiếng nước ngoài; viết hoa địa danh, tên cơ quan tổ chức; dấu câu; các dạng viết tắt và cách đọc…Những kinh nghiệm trong việc xây dựng chuẩn chính tả ở các nước cũng được các tác giả đề cập đến như một gợi ý cho định hướng xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất.
Những khảo sát về hiện trạng chính tả trong sách giáo khoa, trong nhà trường, trong các văn bản hành chính, trên các báo, biển hiệu, quảng cáo…cho thấy việc ban hành một văn bản pháp quy của Nhà nước (Pháp lệnh hoặc Nghị định) công bốChuẩn quốc gia về chính tả tiếng Việtlà vô cùng bức thiết. Và cùng với chuẩn quốc gia về chính tả tiếng Việt, cần phải có quyển Từ điển chính tảtheo chuẩn đó, và mộtcơ quan chức năngcó trách nhiệm theo dõi sự thực hiện chuẩn và đề xuất những điều chỉnh, bổ sung kịp thời, những hiện tượng liên quan tới chuẩn chính tả, khi cần thiết.
Cuốn sách này tập hợp một số bài viết tiêu biểu trong Hội thảo của các nhà ngôn ngữ học hàng đầu như Nguyễn Minh Thuyết, Lý Toàn Thắng, Bùi Khánh Thế, Nguyễn Đức Dân, Trần Chút, Nguyễn Văn Khang, Đinh Văn Đức, Trần Trí Dõi, Nguyễn Văn Hiệp…; bên cạnh đó còn có bài viết của các nhà hoạt động văn hóa xã hội nổi tiếng như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Nguyễn Quang Thông (báo Thanh niên)…và nhiều nhà khoa học, giảng viên đến từ 3 miền của đất nước. Xuất phát từ nhận thức “ngôn ngữ là linh hồn dân tộc, chính tả là bộ mặt của quốc gia, sự thống nhất về chính tả phản ánh sự thống nhất của quốc gia” (Trần Chút), các bài viết trong cuốn sách này thể hiện sự kỳ vọng vào việc Nhà nước và các cơ quan hữu trách sẽ phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học để hiện thực hóa việc ban hành chuẩn chính tả tiếng Việt thống nhất trong toàn xã hội.
Ban biên tập sách trân trọng cám ơn các nhà khoa học đã gửi bài tham gia, cám ơn Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn và báo Thanh niên đã tạo điều kiện tổ chức Hội thảo cũng như tài trợ cho việc xuất bản công trình này.
Ban Biên tập