Giới thiệu văn hào Nhật Bản Shiba Ryôtarô

 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân

Shiba Ryôtarô (1923-1996)

Tóm lược thân thế của nhà văn

-1923: 0 tuổi. Shiba Ryôtarô sinh ra ở thành phố Ôsaka. Tên thật là Fukuda Teiichi. Cùng năm này, ở vùng Tôkyô xảy ra một trận động đất đã đi vào lịch sử.

-1937: 14 tuổi. Chiến tranh Nhật Trung bùng nổ và chỉ kết thúc vào năm 1945 cùng với Thế chiến thứ hai.

-1941: 18 tuổi. Ghi danh học khoa Mông Cổ tại Đại học Ngoại ngữ Ôsaka lúc ấy hãy còn là một trường chuyên dạy ngoại ngữ. Trong thời gian Shiba theo học, Nhật bước vào Thế chiến thứ hai.

-1943: 20 tuổi. Bị tước quyền hoãn dịch và bắt buộc tạm tốt nghiệp để tòng quân. Nhập ngũ, trực thuộc liên đội chiến xa số 19 đóng ở Kakogawa, Kôbe.

-1944: 21 tuổi. Được huấn luyện tại trường chiến xa của lục quân ở Mãn châu. Sau khi tốt nghiệp được gửi về liên đội chiến xa số 1 vùng Mãn châu.

-1945: 22 tuổi.Để phòng thủ Nhật Bản, được lệnh rút lui về xứ (Niigata) qua ngõ Triều Tiên (cảng Busan). Năm đó, Nhật Bản chấp nhận tuyên ngôn Postdam. Giải ngũ ở Tochigi sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh.

- 1946: 23 tuổi. Vào làm việc ở tòa báo Shin Nihon Shinbun (Tân Nhật Bản tân văn). Cùng năm, Thiên hoàng ra tuyên ngôn tự xem mình không có tính cách thiêng liêng. Tân hiến pháp hòa bình hậu chiến được công bố.

-1948: 25 tuổi. Shin Nihon Shinbun phá sản, phải qua làm việc với Sangyô Keizai Shinbun (Sankei), tờ báo về kỹ nghệ và kinh tế.

-1956: 33 tuổi. Nhận giải lần thứ 8 của tổ chức văn hóa Kôdansha Kurabu với tác phẩm Perusha no Genjutsushi (Nhà ảo thuật Ba Tư). Mượn tên của tác giả Sử Ký làm bút hiệu. Shiba Ryôtarô (Tư Mã Liêu Thái Lang) hàm ý khiêm tốn là mình "còn xa mới bắt kịp" (liêu) sử gia Tư Mã Thiên nhưng là lời hứa thầm kín sẽ sống và viết cương trực như sử gia đời Hán.

-1959: 36 tuổi. Kết hôn với nữ ký giả Matsumi Midori, một đồng nghiệp làm việc ở bộ môn văn hoá báo Sankei. Viết Fukuro no shiro (Ngôi thành của chim cú).

-1960: 37 tuổi.Fukuro no shiro đoạt giải Naoki lần thứ 42. Năm đó, cuộc đấu tranh chung quanh Anpo (Hiệp ước phòng thủ hổ tương Nhật Mỹ) trở nên căng thẳng. Shiba trở thành giám đốc bộ môn văn hóa của báo Sankei.

-1961: 38 tuổi. Từ chức ở Sankei để trở thành nhà văn chuyên nghiệp.

-1962: 39 tuổi. Cho đăng liên tục tiểu thuyết dài Ryôma ga yuku (Ryôma xông pha) nói về cuộc đời bôn ba của nhà chí sĩ duy tân Sakamoto Ryôma.Truyện này kéo đến 1966 mới đăng trọn.

-1963: 40 tuổi. Cho đăng Kunitori Monogatari (Truyện cướp nước). Kéo dài đến 1966 mới xong.

-1964: 41 tuổi. Nhật Bản mở đường xe điện siêu tốc Shinkansen. Thế vận hội Tôkyô cũng khai mạc cùng năm.

-1968: 45 tuổi. Bắt đầu đăng Saka no ue no kumo (Vầng mây trên đầu dốc) trên nhật báo, kéo dài tận 1972.

-1969: 46 tuổi. Bắt đầu đăng Kashin (Hồn hoa) cho đến 1971.

-1971: 48 tuổi. Bắt đầu đăng Kaidô wo yuku (Đi trên đường cái) cho đến 1996 nhưng chưa kịp kết thúc.

-1972: 49 tuổi. Bắt đầu đăng Tobu ga gotoku (Như bay bổng) cho đến 1996. Năm này, Mỹ giao trả quần đảo Okinawa cho Nhật.

-1986: 63 tuổi. Bắt đầu đăng Kono kuni no katachi (Hình thù đất nước này), bị bỏ dở dang vào năm 1996. Lúc đó, Nhật Bản bước vào thời Kinh tế bong bóng (bubble economy) dựa trên đầu cơ. Năm 1991, bong bóng vỡ và kinh tế suy thoái.

-1989: 66 tuổi. Viết Kôan no taimatsu (Ngọn đuốc của Ogata Kôan [1]) và Nijuuisseki ni ikiru kimitachi e (Thư gửi các em nhỏ của thế kỷ 21) để đăng trong sách giáo khoa bậc tiểu học. Kôan là Ogata Kôan (1810-1863), thầy thuốc, nhà giáo dục và nhà nghiên cứu Lan học (cái học Tây phương) vào cuối đời Mạc phủ.

-1993: 69 tuổi. Huân chương Thiên hoàng về Văn hoá.

-1996: 72 tuổi. Công dân danh dự thành phố Ôsaka. Bị vỡ động mạch vùng bụng và chết đột ngột.

Tác phẩm chính đã viết

Shiba Ryôtarô có một cuộc đời sáng tác vô cùng phong phú và đa diện, từ đoản thiên qua trường thiên, tiểu thuyết lịch sử đến kịch, tùy bút lữ hành, nghị luận cũng như trả lời phỏng vấn, tham gia bàn tròn... chưa kể rất nhiều tác phẩm của ông đã được dựng thành phim trên màn ảnh lớn lẫn màn ảnh nhỏ. Sách của ông bán rất chạy và được in đi in lại nhiều lần. Con số phát hành đến mức kinh hoàng của Ryôma ga yuku ( Ryôma xông pha, 21,2 triệu quyển), Saka no ue no kumo (Vầng mây trên đầu dốc, 14,7 triệu quyển), Tobu ga gotoku (Như bay bổng, 10,7 triệu quyển), Kaido wo yuku (Đi trên đường cái, 10,5 triệu quyển) ...là những bằng chứng hùng hồn, cho dù trước đó chúng đã từng đến với người đọc qua đăng tải trên báo ngày. Toàn tập vĩ đại của ông do nhà xuất bản Bungei Shunju ấn hành lên đến 68 tập [2].

Tuy nhiên, vì muốn tập trung vào quan điểm lịch sử của Shiba, chúng tôi chỉ nêu ra một số tác phẩm trường thiên liên quan đến chủ đề lịch sử theo thứ tự thời gian xuất bản:

-Fukuro no shiro (Ngôi thành của chim cú, 1959) kể về Ishikawa Gôemon, ? - 1594), một đầu lĩnh đạo tặc dưới thời Azuchi Momoyama. Đời ông ta từng được phóng tác thành tuồng hát trên sân khấu cổ điển.

-Kamikata bushidô (Võ sĩ đạo vùng kinh kỳ, 1960) thuật lại truyện các samurai ở Keihan (khu vực Kyôto và Ôsaka).

-Kaze no bushi ( Người samurai như gió cuốn, 1961) nói về kiếm sĩ tài ba Takushoku Shingo, một nhân vật hư cấu.

-Sen.un no yume (Mộng tàn trong khói chiến, 1961) kể sự tích Chôsokabe Morichika (1575-1615), lãnh chúa phiên Tosa trên đảo Shikoku, một địch thủ bất hạnh của Tokugawa Ieyasu.

-Fuushin no mon (Cánh cổng phong thần, 1962) nói về 10 người dũng sĩ nhà Sanada, một dòng họ võ tướng thời Azuchi Momoyama.

-Ryôma ga yuku (Ryôma xông pha, 1963-66) kể lại hành trạng của nhà chí sĩ duy tân người phiên Tosa là Sakamoto Ryôma (1835-67).

-Kômyô ga tsuji (Ngã rẽ công danh, 1965) nói về chọn lựa hợp lý của vợ chồng Yamanouchi Kazutoyo (1546-1605) và Chiyo khi họ đứng về phe Tokugawa Ieyasu trong cuộc thư hùng ở Sekigahara.

-Kunitori monogatari (Truyện cướp nước, 1965-66) kể lại mưu đồ tranh đoạt của các nhân vật lịch sử thời Chiến quốc như Saitô Dôsan (1494-1556), Oda Nobunaga (1534-1582) và Akechi Mitsuhide (1528?-1582).

-Sekigahara (Sekigahara, 1966), tường thuật trận quyết chiến giữa hai binh đoàn Ishida Mitsunari (1560-1600) và Tokugawa Ieyasu (1542-1616) trên cánh đồng Sekigahara (1600) cũng như vai trò của tướng Shima Sakon tức Shima Katsutake (?-1600) trong trận đánh một mất một còn này.

- Hokutô ho hito (Người của sao Bắc Đẩu, 1966) nói về cuộc đời của kiếm khách nổi tiếng thời Edo, Chiba Shuusaku (1794-1855).

-Juuichi ban me no shishi (Nhà chí sĩ thứ 11, 1967) mô tả hoạt động ám sát của kiếm sĩ Tendô Shinsuke, một nhân vật tưởng tượng.

-Saigo no shôgun (Vị Shôgun cuối cùng, 1967), nói về Tokugawa Yoshinobu (1837-1913), Shôgun cuối cùng của Mạc phủ Edo. Sách đã được dịch sang Anh ngữ thành The Last Shôgun bởi nữ dịch giả Juliette Winters Carpenter.

-Junshi (Tuẫn tử, 1967), kể về cái chết của tướng Nogi Maresuke (1849-1912) người đã tự sát sau đám tang của Thiên hoàng Meiji để chuộc lỗi lầm hao quân tổn tướng mà mình đã phạm trong chiến tranh Nhật Nga nhưng được nhà vua lúc đó bỏ qua không xét.

- Kasô no fu (Khúc ca cỏ mùa hè, 1968), lại nói về cuộc đời đầy sóng gió của lãnh chúa Chôsokabe Morichika.

-Shin Taiheiki (Tân Thái Bình Ký, 1968), kể lại đoạn đường đi đến thống nhất thiên hạ của Tể tướng Toyotomi Hideyoshi (1537-1598).

-Yoshitsune (Yoshitsune, 1968) liên quan đến cuộc đời đầy kịch tính của Minamoto no Yoshitsune (1159-1189), người anh hùng bạc mệnh đã góp công xây dựng Mạc phủ Kamakura.

-Miyamoto Musashi (Kiếm khách Miyamoto Musashi, 1968) thuật lại cuộc đời của kiếm khách bất bại và thiền gia Nhật Bản Miyamoto Musashi (1584?-1645).

-Sakano ue no kumo (Vầng mây trên đầu dốc, 1969-72) nói về tình bạn của hai anh em quân nhân (Đại tướng lục quân Akiyama Yoshifuru, 1859-1930 và trung tướng hải quân Akiyama Saneyuki, 1868-1918) với nhà thơ tanka người đồng hương là Masaoka Shiki (1867-1902) trong bối cảnh Chiến tranh Nhật Nga và trận công phá Hạm đội Baltic năm 1905.

-Yôkai (Yêu quái, 1969) kể lại ảnh hưởng của phu nhân Hino Tomiko (1440-1496), người đàn bà đầy tham vọng và mưu lược trên chồng mình là Shôgun Ashikaga Yoshimasa (1436-1490).

-Yo ni sumu hibi (Những ngày sống trên đời, 1971) tập trung chung quanh hành trạng của chí sĩ thời duy tân là nhà giáo dục Yoshida Shôin (1830-1859) cũng như người học trò lỗi lạc của ông, nhà hành động Takasugi Shinsaku (1839-1867).

-Jôsai (Thành lũy, 1971-72) tường thuật cảnh công thủ thành Ôsaka trong hai chiến dịch mùa đông và mùa hè khi Tokugawa Ieyasu (1542-1616) kết liễu sự tồn tại của chính quyền Toyotomi.Tuy nhiên nhân vật chính lại là nhà binh pháp học Obata Kagenori (1572-1663), tự Kanbê, quân sư của họ Tokugawa.

-Kaido wo yuku (Đi trên đường cái, 1971-96) ký sự du hành thế giới từ Đông sang Tây qua nhiều vùng đất theo những tuyến đường chính, có tính chất lịch sử và rất đồ sộ, gồm 43 tập.

-Kashin (Hồn hoa, 1972) nói về tinh hoa của giới sĩ phu Minh Trị mà nhân vật chính là Ômura Masujirô (1825-1869), người có công sáng lập lục quân Nhật Bản.

-Haô no ie (Dòng dõi bá vương, 1973) nói về gia tộc Tokugawa.

-Harimanada Monogatari (Truyện vùng biển Harima, 1975) kể chuyện Kuroda Josui tức Kuroda Yoshitada (1546-1604), một lãnh chúa có cuộc đời oanh liệt, từng cả gan chống đối kế hoạch xâm lăng Triều Tiên, chuốc lấy cơn giận của Toyotomi Hideyoshi.

-Tobu no gotoku (Như bay bổng, 1975-76) ghi lại lịch sử cuộc nội chiến Tây Nam giữa hai người bạn cố cựu nhưng đã khác chính kiến là Saigô Takamori (1827-1877) và Ôkubo Toshimichi (1830-1878) từ khi cuộc Minh Trị Duy Tân mà họ cùng nhau đề xướng đi đến thành công.

-Kuukai no fukei (Chung quanh đại sư Không Hải, 1975). Tác phẩm về đời hoạt động tôn giáo đầy huyền thoại của cao tăng Kuukai (774-835) thời trung cổ Nhật Bản đã được Akiko Tanemoto dịch sang Anh ngữ dưới nhan đề Kukai, the universal scenes from his life.

-Kochô no yume (Mộng hồ điệp, 1979) chuyện liên quan đến nỗi khổ tâm của 3 nhà trí thức ngành y thời cuối Mạc phủ đầu Duy Tân: Shiba Ryôkai, Matsumoto Ryôjun và Seki Kansai.

-Kôu to Ryuuhô (Hạng Vũ và Lưu Bang, 1980), viết lại sự tích Hán Sở tranh hùng.

-Na no hana no oki (Ngoài khơi đồng hoa cải dầu, 1982) nói về chí hướng lập nghiệp (ép dầu colza) của nhà buôn đời Edo, Takadaya Kabei.

-Hakone no saka (Dốc Hakone, 1983) nói về sự nghiệp của lãnh chúa Hôjô Sôun (1432-1519), một trang hào kiệt thời Chiến Quốc Nhật Bản.

-Tarutaru shippuuroku (Con trốt Thát Đát, 1987) kể lại sự trổi dậy của người Mãn châu dưới tài lãnh đạo của tù trưởng Nuruhachi (Nỗ Nhi Hạp Xích, 1559-1626) và con ông là Thanh Thái Tông Hontaiji (Hoàng Thái Cực, 1592-1643) thời Minh mạt Thanh sơ.

Di Chúc Của Một Nhà Văn

Những bài học lịch sử Shiba Ryôtarô để lại

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

Từ bóng cây ngôi mộ bên đường,
Từ mái tranh bên đình trong làng,
Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống...
          Lê Thương
  (Hòn Vọng Phu 3)

Dẫn nhập:

Bài dưới đây được soạn từ thông tin cung cấp bởi Tiến sĩ Isoda Michifumi, giáo sư Đại học văn hoá nghệ thuật Shizuoka, một học giả Nhật Bản đương đại ngành sử và cổ văn thư. Tuy hãy còn trẻ tuổi, Giáo sư Isoda tỏ ra rất uyên bác và bén nhạy, biết nhìn lịch sử nước mình với cái nhìn thông thoáng. Ngoài sinh hoạt trên bục giảng, ông đã có nhiều trước tác ăn khách như Kinh tế gia đình samurai (Bushi no kakeibo), Những người Nhật không riêng tư (Mushi no Nihonjin) [3], Truyện Ryôma (Ryômashi) ... và đặc biệt được biết đến rộng rãi nhờ màn ảnh truyền hình, vũ khí lợi hại nhất của ông.


Qua bài nghiên cứu này, chúng ta thấy Shiba đã để lại cho hậu thế những bài học lịch sử quí giá, nhất là tìm ra những bất cập tai hại tiềm ẩn trong cuộc Minh Trị Duy Tân mà xưa nay, nhiều người tưởng là thần thánh. Nó vạch ra những lỗi lầm di họa đến bao nhiêu thế hệ khi một quốc gia tân hưng tỏ ra hãnh tiến.
 

I ) Lời nhắn nhủ của một nhà văn tâm huyết:

Shiba Ryôtarô nghiên cứu sâu hơn ai hết mối tương quan giữa con người và lịch sử, ít nhất là liên hệ giữa người Nhật và lịch sử nước họ. Ta có thể khẳng định rằng ông là nhà văn Nhật Bản mà quan điểm lịch sử đã ảnh hưởng đến người cùng thời đại hơn bất cứ đồng nghiệp nào. Nhân vì trong suốt nửa sau của cuộc đời cầm bút, ông viết toàn là văn nghị luận và phê bình lịch sử nên có nhiều người xem ông là sử gia hơn là người viết tiểu thuyết. Dù bản thân ông có muốn hay không, người ta thường nhắc tới Shiba shikan司馬史観 hay "cách nhìn lịch sử (sử quan) của Shiba" và đánh giá ông như một sử gia. Tuy vậy, khi nhìn toàn thể sự nghiệp văn bút, ta thấy rõ ràng bản chất của ông vẫn là người viết tiểu thuyết.

Trong số tác phẩm đồ sộ Shiba để lại, có ba tiểu thuyết trường thiên đáng lưu ý nhất. Đó là Ryôma ga yuku (Ryôma xông pha), Tobu ga gotoku (Như bay bổng) và Saka no ue no kumo (Vầng mây trên đầu dốc). Ba tác phẩm này mô tả 3 giai đoạn tiến hoá của xã hội Nhật Bản (chuẩn bị, thực hành và đạt đến đỉnh cao) trong quá trình trở thành một nhà nước cận đại. Trước tiên, chúng đề cập đến những hoạt động của Sakamoto Ryôma rồi cặp đôi Ôkubo Toshimichi và Saigô Takamori, sau nữa mới tới quần hùng của thời Chiến tranh Nhật Nga trong đó có Akiyama Saneyuki. Những người này đã giúp Nhật Bản trở thành quốc gia Á châu duy nhất có thể góp mặt với liệt cường Âu Mỹ. Ba cuốn ấy đã vẽ nên bức chân dung của Nhật Bản (NB) mà người dân Nhật khi đọc chúng, đều cảm thấy hài lòng và tự hào.

Tuy vậy, mặt khác, Shiba cũng đã khơi gợi lên những điểm đen tối của lịch sử NB đương thời cũng như nỗi khổ tâm của các nhân vật trong cuộc. Nó bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân của chính tác giả hồi chiến tranh Nhật Trung. Nước Nhật cuối đời Mạc phủ bước vào giai đoạn Duy Tân đã xây dựng được một thể chế quyền lực dựa trên sức mạnh quân sự để rồi sau đó, không những giúp nó thoát khỏi hiểm họa bị trị bởi chế độ thực dân mà còn có đặc quyền đứng về phía kẻ đô hộ người khác. Thế nhưng đặc quyền này đã làm cho tuổi thanh xuân của Shiba vô cùng đen tối và cay đắng, nói cách khác, nó đã dẫn đến cuộc chiến tranh vô cùng bi thảm vào thời Shôwa.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ sử dụng nhiều tác phẩm của Shiba để tìm hiểu lịch sử Nhật Bản kể từ thời Chiến quốc (Sengoku, thế kỷ 16), giai đoạn cuối Mạc phủ đầu Duy Tân (thế kỷ 19), chiến tranh Nhật Nga (1904-05) cho đến Shôwa tiền kỳ (1926-45), một thời kỳ kinh hoàng (mà Shiba gọi là thời kỳ đẻ ra "quái thai" (kitai)) và dừng lại ở thời điểm 1945. Tất cả những tri thức đó có thể giúp ta kiểm điểm lại cách đánh giá về đất nước và con người NB thời hậu chiến.

Ngoài ra, như ta đã nhận ra trong tiểu sử, Shiba Ryôtarô qua đời vào năm 1996, ông hoàn toàn là người của thế kỷ 20. Buổi vãn niên, theo lời yêu cầu của những người soạn sách giáo khoa cho học sinh bậc tiểu học, Shiba đã viết tác phẩm ngắn "Thư gửi đàn em nhỏ của thế kỷ 21"(Nijuuisseki ni ikiru kimitachi e) để đăng vào đó, làm như ông có linh cảm mình sẽ không sống sót đến thế kỷ 21. Đúng như thế, ông đã đột ngột qua đời không bao lâu sau và bức thư kia trở thành di chúc của ông gửi cho hậu thế.

Văn chương của Shiba không phải chỉ để tiêu khiển. Nó còn muốn có uy lực để thay đổi cuộc đời. Những con người sống trong thế kỷ 21 - Nhật Bản cũng như ngoại quốc - như chúng ta ngày nay có thể dựa vào đó để suy ngẫm và hành động.

Có ý kiến cho rằng, khi viết văn, tác giả nào cũng đưa tất cả những gì muốn nói vào bên trong tác phẩm rồi nên tự thể nó là một bài nghị luận. Và như thế không cần phải bàn tán thêm làm gì về ảnh hưởng của nó đối với bên ngoài. Tuy nhiên văn chương của Shiba - cũng như manga của Tezuka Osamu [4] - là những tác phẩm mà người tạo ra chúng đã dồn vào trong đó tất cả tâm tư cho nên có thể làm cho cuộc sống của người đọc tốt đẹp hơn. Chẳng những thế, xã hội mà những độc giả ấy xây dựng nên cũng có thể được cải thiện.

Theo Shiba, Shôwa tiền kỳ (1926-45) là một thời kỳ thất bại của nhà nước NB. Ông đã thu thập nhiều tài liệu về thời Shôwa nhưng rốt cục không viết được cuốn tiểu thuyết nào liên quan đến nó. Nếu như Shiba tiểu thuyết hoá được thời Shôwa, hỏi thử ông sẽ nói lên được điều gì hay chỉ giống như tô màu lên những bức tranh như điều chúng ta đã thấy? Thực vậy, đối với giai đoạn này, ông không miêu tả gì cả mà chỉ tô màu lên thôi. Thành ra ông đã để lại cho những người sống vào thế kỷ 21 như chúng ta biết bao nhiêu vấn đề cần phải suy ngẫm.

Theo Shiba thì nhà nước NB đã bao lần lập đi lập lại những lỗi lầm theo một khuôn định hình (pattern). Ở Nhật, hầu như khi một luồng tư tưởng đã bám vững trong tập đoàn rồi thì các cá nhân không còn duy trì được cách suy nghĩ hợp lý của họ nữa. Một mặt, tổ chức của xã hội Nhật Bản tuy phát huy được sức mạnh bằng cách phân bố vai trò cho các thành viên nhưng mặt khác, vì không khoanh vùng trách nhiệm rõ ràng cho nên khi phải đối phó với một sự cố bất chợt thì cơ năng lãnh đạo của nó lộ ngay sự yếu kém. Ngoài ra, sau khi thu lượm được thông tin để tích trữ trong nội bộ, người Nhật có khuyết điểm là không chia sẻ được với bên ngoài tổ chức để có thể cùng hoạt động cho một mục đích chung trong tương lai. Tư thế (tatazumai, appearance) hay nói cách khác, quốc dân tính này của người Nhật không thể thay đổi dễ dàng dù với một đơn vị thời gian lâu la là một hay hai trăm năm. Vì vậy những điều Shiba viết ra cho đến thế kỷ 20, người Nhật vẫn có thể dùng để chiêm nghiệm trong hoàn cảnh của thế kỷ 21, làm tấm gương soi chiếu hành động của mình. Đó cũng là điều Shiba mong mỏi khi cầm bút viết lá thư gửi thế kỷ 21 như một cách thể hiện tinh thần trách nhiệm của một thế hệ đã trải nghiệm chiến tranh đối với lớp người trẻ mai sau. Chính vì lý do đó mà cho đến ngày nay, Shiba Ryôtarô vẫn được quốc dân Nhật Bản yêu mến và tìm đọc.

II ) Đọc "Truyện cướp nước" (Kunitori Monogatari) để hiểu về thời Chiến Quốc (thế kỷ 16) ở Nhật Bản:


Tuy là người viết tiểu thuyết nhưng Shiba Ryôtarô luôn luôn rà soát tài liệu lịch sử và suy ngẫm về nó nên ông còn đóng thêm vai trò của nhà nghiên cứu sử. Ông không chỉ viết tiểu thuyết lịch sử mà tạo hình lịch sử qua cách tường thuật độc đáo của mình. Đây là một loại nhà văn rất hiếm hoi nhưng đôi khi ta cũng thấy có. Những người này, với tư duy lịch sử sâu sắc và văn tài của mình, có thể ảnh hưởng đến độc giả để thay đổi được dòng lịch sử của những thế hệ đến sau. Có thể gọi họ là "những sử gia biết kiến tạo lịch sử".

Người đầu tiên trong nhóm ấy mà ta có thể nhắc tới chắc phải là Kojima Hôshi[5]. Nếu nhà sư này không dùng những câu văn tuyệt đẹp của ông trong Taiheiki (Thái Bình Ký)[6] để viết lại lịch sử thời tranh chấp Nam Bắc Triều ở Nhật (thế kỷ 14) cũng như ca tụng lòng trung nghĩa của tướng Kusunoki Masashige [7] thì lịch sử về sau cũng đã có thể chuyển qua một hướng khác. Khi đề cao Kusunoki và triều đình phương Nam ở Yoshino, Kojima không thể nào ngờ rằng điều đó đã ảnh hưởng đến lịch sử của thời Duy Tân [8] trong việc đánh giá xem Nam hay Bắc, triều đại nào mới là chính thống.

Từ Kojima về sau, chủ yếu chỉ có 3 sử gia khác ảnh hưởng đến cách nhìn lịch sử của người Nhật. Người thứ nhất là Rai Sanyô[9]. Ông đã viết cuốn Nihon gaishi (Nhật Bản ngoại sử) khoảng 200 năm về trước. Theo nội dung sách này, ở Nhật xưa nay kẻ trị vì là Thiên hoàng còn giới samurai (các Mạc phủ) chỉ là một chính quyền vay mượn, chủ trương mà dư luận thời đó không nhận thức được. Nhờ điều ông viết nên tinh thần "tôn vương nhương di" đã được dấy lên trong nước và thay đổi được dòng lịch sử Nhật Bản cận đại theo hướng mà chúng ta đều biết. Người thứ hai là nhà văn cũng là nhà báo Tokutomi Sohô (Đức Phú Tô Phong) [10]. Sohô viết Nihon kindai kokuminshi (Nhật Bản cận đại quốc dân sử) và đã qui định được quan điểm lịch sử của người Nhật. Có thể nói từ những tư liệu lịch sử ông thu thập, Sohô đã gây được ý thức nơi người Nhật về lịch sử của việc thành lập một nhà nước quốc dân (kokumin kokka) [11] trên quê hương họ. Sohô xuất thân ở Kumamoto, từng theo học trường của phiên. Điều thú vị và rất quan trọng là một người sinh trưởng ở một vùng xa xôi hẻo lánh như Kumamoto mà lại có ý kiến về chính trị Nhật Bản cận đại như thế. Ngoài Sohô là kẻ đã kiến tạo ra một cách nhìn lịch sử, phải kể đến Inoue Kowashi (Tĩnh Thượng, Nghị) [12], người đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành Hiến Pháp của Đế Quốc Nhật Bản (Dai Nihon Teikoku kenpô) [13] cũng như Motoda Nagazane[14] (cũng xuất thân từ Kumamoto) đã soạn thảo ra chiếu chỉ về giáo dục (Kyôiku chokugo) [15]. Tóm lại, 3 lãnh vực căn bản của nhà nước Nhật Bản cận đại đều đã được sự đóng góp của những ngưòi chỉ được theo học một trường phiên ở địa phương.


Sử gia thứ ba đi sau Rai Sanyô và Tokutomi Sohô và để lại được ảnh hưởng lớn trong quần chúng không ai khác hơn Shiba Ryôtarô. Cần nói thêm là Sohô cũng đã ảnh hưởng nhiều đến phong cách của Shiba. Tuy viết tiểu thuyết nhưng Tokutomi Sohô thường dẫn chứng bằng sử liệu và đây là một điều hiếm thấy nơi các tiểu thuyết gia. Đi theo con đường của Sohô nhưng Shiba còn thu thập nhiều sử liệu hơn nữa và kể từ Sohô, ông là người đã xây dựng được một quan điểm mới về lịch sử Nhật Bản trong bối cảnh hậu chiến.

Nếu bàn về đặc tính của lịch sử Nhật Bản hậu chiến (từ sau 1945) thì trước tiên phải đề cập đến sự phát triển cao độ của kinh tế NB trong thời gian ấy. Nói cách khác, đó là việc thực hiện được một nhà nước dân chủ. Người dân bấy giờ ham đọc loại sách bỏ túi (bunkobon) [17] và con số người đọc sách tăng lên thật nhiều, đến một mức độ chưa từng thấy. Sự tiêu dùng (consumption) phim ảnh và truyền hình cũng đã gia tăng một cách bộc phát. Nếu đứng từ trên cao nhìn xuống để có cái nhìn toàn thể thì ta có cảm tưởng là trong 70 năm của thời hậu chiến, người Nhật đã hoàn toàn bị cuốn hút trong cơn hồng thủy của sách báo, phim ảnh và truyền hình. Trong cơn bão lốc truyền thông đó, Shiba lại là một nhà văn có sức cung cấp rất mạnh. Nhờ loại sách bỏ túi bán với giá cực rẻ và dễ mua, văn chương của Shiba đã đến với mọi tủ sách gia đình. Tiếp đến, phim ảnh và truyền hình lại phóng tác các tác phẩm ấy nên mức độ thẩm thấu của nó vào đời sống của người Nhật trung bình lại sâu thêm. Qua tác phẩm của Shiba, người Nhật tiếp xúc dễ dàng hơn với lịch sử của đất nước và nhờ đó mà tạo được một quan điểm lịch sử cho riêng mình. Dĩ nhiên họ có thể học lịch sử dạy ở nhà trường nữa nhưng lịch sử chép trong sách giáo khoa thường khô khan, vô vị và học sinh không tài nào nắm bắt được những nét tinh tế trong nhân cách các nhân vật lịch sử. Những ai muốn biết về các nhân vật đó một cách sống động và thú vị bắt buộc phải tìm đến hoặc trực tiếp (đọc) hoặc gián tiếp (qua phim ảnh) tác phẩm của Shiba.

Tính độc sáng của tác phẩm Shiba:

Thực ra, văn chương viết về lịch sử thường gồm có 3 thể loại lớn. Một là tiểu thuyết lịch sử (historical novel), hai là tiểu thuyết lịch sử thông tục (dã sử) (popular historical novel) và ba là một thể loại về sau này ít thấy ai viết là truyện ký về các nhân vật lịch sử tức sử truyện (biography). Nếu xét về độ chính xác lịch sử, cao hơn hết phải là sử truyện sau đến tiểu thuyết lịch sử, còn như dã sử thì có phần thấp.

Tác phẩm của Shiba phần lớn nằm trong phạm vi tiểu thuyết lịch sử. Đề tài ông chấp bút, càng về gần với thời hiện đại thì càng có phong cách sử truyện (nghĩa là chính xác hơn) vì tư liệu lịch sử đưọc bảo tồn còn nhiều. Ngược lại, nếu đề tài dẫn lên tận một quá khứ xa xôi thì nó tách khỏi phạm vi tiểu thuyết lịch sử và dễ dàng nhuốm màu sắc dã sử. Có thể nói trong các tác phẩm của Shiba thì "Vầng mây trên đầu dốc" (Saka no ue no kumo) nói về trận chiến tranh Nhật Nga (1904-05) được xem là gần với thể loại sử truyện hơn tất cả.

Trong lịch sử văn học Nhật Bản, Shiba tỏ ra là một nhà văn có lối hành văn thuật sự hết sức đặc sắc. Ta còn có thể xem ông là một nhà văn có cá tính nữa. Xưa nay, khi đọc tiểu thuyết lịch sử, chúng ta ít khi có chủ tâm tìm hiểu về lịch sử của một giai đoạn nào đó trong quá khứ. Phần đông mọi người chỉ nhắm mục đích tiêu khiển như khi đọc bất cứ hình thức văn học nào khác.Thế nhưng đối với tác phẩm của Shiba thì không thế. Người nào muốn biết hoàn cảnh nước Nhật vào cuối đời Chiến Quốc Nhật Bản (Sengoku, thế kỷ 16) hay chi tiết của Chiến tranh Nhật Nga (1904-05) chỉ cần đọc tác phẩm của ông là có thể đạt được mục tiêu. Dù vậy, chưa chắc ai cũng nhất trí với luận cứ nói trên. Có người sẽ chê bai rằng đã là tiểu thuyết thì đâu phải là sự thực lịch sử. Kẻ khác dễ tính hơn cho rằng nếu mở cho người đọc những cánh cửa khép hờ bằng cách nhặt nhạnh những mảnh vụn sử liệu cũ rồi làm sống lại không khí đương thời thì chẳng đã đáng được tán thưởng rồi hay sao? Thực thế, độc giả đại chúng vốn không có kiến thức chuyên môn về sử học, cổ văn thư học hay có kỹ năng khảo sát những hiện vật lịch sử...nên khó lòng khôi phục lại những chi tiết lịch sử như mong muốn. Do đó, một tiểu thuyết gia có công phu thu thập rồi chọn lọc sử liệu và có cái nhìn lịch sử bén nhạy để hồi sinh được lịch sử qua tiểu thuyết quả là một mẫu người hiếm có. Chưa chắc bản thân Shiba đã thích việc người ta nghĩ rằng tác phẩm của ông phản ánh được sự thực lịch sử. Thế nhưng trên đất Nhật ngày nay, thực tình không thấy tác phẩm văn học nói về lịch sử nào làm người đọc thống khoải và cảm thấy tâm hồn mình được phong phú thêm cho bằng những sáng tác của Shiba!

Khi kể tên những nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử chịu ra công sưu tầm tư liệu như Shiba, chỉ thấy có vài người cỡ Yoshimura Akira[18] và Kaionji Chôgorô [19]. Còn nói về phương pháp cấu tứ cơ bản cho một tiểu thuyết lịch sử, ta biết có cách viết "nhìn tổng quát cái đã rồi xây dựng tình tiết sau" (trước nhãn đại cục, trước thủ tiểu cục), vốn tương ứng với chủ trương của Shiba. Điều đó có nghĩa là Shiba là người muốn đứng từ trên vòm trời nhìn xuống để quán triệt được đặc tính của tinh thần thời đại trước khi đi vào tình tiết. Tinh thần thời đại được ông coi như cái dù lớn che trùm lên tất cả. Yoshimura Akira thì ngược lại. Thủ pháp của ông là làm sao tập hợp đủ mọi tình tiết để rồi từ kết quả đó, cái tổng thể của thời đại sẽ tự động lộ diện. Văn chương kiểu Yoshimura là "bò sát đất" để tìm tòi và đúc kết những sự thực lịch sử, xong mới trình bày từng tình tiết để giúp độc giả nắm bắt vấn đề. Còn như Shiba thì ông giải thích đại lược cho độc giả hiểu trước rồi mới đi vào tiểu tiết. Cách viết kiểu Yoshimura hơi gây khó khăn cho độc giả vì nó đòi hỏi năng lực đọc và lý giải cao. Tuy vậy, cả hai cách viết đều đưa đến một kết quả chung là tô đậm đường nét và màu sắc của thời đại mà hai nhà văn đều muốn đề cập tới.

Mặt khác, có những nhà văn tiêu biểu cho thể loại tiểu thuyết dã sử như Yamamoto Shugorô [20], Ikenami Shôtarô [21] và Yamada Fuutarô[22]. Thế giới được trình bày qua tác phẩm của họ không cần phải hoàn toàn dựa trên sự thực lịch sử. Nếu như họ dùng lịch sử như một sân khấu thì những nhân vật diễn xuất trên đó đã được chế tạo và giật giây theo ý muốn. Tiểu thuyết của họ được viết ra như một giả thuyết có tính trí thức cho ta thấy con người sống trong thời đại lịch sử ấy đã hành xử như thế nào. Điều này có nghĩa là tác giả đã dùng những vật liệu tưởng tượng và thử qui nó về một hiện thực để giả định những điều gì có khả năng xảy ra vào thời điểm ấy. Do đó, tiểu thuyết dã sử là sản phẩm của trí tưởng tượng và nằm trong lãnh vực thuần túy lý luận.

Tuy vậy những nhà văn như Yamada Fuutarô thực ra rất am tường lịch sử, chỉ có cái là ông đã dựa trên lịch sử để tự do thao túng ngòi bút. Sau khi nắm được những điểm chính của lịch sử rồi, ông đưa vào đó những ý tưởng tân kỳ, đặc dị để vo tròn bóp méo nó. Chúng ta có thể ví bút pháp này với cách vẽ của một họa sĩ tranh trừu tượng. Như vậy, trong khi Shiba tiến về phía cụ thể thì Yamada lao vào thế giới tưởng tượng và việc đối chiếu về hai nhà văn này cũng là đề tài nghiên cứu khá thú vị.

Chính ra đối tượng thích hợp nhất để so sánh với Shiba Ryôtarô phải là Fujisawa Shuhei [23]. Khi đọc tác phẩm của hai nhà văn, ta thường có thể nghĩ rằng cái khác nhau giữa các ông là văn chương Fujisawa thiên về trạng thái tĩnh (静態文学seitai bungaku) trong khi Shiba thiên về trạng thái động (動態文学dôtai bungaku). Fujisawa dùng bối cảnh Unasaka, một phiên trấn vùng Đông Bắc nhưng chỉ có trong tưởng tượng của ông để dựng lên những chuyện mình muốn kể. Unasaka trở thành một cái ống nghiệm tượng trưng cho thời đại Edo để Shuhei có thể thao tác những mẫu thí nghiệm văn học của ông. Như vậy, ở Unasaka, thời gian như ngừng chảy và cuộc sống kéo dài đến vĩnh cửu, còn những người sống nơi đó lần lượt được mô tả một cách tỉ mỉ dưới ngòi bút của Shuhei. Thế nhưng trong thế giới bình lặng này, ta không thấy ảnh hưởng của những biến cố lớn như việc mấy chiến hạm của Đề đốc Perry đến Nhật cũng như những cuộc thay bậc đổi ngôi hỗn loạn của thời Sengoku. Shuhei chỉ tìm cách miêu tả hình ảnh con người sống trong một xã hội đã an bài và từ đó, gợi ý cho người Nhật từ đây phải sống ra sao.

Việc văn học Shiba được xem như là thiên về trạng thái động là vì ta thấy ông muốn vẽ ra sự năng động (dynamism) của xã hội. Chẳng hạn việc xưa kia nếu đã có một chính quyền gồm Mạc phủ Tokugawa và chư phiên thì những yếu tố đó đã được hình thành bằng cách nào và bởi những lực lượng nào? Ngược lại, khi Mạc phủ và chư phiên đi đến chỗ sụp đổ, thất bại, hỏi thử những thế lực nào và cách nào đã đẩy chúng đến bờ vực đó. Văn chương Shiba muốn trình bày trước mắt quốc dân Nhật Bản những sức mạnh đã làm cho xã hội Edo chuyển động theo chiều hướng đối nghịch. Có thể nói đây là đặc điểm hàng đầu của văn chương ông vì nó có thể giúp ta - những người sống trong thế kỷ 21 - tham khảo mà hành động. Còn như khi muốn quay đầu nhìn lại để phản tỉnh, người Nhật cần đọc Shuhei hơn vì tư thế (dáng đứng) của xã hội Edo ông miêu tả vốn có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội của hôm nay. Hai trạng thái tĩnh và động đã đan xen vào nhau như những sợi chỉ xuyên dọc xuyên ngang, tạo ra tấm vóc văn học lịch sử. Do đó, độc giả Nhật Bản hiện đại, đôi khi không chủ ý hay tùy theo nhu cầu nội tâm của mình lúc đó, có thể tìm đến hoặc Shuhei hoặc Shiba bởi vì cả hai đều đưa ra những cách nhìn cần thiết khác nhau và đều là những nhà văn được quần chúng quí mến.

Bắt đầu với Saitô Dôsan bằng câu hỏi Tại sao? (Why):


Lý do văn học của Shiba trở thành văn học của trạng thái động đến từ trải nghiệm chiến tranh trong cuộc đời ông. Câu hỏi "Tại sao đất nước mình lại trở thành như thế này?" đã là động cơ để ông viết tiểu thuyết. Vâng, Tại sao (Why) chớ không phải Như thế nào (How)! Giáo sư Isoda Michifumi cho biết khi đọc văn Shiba, ông có cảm tưởng là qua văn mạch đã thấy Shiba tìm cách giải thích, xem những tương quan nhân quả nào đã khiến một sự kiện lịch sử phải xảy ra như vậy.

Trải nghiệm chiến tranh của Shiba làm cho ông đặt ra những câu hỏi như "Tại sao Nhật Bản (NB) thất bại?" "Tại sao lục quân NB đã biến chất để trở thành một tổ chức quái gở?". Từ đó ông mới đi tìm nguyên nhân của nó trong dòng lịch sử. Nhà nước NB cận đại đã được sinh ra từ phong trào tôn vương phục cổ, sau khi hoàn thành việc đánh đổ Mạc phủ. Do đó, con mắt của Shiba mới hướng về nguyên do sự thành lập Mạc phủ Tokugawa đã xảy ra từ mấy thể kỷ trước đó và dành ưu tiên tìm hiểu về 3 người anh hùng xuất thân từ vùng đồng bằng Nôbi (Owari) trung bộ Nhật Bản, những kẻ đã xoay chuyển được lịch sử. Đó là Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu. Ba người này đã tiếp tục duy trì một thể chế quyền lực có tên là Kôgi (Công nghi公儀). Vào thời Muromachi, Kôji là chữ để chỉ Shôgun và nó tượng trưng cho tính cách chính thống của một hệ thống quyền lực mà chức Shôgun là trung tâm. Chung quanh Shôgun có Mạc phủ và phiên trấn với một tập đoàn lãnh chúa của các daimyô. Mạc phủ còn được gọi là Daikôgi (Đại công nghi大公儀). Hiểu về Kôgi rồi, ta cần tìm hiểu về sự xuất hiện của Oda Nobunaga, người đầu tiên trong 3 nhân vật. Để biết Nobunaga đã bắt đầu sự nghiệp như thế nào, ta buộc lòng leo lên đến Saitô Dôsan, người cha vợ đã gây dựng cho ông. Quá trình tìm hiểu đó đã thúc đẩy Shiba viết nên Kunitori Monogatari (Truyện cướp nước) [24] vậy.

Trước tiên, Shiba miêu tả Dôsan, nhân vật tiêu biểu cho những anh hùng lịch sử vươn lên từ địa vị thấp hèn để trở thành lãnh chúa (daimyô) vào thời Sengoku. Trước kia, Dôsan được xem như người thừa kế cho một gia đình samurai vùng Mino và đã nối nghiệp lãnh chúa của cha nhưng sử liệu mới khám phá cho biết cha con ông đều là các nhân vật đi lên từ phía dưới. Nhờ có Dôsan nên mới có Nobunaga, con người có mưu đồ thống nhất thiên hạ, và với Nobunaga truyền thống Kôgi, tượng trưng cho thể chế Mạc phiên (Bakuhansei) và nhà nước NB, đã hình thành. Rồi khi chế độ đó sụp đổ thì một thành phần trong quan chế và binh chế của nó đã bắt tay với vương quyền để đẻ ra cơ cấu mới của nhà nước Minh Trị. Điểm qui kết của cơ cấu đó (nhà nước Minh Trị) cũng là điểm xuất phát cho một thời đại mà đất nước NB đã thai nghén một quái thai (鬼胎kitai)[25] để sau này sinh ra nhà nước quân phiệt thời Shôwa. Nhà nước này đã làm nhiều sai phạm rồi sụp đổ sau đó, nhưng đã biết thay hình đổi dạng để trở thành xã hội NB ngày nay. Quan điểm lịch sử của Shiba là như thế cho nên đối với ông, thể chế quyền lực được xây dựng ở vùng đồng bằng Nôbi thời Sengoku ắt phải có một liên hệ trực tiếp nếu không nói là nguồn gốc của xã hội chúng ta đang sống. Vì lẽ đó, ông đã dành nhiều trang giấy của "Truyện cướp nước" để nói về nhân vật Saitô Dôsan. Tìm hiểu về Dôsan tức là tìm hiểu qui trình hoá học nào đã gây ra phản ứng để khai sinh Oda Nobunaga. Ban đầu, ông diễn tả sự liên kết của chuỗi phản ứng hoá học đã bắt đầu ở khu vực phía bắc Nôbi để rồi di chuyển xuống khu vực trung ương của đồng bằng. Có thể nói "Truyện cướp nước" là tác phẩm quan trọng hàng đầu trong văn nghiệp Shiba bởi vì nếu muốn hiểu cách suy nghĩ của ông thì phải bắt đầu bằng cách đọc nó.

Ba "anh hùng bình thiên hạ" dưới mắt Shiba:

Shiba đã định nghĩa rõ ràng về bản chất của ba người "anh hùng bình thiên hạ" (天下人, tenkabito) trong lịch sử cận đại NB. Thực ra ông không hề dựa trên yêu ghét chủ quan để phán đoán và không xem ai trong 3 người là nhân vật lịch sử lý tưởng. Ông chỉ căn cứ vào các chứng cứ lịch sử từ những tư liệu có được để tìm hiểu đặc tính từng người.

Khi đánh giá họ, Shiba tỏ ra rất chính xác. Ông phán quyết một nhân vật là tốt hay xấu một cách rõ ràng. Điều này khác với các tác giả khác vì một nhân vật chính trong tiểu thuyết thường hay được các vị ấy miêu tả cả cái tốt lẫn cái xấu với tiền đề đặt ra là bản chất con người vốn chứa đầy mâu thuẫn. Thế nhưng Shiba thì không thế. Nói về Nobunaga chẳng hạn, ông không miêu tả nội tâm Nobunaga mà chỉ chú trọng đến ảnh hưởng của Nobunaga đối với xã hội. Ông có thể định nghĩa một nhân vật mà chỉ dựa trên tính tình và tư chất , trong một câu ngắn gọn: " Một nhân vật hạng hai", "Có thể nói là người không năng lực" vv... .Việc đánh giá các nhân vật thẳng thừng, gọn gàng như vậy có thể xem như đặc điểm của văn chương Shiba và cũng là điều chúng ta cảm thấy thú vị khi đọc ông.

Thế nhưng điều phải coi chừng là một nhân vật bị đánh giá thấp vẫn thủ được vai trò nào đó trong tác phẩm. Chẳng hạn nếu cứ đưa toàn những anh có tài ra là hỏng. Đó là chưa nói đến việc một nhân vật hạng hai về chính trị hoặc quân sự vẫn có thể đứng hàng đầu trong nghệ thuật hay văn chương. Tính đa dạng của một nhân vật cần được chúng ta để ý tới bởi vì ảnh hưởng của một cá nhân đối với xã hội rất phức tạp. Điều đó là một đặc trưng khác, thường được nhận ra trong tác phẩm của Shiba

Có người sẽ bảo hình ảnh nhân vật lịch sử Shiba mô tả không phải là sự thực lịch sử. Họ nhận xét khá xác đáng. Thế nhưng, như đã từng nói bên trên, Shiba chỉ để ý đến "cái khái quát" (đại cục). Chúng ta sẽ không hiểu Shiba nếu không ý thức rằng cái nhìn của ông tập trung vào ảnh hưởng của nhân vật lịch sử lên trên xã hội và ông luôn luôn đơn giản hóa tối đa khi phải đánh giá về một nhân vật. Nếu đọc Shiba, trước tiên chúng ta phải đồng ý là sẽ đọc với "kiến giải lịch sử kiểu Shiba" (Shiba's literacy).

Từ đây, bước vào việc quan sát ba người "anh hùng bình thiên hạ". Trong Kono kuni no katachi (Hình thù đất nước này, 1986) - một tác phẩm buổi vãn niên - khi nói đến Nobunaga, Hideyoshi và Ieyasu, ông đã viết mấy dòng như sau:

- Mọi sự thay đổi đều đã bắt đầu với Nobunaga...Chính xã hội tiền cận đại là do một tay Nobunaga sắp đặt...

- Nobunaga là người độc sáng...

-Sự vui tính của Hideyoshi cũng là một điểm son của ông ta...

-Ieyasu giỏi giang khéo léo nhưng không phải là người độc sáng (như Nobunaga)....

Trước tiên hãy bàn về tính độc sáng của Nobunaga. Những nghiên cứu lịch sử gần đây cho biết tuy Nobunaga độc sáng đấy nhưng không phải lúc nào ông cũng được như vậy. Việc ông coi trọng những tập quán và cơ cấu tổ chức truyền thống của Mạc phủ Muromachi là chứng cứ rất rõ về sự thiếu tính độc sáng. Thế nhưng Shiba chỉ chú trọng đến những cách tân Nobunaga đã làm để thay đổi xã hội đương thời, việc mà những lãnh chúa khác có thể không hề nghĩ tới: đặt trọng tâm vào việc dùng chiến thuật mới như súng ống, xây lầu thành (tenshukaku) [26], dùng thuyền bọc thép, đặt nhân tài vào đúng chỗ và không phân biệt giai cấp, dời cứ điểm dựa trên lý do chiến lược hơn là những lý do khác ...

Thế rồi Shiba đề cập đến điểm quan trọng nhất trong sự nghiệp của Nobunaga. Đó là chủ nghĩa thuần lý thấy trong nhân cách của vị anh hùng này. Shiba cho biết Nobunaga có thói quen nhìn người dưới khía cạnh cơ năng của họ nghĩa là xem họ được việc ở điểm nào. Ông thường suy xét theo trực giác và tỏ ra có nghệ sĩ tính, thấy cái gì đẹp thì thích, không hay biện luận dông dài..

Kế đến Hideyoshi, một nhân vật vui tính, nhu nhuyễn trong hành xử, có tài làm người khác yêu mến mình. Về giá trị quan thì ông ta là người rất cụ thể, hiện thực và vật chất.Ông chỉ chú trọng vào việc xây cho được nhiều thành quách và thu phục nhiều binh tướng, tăng cường quân đội chứ không quan tâm đến những tác phẩm mỹ thuật. Có thể ông là nhà cai trị thể hiện được lối suy nghĩ và sở thích của tầng lớp bình dân đương thời. Ít nhất Shiba đã vẽ nên hình ảnh đó về ông. Như vậy phải nói là Hideyoshi tượng trưng cho đỉnh cao của năng lực người thường dân Nhật Bản vào thời đó.

Khi bảo Ieyasu giỏi giang mà không độc sáng, Shiba đã cố ý đặt ông ta vào một ví trí đối nghịch với Nobunaga. Theo cách trình bày của Shiba, Ieyasu là một tín đồ của chủ nghĩa hiện thực và là con người tẻ nhạt.Ông keo kiệt, nhẫn nhục, chịu cúi đầu khoanh tay để dòng họ được trường tồn. Nói tóm lại, ông suy nghĩ hợp lý như Nobunaga và hiện thực như Hideyoshi nhưng có cái ông khác họ là không nghệ sĩ như người thứ nhất và không khoáng đạt như người thứ hai.

Nếu nói thêm về cái khác nhau giữa ba người, dựa trên những gì Shiba viết, ta có thể nhìn qua thái độ của họ đối với phụ nữ. Nobunaga thích người đẹp, dù họ là đàn ông hay đàn bà. Cái quan trọng nơi Nobunaga là "cái đẹp" mà ông cảm được bằng trực giác chứ không phải việc người phụ nữ ấy có thể sinh đẻ được hay không, gia thế sang hèn ra sao. Nói cách khác, cái đẹp của người phụ nữ tùy thuộc tất cả vào giá trị quan nằm sẵn trong đầu ông. Ngược lại, người đàn bà Hideyoshi yêu chuộng phải xuất thân con nhà dòng dõi ví dụ như thuộc hàng bà con của Nobunaga [27], các tiểu thư con nhà công khanh quí tộc hay quan lại tướng tá chủ lực của Mạc phủ Muromachi. Điều đó chứng tỏ cái Hideyoshi thèm muốn là quyền lực, của cải và địa vị, cả ba đều là đối tượng của lòng tư lợi tư dục nơi người bình dân. Một mặt, khi vẽ nên hình ảnh một Ieyasu như người đàn ông chỉ yêu thích đàn bà nhiều khả năng sinh sản thì ông đã nhấn mạnh về tính hiện thực của nhân vật này. Thời xưa, con gái là dụng cụ ngoại giao chính trị và Ieyasu đã triệt để đi theo con đường đó[28] để bảo vệ sự trường tồn của gia đình mình. Tóm lại, Nobunaga thích đàn bà xinh đẹp, Hideyoshi thích đàn bà con nhà dòng dõi và Ieyasu thích đàn bà mắn đẻ! .

Còn có một cách nhìn nữa cũng khá thú vị. Đó là nhìn từ quan điểm về sự chuyển biến trong xã hội để đánh giá 3 "anh hùng bình thiên hạ" vừa kể. Cụ thể mà nói, trong trường hợp của phiên Chôshuu (tỉnh Yamaguchi bây giờ) vào cuối đời Mạc phủ thì trước tiên ta phải nhắc đến sự xuất hiện của một con người biết sáng tạo những giá trị mới, "nhà tiên tri", người của lý luận, là Yoshida Shôin [29], sau đó đến Takasugi Shinsaku [30], học trò ông, "nhà cách mạng", người của hành động, cuối cùng là kẻ gặt hái được những thành quả đó, "người của quyền lực", Yamagata Aritomo [31]. Cùng một khuôn mẫu như thế, sự cách tân xã hội để manh nha ra nhà nước cận đại NB về sau cũng đã trải qua 3 thời kỳ. Nó bắt đầu với chính sách Tenkafubu (天下布武 Thiên hạ bố vũ) tức là thành lập một chính quyền dùng vũ lực để bình định đất nước dưới sự chỉ đạo của Nobunaga. Nó đã sinh ra tư tưởng trung ương tập quyền trên đất Nhật. Giai đoạn I thời trung đại này tương ứng với giai đoạn I thời cận đại của Yoshida Shôin. Người thực hành tư tưởng của Nobunaga một cách nhu nhuyễn, khéo léo là Hideyoshi. Thời thứ II này của ông tương ứng với thời thứ II của Takasugi Shinsaku. Cuối cùng, chúng ta bước vào thời thứ III khi con người hiện thực Ieyasu thiết lập được một bộ máy cai trị ổn định trên toàn quốc. Trong bản chất, nó không khác gì thời thứ III với Yamagata Aritomo sau này. Từ Sengoku bước qua Edo, từ Mạc mạt (cuối Mạc phủ Edo) bước qua Duy Tân (Minh Trị), quá trình thay đổi của xã hội không khác nhau là mấy. Thực ra, Shiba đã luận về khuôn mẫu quá trình "cách mạng theo 3 giai đoạn" này trong "Hồn hoa" (Kashin, 1972). Bên dưới, chúng ta sẽ khai triển thêm về nó trong tiểu đoạn trình bày nội dung tác phẩm ấy.

Tính "hợp lý" của Nobunaga trong "Truyện cướp nước":

Sau đây ta hãy thử phân tích nhân cách và ảnh hưởng của 3 người anh hùng bình thiên hạ xuất hiện trong "Truyện cướp nước" đồng thời suy ngẫm về quan điểm viết tiểu thuyết lịch sử của Shiba.

Chúng ta có lần nói đến việc Shiba chú trọng đến tính năng động (dynamism) của lịch sử và ông đã dùng một mồi điểm hỏa đặc biệt giúp chúng ta nắm bắt được ý nghĩa của nó. Đó là việc kết nối Saitô Dôsan với Oda Nobunaga. Ông đặt mình vào vị trí của người kể truyện, phản thần Akechi Mitsuhide, một nhân vật xuất thân từ vùng núi non Mino, trong một tiểu quốc hãy còn giữ được nhiều tập quán cổ truyền. Dưới con mắt của Mitsuhide, ta thấy Nobunaga đã sớm lấn lướt và chạy qua mặt thời đại ông ta sống. Nếu là người sống cùng một tốc độ với Nobunaga thì sẽ không cảm thấy vận tốc trong hành động của ông như khi ở trong hai chiếc xe chạy cùng tốc độ, ta không thể cảm thấy mình đang chạy nhanh. Phải mượn cái nhìn của Mitsuhide, đại diện cho kiểu suy nghĩ xưa cũ, trung đại, của thời Mạc phủ Muromachi thì mới tạo ra đủ khoảng cách để miêu tả được tính cách dị thường trong hành động của Nobunaga. Với thủ pháp đó, Shiba đã làm bộc lộ sự khác nhau giữa sự kế tục tư tưởng trung đại (nơi Mitsuhide) và sự đột phá bằng tư tưởng cận đại (với Nobunaga).

Shiba có vẻ không chuộng cho lắm mẫu anh hùng vai u thịt bắp. Nhân vật ông khai triển, dù là Akechi Mitsuhide [32], Kuroda Kanbê [33] hay Ômura Masujirô... đều là những "trí tướng" nghĩa là thuộc hàng quân sư hay tham mưu. Ông đã mượn thế đứng của họ và từ chỗ đó, miêu tả cũng như bình phẩm hệ thống quyền lực. Sở dĩ Shiba không chọn cách nhìn từ con mắt của những nhân vật chóp bu như Nobunaga, Hideyoshi hay Ieyasu là vì ông rất tôn trọng tính khách quan trong cách phán đoán lịch sử.Đó cũng vì vào thời Shôwa tiền kỳ (1926-45), việc không có một cái nhìn khách quan đối với lịch sử và quyền lực của nhà nước đã làm cho NB đi vào sai lầm và dĩ nhiên, Shiba muốn nhân đó phản tỉnh về sự thiếu sót này.

Hình ảnh Nobunaga trong "Truyện cướp nước" đả được tô vẽ như con người theo chủ nghĩa thuần lý dến nơi dến chốn.

Nobunaga có một cái tánh rất hiếm. Ông chỉ xét ngưòi theo vai trò họ có thể đóng. Để đạt mục đích là tạo nên được một mũi dùi nhọn tiến công bằng cách xây dựng một binh đoàn hùng hậu giúp nhà Oda của ông chinh phục được đất đai các tiểu quốc lân cận để cuối cùng thống nhất cả thiên hạ, ông biết kết hợp mọi sức mạnh từ anh em bà con cho đến tướng tá của mình.... Ông chỉ dùng thủ hạ theo năng lực, lúc đề bạt, lúc loại trừ. Quá tệ thì đuổi đi hoặc giết luôn. Quản lý nhân sự kiểu ông thật là tàn nhẫn.

Trong tác phẩm có kể việc Nobunaga gửi sứ giả đến gặp Mitsuhide, phong cho ông ta hai lãnh địa Izumo và Iwami hiện đang nằm dưới sự quản hạt của kẻ địch của họ là Môri. Đồng thời sứ giả cũng đòi lại Ômi và Tamba là đất Mitsuhide hiện đang cai trị. Nghe tin đó, Mitsuhide đã bày tỏ nỗi lòng của mình như sau:

Nobunaga như người thợ mộc thích có một cái đục tốt. Ông chọn đục kỹ càng và hiểu rõ cái đục đó phải được dùng vào việc gì. Ông khéo léo như thế trong cả việc điều khiển tướng tá tay chân. Mitsuhide tôi có được địa vị ngày nay cũng là ở cái tính thích sử dụng công cụ đến mức độ bệnh hoạn của Nobunaga.

Trong "Hình thù đất nước này" (Kono kuni no katachi, 1986), Shiba cũng có một lời bình phẩm tương tự về Nobunaga:

Rốt cuộc, Nobunaga chỉ xét người như một dụng cụ. Đã là dụng cụ thì phải bén nhọn, dùng được vào nhiều việc chừng nào thì tốt chừng nấy.

Tóm lại, Nobunaga xét người bằng đặc tính của mỗi người nhưng điều này cũng lại là đặc điểm của xã hội cận đại. Mặt khác, theo lối nghĩ thông thường và còn đóng khung trong cách suy nghĩ của thời trung đại như Mitsuhide thì con người không tùy thuộc vào khả năng mà được đánh giá theo gia thế nơi sinh ra.Nếu là một cái đục thì cho dù không đục cho xong cái gì cả, giá tiền của nó được quyết định ở chỗ ai đã tạo ra nó. Xã hội cũ đã phán quyết như tiền đề là một cái đục nếu do nơi danh tiếng làm ra thì nhất định phải đục tốt. Sự yên trí, sự bảo kê và lòng tin cậy mà người ta đem đến để vun đắp cho nó có một cơ sở lớn lao nhất mà trung tâm là chế độ thiên hoàng. Chế độ này đã được xây dựng một cách mềm dẻo bởi vì trong khi những dụng cụ ngoại vi thay đổi, cái trục chính vẫn xoay chuyển đúng theo nguyên lý gọi là "nguyên lý tùy thuộc" (所属原理shozoku genri). Khi đọc các tác phẩm của Shiba, ta thấy chúng được cấu tạo với một khoảng chân không ở chính giữa và những yếu tố ngoại vi được miêu tả như guồng chỉ quấn chung quanh.

Shiba đánh giá Hideyoshi và Ieyasu như thế nào?

Khi trình bày về tính tình của Hideyoshi trong "Truyện cướp nước", Shiga đã dùng chữ "kẻ bịp bợm" (hitotarashi):

Ông này (Hideyoshi) giỏi việc đọc trong gan ruột người ta. Có thể gọi là một tay cừ.

Còn như đối với Nobunaga là người đã cư xử một cách tàn nhẫn đối với Ieyasu [34], Shiba đã đặt câu nói diễn tả một tâm trạng lo lắng như sau đây vào miệng Mitsuhide:

Dù tôi có cúc cung tận tụy, trước sau rồi cũng sẽ bị giết mà thôi!

Trong lúc ấy, Hideyoshi mượn cớ mình không có con trai nối dõi, đã chơi ngược bằng cách xin Nobunaga cho người con trai thứ tư của ông ta làm dưỡng tử nhà mình. Shiba viết:

Ở điểm này, ta thấy Hideyoshi nhìn thấu tim đen của Nobunaga.

Dĩ nhiên Hideyoshi tận tâm tận lực để đáp lại mọi điều Nobunaga mong đợi nơi ông. Thế nhưng theo Shiba, Hideyoshi cũng biết nếu mình để lộ quá nhiều tài năng thì sẽ bị ông chủ Nobunaga đem lòng nghi ngờ và ghen ghét.

Từ thời thơ ấu, Hideyoshi đã lao khổ, chung đụng với đủ hạng người cho nên ông hiểu rõ tình đời nó rất khúc mắc.

Có lẽ vì thế mà khi Hideyoshi theo lệnh Nobunaga chinh phạt họ Môri ờ phiá Nam đảo Honshuu xong rồi, ông không nhận làm đất phong mà tiếp tục vì Nobunaga đi bình định đảo Kyuushuu. Sau khi dâng đất Kyuushuu cho chủ, ông lại xin xuất quân đánh Triều Tiên và chỉ mong được thưởng công bằng vùng đất xa xôi này khi đã chiếm được. Đối với việc đó, Nobunaga có vẻ bằng lòng, đã cười ha hả và ban phát một lời khen: "Này Echizen (ám chỉ Hideyoshi), nhà ngươi đúng là con người phóng khoáng!". Lời khen ngợi này sẽ có âm vang đến những câu mô tả Hideyoshi trong"Hình thù đất nước này":

Hideyoshi đã sớm hiểu bản chất Nobunaga. Khi phục vụ một kẻ duy vật như ông ta thì nên quên bẵng con người của mình và đóng cho được vai trò của một dụng cụ.

Đối với con người như Nobunaga chỉ coi kẻ khác là dụng cụ, Hideyoshi đã biết biến mình thành một dụng cụ. Chính vì thế mà liên hệ chủ tớ của hai người trở thành trơn tru, êm thắm. Sau đó, Hideyoshi đã xả thân phục vụ Nobunaga trong sự nghiệp thống nhất thiên hạ.

Như đã nói ở bên trên, nhân vật Hideyoshi được xem như "kẻ bịp bợm" (人誑しhitotarashi). Chữ hitotarashi này chúng ta còn thấy trong "Một đời trai háo sắc" (Kôshoku ichidaiotoko), tác phẩm tiểu thuyết của nhà văn thời Edo, Ihara Saikaku (井原西鶴1642-93). Ý nghĩa của nó là "gian dối người", cách đánh giá mang tính tiêu cực về một nhân vật. Thế nhưng ở đây Shiba đã dùng với ý nghĩa tích cực. Hitotarashi không có nghĩa xấu. Hideyoshi chỉ là người thấu suốt tâm tình của kẻ khác.

Shiba đã vẽ ra hình ảnh Hideyoshi như tượng trưng của mẫu người trong tổ chức xã hội NB biết từ dưới leo lên từng nấc thang một. Trong thời đại kinh tế phát triển cao độ, họ là những nhân viên hãng buôn năng nổ, tận tụy, sống chết vì hãng. Họ không chỉ có năng lực cao mà thôi. Phải là một người vui tính, được tất cả yêu mến và cứ như thế mà thăng quan tiến chức.

Ở điểm này, theo Giáo sư Isoda Michifumi, NB là một xã hội biết chấp nhận gekokujô (下剋上 hạ khắc thượng) nghĩa là cho phép những người bên dưới có cơ hội ngoi lên. Cũng theo ông, có thể hình thức này đã bắt đầu từ cuối thời trung đại. Tuy vấp phải chế độ phân chia giai cấp (身分制mibunsei) dưới thời Edo nhưng người Nhật đã được giải phóng khỏi nó từ cuộc Minh Trị Duy Tân. Phải chăng đó cũng là bối cảnh sự tiến thân của Hideyoshi?

Còn về Ieyasu thì "Truyện cướp nước" đã cho ta thấy nhân vật này là một con người quỷ quyệt. Sau khi đánh bại cường địch là họ Takeda, Nobunaga chỉ ban cho Ieyasu, người đồng minh lâu năm của mình, một cái ấp phong nhỏ bé là vùng Tsuruga ( một phần tỉnh Fukui và nhìn ra biển Nhật Bản). Shiba kể rằng:

Ieyasu không lấy làm bất mãn vì món lộc bạc bẽo này. Ông ngẫm nghĩ về những điều thầm kín mà Nobunaga có thể cảm thấy trong lòng nên tỏ ra vui mừng nhận lãnh.

Ieyasu đã gửi bề tôi thân tín tới thành Azuchi để tạ ơn Nobunaga. Nói cách khác là cách bày tỏ sự vui mừng của ông hơi quá trớn nhưng lý do là ông sợ Nobunaga không được yên lòng. Như vậy, Shiba đã miêu tả Ieyasu như một nhân vật khó có ai nắm được thực tâm. Đó là lối xử thế của một người biết làm sao để sống còn[35].Đối với mặt "dương" của Hideyoshi, ông tượng trưng cho mặt "âm" của cùng một tính nết. Nếu bảo Hideyoshi lắm lời và Ieyasu thích im lặng thì cũng được. Có thể Ieyasu nói nhiều khi ông đứng trước mặt Hideyoshi nhưng về phương diện ảnh hưởng của một nhà lãnh đạo đối với xã hội thì phải nói Ieyasu là một người hà tiện thông tin.

Ảnh hưởng ba người anh hùng đã để lại cho đời:

Chúng ta vừa nói đến những cái khác nhau chính giữa Nobunaga, Hideyoshi và Ieyasu. Cá tính các ông đều có chỗ ảnh hưởng đến ý nghĩ của người Nhật hiện đại. Trong đó, cái quan trọng nhất là sự thế tục hoá (secularization). Shiba cho rằng nếu số đông người Nhật vẫn tôn trọng một cách tuyệt đối những thực thể siêu nhiên như Thần Phật thì cũng có những người Nhật chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân kiểu Nobunaga. Khuynh hướng này càng đậm nét và tỏa rộng đến tận từng người Nhật kể từ thời đại của Nobunaga.Vì thế, khác với những gì xảy ra ở Trung Đông và Tây phương, người Nhật đã bỏ lại đằng sau những cuộc tranh chấp có màu sắc tôn giáo cuối cùng như các cuộc nổi loạn Ikkô Ikki (Phật giáo, 1460-66) và Shimabara (Ki-tô giáo, 1637-38) mà thiệt hại về người và của vô cùng lớn lao. Tóm lại, sức mạnh thế tục đã vượt lên trên thần quyền của tôn giáo.

Thử nhìn ví dụ về Hideyoshi. Ông tượng trưng cho quyền lực thế tục. Nếu ông có giữ lại Thiên hoàng (Thần Đạo) và chùa Honganji (Phật giáo) [36] chỉ là để lợi dụng. Ieyasu cũng giữ lại bộ xương khô của Mạc phủ Muromachi là chế độ Kôke (高家Cao gia) [37] để làm cảnh cho Mạc phủ của mình. Những cảnh tượng xảy ra vào thời tiền cận đại ở Nhật cho thấy quyền lực thế tục đã áp đảo quyền uy tôn giáo và biết lợi dụng nó. Tính thế tục được thấy rõ nơi ba người anh hùng này. Duy mỗi Nobunaga là đối địch trực diện với thế lực tôn giáo trung đại và đập tan nó. Ông đã thiêu rụi chùa chiền trên Hieizan và ghét các nhà tu hành như rắn rết. Shiba đã tả lại rõ ràng về điều này trong "Truyện cướp nước".

Đối với một con người chỉ biết đốt phá và chém giết như Nobunaga thì Mitsuhide - nhân vật đại diện cho giá trị quan bảo thủ - đã nhiều lần thử can ngăn. Khi Mitsuhide viện cớ chùa Enryakuji trên Hieizan là nơi có truyền thống lâu đời và triều đình Kyôto đáng phải được tôn kính thì Shiba đã để Nobunaga trả lời lại như sau:

- Mi muốn nối giáo cho giặc ư? ...Những kẻ như bọn chúng làm gì có thể trấn hộ nước nhà, bảo vệ vương pháp, ngay cả cầu đảo cho ngọc thể của thiên hoàng được an khang!

Phật cũng có tội đấy chứ. Để bọn sư sãi vô lại đó sống phây phây trước mắt suốt 700 năm qua mà không quở trách chúng, quả là Phật lơ đễnh quá mức. Phật kiểu đó chỉ đáng cho ta quật cho vài chùy sắt.

Cái gọi là Phật chỉ do gỗ và kim loại làm ra mà thôi...

Đập tan thành cát bụi mấy ông mãnh cũ và xây dựng một cõi đời mới là sự nghiệp vĩ đại của Nobunaga này. Để được như vậy, dù Phật đi nữa cũng phải cút xéo!

So sánh với hình ảnh của Nobunaga, Shiba đã vẽ nên hình ảnh một Ieyasu như người hoàn toàn theo chủ nghĩa hiện thực. Ieyasu đã biết giữ lại một phần quyền uy cổ xưa của chế độ Thiên hoàng cũng như Mạc phủ Muromachi và ghép nó vào chính quyền mình. Hình ảnh Ieyasu ở đây rất nhất trí với cái tính "không phủ nhận hoàn toàn một điều gì bao giờ" của quốc dân NB. Kết quả là, qua nhân vật Ieyasu, Shiba đã vẽ nên hình ảnh của một người Nhật tiêu biểu.

Tuy vậy, cái hay của văn chương Shiba nằm ở chỗ miêu tả được những nhân vật thoát ra khỏi khuôn khổ người Nhật bình thường. Nobunaga trong "Truyện cướp nước" thì đã quá rõ ràng nhưng cả Sakamoto Ryôma hay Akiyama Saneyuki [38] cũng đều khác với hình ảnh con người NB xưa nay. Hai ông này là nhân vật chủ chốt trong hai tác phẩm tiêu biểu của Shiba: "Ryôma xông pha" và "Vầng mây trên đầu dốc". Đến bây giờ, hai cuốn truyện đó vẫn ăn khách như bestseller. Nhờ chúng, tên tuổi hai ông ngày nay ai cũng biết đến. Điều cần chú ý ở đây là đại đa số quần chúng độc giả có thể là những con người đã sinh ra từ thể chế quyền lực của Ieyasu. Để có thể sống thuận thảo với chính quyền, họ nhiều khi bị bắt buộc nhẫn nại chịu đựng. Vì lý do đó, khám phá được sự tồn tại của những con người ngoài khuôn phép như Nobunaga hay Ryôma dưới ngòi bút Shiba đủ làm cho họ khoái chí. Nhà văn đã biết dựa trên những sự thực lịch sử để cung cấp cho họ một thứ cảm giác có thể gọi là "tự do" hay "tự do do Shiba đem lại". Người Nhật tìm thấy trong tác phẩm của ông một niềm vui thỏa. Trái tim của họ rộn ràng vì những hành động anh hùng mà bản thân mình không thể làm nổi. Họ cảm thấy như đang được rong chơi trong lịch sử.

Shiba muốn nhắn gì với đồng bào ông qua "Truyện cướp nước"?

Tuy căm ghét hành động tàn ác của Nobunaga nhưng phải nhìn nhận là Shiba ngưỡng mộ tính thuần lý (rationality) của ông ta. Khi mô tả cảnh tượng Nobunaga cho đốt chùa giết sư trên ngọn Hieizan, Shiba đồng thời đánh giá rằng nhân vật này đã mở đường cho tư duy và hành động hợp lý của con người NB tiền cận đại và cận đại. Ông vẽ nên hình ảnh một Nobunaga như tượng trưng cho tư duy phủ định cái tương quan nhân quả giữa tín ngưỡng và quyền lực. Nhà độc tài ấy muốn chứng minh rằng tương quan ấy không hề có cơ sở. Sự xuất hiện của con người tham bạo và làm rối loạn kỷ cương là Nobunaga đã mở ra cánh cửa của thời tiền cận đại và cận đại như món quà bật tung ra từ cái hộp Pandôra trong thần thoại Hy Lạp. Từ mặt bằng đó, Hideyoshi đã chuẩn bị thêm bằng cách xây đắp chế độ Kokudaka (Thạch (hộc) cao) [39]và một nhà nước quân sự mà Ieyasu tiếp tục duy trì. Phần Ieyasu thì đầu tiên ông đã học về tổ chức chế độ quân sự từ lãnh chúa vùng Kai là Takeda Shingen, thế rồi khi được dời đất phong về miền Đông (Kantô) lại học tập cách quản lý Tenryô (Thiên lãnh) [40] từ họ Hôjô nghĩa là biết o bế, trọng đãi con nhà hào tộc sở tại. Ông còn áp dụng chế độ Kokudaka của Hideyoshi vào trong đường lối cai trị của mình. Chính vì những sự vay mượn trên mà Shiba mới hạ bút: "Ieyasu không có tính độc sáng"!

Dù vậy, khi nghĩ lại, ta vẫn thấy xã hội NB có khuynh hướng không thích sự thay đổi đường lối một cách đột ngột. Trong lịch sử kinh tế người ta thường nhắc đến mấy chữ "bám theo đưòng lối" (keiro izon経路依存) và kẻ nào biết nương theo đường lối đã tiến hành cuối cùng sẽ gồm thu thiên hạ. Mặt khác, con người muốn phá vỡ kỷ cương như Nobunaga bắt buộc bị đào thải. Có lẽ Shiba muốn chứng minh những điều nói trên bằng văn chương. "Truyện cướp nước" gợi ý về một phương thức hành động khéo léo để có thể sống còn trong xã hội NB.

Người dùng bạo lực khống chế các thế lực quốc nội để xây dựng nên một hệ thống chính trị trung ương tập quyền cho đất nước này là Nobunaga. Trong câu chuyện về ông, Shiba muốn nhắc nhở chúng ta rằng, từ đó về sau, trong nếp sống của người Nhật, luôn luôn có hai mặt. Một là một mặt tích cực với tư duy hợp lý và hiện thực lạc quan, không thắc mắc về bất cứ vấn đề gì. Thêm một mặt nữa, mặt tiêu cực, là việc đòi hỏi cá nhân trung thành một cách quá mức với hệ thống quyền lực, trong một tương quan "trên bảo dưới nghe" (thượng ý hạ đạt). Những quyền lực thế tục từ thời Nobunaga về sau - vốn bắt nguồn từ một thực thể bạo lực - vay mượn sức mạnh cũng như mọi thứ từ quyền uy của thiên hoàng, bắt đầu sổ lồng và bứt chạy như điên cuồng, không ai truy cản nổi, để rồi chỉ ngừng lại khi nếm mùi thất bại. Trong quốc gia cận đại của con cháu người anh hùng bình thiên hạ Nobunaga, người ta thấy rõ cái khía cạnh tiêu cực đó. Nó đã dẫn đến một nguy cơ bạo loạn đáng sợ.

Cái tính cách lưỡng diện của nhà nước Nhật Bản vào cuối thời Sengoku (thế kỷ 16) đã được thể hiện bằng hình thức chính quyền kiểu Kôgi đại diện bởi ba người anh hùng bình thiên hạ. Việc lục quân NB muốn sử dụng "nắm đấm sắt" của mình đã được thai nghén từ quá trình "cướp nước" của tổ tiên họ, ba con người sinh ra từ đồng bằng Nobi, mà "Truyện cướp nước" đã miêu tả tường tận.

Viết giữa bối cảnh giai đoạn kinh tế phát triển cao độ:

Trong xã hội hậu chiến thời Shôwa, cùng với sự ra đời của Hiến pháp mới (công bố năm 1946) tập trung vào mục tiêu bảo vệ hòa bình, người ta thường tránh né những cuộc nghị luận chung quanh các vấn đề quân sự, chế độ Thiên hoàng và sự tồn tại của các giáo phái. Thế nhưng ngày nay chúng ta đã bước vào một thời đại mà ý đồ tránh né đó không còn được chấp nhận nữa. Hành vi khủng bố bằng chất độc Sarin của giáo phái Aumu phơi trần những vấn đề tôn giáo. Cũng vậy, hai cuộc Chiến tranh vùng vịnh (The Gulf War) đã khơi mào cho nghị luận về quân sự bởi vì vấn đề là NB từ đây sẽ phải giải thích thế nào về nội dung Anpo (Hiệp ước phòng thủ hỗ tương Nhật Mỹ). Khi phải trực diện với những vấn đề trên, NB rất cần tham khảo cái nhìn của Shiba để soi sáng những cuộc nghị luận. Shiba chẳng đã đưa ra nhiều kiến giải lịch sử đáng lưu ý về tương quan giữa nhà nước và quân đội, quá trình từ phát sinh cho đến kết thúc của cuộc bạo tẩu điên cuồng của giới quân sự NB vào đầu thời Shôwa đấy sao! Những người NB của thế kỷ 21 có thể tìm thấy biết bao nhiêu gợi ý đến từ những trang giấy của "Truyện cướp nước".

Hơn nữa, việc tìm hiểu xem tác phẩm này đã được Shiba chấp bút trong bối cảnh nào cũng là một điều đáng làm. Thực vậy, "Truyện cướp nước" đã được đăng tải liên tục trong 3 năm từ 1963 đến 1966. Thời kỳ này trùng hợp với giai đoạn phát triển cao độ của kinh tế NB. Đó là thời đại mà các binh sĩ hồi hương và giải ngũ đóng góp rất nhiều cho cuộc phục hưng. Họ đang hết sức cố gắng làm việc để tái thiết đất nước. Giữa lúc đó thì "Truyện cướp nước" ra đời. Chắc chắn là độc giả đã đồng cảm được với một tác phẩm văn học xoay quanh câu chuyện "những người mất nước đang muốn giành lại nước mình một lần nữa". Hơn nữa, đó là một quá trình kinh tế đưa đến sự sung túc của một xã hội đại chúng và đồng thời, về mặt chính trị, tính phi hợp lý của xã hội thời chiến cũng bị người đương thời mang ra phê bình. Vì những lý do trên, nếu "Truyện cướp nước" được đông đảo độc giả ái mộ thì chỉ là chuyện đương nhiên.

Thế nhưng trong quần chúng, giữa khi vẫn có kẻ chia sẻ giá trị quan của thời đại cũ, đã xuất hiện những người muốn thoát ra khỏi giá trị quan đó. Nông dân NB thời hậu chiến đoàn lũ bỏ nhà lên thành phố lớn để làm việc trong các hãng xưởng (集団就職shuudan shuushoku trong thập niên 1950) thành ra số người chọn thành phố làm nơi định cư ngày càng đông đảo. Chúng ta phải để ý đến hiện tượng "di động" này. "Truyện cướp nước" ngày xưa cũng là câu chuyện của những con người "di động" với mục đích gồm thu thiên hạ. Di động như thế, con người sẽ có cơ hội xây dựng được một thời đại mới. Khi chiếm lĩnh thêm một lãnh địa là con người mở ra được một thế giới mới. Như thế, cảnh ngộ của người thời Sengoku trong tác phẩm của Shiba nào có khác gì cảnh ngộ những nông dân đã biến mình thành thị dân của các thành phố thời nay.


Cũng phải nói thêm một điều nữa là trong thời đại kinh tế phát triển cao độ, xã hội cũng như cá nhân đều không tránh khỏi sự cạnh tranh. Chẳng hạn xã hội trọng bằng cấp (学歴社会gakureki shakai) đẻ ra sự kỳ thị đến từ lối suy nghĩ xem bằng cấp quyết định tất cả. Ngược lại, cùng lúc đó, nó cho phép người có bằng cấp được tự do cạnh tranh để leo lên cao hơn trên nấc thang xã hội. Nguồn cung cấp học sinh cho các trường cao trung (cấp 3) của học chế ngày xưa giới hạn quanh quẩn trong giới quan lại, giáo viên, địa chủ, đền chùa và những gia đình buôn bán. Sau khi sự đô thị hoá càng tiến xa thì có thêm những gia đình tư chức (salaryman) bậc trung và chủ hiệu buôn tham dự vào cuộc "chiến tranh" tuyển sinh vào đại học. Như thế, thời đại xã hội đại chúng đã bắt đầu. Nhân vì qui mô xã hội cũng đã mở ra rộng rãi, chỉ cần tốt nghiệp đại học thì xã hội sẽ cung cấp ngay cho chức phận và địa vị. Đối với cá nhân, xã hội đã chuẩn bị đủ điều kiện để viết nên câu chuyện thành công (success story) của thế hệ họ. Bối cảnh đó là một nhân tố quan trọng đã khiến cho đại chúng độc giả ủng hộ "Truyện cướp nước" vốn cũng là một câu chuyện đổi đời được Shiba viết ra.

III) Điều kiện trở thành lãnh đạo quần chúng vào cuối thời Mạc phủ. Tìm thấy gì trong tác phẩm "Hồn hoa" (Kashin)?:

Đặc trưng của tác phẩm Shiba nói về thời Mạc mạt:

Văn chương Shiba thường chọn chủ đề liên quan đến những khúc quanh lịch sử. Thời Sengoku và thời Mạc mạt (cuối Mạc phủ Edo) đều là lúc xã hội có những chuyển biến quan trọng. Lý do Shiba chọn hai giai đoạn này không chỉ vì chúng có nhiều cuộc chiến tranh. Chiến tranh chỉ là hậu quả của thời cuộc. Lịch sử loài người thường xen kẽ những thời kỳ sôi động và những thời kỳ bình lặng, chu kỳ này lập đi lập lại một cách thường xuyên giống như một cơn địa chấn xảy ra giữa hai thời kỳ yên tĩnh. Thời sôi động trước đây là thời Sengoku (thế kỷ 16) và thời sôi động sau này là thời Mạc mạt (thế kỷ 19). Cái gọi là thời Sengoku (Chiến quốc = tranh đoạt giữa các tiểu quốc) đã đập vỡ nát xã hội trung đại để mở ra thời tiền cận đại kéo dài gần 3 thế kỷ với Mạc phủ Edo. Những biến động thời Bakumatsu (Mạc mạt = thời Mạc phủ suy vi kể từ biến cố đoàn chiến thuyền vỏ bọc thép của Perry đến Nhật năm 1853) đã đập vỡ hệ thống chính quyền Mạc phủ và đưa đến sự hình thành của thời cận đại với nhà nước Minh Trị. Là một nhà văn chú chú ý đến "trạng thái động" của xã hội, nếu Shiba muốn quan sát thật gần những cuộc biến động ấy để kể lại cho đời thì cũng là điều dễ thông cảm.

Chúng ta có lần nói đến phương pháp "trước nhãn đại cục, trước thủ tiểu cục" trong Chương I mà những nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử như Shiba hay áp dụng. Ngoài ra, ta thấy Shiba còn thích đưa ra một nhân vật làm trung tâm rồi kết hợp nhân vật ấy với những sự kiện chung quanh để miêu tả được dòng chảy chính của thời đại. Đặc điểm thứ ba là việc nhiều sử liệu liên quan đến nhân vật ấy hãy còn được bảo tồn. Sau khi hội đủ được 3 yếu tố trên, cho dù nhân vật trung tâm đó không phải là người có địa vị trên đỉnh cao quyền lực mà chỉ đứng bên cạnh và giữ một vai thứ yếu (脇役wakiyaku) đi chăng nữa thì cũng đã đủ cho Shiba có cơ sở để cấu tứ rồi.

Thí dụ tiêu biểu nhất là tác phẩm "Ryôma xông pha" (Ryôma ga yuku) [41], kể lại chuyện Sakamoto Ryôma, một samurai vô chủ (rônin) xuất thân từ phiên Tosa trên đảo Shikoku [42] đã có thể thay đổi được dòng lịch sử thời đại ông ta sống. Ông là một nhân vật thứ yếu và không thuộc hệ thống quyền lực. Cũng vậy, trong những người theo Mạc phủ (nghĩa là ngược với Ryôma) thì hình tượng nhân vật kiểu đó là Hijikata Toshizô, một thủ lãnh của nhóm võ sĩ giữ trị an thành phố Kyôto trong buổi giao thời tên là Shinsengumi mà chúng ta gặp trong "Kiếm ơi, hãy cháy lên!" (Moeyo! ken) [43]. Khi nói về sự thành lập nhà nước cận đại thời Minh Trị trong "Như bay bổng" (Tobu ga gotoku) [44] thì những nhân vật ông đưa ra là Saigô Takamori và Ôkubo Toshimichi. Còn khi miêu tả về những cuộc vận động đầu tiên để mở ra thời cận đại trong "Những ngày sống trên đời" (Yo ni sumu hibi) [45] thì nhân vật chính của ông là nhà giáo dục Yoshida Shôin.

So sánh với các nhà văn chia sẻ một chủ đề với mình, đặc tính nổi bật nơi Shiba là ông viết cả về những người chống đối Mạc phủ (đảo Mạc) lẫn người phò tá Mạc phủ (tá Mạc). Thực vậy, những cây bút viết về hai loại người này cùng lúc chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Riêng Shiba thì những phân tích về Akechi Mitsuhide trong "Truyện cướp nước" của ông thấy trong Chương I, đã cho chúng ta cách nhìn lịch sử bằng con mắt của một nhân vật tượng trưng cho một xã hội đang suy thoái. Trong những tác phẩm nói về giai đoạn cuối của Mạc phủ Edo cũng vậy, cũng có khi ông cho phép bên thua cuộc được bày tỏ lập trường. Ví dụ "Kẻ bảo vệ hoàng cung" (Ôjô no goeisha) [46], tác phẩm miêu tả nhân vật Matsudaira Katamori [47], và "Ngọn đèo" (Toge) [48] viết về Kawai Tsugunosuke [49], đều nằm trong trường hợp này. Nếu muốn viết về trạng thái động của một xã hội như xã hội Edo, không phải chỉ cần nói đến cuộc đời những kẻ đã khuấy động nó lên (nhóm "đảo Mạc" đến từ hai phiên Satsuma và Chôshuu) vì đó là điều đương nhiên. Shiba còn đào sâu hơn một nấc như thể chính ông đang đứng ngắm quang cảnh đó. Chẳng hạn khi ông đề cập đến Kawai Tsugunosuke, một nhân vật đứng về bên thua cuộc nhưng đã có lối suy nghĩ hết sức tân tiến. Chỉ vì hoàn cảnh và sự tình đặc biệt, ông ta không thể nào nương theo dòng chảy chính của thời đại là "cận đại hóa" mà bị cuốn hút vào bên trong một lỗ đen.

Với Shiba thì dù là người của bên thua cuộc, tùy theo tình hình họ vẫn có năng lực khởi động được xã hội. Do đó ông mới tìm cách truy cứu về những con người như vậy để nói lên vai trò họ có thể đóng trong quá trình thúc đẩy xã hội tiến lên.

"Hồn hoa" (Kashin), tác phẩm xuất sắc nhất của Shiba:

Có thể nói "Hồn hoa"[50] đã bộc lộ hết văn tài Shiba Ryôtarô. Giáo sư Isoda Michifumi dánh giá nó như tác phẩm xuất sắc nhất trong toàn bộ sự nghiệp ông. Nhân vật chính của truyện, Ômura Masujirô (tên cũ là Murata Zôroku), là con trai một thày lang ở phiên Chôshuu. Tuy nhiên, ông đã đeo đuổi Lan học và Dương học nghĩa là cái học phương Tây cũng như binh pháp. Trong trận Chiến tranh Boshin (1908) ông từng đóng vai trò lãnh đạo giúp quan quân (phe chính phủ Meiji) dành được thắng lợi. Duy Tân thành công, ông lại góp phần tổ chức quân đội và trên thực tế, đã xây dựng nền móng cho lục quân NB. Tuy nhiên những phiên sĩ Chôshuu vì quá bảo thủ và bè phái không chấp nhận lối cải cách "quốc dân giai binh"[51] quá cấp tiến nên đã tổ chức khủng bố và giết chết ông

Trong "Hồn hoa", Shiba đã mượn cái nhìn của nhân vật Ômura để phán đoán xem một người trí thức phải làm gì để đưa thời đại cũ bước vào một cuộc duy tân. Nói về cuộc Duy Tân Minh Trị thì trước tiên và có thể hơi cường điệu, chính là việc thay thế súng hoả mai và áo giáp bằng súng trường (rifle) và trọng pháo (như khẩu trọng pháo Amstrong [52]) kiểu Tây phương trong lãnh vực quân sự. Súng trường và trọng pháo khác với các kiểu súng cũ là nạp đạn vào ổ đạn đằng sau, nòng súng được xẻ rảnh theo hình trôn ốc làm cho đạn khi được bắn ra thì quay vòng đồng thời tăng tốc độ nên chính xác và xa hơn, có độ sát thương cao hơn loại súng cũ gấp bội.

Những người nắm trong tay một quân đội có vũ khí tân tiến như thế đã thành lập được chính phủ Minh Trị Duy Tân và tổ chức quân đội, gồm hải và lục quân. Họ cũng thực hiện được chế độ "quốc dân giai binh" 国民皆兵 nghĩa là mọi thanh niên trong toàn quốc đều có thể tham gia quân đội. Vào thời đó, nếu nước nào không thành lập nổi một quốc gia quốc dân thì có nhiều nguy cơ trở thành thuộc địa. Do đó, các nước phải chọn một trong hai, thành lập quốc gia quốc dân hay là trở thành thuộc địa. NB cũng bị cuốn vào phong trào đó và người đã khởi động dòng lịch sử bằng cách cận đại hoá quân đội (cải tổ nó theo kiểu phương Tây) chính là Ômura Masujirô vậy.

Shiba gọi Ômura là "kỹ thuật gia". Trong "Hồn hoa", Shiba mào đầu bằng cách giải thích hơi dài dòng nhưng phần này cũng đáng chú ý vì nó liên quan đến lý thuyết "Cách mạng theo 3 giai đoạn" của ông vốn đã được định nghĩa trong Chương I.

Xin phép nói ngoài lề một chút nhưng cuốn tiểu thuyết này có mục đích mô tả một thời kỳ nhiều biến động, có thể gọi là một thời kỳ cách mạng. Chủ đề của cuốn truyện là tìm hiểu yếu tố "kỹ thuật" xuất hiện vào lúc ấy đã mang lại được gì. Cách mạng thường bắt đầu bởi một tư tưởng gia và cái chết bi thảm của người ấy. Ở Nhật thì đã có ví dụ của Yoshida Shôin. Tiếp theo là thời đại của chiến lược gia. Trường hợp của Nhật là những người cỡ Takasugi Shinsaku và Saigô Takamori. Mấy ông này cũng không hưởng được bao nhiêu tuổi trời. Lớp người thứ ba bước vào sân khấu là các kỹ thuật gia. Chữ kỹ thuật này vừa có thể bao trùm khoa học kỹ thuật, kỹ thuật pháp lý lẫn kỹ thuật quân sự, lãnh vực mà Zôroku (tức Ômura) về sau sẽ đảm nhiệm.

Đáng tiếc là Ômura đã mất vào năm Meiji thứ 2 (1869). Người nối nghiệp ông là Yamagata Aritomo. Chúng ta biết ông này đã lãnh đạo lục quân và chính giới trong một thời gian dài. Mục đích của tác phẩn "Hồn hoa" chính là nghiên cứu về Ômura, người thày của Yamagata và cũng là nhân vật đã đóng góp rất nhiều cho cuộc chuyển đổi của xã hội NB.

Về trải nghiệm chiến tranh và ông tổ của lục quân

Thời Thế chiến thứ hai, Shiba bị trưng binh và trực thuộc lục quân. Ông sang đóng ở Mãn Châu, đông bắc Trung Quốc.Nói về trải nghiệm chiến tranh của mình, ông đã viết trong "Hình thù đất nước này" những câu như sau:

Nếu Liên Xô sớm nhảy vào vòng chiến thì ...có lẽ giờ đây tôi đã bị đạn chống xe tăng của họ xuyên thủng và chết lâu rồi.

Có một biến cố cũng xảy ra ở Mãn Châu 4, 5 năm về trước đã làm ông phải suy nghĩ rất nhiều. Tuy rốt cuộc không viết cuốn tiểu thuyết nào liên quan đến thời đại Shôwa nhưng ông đã thu thập tư liệu về biến cố này rất kỹ. Đó là "Vụ Nomonhan" [54]. Trong cuộc chạm trán với quân Liên Xô ở đó, phía Nhật đã thua liểng xiểng và con số tử thương của họ lên đến trên 70%. Chiến xa BT (Bêtê) của Hồng quân vượt trội chiến xa Nhật về sức công phá cũng như khả năng phòng ngự.

Trong trận Momonhan, Nhật chỉ có những chiến xa cỡ trung bình kiểu 89 và kiểu 97[55]. Cho dù có bắn phá cũng chẳng làm phương hại kẻ địch bao nhiêu. Trong khi đó, đạn từ phiá bên kia xuyên thủng cả chiến xa Nhật...
Tại sao lục quân NB đương thời lại để những chuyện vô lý như vậy xảy ra mà không ai bị buộc tội? Kể từ lúc nào, NB đã trở thành một quốc gia như vậy? Những câu hỏi này là động cơ khiến Shiba bắt đầu cầm bút. Lục quân NB đã bắt người lính trẻ là Shiba phải leo lên một chiếc "quan tài biết lăn" chứ không phải là một chiến xa. Lục quân đó là sản phẩm của Ônura Masujirô. Vì trực diện sự nguy hiểm đối với bản thân cho nên Shiba - qua tác phẩm "Hồn hoa" - đã đi tìm hiểu về con người khai sanh và cái tổ chức kỳ khôi đó. Như vậy, động cơ sáng tác của ông không hề tầm thường.

Giáo sư Isoda tâm sự rằng, khi ông đọc tiểu thuyết lịch sử hay dã sử, càng đọc thì càng muốn xem ở đoạn này đoạn kia, tác giả đã rời xa những sử liệu hiện có đến mức độ nào. Điều ấy có nghĩa là chỉ những chi tiết xa rời sự thực lịch sử mới đập mạnh vào mắt ông và làm ông cảm thấy mình đang xa rời hiện thực (reality).Thế nhưng với "Hồn hoa" thì không thế. Giáo sư cho biết đã đi tận về quê của Ômura Masujirô và xem xét đến cả những mảnh giấy vá đằng sau cánh cửa buồng để kết luận rằng hình ảnh Ômura do nhà văn vẽ ra đã được dựa trên những sử liệu căn bản nhất. Do đó, đọc tiểu thuyết của Shiba về Ômura, giáo sư có cảm tưởng mình càng ngày càng tiến sát với sự thực. Đó là một trải nghiệm kỳ lạ mà đến nay, ông chưa từng có. Như thế, hình tượng Ômura dưới ngòi bút không khác bao nhiêu với Ômura trong đời thường. Có lẽ vì Ômura là một nhân vật nhiều đặc điểm nên bức chân dung ấy mới có thể vẽ được dễ dàng Vẽ được một nhân vật lịch sử giống y người thực, đó là điểm mạnh của tác giả "Hồn hoa".

Ômura Masujirô, tín đồ của chủ nghĩa thuần lý:

Đến đây, chúng ta hãy xem Shiba đã miêu tả nhân vật Ômura Masujirô như thế nào?

Con người đó đã ít nói, tính khí lại khó khăn. Ví dụ trong trận công hãm cửa ngõ Ueno (phiá bắc thành Edo), bộ đội phiên Satsuma được phân công đánh lối vào Hirokoji là nơi dự tưởng sẽ gặp sự chống trả mãnh liệt của địch. Trên bàn hội nghị, tướng Saigô (Takamori) ngán ngẩm bảo:

-Bộ mấy anh muốn lùa lính Satsuma chúng tôi cho họ giết sạch hay sao?

Ômura trả lời:

-Vâng, đúng thế!

(Trích đoạn "Hình thù đất nước này")

Ômura xuất thân nông dân. Chắc vì vậy mà ông chậm lụt, không hiểu được tinh thần phiên phiệt của các phiên sĩ. Trong bụng, ông còn xem họ như kẻ địch của nhà nước trẻ trung này. Ngay đối với các samurai, ông cũng không kiêng nể.

(Nguồn: như trên)

Qua hình ảnh trên đây, ta thấy Ômura đúng là con người tiếp nối truyền thống thuần lý của Nobunaga. Ông chẳng thèm để ý đến chế độ phân chia giai cấp (mibunsei), nếu là chuyện có lợi, ông sẵn sàng quên đi giá trị quan sẵn có và chuyển ngay sang chiều hướng mới. Có thể nói là trong thời kinh tế phát triển cao độ từ thập niên 1960 tới thập niên 1970, đám binh sĩ phục viên tức thế hệ từng có kinh nghiệm chiến tranh là những người đã đồng cảm một cách sâu sắc nhất với Ômura.

Học giả ngành giải phẫu, Yôrô Takeshi [56] có lần phát biểu:

Bề gì thì người Nhật là những con người khổ sở vì hai chữ "tư tưởng", cái mà trong chiến tranh họ không nhìn thấy ở đâu cả. Họ coi NB như là đất nước của chư thần. "Thần châu bất diệt" mà! Có đầu thai bảy kiếp cũng phải tận trung báo quốc. "Thất sinh báo quốc" mà! Họ được bơm vào đầu lối suy nghĩ như thế để rồi phải chuốc lấy đau khổ. Cần mở mắt cho thật sáng để nhìn. Chính vì vậy một thế hệ có cái nhìn thuần lý và chỉ tin vào những gì xảy ra trước mắt đã ra đời. Trong thời kỳ kinh tế phát triển cao độ, những người ấy đã đồng loạt hướng về phía văn minh vật chất

Giáo sư Isoda cho rằng lời Yôrô vừa bày tỏ thật đầy sức thuyết phục. Ông đoán Shiba cũng là một trong đám người từng bị nhồi vào đầu tư tưởng đó. Shiba đã bị đẩy lên xe tăng để đối mặt với cảnh thập tử nhất sinh bởi cái hệ thống quân đội không dùng lý luận thuần lý để so sánh tính năng và hiệu suất của chiến xa và chiếm hạm giữa ta và địch. Nó chỉ biết suy nghĩ một cách phi thuần lý và ra lệnh cho ông: "Hãy tiến công bằng vũ khí là sức mạnh tinh thần!". Do đó, Shiba thấy cần phải tranh đấu cho lối suy nghĩ thuần lý và hiện thực đến mức xem nó như một cơ sở triết học. Người đã thể hiện được triết học ấy, theo ông, là Ômura Masujirô. Ômura trọng tính hợp lý nên đã thành lập lục quân NB như một tổ chức hợp lý nhưng về sau tổ chức này đã đánh mất tính chất ấy. Phải chăng sự gặp gỡ nhân vật Ômura trong tư liệu lịch sử đã là nguồn động lực để Shiba viết nên tiểu thuyết đắc ý "Hồn hoa"?

Shiba bảo: "Bọn lính chiến chúng tôi chẳng khác gì quân đội của phiên Ii[57]". Đang khi địch chỉa súng nhắm mình bắn, lại mặc giáp trụ Akazonae [58] chói lọi và đủng đỉnh tiến lên đằng trước đúng y trận thế đã học trong binh pháp bí truyền. Thế thì làm sao thắng nổi quân đội kiểu Tây phương vốn được tổ chức một cách hợp lý! Lục quân mà Ômura - hiện thân của sự hợp lý - xây dựng nên và lục quân NB về sau, về bản chất, nhất định cách nhau một trời một vực. Thế thì cái tính hợp lý ngày thành lập ấy đã biến đi đâu? Shiba tức tối đặt câu hỏi và nhân đó, đặt bút viết "Hồn hoa".

Trong cách nhìn lịch sử của Shiba có một mấu chốt quan trọng mà ông gọi là "sự biến chất của tổ chức". Ban đầu thì người ta có lý tưởng, dần dần lý tưởng bị lão hóa, bắt đầu có những hành vi kỳ cục. Có thể nói đó là chuyện đã xảy ra tự cổ chí kim từ đông sang tây cho bất cứ loại hình tổ chức và nhân vật nào.

Trong bài bạt của "Hồn hoa", Shiga đã viết:

Tóm lại thì Zôroku (tức Ômura) là một nhân vật rất bình thường, rất phổ biến, có thể thấy bất cứ ở đâu. Ông ta không khác đồng bào chung quanh bao nhiêu trừ việc ông là tín đồ của lối suy nghĩ thuần lý.

Sau đây là chuyện xảy ra hồi Ômura được phiên Uwajima (nay thuộc tỉnh Ehime) nhờ đóng một chiếc tàu nội hóa chạy bằng hơi nước. Khi tàu hạ thủy, lãnh chúa Date Munenari lên thuyền cho chạy thử. Chức karô (như thủ tướng của phiên) là Matsune Zusho rất phấn khởi và thích thú khi thấy con tàu bắt đầu rẽ sóng, quay lại bảo ông:

- Này Ômura, tàu chạy được đấy chứ nhỉ!

Thế nhưng Zôroku (Ômura) lại lộ nguyên bản tính khó ưa:

- Chạy được là chuyện dĩ nhiên.

Nghe nói Matsune lúc đó cũng đành ngậm miệng nín thinh.

Chủ nghĩa thuần lý của Ômura thường khiến ông như thể trêu chọc thiên hạ. Thế nhưng theo Shiba thì Ômura không đến nỗi tạo sự bất hòa với tha nhân. Nhờ viết ra được "cái khác nhau giữa Ômura và những người Nhật khác" mà Shiba có thể cho ta thấy một kẻ theo chủ nghĩa thuần lý đã có sức thay đổi thời đại của mình như thế nào. Vào thời kỳ chuyển đổi, nhân vật theo chủ nghĩa thuần lý là Ômura đã xuất hiện để dẫn đường cho đồng bào mình nhưng đến khi mọi việc an bài đâu đấy thì người Nhật tức khắc vứt bỏ ngay tinh thần thuần lý ấy. Chúng ta có thể hiểu được là quá trình này sẽ lập đi lập lại, và điều này không cần đợi Shiba nói trắng ra.

Nhờ triệt để đi theo chủ nghĩa thuần lý, Ômura đã trở thành một người lãnh đạo của thời đại ông. Tuy nhiên, một nhà lãnh đạo cần phải có cả thái độ chí công vô tư (impartial) nghĩa là nhìn mọi việc một cách khách quan và không truy cầu lợi lộc cho bản thân (selfless, disinterested). Mặt khác, phải nhìn nhận tính khách quan cũng có khuyết điểm. Nó làm cho tình cảm khô khan đi và dễ cắt đứt sự đồng cảm. Người thiếu hai điều này bị coi là kẻ méo mó, góc cạnh (ibitsu) nhưng thật ra, nếu không thành như thế thì sẽ không thể nào thay đổi được xã hội NB, một xã hội đã đánh mất tính hợp lý.

Cũng thế, không tàn bạo như Nobunaga thì không thể thay đổi được xã hội NB thời Sengoku. Thấy vậy, chúng ta hiểu là căn bệnh của NB đã có gốc rễ sâu xa đến thế nào rồi.

Ômura là người biết giữ khoảng cách lớn với vấn đề "tư tưởng".Ông phán đoán mọi việc theo hiệu quả và sự tiện lợi của nó trong thực tế. Tính hiện thực và tính hợp lý sẽ đưa đến thắng lợi cuối cùng và thời đại sẽ thay đổi. Phải chăng đó là điều Shiba đã nhận ra ?

Hiệp ước Anpo năm 1970 và Mishima Yukio:

"Hồn hoa" được đăng liên tục từ 1969 đến 1971 đúng vào thời đấu tranh chống Hiệp ước Anpo (Hiệp ước phòng thủ hỗ tương Nhật Mỹ, 1970). Shiba đã cho thấy nhiều nhân vật của ông đã chết vì vấn đề "tư tưởng". Nói cách khác, đó là những nhân vật đứng vào vị trí đối cực với Ômura. Họ là những phiên sĩ Chôshuu bị trào lưu tư tưởng cực đoan của thời Edo kéo đi theo. Hình ảnh của họ phảng phất nơi Yoshida Toshimaro[59], chết trong vụ đột kích quán Ikedaya[60] hay Kusaka Genzui [61] trong vụ tấn công ngoài cổng Hamaguri của hoàng cung [62]...kể cả những ai ủng hộ họ về mặt tinh thần như Aoki Izumi [63] của phiên Kurume (nay thuộc Fukuoka). Cũng phải nhắc đến một người khác mà cái chết vì vấn đề tư tưởng đã xảy ra giữa khi "Hồn hoa" đang được đăng tải dở chừng. Đó là Mishima Yukio [64], vào tháng 11/1970, đã mổ bụng tự sát sau khi kêu gọi người Nhật đừng sống xa rời tư tưởng. Trong lúc liếc mắt nhìn cảnh tượng đó, Shiba thấy mình cần phải vẽ ra hình tượng một người từ chối lối sống vì tư tưởng, đó là Ômura Masujirô.

Không thấy ở đâu viết là Shiba đồng tình với chuyện Mishima tự sát cả. Chẳng những thế, trong "Hồn hoa", ông còn muốn gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh những kẻ nào chỉ hướng về một tư tưởng duy nhất. Ông hay dùng những cách diễn tả như "Tư tưởng làm cho người ta say sưa, ngộ độc" (drunken, intoxicated), "Thể chất của người Nhật đã bị ngộ độc".

Trong "Hình thù đất nước này", ông bảo người Nhật bao giờ cũng nghĩ rằng tư tưởng là cái đến từ bên ngoài ta, xúm nhau tung hô nó lên rồi không biết tự lúc nào, nhìn nó như một huyễn ảnh tập đoàn. Thế rồi khi tập đoàn say sưa với một tư tưởng nào đó và bị lôi kéo về hướng ấy thì sẽ lồng lên chạy bất kể. Shiba hiểu rất rõ về sự nguy hiểm có thể xảy ra trong một trường hợp như vậy.

Ômura là con trong một gia đình đời đời làm thầy thuốc cho phiên. Thế nhưng, vì thấy trong thế giới của tầng lớp samurai, không có lấy một người biết sống hợp lý, ông mới kiếm đường theo học những môn học mũi nhọn đương thời là Lan học (Dutch studies, Dutch learning) và binh pháp, rốt cuộc đã thành công trong sự nghiệp to tát là gây dựng được lục quân NB. Cái tinh thần khoa học và chủ nghĩa thuần lý thấy nơi Ômura chắc cũng có liên quan đến nghề thày thuốc của ông. Shiba không những có cái nhìn đầy thiện cảm với Ômura mà còn hết sức quí trọng những ngưòi xuất thân ngành y như Ogata Kôan [65] hay Matsumoto Ryôjun [66]. Chẳng hạn ông có tả cảnh Ômura đọc lẩm nhẩm Ikai (Y giới = Lời dặn dò người thày thuốc) của Ogata Kôan như sau.

Sự có mặt của người thày thuốc trong thế giới này chỉ có ý nghĩa nếu ông ta trước sau chuyên chú vì người khác chứ không lo cho chính bản thân. Đây là ý nghĩa cơ bản của nghề này. Phải luôn luôn tâm nguyện là mình sẽ xả thân để giúp đời.

Khi cứu mạng người, ông thày thuốc đã phát huy được tính hợp lý của nghề nghiệp và Shiba cho rằng hình ảnh đó của ông ta mới xứng đáng được mọi người đề cao.

Nhà lãnh đạo trong mắt Shiba:

Hình ảnh một nhà lãnh đạo trong mắt Shiba là người tận tụy, không đưa đất nước và tập thể vào con đường sai lầm và không khiến cho cá nhân ai chịu cảnh bất hạnh. Đối xứng với nó là những con người hay tổ chức bị ràng buộc chặt chẽ bởi truyền thống và quá khứ, không làm sao rời khỏi nó một bước. Chẳng những họ bị trùm lên đầu cái chăn của "tư tưởng" hẹp hòi để không thể nào chấp nhận chủ nghĩa thuần lý. Đó là những con người hay tập đoàn có thể làm một cách thản nhiên một số hành động mà không ai hiểu nổi, họa chăng chỉ có người trong bọn họ chấp thuận.

Chẳng hạn khi bàn đến những nhân vật của phiên Chôshuu vào cuối đời Mạc phủ. Hành động của họ có thể được tóm gọn trong một chữ "cuồng". Họ ca tụng những việc làm sặc mùi ý thức hệ của mình là "cuồng cử" 狂挙 (kyôkyo = hành động điên rồ), đem nó ra để ví với chuyện cũ của gia đình Kusunoki Masashige [67] trong trận Minatogawa, tự say sưa tâng bốc nhau. Họ làm thơ, vừa đọc vừa khóc và tuyên bố sẽ sống chết vì nhà vua. Kết quả là họ đã gây ra cuộc biến loạn ngoài ngự môn Hamaguri của hoàng cung (tháng 7/1864), tiếng là để bảo vệ thiên hoàng nhưng lại bị nhà vua ghét bỏ và xem như kẻ địch của triều đình[68]. Đối với Shiba, "tư tưởng" và "giáo điều" của các phiên sĩ Chôshuu tượng trưng cho tinh thần thiên trọng đối với tổ chức. Nó sẽ trở thành khuôn mẫu cho tinh thần của lục quân thời Shôwa về sau.

Những người đã thay đổi tình hình Nhật Bản, đưa đất nước này vào thời đại của chủ nghĩa thuần lý quyết không phải những samurai kiểu này. Họ là những thày thuốc nhà quê như Ômura hay những người dân bình thường đã gia nhập nhóm chí nguyện quân gọi là kiheitai (kì binh đội = lực lượng quân sự không chính thức do Takasugi Shinsaku thành lập năm 1863). Hình ảnh của nhà lãnh đạo trong đầu của Shiba Ryôtarô không phải là những người chỉ được nuôi dưỡng bằng "tư tưởng" nhưng là những kẻ giống như người thầy thuốc theo chủ nghĩa thuần lý, cảm thấy mình có một sứ mệnh để hoàn thành. Đó còn phải là một nhân vật không tư túi, chỉ sống vì người khác, đủ sức để kéo tập thể đi lên.

Nguồn cội của những ý nghĩ ấy nơi Shiba là việc ông đã phản kháng và phản tỉnh trước hành vi của những nhà lãnh đạo không suy nghĩ thuần lý mà chỉ biết dương cao ngọn cờ tư tưởng và giáo điều, đưa đất nước và dân tộc vào con đường sai lầm, xua những con dân bình thường như ông ra chiến trường.

Như chúng ta đã biết, Shiba không thích đề cập đến những nhân vật ở đỉnh cao quyền lực vì như vậy, điều ông nói đến sẽ không phải là lịch sử nữa mà là "quyền lực sử".Ông có thể vì thế mà không giữ được tính cách khách quan. Ông dã nhiều lần cho biết mình hết sức ngần ngại nếu phải chọn những đại thần trong chính phủ Minh Trị vốn là các phiên sĩ Satchô (Satsuma và Chôshuu) đã thành danh làm đề tài. Khi ông viết "Vầng mây trên đầu dốc" nói về Chiến tranh Nhật Nga thì hai nhân vật chính chỉ là những kẻ xuất thân từ một phiên trấn mệnh danh là "nghịch tặc". Một người là Akiyama Saneyuki, trong ban tham mưu tác chiến của hạm đội liên hợp, người kia là anh của Saneyuki, sư đoàn trưởng kỵ binh Akiyama Yoshifuru[69].

Đứng lên từ đống tro tàn sau khi chiến bại, những người Nhật thời đó muốn duy trì sự phát triển cao độ của kinh tế nước họ, chắc đã có cảm giác thực sự là mình đang viết nên những trang sử mới. Lại nữa, thời ấy đang có một sự di động xã hội [70] rất lớn lao. Có những chuyện không ai ngờ tới đã hiện ra dưới ngòi bút Shiba. Một samurai vô chủ (rônin) tầm thường (nếu nói theo quan niệm phân chia giai cấp (mibunsei) của thời Edo là không ai thèm để ý tới như anh chàng Sakamoto Ryôma trong "Ryôma xông pha" đã thành người mở ra cánh cửa lớn của một thời đại mới. Cũng vậy, một thầy lang nhà quê không biết cầm kiếm (trong khi tư duy đương thời là chỉ có samurai mới đánh giặc được) lại có thể chỉ dựa vào chiến lược chiến thuật thuần lý để điều binh khiển tướng, đưa tới chiến thắng. "Hồn hoa" đã cho họ thấy sự băng hoại thảm thương của giới samurai, một giai cấp ngủ ngon trong giấc mộng hão huyền vì nghĩ mình là giai cấp tối cao trong xã hội. Những điều nói trên đã làm rung động trái tim của người NB thời hậu chiến. Riêng với tác giả Shiba, lúc ấy ông cũng đã dễ dàng huy động ngọn bút nhà văn vì đã thừa hưởng được nhiều thông tin từ các tập hồi ký và tư liệu lịch sử phong phú.


Thêm một hình ảnh khác về người lãnh đạo:

Việc người thày thuốc nhà quê là Ômura Masujirô được phiên Chôshuu trao cho trọng trách chỉ huy quân đội rồi sau đó trở thành người sáng lập lục quân NB có thể so sánh với việc một anh tư chức xoàng được bổ nhiệm làm giám đốc đặc nhiệm một nha sở đời nay và đã cứu hãng mình khỏi nguy cơ. Thế rồi anh tư chức ấy sau khi lên chức phó tổng giám đốc đã thực hiện chương trình cải cách để hồi sinh được tổ chức. Được đọc cái truyện như thế hỏi có anh tư chức nào mà không thống khoái. "Kỹ thuật" để cái cách kia hiện nay đang nằm ở đâu thì không biết nhưng anh ta thấy trong con người mình cũng có thể có khả năng kiếm ra nó. Đó là tâm tình của những độc giả đọc văn Shiba giữa thời kinh tế phát triển cao độ. Chính vì thế chúng ta hiểu duyên cớ vì sao độc giả đương thời hết sức đồng cảm với "Hồn hoa".

Thống khoái hơn cả là việc các samurai kiêu căng của phiên Chôshuu, khi bị địch vây 4 mặt hồi cuộc "Chiến tranh 4 biên giới" (Shikyô sensô = Tứ cảnh chiến tranh) [71] xảy ra, bó tay không biết phải làm sao. Họ đành để cho một anh chàng thầy thuốc nhà quê, quân phục và áo giáp đều không có, bên lưng chỉ đeo một cái quạt xát mủ vỏ quả hồng cho bền (shibu.uchiwa) để chỉ huy, theo sau lưng vài tùy tùng mang thang tre ( takebashigo) dùng vào việc thám thính, mặt mũi thì kỳ quặc [72] ... tìm cho họ giải pháp. Nhìn lại trải nghiệm của Shiba thời đi lính, ông cho biết có lần chỉ vì một cái cúc không cài vào khuy ngay ngắn, ông đã bị cấp trên đánh te tua. So với cái quân đội như thế thì hình ảnh của Ômura trên chiến trường thật đáng kinh ngạc. Mới thấy rõ ràng là trong chiến tranh, không phải cứ ăn mặc chỉnh tề là chiến thắng. Chỉ có kẻ nắm được kỹ thuật quân sự mới đem đến thắng lợi.

Do đó nội dung của "Hồn hoa" là sự phủ định không khoan nhượng đối với chủ nghĩa hình thức (formalism) của người Nhật.Tuy đối cực của chủ nghĩa thuần lý (rationalism) là chủ nghĩa bất hợp lý (irrationalism) nhưng nhiều khi sự bất hợp lý lại không sinh ra từ đó mà từ chủ nghĩa hình thức. "Chính vì làm như vậy" hay "Nhân vì theo hình thức đó cho nên "... là kiểu nói Shiba hay dùng không những trong "Hồn hoa" mà còn trong bao tác phẩm khác để phủ định chủ nghĩa thường thức và chủ nghĩa hình thức mà theo ông là nguyên nhân sự trầm trệ của xã hội NB. Có thể Shiba đã không chú trọng đến tư chất của người lãnh đạo cho bằng "tài lãnh đạo biết phá khuôn phép" của người đó. Nếu tự bản thân không phá được khuôn phép (thưòng thức) thì chỉ cần có cái tài kiếm ra được người làm nổi việc đó là đủ. Trong "Hồn hoa" có một nhân vật quan trọng là Katsura Kogorô[73]. Ông là một ví dụ về trường hợp ấy. Dù ông không nắm được kỹ thuật để phá vỡ những ràng buộc của khuôn phép nhưng ông biết sự đột phá là điều cần thiết. Nếu là một "kỹ thuật gia" lỗi lạc thì dù anh ta thuộc giai cấp nào, ông cũng dùng cả. Katsura đã phát huy được hình thức lãnh đạo kiểu đó. Dù người chung quanh có bàn tán hay dè bĩu, ông cũng kiên quyết bảo vệ cho đến phút chót nhân tài mà ông đã khám phá. Đây là một đức tính tất yếu mà nhà lãnh đạo cần có.

Katsura rất thoáng, ông sẵn sàng thu nhận ý kiến người khác. Đó là nét hấp dẫn nơi chính trị gia này.

"Gốc gác tôi là con nhà nông". Zôroku (Ômura) thường tâm sự. Có biết bao nhiêu samurai, vậy mà Katsura không tin tuởng họ, lại đi chọn ông. Tại sao vậy nhỉ? Một điều đó thôi cũng đã làm cho Zôroku băn khoăn.

Katsura, nhân vật được coi như số một ở Chôshuu đã nhìn nhận giá trị con người của Zôroku, đãi ngộ ông và giữ ông bên cạnh. Sự cảm kích trong lòng Zồroku thật không bút nào tả nổi!.

Rồi cứ như thế mà con người có biệt tài là Ômura đã được trọng dụng và qua đó, Katsura thể hiện được khả năng lãnh đạo xuất chúng của mình. Như một sự tình cờ, Katsura cũng sinh ra trong một gia đình thày thuốc cho phiên (han.i) ở Chôshuu. Nguồn gốc gia đình biết đâu chẳng đã ảnh hưởng tới tính tình ông ta!

Đưa ra hình ảnh hai nhân vật nói trên và sự kết hợp giữa họ là để nhận định rằng mô hình (pattern) này rất kiến hiệu trong tổ chức của xã hội NB. Một con người có tài năng kỳ dị (có thể hiểu là otaku[74]ở một ý nghĩa nào đó) được thượng cấp của anh, một chính trị gia hay một chủ hãng bình thường nhưng biết người biết của, dùng đến, có thể phát huy cái tài lạ của mình. Phải chăng đó là điều Shiba muốn gửi gấm đến chúng ta, những người sống giữa lòng thế kỷ 21?

IV) Lý tưởng của con người thời Minh Trị là gì?

Một cuộc cách mạng hiếm có đã sinh ra từ ý thức nguy cơ:

Thế kỷ thứ 19, thời cuộc Minh Trị Duy Tân xảy ra, là một thời đại cạnh tranh trên thế giới. Liệt cường Âu Mỹ với sức mạnh võ trang của mình, giành giật nhau những lợi ích thuộc địa. Bản đồ thế giới được chia ra làm 2 phần. Một phần bao gồm thế giới của liệt cường Âu Mỹ, những nước đã xây dựng được "quốc gia quốc dân", ban bố chế độ trưng binh, có lực lượng hải quân và bắt đầu đi tranh giành với các nước khác. Một phần nữa là vùng đã bị các "quốc dân quốc gia" biến thành đất thực dân, ngay cả những nền văn minh cổ xưa và rực rỡ như Ấn Độ và Trung Quốc cũng không thoát khỏi nanh vuốt của họ. Các quốc gia Âu Mỹ đã hoàn thành cuộc cách mạng kỹ nghệ, trang bị được các chiến hạm của mình với động cơ chạy bằng hơi nước và đại bác tầm xa. Họ lại có lục quân vũ trang súng trường và trọng pháo, từ đấy đi khắp thế giới để chiếm hữu đất thực dân.

Để đối phó với nạn "cá lớn nuốt cá bé", Mạc phủ Edo cũng muốn có hải quân kiểu Tây phương nên đã yêu cầu Hòa Lan gửi người đến dạy. Trong tác phẩm nhan đề "Một nhà nước gọi là Minh Trị" (Meiji to iu kokka) [75], Shiba có kể một mẩu chuyện như sau:

Trung tá hải quân người Hòa Lan Kattendijke [76] trong nhóm giáo sư đến Nagasaki để huấn luyện cho người Nhật khi mới đến đây đã rất ngỡ ngàng vì thành phố biển này không được phòng thủ gì cả. Ông bèn hỏi đám thương nhân nơi đó là liệu họ làm gì nếu bị tấn công thì họ trả lời: "Đó là chuyện mấy ông lớn Mạc phủ phải lo. Không phải là việc chúng tôi cần biết!". Nghe thế, người sĩ quan Hòa Lan lấy làm ngạc nhiên. Một trong những sinh viên theo học Kattendijke ngày đó có Katsu Kaishuu [77]. Katsu giỏi tiếng Hòa Lan, giữa hai người lại có lòng tin cậy đối với nhau. Shiba tưởng tượng ra một cuộc đối thoại đã có thể xảy ra giữa hai bên:

- Như bên Hòa Lan thì các ông xử sự thế nào?

Katsu đã hỏi Kattendijke như vậy.

-Hòa Lan à? Ở nước chúng tôi, có hiến pháp. Người Hòa Lan thì dù ai mặc lòng, đều là công dân Hòa Lan. Đó là chuyện hầu như tự nhiên. Họ xem bản thân và nhà nước là một, họ hành động như người đại diện cho dân tộc Hòa Lan. Trường hợp đất nước bị kẻ địch tấn công thì họ sẽ tự mình đứng ra bảo vệ. Đó là ý nghĩa của hai chữ "quốc dân". Tôi lấy làm lạ là người Nhật các ông không cảm thấy như thế.

(Trích Một nhà nước gọi là Minh Trị, chương 9, quyển hạ)


Chắc lúc đó, Katsu nghĩ là cái vẩy từng che lấp mắt mình đã rơi ra! Thực vậy, đối với người Nhật đương thời, không gian sinh hoạt của họ là xóm làng phiên trấn, chẳng ai ý thức mình là công dân một nước Nhật nằm trên bản đồ thế giới. Shiba đã viết: "Tôi nghĩ rằng thời ở Nagasaki, Katsu đã thay đổi. Rồi khi ông đưa chiến hạm dùng vào việc huấn luyện là Kanrin.maru [78] sang Mỹ thì sự thay đổi trong lòng ông càng sâu sắc hơn". Katsu đã dạy các học trò mình, kể cả Sakamoto Ryôma là, một khi đã muốn xây dựng nên nhà nước cận đại thì không thể bỏ qua hai khái niệm "quốc dân" (kokumin, people, citizen) [79] và "quốc dân quốc gia" (kokumin kokka, nation-state, Nationalstaadt). Điều đó về sau đã được lan truyền đến lối suy nghĩ chung của nhiều người Nhật. Một quốc gia châu Á thời đó biết tự lực để biến thành "quốc dân quốc gia" (nhà nước công dân)thì đúng là chuyện hi hữu.

Nước Nhật thời Minh Trị phải lựa một trong hai: một là trở thành một nhà nước công dân như thế để chen vai với liệt cường hay chịu số phận thuộc địa. Thế nhưng lúc đó NB đã bị tình cảm chi phối. Họ không nhìn thẳng vào tình hình thế giới bên ngoài nhưng lại chui vào trong vỏ ốc và có cái nhìn nội hướng thiển cận. Họ nghĩ chỉ cần "nhương di" (攘夷jôi = đuổi giặc ngoài) là đủ. Cả nước Nhật thời đó đều suy nghĩ đơn thuần như vậy. "Di" dĩ nhiên là "kẻ man rợ", cách gọi khinh miệt người nước ngoài, chỉ vì họ khác mình về mặt mũi, vóc dáng và văn hoá. Họ muốn nói: "Các chú chớ vào đây. Cút đi cho rảnh!".

Cách suy nghĩ thường thức, đơn thuần và phải nói là dại dột như thế đã biến thành nghị lực giúp người Nhật xây dựng được một nhà nước cận đại, nói cách khác, một nhà nước công dân. Tác phẩm "Một nhà nước gọi là Minh Trị" đã ghi lại như thế này về ý nghĩa của hai chữ "nhương di":

Không cần phải nói, sức mạnh để đánh đổ Mạc phủ sở dĩ có được là nhờ tư tưởng "nhương di". Còn như "khai quốc" (kaikoku, mở cửa biển cho người ngoại quốc vào), về mặt ý thức hệ, phải nói là yếu ớt. Bởi vì tư tưởng "khai quốc" được xem như lý đương nhiên, quá đúng và quá thường thức. Khi khẩu hiệu nghe giống như một điều quá chính xác và thường thức, ai cũng xem là dĩ nhiên, thì khẩu hiệu đó không có tính cách mạng. Nếu xét như trạng thái một dịch thể thì nó tương đương với nước. Người ta không có nước thì không sống được.Thế nhưng đã là cách mạng thì phải làm cho say sưa. Cho nên nếu là nước thì chẳng thấm vào đâu. Người ta cần rượu, rượu mạnh!

(Trích Một nhà nước gọi là Minh Trị, chương 4, quyển thượng)

Rượu "nhương di" nếu uống nhiều sẽ vô cùng nguy hiểm. Chúng ta có thể ví von rằng người NB nhờ say trong men rượu đã làm nên cuộc Minh Trị Duy Tân. Chứ như chỉ đề cao việc "khai quốc" thì làm sao có được cách mạng.

Việc nhương di vì có nghĩa là "đánh đuổi người ngoại quốc" trên nguyên tắc phải do tầng lớp samurai đảm trách.Ngày xưa người đứng đầu giai cấp samurai là chức Chinh Di Đại Tướng Quân (gọi tắt là Shôgun) có chức năng tiêu diệt hay bắt qui hàng những kẻ nào không phục tùng Thiên hoàng. Thế nhưng với khí thế sôi động cuối đời Mạc phủ, người ta càng ngày càng tin rằng không thể nào giao toàn quyền hành động cho giới samurai được.

Tư tưởng "nhương di" (攘夷jô.i) thường đi cặp đôi với tư tưởng "tôn vương" (尊王sonnô) Nếu tóm tắt trong một câu để định nghĩa hai chữ "tôn vương" thì đó là một khái niệm cho rằng Thiên hoàng từ xưa đến nay mới là người nắm quyền lực thiêng liêng, còn như Shôgun và giai cấp samurai chỉ được ủy thác để thi hành các chức vụ quân sự và chính trị. Theo tư tưởng "tôn vương" thì võ sĩ hay thứ dân đều là bề tôi của thiên hoàng. Trong đầu óc của lớp thứ dân, đã manh nha ý nghĩ là ngày nay, khi quyền lực và địa vị của giới võ sĩ (samurai) đã suy thoái, thì việc "nhương di" người dân thường như họ cũng phải đứng ra nhận lãnh. Thường dân cũng là bầy tôi của thiên hoàng, những samurai trong chốn thảo dã. Khái niệm đó có tên là " sômô no shin" (草莽の臣, thảo mãng chi thần). Khi tất cả quốc dân đều là bề tôi nhà vua và mang tâm hồn thảo mãng thì con đường dẫn đến việc tham gia chính trị của họ có thể nói như đã được mở ra rồi.

Những kẻ sĩ chốn ruộng đồng mang "thảo mãng chi chí" [80] đã dương ngọn cờ "nhương di" và dấn thân chính trị. Đó là nguồn động lực cách mạng đã đẻ ra cuộc Minh Trị Duy Tân.

Hình ảnh không mẫu mã để bắt chước của một quốc gia mới

Shiba đã muốn nắm bắt yếu tính của thời đại này bằng nhận xét sau:

Cuộc Duy Tân thời Minh Trị đã xây dựng nhà nước công dân với mỗi mục đích là giúp NB thoát ra khỏi nanh vuốt của chế độ thực dân nhưng sau đó đã thừa thế mà làm luôn cuộc mạng đánh đổ xã hội phong kiến.

(Trích "Hình thù đất nước này")

Phủ định xã hội phong kiến cũng là phủ định xã hội Edo, xã hội Tokugawa. Thế nhưng vào thời Tokugawa, nếu so sánh với những xã hội bên ngoài thì xã hội NB tương đối an toàn và sung túc, nhân quyền cũng khá được tôn trọng. Dầu vậy, dân chúng vẫn muốn đánh đổ xã hội Tokugawa. Những người Nhật có đầu óc cảm thấy rằng nếu để mặc cho Mạc phủ và giới samurai quyết định đường lối, NB sẽ bị thực dân hoá bởi vì những người cầm quyền đó chỉ biết chiến đấu bằng gươm giáo. Giao nước nhà cho một tầng lớp với tư duy cổ lỗ như họ, NB sẽ chịu chung một vận mệnh với Trung Quốc. Trên thực tế, khi hạm đội của Đề đốc Perry đến nơi (1953), các samurai đã kéo quân ra ứng chiến. Thế nhưng hơn 200 năm hưởng hòa bình, có đánh chác gì đâu, họ đã mất đi cái khí thế kiêu hùng của thời Sengoku. Nói chi đến việc lạc hậu trong vũ khí, tác chiến. Một quân đội với đao kiếm và súng hỏa mai làm sao có thể đương đầu với súng trường bắn được nhiều phát và đại bác của địch cho được.

Tuy nhiên bản chất của chính quyền vũ gia (samurai) là chính quyền quân sự. Nguyên tắc của họ là dùng vũ lực để thống trị quốc gia nên cho dù đến thời buổi mà quân đội chỉ còn có trên hình thức, samurai vẫn muốn giữ đặc quyền giai cấp và duy trì hệ thống thế tập như xưa. Bổng lộc của giới samurai chiếm gần 40% huê lợi đến từ sức sản xuất nông nghiệp trên toàn quốc và họ đời đời kế tiếp hưởng thụ như thế. Những samurai ấy giờ đây không còn có giá trị gì trước sức mạnh quân sự Tây phương. Nếu bỏ công huấn luyện nông dân và mấy anh bộ tốt (ashigaru) bắn súng chừng một tuần lễ thì họ dám thắng các "nhà chuyên môn" trong chiến trận là giới samurai này! Lý do thật dễ hiểu: đứng trước súng đạn, các samurai của chúng ta không tìm ra giải pháp.

Đến nước đó thì nếu đặt nghi vấn về việc giữ quyền thế tập của các samurai và hệ thống quyền lực của họ thì cũng là chuyện đương nhiên. Phần ăn chia của họ không xứng với kinh phí. Vả lại, họ có biết bảo vệ đất nước nữa đâu nào! Và như thế, hiểm họa thực dân hoá đã bày ra trước mắt. Bây giờ thì, như đã trình bày, chỉ còn cách tranh đấu để thành lập một chính quyền mới với thiên hoàng là trung tâm rồi thi hành chính sách "nhương di" và nhân thể thuận dòng làm luôn một cuộc cách mạng xóa tan xã hội phong kiến.

Tuy vậy, chỉ trách họ mỗi một điều là khi làm cuộc cách mạng để đập nát hệ thống xã hội có sẵn, người Nhật chưa có một "bản mẫu để can theo" (aozashin, photocalque) về một xã hội tương lai mà ngày nào đó nó phải thành hình.

"Đúng là những người như Saigô (Takamori) khi đánh đổ Mạc phủ, chưa hình dung được mình sẽ xây dựng một đất nước mới như thế nào. Người đã tìm ra mẫu mã can theo để làm ra đất nước đó, theo tôi, là chí sĩ phiên Tosa, Sakamoto Ryôma vậy".

Shiba vẫn đánh giá Saigô Takamori như người có công lớn nhất trong cuộc Minh Trị Duy Tân nhưng cho rằng ông không nắm được " mẫu mã để can theo" mà nhà nước mới cần phải có.

Hệ thống kinh tế mới phải như thế nào và trước nữa, chế độ hoá tệ sẽ phải được qui định ra sao? Những điều đó đều chưa ai nghĩ tới. Từ việc sử dụng đồng kohan bằng quí kim như đơn vị hoá tệ tiêu chuẩn bước qua hệ thống tiền giấy như thông hoá đổi chác dễ dàng với nó sẽ phải theo quá trình nào và sẽ được tổ chức ra sao, vẫn không thấy ai bàn. Làm cách nào để tạo ra của cải, thúc đẩy công nghiệp nông nghiệp, những điều này cũng chẳng ai bức xúc. Chỉ đề ra khẩu hiệu "Hãy học hỏi Tây phương!" (Seiyô narae!). Quân đội và vũ khí thì bắt chước Anh và Đức nhằm thay đổi chúng theo lề lối Tây phương nhưng lại không biết phải du nhập hệ thống pháp lý của họ như thế nào và chưa đào tạo được nhân tài có thể ứng dụng một cách nhu nhuyễn và đích xác chế độ của người vào hiện tình đất nước mình.

Xưa nay, Mạc phủ và các phiên đã có một hệ thống quan liêu ưu tú. Họ có thể tiếp tục giữ cơ cấu quan lại và chế độ quan liêu ấy. Làm như thế cũng có nhiều khiếm khuyết. Trong làng xóm NB vẫn có chế độ hương hào (mura yoriai) nhưng để bàn bạc chính trị, ngoại giao ở nghị trường thì NB còn chưa có chế độ đại biểu dân bầu và nghị hội cấp nhà nước.

Tính đa dạng của xã hội Edo là nền móng của thời Minh Trị

Người Nhật bắt đầu mò mẫm hình dáng đất nước mới của họ trong bóng tối. Theo ý kiến của Shiba, tài sản quí giá nhất của thời đó là tính đa dạng (diversity) của xã hội Edo. Quốc gia Minh Trị đã bắt đầu được xây dựng không theo một mẫu mã nào, nhưng dù bất toàn, nó cũng có thể gọi là thành công. Lý do của sự thành công ấy nằm trong chính chất đa dạng của xã hội Edo vậy.

Khi nói về tính đa dạng của Edo, chắc người ta nghĩ ngay đến việc nó là nơi chen chúc của gia đình 300 lãnh chúa [81]. Thực ra 300 nhà ấy không đến nỗi sống vô trật tự. Có khoảng 20 lãnh chúa quan trọng có thực ấp từ một lãnh địa trở lên (gọi là kunimochi daimyô) [82] cầm đầu một hệ thống gồm 280 phiên nhỏ. Địa lý NB dài theo chiều dọc, điều kiện khí hậu và địa hình từng vùng khác nhau làm cho các phiên có những nét đặc trưng. Theo Shiba, điều đó khiến nhân tài các phiên đều có nhân cách và tài năng đa dạng.

Văn hóa của phiên Satsuma (phiên phong) là biết gạt đi tiểu tiết và chỉ chú trọng đến đại cục cho nên Satsuma đã cống hiến cho NB nhiều chính trị gia và nhà chỉ huy quân sự. Trong khi đó, người Chôshuu vốn giỏi thao tác quyền lực nên được giao cho việc xây dựng và điều khiển hệ thống quan liêu. Người Tosa thường không ở lại lâu trong chính quyền, họ hay lui về để phát động những cuộc vận động dân quyền. Phiên Saga là nơi cung cấp cho tân chính phủ những nhân tài tính tình trung hậu, có khả năng làm việc đến nơi đến chốn. Tính đa dạng đó là cái tài sản vô hình quý báu nhất mà nhà nước Minh Trị buổi đầu đã được thừa hưởng từ xã hội Edo.

(Trích "Một nhà nước gọi là Minh Trị", chương 3, quyển thượng),

Cần nói thêm là phiên Aizu là một tiểu quốc vô cùng quan tâm đến giáo dục. Kaga cũng vậy. Ở nơi này, văn hoá và những kỹ thuật không kiếm được tiền cũng được trọng thị. Từ đó, họ đã đạt được những thành quả xuất sắc trong lãnh vực hoá học, kỹ thuật ngành kỹ sư và toán học. Nói tóm lại, tùy theo đặc trưng của phiên mình, xã hội Edo đã là nguồn cung cấp một loạt nhân tài đa dạng cho nhà nước Minh Trị. Chính quyền trung ương Minh Trị khi vừa mới ra đời đã qui tụ được tinh hoa do các phiên cung cấp. Chúng ta có thể mượn lời của Shiba:

Tính đa dạng ấy - nói ra thì có vẻ trừu tượng - đã đem đến cho thời kỳ đầu đời Minh Trị khi nhà nước vừa thống nhất, sự phong phú và năng động từ bên trong.

(Trích "Hình thù đất nước này")

Thí dụ rõ ràng nhất là chế độ kôshi (貢士cống sĩ, từ 1868). Đó là việc các phiên tiến cử con em ưu tú của mình lên thiên hoàng. Lại nữa, tự thời Edo đã có những cơ quan công lập (đúng hơn là quan lập) như Shôheizaka gakumonjô (Nhà giảng sách Chu tử học ở con dốc Shôhei, Edo, từ 1630) và Bansho shirabesho (Sở phiên dịch sách vở Tây phương, từ 1856). Shutôjô (Sở chủng đậu, từ 1857), sau đó cả ba được cải tổ và hợp nhất thành trường Teikoku daigaku (Đại học đế quốc, từ 1886, tiền thân của Đại học đế quốc Đông Kinh, từ 1897 và Đại học Đông Kinh thời mới, từ 1949). Không những thế, hệ thống giáo dục đó của nhà nước đã được bổ sung bằng các trường sĩ quan lục quân và hải quân, qui tụ lại tại thành phố Tôkyô nhiều nhân tài ưu tú và đa năng. Rồi từ cuộc tập hợp đó, sẽ sinh ra một chuỗi phản ứng hóa học dây chuyền.

"Vầng mây trên đầu dốc", một trong những tác phẩm tiêu biểu của Shiba, có một nhân vật đáng lưu ý là Masaoka Shiki [83], sau sẽ thành nhà thơ và bình luận về Haiku lỗi lạc một thời, xuất thân từ thành phố Matsuyama (tỉnh Ehime trên đảo Shikoku). Ông cũng được tiến cử lên Tôkyô. Nơi đây, Shiki đã gặp gỡ văn hào Natsume Sôseki, ngày đó hãy còn là một sinh viên trẻ. Giữa hai người đã có một "phản ứng hoá học" để rồi cùng nhau làm nên cuộc cải cách văn học cho nước Nhật. Ngoài ra, quân nhân văn võ song toàn Akiyama Saneyuki cũng đã được phiên mình cung cấp cho chính quyền trung ương. Nếu không có cuộc Minh Trị Duy Tân thì chắc Akiyama Saneyuki sẽ phải tàn đời ở cố hương như một samurai thuộc cấp, ngày ngày ngâm vịnh thơ Haiku. May là ông đã được lên Tôkyô và gia nhập hải quân, nhân đó lọt vào mắt xanh các nhà lãnh đạo Satsuma và tạo nên một "phản ứng hóa học"qua sự tiếp xúc với họ. Saneyuki rốt cục đã trưởng thành để rồi đóng vai trò quyết định trong Chiến tranh Nhật Nga (1904-05). Shiba đã mô tả rất khéo léo hình dáng của con người ấy trong "Vầng mây trên đầu dốc". Như thế, tính đa dạng và đa năng của nhân tài NB chẳng phải là di sản đáng quí trọng hơn cả mà xã hội Edo đã để lại cho nhà nước Minh Trị hay sao


Những di sản khác từ xã hội Edo:

Một điều cần lưu ý khi nói về di sản mà xã hội Edo để lại là trình độ văn hoá rất cao của người bình dân (民度mindo). Về việc hiểu biết pháp lý, chế độ và sự phục tùng kỹ luật, họ có thể đứng vào hàng đầu các dân tộc trên thế giới. Nói về dân trí của người Nhật, thật ra không thiếu gì giai thoại. Chẳng hạn câu chuyện vào thời Edo, có những người Nhật gặp giông bão và đắm tàu. Thuyền của dân da trắng đến vớt. Một phân nửa người mắc nạn không lên thuyền, cứ thế mà chịu chết đuối. Người da trắng hoảng hốt hỏi : "Tại sao mấy anh kia khăng khăng chịu chết như vậy nhỉ?". Một người được vớt mới trả lời: "Phép nước chúng tôi là đi biển mà giao thiệp với người ngoại quốc là lãnh án chém. Bọn họ nghĩ rằng thà chết mà theo đúng pháp luật thì vẫn hơn! Cho nên mới chịu chết chìm"

Các thủy thủ da trắng nghe thế lấy làm kinh ngạc. Người bình dân NB có quốc dân tính kỳ lạ là phục tùng chính quyền và giữ gìn pháp độ một cách đáng sợ như thế.

Tuy vậy sự phục tùng đó thường không phải là nhắm mắt phục tùng như kẻ nô lệ. Thực ra, họ có hiểu biết. Trình độ biết chữ của một người Nhật trung bình thời đó ngang ngửa nếu không nói là trội hơn cả người Âu châu.

Ngoài ra, việc phục tùng xảy ra được cũng là vì những nhân tài ưu tú của các phiên khi tụ tập lại ở trung ương để xây dựng nhà nước cận đại, họ đã tỏ ra rất được việc. Shiba ví Đại học đế quốc Đông Kinh với một bảng giao điện (distributor, switchboard). Ông nói:

Máy nổ của một chiếc ô-tô lúc nào cũng được trang bị một bảng giao điện có thể phân phát điện để điểm hỏa cho từng xy-lanh (cylinder). Sau khi có điện, chúng sẽ lần lượt được khởi động để cháy bùng lên. Đúng như thế, vào giai đoạn đầu thời Minh Trị, khi hấp thụ văn minh phương Tây, nước Nhật là một cái máy nổ. Những kẻ tương đương với cái bảng giao điện ấy đã được đào tạo ở Đại học Đế Quốc Đông Kinh (từ đây xin gọi là Đại Học Đông Kinh).

(Trích "Hình thù đất nước này")

Tóm lại, những đứa con ưu tú (elite) của NB đã phát ra điện ra từ cái bảng giao điện này. Thế nhưng nếu quốc dân - những người nằm trong máy nổ - không động đậy thì điện ấy dù có cũng chỉ vô ích. May thay, người thường dân NB đã có sẵn một trình độ dân trí đủ để hành động tức khắc. Lý do là người NB từ đời Edo đã tỏ ra là những con người hết sức ham học và đây là một yếu tố quan trọng. Họ vừa có dân trí cao, vừa biết phục tùng quyền lực. Bởi lẽ những tư tưởng như trung hiếu hay thờ cha kính mẹ đã ăn sâu nơi họ từ lâu rồi.

Do đó, sự chính trực và công tâm của người dân Edo cũng có thể được gọi là di sản. Thời Sengoku, nếu muốn sống còn, con người phải tự lo lấy thân cái đã. Đến đời Edo đã có phong tục "mướn một người làm là mướn cả đời" (永代雇用eitai koyô = permanent employment) nên ai nấy đều hăng hái phục vụ cộng đồng và muốn hoàn thành trách nhiệm với cấp trên. Thời đó, những ai làm tròn phận sự sẽ được kính nễ và không còn phải lo toan cho cuộc sống. Một samurai khi phục vụ cho gia đình chủ nhân sẽ làm việc với tất cả công tâm, một ông lý trưởng (shôya [84]) cũng tỏ ra có công tâm khi đứng ra bảo vệ lợi ích của người dân nơi làng xã. Còn thường dân thì họ không hành động thiếu suy nghĩ chỉ với chủ đích thoả mãn những đòi hỏi riêng tư. Có thể là vì trong một xã hội đảo quốc bế tỏa, mọi chuyện xấu xa đều chóng vở lở ra ngoài.

Hơn nữa, trong xã hội Edo, người ta tôn trọng hai đức tính là shôjiki (正直chính trực) và shôro (正路chính lộ, có nghĩa là chính đạo). Truyện cổ Nhật Bản thường ca tụng những người sống ngay thẳng. Sự chính trực là đức tính cao cả nhất trong bảng giá trị của người bình dân. Nó không chỉ được tôn quí vào thời Edo nhưng đã bắt đầu từ hàng ngàn năm về trước. Nó tượng trưng cho tổng thể qui chuẩn đạo đức của người Nhật. Có lẽ vì vậy mà về sau, nếu nhìn cuộc sống và cách xử thế của người thời Minh Trị, ta thấy họ quá thành thực, nhiều khi phải nói là ngây thơ, trẻ con.

Tuy nhiên Shiba cho rằng thời Minh Trị là thời đại mà người ta có lý tưởng. Lý tưởng đó đã được sinh thành và đào tạo lâu dài dưới thời Edo, cuối cùng đơm hoa kết trái vào thời Minh Trị. Như thế, Shiba muốn khẳng định là lý tưởng Minh Trị đã hình thành bằng cách tập hợp rất nhiều di sản đến từ xã hội Edo.

Di sản tiêu cực của thời Edo:

Mặt khác, chúng ta cũng cần nói đến những di sản tiêu cực của thời Edo. Đó là cái nhìn miệt thị của nó đối với các nước ở vùng Đông Á.

Cơ bản là lúc đó chính quyền Tokugawa đang thi hành lệnh hải cấm [85] (kaikin) cho nên người Nhật không được ra nước ngoài. Do đó, họ chỉ biết về những việc xảy ra trong nước. Hơn thế, vào thời tiền cận đại (trước Mạc phủ Muromachi) thì Trung Quốc hãy còn là nước tiên tiến, mạnh mẽ và giàu có, thế nhưng Toyotomi Hideyoshi khi xuất quân đánh Triều Tiên, dưới mắt ông ta, TQ (Trung Quốc) tuy có mạnh nhưng cũng không đáng kể. Từ đó tư tưởng này đã cắm rễ trong đầu óc người Nhật. Sự thực cũng cho thấy là, nếu lấy cặp mắt của người hiện đại mà nhìn, thì sức thu nhập bình quân một người Nhật trong giai đoạn ấy vượt trên cả người Trung Quốc lẫn Triều Tiên.

Thế rồi người Nhật bắt đầu cảm thấy tính ưu việt về mặt tư tưởng so với lân bang: "Trung Quốc và Triều Tiên, tiếng là quốc gia Nho giáo nhưng triều đại thay đổi xoành xoạch.Theo đúng được đạo đức Nho giáo, chỉ có mỗi NB". Lối suy nghĩ như thế bắt đầu chớm dậy. Hơn nữa, cách nhìn coi thường cho rằng triều đình Bắc Kinh là vương triều của các bộ tộc phương bắc chứ nào phải của tộc Hán là những kẻ đã khai sinh đạo Nho, đã trở thành một phong trào. Cùng với lệnh "hải cấm" của thời Edo, tư tưởng này đã bắt rễ sâu hơn.Tính độc thiện (self-rightousness) xem mỗi mình mình là đúng so với người ngoài là một sự thực hồi đó.

Đến thời Minh Trị, Nhật Bản thắng được nhà Thanh thì khuynh hướng kẻ cả nhìn xuống Trung Quốc và Triều Tiên lại càng đậm nét. Người ta đưa ra những phương châm như "Thoát Á nhập Âu". Điều đó có nghĩa là "NB phải thoát ra khỏi châu Á để nhập bọn với các quốc gia Tây Âu". Khi tuyệt vọng vì Triều Tiên không có cơ may cận đại hóa, Fukuzawa Yukichi [86] đã viết bài xã thuyết "Thoát Á Luận"(Datsuaron). "Thoát Á" là chữ Fukuzawa thổ lộ ra sau khi nghĩ rằng NB không còn cách nào kéo các được các nước Á châu về bè, về sau đã bị hiểu theo cách khác[87] là "Chỉ có Tây Âu mới hùng cường. Á Châu vốn yếu ớt, có bị trị cũng đương nhiên". Tuy vậy, điều này không phủ định được việc NB cận đại lúc ấy đang có một mặc cảm tự tôn nên mới muốn "thoát Á" và nó đã tự cô lập mình giữa xã hội vùng Đông Á. Ta thấy Shiba đã nhiều lần tỏ ra lo lắng nếu không nói là khiếp hãi trước khuynh hường đó.

Một chủ nghĩa hiện thức với tinh thần cách điệu cao:

Sau đó, Shiba đã giải thích thêm như sau về thời đại Minh Trị:

Minh Trị là thời đại của chủ nghĩa hiện thực (realism). Hiện thực nhưng được nâng đỡ bởi một tinh thần cách điệu cao (with high dignity, with style) và trong suốt (limpid, transparent). Thực ra trong cuộc đời cũng có những loại hiện thực thiếu cao cả, chẳng hạn như cái hiện thực của ông hàng rau quả. Một quốc gia cũng cần phải có cái tính hiện thực thấp lè tè ấy nhưng khi nói đến việc xây dựng một quốc gia- nếu xem quốc gia như một kiến trúc - thì nền móng của nó phải là cái không thể dùng mắt mà thấy được. Nếu nói đó là khí nén (compressed air) thì cũng không sao nhưng tính hiện thực của một quốc gia còn được đặt bên trên, cao hơn cả tầng khí nén ấy nữa.

(Trích "Một nhà nước gọi là Minh Trị, chương 1, quyển thượng)

Gọi "chủ nghĩa hiện thực của ông hàng rau quả" không có ý khinh chê hay mạt sát nhưng chỉ muốn nói đấy là cái hiện thực theo chủ nghĩa công lợi (utilitarism) - làm ăn sao cho có lời - thấy nơi nhà buôn. Tóm lại, đó là tính hiện thực của những người công dân bình thường. Shiba vẫn cho là nó rất cần thiết. Tuy vậy, chủ nghĩa hiện thực có tinh thần "cách điệu cao mà lại trong suốt" là một chủ nghĩa, theo ông, chỉ xuất hiện ra trong những môi trường to lớn như cộng đồng thể hay xã hội. Không phải là cái hiện thực nhằm chạy theo lợi lộc trước mắt nhưng là cái hiện thực vứt bỏ riêng tư và chỉ giữ lại tinh thần phục vụ cộng đồng. Có thể xem nó như một chủ nghĩa hiện thực rộng lớn với mục tiêu "mình vì đời và vì người".

"Khí nén" là một chữ dùng mà Shiba yêu chuộng. Xã hội thời Edo là một xã hội phải chịu nhiều ức chế và đè nén nên tư tưởng cũng bị nén như không khí, đến khi quá căng, nó sẽ sinh ra một sức mạnh khủng khiếp.Tư tưởng ấy cô đọng và thuần chất, giống như không khí bị nén lâu ngày.

Dưới thời Edo, tư lợi và tư dục của thị dân bị ức chế. Dù là người giỏi võ nghệ đến đâu, nếu không sinh trong một gia đình samurai thì sẽ không đời nào trở thành lãnh chúa có ấp phong. Cho dù nuôi chí lớn, gắng gỗ học hành những mong có chức phận cao, vẫn bị hai chữ senjô (僭城tiếm thượng) ngáng đường. Bị chỉ trích "Làm như vậy là ...chơi trèo!" thì không còn cách hơn là miệng ngậm bồ hòn. Đó là một thời đại cấm cửa, không cho phép người có tài được tiến thân nếu không có gốc gác con nhà.

Một từ khóa có thể dùng để hiểu thời Edo là bunsô.ô (分相応  phận tương ứng) nghĩa là làm gì cũng phải "đúng với thân phận" (know your place). Người dân Edo bị ràng buộc trong nghĩa vụ ấy. Điều đó có nghĩa là một người tài năng đáng đoạt giải Nobel đi nữa, anh ta tự động bị bắt buộc làm cái công việc tương xứng với giai cấp (thân phận) chứ không liên hệ gì đến tài năng. Tuy vậy, điều này cũng không hoàn toàn tiêu cực. Nhờ cắm cúi nối nghiệp nhà mà nhiều nhân tài - tuy không được địa vị cao trong xã hội vì bức tường giai cấp - đã đi sâu vào ngành nghề của mình và trở thành những nhà chuyên môn lỗi lạc.

Trạng thái ẩn ức như khí nén của xã hội Edo đã được thời Minh Trị giải phóng. Nếu là người muốn phục vụ cho mục tiêu "phú quốc cường binh" thì dù mong muốn được trở thành cái gì cũng không ai bắt lỗi. Khi một cậu học trò tiểu học phát biểu:" Con muốn học giỏi sau thành đại tướng lục quân để tận trung với Thiên hoàng và vì đất nước" thì thày cô sẽ vỗ tay tán thưởng. Nếu chuyện này xảy ra vào thời Edo, người ta đã bịt ngay miệng cậu ấy rồi. Còn như bảo: "Con muốn học giỏi để sau làm đến Shôgun" thì sẽ bị mắng là "Đồ phạm thượng!" (Senjô no sata!) hay "Muốn làm giặc hả?" (Muhon?).

Cách nghĩ Funsô.ô (phận tương ứng) bắt nguồn từ sách vở Chu tử học (cái học của Chu Hy).Theo đó, con người ai nấy đều đã được trời đặt cho mình đứng ở trong cái Lý và cái Phận cả rồi nên khó lòng tự do làm theo ý mình. Sống được theo Lý là hòa hợp với phép tắc của vũ trụ, một lối sống đẹp. Cho đến thời nay, những người có tư duy như vậy chắc vẫn còn chứ chưa hẳn đã mất cả.

Trong tình thế ấy, không gian xã hội với một chính quyền quân sự cầm đầu bởi tầng lớp samurai đã sinh ra chủ nghĩa hiện thực thời Minh Trị. Nói theo cách nói của Umesao Tadao [88] thì đó là một "chu vi văn minh" (文明の周縁bunmei no shuen). Nhật Bản không có một tôn giáo phổ quát nào sinh ra từ tập quán của đời sống thường nhật của họ. Tuy nhiên, nhờ vậy mà chủ nghĩa hiện thực Minh Trị mới có cơ xuất hiện.

Thử đưa ra ví dụ về đường sắt. Nó là phương tiện giao thông tuyệt đối cần thiết cho một nhà nước cận đại. Thế nhưng, ở Trung Quốc chẳng hạn, những trí thức ưu tú xuất thân từ hệ thống khoa cử không hề tỏ ra quan tâm đến việc phải trải đường sắt. Đây đâu phải là công việc của sĩ đại phu (establishment)! Tinh thông chữ Hán, thuộc làu Tứ thư Ngũ kinh mới có giá trị. Công việc dính dầu mỡ, vít bù loong nào có xứng đáng với người trí thức

Quay lại nhìn về NB, chúng ta thấy có Inoue Kaoru - một trong "Chôshuu Five" [89] - tuy là một trí thức tinh hoa, đã bỏ qua đặc quyền giai cấp khi xin vào một trường chuyên môn về đường sắt, tập vít bù loong, đốt lò đun hơi nước (boiler) và cách chế tạo pít-tông (piston). Về sau ông cũng không hề có ý lập nên một hãng vận chuyển đường sắt để làm giàu. Ông chỉ nghĩ rằng nhà nước NB cận đại cần có một hệ thống vận tải nhanh chóng và tiện lợi nên mới bỏ chức phận samurai mà học nghề kỹ sư hỏa xa. Đó chính là một chứng cớ của chủ nghĩa hiện thực với tinh thần cách điệu cao hay nói khác đi, với một tâm hồn cao thượng. Bối cảnh của chủ nghĩa hiện thực Minh Trị là lòng tin có màu sắc tôn giáo của dân chúng đối với giới quan liêu và nhà nước. Nó đã được thể hiện cụ thể bằng những hành động nhằm chấn hưng kỹ nghệ cho đất nước.

"Vầng mây trên đầu dốc" miêu tả chủ nghĩa hiện thực Minh Trị:

Từ quan điểm chủ nghĩa hiện thực, cuốn tiểu thuyết trường thiên "Vầng mây trên đầu dốc" (Sakanoue no kumo) [90] là một kiệt tác mô tả được một cách sống động xã hội NB thời chiến tranh Nhật Nga, trong đó, ba nhân vật chính là anh em Akiyama Yoshifuru, Akiyama Saneyuki và nhà thơ Masaoka Shiki. Ngay đoạn mở đầu đã gây ấn tượng:

Một quốc gia nhỏ bé đang thực sự đứng trên ngưỡng cửa của thời kỳ văn minh khai hoá / Nhưng đối với quần đảo thì Shikoku chỉ là một hòn đảo nhỏ / Shikoku lại được chia ra làm bốn khu vực là Sanuki, Awa, Tosa và Iyo. Thị trấn lớn nhất của Iyo là Matsuyama.

(Trích Chương 1)

Nước Nhật thời Shôwa là một nước lớn nhưng so với nó, nước Nhật Minh Trị hồi đó chỉ là một quốc gia vô cùng nhỏ bé nếu đem so sánh với liệt cường. Người Nhật thời ấy ý thức được thân phận yếu kém của mình nên hãy còn giữ được lòng khiêm tốn. Mấy hàng đầu của cuốn truyện thấy giống hình ảnh địa cầu chụp được từ vệ tinh nhân tạo. Làm như Shiba là một ông thần đang đứng trên trời đưa mắt nhìn xuống thời đại bấy giờ với cặp mắt khách quan. Thời ấy là thời của văn minh khai hoá và đất nước NB giống như một đóa hoa đang hé nụ, đã chuẩn bị được đầy đủ để đi trên con đường khai hóa (hay khai hoa) đó.

Một cách khác để đọc cuốn truyện này là chọn hai nhân vật Akiyama Saneyuki và Nogi Maresuke [91] làm trọng tâm bởi vì hai người này có liên quan đến tinh thần hiện thực có cách điệu cao mà chúng ta đã đề cập. Akiyama có thể được xem là hiện thân cho một chủ nghĩa hiện thực tươi sáng, còn như Nogi thì ngược lại, rất u ám. Nogi tượng trưng cho tín điều "vì việc công, phải dẹp bỏ cái riêng tư". Tuy cũng thể hiện chủ nghĩa hiện thực nhưng theo một véc-tơ (vector) khác với Akiyama. Tóm lại, Akiyama theo một chủ nghĩa hiện thực hợp lý và Nogi bất hợp lý.

Shiba cho rằng hình ảnh thời Minh Trị là một tổng hợp của cả hai nhân vật nói trên. Theo ông, nhờ có hai loại nhân vật như vậy mà nhà nước Minh Trị mới thành hình.

Akiyama ra nước ngoài du học, ông nắm được kiến thức quân sự và khoa học kỹ thuật Tây phương nên chủ nghĩa hiện thực nơi ông có tính độc sáng. Nếu dùng từ chữ Hán liên quan đến binh pháp thì sức chiến đấu (chiến lực) của Akiyama dựa trên "cơ lực" (mechanism) nghĩa là sức mạnh của máy móc và "thuật lực" tức sức mạnh của con người (manpower) và của kỹ thuật (technology). Nếu không hội đủ cả hai thì chiến lực sẽ mất đi cơ năng của nó. Cho dù có trong tay những chiến hạm tối tân thế nào đi nữa, nếu kỹ năng người sử dụng yếu kém thì không thể nào phát huy được trọn vẹn tiềm năng của chúng. Thế nhưng, vào thời Shôwa, để bổ sung cho "cơ lực" và "thuật lực", lục quân đã hô hào việc sử dụng cái vũ khí bất hợp lý là "ngọn cờ tư tưởng". Ít nhất, vào thời đại của Akiyama, người ta ý thức mình là yếu và do đó, họ chỉ dựa trên chủ nghĩa hiện thực để chiến đấu.

Ngược lại, hình ảnh của Nogi có thể tóm lại như sau. Ông mặc quần áo quân nhân (vì là một người lính), thức hay ngủ cũng giữ y nguyên. Tuy ông cùng chia sẻ với Akiyama tình cảm cao thượng sống chết vì cộng đồng (tinh thần cách điệu cao) nhưng với một chủ nghĩa hiện thực bất hợp lý, ông không thể thắng một cuộc chiến tranh.Trong trận tiến chiếm cao điểm 203 ở mặt trận Lữ Thuận (1904), ông đã xua quân làm chết biết bao nhiêu binh sĩ. May là NB đã thắng lúc đó nên Nogi mới được truyền thuyết hoá thành Gunshin (Quân thần) nghĩa là ông thần chiến tranh, mô phạm của người lính.

Thế nhưng đằng sau lưng, không khỏi có vài ý kiến phê phán xem Nogi như một "phàm tướng" (tướng tầm thường) hay "ngu tướng" (tướng dốt nát). Trong "Vầng mây trên đầu dốc" thì ý kiến theo kiểu thứ hai này đã được bộc lộ hẳn ra. Đối với Shiba, không riêng gì Nogi mà tất cả các sĩ quan tác chiến dưới quyền ông chỉ là một bọn người "vô năng" (không có năng lực). Những lời buộc tội nặng nề đó dĩ nhiên được đặt trong văn mạch hạn chế của thời Chiến tranh Nhật Nga và theo cách nhìn lịch sử kiểu Shiba.

Binh lính NB tin chắc rằng cái chết của họ sẽ xây đắp nên chiến thắng, dũng cảm tiến ra phía trước nên đã bị quân địch bắn gục như đốn rạ. Tuy vậy, những người tử trận ít nhất cũng được một chút hạnh phúc. Đó là việc họ không hề hay biết chuyện bộ tư lệnh tác chiến của tướng Nogi sẽ bị người đời xem như là một bộ tư lệnh bất tài hiếm có nhất trong lịch sử quân sự thế giới!

(Trích "Vầng mây trên đầu dốc" tập 4)

Ta thấy nơi đây Shiba đã liên kết lịch sử với trải nghiệm bản thân. Ông mượn lịch sử để - bằng cái nhìn sắc bén - đổ tất cả sự tức giận lên đầu bộ phận nấp đằng sau Bộ chỉ huy của lục quân thời Shôwa đưa bản thân ông và đồng đội vào cửa tử. Qua cách trình bày về Nogi, ông tướng được quần chúng yêu mến vì lòng cao thượng nhưng đồng thời phê phán vì sự ngu trung, Shiba đã đưa ra đưọc cái mặt tối tăm nằm trong chủ nghĩa hiện thực thời Minh Trị.

Còn như Akiyama Saneyuki thì sau khi thành công trong kế hoạch tác chiến của hải quân NB, đã trở về quê hương Matsuyama và đi nói chuyện ở nhiều nơi. Người ta còn giữ lại được nội dung của những bài diễn thuyết ông đọc lúc đó. Thấy có câu: "Không phải là tôi chỉ chú trọng đến dụng cụ, nhưng xét về mặt chiến thuật, việc võ khí mạnh hay yếu có ảnh hưởng rất lớn đến sức chiến đấu". Với người lính thì được đưa cho bất cứ loại võ khí nào, họ cũng phải hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu.Đó là tinh thần cách điệu cao mà Akiyama lẫn Nogi đều có. Thế nhưng Akiyama đã thêm vào lối suy nghĩ hiện thực hợp lý khi ông khẳng định là sự hơn kém về võ khí là yếu tố quyết định trong chiến tranh.

Nếu người ta chiến đấu với một ý tưởng là "cho tôi bất cứ võ khí nào, tôi dù có chết cũng chiến đấu" thì khả năng chiến thắng trong một cuộc chiến tranh sẽ cao hơn bình thường. Tuy nhiên khi nói "dù có chết cũng chiến đấu" thì người đó đã đánh mất tính hiện thực và hành động của anh ta chỉ có thể được gọi là tự sát. Thế mà vào thời Shôwa, hành động đó được xem như chuyện hiển nhiên.

Điều Shiba muốn phát biểu vốn nằm ở chỗ là phải kết hợp tinh thần cách điệu cao với chủ nghĩa hiện thực hợp lý. Nếu được như vậy thì đất nước này (NB) sẽ không lao đầu vào những cuộc chiến tranh ngu ngốc. Có thể đây là một trong những kết luận của tác phẩm..

Những thông điệp đến từ "Vầng mây trên đầu dốc"

Nhiều người khi đánh giá cao "Vầng mây trên đầu dốc" đều tỏ ra có tình cảm tốt đẹp về thời Meiji. Thế nhưng nên nhớ rằng lý tưởng của con người thời Minh Trị là nhắm đến một vầng mây trên đầu con dốc. Khi Shiba viết ra tác phẩm đó, ông đã có sẵn trong đầu ý nghĩ là dù có leo lên và leo mãi trên con dốc đó, không bao giờ ta với tới được vầng mây. Có lên tới đỉnh dốc thì cũng để mà...xuống dốc và bên dưới con dốc đó, thời đại Shôwa và vũng lầy khủng khiếp của nó đang chực sẵn. Có phải chăng đó là "ý tại ngôn ngoại" trong tựa đề của tác phẩm?

Shiba đã viết nên tác phẩm vào giữa thập niên 1960 cho đến đầu thập niên 1970, lúc kinh tế NB phát triển cao độ và thời đại đã đạt đến đỉnh cao nên cái nhìn về tương lai cũng thoáng ra. Khí thế lúc đó làm cho mỗi một người Nhật đều nghĩ mình phải góp phần vào việc tạo dựng lịch sử. Phải chăng vì thế mà họ đã có hứng khởi đi tìm hiểu về những người từng trèo lên quãng dốc là thế hệ Minh Trị, điều đó khiến cho "Vầng mây trên đầu dốc" trở thành tác phẩm ăn khách trên toàn quốc.

Nhờ giai đoạn kinh tế phát triển cao độ, cuộc sống của người Nhật phong phú. Nó được tiêu biểu bằng ba báu vật (Sanshu no jingi)[92]. Con người như thế đã thỏa mãn về phần vật dục nhưng họ dần dần đánh mất lý tưởng trèo dốc (saka no ue) để chạm được vầng mây. Có lẽ với bối cảnh như vậy, Shiba đã ngoảnh đầu lại nhìn về thời Minh Trị, tập trung vào việc vẽ ra cho quốc dân NB hình ảnh một lý tưởng và cùng lúc, cho họ thấy NB cận đại đã sai phạm vào lúc nào.

Thế rồi thông điệp mà Shiba nhấn mạnh nhiều nhất là nếu người Nhật muốn thành tựu một việc gì, họ đều phải dựa trên một chủ nghĩa hiện thực hợp lý. Đó là sợi chỉ đỏ đã xuyên suốt tác phẩm. Khi con người chỉ chú trọng vào lợi ích của cộng đồng và gạt bỏ tư lợi tư dục và phát huy được chủ nghĩa hiện thực hợp lý thì theo Shiba, họ sẽ làm nên được những chuyện kinh thiên động địa. Ngược lại, tuy là có tinh thần công cộng cao nhưng thiếu mất tính hiện thực thì Shiba muốn cảnh cáo một cách thầm kín rằng con đường trước mặt họ lúc đó chỉ còn là khủng bố hay tự sát.

V) Thời đại thai nghén quái thai:

Thời đại thai nghén quái thai là gì?

Nếu Shiba đã mô tả Minh Trị như một thời đại lý tưởng thì đáng lý ra ông cũng phải viết tiếp cho đến giai đoạn Shôwa tiền kỳ (1926-1945) tức là tuổi trẻ của ông. Thế nhưng ông không sao mô tả được thời kỳ sau dưới hình thức tiểu thuyết và đã chấm dứt đời viết văn của mình lửng lơ như vậy. Có chăng ông chỉ viết một số bài nghị luận về thời Shôwa dưới nhan đề "Hình thù đất nước này" (Kono kuni no katachi)[93] mà trong đó, ông đưa ra một câu nói tiêu biểu: "Từ những năm đầu thời Shôwa cho đến khi thất trận (1945), khoảng mười mấy năm đó - đối với dòng lịch sử dài lâu của NB - đã bị xem như là một giai đoạn lịch sử bị đánh mất sự liên tục".(Trích Chương 1, tiết 4, "Hình thù đất nước này")

Mặt khác những bài tạp đàm của ông trên đài NHK trong chương trình "Tạp đàm của Shiba Ryôtarô. Con đường dẫn đến Shôwa" về sau đã được in ra thành sách với nhan đề "Một nhà nước tên gọi Shôwa" (Shôwa to iu kokka) [94]. Shiba đã đánh giá thời đại này như một "thời kỳ dị hợm nhất trong lịch sử NB", " thấy nó như thuộc về lịch sử của một quốc gia nào khác", "thời đại của những tay phù thủy", "thời của phù thủy chốn thâm sơn"...

Trong "Hình thù đất nước này", ông còn đưa ra hình ảnh một "đế quốc chủ nghĩa kiểu con buôn tạp hoá". Trong chương sách mang tiểu đề này, Shiba cho rằng trong 40 năm từ trận Nhật Nga đến khị bại trận trong Chiến tranh Thái Bình Dương (1905-45), NB đã bước vào một thời đại của "quái thai" (các tên khác ông dùng: kỳ thai, quỷ thai, dị thai) mà đặc tính là bị cắt ra khỏi dòng liên tục của lịch sử nước này. Ở một đoạn khác cùng chương, ông nói: "Dưới thể chế pháp lý đến từ Hiến Pháp Minh Trị, người ta cảm thấy NB như đang thai nghén một bào thai với hình thù quái gở".

Quái thai này hay là đứa con của ma quỷ (鬼っ子onikko) tiếng là có cha có mẹ nhưng không giống họ ở chỗ nào cả.Tuy cũng là một thời đại trong dòng lịch sử NB nhưng thời của quái thai khác hẳn những thời đại khác. Hai giai đoạn Minh Trị và Shôwa như bị cắt đôi ra. Shiba thắc mắc không biết phải giải thích như thế nào về hiện tượng lạ lùng này.

Thế nhưng hỏi thử Shiba có thực lòng xem hai thời kỳ ấy như bị cắt đôi chăng? Điều đó hãy còn là một nghi vấn! Khi người ta đổ bệnh thì chứng bệnh ấy đã nằm tiềm tàng lâu dài trong cơ thể. Xã hội cũng vậy. Con bệnh chiến tranh phát ra vào đầu thời Shôwa phải là do những con vi khuẩn, vi trùng có từ thời Minh Trị. Chỉ có cái là vào thời ấy, bệnh chưa lộ ra ngoài mà thôi. Có thể mệnh danh nó là "thời kỳ hạnh phúc khi bệnh tật còn tiềm ẩn".

Chẳng hạn thời Chiến tranh Nhật Nga. Giữa khi quân Nga bố trí súng liên thanh trên Cao điểm 203, bộ đội của tướng Nogi đã tổ chức nhiều cuộc đột kích, số thương vong rất lớn, xác chết chất thành gò. Rõ ràng là một chiến thuật sai lầm mà bộ chỉ huy vẫn quyết tâm thực hiện cho bằng được. Thế rồi chính phủ mỹ hóa nó thành những chiến tích anh hùng để ma mị quốc dân. Theo Shiba, đó là cái ổ vi trùng đã đẻ ra căn bệnh thời Shôwa. Ngay cả người mà chúng ta gọi là có tinh thần hiện thực lạc quan như Akiyama Saneyuki mà cũng bảo "quân đội NB có trời giúp" hay là "quân đội do thiên hoàng thống lĩnh sẽ nhận được ơn phước từ trời" nghĩa là không thoát ra nổi những điều hoang tưởng siêu nhiên.

Nguyên lai, trong các chiếu chỉ bố cáo việc tuyên chiến với địch dù là Nga hay Anh Mỹ từ Meiji đến Shôwa, lúc nào cũng bắt đầu với một lối hành văn kiểu "Đại Nhật Bản đế quốc hoàng đế vạn thế nhất hệ ...hoàng tộ...thiên hựu...thiên trợ...thần phong..." nghĩa là đầy dẫy những từ hoa và không có một chút màu sắc thực tế. Được dạy dỗ trong bầu không khí siêu nhiên như thế, quốc dân nghe và tin theo, họ trở thành một kiểu đoàn thể tôn giáo và nhà nước hầu như mang sắc thái của một quốc gia tôn giáo. Dù rằng nhà nước Minh Trị là một quốc gia cận đại có một hệ thống pháp luật hợp lý nhưng chủ nghĩa hiện thực hợp lý của nó vẫn chưa đủ sức bài trừ hết những tư tưởng thần thánh siêu nhiên.

Chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa ái quốc:

Thử hỏi tại sao thời đại quái thai đã có thể đến với NB như vậy? Theo Shiba, đó là vì chủ nghĩa quốc gia (nationalism) đã sổ lồng và vùng chạy loạn xạ. Theo ý riêng của Shiba, thuật ngữ nationalism phải được dịch là "chủ nghĩa tự mãn về đất nước mình" mới đúng. Chúng ta vẫn thường tự mãn về cá nhân, gia đình, làng xã ...nhưng nó không phải là một tình cảm có phẩm chất cao. Có một tình cảm khác đôi khi cũng được đồng hóa với nationalism. Đó là patriotism (chủ nghĩa ái quốc). Thế nhưng vẫn theo Shiba thì những chữ lòng yêu nước, người yêu nước...nghe ra còn thấy thanh tao hơn là chữ chủ nghĩa ái quốc.

Để hiểu nationalism khác patriotism ở chỗ nào, chúng ta chỉ cần phân tích cái gọi là tình cảm tự mãn của người ta về gia đình mình. Trong một xã hội địa vực nhỏ bé chẳng hạn, có những người tự mãn về gia thế và khinh chê gia đình người khác. Cái mà họ tự mãn không phải do họ tự tạo ra, chỉ vì được sinh ra trong một gia đình nào đó là thấy mình có đủ tư cách để coi thường kẻ khác. Họ rơi vào cách suy nghĩ thiển cận là nếu mình là kẻ có tiền, người nghèo tất phải nghe theo. Tình cảm xem mình là kẻ đáng yêu biến thể sang tình cảm xem gia đình mình là những kẻ đáng yêu. Nếu nhà mình đáng yêu thì nước mình cũng đáng yêu luôn. Khi khuếch đại đến mức độ quốc gia, tình cảm đó được gọi là nationalism.

Đối với điều nói trên, tình cảm xem mình may mắn được sinh trong một gia đình gia thế, nhân đó còn muốn người ta kính trọng thêm nên năng nổ để làm sao cho xứng đáng, lại là chuyện khác. Tình cảm đó gọi là "tình yêu gia đình" nên chi khi mở rộng ra đến trình độ quốc gia thì nó tiến gần đến "tình yêu đất nước". Không những họ muốn làm cho gia đình mình khá ra mà còn muốn những người bên ngoài mình cũng có cuộc sống tốt đẹp hơn nữa. Khi trong hàng ngũ lãnh đạo chưa có đủ những nhà ái quốc thực sự đạt được mức độ cao cấp như vậy hay khi còn đang gặp khó khăn để tìm được người như họ thì đất nước dễ bị đưa vào con đường sai lầm. Shiba đã vẽ được cảnh tượng ấy một cách linh hoạt. Bàn luận trên bình diện quốc gia, câu chuyện có thể khó hiểu nhưng đưa nó xuống một đơn vị nhỏ hơn như gia đình thì dễ hiểu hơn nhiều.

Năng lượng của đại chúng được tích tụ một cách sai lầm:

Trong lịch sử, ta đã thấy "tình cảm tự mãn về tổ quốc mình" đã nhiều lần làm cho con người trở nên điên dại. Đó là trường hợp của quốc dân NB sau trận Nhật Nga. Shiba đã kể lại những người dân Nhật đã thay đổi thái độ như thế nào:

Chiến thắng trong trận Nhật Nga chỉ làm cho nước Nhật và người Nhật đi lệch hướng / Việc đi lệch hướng rày đã bắt đầu từ khi chiến tranh chưa kết thúc nghĩa là ngay giữa hòa hội Portsmouth khi hai phái đoàn còn đang thương lượng điều kiện giảng hòa. Nga tỏ ra cứng rắn bởi vì họ biết rằng NB đã đuối sức, không thể tiếp tục cuộc chiến...Về vật tư cũng vậy, nếu chiến tranh kéo dài, quân đội NB sẽ kiệt quệ và có khả năng tự diệt. Thế nhưng người cầm đầu phái đoàn NB là Komura Juutarô[95] tuy biết nhược điểm của phe mình nhưng không để lộ liễu và đã ký kết được điều ước trong một hoàn cảnh cam go.

(Trích "Hình thù đất nước này")

Quần chúng trong nước nào biết đến những sự thực đó nên đã nổi cơn thịnh nộ phi lý:

Câu chuyện đi lệch hướng đã bắt đầu từ lúc này. Dân chúng hô hoán ầm lên là hòa bình kiểu gì mà giá cả rẻ mạt như thế. Hãy hủy bỏ điều ước ấy và tiếp tục đánh nhau xem nào. Ngoài tờ Kokumin Shimbun (Quốc dân tân văn), báo nào cũng viết những bài như đổ dầu vào lửa. Rốt cuộc xảy ra đại hội toàn quốc tổ chức ở Công viên Hibiya với sự tham gia của hơn 3 vạn người.

(Nguồn: như trên)

"Cuộc bạo động đốt phá ở Công viên Hibiya" ngày 5/9/1905 được Shiba ví von như điểm xuất phát của một thời đại ma dẫn lối quỷ đưa đường. Người Nhật thời đó không biết gì đến thế giới bên ngoài nên có thái độ cứng rắn và phát biểu những lời lẽ hào hùng mà họ tin rằng đó là hành vi đúng đắn. Trên thực tế thì quân đội NB không thể mở rộng thêm chiến tuyến mà quân nhu cũng không thể được điều động nhiều hơn. Chính phủ đang ở trong tình cảnh chỉ mong sao đi đến thỏa hiệp để giảng hòa, sớm phút nào hay phút ấy. Thế nhưng báo chí trong nước không thông tin như thế. Lại nữa, nếu trình bày sự thực cho quốc dân, họ có thể để địch biết được nhược điểm của chính phủ và quân đội và làm kế hoạch giảng hòa trở nên bất lợi. Quốc dân tin chắc sắp thắng đến nơi cho nên không phán đoán một cách chính xác. Họ chỉ biết chê bai chính phủ là hèn nhát, bao vây nhà các quan chức ngành ngoại giao và cuối cùng bạo động, đốt phá ở Công viên Hibiya giữa Tôkyô. Khi trưởng đoàn thương thuyết ở Hội nghị Portsmouth là Komura Juutarô về nước, cập bến Yokohama và nhìn thấy con trai mình, ông bất giác buông ra một câu: "Con còn sống đấy à?" vì cứ tưởng rằng con mình đã bị giết trong cuộc bạo động từ lâu.

Phải nói thêm là thái độ của giới tinh hoa (elite) thời này cũng có nhiều điểm đáng khen. Ví dụ câu chuyện liên quan đến Kojima Kazuo[96], sau này sẽ là cố vấn cho Thủ tướng Yoshida Shigeru (1878-1967). Khi bạo động ở Công viên Hibiya bùng nổ, ông còn là nhà báo. Tương truyền ông đã muốn khơi gợi tâm sự của Komura khi hỏi ông này: "Vụ Hibiya làm ông khốn đốn lắm phải không?" nhưng Komura chỉ trả lời: "Không, ông ạ. Nhờ quốc dân thể hiện ý chí như thế, việc ngoại giao cũng đỡ vất vả!" Cái ý chí của quốc dân lúc này, theo ngôn từ của Shiba thì đó là chủ nghĩa quốc gia (nationalism). Vì trong dư luận quốc nội NB đang đầy khí thế "tự mãn về đất nước mình" đã làm cho người Nga e sợ, suy nghĩ lại và chấp nhận điều kiện giảng hòa. Câu nói "Việc ngoại giao cũng đỡ vất vả" mang ý nghĩa như vậy.

Tuy nhiên, câu nói đó mới chỉ hàm chứa phân nửa sự thực. Trước chủ nghĩa quốc gia (nationalism) của quần chúng NB, đối với những nhân vật tinh hoa (elite) như Komura thì dù con trai mình có bị đồng bào sát hại, ông cũng cam đành. Với ý thức hy sinh như thế, ta có thể nói người như ông đã làm công tác ngoại giao với lòng yêu nước (trong trường hợp này phải dịch là patriotism).


Việc thu hoạch thắng lợi trong Chiến tranh Nhật Nga đã làm người Nhật từ đó về sau đánh mất sự khiêm tốn. Hồi trước (1894-95) khi thắng nhà Thanh, họ đâm ra có tình cảm tự tôn và khinh miệt người Trung Quốc. Lần này, lại thắng cả một quốc gia da trắng nữa nên họ bắt đầu coi mình đã "nhập bọn với những quốc gia hàng đầu thế giới". Mặt khác, họ cũng biết mình hãy còn là một quốc gia nhỏ bé, chưa chế tạo được đầy đủ binh khí ở quốc nội cho nên mới định dùng yếu tố tinh thần là sĩ khí và sự huấn luyện, giáo dục để bù đắp vào lỗ hổng ấy. Như đã có lần nói đến bên trên, người Nhật thường mô phỏng việc mình vẫn thường làm trong quá khứ. Nếu so sánh với "chủ nghĩa thuần lý" thì phải nói NB theo "chủ nghĩa tiền lệ". Tiền lệ ấy có thể là kinh nghiệm thắng lợi trong trận Nhật Nga. Kết quả là họ nghĩ "trời đã giúp mình" (tư tưởng thiên hựu天佑) thì cho dù võ khí có yếu kém, vẫn có thể bổ sung bằng sĩ khí và như thế, đã đủ để đem đến thắng lợi.

Riêng Shiba, ông xem điều này là một vấn đề lớn.

Sau trận Chiến tranh Nhật Nga, đáng lý ra NB phải thu nhỏ lực lượng hải quân. Nhật không có nhiều thuộc địa rải rác khắp thế giới như Anh thì đâu cần bỏ khoảng tiền cực lớn để duy trì một đại hạm đội. Còn như mối lo về bán đảo Triều Tiên thì với chiến thắng vừa qua, họ đã chận đứng được bước chân của người Nga. NB có thể tìm ra một giải pháp hòa bình hơn là tăng cường quân sự. Dù vậy, tình thế đã đổi chiều sang một hướng khác. Chỉ 5 năm sau khi đánh bại người Nga, NB đã hoàn toàn biến Triều Tiên thành thuộc địa (sự kiện Kankoku heigô韓国併合, 1910). Thế rồi bước vào thời Shôwa, họ đã mượn bàn tay của các tướng tá quân đội để dựng nên Mãn Châu Quốc (1932) và gửi quân đội xuống chiếm đóng các vùng đất thuộc Trung Quốc và Đông Nam Á.

Như ngoại trưởng Komura có lần nói, chủ nghĩa quốc gia (nationalism) đôi lúc có thể biến thành một năng lượng đáng kể. Chẳng hạn một nước muốn thoát ra khỏi chế độ thực dân, nó có thể dựa vào đó để phát huy một uy lực to lớn. Thế nhưng chủ nghĩa quốc gia của nhà nước cận đại chỉ là năng lượng của đại chúng đã được tích tụ một cách sai lầm hòng ăn hiếp các lân bang yếu kém.Đó là năng lượng mà xã hội NB tích tụ được từ vụ bạo động ở Công viên Hibiya sau Chiến tranh Nhật Nga.

Thêm một vấn đề khác là thắng được Nga rồi, nhiều quân nhân đã được phong tước công, hầu, bá, tử, nam và tạo thành một đẳng cấp gọi là "Hoa tộc" [97]. Nhờ Chiến tranh Nhật Nga, những sĩ quan xuất thân là samurai thuộc cấp trở thành công thần dưới thời Duy Tân, có chức vị vượt cả chủ cũ của họ là nhóm lãnh chúa và công khanh. Một trong những lý tưởng của thời Minh Trị là thực hiện một chế độ mà bên dưới thiên hoàng, mọi người đều bình đẳng. Thế nhưng những công thần thời Duy Tân đùng một cái đã biến thành quí tộc. Ít người dám lên tiếng như Itagaki Taisuke[98] (dù ông cũng là một công thần): "Kỳ quặc quá đi nhé! Cho hưởng một đời thôi vậy. Đừng để Hoa tộc có quyền tập ấm!". Nếu thắng trong chiến tranh và trở thành Hoa tộc, có khi còn được vào Quý tộc viện (Thượng nghị viện) của nghị hội đế quốc và hưởng quyền tập ấm ghế ấy thì mấy chàng trai trẻ làm gì chẳng muốn đầu quân.Đặc biệt là những người xuất thân vùng Đông Bắc (Ôuetsu tức Sendai, Aizu...) từng bị coi là quân phiến loạn vì theo Mạc phủ. Họ chậm trễ trên đường công danh nếu đem so sánh với lớp người thành công của hai phiên Satchô (Satsuma và Chôshuu). Họ tưởng tượng rằng nếu thắng thêm một cuộc chiến như trận Nhật Nga thì đương nhiên sẽ có cơ hội thăng tiến để trở thành Hoa tộc như các người đi trước. Giữa thời trai tráng, được chứng kiến chiến công của Lục quân và Hải quân trong Chiến tranh Nhật Nga, họ đã nuôi trong đầu giấc mộng vinh hoa của đời quân nhân. Họ nào có thể bình tĩnh phân tích tình hình thế giới để nghĩ đến một kế hoạch tài giảm binh bị như liệt cường mong muốn [99]. NB lúc ấy cũng không thể để cho người của Hải quân lâm vào cảnh thất nghiệp nên phải duy trì một hạm đội hùng hậu. Bây giờ đến lượt NB phải đi tìm một kẻ địch giả tưởng. Hải quân Nga đã phá được rồi, nay chỉ còn có Mỹ. Do đó Shiba mới nghĩ rằng bên trong cái lý tưởng của nhà nước Minh Trị, đã bắt đầu manh nha một "thời đại quái thai" đầy ảo vọng.

Ngả về phía Đức:

Lúc nhà nước Minh Trị mới thành lập, lục quân học theo kiểu Pháp và hải quân học theo lối Anh nghĩa là quân đội NB có một tổ chức đa dạng. Thế nhưng bộ tư lệnh cũng như chính phủ thì tổ chức theo phong cách của Đức. Thí dụ rõ rệt hơn cả là chế độ tham mưu bản bộ. Ở Đức, đôi khi có trường hợp nhà nước không nắm quân đội mà quân đội lại nắm nhà nước, nói cách khác là quân đội điều khiển cả chính phủ. NB đã bắt chước Đức cho nên, cũng như Đức, họ đã đi đến thảm cảnh là quân đội khuynh loát được chính phủ khiến cho đất nước tan hoang. Kể từ Chính biến năm Meiji 14 [100], nhà nước NB đã đi theo đường của nước Phổ (Preussen Deutsch) và những con vi trùng ác ôn bắt đầu ăn vào cơ thể. Nếu nhà nước cận đại NB hãy còn khoẻ khoắn trong thời gian đầu khi vi trùng nằm chờ thời thì với chiến thắng Nhật Nga, sự "ngạo mạn" đã làm nó lâm vào một tình trạng mệt mỏi giúp căn bệnh phát ra kịch liệt. Đó là ý kiến của Giáo sư Isoda khi chẩn đoán "bệnh tình" của nhà nước NB vào thời Minh Trị.

Trong "Hình thù đất nước này", Shiba đã ý thức chuyện đó và ông dành hẳn một chương nhan đề "Ngả về phía Đức" để khai triển lập luận của mình.

"Như mọi người điều biết, kể từ giữa thế kỷ 19 trở đi, NB đã tiếp nhận từ Âu châu một nền văn minh có bản chất khác hẳn với mình. Không phải họ làm vậy sau khi bị trở thành thuộc địa nhưng đã làm với tất cả ý chí tự do.

(Trích "Hình thù đất nước này", chương 3)

Shiba nhấn mạnh là NB làm theo ý chí của mình, khác hẳn trường hợp các nước khác. Vì không muốn trở thành thuộc địa nên họ phải tiếp nhận văn minh Âu châu, nhất là một chế độ pháp lý đến từ quốc gia hùng hậu nhất về mặt quân sự.

Khi nhà nước Minh Trị vừa thành lập được 4 năm (1871), việc quân Phổ đánh bại quân Pháp là chuyện trọng đại đối với họ / Những võ quan NB lúc đó có mặt ở Âu châu đã thấy tận mắt việc này để đánh giá bên nào khinh bên nào trọng / Họ đã quan sát năng lực tác chiến ưu việt của Bộ tư lệnh, sự điều động nhanh chóng của binh lính Phổ và so sánh nó với quân đội Pháp. Hơn thế nữa, nước Phổ đã dựa trên thắng lợi này để phá bỏ hình thức liên bang và xây dựng nên Đế quốc Đức. Khỏi cần phải nói, chỉ cần vài năm, nhà nước Minh Trị lúc đó mới bắt đầu cuộc Duy Tân đã có ý muốn làm được như quốc gia ấy.

(Như trên)

Việc thành lập Hiến pháp của Đại Đế Quốc Nhật Bản (Hiến Pháp Minh Trị) cũng xảy ra tương tự. Đương thời, Đức không phải là một quốc gia tiên tiến ở Âu châu vì chưa tổ chức được một xã hội công dân, quyền lực của quân chủ còn rất mạnh mẽ. Thế nhưng người lãnh đạo NB lúc đó là Itô Hirobumi lại thấy nó quá giống với hiện tình nước mình. Nếu ví Âu châu lúc đó là một cửa hàng bán quần áo thì Itô đã muốn sắm cho NB một bộ áo quần kiểu Đức-Phổ. Ông nghĩ rằng Hiến Pháp của Đức-Phổ sẽ rất sít sao và đẹp đẽ đối với thể chể hiện tại của NB bởi vì bên trên, hai bên đều có hoàng đế và chính phủ mạnh. Trong chính quyền và học giới có những người như Ôkuma Shigenobu [101] và Fukuzawa Yukichi cố gắng biện hộ cho "bộ quần áo kiểu Anh" (mà vai trò quốc hội rất đáng kể). Thế nhưng kẻ nắm thực quyền là Itô đã phủ quyết, đuổi Ôkuma ra khỏi chính phủ và "mua bộ quần áo Đức-Phổ" mang về.

Thế rồi cả Thiên hoàng lẫn chính phủ đã "mặc" bộ quần áo mới của Itô đúng như ni tấc của Hiến Pháp Đại Đế Quốc NB. Tuy nhiên bộ quần áo ấy lại có một lỗ thủng! Quân đội (như đôi ủng trên bộ đồ) lại giống đôi giày của một vũ công. Hai chiếc ủng không ăn nhịp với nhau, một bên là lục quân, một bên là hải quân, cứ nhảy nhót theo kiểu của mình cho đến lúc tuột cả giày. Và hoàn cảnh lịch sử như thế kéo dài mãi đến tận thời Shôwa.

Khi Hiến Pháp được ban hành vào năm Minh Trị thứ 22 (1889), lục quân đã đổi ngay qua hình thức Đức-Phổ. Phương pháp tác chiến của Đức đã được sử dụng hữu hiệu ngay từ trận Nhật Nga (1904-05) nên từ đó, lục quân NB tiếp tục theo con đường này.

(Trích "Hình thù đất nước này")

Một đặc trưng thấy nơi quân đội thời Minh Trị là họ không hành động theo một tinh thần hiện thực và thuần lý mà chỉ dựa trên kinh nghiệm và thực nghiệm. Chỉ vì quân Đức giành được thắng lợi nên Đức mới là đúng. Họ chỉ tin vào những gì họ thấy là đã xảy ra, để rồi sau đó tiếp nhận cả hệ thống tổ chức cũng như văn hoá. May thay, họ chỉ là những con người thời Edo trong bộ quần áo Đức và - nói theo kiểu của Shiba thì - vẫn có năng lực nhìn đất nước mình một cách khách quan và hãy còn biết so sánh. Thế thì người quân nhân đậm màu sắc nước Đức của thời Shôwa có khác gì những người lính thời Minh Trị không?

Nhóm sĩ quan cao cấp đời Shôwa hầu như đã trở thành những kẻ chỉ biết có mình (egocentric) và nước mình. Họ thích lý luận kiểu con quay (koma, a top) nghĩa là xem mọi thứ đều phải xoay quanh một trục chính (là mình) chứ không thèm để mắt tới những gì xảy ra chung quanh.

(Như trên)

Dĩ nhiên đây không phải là lỗi của nền văn hóa Đức. Shiba lưu ý chúng ta như vậy:

Văn hoá Đức không hề có tội. Cũng không phải là cái tội của thời Minh Trị đã du nhập nó một cách vụng về. Chỉ có thể nói là khi người ta tiếp nhận ồ ạt một nền văn hoá giống như chích một chất thuốc với nồng độ quá cao thì không sao tránh khỏi ngộ độc. Một con bệnh trong hoàn cảnh đó mà lại nắm quyền lực sẽ đưa đến hậu quả như thế nào chỉ là một chuyện dễ hiểu. Nó giống việc người ta đem lịch sử cận đại NB ra làm thí nghiệm như trên một con thú.

(Như trên)

Quân nhân thời Shôwa mua cái lốt của Đức để đội lên người nhưng ít có ai hiểu về nước Đức. "Ngả về phía Đức" được xem như là "một căn bệnh của cả nước". Đó là lời phê phán mạnh mẽ của Shiba về hiện tượng này.

"Quyền thống súy", bộ mặt thật của quái thai:

Liều thuốc Đức quá mạnh gây ngộ độc đã làm cho nhà nước cận đại NB bị yếu đi. Thế nhưng về sau, có một loài sâu đã đục ruỗng cơ thể của con bệnh và diễn ra theo một trình tự mà Shiba nắm được. Theo ông, đầu tiên có một nguyên nhân cụ thể là "quyền thống súy" (supreme command) [102], một khái niệm dính sát với bộ quân phục Đức mà người Nhật mang mặc lên người. Như đã nói , lục quân NB đã du nhập thể chế "Tham mưu bản bộ" (The General Staff Office) của Đức, theo đó thì, quyền chỉ huy quân đội nằm ở ngoài quốc gia và được miễn trừ cho bậc quân chủ. Quyền thống súy cứ thế mà tăng trưởng, nó trở thành "một quốc gia biệt lập nằm giữa một quốc gia" để rồi cuối cùng đã làm băng hoại nhà nước NB. Shiba đã viết trong "Hình thù đất nước này" như sau:

Quyền thống súy...nghĩa là quyền chỉ huy quân đội... / Ở Anh hay ở Mỹ, nó đều nằm trong tay vị nguyên thủ quốc gia./ Dĩ nhiên quyền ấy nằm trong tay một văn quan. Còn như quân đội vì nắm trong tay võ lực có thể hủy diệt và sát thương nên thường được ví với một con mãnh thú. / Thời tiền chiến, quyền thống súy này lại nằm trong tay đám quân nhân tức là trong tay mãnh thú. Vì quyền đó còn là một quyền thiêng liêng nên hễ ai muốn lên tiếng nói chen vào thì sẽ bị hăm dọa với tội danh là xúc phạm đến quyền thống súy (tôsuiken kanpan = thống súy quyền can phạm).

(Trích Chương 4)

Hiến Pháp Minh Trị cũng giống như hiến pháp ngày nay, đã minh định nguyên tắc tam quyền (lập pháp, hành pháp và tư pháp) phân lập. Thế mà bước vào thời Shôwa, nó đã biến chất. Quyền thống súy dần dần độc lập rồi tiến lên một vị trí cao hơn cả tam quyền, mang tính cách vạn năng (muốn làm gì cũng được).Người nắm quyền thống súy là Bộ tham mưu quân đội. Dù trên danh nghĩa chỉ là những người phụ tá quân sự (mạc liêu) của thiên hoàng nhưng họ lại tin chắc rằng mình mới là những người "sở hữu" đại quyền đó / Đến độ không còn thấy đâu là quyền hành và trách nhiệm nắm giữ quốc chính cũng như thống lĩnh quân đội của thiên hoàng vốn có trong hiến pháp. Quyền lực của Bộ tham mưu quân đội hầu như vô giới hạn và trong lãnh vực đối ngoại, họ có thể làm bất cứ "hành động ái quốc" nào họ muốn.

(Trích chương 1)

Trong phần trước, Shiba có nói rằng thời Minh Trị đã thừa hưởng di sản đến từ thời Edo.Thế nhưng nhìn vào những gì xảy ra vào đầu thời Shôwa, ta có thể thấy di sản ấy đã dần dần đi đến chỗ thối nát. Nguyên nhân của sự thối nát này đã nằm ngay giữa thời Minh Trị. Mặt thật của cái "quái thai" là "quyền thống súy" mà người Nhật đã du nhập từ Đức và vỗ cho nó lớn lên.


Tóm lại, quân đội nhân danh quyền thống súy mà hành động lấn lướt cả quốc hội và còn giả câm giả điếc với cả thiên hoàng. Đương nhiên, bình thường thì chính phủ và quốc hội một nước phải có phương cách kiểm soát quân đội. Ví dụ chính phủ mệnh lệnh và bổ nhiệm nhân sự còn quốc hội có quyền quyết định ngân sách. Thế nhưng trong trường hợp NB thì quốc hội lại không có quyền chủ đạo trên ngân sách của quân đội vì họ có quyền thống súy. Ngay cả nội các, chính phủ đi chăng nữa cũng bị đứng bên lề. Theo Hiến Pháp Minh Trị thì không thể đặt quân đội dưới sự kiểm soát của pháp luật (pháp trị). NB thời đó chỉ theo chủ nghĩa nhân trị, những người còn có thể ảnh hưởng đến quân đội là các nguyên lão (genrô), công thần của thời Duy Tân và là chủ nhân ông của nhà nước Minh Trị. Tuy vậy, thế hệ này cũng tàn lụi với thời gian. Vào đến thời Shôwa chỉ còn một nguyên lão duy nhất vốn xuất thân công khanh (公家kuge) triều đình Kyôto là Saionji Kinmochi [103]. Nhưng lúc đó dù là nguyên lão, ông cũng không thể nào kiềm chế được đám quân nhân đang nắm quyền thống súy. Cơ bản thì nhà nước Minh Trị có một quốc hội nhưng ý kiến của nó cuối cùng cũng chẳng ai nghe. Quyền quyết định họa chăng nằm nơi thiên hoàng và các tướng lãnh quân đội (軍部gunbu). Thế nhưng, trên thực tế, thiên hoàng chẳng quyết định được điều gì. Những kẻ quyết định là các bộ, khóa, cục (部課局bukakyoku) tức hệ thống tổ chức trung khu trong quân đội. Quân đội sẽ đem tâu trình kết quả đạt được lên thiên hoàng nhưng đôi khi họ chẳng thèm ngó ngàng đến ý kiến phản hồi từ ông. Như vậy, bước vào thời Shôwa, quyền thống súy đã trở thành một con ngáo ộp khổng lồ, không ai dám động tới. Đó cũng là lúc NB lồng lên chạy như điên, không còn kiểm soát được vận mạng của mình.

Những lời tâm huyết nằm trong "Hình thù đất nước này"

Nhà nước để cho quyền thống súy kéo chạy bất kể là hiện tượng được nhìn thấy vào đầu thời Shôwa. Hồi thời Minh Trị, hãy còn có các nguyên huân, nguyên lão ...họ đã thực hành một thể chế cai trị kiểu tập đoàn gồm ba yếu tố: chính phủ, quốc hội và quân đội. Bước vào giai đoạn Shôwa, quân đội hô hào cho tính cách độc lập của quyền thống súy để nới rộng phạm vi ảnh hưởng của họ.

Khuynh hướng ấy bắt đầu từ khi việc tài giảm binh bị ngành hải quân trở thành một chủ đề trong các cuộc đàm phán quốc tế. Trong nước, trước khuynh hướng thỏa thuận tài giảm của chính phủ đảng Minseitô (Dân chính đảng) [104], không những quân đội mà cánh hữu và đảng Seiyuukai (Chính hữu hội) đều phê phán là chính phủ đã vi phạm quyền thống súy nên chống trả quyết liệt.Họ không chỉ kết án chính phủ "vi phạm" nhưng cho rằng chính phủ là "can phạm", đem việc đụng chạm đến quyền thống súy (theo cách định nghĩa của họ) như một tội danh trước pháp luật. Người ta cho rằng chữ dùng này là do Kita Ikki [105] tạo ra.

Thực ra, kẻ mang tội danh xúc phạm đến quyền thống súy mới là những người yêu nước và yêu nước hơn cả những kẻ biện minh cho quyền thống súy. Lý do là nếu không tài giảm binh bị thì NB cứ phải cạnh tranh với Mỹ trong việc đóng thêm tàu chiến. Như vậy, NB là nước vốn yếu kém về kỹ nghệ và tài nguyên, sẽ phải tăng mãi ngân sách quân sự một cách vô lý vì sợ Mỹ chèn ép. Kết quả là sự phát triển kinh tế và kỹ nghệ của NB sẽ bị trì trệ. Đối xử hòa hoãn, coi trọng việc buôn bán và không cạnh tranh về võ khí hay hạm đội với Mỹ chính là đường lối mà một người yêu nước chân chính phải làm. Đó mới là một quốc sách hợp lý.

Tuy nhiên, nếu tài giảm binh bị (tiếng Nhật gọi là gunshuku = 軍縮quân súc) thì một quân nhân hy vọng trở thành viên trung tướng hạm trưởng sẽ không bao giờ đạt được mục đích.Nhiều quân nhân phải lui làm sĩ quan trừ bị và có khi còn phải giải nghũ về vườn, tiền bạc sẽ chẳng còn chi. Do đó việc căm ghét những kẻ chủ trương tài giảm nổi lên như sóng cồn làm cho những ai đứng đắn, không nương theo trào lưu đó, không thể ngóc đầu lên nổi trong Hải quân.

Nhân vì quyền thống súy là quyền thiên hoàng thống lĩnh quân đội cho nên có thể giải thích rộng đến vô hạn. Quyền "thượng tấu trong quân doanh" (iaku jôsô) [106] là đặc quyền chỉ dành cho Bộ tổng tham mưu lục quân và Bộ tư lệnh hải quân là những người hành xử quyền thống súy. Theo đó, quân đội có quyền đến gặp thẳng thiên hoàng để trình bày quan điểm mà không cần cho thủ tướng hay biết. Do đó, chủ trương có lệch lạc hay phương án tác chiến có sai lầm để đưa đến kết quả tai hại đi nữa thì vẫn không ai truy cứu và kết tội họ được.

Kể từ lúc này, quyền thống súy đã có màu sắc thần bí. Nó rộng vô hạn, trên nguyên tắc không bao giờ sai lầm, lại thiêng liêng nữa. Không những độc lập với tam quyền (hành chính, lập pháp và tư pháp) mà còn bắt đầu vượt hẳn lên trên. Tam quyền không được nói xen vào chuyện của nó. Còn như khi đi đến quyết định tranh chấp hay chiến tranh với nước ngoài, vì đã bí mật thượng tấu lên thiên hoàng rồi, nó không cần thông báo cho các cơ quan nhà nước biết. Như thế, NB đã mang thêm trong bào thai một nhà nước biệt lập, "NB của quyền thống súy".

(Trích "Hình thù đất nước này", chương 4)

Quyền thống súy thần thánh kia một khi khơi dậy nên một cuộc chiến tranh thì thực là khủng khiếp. Shiba đã tìm ra được pho sách cổ nhan đề "Cương lĩnh và tài liệu tham khảo về quyền thống súy". Quyển này thực ra có hai tập (Cương lĩnh / Tham khảo) nhưng đã bị đốt sau Thế chiến thứ hai. Bản Shiba có là bản được đem khắc và in lại năm 1962. Đây không phải là một tài liệu công khai, nó chỉ lưu hành trong nội bộ quân đội. Qua tài liệu mật này, ta biết được quyền thống súy được định nghĩa như thế nào.

"Bản chất sức mạnh của quyền thống súy nằm ở tính chất siêu việt lên trên mọi pháp qui". Lại nữa, nếu quốc chính được qui định theo hiến pháp và do các quốc vụ đại thần (tổng trưởng) đảm đương thì quyền thống súy không nằm trong phạm trù này. "Như thế, liên quan đến việc hành xử và kết quả của quyền thống súy, quốc hội không phải chịu trách nhiệm gì cả. Quốc hội do đó không có quyền chất vấn, đòi hỏi phải trần tình, phê bình hay khởi tố đối với hành động thống lĩnh hay chỉ huy quân đội cũng như mọi kết quả xuất phát từ đó".

Hồi chiến tranh Nhật Nga, quốc hội có dịp bàn cãi khi quân đội sai lầm. Tuy nhiên, sang đến thời Shôwa, nếu ai lên tiếng phê bình sự thất bại của quân đội sẽ bị mắng thẳng vào mặt: "Đồ bất trung. Sao mi lại dám ăn nói quàng xiên như thế đối với quân đội của thiên hoàng!"

NB dưới thời Minh Trị có một quốc hội theo tiêu chuẩn của nhà nước tiên tiến Tây phương, nó biết cách kiểm soát quyền lực của quân chủ. NB đã bắt chước Tây phương một cách trung thực và xứng đáng được gọi là quốc gia quân chủ lập hiến. Thế nhưng sau chiến tranh Nhật Nga thì NB bắt đầu coi thường Tây phương và lơ đễnh trong việc vận doanh một chế độ lập hiến mà nền tảng là quốc hội. Nguyên lai, lối suy nghĩ kênh kiệu xem đất nước này nhờ ai mới có ngày nay, nếu không có quân đội thì làm sao NB trở thành quốc gia hàng đầu, là đầu mối của việc trọng thị vai trò của quân đội trong liên hệ giữa giới quân nhân đối với hiến pháp cũng như quốc hội. Tiếc thay, quốc dân cũng bắt đầu suy nghĩ theo chiều hướng đó.

Như thế, đất nước NB mà người thời Minh Trị đã dày công xây dựng bỗng bắt đầu chạy lầm đường và hướng đến chỗ tự diệt. Đó là hình ảnh mà Shiba đã nghĩ ra về cái quốc gia đã bỏ ông lên chiến xa - chiếc quan tài biết lăn - chực sát hại ông. Thế nhưng ông không đủ điều kiện để làm sống lại nó trong tiểu thuyết và chỉ ngừng lại ở trình độ nghị luận. Hai tác phẩm đã có thể nói thay cho ông là "Một đất nước tên gọi Shôwa" và "Hình thù đất nước này".

Nếu toàn bộ các tác phẩm của Shiba là một cuốn tiểu thuyết lớn thì "Hình thù đất nước này" có thể xem như là lời bạt nằm ở cuối sách. Trong lời bạt ấy, Shiba đã tìm cách trả lời thành thật cho một câu hỏi quan trọng vốn đeo đẳng ông suốt đời: "Tại sao NB đi đến chỗ bại trận như thế này?". Nói cách khác, ông muốn thanh toán tàn tích của quá khứ bằng những câu văn trong quyển sách.

Thư gửi đàn em nhỏ thế kỷ 21 (Nijuuisseki ni ikiru kimitachi e):

Sau khi đã thanh toán mọi tàn tích của quá khứ, cuối cùng, Shiba mới hướng nhìn về tương lai. Ông đã để lại cho những người trẻ sống trong thế kỷ 21 một văn bản ngắn ngũi chỉ có 7 trang giấy khổ Nhật 400 chữ. Nguyên lai, năm 1989, nhà xuất bản Ôsaka Shoseki đã nhờ ông viết hộ một lời khuyên nhủ gửi tới các thế hệ học sinh tiểu học (Quốc văn giáo khoa thư lớp 6) và ông đã vui vẻ nhận lời. Thế rồi ông đã dành rất nhiều thời gian ngẫm nghĩ và viết đi viết lại cho đến khi thật bằng lòng. Người ta thấy trên bản thảo, Shiba Ryôtarô đã sửa đi sửa lại nhiều lần vì chằng chịt những vết bút chì màu tô đi tô lại. Làm như ông đã dành cho nó rất nhiều tâm lực như khi ông viết một tiểu thuyết trường thiên quan trọng.

Shiba tâm sự rằng có thể ông sẽ không thấy được thế kỷ 21 và nhận xét này làm nhiều người kinh ngạc vì đương thời (1989), ông mới khoảng 65 tuổi.Ai cũng tưởng ông vẫn còn tráng kiện để bước vào thế kỷ 21 nhưng trên thực tế, ông đã qua đời trước đó vì bạo bệnh. Bài viết kia trở thành bản di chúc của ông cho những thế hệ tương lai.

Cái mà Shiba muốn dặn dò tuổi trẻ nước ông là sự phát huy một tình cảm vốn được coi như sở trường của người Nhật: sự thông cảm (sympathy) đối với tha nhân. Shiba muốn dịch nó từ một từ Nhật là itawari (hay omoiyari, thương tưởng, để ý đến người khác). Theo ông, đó là việc xem những niềm đau nỗi khổ của người ta như là của mình, tìm hiểu vì đâu họ đau khổ, vì đâu họ cay đắng.

Xưa nay, người ta vẫn bàn luận về một đặc điểm trong tiếng Nhật là câu văn không bao giờ có chủ từ. Vào đầu thời Shôwa - cái thời mà Shiba gọi là "thời của quái thai" - Bộ giáo dục NB có xuất bản Kokutai no hongi 国体本義 (Quốc thể bản nghĩa), một tuyên cáo của nhà nước để giảng nghĩa thế nào là bản chất thiêng liêng của nhà nước NB. Trong đó khi giải thích câu văn tiếng Nhật không có chủ từ thì họ cho rằng bởi vì người Nhật có tinh thần cao đẹp, chí công vô tư, biết hết lòng hết dạ vì người. Gs Isoda lại nghĩ khác. Người Nhật không vô tư như thế đâu, họ chỉ không muốn phân biệt ta và người mà thôi. Nói cách khác, họ biết đặt mình vào địa vị của tha nhân và dễ dàng hòa mình để thông cảm với tha nhân.Có thể đây mới là sự giao cảm mà Shiba muốn nhấn mạnh bởi vì khi ta có lòng thương tưởng đến người khác thì cái biên giới giữa hai bên sẽ không còn nữa.

Thế giới ngày mai sẽ bước vào một thời đại mà chuyện bo bo thủ lợi riêng mình, gào rống cho cái tôi trước đã...không thể giải quyết được bất cứ việc gì. Khi xu thế toàn cầu hoá càng ngày càng được đẩy mạnh thì những giá trị quan của cá nhân và của quốc gia phải tiến về phiá nhau để đi đến chỗ hòa hợp. Không phải cứ dồn hết tâm lực để giành lấy thế đứng trên trước đối với người khác nhưng chính ra phải hiểu được tâm tình của họ và nâng tầm sự giao cảm giữa mình với họ lên cao hơn. Cho dù văn hoá có dị biệt đến mức nào đi nữa vẫn còn có chỗ cho sự lý giải, thích ứng và việc có được năng lực đó là điều hệ trọng.

Trong lời nhắn nhủ mà Shiba để lại còn có một điều cần phải làm nữa là "xác định được một bản ngã" (自己の確立jiko no kakuritsu). Nói theo ngôn ngữ thời các samurai ở Kamakura (thế kỷ 12-13) thì đó là việc trở thành một con người có thể tin cậy được (tanomoshii jinkaku). Khi Shiba còn trẻ, ông đã thấy hàng hàng lớp lớp người cùng lứa tuổi tán đồng mệnh lệnh "nhất ức ngọc toái" (一億玉砕  ichioku gyokusai, một trăm triệu người cùng chết trong danh dự) của nhà nước và còn cổ vũ, phụ họa cho nó nữa. Thế nhưng nếu họ là con người biết hành động theo sự suy nghĩ chín chắn của mình thì lịch sử NB đã phải đi theo một lối khác rồi. Dọc theo đây, xin trích dẫn sau đây vài đoạn trong "Thư gửi đàn em nhỏ thế kỷ 21" (trang 2 đến trang 4):

...........

Sau đây, tôi muốn nói về các em.

Những người trẻ như các em ở thời nào cũng vậy, trước tiên phải xác định được bản ngã của mình.

Tính cách của bản ngã đó là đối với mình thì nghiêm khắc, đối người thì khoan dung, nói cách khác phải có sự thương tưởng. Hãy luyện tập để đạt đến chỗ đó. Qua luyện tập, các em sẽ xác định bản ngã của mình. Các em sẽ trở thành những con người đáng tin cậy.
 
 
 
   

Shiba đặc biệt yêu mến nhân vật lịch sử Sakamoto Ryôma và ông muốn mọi người nên giống như nhà chí sĩ phiên Tosa, dù ai nói ngã nói nghiêng, vẫn tin tưởng ở công việc mình làm và đã khởi động được lịch sử NB cuối đời Mạc phủ. Kuroda Kanbê thời Sengoku cũng vậy. Đầu tiên, ông theo phò Toyotomi Hideyoshi. Thế nhưng khi Hideyoshi xâm lăng Triều Tiên, ý thức đó là một việc sai lầm, ông đã lui về ở ẩn và đi theo con đường riêng của mình. Akiyama Saneyuki thời Minh Trị nào có khác chi. Ông đã một thân một mình gánh chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho Hải quân và đất nước NB. Ba nhân vật đó mang hình ảnh con người mà Shiba gọi là "đáng tin cậy". Ông bàn thêm:

Bản ngã đó cũng phải là thẳng thắn và hiểu biết.

Để sống giữa thế kỷ 21, điều đó vô cùng quan trọng.

Có lẽ vào thế kỷ 21, khoa học và kỹ thuật sẽ phát triển cực nhanh. Thế nhưng đừng để khoa học, kỹ thuật cuốn trôi các em như lũ lụt. Như điều chỉnh dòng nước một con sông, những con người năng nổ như các em phải biết khống chế khoa học kỹ thuật và bắt nó đi theo hướng mình mong muốn.

Vừa rồi, tôi đã nói đi nói lại về hai chữ bản ngã. Nói là bản ngã nhưng không bao giờ được xem mình là cái rốn của vũ trụ.

Đã là con người, phải biết giúp đỡ nhau mà sống.

Khi nhìn văn tự mà nhân loại đã chế ra, lòng tôi luôn luôn xúc động. Những nét nghiêng nghiêng như thể đang nương tựa vào nhau để hình thành con chữ.

Nhìn chữ viết, có thể hiểu được rằng con người đã xây dựng nên xã hội theo cùng một phương thức để có thể sinh tồn. Xã hội chỉ là một cơ cấu dựa trên sự nương tựa lẫn nhau.

.................

Tôi vừa ngắm nghía những nét đẹp nhất trong tâm hồn các em vừa viết ra những dòng chữ bên trên.

Viết xong, tôi cảm thấy mình như đã bắt gặp từ phía tương lai những luồng ánh sáng mặt trời rạng rỡ mà các em sẽ đem lại.

Ngọn đuốc của Kôan:

Song song với "Thư gửi đàn em nhỏ của thế kỷ 21". Shiba có viết thêm "Ngọn đuốc của Kôan" (đăng trong tập hạ của giáo khoa thư lớp 5 bậc tiểu học do nxb Ôsaka Shoseki xuất bản năm 1989). Trong đó, người mà ông giới thiệu không phải là một anh hùng dân tộc, chính trị gia hay tướng lãnh mà chỉ là một ông thầy thuốc và nhà giáo dục. Ogata Kôan là một người theo học y lý Tây phương và dạy lại cho đàn sau. Dù vậy, ngoài y khoa, ông còn truyền đạt cho họ tư tưởng và ngôn ngữ Tây phương cũng như tinh thần thực dụng, đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp khai sáng vào thời Minh Trị. Ngọn lửa thắp lên từ bó đuốc của Kôan đã được truyền đến các học trò của ông như Ômura Masujirô, Fukuzawa Yukichi, Ôtori Keisuke[107] và Hashimoto Sanai [108]... Theo Shiba thì nếu nói về lòng ái quốc (patriotism) thì có thể xem Ogata Kôan như một biểu tượng. Bởi vì ông đã nghĩ cách làm sao cho đất nước khá hơn và có lòng thương tưởng (trắc ẩn) đối với mọi người.

Thời Mạc phủ, bệnh dịch tả (cholera) hoành hành rất dữ dội ở Nhật. Những người thầy thuốc đi chữa trị cũng bị lây và chết theo bệnh nhân. Cứ ba bốn thày thì đã chết một. Trong lúc đó, Kôan cũng tham gia vào việc cứu chữa và ông có cho treo một tấm trướng ở góc phòng với dòng chữ "Đừng để lòng dạ mình trở thành ti tiện!" và thường nói với người chung quanh "Phải sống vì đời, vì người!". Ông đúng là người đã dùng kỹ thuật mình nắm được để cứu nhân độ thế. Một người như Kôan đã biết "xác định được bản ngã", có "lòng thương tưởng" (trắc ẩn) khi đứng trước tha nhân. Ông là một nhân vật có trình độ giao cảm cao. Hình như Shiba muốn đi đến một kết luận giản dị là "những người trẻ của thế kỷ 21" chỉ cần có được hai đức tính đó.

Biên dịch xong tại Tôkyô 
nhằm ngày giỗ mẹ lần thứ 62 (1 tháng 9 năm 2016).
Nguyễn Nam Trân

Tư liệu tham khảo:

1) Isoda, Michifumi, 2016, Shiba Ryôtarô supeshiaru (Số đặc biệt ra mắt nhân ngày giỗ lần thứ 20 của Shiba Ryôtarô), NHK terebi tekusuto 3/2016, NHK xuất bản.

2) Nguyễn Nam Trân, 2013, Giáo trình lịch sử Nhật Bản, hai quyển thượng và hạ, bản thảo.

3) Tư liệu và hình ảnh trên mạng.
 

[1] - Ogata Kôan緒方洪庵 (1810-1863) học giả Lan học. Mở tư thục Tekijuku (Thích thục) ở Ôsaka, học trò đông đến 3.000 người. Chủ trương cái học thực dụng của người Tây phương. Trong đám môn đệ có những nhân vật về sau nổi tiếng như Ômura Masujirô, Fukuzawa Yukichi, Sano Tsunetami, Hashimoto Sanai...Ngọn đuốc của ông là sự nghiệp giáo dục.

[2] - Xin xem thêm bài giới thiệu "Shiba Ryôtarô, tác gia hiện đại NB" (tháng 3/2008) do dịch giả Phạm Vũ Thịnh trên trang mạng ERCT.

[3] - Mushi 無私(vô tư) ở đây có nghĩa là biết xoá bỏ cái khác nhau giữa ta và người chứ không có nghĩa đạo đức như chí công vô tư (impartial) hay thoải mái, không ngại ngùng (indifferent, unworried )như hiện đang thông dụng trong giới bình dân ở VN.

[4] - Tezuka Osamu 手塚治虫 (1928-89), tốt nghiệp bác sĩ y khoa đại học Ôsaka nhưng chuyển hướng sang đường nghệ thuật. Tác giả những tập tranh manga nổi tiếng Nhật Bản và thế giới.

[5] - Kojima Hôshi 小島法師 ( ? – 1374), một nhà sư, người được phỏng đoán là tác giả đã tiểu thuyết chiến ký Taiheiki (Thái Bình Ký).

[6] - Thái Bình Ký太平記Tác phẩm 40 quyển tường thuật giai đoạn loạn lạc kéo dài 67 năm kể từ năm 1318, lúc Thiên hoàng Go Daigo tức vị trở về sau, khi Nhật Bản có hai triều đình và hai vị thiên hoàng.

[7] - Kusunoki Masashige楠木正成 ( ? – 1336) một danh tướng được biết đến nhờ lòng trung nghĩa. Ông đã đáp lời kêu gọi của Thiên hoàng Go Daigo để trung hưng vương thất nhưng sau tử chiến trong một trận đánh chống binh đoàn Ashikaga Takauji ở một nơi gần Kôbe bây giờ.

[8] - Trước đó, trong sách giáo khoa bậc tiểu học, người Nhật xem hai triều Nam Bắc đều là chính thống (Nam Bắc Triều chính nhuận luận) cho đến năm 1911, khi Thiên hoàng Minh Trị phán quyết là Nam triều ở Yoshino mới có tính chính thống và quan điểm này được bảo tồn cho đến năm 1945.

[9] - Rai Sanyô 頼山陽 (Lại, Sơn Dương, 1780-1832), nho gia và thi nhân thời Edo hậu kỳ. Sách Nihon Gaishi (Nhật Bản Ngoại Sử) của ông gồm 22 quyển viết bằng chữ Hán, trình bày chính trị Nhật Bản từ cuộc tranh chấp Heike-Minamoto cho đến Mạc phủ Tokugawa.

[10] - Tokutomi Sohô 徳富蘇峰(1863-1957), em trai của văn sĩ Tokutomi Roka (Đức Phú Lô Hoa). Trước tiên, theo chủ nghĩa bình dân nhưng kịp khi Chiến tranh Nhật Thanh bùng nổ thì lại chuyển qua chủ nghĩa quốc gia. Tác phẩm Nihon kindai kokuminshi (1818-1852) của ông tất cả có đến 100 quyển.

[11] - Kokumin kokka 国民国家(Quốc dân quốc gia, Nation-state, Nationalstaat): nhà nước như một tập hợp của những cá nhân cùng một dân tộc nghĩa là những người có chung ngôn ngữ, truyền thống và lịch sử, theo một quan niệm ở Âu châu hồi thế kỷ 18- 19. Còn gọi là Minzoku kokka (民族国家Dân tộc quốc gia).

[12] - Inoue Kowashi 井上毅(1843-1895) quan liêu cao cấp thời Meiji, cộng tác đắc lực với Itô Hirobumi, cả hai đều từng du học phương Tây.

[13] - Tức hiến pháp Minh Trị (1889), hiến pháp đầu tiên do Thủ tướng Itô Hirobumi và Inoue Kowashi mô phỏng hiến pháp nước Phổ mà soạn ra, đặc điểm của nó là dành một quyền hạn rất lớn cho thiên hoàng chứ quốc dân chỉ biết phục tùng. Cũng gọi là Khâm định hiến pháp.

[14] - Motoda Nagazane元田永孚 (1818-91), một nhà nho sống vào thời Minh Trị, học trò của đại nhoYokoi Shônan (1809-1869) và từng là thị giảng của Thiên hoàng Meiji. Đã hợp tác với Inoue Kowashi để soạn sắc ngữ về giáo dục.

[15] - Kyôiku chokugo教育勅語Văn bản qui định những đường lối phải theo trong ngành giáo dục. Dựa trên quan điểm Nho giáo và gia tộc. Phát lệnh vào năm 1890.

[16] - Vĩnh Sính (1944-2014) có lẽ tác giả VN nghiên cứu sâu nhất về Tokutomi Sohô. Ông đã viết luận án TS Sử tại Đại học Toronto (Canada) về nhân vật này.

[17] - Bunkobon文庫本Sách khổ nhỏ (cỡ A6) bìa mềm, giá rẻ, có thể bỏ túi đem đi khắp nơi và dễ chuyền tay.

[18] - Yoshimura Akira吉村昭 (1927-2006) viết tiểu thuyết liên quan đến những biến cố lịch sử cận đại. Đời văn của ông kéo dài suốt hai triều Shôwa (1926-89) và Heisei (từ 1989 đến nay). Tác phẩm chính:" Chiến hạm Musashi" (Senkan Musashi) , "Trận đại địa chấn vùng Tôkyô"(Kantô Daishinsai), "Phá ngục" (Hagoku), "Cuộc ám sát ngoài cổng Sakuradamon" (Sakurada mongai no hen)...

[19] - Kaionji Chôgorô 海音寺潮五郎 (1901-77), tiểu thuyết gia đời Shôwa chuyên về tiểu thuyết lịch sử trường thiên. Tác phẩm chính: "Trận giao chiến giữa các bà vào niên hiệu Tensei" (Tensei Onnagassen), "Vũ thuật đã được truyền đến nước ta như thế nào?" (Bujutsu denraiki), "Tướng Taira no Masakado xưng hùng" (Taira Masakado), "Cùng với đất trời" (Ten to chi to) , "Cuộc đời của Saigô Takamori" (Saigo Takamori, tác phẩm viết dở dang).

[20] - Yamamoto Shugorô山本周五郎 (1903-67), tiểu thuyết gia thời Shôwa. Tác phẩm chính: "Còn lại duy tùng bách" (Mominoki ga nokkotta) , "Lương y Râu Đỏ" (Akahige Shindansho), Osan, Aobeka Monogatari...mà chủ đề nói chung liên quan đến những mối khổ tâm của tầng lớp samurai và những vui buồn của người thường dân.

[21] - Ikenami Shôtarô池波正太郎, (1923-90), tiểu thuyết gia và người viết kịch thời Shôwa và Heisei. Tác phẩm chính Trông gà hóa cuốc (Sakuran) giải thưởng văn học Naoki, Những chuyện bắt tội phạm của quan án Onihei (Onihei Hankachô), Lấy kiếm câu cơm (Kenkyaku shôbai), Fujieda Baian, người xúi bẩy (Shikakenin Fujieda Baian).

[22] - Yamada Fuutarô 山田風太郎 (1922-2001) tiểu thuyết gia thời Shôwa và Heisei. Ông là cây bút kiệt xuất về loại văn chương truyền kỳ và võ hiệp, nhất là tiểu thuyết Ninja. Ngoài ra ông cũng viết về hoạt động của ngành cảnh sát Nhật Bản thời Duy Tân và các tiểu luận về thời thế. Tác phẩm chính: Tập truyện về Ninja vùng Kôga (Ninja Ninpôchô), Chuyện ở Tổng bộ cảnh sát (Keijichô Sôshi).

[23] - Fujisawa Shuhei 藤沢周平 (1927-97). Tiểu thuyết gia thời Shôwa và Heisei. Ông chính ra là một tư chức, viết văn lúc đầu chỉ với mục đích giải khuây.Từng đoạt giải Naoki với "Lịch sử những cuộc ám sát" (Ansatsu nenrin). Là một tác giả ăn khách mà đề tài thường xoay quanh cuộc đời các tay kiếm sĩ và samurai cấp thấp sống ở địa phương. Tác phẩm chính khác còn có: "Cái bình màu trắng (Shiroki bin), "Nhật ký đâm thuê chém mướn" (Yôjinbô Nichigetsushô), "Chợ đời huyên náo" (Shijin). Độc giả tiếng Việt có thể tham khảo bài giới thiệu "Fujisawa Shuhei, tác gia hiện đại NB" (2008) và non nghìn trang truyện của ông đã được dịch giả Phạm Vũ Thịnh dày công chuyển ngữ và đăng trên trang mạng ERCT.

[24] - Kunitori Monogatari国盗り物語, tác phẩm gồm 4 tập, hai tập đầu nói về cách Saitô Dôsan 斎藤道三 chiếm đoạt được tiểu quốc nơi ông ở như thế nào. Hai tập sau nói về hoạt động binh bị và chính trị của Oda Nobunaga小田信長, ông con rể tài giỏi của Dôsan, người hầu như đã bình định được nước Nhật. Cả hai đều là những anh hùng của thời trung đại NB, đã dám phá vỡ trật tự truyền thống, từ địa vị bên dưới vươn lên cao. Truyện đăng liên tục lần đầu tiên trong khoảng năm 1963-66 trên tạp chí Sanđê Mainichi.

[25] - Theo từ ngữ y khoa NB, kitai hay 鬼胎quỷ thai (còn viết là 奇胎kỳ thai) là một loại bào thai dị hình, bị các mô tăng trưởng và bao bọc như khối u trong khi chính bào thai thì dần dần biến mất. Có nghĩa bóng là "một mối lo âu càng ngày càng lớn".

[26] - Thiên thủ các (天守閣tenshukaku) là nơi cao nhất trong một ngôi thành, thời chiến dùng làm vọng lâu quan sát chiến trường, thời bình biểu dương quyền uy của lãnh chúa. Vọng lâu hoàn chỉnh nhất là của thành Adzuchi (tỉnh Shiga, ven hồ Biwa) do Nobunaga cho xây vào khoảng năm 1576.

[27] - Thời trẻ, ông ngưỡng mộ bà O-ichi (em gái Nobunaga), sau lại kết hôn với Chacha (Yodogimi), con gái bà. Hideyoshi vốn xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo.

[28] - Ieyasu đã lần lượt kết thông gia với Tể tướng Toyotomi Hideyoshi, các lãnh chúa có thế lực như Date Masamune, Katô Kiyomasa và Fukushima Masanori để tạo vây cánh trong một giai đoạn nào đó.

[29] - Yoshida Shôin 吉田松陰 (1830-59) nhà giáo dục dòng dõi samurai phiên Chôshuu, chủ trương "phò vua đuổi giặc ngoài" (son. nô jôi). Thất bại trong mưu toan theo đoàn tàu của Perry vượt biên để tìm hiểu nước ngoài tại chỗ và bị tống giam. Về quê Hagi (tỉnh Yamaguchi) mở ngôi trường tư Shôka Sonjuku (松下村塾Tùng hạ thôn thục) đào tạo nhân tài trong đó có các chí sĩ như Takasugi Shinsaku, Kusaka Gensui, Itô Hirobumi. Trong vụ đại ngục năm Ansei, bị Mạc phủ chém đầu.

[30] - Takasugi Shinsaku 高杉晋作 (1839-67), samurai phiên Chôshuu. Năm 1864, đã đứng ra thành lập một đội quân nghĩa dũng (kiheitai) không phân biệt giai cấp để đối địch với hạm đội của liên quân 4 nước. Sau đó, chủ trương đánh đổ Mạc phủ và thành công trong việc đẩy lui quân Mạc phủ phái xuống chinh phạt Chôshuu.

[31] - Yamagata Aritomo 山県有朋 (1838-1922), quân nhân và chính trị gia thời Meiji và Taishô. Xuất thân gia đình samurai phiên Chôshuu. Từng theo học Shôka Sonjuku của Yoshida Shôin.Sau Duy Tân đã được gửi đi quan sát Âu châu để soạn ra binh chế NB.Tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền. Hai lần làm Thủ tướng và có ảnh hưởng lớn đến những người kế nhiệm.

[32] - Akechi Mitsuhide明智光秀 (1528-82) võ tướng thời Sengoku. Azuchi Momoyama. Được Nobunaga trọng dụng nhưng sau bị chủ tướng khinh ghét, bèn nuôi chí mưu phản. Đã tập kích Nobunaga ở chùa Kyôto Honganji làm chủ tướng của mình thất thế phải tự sát. Tuy nhiên, sau đó, ông đã bị Hashiba (Hideyoshi) phục thù cho chủ và binh đoàn ông bị tiêu diệt trong trận Yamazaki. Bản thân bị nông dân giết chết trên đường đào tẩu.

[33] - Kuroda Kanbê黒田官兵衛 (1546-1604) tên thật là Kuroda Yoshitaka nhưng hay được gọi là Kanbê. Hiệu là Josui (Như Thủy). Là võ tướng thời Azuchi Momoyama, theo đạo Ki-tô, tên thánh là Don Simeon. Ông phục vụ Nobunaga và trở thành quân sư cho Hideyoshi sau đó.Nổi tiếng vì dùng thủy công khi đánh thành Takamatsu ở Bichuu.Sau khi Hideyoshi chết, vì bất hòa với Iswhida Mitsunari, thủ lĩnh quân miền Tây, ông cùng với các tướng cũ của Hideyoshi đứng về phiá Ieyasu. Còn được biết đến như một người sành trà đạo (chajin).

[34] - Nobunaga đã giết người vợ đầu của Ieyasu và một con trai của bà vì bà này xuất thân từ một dòng họ cựu thù của mình.

[35] - Suốt thời trẻ, Ieyasu phải đi làm con tin ở những phiên trấn bên cạnh nghĩa là có thể bị giết chết bất cứ lúc nào nên ông biết cách giữ mình.

[36] - Giáo đoàn Honganji 本願寺đã đứng lên tranh đấu chống phá Nobunaga kịch liệt.

[37] - Một chế độ dùng các nhân vật thuộc dòng dõi con nhà gia thế (高家cao gia) vào việc tiếp sứ, đãi đằng. Những "cao gia" tuy có chức vị không thua hàng lãnh chúa nhưng có tính chất trang sức hơn là thực chất.

[38] - Akiyama Saneyuki 秋山真之 (1868-1918) trung tướng hải quân, hoạt động dưới thời Meiji và Taishô. Người phiên Matsuyama (trên đảo Shikoku), từng du học ở Mỹ, quan sát viên trận chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha. Thành viên Bộ tham mưu tác chiến cho tư lệnh hạm đội trong Chiến tranh Nhật Nga là Đô Đốc Tôgô Heihachirô. Được biết như một chiến lược gia về hải quân.

[39] - Kokudaka石高 là chế độ định mức sản xuất lúa gạo bằng thạch (hộc) thóc của một khoanh ruộng sau một cuộc kiểm tra điền địa. Từ mức sản xuất đó, nhà nước tính thuế phụ đảm của dân chúng địa phương. Thạch hay hộc (koku) là đơn vị đo lường gạo thóc. Dù đã được thực hiện nhiều nơi trước kia nhưng cuộc kiểm kê nổi tiếng và có tính thống nhất hầu như trên toàn quốc đã xảy ra dưới thời Tể tướng Hideyoshi.

[40] - Tenryô 天領theo nguyên ngữ là đất đai do Thiên hoàng trực tiếp cai quản và ăn lộc. Tuy nhiên về sau nó ám chỉ là khu vực nhà Tokugawa không chia cho các lãnh chúa mà giữ lại cho mình. Lãnh địa này phần lớn nằm ở vùng Kantô.

[41] - Ryôma ga yuku竜馬がゆくtác phẩm gồm 8 quyển, đăng lần đầu tiên trên nhật báo Sankei từ tháng 6/1962 đến tháng 5/1966. Chuyện nói về Sakamoto Ryôma, 坂本竜馬(1835-67), một samurai phiên Tosa, đã thoát phiên để lên đường rong ruổi thuyết phục 2 hùng phiên Satsuma và Chôshuu kết hợp đồng minh, đưa đến việc gâp áp lực để nhà chúa trao trả quyền lực cho nhà vua, nguồn gốc của cuộc Duy Tân Minh Trị. Shiba muốn cho chúng ta thấy dù chỉ đứng bên rìa quyền lực nhưng Ryôma đã hăng hái bôn ba vì dân vì nước như thế nào.

[42] - Xin xem hồi ký du hành rất lý thú và giàu hình ảnh nhan đề "Truyện Ryôma" (2013) của tác giả Trương văn Tân trên quê hương Tosa của nhân vật lịch sử này. Bài đã được đăng trên trang mạng ERCT.

[43] - Moeyo! ken 燃えよ剣quyển truyện gồm 2 tập, đăng lần đầu từ tháng 11/1962 đến tháng 3/1964 trên tạp chí Bunshun. Truyện ký về Hijikata Toshizô土方歳三(1835-69), con trai một gia đình nông dân giàu có ở vùng Tama (Tôkyô), giỏi kiếm thuật và dũng cảm, cùng với đàn anh là Kondô Isami, tổ chức một đội vũ trang tên là Shinsengumi để giữ trị an cho thành phố Kyôto theo lời yêu cầu của Mạc phủ với tham vọng sẽ được đồng hoá vào giai cấp samurai. Sau thất bại và chết trên đường bôn đào ở Hokkaidô.

[44] - Tobu ga gotoku翔ぶが如く, tác phẩm gồm 10 tập, đăng lần đầu từ tháng 1/1972 đến tháng 9/1976 trên nhật báo Mainichi.Truyện kể về hai hào kiệt thời Duy Tân đã góp công sức trong việc đánh đuổi Mạc phủ. Đó là Saigô Takamori 西郷隆盛(1827-77)và Ôkubo Toshimichi大久保利通(1830-78). Tuy thành công trong sự nghiệp Duy Tân nhưng hai người bạn cố tri lại bất đồng chính kiến và đưa đến chỗ đối địch trên chiến trường.

[45] - Yo ni sumu hibi 世に棲む日々 tác phẩm gồm 4 quyển, đăng lần đầu từ tháng 2/1969 đến tháng 2 năm 1970 trên tạp chí Asahi. Tác phẩm kể lại hoạt động của nhà tư tưởng "tôn vương nhương di" Yoshida Shôin吉田松陰 (1830-59) và học trò ông là nhà hành động Takasugi Shinsaku 高杉晋作 (1839-69). Tuy cuộc đời của hai người rất ngắn ngủi nhưng họ đã để lại dấu ấn lịch sử sâu đậm.

[46] - Một truyện ngắn trong tập đoản thiên cùng tên. "Kẻ bảo vệ hoàng cung" (Ôjô no goeisha 王城の護衛者) ám chỉ lãnh chúa Matsudaira Katamori, người chỉ huy lực lượng trị an ở Kyôto trong giai đoạn tranh tối tranh sáng cuối đời Mạc phủ.

[47] - Matsudaira Katamori 松平容保 (1835-93), lãnh chúa phiên Aizu, dòng dõi họ Tokugawa, có binh lực nên được bổ nhiệm làm người bảo vệ trị an ở Kyôto để đàn áp phái cần vương đảo Mạc. Bại trận ở Fushimi, phải đầu hàng quân chính phủ. Sau được tha tội và chết già.

[48] - Toge峠hay "Ngọn đèo" thường là chữ dùng để nói về "một quyết định khó khăn". Tác phẩn gồm 3 tập, đầu tiên được đăng trên nhật báo Mainichi từ tháng 11/1966 đến tháng 5/1968. Tác giả cho biết tại sao một nhân vật có tư duy cải cách như Kawai Tsugunosuke rốt cuộc lại đi ngược chiều cuộc cận đại hóa.

[49] - Kawai Tsugunosuke河井継の助 (1827-1868), chức gia lão (tương đương thủ tướng một tiểu quốc) phiên Nagaoka đã biết cải cách tài chánh, mua súng ống Tây phương và tổ chức quân đội của phiên theo binh chế nước Pháp. Trong chiến tranh Mậu Thìn (Boshin, 1908) muốn giữ phiên mình trung lập nhưng không thành, đành phải tử chiến.

[50] - "Hồn hoa" (Kashin花神), tác phẩm gồm 3 tập, được đăng lần đầu từ tháng 10/1969 đến tháng tháng 2/1971 trên nhật báo Asahi. Truyện nói về cuộc đời học giả Lan học và y sĩ phiên Chôshuu là Ômura Masujirô (1824-69). Ông là người có tài thao lược và đầu óc đi trước thời đại, đã góp công lớn cho thời kỳ hậu Duy Tân nhưng bản thân lại chịu số phận bi thảm..

[51] - "Quốc dân giai binh"(国民皆兵 Kokuminkaihei) là đường lối tổ chức quân đội nhà nước theo lối nghĩa vụ quân sự cho toàn dân, và như thế, phá bỏ độc quyền của giai cấp samurai.

[52] - Do người Anh tên là W.H. Amstrong sáng chế năm 1855, đã được dùng trong nội chiến Nam Bắc ở Mỹ và trong trận Chiến tranh Boshin ở Nhật. Phiên bản ở Nhật là do phiên Saga phóng tác. Đó cũng là đề tài một truyện ngắn của Shiba đăng trên tạp chí Shôsetsu Gendai số tháng 9 năm 1965. Xin xem bản dịch của dịch giả Phạm Vũ Thịnh đăng trên trang mạng ERCT với nhan đề "Đại bác Amstrong" (tháng 8/2008).

[53] - Tình thực, Ômura không để lại hình ảnh. Đây là bản vẽ chân dung của một họa sĩ ngoại quốc phỏng theo lời chứng của những người từng quen biết ông..

[54] - Trận đánh xảy ra từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1939 ở vùng biên giới Mãn Châu và Mông Cổ gần Momonhan giữa quân Quan Đông NB và quân Liên Xô. Trong trận này, ngay cả bộ đội tinh nhuệ của quân Quan Đông cũng đã bị loại ra ngoài vòng chiến.

[55] - Hai loại chiến xa nội hoá của NB, làm ra vội vàng để kịp đem ra chiến trường Mãn Châu .Vỏ thép bọc rất mỏng, không thể đối đầu với chiến xa địch.

[56] - Yôrô Takeshi 養老孟司 sinh năm 1937, học giả ngành giải phẫu, giáo sư danh dự Đại học Tôkyô. Có viết "Duy não luận" (Yuinôron), "Bức tường điên khùng"(Baka no kabe).

[57] - Ii 井伊là phiên trấn của con cháu một đại tộc có từ xưa, nay nằm ở vùng Shizuoka.

[58] - Akazonae 赤備えlà giáp trụ sơn đỏ chói mà các đạo quân vùng Kantô của phiên Takeda, Ii và Sanada hay dùng.

[59] - Yoshida Toshimaro吉田稔麿 (1841-64)、samurai phiên Chôshuu, học trò của Yoshida Shôin ở Tùng hạ thôn thục, bạn với Takasugi Shinsaku, Kusaka Genzui, Irie Kuichi. Tham gia hoạt động cần vương ở Edo và Kyôto. Chết trong vụ Shinsengumi đột kích quán trọ Ikedaya.

[60] - Tháng 6 năm 1864, thế lực trị an thân Mạc phủ là nhóm Shinsengumi đột kích quán Ikedaya ở Kyôto, nơi các chí sĩ cần vương (tôn vương nhương di) đang hội họp.

[61] - Kusaka Genzui 久坂玄瑞 (1840-64), chí sĩ phiên Chôshuu và học trò của Yoshida Shôin. Có lập trường bài ngoại cứng rắn. Tự sát sau khi bị thua trong trận đánh vào cấm cung.

[62] - Cuộc tập kích của các chí sĩ Chôshuu vào một trong những cánh cổng của hoàng cung Kyôto vào tháng 7 năm 1864. Gặp phải sự chống trả của liên quân 2 phiên Aizu và Satsuma nên đã thất bại.

[63] - Aoki Izumi 青木和泉 (1813-64), phiên sĩ phiên Kurume, quan giữ đền Thần đạo. Cũng tự sát sau vụ tấn cung cấm cung một lượt với Kusaka Genzui.

[64] - Mishima Yukio 三島由紀夫 (1925-70, tiểu thuyết gia nổi tiếng. Lập trường duy mỹ, chuyển qua chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Mỗ bụng tự sát sau khi kêu gọi không thành công người Nhật trở về với lý tưởng dân tộc.

[65] - Ogata Kôan 緒方洪庵 (xem thêm chú bên trên), thày của Ômura Masujirô, là một y sĩ đã tận tâm phổ biến việc tiêm chủng ở Nhật. Ông có thời làm việc ở Sở nghiên cứu y học Tây phương của Mạc phủ.

[66] - Matsumoto Ryôjun 松本良順 (1832-1907), học giả Lan học và thày thuốc thời cuối Mạc Phủ và thời Minh Trị. Ông từng xuống Nagasaki học y học của người Hoà Lan. Sau này ông lập nên hệ thống quân y cho lục quân và nhận chức Tổng Giám đốc Quân Y.

[67] - Năm 1336, quân cần vương của Kusunoki Masashige bị quân Mạc phủ Ashikaga đánh bại ở sông Minatogawa gần Kôbe. Gặp bước đường cùng, Masashige và anh em dòng họ đã cùng nhau tự sát. Hành động của nhà Kusunoki được đời sau xem như biểu tượng của lòng tận trung báo quốc.

[68] - Chuyện này cũng giống như việc Thiên hoàng Shôwa đã cho xử tử những kẻ nhân danh phò tá mình mà gây nên cuộc binh biến Ni.niroku năm 1936.

[69] - Akiyama Yoshifuru秋山好古 (1859-1930), quân nhân thời Meiji-Taishô, hàm đại tướng. Đã theo học về kỵ binh tại Pháp. Tham gia 2 trận Nhật Thanh và Nhật Nga, chỉ huy từ cấp đại đội đến cấp lữ đoàn. Có nhiều huân công.

[70] - Trộm nghĩ chữ "di động" Gs Isoda dùng đây có 2 nghĩa: di động nhân khẩu từ nông thôn lên tỉnh thành và mặt khác, đảo lộn trật tự trên dưới trong xã hội. NNT.

[71] - Shikyô sensô四境戦争. Năm 1866, bị Mạc phủ chinh phạt lần thứ hai, Chôshuu bốn mặt thọ địch. Thế nhưng họ đã đánh tan các lực lượng đó, đưa đến sự suy vong của Mạc phủ.

[72] - Tương truyền Ômura kỳ hình dị tướng: đầu to, mặt lớn, người lênh khênh, mũi cao mắt dài, lông mày rậm. Ở Chôshuu, ông có hỗn danh là Hifuki Daruma (Đạt Ma phun lửa).

[73] - Katsura Kogorô桂小五郎 (1833-77), sau này đổi tên thành Kido Takayoshi 木戸孝允 là một trong Duy Tân tam kiệt bên cạnh Ôkubo Toshimichi và Saigô Takamori. Phiên sĩ Chôshuu và chính gia thời Mạc mạt và Duy tân. Đã đề ra nhiều chính lệnh quan trọng như Ngũ cá điều ngự thệ văn, Phản tịch phụng hoàn và Phế phiên trí huyện, đập nát tổ chức nhà nước phong kiến và đưa NB trở thành quốc gia thống nhất trung ương tập quyền.

[74] - Otaku御宅 là chữ để chỉ một người chỉ chuyên chú vào một lãnh vực và xuất sắc trong lãnh vực đó nhưng thiếu tri thức hay sự nhạy cảm thường thức.

[75] - Meiji to iu kokka 明治という国家, sách gồm 2 quyển 11 chương luận về bản chất người Nhật và tinh thần thời Minh Trị..Do cơ quan truyền thông NHK xuất bản. Đã được phóng thanh trên Rađiô NHK từ tháng 10/1989 đến tháng 11 năm đó làm 6 hồi.

[76] - Cornelius Riđer Huijssen Van Kattendijke (1816-66) đã đến Nhật năm 1857 theo lời yêu cầu của Mạc phủ để huấn luyện họ về Hải quân. Sau về nước làm Tổng trưởng Hải quân. Có viết hồi ký về những ngày ở Nagasaki.

[77] - Katsu Kaishuu勝海舟 (1823-99) quan lại Mạc phủ và chính trị gia thời Mạc mạt Duy tân. Thông thạo Lan học và binh học. Từng làm thông dịch viên. Sau đó vào học trường hải quân. Biết chỉ huy chiến hạm vượt Thái Bình Dương. Thành công trong việc thương thuyết với Saigô Takamori để Mạc phủ trao thành Edo cho quân chính phủ và tránh được đổ máu vô ích. Sau đó, giữ những chức vụ quan trọng trong Hải quân và Xu Mật Viện.

[78] - Kanrin.maru 咸臨丸 tên chiến hạm người Hòa Lan đóng cho Nhật để dùng vào huấn luyện thủy binh. Tên cũ là Yapan, do hạm trưởng Kattendijike đưa đến Nagasaki năm 1857. Năm 1860, chính Katsu Kaishuu đã điều khiển chiến hạm này vượt Đại Tây Dương đến Mỹ như hộ tống hạm của sứ thần.

[79] - Những người mang cùng quốc tịch, sống trong một nước và chịu sự chi phối của một chính quyền. Có khi gọi là công dân hay thị dân (citizen).

[80] - Ngày nay cũng có cách nói Zassô no tamashi" (雑草の魂tạp thảo chi hồn), hồn cỏ dại, ý nói sức sống mạnh mẽ, không câu thúc giống như thiên nhiên hoang dã.

[81] - Theo chế độ sankin kôtai 参勤交代 do nhà Tokugawa qui định, lãnh chúa chư phiên bắt buộc đi đi lại lại giữa lãnh địa và Edo để hầu việc. Gia đình họ được gửi lên sống ở Edo như một thứ con tin. Sự chi tiêu cho gia đình họ cũng làm các lãnh địa nghèo đi, không đủ sức hùng cường để gây khó khăn cho Mạc phủ.

[82] - Kunimochi daimyô 国持ち大名có nhiều danh vọng và đặc quyền hơn lãnh chúa thường.

[83] - Masaoka Shiki正岡子規 (1867-1902). Thi nhân thơ Haiku và Tanka thời Minh Trị. Chủ trương "tả sinh" (shasei, miêu tả sự vật sống động trong dáng vẻ tự nhiên của no) qua Tạp chí Hototogisu (Chim tử qui) ông điều khiển. Có công cải cách tanka và haiku cận đại. Giao tình thân mật với Natsume Sôseki từ ngày chung ghế trường Dự bị Đại học. Tác giả của tập nghị luận văn học "Thư gửi người làm thơ" và tùy bút "Trên giường bệnh hẹp". Cũng thân thiết với hai anh em quân nhân Akiyama Saneyuki và Yoshifuru.

[84] - Shôya 庄屋là danh từ ở miền Tây NB gọi người đứng đầu làng xã dưới thời Edo. Tương đương với Myôshu名主 ở miền Đông. Ông ta có nhiệm vụ quản lý, trị an làng xã, đứng ra thu thuế cho lãnh chúa cũng như giải quyết các chuyện phân tranh nội bộ.

[85] - Kaikin taisei 海禁体制 là chế độ mà Mạc phủ Tokugawa đã mô phỏng Trung Quốc thời Minh, Thanh). Nó chỉ cho phép thương nhân đi lại buôn bán với một số địa vực đặc biệt như Triều Tiên, Lưu Cầu, Trung Quốc, Hòa Lan... nghĩa là còn mở những cánh cửa sổ chứ không hoàn toàn cắt đứt mọi liên hệ ngoại giao.

[86] - Fukuzawa Yukichi 福沢諭吉 (1834-1901), nhà tư tưởng khai sáng thời Minh Trị. Con gia đình phiên sĩ phiên Nakatsu (tỉnh Ôita đảo Kyuushuu). Theo học Lan học với học giả Ogata Kôan. Ba lần sang Âu Mỹ xem xét sự tình. Đã sáng lập Đại học Keiô và tham gia Hội nghiên cứu Meirokusha từ buổi đầu. Nhiều tác phẩm với chủ đề khuyến khích học vấn và tìm hiểu văn minh Tây phương.

[87] - Gs Isoda dùng chữ "hiểu lầm" (gokai) nhưng chúng tôi xin dịch một cách thận trọng hơn vì Fukuzawa không phải hoàn toàn không có có tư tưởng Chinh Hàn (Chinh phục Triều Tiên), một tư tưởng chủ lưu của thời ông.

[88] - Umesao Tadao 梅棹忠雄 (1920-2019) nhà văn hoá nhân loại học nổi tiếng của thời Shôwa và Heisei. Trong một khảo luận năm 1957, ông đã đưa ra chủ trương là mội trường sinh thái là yếu tố quyết định để sinh thành những nền văn minh khác nhau.

[89] - Chôshuu Five 長州ファイブ Ý nói năm nhà chí sĩ xuất thân từ phiên Chôshuu, năm 1863 đã trốn Mạc phủ sang Anh du học. Các ông là Inoue Tamon (sau đổi tên thành Kaoru), Endô Kinsuke, Yamao Yôzô, Itô Shunsuke (Hirobumi) và Nomura Yakichi (Inoue Masaru). Sau khi về nước, Inoue Kaoru đã lập được tuyến đường sắt Tôkyô-Kôbe và trở thành một viên chức cao cấp của nhà nước trong ngành hỏa xa.

[90] - Saka no ue no kumo坂の上の雲 tiểu thuyết gồm 8 tập, đăng tải lần đầu trên nhật báo Sankei từ tháng 4/1968 đến tháng 8/1972. Nội dung nói về tình bạn của 3 con người xuất thân từ thị trấn Matsuyama trên đảo Shikoku vào giữa thời Minh Trị. Đó là anh em quân nhân Akiyama Yoshifuru (kỵ binh), Akiyama Saneyama( hải quân) và nhà thơ tanka, haiku Masaoka Shiki. Bối cảnh là thời mà cuộc Duy Tân bắt đầu cho đến Chiến tranh Nhật Nga.

[91] - Nogi Maresuke 乃木希典 (1849-1912). Đại tướng lục quân, hoạt động vào thời Meiji. Cũng xuất thân phiên sĩ phiên Chôshuu. Tư lệnh đệ tam quân đoàn trong trận tấn công cảng Lữ Thuận. Sau làm cố vấn quân sự cho nhà nước và chỉ huy học viện quân sự. Tuẫn tử theo Thiên hoàng Minh Trị để chuộc lỗi về một sai phạm trong thời chiến dù đã được thiên hoàng bỏ qua không xét.

[92] - Sanshu no Jingi 三種の神器 Ba báu vật thiêng liêng tượng trưng cho quyền lực hoàng đế cổ đại gồm có kính đồng, kiếm và ngọc. Khoảng giữa thập niên 1960, chúng là TV đen trắng, máy giặt và tủ lạnh chạy bằng điện, 3 món đồ tượng trưng cho cuộc sống văn minh tiến hóa.

[93] - Kono kuni no katachi この国のかたち thu thập 121 bài văn nghị luận, đăng lần đầu tiên từ tháng 3/1986 đến tháng 4/1996 trên tạp chí Bungei Shunju . Bài số 121 bị bỏ giữa chừng vì tác giả đau yếu. Như thế, Shiba đã bỏ ra 10 năm cho tập sách.

[94] - Shôwa to iu kokka 昭和という国家, gồm 2 quyển thu thập những bài có nội dung phân tích về lịch sử và xã hội NB thời Shôwa và đã được phóng thanh trên mạng truyền thông NHK từ 1986 đến 1987.

[95] - Komura Juutarô小村寿太郎 (1855-1911) nhà ngoại giao thời Minh Trị. Xuất thân phiên Hyuuga Obi. Ngoại trưởng đã ký kết liên minh Nhật Anh. Cầm đầu phái đoản Nhật tại hội đàm Portsmouth. Đã có công hồi phục chủ quyền quan thuế cho Nhật.

[96] - Kojima Kazuo小島一雄 (1865-1952), nhà báo và chính trị gia thời Shôwa. Xuất thân ở Tajima Toyooka (vùng Kôbe bây giờ). Trước là ký giả, năm 1911 thành thượng nghị sĩ. Thời hậu chiến được mời làm làm chủ tịch đảng Tự Do Dân Chủ (Jimintô) nhưng từ chối để giới thiệu Yoshida Shigeru.

[97] - Kazôku 華族 chế độ lập ra từ năm 1884 dành cho công thần đời Duy Tân, cần phân biệt với Cựu hoa tộc đã có sẵn từ trước. Bị bãi bỏ vào năm 1947.

[98] - Itagaki Taisuke板垣退助 (1837-1919) chính trị gia thời Minh Trị, xuất thân phiên Tosa. Từng giữ chức tham mưu quân đội chính phủ trong trận đánh phiên Aizu. Vì bị thua trong cuộc tranh luận có nên đánh Triều Tiên hay không mà phải từ quan. Sau ông đấu tranh trong phong trào vận động dân quyền và trở thành Tổng trưởng Bộ Nội Vụ trong Nội các Ônuma-Itagaki (1898)

[99] - Sau Thế chiến 1914-18, liệt cường muốn bảo vệ hòa bình thế giới nên thành lập Hội Quốc Liên và thương thảo với nhau để cắt giảm binh bị. Nổi tiếng nhất là những cuộc họp cho mục đích này tại Washington và London từ 1922 đến 1930 (xem GTLSNB của NNT, quyển hạ, tr. 275-276)

[100] - Trong cuộc chính biến vào năm 1881 này, liên minh phiên phiệt Satsuma và Chôshuu đã lật đổ chính phủ mà Ôkuma Shigenobu tham dự vì ông vốn chủ trương tổ chức nội các và nghị hội theo lối Anh.

[101] - Ôkuma Shigenobu大隈重信 (1838-1922) nhà chính trị và nhà giáo dục thời Minh Trị. Gốc phiên Saga (Kyuushuu), từng làm thượng nghị sĩ và tổng trưởng tài chánh.Năm 1881, vì xung đột về vấn đề hiến pháp, bị đuổi về quê sau cuộc chính biến của nhóm Satchô. Sau trở lại chính trường, hai lần làm Thủ tướng. Đã thành lập Đại học Waseda .

[102] - Tôsuiken 統帥権 quyền chỉ huy tối thượng của quân đội. Nó nằm ở điều thứ 11 của Hiến Pháp Minh Trị, phó thác quyền chỉ huy tối thượng ấy cho thiên hoàng, thế nhưng những kẻ trực tiếp điều hành nó lại là Bộ tham mưu lục quân và Bộ tư lệnh hải quân.

[103] - Saionji Kinmochi 西園寺公望 (1849-1940). Chính trị gia từng trải của ba triều đại từ Meiji đến Shôwa.Xuất thân công khanh, từng làm Tổng trưởng giáo dục và cầm đầu Xu mật viện, một tổ chức cố vấn cho thiên hoàng.Từ 1906, lập nội các suốt 11 năm. Là nguyên lão cuối cùng đã duy trì chế độ lập hiến để phòng ngừa quân đội đi lầm đường. Không ngăn được điều đó, ông chết trong ưu tư cho vận nước..

[104] - Minseitô 民政党 Một trong 2 chính đảng lớn của Nhật, thành lập vào năm 1927 và giải tán năm 1940, chủ trương lập hiến, thời đó đang nắm chính quyền với thủ tướng Hamaguchi Osachi (1870-1931) , người sau này sẽ bị những phần tử cực đoan mưu sát. Minseitô đối lập với Seiyuukai政友会 của cánh hữu.

[105] - Kita Ikki 北一輝 (1883-1937) nhà tư tưởng quốc gia chủ nghĩa thời Taishô và đầu Shôwa. Trước theo khuynh hướng xã hội, từng tham gia Cách mạng Tân Hợi 1911. Sau chuyển qua chủ trương ái quốc cực đoan. Trước tác của ông bàn về cải tổ nước Nhật ảnh hưởng nhiều đến giới sĩ quan trẻ trong lục quân. Bị xử tử vì được xem là đã đứng bên trong để điều khiển cuộc binh biến Ni.niroku (26/2/1936)

[106] - Iaku jôsô 帷幄上奏 là đặc quyền cho phép đại diện cao cấp trong quân đội có thể tiếp xúc với thiên hoàng với danh nghĩa bàn chuyện cơ mật quốc phòng mà không cần thông qua chính phủ. Đó là nhân tố quan trọng trong việc quân đội lạm quyền. Iaku nghĩa là cái lều vây bằng màn, một từ cổ chỉ bộ chỉ huy.

[107] - Ôtori Keisuke 大鳥圭介 (1833-1911), quan chức Mạc phủ, gốc người vùng Harima (gần Sakai bây giờ). Gốc nhà cũng là thầy thuốc, theo học y học và binh pháp với Ogata Kôan. Trong chiến tranh Boshin đứng về phía Mạc phủ nhưng sau đó cùng với tướng Enomoto Takeaki đầu hàng quân chính phủ ở Hokkaidô. Lãnh nhiều chức vụ quan trọng trong ngành ngoại giao thời Duy Tân và còn là cố vấn của Xu Mật Viện.

[108] - Hashimoto Sanai 橋本左内 (1834-59), phiên sĩ vùng Fukui, Echizen. Theo học y lý và cái học Tây phương với Ogata Kôan. Đã chấn hưng học thuật mới ở quê nhà. Sau vì ủng hộ Hitotsubashi Yoshinobu vào chức Shôgun nên bị liên lụy trong vụ đại ngục năm Ansei và bị Mạc phủ xử trảm cùng năm (1859) với Yoshida Shôin

 Nguồn: http://chimvie3.free.fr/65/NNT_ShibaRyotaro_DiChuc1NhaVan_065.htm

Thông tin truy cập

63674820
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18538
17595
63674820

Thành viên trực tuyến

Đang có 508 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website