Khi văn chương “bảo trì ý thức làm người”

20181001 Linh son

Ảnh: internet

Mất mát, tận cùng của mất mát. Cô đơn, tận cùng của cô đơn. Thực tại “vặn xoắn con người đến mức cảm giác không còn hình hài”.

Một người khao khát quê hương nhưng phải từ bỏ vì “muốn tồn tại và giữ “bộ mặt thật” mẹ sinh ra trong đời”. Một thân phận người chìm nổi dưới sức ép của Cách mạng văn hóa phải đi cải tạo; Cao Hành Kiệu âm thầm tự hủy một vali bản thảo; người thân trong gia đình không còn; chứng kiến dấu tích lịch sử, truyền thống, thiên nhiên và làng mạc dần dần bị xóa sổ. Con người mong manh ấy đã lặn ngụp trong không gian nào và nương tựa vào đâu? Con người cô đơn ấy đã đưa ra những câu hỏi gì về cuộc đời và văn chương nghệ thuật trong hành trình đi tìm chân lý của mình? Linh Sơn của Cao Hành Kiện có thể nói là cuốn tiểu thuyết được viết bằng tất cả trái tim, tri thức và trải nghiệm nhân sinh, để giành lại tiếng nói và tự do.

*

“Khi mi đang tìm kiếm con đường đưa tới Linh Sơn thì ta, dạo dọc con sông Trường Giang, ta tìm kiếm chân lý.” (Chương 2).

Không gian núi rừng, làn điệu dân ca cổ, ký ức tuổi thơ, tình yêu và hoan lạc... những tưởng, phần mở đầu với những cú chạm vào sâu thẳm tâm hồn đó mang lại cảm giác êm dịu. Nhưng ta không còn nắm bắt được câu chuyện khi càng đi sâu vào trong không gian của Linh Sơn. Ban đầu, nó hiện lên như một bức tranh rõ nét, rồi dần chuyển thành hư ảo bởi sự làm nhòe đi các ranh giới. Thình lình, nó không còn là một bức tranh. Nó chuyển động như một bộ phim hoạt họa có trường đoạn tiết tấu nhanh. Ta bị hút vào trong đó.

Thiên nhiên, núi non, làng mạc, dòng sông, con đường, ngôi nhà, căn phòng... không gian đâu chỉ thực như vậy, mà còn là không gian tâm tưởng ngập tràn ký ức và hoài niệm. Không gian bắt đầu nửa tỉnh nửa mơ, kiếp sau kiếp trước. Không gian văn hóa. Không gian lịch sử. Không gian tâm linh. Không gian tưởng tượng. Không gian nằm trong không gian. Không gian dịch chuyển trong không gian. Không gian quay vòng trong không gian. Không gian không gian. Không không gian gian.

“Cái màn tối dầy đặc, sờ mó được này, cái hỗn mang chưa từng mở, chẳng có trời lẫn chẳng có đất, chẳng có không gian lẫn thời gian, có, chẳng có chẳng có, chẳng có có lẫn chẳng có, có chẳng có có chẳng có có, chẳng có chẳng có có chẳng có chẳng có, ngọn lửa nóng bỏng của than, con mắt ướt, cái huyệt mở, những cuộn khói sương, những môi nóng bỏng...” (Chương 19).

Không gian vật lý, không gian văn hóa, không gian tâm tưởng hòa với nhau, xóa mờ những đường viền, chỉ để lại cảm giác. Chỉ có trong đơn độc, đối thoại nội tâm, người ta mới có thể làm được những điều như vậy, đó là đưa tâm trí chạm đến những tầng sâu thẳm nhất. Việc xây dựng không gian tầng lớp và đan xen nhau, là một thủ pháp nghệ thuật đẩy nhân vật vào nhiều bối cảnh, từ đó nhân vật sẽ được hóa thân và phân mảnh thành nhiều hình tượng, nhiều tính cách, nhiều tâm tư.

*

Có lẽ bởi thế, chủ thể của câu chuyện được phân tách làm “ta”, “mi”, “nàng”. Nhưng rồi còn thêm cả “hắn”:

“Mi biết ta chẳng qua là tự chuyện trò với bản thân để giải nỗi cô đơn. [...]

Mi là đối tượng mà ta thuật tả, là bản thân ta đang nghe ta, mi chẳng qua là cái ảnh của ta. [...]

Ta đã cho mi tạo ra nàng, vì mi cũng giống như ta, đều không chịu được cô đơn, cũng đều cần tìm ra một đối tượng nói chuyện. […]

Mi trong cuộc đi nội tâm, ta trong cuộc đi tâm tư tràn đầy thế giới của bản thân, hai chúng ta càng đi xa càng tiếp cận nhau, tới lúc không khỏi khó lòng tách được ta và mi ra khỏi nhau, lúc đó lại cần phải lùi một bước, để hở ra một khoảng cách nhất định, khoảng cách này là hắn, hắn chính là hình ảnh mi khi quay đầu lại để rời bỏ ta.” (Chương 52).

Việc thay đổi ngôi xưng, “tôi”, “ta”, “nàng”, “hắn” kéo theo là những câu chuyện kể riêng biệt của từng cái tôi. Đôi khi tưởng đó là những câu chuyện tách rời của nhiều nhân vật. Đôi khi cảm giác đó lại là những lát cắt của nhiều mặt trong một con người. Điểm xuyết chấm phá thoáng qua nhưng thực chất lại đang vẽ nên chân dung của một số phận, đứng từ nhiều điểm nhìn khác nhau mà thôi.

Cao Hành Kiện từ chối khái niệm “chúng ta”. “Nếu một ngày nào đó ta phải tới bước dùng đến “chúng ta” thì đó sẽ là một dấu hiệu của sự hèn yếu, một sự trống rỗng không thể chịu được ở ta.” (Chương 52); thì Linh Sơn chính là sự khước từ đám đông để giữ lấy tiếng nói tự do của mình.

*

Không gian dịch chuyển và nhân vật phân mảnh chưa đủ để nói về việc có những lúc bám vào câu chữ trong Linh Sơn như bám vào những tảng đá trơn tuột. Trong khi phải phán đoán để tìm mạch của câu chuyện, ta vấp phải một loạt đoạn văn được viết theo một nhịp điệu khác, một cách tìm kiếm sự thể hiện ngôn từ khác, mà để cảm nhận được trọn vẹn, hoặc sẽ phải đọc to lên, hoặc sẽ phải ghi chép lại.

“trời...xám...một vùng nước...cây trụi lá...không một chút mầu xanh... những mô đất....tất cả đen sì...xe cải tiến...chim chóc....đẩy thật lực...không nê kích động...sóng trào từng đợt...sẽ mổ hạt...các cành con thâu suốt...thèm khát da thịt...người ta có thể có tất cả...mưa...đuôi con gà mái...lông vũ nhẹ bỗng...mầu hoa hồng...đêm không đáy...không đến nỗi tồi...gió thoảng...hay đấy...ta biết ơn em...trong cái mầu trắng không hình thù...vài dải ruy băng... cuộn ại...rét...nóng...gió...cúi và chập chờn...” (Chương 77).

Kịch là thể loại mà Cao Hành Kiện rất thành công. Nên trong Linh Sơn, tác giả đã khéo léo lồng kể chuyện về lịch sử, văn hóa, cuộc đời vào những cuộc trò chuyện như trong kịch. Đôi khi đó là những cuộc đối thoại, đôi khi đó là những cuộc độc thoại song hành, cốt chỉ để những câu chuyện có cớ mà tuôn ra. Có chương nhân vật tự trần thuật rồi cũng chính câu chuyện đó được tái hiện một lần nữa dưới hình thức “mi” kể lại cho “nàng”.

Nếu không có đối thoại, những câu chuyện sẽ rời rạc và kém sinh động biết nhường nào. Với hình thức thể hiện này, một lần nữa nhắc nhở chúng ta về nghệ thuật kể chuyện: Truyện hay không hẳn ở chỗ ta kể câu chuyện gì mà quan trọng ta đã kể nó bằng nhịp điệu nào và kể nó như thế nào.

Bàn về ngôn ngữ và văn học, trong diễn văn Nobel văn chương năm 2000, Cao Hành Kiện cũng từng phát biểu: “Có thể nói, rằng tự nói với bản thân là khởi nguồn của văn học, còn dùng ngôn ngữ để truyền thông là thứ yếu. Con người đem cảm xúc và tư tưởng rót vào trong ngôn ngữ, thông qua việc viết, dựa vào văn tự, làm thành văn học.”

Cao Hành Kiện viết Linh Sơn trong 7 năm. Linh Sơn không chỉ là cuốn sách viết về cuộc đời, viết về văn chương, mà còn là cuốn sách mở ra cả một kiến thức đồ sộ về văn hóa, lịch sử, triết học Trung Hoa. Cao Hành Kiện cho biết đã “nghiên cứu lịch sử một cách cẩn thận và chăm chỉ”, “dùng cả những tấm bản đồ cổ để kiểm tra”, “tìm hiểu kỹ các truyện thần thoại về con sông”. Người viết công phu nên người đọc không thể đọc dễ dàng. Khi viết nó, tác giả từng phải đọc to lên những gì mình đã viết, thu âm lại, cảm nhịp điệu và chỉnh sửa lại nhiều lần. Có đoạn, tác giả đóng vai là nhà phê bình, chê trách quyển sách của mình như một sự tự vấn, rồi lại đóng vai nhà văn để giãi bày những trăn trở về nghệ thuật viết, như một sự khẳng định. Linh Sơn ít nhiều sẽ làm thay đổi thói quen của người đọc, khó có thể chỉ đọc một lần. Mỗi lần đọc lại Linh Sơn sẽ như một lần đến thăm lại một vùng đất đã qua, ban đầu chỉ cảm được phong cảnh ngập tràn vào trong tâm hồn, nhưng đến thăm lần hai, lần ba, sẽ là những khám phá đầy tỉ mỉ và sâu lắng.

*

Nhịp điệu trong Linh Sơn, chính là “nhịp điệu của trái tim”, như tác giả từng thừa nhận, nên nghệ thuật tiểu thuyết của Linh Sơn là thứ nghệ thuật không phải cứ gồng mình lên mà có được. Nhân vật trong tiểu thuyết tương tác với con người và cảnh vật; và bên trong là một cái hố sâu thẳm của tâm hồn, kiến thức, trải nghiệm cuộc đời; từ đó bắn tóe ra các dòng suy tưởng, tưởng tượng, liên tưởng. Chúng ta đi theo nó, có cái nắm bắt được, có cái không. Linh Sơn buộc người đọc phải can dự vào câu chuyện bằng chính những kiến thức văn hóa và trải nghiệm nhân sinh của mình; phải tự trả lời những câu hỏi được đặt ra trong cuốn tiểu thuyết này.

Hơn một lần nhân vật hỏi “núi Linh Sơn ở đâu?”, nhưng chẳng ai trả lời chính xác. Những câu hỏi liên tục được tự đặt ra và cuối cùng vẫn chỉ là hư ảo.

“Ta là một kẻ ích kỷ, vĩnh viễn truy tìm một đời sống tâm linh.[...] Mà giác ngộ thấy rồi thì nó dẫn ta đi đâu?” (Chương 35).

“Tuy vậy ta không thể ngăn ta thích nàng được, ta biết đây không phải là tình yêu, nhưng thế nào là tình yêu đây?” (Chương 45).

“Ta luôn đi tìm ý nghĩa nhưng rút cục ý nghĩa là cái gì? Ta có thể ngăn họ khi họ xây con đập làm bia kỷ niệm hoành tráng kia tức là khi phá mất hồi ức của chính bản thân họ không? [...] Và viết thêm hay bớt đi một quyển sách thì cái đó có ý nghĩa gì? Nền văn hóa bị họ phá đi, liệu sẽ có thành thiếu vắng không? Mà con người có thật sự cần đến văn hóa không? Và văn hóa là cái gì?” (Chương 51).

“Nói cho cùng kỷ niệm thời thơ nhỏ là gì? Làm sao ta có thể chứng minh được sự tồn tại của chúng? [...] Mi bất ngờ nhận ra rằng cái tuổi thơ mà mi uổng công tìm kiếm không bắt buộc đã diễn ra tại một nơi nhất định. Cái mà người ta gọi là quê hương chẳng phải cũng là tương tự thế ư?” (Chương 54).

Với những ai từng trăn trở với nhiều câu hỏi trước cuộc đời, Linh Sơn sẽ như tấm gương để người đọc soi vào và tìm thấy bóng dáng mình lẩn khuất trong cuộc hành trình đó. Lòng người như hang động, càng sâu, tiếng vọng càng vang.

*

Cao Hành Kiện từng trả lời phỏng vấn nhà văn Phạm Xuân Nguyên trong một cuộc gặp gỡ tại Pháp năm 2005: “Con người với những vấn đề tồn tại cơ bản của nó, bất kỳ đâu, là điều quan tâm chính của tôi.” (Báo Tuổi trẻ, 4/5/2005). Chính vì quan tâm đến những điều phổ quát cơ bản về con người, nên Linh Sơn tự do ngoài mọi đường biên, dễ dàng chạm tới trái tim của bạn đọc ở mọi quốc gia, mọi nền văn hóa.

Là con người, không thể không tránh khỏi cô đơn và dục vọng. Trong cuộc hành trình của mình, nhân vật nhiều lần phải nén lại dục vọng khi đứng trước phụ nữ. Mặc dù nói tạo ra “nàng” để trò chuyện cho bớt cô đơn, nhưng những lát cắt trong mạch truyện giữa “mi” và “nàng” đã làm nên đầy đủ hành trình của một tình yêu từ lúc ban đầu cho đến khi kết thúc, rất thực, rất đời, không tô hồng, chẳng bóp méo. Những đoạn viết về tình yêu và hoan lạc rất đẹp, rất thơ, rất tinh tế và rung động, thể hiện nỗi khao khát thầm kín bên trong, nhưng đồng thời vẫn muốn kiếm tìm tự do không ràng buộc.

Tự do, luôn đồng nghĩa với cô đơn. Và cô đơn ở đây, là cô đơn đến tận cùng, “không tiếng vọng”.

“Ta cứ ngỡ trong núi luôn có tiếng vọng. Ngay cả tiếng vọng buồn thảm nhất, cô đơn nhất có lẽ cũng hay hơn cái im lặng đáng sợ này.” (Chương 10).

“Em quá cô đơn, em kêu không có tiếng vọng lại, tất cả chung quanh bình lặng.” (Chương 78).

Càng đi sâu vào Linh Sơn, ta chỉ còn thấy bóng dáng cô độc của nhân vật lút dần trong tuyết trắng; với tâm hồn không còn dễ dàng ngân lên những sợi tơ rung động, cảm thương; thấp thoáng sự bàng quan, vô cảm. Này là một chị tâm tình về người bạn gái vì bố là sĩ quan quốc dân đảng mà bị trù dập cả một đời, nhưng anh chẳng bận lòng khi nghe xong. Này là nhặt được một cậu bé bị bỏ rơi dọc đường, đã bế nó đi được một đoạn rồi lại bỏ lại, và chạy trốn khỏi tiếng khóc. Này là những cuộc đối thoại với những người bạn về sách vở, kiểm duyệt và dửng dưng khi nói về xuất bản.

Ta dần thấy sự biến mất của cảnh vật và văn hóa. Cũng như dần thấy sự buông bỏ, buông bỏ tất cả, những gì đã từng thuộc về sự sở hữu, từng ăn vào sâu thẳm tâm hồn, từng trở thành điểm tựa... Này là những phong tục tập quán lâu đời dần biến mất. Này là những con đập sẽ vỡ ra và cuốn trôi cho làng mạc không còn dấu vết. Này là câu chuyện với “nàng” đầy đắm đuối si mê rồi cũng vỡ tan. Này là khao khát dục vọng nhưng cũng bỏ buông. Này là khao khát quê hương mà rồi cũng buông tay và rời xa mãi mãi.

Những cơn cuồng loạn đến, cuốn hút vào trong những nhịp điệu gấp gáp của giọng văn, không còn định hình được không gian, thời gian, rồi, từ từ quay về với những trường đoạn văn nhẹ nhàng êm xuôi, bình lặng, trong vắt, như có thể nghe được “tiếng suối chảy ra từ trong chính trái tim”

Cái giá của tự do luôn là buông bỏ. Chỉ còn cô độc, sẽ nương tựa vào đâu? “Tôi muốn nói, chính vào cái thời làm văn học không thể được đó, tôi mới trọn vẹn nhận thức được điều cốt yếu, ấy là văn học giúp con người bảo trì ý thức làm người” (Báo Tuổi trẻ, 4/5/2005), Cao Hành Kiện chia sẻ.

Khép lại những trang cuối cùng của Linh Sơn, ta cảm thấy mình vừa trải qua một kiếp người. Điều quan trọng còn đọng lại, là cảm giác sâu sắc và thấm thía rằng, nhờ viết tự thân, tác giả đã có nơi nương tựa vững vàng và bền bỉ, trong những tháng năm loạn lạc và tận cùng của mất mát đau thương. Linh Sơn như một minh chứng hùng hồn của việc viết giống như bện những sợi dây để con người từ trong vực thẳm, bóng tối và gông cùm, níu vào vào leo lên đến vùng của ánh sáng và tự do. Viết không mưu cầu, viết trong tự do, viết bằng cả trái tim sẽ luôn là chiếc chìa khóa để mở ra những tầng sâu thăm thẳm nhất và rung động nhất của tâm hồn người đọc trên khắp thế gian này.

S.C (TCSH355/09-2018)

----------------------

* Mọi trích dẫn từ tiểu thuyết Linh Sơn trong bài viết đều có chung nguồn: Linh Sơn, Trần Đĩnh dịch từ tiếng Pháp (ấn bản năm 2000 của Nxb. Aube), Nxb. Phụ Nữ, 2002; 2003.

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, ngày 28.9.2018.

Thông tin truy cập

63662996
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6714
17595
63662996

Thành viên trực tuyến

Đang có 906 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website