(Bài phát biểu của K. Paustovsky nhân kỷ niệm 65 năm ngày sinh của I.Ehrenburg, tháng 1- 1956)
Trong những cuốn sách, những bài bút ký, tùy bút của lya Ehrenburg, chúng ta có thể tìm thấy nhiều ý tưởng rất minh xác, mà phần lớn khá gai góc, chọc giận thiên hạ, lúc thì có thể làm bùng nổ những cuộc tranh cãi, lúc lại như áp đặt người ta phải công nhận, nhưng bao giờ cũng là những gì đúng đắn, hợp quy luật về văn học nói chung và về thực chất công việc sáng tạo của nhà văn nói riêng.
Một trong những chân lý không cần phải tranh cãi như thế là văn học nẩy sinh do nhu cầu nội tại của con người. Chỉ có những ai chịu khuất phục nhu cầu ấy mới có thể sáng tạo ra những tác phẩm bất tử. Nhưng đối với bản thân Ehrenburg, cuộc đời của một nhà văn là quá ít để bộc lộ cho hết cái nhu cầu nội tại ấy; để truyền đạt cho những người xung quanh những trải nghiệm của một cuộc sống quá đặc sắc, quá độc đáo; của tiếng nói con tim và lương tâm ông.
Ehrenburg là một hiện tượng lớn hơn một nhà văn. Ông không chỉ là một nhà văn xuất chúng đã được công chúng thừa nhận; không chỉ là một nhà thơ, nhà báo; một diễn giả, một nhà hùng biện; ông còn là một chiến sỹ kiên định đấu tranh cho hòa bình, một người chiến sỹ quả cảm tả xung hữu đột để bảo vệ nền văn hóa, chống lại mọi đã tâm đen tối, phi nhân tính nhằm cản trở con đường phát triển của nền văn hóa ấy.
Nếu giả như thày phù thủy Khritchian Andersen còn sống, ông ấy có thể viết ra một câu chuyện cổ tích đầy nghiệt ngã về một nhà văn quả cảm đã luống tuổi, luôn luôn nâng niu văn hóa trong lòng hai bàn tay mình, như mang những giọt nước vàng quý giá, vượt qua những cơn chấn động của thời đại, vượt qua năm tháng binh đao, nhiều khổ đau, cố gắng làm sao để không sóng sánh ra ngoài dù một giọt nhỏ. Nhà văn già không cho phép bất cứ một ai làm vấy bẩn những giọt nước đó, bởi vì ông đang mang sự mát mẻ, ẩm ướt tưới tắm cho cuộc sống hạnh phúc của những con bình thường, tốt bụng.
Bảo vệ nền văn hóa của chúng ta, bằng cách ấy Ehrenburg đã bảo vệ nền văn hóa của tương lai, tức bảo vệ những giá trị nhân văn lớn lao để chúng được hiện hữu và sống mãi.
Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào vì I.Ehrenburg là người đồng bào, người đồng thời của chúng ta, với chúng ta. Và như thế, ông hiển nhiên là người mang trong mình những truyền thống của văn học Nga-một nền văn học giàu tính người nhất trên thế giới; một nền văn học đang tồn tại và sẽ mãi mãi tồn tại như một nhân tố thẩm mỹ-tinh thần kết dính bền chắc của những sức mạnh cải hóa khổng lồ.
Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào vì Ehrenburg, chúng ta cám ơn ông và chúng ta muốn ông biết được điều này.
Tiểu sử Ehrenburg đặc biệt phức tạp, đôi khi có nhiều đoạn, nhiều khúc mâu thuẫn với nhau, nhưng tiểu sử ấy luôn luôn có ý nghĩa và rất lý thú, trước hết bởi vì số phận của ông gắn liền với số phận của thế kỷ vĩ đại và đầy âu lo mà ông đã sống trải. Tiểu sử của Ehrenburg –đó, đương nhiên là sự phản chiếu tự nhiên và trực tiếp những thuộc tính bên trong của cuộc đời ông. Chính vì vậy nó thực sự là tiểu sử của một nhà văn. Một nhà văn xứng đáng sẽ tạo nên một tiểu sử xứng đáng và ngược lại, ai có một tiểu sử xứng đáng, trong phần nhiều trường hợp, người đó đều có thể trở thành nhà văn.
Tôi nhớ đến ông thày dạy văn học của mình. Ông đã nói với chúng tôi- những cậu học sinh trung học thành phố Kiev như sau: “Nếu các con muốn trở thành nhà văn, trước hết các con hãy cố gắng trở thành những con người lý thú”.
Tiểu sử của Ehrenburg rất có ý nghĩa ngay cả đối với thế hệ nhà văn già, nhưng chủ yếu nó càng có ý nghĩa quan trọng hơn đối với thế hệ các nhà văn trẻ.
Nhiều người trong chúng lấy làm ngạc nhiên, sửng sốt vì sự đơn điệu, tẻ nhạt trong tiểu sử của một số nhà văn trẻ hiện nay; một sự đơn điệu và tẻ nhạt trái ngược một cách đầy âu lo với toàn bộ những rối rắm, phức tạp của thời đại mà họ đang sống trải.
Cũng như sau Pushkin và Chekhov, không thể nào dùng thứ ngôn ngữ nhạt thếch và lễnh loãng như thứ trà nước hai, nước ba; cũng như sau những cuộc đời của Pushkin, Ghersen, Gorki và của những tác giả đương đại như Maiakovsky, Phedin, Vsevolod Ivanov và Ehrenburg, chúng ta lại có thể sống với văn chương bằng phần đời đơn giản, mới được phác vẽ của một chú bé học trò hoặc của cháu nhỏ chưa cắp sách đến trường.
Đâu rồi những người nối bước các nhà văn lớn? Quả là họ còn ít ỏi. Và ở đâu những người kế nghiệp của Ehrenburg? Thế hệ các nhà văn già sẽ truyền sang tay ai đây tất cả những thành quả, những gì gom tích được; tất cả nhiệt năng đang rừng rực trong tâm hồn, toàn bộ tình yêu và lòng căm thù; toàn bộ sức mạnh có ý thức và tỉnh táo đang dạt dào tuôn chẩy ở đầu ngọn bút của họ?
Những dòng này tôi không gửi tới cho Ehrenburg mà tôi gửi tới giới sáng tác trẻ. Và tôi nghĩ rằng Ehrenburg sẽ hiểu tôi, sẽ tha thứ cho tôi vì sự lạc đề.
Ehrenburg, bằng cuộc đời mình đã khẳng định chân lý này: Hai tiếng nhà văn luôn vang lên đầy kiêu hãnh và cao thượng. Chúng ta, những nhà văn- cả những người già và những người còn trẻ - hãy không bao giờ được quên chân lý này.
Cuộc đời của Ehrenburg thật tuyệt vời hạnh phúc, đáng để chúng ta ghen tỵ. Đáng ghen tị thật chứ – dù viết văn là được làm một công việc đẹp đẽ nhất trên thế gian này, nhưng nó cũng chất lên vai ai đó một gánh nặng, một sự lao động khổ sai, những mối hoài nghi không bao giờ dứt, những đổ vỡ liên tục và những tìm tòi , trăn trở triền miên đến quên ăn quên ngủ. Ấy vậy nhưng không một nhà văn chân chính nào chịu chuyển sang vai người khác những nỗi vất vả, cơ cực trên để tìm lấy sự bình yên, nhàn tản và những tháng ngày vô lo vô nghĩ của những kẻ biếng lười.
Cuộc đời nhà văn của Ehrenburg còn đáng để ghen tị hơn, bởi lẽ trong rất nhiều năm tháng ông không hề chịu ảnh hưởng của bất cứ ai, để đến bây giờ ông có quyền cất tiếng nói riêng của mình với toàn thế giới. Không một lời nào, một dòng chữ nào của ông bị ném vào khoảng không vô tích sự. Tất cả mọi điều ông nói ra, viết ra đều tìm được tiếng đồng vọng trong trái tim của triệu triệu người.
Được bạn đọc và người nghe trong Liên Bang Xô Viết và cả thế giới này thừa nhận- đó là thứ tài sản vàng ròng của Ehrenburg ; là chiến công của ông; là những đỉnh cao ông đã đạt đến trong cuộc đời của mình- những đỉnh cao người ta chỉ bay tới khi không sợ hãi cúi nhìn xuống phía dưới.
Có những điều thoạt nhìn hầu như chẳng có ý nghĩa gì, nhưng nếu quan sát chúng ở những góc độ khác đi một chút, ta bỗng phát hiện ra những mặt kỳ lạ không ngờ.
Có điều gì lạ lẫm đâu ô của sổ sáng đèn của nhà văn đêm đêm ? Xin lỗi Ehrenburg vì trí tưởng tượng yếu ớt của tôi. Nhưng thỉnh thoảng dạo gót trên phố Gorki, đi qua ngôi nhà nơi ông ở, nhìn khung cửa sổ sáng ánh đèn, tôi lập tức tin ngay rằng phía sau khung cửa ấy ông đang thao thức. Ông ngồi đó trong nỗi cô đơn hoàn toàn, giữa sự tĩnh mịch câm điếc của đêm khuya. Ông cầm lên tay cây bút và từ đây, từ căn phòng không ai thèm để ý tới giữa đêm, ông bắt đầu trò chuyện với cả thế giới.
Cái trạng thái yên ổn sinh ra bởi sự cô đơn của nhà văn, để những ý tưởng đang tuôn chẩy dưới ngòi bút chẳng bao lâu sẽ vượt qua cả không gian lẫn thời gian, giúp cho hành tinh này mau mắn nhận dạng một Ilya Ehrenburg. Đây cũng chính là một phần ghen tị của chúng ta đối với ông.
Tôi sẽ không dừng lại ở từng tác phẩm của ông. Những cuốn sách ấy đã quá nổi tiếng. Tôi thích rất nhiều cuốn trong số đó, thậm chí kể cả những cuốn có cảm tưởng bây giờ Ehrenburg không thích nữa.
Tôi thích cuốn “Ngã tư không tù đọng” nhiều ngậm ngùi, nhiều cay đắng của ông, với nhân vật cô gái có tên là Janna Nei mang trái tim nhân hậu. Và cuốn “Khulio Khurennito” ghi lại một thời tuổi trẻ vui tươi, hồn nhiên trong thói đời khắc kỷ. Tôi thích những cuốn sách thuở ban đầu (tương đối ban đầu) trong sáng tác của Ilya Ehrenburg. Và tôi thích cả những bài thơ của ông nữa.
Tôi đọc những trang thơ đầu tiên của Ehrenburg, nếu tôi không nhầm đã xuất hiện trong cuốn sách sớm nhất của ông. Cuốn sách mang tựa đề “Những cây bồ công anh”. Tôi còn nhớ được một số bài thơ trong tập sách mang cái tựa dịu dàng này. Những bài thơ ấy bây giờ vang lên hệt như giọng nói của một thời thơ ấu đã trở nên quá xa xôi:
Anh sẽ kể cho em nghe về tuổi ấu thơ đã qua, về má
Về tấm áo ấm của má ,
Về căn phòng ăn có cắm bình hoa, trên tường treo nhiều chiếc đồng hồ
Và về chú cún con..
Anh sẽ kể cho em nghe mỗi một phút trôi qua, về từng phút
Và về mỗi một ngày trong chuỗi ngày đã sống trải
Anh yêu cuộc đời này, không biết no chán
Anh khẽ chạm vào cuộc đời ấy..
Tôi sinh ra ở Kiev, nhưng vào những năm tháng đó tôi phải lòng một cô gái ở Moskva. Chính vì vậy tôi dễ nhớ những dòng thơ Ehrenburg viết về Moskva:
Sao dịu dàng, sao thân thương đến thế
Tên những con phố Arbat, Dorogomilovo..
Một con đường dài biết bao từ những bài thơ này đến cuốn tiểu thuyết “Ngày thứ hai”, đến “Paris thất thủ”, đến “Cơn bão táp” và “Ấm nóng trở lại”… Đến những bài phóng sự gửi từ mặt trận, những lời lẽ bảo vệ hòa bình, đến kích cỡ rộng lớn trong những hoạt động của Ehrenburg với tư cách nhà thơ và người chiến sỹ.
Với mỗi nhà văn đều có những giây phút để ngẫm ngợi. Từ những giây phút ấy những cuốn sách ra đời. Ý nghĩ lướt qua rất nhanh, nhưng những cuốn sách được chào đời một cách chậm rãi. Chính vì thế suy ngẫm của nhà văn thường nhiều hơn những tác phẩm.
Cũng còn cả đấy một lượng nhiều vô số kể mà tất cả chúng ta- những đọc giả của ông chưa từng biết đến những ý tưởng, những dự định, những hình tượng, những câu chuyện tuyệt vời của ông. Nói giản đơn hơn là những suy nhẫm, dự định chưa được nhà văn đưa vào sách, chưa thể hiện trong những dòng thơ. Thơ hàm xúc hơn, máu thịt hơn, đôi khi chỉ cần một dòng sức nặng cũng ngang ngửa với cả một áng văn xuôi.
Một trong số những suy ngẫm như thế không được thể hiện bằng văn xuôi, tôi đã tìm thấy trong những bài thơ cuối cùng của ông.
Trong những bài thơ ấy dường như mở ra tình yêu được dấu kín của Ehrenburg đối với thiên nhiên. Đặc biệt là những suy ngẫm thật hay của ông về các loài cây- những suy ngẫm rất giản dị nhưng đầy bất ngờ. Và những suy ngẫm về châu Âu. “Một ngôi sao xanh biếc đang bay lượn. Đó là tình yêu của tôi, châu Âu của tôi”.
Tôi không có ý định dừng lại ở những tác phẩm này, khác của Ehrenburg. Dẫu vậy, tôi không thể không nói, cho dù chỉ vài lời về những thiên bút ký lữ hành tuyệt tác của ông.
Ehrenburg – mãi mãi là một lữ khách không hề biết mỏi gối chồn chân. Ông biết rõ từng hòn đá của châu Âu. Tổ quốc thứ hai của ông là Pháp, thành phố trái tim của ông là Paris.
Ehrenburg, hiểu biết nước Pháp, quả là không thua kém Stendhal. Vốn hiểu biết ấy đã trợ giúp cho ông khi nhà văn viết về Pháp, tìm ra những con chữ có một không hai, không thể chính xác hơn, để phác họa lên một bức tranh chính xác, đầy sắc màu hội họa về xứ sở này.
Ông viết về “sự cởi mở đến nghiệt ngã của phong cảnh ở vùng Breton; về vòm trời mờ mịt sương khói; về những cây du và những luồng gió ở các ngã tư đường phố, về những người dân chài; về nỗi sợ hãi ngây thơ, rất đáng yêu của các cô gái vùng Breton vận những tấm áo cổ xưa trước ánh nhìn tò mò của những du khách từ nơi xa tới”.
Chỉ ai đó hiểu biết nước Pháp đến tận chân tơ kẽ tóc mới có thể gọi thành tên cho một tỉnh lẻ của nước Pháp “vừa đơn điệu vừa đầy quyến rũ khiến ta đắm say”; và một nền văn học Pháp được sinh ra từ “những nỗi buồn vang vang thanh âm ở những tỉnh lẻ của nước Pháp”.
Trong những bài phóng sự hành trình của Ehrenburg , nhà văn còn kể cả về Đan Mạch, Đức, Anh, Thụy Điển hoặc Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Tất cả rất cụ thể, đầy yếu tố thị giác, quánh đặc sắc màu; đầy ắp những kiến thức không hề bị nhầm lẫn, bị sai lạc của những gì được thấy tận mắt, được nghe bằng tai, mà lại không thể tìm được trong các cuốn sách khác.
Đọc những bài phóng sự ấy không chỉ được nhìn thấy tất cả mà còn được hít ngửi mùi thơm của những cánh đồng vào mùa trổ hoa, mùi tôm cá của biển cả, mùi vị rất riêng của phố phường.. khiến trong thoáng chốc bạn như am tường hết những gì rất riêng, là đặc thù của xứ sở đó. Điều còn đáng nói hơn, những gì Ehrenburg viết ra, Ehrenburg miêu tả đều ở trên ngọn sóng triều của thời đại.
Tôi sẽ không nói về Paris. Thành phố này hình thành hằn một đề tài cực lớn, cực đẹp trong cuộc sống và trong sáng tác của Ehrenburg. Paris thẩm thấu vào những trang sách của Ehrenburg trong toàn bộ sự yêu kiều, duyên dáng trải qua nhiều thế kỷ của mình; trong sự chuyển dịch của năm tháng và những luồng sáng lung linh.Vâng, Paris tự mang trong nó độ quyến rũ cùng sự giàu có về mặt tinh thần của mọi quốc gia, mọi thời đại.
Hãy tha thứ cho tôi vì sự ngắn gọn và chủ yếu vì sự hỗn độn, không mạch lạc trong những dòng chữ tôi vừa viết ra. Nhưng quả là lời lẽ của con tim khó mà tuân theo logic của cấu trúc.
Mỗi người trong chúng ta đều có thể, có quyền hình dung ra những năm tháng mà trái tim con người ta buồn thắt lại mỗi khi ao ước, mong mỏi. Đó là thời buổi của một thế giới tốt đẹp, ổn định; của sức vóc bỏ ra một cách thơ thới và tuân theo lương tri; một thời buổi mà sự bình yên và hạnh phúc xứng với những vất vả, âu lo con người ta phải chi ra.
Khi nào thời buổi ấy sẽ tới, vầng mặt trời không hề gợn một sợi mây sẽ hiện ra trong một bầu khí quyển tinh khôi, được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi và bạo lực vẫn ngự trị trên trái đất này; lúc đó con người với lòng biết ơn sâu sắc sẽ nhắc nhớ tên tuổi của tất cả những ai đã hiến dâng lao động, tài năng và cuộc đời mình để cái thời buổi chúng ta ước ao, mong chờ ấy xích lại gần.
Trong số những người được kể đến đầu tiên mang tên họ đầy đủ là Ilya Ehrenburg...
TÔ HOÀNG
( từ “Cuốn sách của những năm phiêu lãng” của Constantin Paustovsky)