Dịch hạch của Albert Camus: Câu chuyện dành cho chúng ta và mọi thời đại

Chủ nhân sáng tạo của tiểu thuyết Dịch hạch có thể đã ra đi mãi mãi, nhưng 60 năm sau cái chết của ông, với sự phát sinh của vô vàn những dịch bệnh thuộc kiểu này hay kiểu khác, hiện diện của cuốn sách này vẫn nghiễm nhiên hợp thời và bức thiết.

(Bài viết này được đăng trên Tạp chí The Guardian vào đầu năm 2015, khi đại dịch Ebola bùng phát nghiêm trọng ở Tây Phi. 5 năm sau, năm 2020, vừa đúng 60 năm sau tai nạn của Albert Camus, giữa khung cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Corona, chúng ta cùng đọc lại bài viết này để suy nghĩ về những gì Camus đã mô tả về con người trong những bối cảnh dịch bệnh).

20200225 2

Không nhiều nhà văn đặt để những tác phẩm của họ gần với cái chết như Albert Camus, một trong những nhà tiểu thuyết và tiểu luận vĩ đại nhất của thế kỉ 20, người đã phải chứng kiến sự kết thúc cuộc đời mình trong một tai nạn giao thông cách đây 50 năm trên tuyến đường Lyon-Paris Quốc lộ 6. Trong tất cả những tiểu thuyết mà Camus để lại cho hậu thế, không một cuốn nào miêu tả cuộc chiến đấu và cả cuộc chung sống giữa con người với cái chết một cách cặn kẽ và sinh động cùng một quy mô hoành tráng như trong La Peste, bản dịch tiếng Việt là Dịch hạch. Chúng ta hầu như đọc Dịch hạch khi còn là những thanh thiếu niên, và giờ có lẽ, tất cả ta đều nên đọc lại. Bởi một lần nữa: cuốn sách không chỉ bày biện ra tất cả những động thái ứng xử của loài người trước cái chết, mà ngay lúc này – cùng với những diễn biến của nạn dịch Ebola – tiểu thuyết của Camus đang thực sự trình hiện và đúng trên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Dịch hạch của Camus là câu chuyện kể về một nhóm những người đàn ông tập trung lại để cùng nhau chống lại dịch bệnh. Trong kịch bản đó, chúng ta bắt gặp lòng can đảm, nỗi sợ hãi và cả những tính toán, đắn đo mà ta có thể đã đọc hoặc nghe trong tất cả những tin tức hàng ngày về nỗ lực của Tây Phi đang cố gắng ngăn chặn và chiến đấu với Ebola; thông qua những tự sự của Camus, chúng ta hoàn toàn có thể liên tưởng hình tượng bác sĩ Rieux với hàng trăm những bác sĩ người Cuba ngay lập tức đã lên đường tới vùng “Ground Zero” của dịch bệnh và những người như nữ y tá Schotland đang ngày đêm đấu tranh cho sự sống của chính mình tại bệnh viện Tự do Hoàng gia ở thủ đô London.

Tôi nghĩ Camus hoàn toàn có chủ đích trong việc gợi ra ở tác phẩm của mình những cách hiểu trên cả bề mặt câu chữ và những ngụ ngôn sau đó. Người ta vẫn thường đồng ý rằng, thứ dịch bệnh mà ông miêu tả là một ẩn dụ rõ ràng cho Đệ Tam Quốc xã. Dịch hạch được viết vào năm 1947, khi cả thế giới vẫn đang đắm chìm trong niềm sung sướng sau khi chiến tranh kết thúc và reo vang khẩu hiểu “Never again”, nhưng Camus vẫn không quên nâng cao cảnh giác với người đọc rằng: nạn dịch hạch tiếp theo “sẽ đánh thức đàn chuột của nó một lần nữa” để đổi lấy “sự đổ vỡ và tỉnh ngộ của con người”. Mặt khác, Camus cũng ý thức rất rõ những diễn biến nghiêm trọng của dịch tả châu Phi diễn ra ở vùng Oran, Algeria năm 1849 - bối cảnh khởi sự cuốn tiểu thuyết - và những nạn dịch khác trên chính ngôi làng Mondovi quê hương ông thuộc vùng nội địa Algeria.

Nhưng có những lí do khác khiến tất cả chúng ta nên đọc lại Dịch hạch, tốt nhất là trên bản gốc tiếng Pháp hoặc bản dịch tiếng Anh của Stuart Gilbert, bởi tự nó cũng xứng đáng được công nhận là một tác phẩm văn học. Như mọi tác phẩm có tính chất ngụ ngôn hay biểu tượng, Dịch hạch có thể phát biểu rất nhiều ý tưởng vượt ra ngoài những chủ ý ban đầu của chính nó, bao gồm cả những thứ dịch bệnh thuộc về khía cạnh đạo đức hay những ẩn dụ nằm phía sau cuộc đời của chính Camus. Nhà phê bình John Cruikshank còn cho rằng Dịch hạch phản ánh một cách siêu hình về tình trạng con người bị bỏ rơi ngay trên trái đất này. Những diễn giải sau Dịch hạch có thể dài vô tận tùy thuộc vào mỗi người đọc. Và nhân ngày kỉ niệm sự ra đi của Camus, chúng ta có thể đặt lại một vấn đề rằng: dịch hạch còn nói được với chúng ta điều gì nữa trong thời đại này.

Ngày nay, Dịch hạch có thể kể cho chúng ta nghe câu chuyện về bất cứ kiểu dịch bệnh nào, từ sự “quá liều”, thậm chí phá hoại của những kẻ theo chủ nghĩa vật chất cho đến tốc độ bành trướng chóng mặt của chủ nghĩa tư bản; và nó có thể trở thành hợp lý trong bất cứ một bài luận đương thời nào muốn phân tích lại nó. Tất cả bởi một lẽ: sự phi lý. Xã hội chúng ta đang sống đầy phi lý, và tiểu thuyết của Camus đã dẫn dắt mối quan hệ của chúng ta tới sự phi lý trong sự tồn tại này. Tác phẩm của ông có thể mô tả rất thuyết phục cách mà dịch bệnh sinh nở trong một xã hội mà ở đó, người ta có thể phát trên loa phóng thanh và vẽ ra một khung cảnh cực kì thảm thương về những khu vực nghèo nàn, cằn cỗi, và rồi, hàng nghìn người tình nguyện sẽ lũ lượt tới đó, trên những chiếc thuyền chết chóc và vượt qua những sa mạc địa ngục, chỉ để đi theo tiếng hô hào và những lời hứa vô nghĩa; và cái xã hội đó thậm chí cũng đã phá hủy thứ hằng tố mà nhờ nó, Camus có thể đo được sự bất tử của con người: đó là tự nhiên.

Điểm cốt lõi chi phối tới những ý tưởng hiện sinh của Camus nằm ở những khác biệt giữa quyền lực, vẻ đẹp của tự nhiên và sự hoang phế của tình trạng con người. Ngay từ rất sớm, ông đã thể hiện tình yêu của mình tới biển cả và sa mạc, đồng thời ông nhận ra sự bất tử của con người nằm trong cái ánh sáng đến từ những thứ rộng lớn, kì vĩ và lãnh đạm như vậy.

Một ông trùm khác của chủ nghĩa phi lý thế kỉ 20, đó là Samuel Beckett, người sinh trước Camus 7 năm nhưng cùng tham gia cuộc kháng chiến của Pháp khi quân đội Đức chiếm đóng đất nước này. Trong vở kịch Happy Days (Những ngày tươi đẹp) của Beckett, nhân vật Winne đã chiêm nghiệm được một điều rằng: “Đôi khi, tất cả đã xong xuôi để hết một ngày, tất cả đều đã được hoàn thành, tất cả đều đã được nói, tất cả đều đã sẵn sàng để tới đêm, và ngày lại không kết thúc, còn lâu nữa mới kết thúc, và đêm lại chưa sẵn sàng, còn lâu nữa mới sẵn sàng.” Ở đây, cũng như trong vở Chờ đợi Godot, tồn tại của con người thực ra chẳng có mục đích gì cả.

Tuy nhiên, trong Dịch hạch, phi lý là cội nguồn của giá trị, những giá trị và thậm chí là hành động. Nhóm những người đàn ông xoay quanh tự sự của Camus, có cảm giác như, chính họ đại diện cho tất cả những phản ứng có thể của con người trước tai ương. Mỗi người trong số họ kể câu chuyện của chính mình, kể cả là bác sĩ Rieux – người kể chuyện giấu mặt – đang chiến đấu với dịch bệnh ngay trong chính công việc và những liều thuốc của mình, giống như cách mà Camus bằng chính sự lao động ngôn từ của mình đang cố gắng chống lại, trước hết là sự bất công, sau đó là chủ nghĩa phát xít.

Điểm khác biệt của Beckett nằm ở đây: như cái cách mà tay thám tử, kẻ săn đuổi Molloy của Beckets đã tường thuật: “Rồi tôi trở về nhà và viết. Bây giờ là nửa đêm. Mưa xối xả ngoài ô cửa sổ. Lúc đó không phải nửa đêm. Lúc đó không mưa.”, bản thân những lời tường thuật tự phủ định chính nó. Nhưng những nhân vật của Camus trong Dịch hạch thì làm công việc minh họa cho điều này, cho dù họ hiểu rõ sự bất lực của mình trước dịch bệnh, họ vẫn đương đầu trực diện với nó, và chính điều này tự nó đã là một giá trị. Khi Camus nhận giải thưởng Nobel văn chương vào năm 1957, ông đã có một bài diễn thuyết tuyệt vời đầy khích lệ để khẳng định rằng: đây vừa là danh dự vừa là trọng trách của nhà văn, rằng họ cần “làm được nhiều thêm nữa, hơn chỉ là viết.”

Camus không hề tách bạch sự trống rỗng nắm mạch nguồn trong Người xa lạ và những nỗ lực nhiệt thành trong Dịch hạch. Ông từng một lần viết về “rượu vang của phi lý cùng bánh mì của sự lãnh đạm sẽ luôn nuôi dưỡng cái vĩ đại (của con người)”. Những bất lực trước sự phi lý không phải lí do để ta không hành động; Camus, với tất cả những cảm thức sâu nhất về phi lý, luôn kêu gọi chúng ta phải hành động.

Nhưng trong tự nhiên, không tồn tại một lãnh địa luân lý cho con người. Khoảng cách giữa quyền lực và vẻ đẹp của tự nhiên hiện diện như mội nỗi giày vò khổ sở: trong tiểu thuyết quy mô lớn đầu tiên của Camus, La Mort Heureuse (tạm dịch: Cái chết hạnh phúc), nhân vật Mersault đã từng đắm chìm vào những suy tư về “vẻ đẹp phi nhân của một buổi sáng tháng Tư”. Còn đối với nhân vật phản anh hùng Meursault trong Người xa lạ, với cái tên chỉ nhiều hơn Mersault một kí tự và bước ra từ một kiệt tác phức tạp và nhiều tham vọng hơn sau đó: y là một kẻ với hàng tá những câu hỏi mà không có câu trả lời. Y suy ngẫm về việc mình đã giết một người Ả Rập trên bãi biển, rằng: “Tôi hiểu là mình vừa vĩnh viễn phá hủy đi sự hài hòa của ngày hôm nay.”

Nhưng tại sao Dịch hạch vẫn là tiếng nói bức thiết với chúng ta ở thời điểm này? Từ rất sớm, Camus đã viết trong một tiểu luận mang tên Sa mạc của mình về một thứ chủ nghĩa duy vật khó ưa. Đó như là sự tiên tri và cảnh báo cho chúng ta của hiện tại, giữa một thế giới gánh một thứ chủ nghĩa vật chất nặng nề và nguy hiểm như một dịch bệnh. Mọi thứ chúng ta đang làm trong guồng quay chóng mặt của một thời đại tư bản, cùng với sự tàn phá thiên nhiên, đang “phá hủy đi sự hài hòa của ngày hôm nay”.

Trong tác phẩm giả tưởng của Camus, tất cả những gì chúng ta nghe được dội về từ phía các nhà chức trách và bộ máy chính quyền trong suốt thời kì bệnh dịch tại Oran là: “Không có con chuột nào trong khu nhà này cả”, ông lão gác cổng cũng một mực khăng khăng điều đó trong khi những con chuột chết ngay quanh chân ông. Truyền thông, báo chí thì cố gắng trấn an dân chúng bằng những tin tức rằng dịch bệnh đã hoàn toàn được kiểm soát trong khi thực tế thì không hề như vậy.

Camus cung cấp cho chúng ta một cách để từ bỏ những chất vấn vô nghĩa lý trong tất cả chúng ta về chính bản thân mình, nhưng mặt khác, ông trao cho người đọc một con đường để dẫu có từ bỏ đặt câu hỏi, ta vẫn tiếp tục chiến đấu: vì vài thứ công lý, luân lý nhập nhằng, mù mờ, không rõ ràng mà ta chẳng thể nêu định nghĩa. Trong đoạn kết của Dịch hạch, bác sĩ Rieux, sau khi đón nhận tin vợ mình đã chết vì bệnh nặng tại một khu vực khác không hề liên can đến dịch bệnh, anh đứng ngắm nhìn khung cảnh những người trong gia đình và những người yêu của nhau sum họp tại nơi mà cánh cổng của Oran cuối cùng cũng đã được mở. Anh tự hỏi, sau quá nhiều những chịu đựng và đấu tranh vô nghĩa, ai còn có thể tìm thấy trong tâm trí mình sự yên bình hay cảm giác trọn vẹn khi mà những hi vọng đã không còn, rồi anh nhận ra rằng, có, điều đó có lẽ vẫn có thể, cho “những ai hiểu được rằng, nếu có một điều người ta luôn luôn mong ước và đôi khi đạt tới được, thì đó chính là tình yêu của con người.”

Đó là những người bằng lòng với những giới hạn của số phận và tình yêu nhỏ bé, khiêm nhường nhưng dữ dội của chính họ, đó là những người mà “nên dấn thân vào, nếu chỉ còn lúc này và một lần nữa, để đón lấy phần thưởng của mình”. Rieux chỉ vừa kịp nhận ra những điều này cách đó một vài dòng, ngay trước khi anh viết chúng xuống. Anh viết: “Nhưng đối với tất cả những ai muốn vượt lên trên con người để tìm kiếm một cái gì đó mà chính bản thân họ cũng không hình dung nổi, thì họ sẽ không thể có được câu trả lời”.

Không một câu trả lời. Thậm chí không một dòng mô tả nào gợi dẫn xem nó có thể là thứ gì. Nhưng những câu hỏi ủ ê và dằn vặt đòi hỏi chúng ta phải đi tìm và đưa ra một câu trả lời xem đó là gì, cho dù chúng ta đã sớm từ chối một định nghĩa cụ thể. Sự vô nghĩa, nhưng lại là thứ chắc chắn phải có mặt; có ý thức chính trị với một tấm bằng, nhưng lại hoàn toàn không thể có kiên nhẫn với cả hệ thống chính trị; luân lý, đạo đức tồn tại như là nghiễm nhiên, nhưng chẳng hề dễ dàng – và đối với mối nối kết quan trọng với cái kì vĩ, lớn lao của tự nhiên, thứ mà nhờ đó sự bất tử của con người có thể đong đếm được, thì chúng ta đang giết nó đi, từng ngày.

Đó là một vài thứ để chúng ta cùng suy nghĩ sâu hơn, khởi phát khi tôi lái xe vào ngày Chủ nhật cùng một chút lo âu trong cái ngày giỗ đặc biệt này của Camus, trên tuyến đường giờ là Quốc lộ 6 nối giữa Lyon và Paris, qua Villeblevin, nơi chiếc xe thể thao Facel Vega do người bạn của ông, Michel Gallimard điều khiển và khiến cả hai người đàn ông trên xe cùng tử nạn.

KIỀU CHINH theo Ed Vulliamy, tạp chí The Guardian

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 19.02.2020.

Thông tin truy cập

63662168
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5886
17595
63662168

Thành viên trực tuyến

Đang có 1092 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website