TTCT - Roberto Bolaño, người được giới phê bình tụng xưng là tiểu thuyết gia Mỹ Latin quan trọng nhất kể từ Gabriel García Márquez, trong cuộc phỏng vấn cuối đời đã tâm sự: “Tôi mà làm thanh tra điều tra các vụ giết người thì còn giỏi hơn nhà văn rất nhiều”.
Cái ác và những hệ lụy của nó trở đi trở lại trong các tác phẩm của tác gia từng bị cầm tù trong vụ đảo chính Chile năm 1973 này, được tập trung khai thác trong tập đại thành 2666.
Ảnh: Zét Nguyễn
Cũng chính Bolaño, trong buổi ra mắt tiểu thuyết thứ hai Estrella distante (Distant Star), khi bình luận về chủ đề bạo lực trong tác phẩm của mình đã phát biểu rằng “bạo lực là một thứ thuốc gây nghiện nặng”.
Được ấp ủ trong suốt nhiều năm, 2666 luôn được Bolaño khoe khoang là cuốn “tiểu thuyết dày dặn nhất trên thế giới”. Quả có thế, dày gần 900 trang, cuốn sách viết về những sự kiện trải dài cả thế kỷ, về những nơi chốn khắp toàn cầu, về những miên man xác chết của hàng loạt địa ngục xổng chuồng. 2666 là nơi thanh tra Bolaño trong lốt nhà văn dựng lên một cuốn tiểu thuyết điều tra phản thông thường trong một thế giới tận thế không biết bao giờ kết thúc.
Từng bước tiến về trung tâm tội ác
“Mỗi lần bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết, tôi có sẵn trong đầu một cấu trúc cực kỳ tỉ mỉ” - Bolaño nói trong cuộc phỏng vấn với Héctor Soto và Matías Bravo. Người luôn cho rằng nếu không có cấu trúc hay hình thức thì không có tác phẩm như Bolaño lại có sản phẩm là 2666 đầy lỏng lẻo trong kết cấu với năm chương kể những chuyện hoàn toàn khác biệt.
Không chỉ các chương bị đứt kết nối, toàn bộ hệ thống nhân vật của 2666 xuất hiện rồi một đi không trở lại trong hàng loạt câu chuyện phụ đan cài trong câu chuyện chính. Sự biến ảo của nhân vật còn được hỗ trợ thêm bởi sự đa dạng của lối viết: mỗi phần của 2666 dường như được viết bằng một phong cách khác nhau. Sự độc đáo của 2666, chính vì thế, nằm ở chỗ: ta có thể đọc nó như một tiểu thuyết mà các chương cấu thành là những vòng tròn giao nhau ở những điểm nhất định mà mỗi phần như bóc tách được một chút các thông tin cốt yếu. Rồi đột ngột, nó đẩy ta vào câu chuyện chính.
2666 bắt đầu bằng bốn nhà phê bình (ba nam, một nữ) người Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh tình cờ đọc rồi nghiên cứu các tác phẩm của nhà văn Đức Benno von Archimboldi. Họ hội ngộ lần đầu năm 1994 ở một hội nghị văn học nơi niềm đam mê văn chương chắp cánh cho tình bạn mà hẳn rồi sẽ là cả tình yêu và rất nhiều tình dục. Phần đầu của 2666 được viết như một tác phẩm giễu nhại đầy trào phúng về bộ tứ phê bình gia truy đuổi tác giả huyền thoại biệt tích đã đưa cho độc giả những từ khóa quan trọng: một ông già người Đức, độ tuổi 80, cao lênh khênh, và Santa Teresa…
Phần hai đem đến cho độc giả nhiều thông tin hơn, độ căng thẳng cũng bắt đầu được gia tăng, kể về Amalfitano, một giáo sư triết học, vừa chuyển đến Santa Teresa vào năm 2001, với cô con gái xinh đẹp. Trong khi tưởng mình dần điên loạn do nghe thấy các giọng nói trong đầu, trên thực tế Amalfitano đang lo phát ốm vì cái không khí tội ác dày đặc vây hãm cô con gái 17 tuổi của mình. Phần hai, hiện lên như một chiêm nghiệm hiện sinh đầy kỳ quặc, cung cấp cho độc giả thêm vài manh mối nữa: thành phố bị nguyền rủa, những tội ác với phụ nữ, chiếc xe hơi màu đen lấp ló.
Phần ba của 2666 tung ra thêm lượng thông tin lớn để chuẩn bị cho độc giả một cú knock-out: năm 2001, phóng viên Oscar Fate người Mỹ ở New York được giao nhiệm vụ tới Santa Teresa viết bài tường thuật một buổi đấu quyền anh. Ở đấy anh đã được nghe kể về các vụ phụ nữ bị giết, gặp một nữ nhà báo, đi cùng cô tới nhà tù giam giữ kẻ bị cho là thủ phạm. Phần ba được viết như một tiểu thuyết giật gân nơi nhân vật chính tình cờ dấn thân vào vũng lầy tội ác mà vào phút cuối thủ phạm vừa ló dạng đã hết chương.
Ba chương đầu của 2666 đóng vai trò phần rìa của địa ngục nơi độc giả như lật từng trang của một tiểu thuyết trinh thám cổ điển mà nhích dần theo từng chỉ dấu được cung cấp. Santa Teresa dần hiện rõ không phải là một nơi dễ chịu. Và đó là năm 2001.
Gớm guốc, Địa ngục, Chết chóc bằng giọng thản nhiên
Trong bài tiểu luận về nhiếp ảnh gia Sergio Larraín, Bolaño cho rằng cái nhìn của Larraín là một tấm gương đâm cành rẽ nhánh có khả năng khơi gợi những ẩn ý qua một bức ảnh. Qua ống kính Larraín, cảnh một hàng người đợi xe buýt ở London bị phủ bóng bởi những dự cảm gớm guốc như địa ngục. Ấy vậy mà tất cả những chết chóc ấy hiện lên trong ảnh được nói bằng một thứ giọng đầy tông thản nhiên.
Bức ảnh chụp quảng trường Trafalgar (London, Anh) 1958-1959 của Sergio Larrain - nhiếp ảnh gia mà Bolãno yêu thích |
Cách Bolaño bình luận về nhiếp ảnh của Larraín cũng chính là cách mà ông dùng lăng kính của mình để nhìn thế giới của hiện tại và quá khứ, như thể sự đồng hiện diện của cái ác và cái thường nhật trong mỗi khung hình, trong mỗi lát cắt lịch sử, chính là thứ mà Bolaño hướng tới. Phần bốn của 2666 xộc thẳng vào địa ngục, nơi những cảnh sinh hoạt thường ngày hòa trộn với các vụ giết người hàng loạt. Những từ khóa mà độc giả được hé lộ trước đó và năm 2001 giờ đây được đắp da đắp thịt để trở thành một loạt câu chuyện đầy những cảnh tượng kinh hoàng, và mốc thời gian thì bị đẩy về 8 năm trước.
Xác chết của bé gái đầu tiên xuất hiện vào năm 1993 đứng đầu danh sách những vụ phụ nữ và bé gái bị giết trong những năm 1990 ở Santa Teresa. Đến lúc phần bốn kết thúc, vào năm 1997, có tổng cộng 108 xác chết.
Nếu ba chương trước Bolaño sử dụng thể loại văn tự sự kể chuyện đổi từ giễu nhại sang tâm lý trần thuật sang hình sự trinh thám, thì ở phần bốn bật lên phong cách phi hư cấu sáng tạo. Bằng giọng văn lạnh lùng mang tính tài liệu, Bolaño đã viết một biên bản tường thuật dài 270 trang (chương dài nhất) về các vụ án mạng mà nạn nhân là các phụ nữ và bé gái.
Bản liệt kê, như của giám định pháp y và tòa án, lần lượt đi vào chi tiết các nạn nhân: nơi chốn và ngày tháng tìm thấy xác chết, tuổi, miêu tả quần áo nạn nhân mặc, tóc tai, nguyên nhân cái chết. Hầu hết các cô gái trẻ, để tóc dài, ngoại hình ưa nhìn, là công nhân các nhà máy lắp ráp. Hầu hết chết vì bị gãy xương móng. Hầu hết bị hãm hiếp. Xác họ bị vứt ở bãi rác, ở sa mạc, hoặc bất cứ chỗ nào thuận tiện.
Hàng loạt chi tiết rùng rợn tràn ra trên mặt giấy trong suốt hơn hai trăm trang liền của thứ văn chương viết theo lối siêu - hiện thực, tác dụng của nó hẳn nhiên sẽ là gây tê liệt. Độc giả chết lặng vì giờ đây không còn những từ khóa nhỏ giọt mà là ngồn ngộn những thông tin, những chỉ dấu, lẫn lộn với nhau, chỉ về mọi hướng mà không chỉ tới một thủ phạm nào. Chúng phơi bày ra trên trang giấy sự bất lực và sợ sệt đến khốn quẫn của những gia đình nghèo có con gái trẻ. Chúng tố cáo sự bàng quan và thúc thủ của giới quan chức thành phố. Chúng làm các gương mặt nạn nhân lẫn vào nhau trong một nghĩa địa dày đặc bạo lực kinh hồn táng đởm. Cảm giác tê liệt kéo dài cho đến tận phút chót, dù kẻ được cho là thủ phạm là Klaus Haas, bị bắt từ năm 1995. Độc giả sẽ lại được ấn vào tay thêm một vài từ khóa mới như nông trại ma túy, xe Peregrino màu đen, và những ông lớn của Santa Teresa, chỉ để sau rốt nhận một cú hết chương đầy đột ngột.
Phần bốn của 2666 kết thúc mà không đưa ra một hung thủ cụ thể nào. Độc giả giờ đây có lẽ đã ngộ ra mình đang đọc một cuốn tiểu thuyết phản trinh thám nơi mọi tìm kiếm có khả năng đều rơi vào vô vọng.
Tận thế tiếp diễn
Phần năm về chính cuộc đời của nhà văn Benno von Archimboldi càng không giúp độc giả thoát khỏi cảm giác bị phủ định. Viết theo thể loại Bildungsroman (*), Bolaño lần theo sự phát triển từ thuở ấu thơ tới trưởng thành của Hans Reiter, cậu bé người Phổ sinh năm 1920 thích bơi lội, lớn lên đăng lính đi chiến đấu cho phát xít rồi giải ngũ trở thành nhà văn.
Bolaño chết khi chưa kịp kết tác phẩm của mình. Ông chỉ kịp kết nối để ông già người Đức lênh khênh như một người khổng lồ đi đến Santa Teresa và để lại chỉ dấu cho các nhà phê bình lao theo ông trong một cuộc tìm kiếm vô vọng. Chúng ta đã đi hết một vòng.
Bolaño, một nhà văn được coi là thiết tha với “sự bệnh hoạn đạo đức của thời đại”, một người hâm mộ Charles Baudelaire nhiệt thành, đã chọn câu thơ “Một ốc đảo kinh hoàng giữa một sa mạc buồn chán” trong bài thơ La Voyage của tập Những bông hoa ác của Baudelaire làm đề từ. Trong bài giảng “Văn chương + Bệnh tật = Bệnh tật”, Bolaño viết rằng câu thơ ấy còn hơn cả đủ, bởi “không có một lời chẩn đoán nào sáng sủa hơn cho căn bệnh của con người hiện đại. Để thoát khỏi buồn chán, để thoát khỏi bế tắc, tất cả những gì chúng ta có ngay trong tay mình, mặc dù cũng không hẳn là có ngay trong tay bởi vì ngay cả ở đây thì vẫn cần phải nỗ lực, là kinh hoảng, hay nói cách khác, cái ác”.
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự giống nhau giữa bài thơ La Voyage và 2666: cùng kể lại hành trình khát khao khám phá để rồi chứng kiến hàng loạt tội ác. Ốc đảo kinh hoàng không chỉ tồn tại ở một nơi chốn như Santa Teresa, nó còn tồn tại khắp nơi hồi Thế chiến thứ hai, mà cụ thể là nơi mà người bạn tù của Hans Reiter đã dửng dưng giải quyết gọn những người Do Thái bị gửi nhầm, là lâu đài Romania mà dưới đất toàn xương. Ốc đảo kinh hoàng còn là thời hiện đại với những chiếc xe hơi đen lấp ló ngoài cửa nhà, là những cú đạp khiến anh lái taxi người Pakistan ộc máu ra mũi miệng tai.
Vậy điểm neo đậu trong cái kết cấu tưởng lỏng lẻo mà lại bao trùm của 2666 chính là cái không khí mà 2666 tạo nên: đời sống ngày thường với cái ác hiển hiện hay ẩn giấu đều nằm cạnh nhau nơi tất cả rồi sẽ chóng vánh biến mất. Ngược với cái niềm tin rằng tận thế ập tới và ta biết cuộc đời sắp kết thúc, 2666 gợi ra rằng ta không thể nào biết tận thế chấm dứt vào lúc nào. Bởi cái kinh khủng hơn sẽ là: (những) tận thế tiếp diễn, ngay trong đời sống thường nhật, và ta không có cách nào thoát khỏi nó. Bolaño muốn độc giả thấy gì qua 2666, phải chăng là,
“Từ đầu đến cuối chiếc thang chết chóc
Cảnh tượng tội lỗi bất diệt chán ngắt”. ■
Zét Nguyễn
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 21.4.2020.
------
(*): Trong phê bình văn học, Bildungsroman là một thể loại văn học tập trung dõi theo sự phát triển tinh thần, đạo đức, tâm lý hay xã hội của nhân vật chính, thường bắt đầu từ tuổi thơ ấu, với những thay đổi theo từng mốc cuộc đời.