Đọc Kafka

Có lẽ Kafka muốn tiêu hủy tác phẩm của mình, vì chúng dường như với nhà văn tất sẽ làm tăng lên sự hiểu nhầm chung.

20200814 2
Ảnh: internet

Khi chúng ta thấy sự hỗn loạn mà trong đó tác phẩm này đến với chúng ta - cái được lộ ra cho chúng ta, cái bị giấu đi, những mảnh sáng rời rạc được rọi lên đoạn này hay đoạn kia, một số văn bản, trước tiên chưa hoàn chỉnh, bị tách vỡ thậm chí còn nhiều hơn, và bị phá hủy, như thể chúng là những di vật mà quyền lực của chúng bất khả phân - khi chúng ta thấy tác phẩm câm lặng của nhà văn bị xâm chiếm bởi lời bàn tán của những nhà phê bình, những cuốn sách chưa được xuất bản này khiến những cuốn sách đã được xuất bản liên tu bất tận, trở thành những chủ đề tranh cãi, cái sinh vật không tuổi này biến thành một cước chú cho lịch sử, chúng ta bắt đầu tự hỏi liệu chính Kafka đã nhìn thấy trước cái thảm họa cỡ đấy trong nỗi hân hoan tương xứng. Có lẽ ước mong của nhà văn là biến mất, một cách kín đáo, như một kẻ bí ẩn muốn tránh bị nhận ra. Nhưng sự khiêm nhường này mang ông đến công chúng, cái bí mật này khiến ông nổi danh. Giờ đây bí ẩn này phát tán khắp nơi, nó giữa thanh thiên bạch nhật, là một chốn giải trí. Ta phải làm gì đây?

Kafka chỉ muốn là nhà văn, cuốn Những Trang Nhật Ký đã cho ta thấy, nhưng Những Trang Nhật Ký còn chỉ ta biết trong Kafka có gì đó vượt hơn cả một nhà văn; chúng đặt nặng một người sống hơn là một người viết: từ đó về sau, anh ta [cái người sống ấy] là người chúng ta tìm kiếm trong tác phẩm của nhà văn. Cuốn sách này tạo nên những mẩu lưa thưa còn lại của một tồn tại giúp chúng ta hiểu ra, bằng chứng vô giá của một định mệnh ngoại lệ mà, nếu không có nó, sẽ tiếp tục vô hình. Điều lạ lùng về những cuốn sách như Vụ Án  Lâu Đài là chúng không ngừng đưa ta trở lại với sự thật ngoài văn chương, trong khi đó chúng ta bắt đầu phản bội sự thật đó ngay khi nó kéo chúng ta khỏi văn chương, cái mà, tuy nhiên, nó không thể bị nhầm lẫn.

Nhưng xu hướng này không thể tránh khỏi. Tất cả các nhà bình luận yêu cầu chúng ta tìm kiếm những câu chuyện trong những câu chuyện này: những sự kiện chỉ biểu thị chính bản thân chúng, viên thanh tra quả thực là một viên thanh tra. Đừng thay thế “cấu trúc biện chứng cho diễn biến của những sự kiện nên được xem như một câu chuyện thực sự.” Nhưng một vài trang sau người ta có thể “tìm thấy trong tác phẩm của Kafka một lý thuyết về trách nhiệm, những quan điểm về nhân quả, cuối cùng là một diễn giải một cách toàn vẹn về định mệnh con người, tất cả ba điều đó đủ độc lập và thống nhất một cách thích đáng về hình thức tiểu thuyết của chúng để có thể chuyển thành những thuật ngữ tinh thần thuần túy” (Claude-Edmonde Magny, The Sandals of Em- pedocles). Mâu thuẫn này có thể có vẻ lạ lùng. Và thực sự là những cuốn sách này thường được diễn giải với một thái độ quả quyết, trong sự khinh thị thấy rõ đối với phẩm tính nghệ thuật của chúng. Nhưng cũng đúng là chính Kafka đã làm gương bằng cách dẫn giải, đôi khi, về những câu chuyện của mình và cố gắng minh bạch ý nghĩa của chúng. Sự khác nhau là ngoại trừ một vài chi tiết mà sự tiến triển của nó, chứ không phải ý nghĩa, ông giải thích cho chúng ta, ông không đưa câu chuyện đến một mức độ có thể khiến nó dễ hiểu hơn với chúng ta: ngôn ngữ diễn giải của ông tự chìm vào trong hư cấu và không thể phân biệt được với nó.

Cuốn Những Trang Nhật Ký đầy rẫy những nhận xét dường như gắn với một tri thức thuần túy dễ bị nhận ra. Nhưng những tư tưởng này vẫn xa lạ với sự khái quát hóa, mà từ đó chúng hình thành: chúng ở đó như thể lưu đày, chúng rơi trở lại phong cách mơ hồ không cho phép chúng được hiểu, hoặc như biểu hiện của một sự kiện đơn lẻ, hoặc như một diễn giải về sự thật phổ quát. Cách nghĩ của Kafka không tuân theo một luật lệ có hiệu lực đồng đều, nhưng cũng không đơn giản đề cập đến một sự kiện cụ thể nào trong cuộc đời của ông. Suy tư của ông lướt đi giữa hai dòng chảy này. Ngay khi chúng trở thành bản sao của một loạt những sự kiện thực sự xảy ra (như trường hợp trong nhật ký), chúng rời đi mà không sao nhận thấy để đi tìm ý nghĩa của những sự kiện này, chúng muốn tiếp tục theo đuổi. Rồi tự sự bắt đầu hòa lẫn với sự diễn giải nó, nhưng nó không phải một giải thích, nó không chạm tới mức đáng lẽ ra là một giải thích; và, quan trọng hơn, nó không thành công trong việc vượt qua sự giải thích ấy. Như thể nó bị lôi kéo, bằng trọng lực của chính mình, về phía cái đặc thù mà đặc tính khép kín [của đặc thù này] nó phải phá vỡ: ý nghĩa mà nó khởi sự, quẩn quanh những sự kiện, nó là một giải thích chỉ khi nó tự giải phóng mình khỏi chúng, nhưng nó là một giải thích chỉ khi nó không thể tách khỏi chúng. Những lang thang không ngừng của tư tưởng, những khởi đầu mới của nó thình lình rời bỏ cái hình ảnh phá vỡ sự trầm tư ấy, sự chính xác chi ly của tranh luận được gắn vào một khách thể không tồn tại, tạo nên một phong cách suy nghĩ giả dạng một khái quát hóa nhưng được tư tưởng chỉ khi mắc kẹt trong sự dày đặc của một thế giới bị rút gọn thành tình thế duy biệt.

Mme. Magny lưu ý rằng Kafka không viết một sáo ngữ, không phải do sự tinh túy cực độ của trí tuệ mà vì một kiểu thờ ơ bẩm sinh với những ý tưởng số đông coi là đúng. Cách nghĩ của ông thực ra hơi vô vị, nhưng là bởi nó không phải hoàn toàn là tư tưởng. Nó là độc nhất, có nghĩa nó chính xác thuộc về một cá thể. Nó hoài công dùng những ngôn từ trừu tượng, như tích cực, tiêu cực, tốt, xấu; nó giống một câu chuyện hoàn toàn cá nhân mà những sự kiện của nó có thể là những sự kiện mơ hồ, chưa bao giờ xảy ra, sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa. Kafka, trong những nỗ lực ở thể loại tự truyện, tự miêu tả mình như toàn bộ những đặc thù, đôi khi bí ẩn, đôi khi rõ ràng, không ngừng ném mình vào quy tắc ấy, và không thành công trong việc khiến mình được nhận diện hoặc bị kìm giữ lại. Kierkeggard đi sâu hơn vào xung đột này, nhưng Kierkeggard đứng về phía của bí mật, trong khi Kafka không thể đứng về phía nào cả. Nếu nhà văn giấu đi những điều kỳ lạ về mình, ông ghét cả bản thân và định mệnh mình, và tự xem mình như xấu xa hay đáng ghê tởm; nếu ông khiến bí mật của mình thành công khai, bí mật không được nhận ra bởi cộng đồng, [nó] trả bí mật lại cho ông, ấn cái bí mật ấy vào ông một lần nữa.

Ngụ ngôn, biểu tượng, hư cấu hoang đường mà sự nở rộ phi thường của những tác phẩm của ông thể hiện cho chúng ta, được tạo sinh một cách không thể tránh khỏi trong Kafka bởi bản chất tư tưởng của ông. Nó chòng chành giữa hai cực của cô độc và luật lệ, giữa im lặng và những lời nói hàng ngày. Nó không thể đến được đầu này hay đầu kia, và cái chòng chành này cũng là một nỗ lực để thoát khỏi sự chòng chành. Suy nghĩ của ông không thể thảnh thơi trong sự khái quát hóa, nhưng dù nó có phàn nàn đôi khi về sự điên rồ và sự giam hãm của nó, nó cũng phải là một cô độc tuyệt đối, vì nó phát ngôn về sự cô độc này; nó không phải vô-nghĩa, vì nó có cái vô-nghĩa này cho ý nghĩa của nó; nó không nằm ngoài luật lệ, vì luật lệ của nó là sự trục xuất này đồng thời là sự hòa giải của nó. Người ta có thể nói tới sự phi lý mà qua [danh từ này] người ta cố gắng đánh giá cái suy nghĩ của chính nhà văn về con rận: “Chỉ cố gắng khiến con rận hiểu anh nói gì - Nếu anh hỏi được nó mục đích công việc của nó, anh sẽ ngay lập tức tiêu diệt cả quốc gia rận.” Ngay khi ý nghĩ gặp gỡ cái phi lý, cuộc gặp gỡ này báo hiệu sự kết thúc của cái phi lý.

Bởi vậy tất thảy tác phẩm của Kafka được xem là nói về thứ gì đó độc nhất trong khi đó chúng dường như chỉ diễn tả ý nghĩa chung chung của nó. Trần thuật được cho là biến thành một loạt những sự kiện phi lí và khó hiểu, và cái ý nghĩa ám ảnh trần thuật chính là cái ý nghĩ tự đuổi theo mình băng qua cái khó hiểu, giống như tri giác thông thường [common sense], cái đã xóa bỏ nó. Bất cứ ai kiên nhẫn với truyện ngắn sẽ thấu hiểu sự mờ tối mà ông không hiểu, trong khi bất cứ ai bám vào ý nghĩa sẽ không thể trở lại bóng tối mà ý nghĩa là đèn cảnh báo của nó. Hai người đọc này có thể không bao giờ gặp gỡ; chúng ta là người này, rồi là người kia, chúng ta lúc nào cũng hiểu nhiều hơn hoặc ít hơn cần thiết. Sự đọc đích thực vẫn là một bất khả.

Bất cứ ai đọc Kafka bởi vậy bị ép buộc biến thành kẻ nói dối, nhưng không phải một kẻ dối trá hoàn toàn. Điều này trở thành nỗi bất an thuộc về riêng nghệ thuật Kafka, một nỗi bất an không nghi ngờ gì nữa mạnh mẽ hơn nỗi thống khổ do định mệnh của chúng ta, cái mà thường có vẻ như là chủ đề của nghệ thuật Kafka. Chúng ta trải qua một kinh nghiệm trực tiếp của sự lừa đảo mà ta nghĩ mình có thể tránh được, chúng ta đấu tranh chống lại nó (bằng việc hòa giải những diễn giải mâu thuẫn) - và nỗ lực này là lừa đảo, nhưng chúng ta thỏa mãn với nó, và sự lười nhác này là sự phản bội. Tính mơ hồ, sắc sảo, thẳng thắn, trung thành, thờ ơ, tất cả đều là phương tiện ngang hàng gặt hái một nhầm lẫn (một lừa dối) trong sự thật của những ngôn từ ấy, trong sức mạnh mẫu mực của chúng, trong sự sáng rõ của chúng, trong quyền lợi của chúng, sự đảm bảo của chúng, sức mạnh của chúng để dẫn dắt chúng ta, xô chúng ta ngã, rồi lại kéo chúng ta lên, trong xác tín vô tận vào ý nghĩa của chúng, [cái xác tín] không cho phép người ta rời bỏ nó hay đi theo nó.

Sao Kafka có thể phác họa chân dung thế giới đã trốn thoát khỏi chúng ta, không phải vì nó khó nắm giữ mà có lẽ bởi vì nó nhiều đến không thể nắm giữ? Các nhà bình luận về cơ bản không phải là không đồng thuận. Họ hầu như dùng những từ vựng tương tự nhau: cái phi lý, sự ngẫu nhiên, ý chí kiến tạo một nơi chốn cho chính mình trong thế giới, sự bất khả giữ mình ở lại nơi đó, khát khao Chúa trời, sự vắng mặt của Chúa trời, sự thất vọng, nỗi thống khổ. Nhưng họ đang nói về ai? Với một số người, [đó] là một nhà tư tưởng tôn giáo tin vào cái tuyệt đối, người thậm chí hy vọng cái tuyệt đối ấy, người đấu tranh không ngừng để giành lấy cái tuyệt đối. Với những người khác [đó là] một nhà nhân văn chủ nghĩa người sống trong một thế giới vô phương cứu chữa, và để không làm tăng sự hỗn loạn trong nó, ở yên như có thể. Theo Max Brod, Kafka tìm thấy nhiều con đường đi tới Chúa trời. Theo Mme. Magny, Kafka tìm thấy niềm an ủi lớn trong thần học. Với những người khác, thực sự có một thế giới bên kia, nhưng không thể với tới được, có thể ma quỷ, có thể phi lý. Với những người khác nữa, chẳng có thế giới bên kia, cũng chẳng có những vận động hướng về thế giới bên kia; chúng ta tồn tại trong thế giới nội tại, điều quan trọng là nhận thức, thường trực, cái hữu hạn của mình và cái bí ẩn không giải quyết được mà cái hữu hạn ấy khiến chúng ta lâm vào. Jean Starobinski: “Một người đàn ông bị ảnh hưởng sâu sắc bởi một nỗi buồn lạ lùng, bởi vậy Franz Kafka dường như với chúng ta… Đây là người đàn ông nhìn ngắm chính mình đang bị phá hủy.” Và Pierre Klossowski: “Những Trang Nhật Ký của Kafka là… những trang nhật ký của một người đàn ông đau ốm khao khát được chữa lành. Anh ta muốn sức khỏe… bởi vậy anh ta tin vào sức khỏe.” Và một lần nữa: “Chúng ta dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể nói về anh như thể anh không có sự thấu thị tận cùng.” Và Starobinskin: “không có lời cuối, không thể có lời cuối.”

Những đoạn trích này cho thấy sự bất an của một sự đọc cố gắng bảo lưu dấu tích và giải pháp của nó, [cho thấy] sự hiểu lầm và việc diễn giải sự hiểu lầm này, [cho thấy] khả tính của đọc nằm trong sự bất khả diễn giải sự đọc này. Ngay cả sự mơ hồ không làm thỏa lòng chúng ta, vì sự mơ hồ là một ngón lừa bịp chộp lấy một sự thực đang đổi thay, chuyển động, trong khi sự thật đang đứng đợi những diễn giải này có lẽ là độc nhất và giản đơn. Không chắc chắn rằng chúng ta sẽ hiểu Kafka hơn nếu chúng ta trả lời một khẳng định bằng một khẳng định bóp méo nó, nếu người ta vô chừng mang đến những sắc thái cho những chủ đề bằng những chủ đề khác được định hướng khác nhau. Mâu thuẫn không ngự trị trong thế giới này, [cái thế giới] loại trừ đức tin nhưng không loại trừ sự theo đuổi đức tin, [loại trừ] hy vọng nhưng không loại trừ sự hy vọng vào hy vọng, [loại trừ] sự thật ở trần thế này và thế giới bên kia nhưng không loại trừ những lời hiệu triệu tới một sự thật tối hậu đích thực. Đúng là giải thích một tác phẩm kiểu này bằng cách đề cập tới một tình huống tôn giáo và lịch sử của người viết nó, bằng [cách] biến anh ta thành một kiểu Max Brod thượng cấp, là một trò xảo thuật không làm thỏa mãn, nhưng cũng đúng là nếu những huyền thoại và hư cấu của nhà văn không có những ràng buộc với quá khứ, ý nghĩa của chúng sẽ mang chúng ta trở lại những yếu tố mà quá khứ này sẽ làm sáng tỏ, trở lại những vấn đề không nghi ngờ gì nữa [sẽ] không hiện diện theo cách ấy nếu chúng vốn không phải là đã mang tính thần học, tôn giáo, thấm đẫm một linh hồn rách nát của một lương tâm bất hạnh. Đây là lý do tại sao chúng ta có thể bị cản trở như nhau bởi tất cả những diễn giải được đưa ra cho chúng ta nhưng không thể nói rằng chúng tất cả đều ngang hàng với nhau, rằng chúng tất cả đều đúng hoặc sai như nhau, không thích đáng với đối tượng, hoặc đúng chỉ trong sự bất đồng của chúng.

Những câu chuyện quan trọng nhất của Kafka là những mảnh, và toàn bộ tác phẩm là một mảnh. Sự thiếu sót này có thể giải thích được về cái không chắc chắn, là điều khiến hình thức và nội dung của việc đọc chúng bất định, mà không đổi hướng của sự không chắc chắn ấy. Nhưng sự thiếu sót này không phải ngẫu nhiên. Nó hợp nhất với chính ý nghĩa nó tàn phá; nó đồng nhất với diễn giải về sự vắng mặt, [thứ] không được khoan dung cũng không bị khước từ. Những trang viết chúng ta đọc hoàn toàn đầy đủ; chúng cho thấy một tác phẩm không thiếu sót gì cả; hơn nữa, toàn bộ tác phẩm dường như được sinh thành trong những diễn biến xảy ra trong chốc lát mà đột ngột bị ngưng lại, như thể không còn gì để nói nữa. Không có gì thiếu sót trong chúng, không thiếu cả cái thiếu là mục đích của chúng: đây không phải sự khiếm khuyết, đây là dấu hiệu của một bất khả hiện diện khắp nơi và không bao giờ được thừa nhận: sự bất khả sống với người khác, bất khả sống đơn độc, bất khả xoay xở với những bất khả này.

Điều khiến nỗ lực đọc của chúng ta đầy phiền não không phải sự tồn tại cùng lúc của những diễn giải khác nhau; mà là, với mỗi quan điểm, khả năng bí ẩn đôi lúc dường như mang nghĩa tích cực, đôi lúc tiêu cực. Thế giới của Kafka là thế giới của hy vọng và thế giới bị kết án, một vũ trụ vĩnh viễn đóng kín và một vũ trụ vô tận, một thế giới của bất công và một thế giới của tội lỗi. Những gì chính ông nói về tri thức tôn giáo - “Tri thức cùng lúc là một bước dẫn tới một cuộc sống vĩnh cửu và một ngăn trở hiện lên từ địa đầu của cuộc sống” - phải là nói về tác phẩm của ông: mọi thứ trong nó là ngăn trở, nhưng mọi thứ trong nó cũng trở thành một bước tiến. Không nhiều tác phẩm u tối hơn, tuy nhiên ngay cả chung cục của nó không có hy vọng đi nữa thì vẫn sẵn sàng bị đảo ngược để thể hiện một khả năng tối hậu, một chiến thắng ẩn giấu, cái ló hiện rạng rỡ của một tuyên bố không thực hiện được. Bằng việc thấu hiểu cái tiêu cực, ông cho nó một cơ hội để trở thành tích cực, nhưng chỉ một cơ hội, một cơ hội mà cái đối nghịch của nó cứ qua nó mà lộ hiện và [một cơ hội] mà không bao giờ được hoàn thiện.

Tác phẩm toàn vẹn của Kafka tìm kiếm một khẳng định mà nó muốn đạt được bằng phủ định, một khẳng định giấu mình ngay khi nó trồi xuất, dường như là một lời nói dối và bởi vậy bị ngăn trở thành một khẳng định, khiến khẳng định thêm một lần có khả tính. Vì thế dường như quá lạ lùng khi nói về một thế giới như thế rằng nó không biết đến sự siêu nghiệm. Siêu nghiệm chính là cái khẳng định này, có thể tự khẳng định chỉ bằng phủ định. Nó tồn tại như một kết quả của việc bị phủ nhận; nó hiện diện vì nó không ở đó. Ông Chúa đã chết tìm được một kiểu trả thù ấn tượng trong tác phẩm này. Vì cái chết không tước bỏ sức mạnh của ông, quyền lực vô tận của ông, hay tính bất khả sai của ông: chết, ông thậm chí [còn] khủng khiếp hơn, không thể gây thương tổn hơn, trong một trận chiến, không còn bất cứ khả năng nào đánh bại ông ta được nữa. Đó là siêu nghiệm sự chết mà chúng ta đang chiến đấu với, đó là một đế vương đã chết mà người viên chức miêu tả trong “Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa” và trong “Trại Hình Phạt,” đó là cựu Sĩ Quan Chỉ Huy đã chết người mà máy tra tấn khiến hiện diện mãi mãi. Như Starobinski đã lưu ý, thẩm phán tối cao trong Vụ án không chết, ông người không thể làm gì cả ngoài việc kết án tử hình bởi vì cái chết là quyền lực của ông ta, chết - [chứ] không phải sống - là sự thật của ông ta.

Sự mơ hồ của phủ định có liên hệ với sự mơ hồ của cái chết. Chúa đã chết, có thể biểu thị sự thật khắc nghiệt hơn: chết là bất khả. Trong truyện ngắn nhan đề “Người Đi Săn Gracchus”, Kafka đã kể về một chuyến phiêu lưu của người thợ săn Rừng Đen chết vì rơi xuống một hẻm núi, không thể đến thế giới bên kia - và bây giờ ông sống và chết. Ông vui vẻ chấp nhận cuộc sống và vui vẻ chấp nhận sự kết thúc của cuộc đời mình - ngay khi chết, ông đợi cái chết của mình trong nỗi hân hoan: ông nằm dang chân tay, và nằm đợi chờ. “Vậy,” ông nói, “tai họa đã xảy ra.” Tai họa này là sự bất khả của cái chết, nó là một giễu nhại được ném lên tất cả những lừa lọc, đêm tối, hư không, nỗi im lặng lớn lao của con người. Không có kết thúc, không có khả năng kết nối với hiện tại, với ý nghĩa của những sự vật, với hy vọng: đó là sự thật người phương Tây biến thành biểu tượng cho hạnh phúc, và cố gắng tạo nên tình thế có thể kham được bằng việc nhấn mạnh lên mặt tích cực của nó, lên mặt tích cực của sự bất tử, của lai thế, sẽ bù đắp cho cuộc sống. Nhưng cuộc lai thế này là cuộc sống hiện tại của chúng ta. “Sau cái chết của một con người,” Kafka nói, “một lặng im đặc biệt tươi mới xen vào trong một thời gian ngắn cho người chết, một cơn sốt trần thế đã chạm tới kết cục của mình, họ [người chết] không còn thấy cái chết tiếp tục nữa, một nhầm lẫn dường như phải xóa bỏ, thậm chí với người sống nó là một cơ hội để nín thở và mở cửa sổ buồng tử hình1 - cho đến khi trạng thái yên bình này xuất hiện, ảo ảnh và nỗi đau và những lời than van nổi lên.”

Kafka nói thêm một lần nữa: “Những than vãn lúc lâm chung thực ra bởi vì anh ta không chết trong nghĩa đích thực. Chúng ta vẫn phải tự bằng lòng với cách chết này, chúng ta tiếp tục chơi trò chơi.” Và thậm chí rõ ràng hơn: “Sự cứu rỗi của chúng ta là cái chết, nhưng không phải cái chết này.” Chúng ta không chết, đó là sự thật, nhưng vì thế chúng ta cũng không sống; chúng ta chết trong khi chúng ta sống, chúng ta tự bản chất là những kẻ sống sót. Bởi vậy cái chết kết thúc cuộc sống của chúng ta, nhưng nó không kết thúc khả năng chết của chúng ta; chân thật như chấm dứt cái sống và huyễn ảo như kết thúc cái chết. Sự mơ hồ này, sự mơ hồ nhân đôi này làm cho những hành động nhỏ nhặt nhất của những nhân vật này thêm tính lạ lùng: Họ có phải, như Grac- chus người đi săn, là những người chết, những kẻ cố gắng vô vọng để kết liễu cái chết, là những tồn tại đang chìm đắm, những người biết cái gì đang đổ nước và cứ nổi lênh bởi sai lầm của cái chết trước đây của họ, với sự giễu cợt đi cùng nó, nhưng cũng với sự dịu dàng của nó, với sự nhã nhặn vô tận của nó, trong sự vây bọc quen thuộc của những điều thông thường? Hay họ có phải những người sống đang chiến đấu, mà chả hiểu tại sao, với những kẻ thù đã chết vĩ đại, với thứ gì đó có hạn và không có hạn, thứ họ khiến nó xuất hiện trở lại bằng cách đẩy nó ra xa, thứ mà họ xô nó ra xa khỏi mình khi họ cố gắng tìm thấy nó? Vì đó là nguồn gốc nỗi bất an của chúng ta. Nó không chỉ tới từ cái hư trống này mà từ đó, chúng ta được bảo rằng, hiện thực con người lộ hiện chỉ để rút trở lại; nó đến từ nỗi sợ rằng thậm chí chỗ trú ẩn này có thể bị tước khỏi tay mình, rằng hư vô có thể không ở đó, rằng hư vô có thể chỉ là tồn tại nhiều hơn. Bởi vì chúng ta không thể ly rời tồn tại, tồn tại này không trọn vẹn, nó không thể được sống đầy - và sự tranh đấu để sống của chúng ta là một cuộc tranh đấu mù lòa không biết tới rằng nó đang tranh đấu để chết và lún sâu trong một khả tính ngày càng thậm chí nghèo nàn hơn. Sự cứu rỗi của chúng ta nằm trong cái chết, nhưng hy vọng của chúng ta là sống. Do đó mà chúng ta không bao giờ được cứu rỗi và cũng không bao giờ tuyệt vọng, và theo cách nào đó hy vọng khiến chúng ta lạc lối, hy vọng biểu hiện nỗi tuyệt vọng của chúng ta, để nỗi tuyệt vọng ấy cũng có phẩm chất giải phóng và dẫn chúng ta tới hy vọng. “Không hết hy vọng ngay cả về cái chúng ta không hết hy vọng… Đó chính xác là cái được gọi là cuộc sống.”

Nếu mỗi từ, mỗi hình ảnh, mỗi câu chuyện có thể biểu thị cho cái đối lập của nó - và cái đối lập của mỗi từ, mỗi hình ảnh, mỗi câu chuyện cũng thế - vậy chúng ta phải tìm kiếm nguyên do của điều ấy trong sự siêu nghiệm của cái chết, cái khiến nó quyến rũ, phi thực và bất khả, và cái tước khỏi chúng ta cái tận tuyệt duy nhất đích thực, mà không tước khỏi chúng ta ảo ảnh của nó. Cái chết ngự trị chúng ta, nhưng nó ngự trị chúng ta bằng sự bất khả của nó, và điều đó không chỉ có nghĩa rằng chúng ta không được sinh ra (“Cuộc sống của tôi là nỗi do dự trước khi chào đời” mà còn có nghĩa chúng ta không có mặt trong sự chết của mình. (“Anh nói không ngừng về cái chết nhưng anh không chết.”) Nếu đêm đột nhiên có vẻ đáng ngờ, vậy không còn ngày hay đêm, chỉ là ánh sáng chạng vạng mơ hồ, mà đôi khi là ký ức của ngày, đôi khi là nỗi ngóng trông màn đêm, tuyệt tận của mặt trời và mặt trời của tuyệt tận. Tồn tại là không cùng, nó không là gì ngoài một bất định; chúng ta không biết liệu chúng ta bị khai trừ khỏi nó (đó lý do tại sao chúng ta hoài công tìm kiếm trong nó thứ gì vững chắc để nắm chặt lấy) hay chúng ta vĩnh viễn bị cầm tù trong nó (và bởi vậy chúng ta tuyệt vọng vọng ngoại). Tồn tại này là một sự lưu vong trong nghĩa trọn vẹn nhất: chúng ta không ở đó, chúng ta ở một nơi khác nào đó, và chúng ta không bao giờ ngừng có mặt tại đó.

Chủ đề của “Hóa thân” là minh họa cho nỗi thống khổ của văn chương, mà chủ đề của nó là sự thiếu thốn của nó, và nó mang người đọc đi trong vòng xoáy cuộn nơi hy vọng và tuyệt vọng đáp trả nhau không ngớt. Tình trạng của Gregor là trạng thái của một sinh vật không thể rời khỏi tồn tại, với anh, tồn tại là bị kết án liên tiếp rơi trở lại tồn tại. Bị biến thành con bọ, anh tiếp tục sống trong sự thoái hóa của mình, anh chìm vào sự cô độc của động vật, anh tới gần cái phi lý và sự bất khả của cái sống. Nhưng điều gì xảy ra? Anh tiếp tục sống. Anh thậm chí không cố gắng thoát ra khỏi sự bất hạnh của mình, mà đi vào cái bất hạnh này anh mang theo cái nguồn lực cuối cùng, hy vọng cuối cùng: anh vẫn tiếp tục tranh đấu cho chỗ của mình dưới sofa, cho những cuộc du ngoại ngắn ngủi của mình trên sự lạnh ngắt của những bức tường, cho cuộc sống giữa bụi rác. Do vậy chúng ta cũng phải tiếp tục hy vọng cùng với anh, bởi anh hy vọng, nhưng chúng ta cũng phải tuyệt vọng vì cái hy vọng kinh khủng này, thứ tiếp tục, một cách vô mục đích, đi vào chỗ hư trống. Và rồi anh chết: một cái chết khôn kham, bị ruồng bỏ và cô độc - nhưng gần như là một cái chết hạnh phúc bởi cảm giác được giải thoát nó diễn tả, bởi hy vọng mới về một kết thúc mà giờ là sau rốt. Nhưng nhanh chóng hy vọng cuối này cũng bị tước mất; nó không thật, không có chung cục, cuộc sống tiếp diễn, và cử chỉ của người em gái, động thái nhận thức cuộc sống, khao khát dục lạc, ở đó câu chuyện kết thúc, là cao điểm của nỗi kinh hoàng, không có gì kinh hoàng hơn trong toàn bộ câu chuyện. Nó là sự nguyền rủa và nó là hồi sinh, hy vọng, đối với cô gái muốn sống, khi sống chỉ là thoát khỏi cái không thể tránh.

Những truyện ngắn của Kafka nằm trong số [những tác phẩm] tăm tối nhất trong văn học, phần lớn bén rễ trong thảm họa tuyệt đối. Và chúng cũng là những tác phẩm tra tấn hy vọng một cách bi thảm nhất, không phải vì hy vọng bị kết án mà bởi nó không thành công trong việc bị kết án. Tuy nhiên cái thảm họa hoàn toàn ấy là, một biên độ rất nhỏ còn lại; chúng ta không biết liệu nó bảo tồn hy vọng hay liệu, trái lại, nó gạt bỏ hy vọng vĩnh viễn. Sẽ thiếu sót nếu nói rằng Chúa chính ngài chịu bản án của mình và đầu hàng trong một sự sụp đổ dơ bẩn nhất, trong một sự sụp đổ chưa từng được biết đến của phế liệu và những cơ quan của con người; chúng ta vẫn phải đợi sự hồi sinh của ngài và sự trở lại của sự công bằng khó hiểu của ngài, thứ kết án chúng ta vĩnh viễn phải kinh sợ và được vỗ về. Sẽ thiếu sót nếu nói rằng đứa con trai, tuân phục bản án bất công và không thể bác được của cha, ném mình vào dòng sông cùng với sự bày tỏ một tình yêu điềm tĩnh dành cho cha; cái chết này hẳn phải có dính dáng với sự tiếp diễn của tồn tại thông qua câu cuối lạ lùng: “Vào thời khắc này giao thông trên cầu điên rồ theo đúng nghĩa đen,” một câu văn mà ý nghĩa biểu tượng của nó, ý nghĩa tâm lý chính xác của nó Kafka đã xác quyết. Và cuối cùng, bi thảm hơn tất cả, Joseph K. trong Vụ án chết, sau trò giễu nhại công lý, trong một ngoại ô hoang vắng nơi hai gã đàn ông hành quyết anh mà không nói một lời; nhưng sẽ thiếu sót khi nói rằng anh chết “như một con chó,” anh vẫn phải có phần tồn tại của mình, có phần tủi hổ mà sự vô hạn của tội ác anh không phạm phải ấn định cho anh, kết án anh sống và cả chết.
 

“Chết đứng trước chúng ta hơi giống bức tranh Alexander’s Battle2 trên tường lớp học. Cái chúng ta phải làm, từ cuộc sống này trở đi, là làm mờ tối hoặc thậm chí xóa bỏ bức tranh bằng những hành động của chúng ta.” Tác phẩm của Kafka là bức tranh này, thứ là sự chết, và nó cũng là hành động làm mờ tối nó và xóa bỏ nó. Nhưng, giống cái chết, nó không thể bị làm mờ tối; trái lại, nó tỏa sáng một cách đáng ngưỡng mộ từ những nỗ lực hoài công nó thực hiện để dập bỏ chính mình. Đó là lý do tại sao chúng ta hiểu nó duy chỉ bằng cách phản bội nó và sự đọc của chúng ta một cách bất an quay quanh sự hiểu lầm.


Maurice Blanchot

Đoàn Huyền dịch
Dịch từ tiểu luận Reading Kafka in trong cuốn The Work of Fire, Maurice Blanchot, Charlotte Mandell chuyển dịch sang Anh ngữ, Stanford University Press, 1995, (page 1-11).  
Nguồn: Tạp chí Sông Hương 375/05-2020, phiên bản trực tuyến ngày 03.7.2020.


...................................................
1. Nguyên văn the death chamber, là buồng thi hành án, nơi án tử hình được thi hành. Trong hầu hết các  trường hợp, một phòng nhân chứng [a witness room] được đặt ngay cạnh buồng thi hành án, nơi các nhân chứng có thể quan sát việc thi hành án qua những cửa sổ kính (ND).
2. Trận đánh của Alexander là một bức sơn dầu của họa sĩ người Đức Albrecht Altdorfer (ND).   

Thông tin truy cập

63661831
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5549
17595
63661831

Thành viên trực tuyến

Đang có 1311 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website