Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần là thiên tiểu thuyết có số phận đặc biệt: trải qua hành trình gần nửa thế kỉ (44 năm) mới đến tay bạn đọc (1966-2010). Tác phẩm mang tới một ấn tượng đáng kinh ngạc bởi tính hiện đại vượt khỏi khung khổ đương thời của văn học Việt Nam, bắt nhịp thi pháp cùng tư tưởng nhân sinh sâu sắc của văn học hiện đại thế giới. Nếu đặt Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần bên cạnh Vụ án của Franz Kafka chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi những điểm tương đồng của hai tác phẩm, nhìn từ góc độ cảm thức hiện sinh. Cảm thức này chi phối kiến tạo không gian, cấu trúc nghệ thuật trong hai tác phẩm.
Vụ án của Kafka và Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần đều lấy bối cảnh là không gian đô thị. Không gian Vụ án là đô thị phương Tây đầu thế kỉ XX với sự ngự trị của công sở, công quyền. K đã nhiều năm làm việc ở thành phố nhưng mãi đến khi vướng vào lao lí anh mới nhận ra điều ấy. Anh kinh hãi, hoang mang khi biết trên mỗi tòa nhà đều có văn phòng tòa án. Đâu đâu cũng có nhân viên đang làm nhiệm vụ pháp luật. Bao trùm vũ trụ một màu xám xịt, tối tăm. Bóng tối bủa vây cuộc đời K. Nhưng đấy là không gian tâm tưởng - không gian hiện sinh của anh.
Không gian chính của Những ngã tư và những cột đèn là Hà Nội những năm đầu sau kháng chiến chống Pháp, dưới sự tiếp quản của chính quyền cách mạng. Hà Nội những năm ấy nhiều khó khăn. Không khí chính trị căng thẳng, nhạy cảm bởi sự phân biệt thành phần xã hội. Dưỡng, nhân vật chính của tác phẩm, bị xếp vào thành phần bất hảo vì quá khứ đi lính ngụy (Pháp). Anh luôn cảm thấy tự ti, day dứt bởi những ánh mắt dòm ngó, những lời xúc xiểm, mỉa mai của bà con và cán bộ phường. Không gian của Dưỡng chỉ nhộn nhịp, tươi vui vào ngày ăn mừng chiến thắng cách mạng, mà Dưỡng vẫn thích gọi đấy là ngày tết. Song hành với không gian nhật kí của Dưỡng là không gian 11 năm sau của nhân vật nhà văn. Quá khứ là Dưỡng với những lưu niệm phức tạp, những ngã tư “láo nháo”, những cột đèn đêm trắng nhợt mưa bụi. Hiện tại là “tôi” với phố vắng lặng chỉ một hướng rẽ vào đại lộ. Không gian quá khứ và hiện tại của hai con người ấy trong Những ngã tư và những cột đèn hợp làm một: không gian tâm tưởng cũng là không gian hiện sinh.
Liên quan đến không gian tâm tưởng là cấu trúc giả trinh thám. Cả hai tác phẩm đều đặt con người vào thế buộc phải đối diện với quyền lực thiết chế, với cái tôi cô đơn, từ đấy làm bật lên ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Franz Kafka
Ở Vụ án, K bất ngờ bị tòa án bắt mà không rõ tội danh. Sau một thời gian thuê luật sư giúp nhưng không đạt kết quả khả quan, anh quyết định tự điều tra, biện hộ, vạch mặt tòa án. Có ý kiến cho rằng nhà văn đã tô đậm tính chất phi lí đến mức ngay cả bản thân K cũng thờ ơ, hờ hững với vụ án của chính mình. Thực tế, mặc dù nhà văn đã lược đi những màn độc thoại nội tâm, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy những biểu hiện kịch điểm cảm xúc của nhân vật. Hơn một năm theo đuổi vụ án là quãng thời gian đày đọa với K. Ban đầu vì bất ngờ bị bắt một cách kì lạ như trò đùa nên anh không khỏi ngạc nhiên, bực dọc. Anh nghĩ đấy là sự hiểu lầm nên nóng lòng gặp cán bộ chức trách tòa án để làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng khi biết rằng thiết chế tòa án đã tha hóa và rằng vụ việc không dễ dàng giải quyết, anh đã tự điều tra tìm kiếm bằng cứ chứng minh mình vô tội, đồng thời để vạch trần sự tha hóa của tòa án. Nói cách khác, K bằng tất cả sự bi phẫn, khinh bỉ, lòng tự tin đã luôn cho rằng có thể dùng tri thức, lí trí để tuyên chiến với cái phi lí, tha hóa. Nhưng đấy là cuộc chiến giữa cá nhân đơn lẻ với guồng máy thiết chế. Một cuộc chiến bất cân đối. Cách K xử lí tình huống cho thấy biểu hiện xung đột giữa con người hiện đại vốn tự tin vào năng lực lí trí, khoa học với guồng máy xã hội toàn trị đang hiện hình bản chất phi lí.
Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần cũng có cấu trúc tương tự. Tình huống mà Dưỡng gặp phải gần giống tình huống K đối mặt. Là một quân nhân từng phục vụ trong quân đội Pháp, sau kháng chiến thắng lợi, cuộc sống của Dưỡng ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn: không có việc làm, bà con khu phố miệt thị, xa lánh. Một buổi tối, xảy ra vụ ám sát bộ đội tại vườn, đúng lúc anh đang âu yếm vợ trong nhà tắm. Mặc dù có chứng cứ ngoại phạm nhưng anh vẫn bị cho là tình nghi số một, thậm chí bà con khu phố và cán bộ phường gần như coi anh là thủ phạm. Dưỡng cũng chọn cách xử lí tình huống gần như cách của K: tự sắm vai thám tử phân tích các khả năng, điều tra chứng cứ nghi phạm, đồng thời sắm vai tòa án tuyên phạt chính mình.
Không tìm được sự tương thích với môi trường bên ngoài, K và Dưỡng thu mình vào không gian tâm tưởng tìm kiếm logic hợp lí, cắt nghĩa sự tồn tại của bản thân và thế giới.
Câu chuyện của Vụ án và Những ngã tư và những cột đèn đều mang tính chất phi lí: sự trừng phạt được thực thi dù tội ác chưa được thực hiện. Sự trừng phạt dành cho K và Dưỡng là thái độ dòm ngó, giễu cợt, chỉ trích của những người xung quanh, là những lo lắng, day dứt vò xé tâm tư khiến họ trở nên bất thường, dị biệt. K và Dưỡng - những chàng trai đương tuổi xuân, mong sống một đời sống bình thường, được tự do lựa chọn lối sống. Nhưng rồi xã hội đẩy họ vào thế phải đối diện với hàng loạt câu hỏi bế tắc, rằng tại sao, như thế nào, bằng cách nào... mà những điều không tưởng ấy lại ập xuống đời mình.
Tuy vụ án của K và Dưỡng có nhiều điểm khác nhau, một bên là câu chuyện về cái phi lí có tính bản chất vĩnh cửu của tội trạng (kiểu Eva và Adam) và bộ máy quyền lực (mang tính biểu trưng), một bên là cái phi lí của thành kiến mang tính nhất thời của bối cảnh, nhưng cả hai tác phẩm đều bộc lộ rõ nét cảm thức hiện sinh, theo nghĩa hiện sinh là tâm thế sống cho hiện tại, là sự trăn trở về đời sống, thân phận người. Cả Vụ án và Những ngã tư và những cột đèn đều đặt ra vấn đề tồn tại người trong xã hội (có sự chuyển giao quyền lực). Khu văn phòng tòa án trên các tầng áp mái, văn phòng luật sư, giáo đường (thuộc về tòa án) là những không gian tập thể. Chúng có xu hướng bóp nghẹt, xóa nhòa cá thể đơn lẻ, trong đó có K. Còn Dưỡng, trong kiếp nạn tù tội, anh sinh ra nỗi ám ảnh về thời gian, day dứt về con người, về số kiếp bản thân. Anh băn khoăn, rằng có lẽ nào con người sống với thú vui của mình là có tội...
Hệ quả của những trăn trở hiện sinh là bi kịch lựa chọn. Nếu Vụ án là câu chuyện phi lí bởi tính chất mù mịt, mơ hồ, có cuối không có đầu thì Những ngã tư và những cột đèn được trần thuật rõ ràng: có đầu, có cuối. Với Vụ án người đọc không biết quá khứ của K như thế nào, anh giao du với những ai, chỉ biết hiện tại anh là nhân viên giỏi ở một ngân hàng. K không biết mình phạm tội gì. Còn Dưỡng, người đọc biết rõ về quá khứ và tính cách của anh. Nỗi hàm oan của anh có tên gọi, diễn biến cụ thể. Dưỡng đi tìm kẻ phạm tội thực sự để gỡ mối oan. Tuy biết mình không phải là kẻ bắn bộ đội, nhưng thái độ kì thị, mỉa mai của bà con khu phố cũng đã là một sự trừng phạt. Không chấp nhận cái phi lí có phạt mà không có tội, Dưỡng lục lọi trong sọ, tìm ra một tội danh - tội là thằng tàu bò (từng đi lính ngụy) và tự trừng phạt bản thân bằng những day dứt, dằn vặt, xỉ vả nhân cách. K thì khác. K đi tìm kẻ kết tội mình và tìm tội danh bị quy kết, nhưng bất thành. K từ chối những lựa chọn nhằm trì hoãn, kéo dài vụ án. Anh nôn nóng giải quyết sòng phẳng, triệt để mọi vấn đề nên chọn cách đấu tranh không nhân nhượng. K bị xử tử không phải vì phạm tội mà vì trước sau không thừa nhận tội danh, cũng đồng nghĩa không thừa nhận, không thỏa hiệp với quyền lực thiết chế. Sự phi lí được đẩy lên kịch cùng. Còn gì phi lí hơn là việc một tội nhân chưa kịp nhận thức tội danh đã bị xử tử chỉ vì anh ta nôn nóng muốn làm sáng tỏ vụ việc! K chọn cái chết “như một con chó”. Có một số ý kiến cho rằng K là biểu tượng bảo thủ. Theo tôi, việc anh lựa chọn để tòa án xử tử mình một cách thầm lặng trong đêm tối cũng là cách biểu thị sự kháng cự của nhân vật với quyền lực toàn trị. Bởi anh biết “nỗi nhục sẽ sống lâu hơn anh”, để đời thêm nhức nhối.
Khác với K, Dưỡng tìm được lối ra. Vụ án được giải quyết, xét trong mối liên hệ với Dưỡng. Anh hòa vào cộng đồng trong công cuộc xây dựng xã hội mới và chống Mĩ. Nhưng Dưỡng của 11 năm sau đã trở thành một người khác, cũng có nghĩa anh đã đánh đổi bản sắc cá nhân lấy một đời sống thông thường.
Như vậy, K và Dưỡng cùng gặp một tình huống éo le: bị kết tội không do bản thân gây ra, nỗ lực dùng tri thức để biện hộ, truy tìm vấn đề. Trong quá trình đó, họ cô đơn, bị mắc kẹt ở thực tại. K tìm cách chống cự đến cùng mà vẫn không tìm được lối ra. Kết quả là anh bị xóa tên khỏi bản đồ sống của nhân loại. Dưỡng chống cự (ngầm) và tìm được lối thoát, nhưng lại mất mát nhiều thứ khác. Bước ra khỏi tấn bi kịch, Dưỡng chấp nhận hòa nhập cộng đồng, tham gia guồng quay thời đại, trở thành một biểu tượng trong một rừng biểu tượng, không còn day dứt về biểu đồ thời gian, thậm chí xa lạ với nhật kí của chính mình. Nhân vật xưng “tôi” - nhà văn biên lại câu chuyện đời Dưỡng - cũng là một người trí thức có cùng mối đồng cảm với Dưỡng về dòng thời gian, về lẽ tồn tại của đời người, về những ngã tư, những lựa chọn… Dưỡng đã chọn một ngã: ngã rẽ vào đại lộ. Còn “tôi” nhận ra đường của mình không có ngã tư, chỉ là ngõ cụt với một hướng về đại lộ. Phố vắng lặng. Buồn trống rỗng dâng ngập hồn. Hóa ra đời nhiều ngã tư và đời không ngã tư đều bi kịch như nhau.
Dịch giả Phùng Văn Tửu trong Lời giới thiệu Vụ án năm 1989 thừa nhận ở những lần đọc đầu tiên ông không cho rằng K là cái bóng của Kafka như nhiều người nhận định, nhưng rồi ông cũng nhìn thấy bóng dáng của nhà văn. Phải chăng đấy là tòa rời bỏ ràng buộc hôn nhân, tôn giáo..., thậm chí cả nguồn gốc xuất thân để được tự do sống và làm việc mình yêu thích: viết văn? Người đọc Việt Nam cũng có thể nhìn thấy bóng dáng cuộc đời Trần Dần qua những trang nhật kí của Dưỡng và nỗi buồn sinh kiếp của nhân vật “tôi” - nhà văn - về thời gian hiện tại, về những ngã tư, về đại lộ. Thực ra, ngã tư từ trước đó rất lâu đã là biểu tượng trong hầu hết tác phẩm của Trần Dần. Vấn đề không phải là con đường nào đúng đắn, con đường nào sai lầm, mà là sự lựa chọn. Đời ông nhiều ngã tư. Nhưng cũng như Dưỡng, ông đôi lần “lường một đằng, thực tế giằng một nẻo”. Dẫu vậy, đời người vẫn cần có những lựa chọn và quyền được lựa chọn.
Cả hai tác phẩm Vụ án và Những ngã tư và những cột đèn đều thể hiện tinh thần bất tín đại tự sự, cụ thể là chân lí xã hội và niềm tin tôn giáo, những dấu hiệu cho thấy tinh thần hậu hiện đại của hai tiểu thuyết này. Bất tín tôn giáo xuất phát từ niềm tin lấy con người làm trung tâm, nền tảng nhân văn. Vụ án của K, vụ án của Dưỡng không phải là vấn đề ban phạt của đấng toàn năng, mà là vấn đề ứng xử giữa những con người với nhau, giữa con người với thời đại của anh ta. Viết Vụ án, Kafka hẳn mang nỗi ám ảnh nguồn gốc Do Thái và đạo Do Thái - những thứ sinh thời ông nhiều lần phủ nhận ảnh hưởng.
Còn Trần Dần, với Những ngã tư và những cột đèn, bằng hình thức “nhật kí hóa tiểu thuyết”, ông đã nói “tiếng nói của cái tôi bị chấn thương”, tiếng nói của người nghệ sĩ ham muốn sáng tạo tột bậc phải đi qua ngã tư đời lằng nhằng, chọn một ngã rẽ kháng cự với mênh mông, để rồi cô đơn đến xót xa: Cô đơn trời xanh cô đơn trời tía/ Cô đơn nắng đào cô đơn mưa tái nhợt đầu ô, và rồi âm thầm Trữ đủ đau thương/ Cho mãn hạn làm người.
Sáng tác từ những năm 1965-1966, tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần gặp gỡ tiểu thuyết Vụ án của Franz Kafka trên nhiều phương diện nghệ thuật, bộc lộ cảm thức hiện sinh sâu sắc. Việc so sánh hai cuốn tiểu thuyết cho ta hiểu thêm về Trần Dần - một tài năng của nền văn học hiện đại Việt Nam. Những điểm tương đồng giữa Vụ án và Những ngã tư và những cột đèn đã minh chứng: dù ở đâu, thời đại nào, người nghệ sĩ chân chính vẫn luôn là người trăn trở về tồn tại người và những ngã rẽ của đời người.
Lê Thị Gấm
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 02.6.2021.