PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh: Văn học Việt không có truyền thống viết về kiếm hiệp

Trong các dòng văn học đại chúng, tiểu thuyết kiếm hiệp (võ hiệp) Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn đối với độc giả châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp đã vươn đến tầm “kinh điển”, sánh ngang với những tác phẩm đỉnh cao của văn học chính thống, có vị trí vững chắc trong lòng nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh để giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát hơn về quá trình phát triển của tiểu thuyết kiếm hiệp, lịch sử tiếp nhận thể loại này của người Việt và những vấn đề của tiểu thuyết kiếm hiệp Việt Nam.

20211122

PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh hiện đang công tác tại Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, với các hướng nghiên cứu chính là văn học phương Đông, văn học Trung Quốc hiện đại - đương đại, văn học nữ; là tác giả và đồng tác giả của các cuốn sách nghiên cứu, phê bình: Văn học di dân: Phác thảo diện mạo văn học nữ di dân Việt Nam tại Hoa Kì, Khúc hoan ca của văn chương, Văn xuôi nữ Trung Quốc từ cuối thế kỉ XX đến đầu thế kỉ XXI, Lỗ Tấn - linh hồn dân tộc Trung Hoa cận hiện đại... PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh từng tham gia chương trình Trao đổi giảng viên (Faculty Exchange) tại Trường Đại học Findlay, Ohio, Hoa Kì (2007) với tài trợ của ASEAN Network, tham gia chương trình Học giả Fulbright (Fulbright Scholar) tại Trường UC Berkeley, Hoa Kì (2010).

- Trong quá trình giao lưu và tiếp biến với văn học Trung Quốc thế kỉ XX, bên cạnh những dòng tiểu thuyết cổ điển, chính thống, thì tiểu thuyết kiếm hiệp rất nhanh chóng được nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam đón nhận và hâm mộ nhiệt liệt. Số lượng “fan” của thể loại này có khi còn vượt trội, áp đảo hơn một số thể loại văn học khác. Thưa PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, vì sao tiểu thuyết kiếm hiệp lại có sức hấp dẫn lớn như thế đối với bạn đọc Việt Nam?

+ Lịch sử tiếp nhận tiểu thuyết kiếm hiệp tại Việt Nam là một câu chuyện dài, nó chứng minh cho sức sống, sức hấp dẫn của thể loại này đối với độc giả Việt Nam, từ bình dân cho tới trí thức. Từ trước 1945, người Việt Nam đã rất say mê tiểu thuyết kiếm hiệp. Những tác phẩm như Càn Long du Giang Nam, Giang hồ kì truyện, Hỏa thiêu Hồng liên tự… đã được in với số lượng lớn. Sở dĩ tiểu thuyết kiếm hiệp có dấu ấn rõ rệt trong tâm trí người Việt, một phần cũng do chúng ta đã quá quen thuộc với thể loại tiểu thuyết trường thiên hiệp khách, nghĩa hiệp đời Minh - Thanh như Thủy hử, Nhạc Phi diễn nghĩa, Thất hiệp ngũ nghĩa… nên rất dễ tiếp nhận những biến thể của nó sau này. Đến những thập niên 60, 70 của thế kỉ trước, những tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung, Ngọa Long Sinh, Cổ Long, Lương Vũ Sinh, Ôn Thụy An, Hoàng Ưng… bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam đã tạo thành một “môn phái” riêng, tạo một loại độc giả riêng, trung thành cho dòng tiểu thuyết này. Điều này kéo dài cho đến bây giờ, độc giả vẫn có thể đón nhận các tác giả mới một cách không nghi kị vì mảnh đất Việt vốn đã được khai phá và tạo điều kiện cho nó thâm nhập. Việc này giống như người ta đã quen ăn gạo rồi thì loại gạo này gạo kia người ta đều ăn được, chứ không phải đổi sang một loại ngũ cốc khác phải làm quen từ đầu.

Ngoài ra, còn có những lí do khác khiến tiểu thuyết kiếm hiệp hấp dẫn bạn đọc mà tôi nghĩ chắc nhiều người cũng từng nói đến như cốt truyện gay cấn, nhiều tình tiết, tạo vô số bất ngờ; hệ thống nhân vật bí ẩn, lôi cuốn, hấp dẫn về xuất thân, dung mạo, tài năng, cuộc đời; những triết lí, những cách đối nhân xử thế từ bình dân đến bác học phù hợp với khả năng, với tầm “tiếp nhận” của nhiều tầng lớp độc giả khác nhau. Thêm nữa, cách kể, miêu tả nguồn gốc các tông phái, các chiêu thức võ công, các màn tỉ thí võ nghệ đầy cuốn hút, kì ảo cũng là một trong những nguyên nhân khiến người đọc yêu thích kiếm hiệp.

Mặt khác, việc chuyển thể những tác phẩm kiếm hiệp lên điện ảnh, truyền hình cũng giúp tăng lượng fan cho thể loại này, điều này không thể phủ nhận. Nhiều bạn đọc khi xem phim, thích phim đã bỏ công tìm hiểu ngược trở lại nguyên tác văn học và rồi say mê, đắm chìm trong thể loại này từ lúc nào không hay.

Riêng với tôi, tôi cảm thấy hứng thú với kiếm hiệp vì thể loại này giúp tôi được thoát ra khỏi cuộc sống nhàm chán thường ngày, tạm thời quên đi những vụn vặt hoặc những sang chấn tâm lí nào đó. Thế giới tưởng tượng khá cụ thể và sinh động của kiếm hiệp giúp tôi refresh lại tâm trạng, lấy lại “phong độ”, “nội lực” để đối diện với đời thực mà không bị “tẩu hỏa nhập ma” bởi những vướng víu nó mang lại. Đại khái, tiểu thuyết kiếm hiệp là một cách giải tỏa stress bên cạnh những cách khác như xem phim, nghe nhạc…

- Có lẽ chị và tôi cũng như nhiều nhà văn khác gặp nhau ở điểm này. Kiếm hiệp đúng là một phương thức giải tỏa stress hữu hiệu cho nhiều người Việt. Yếu tố giải trí của tiểu thuyết kiếm hiệp đã quá rõ. Nhưng tôi nghĩ bên cạnh cốt truyện “ân oán giang hồ” li kì, những màn tỉ thí võ thuật “kinh thiên động địa” và những mối “tình nhi nữ” éo le, tiểu thuyết kiếm hiệp còn ẩn chứa những mã văn hóa, mã nghệ thuật, những triết lí nhân sinh sâu sắc. Điển tích, điển cố văn học, văn hóa xuất hiện tầng tầng lớp lớp trong tiểu thuyết kiếm hiệp. Một số nhân vật kiếm hiệp thậm chí đã trở thành biểu tượng, đại diện cho một kiểu người, một tính cách người trong xã hội. Phải chăng đây mới là điều làm nên ở tiểu thuyết kiếm hiệp cái “nội lực thâm hậu vô biên”, “lưu danh thiên hạ”?

+ Đúng thế. Khi nãy liệt kê ra những lí do giúp cho tiểu thuyết kiếm hiệp có chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam, tôi có nhắc đến triết lí nhân sinh. Giờ có thể nói thêm về mã văn hóa, mã nghệ thuật, về cách kiến tạo hệ thống nhân vật, đặc biệt là nhiều nhân vật để đời như bạn đã liệt kê ở trên. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã nói về điều này. Nhà văn Vũ Đức Sao Biển còn hứng thú viết một seri tiểu luận mấy cuốn về tiểu thuyết Kim Dung, Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Long Vân nói về triết lí trong truyện Kim Dung. Không thể phủ nhận các tác giả kiếm hiệp có một vốn hiểu biết vô cùng thâm hậu về lịch sử, văn hóa, triết học Trung Quốc và đã lồng ghép một cách nhuần nhuyễn vào tác phẩm của mình. Đọc họ, chúng ta cảm thấy thú vị vô cùng vì vừa được thưởng thức một cốt truyện hay, vừa được khám phá, tăng thêm độ hiểu biết về lịch sử, văn hóa Trung Quốc từ vĩ mô lẫn vi mô trên nhiều phương diện như thơ ca nhạc họa, rượu, hoa, mĩ nữ, tình dục… Mặt khác, tiểu thuyết kiếm hiệp có những “độ mở”, những “khoảng trống văn bản” nhất định khiến mình có những liên tưởng mang tính chất cá nhân. Ví dụ tôi thỉnh thoảng vẫn tìm thấy một nỗi khát khao nào đó khi đọc về nhân vật Lệnh Hồ Xung, muốn làm một kẻ tiêu dao giữa đời như anh. Hay như Tiêu Phong, tôi luôn thấu cảm với vẻ đẹp của một anh hùng cô đơn, một anh hùng vừa mang căn cước “lưỡng dạng” (dual identities), vừa không thuộc về một nơi nào. Với Phó Hồng Tuyết, con người dành cả đời khổ luyện đao pháp nhanh nhất thiên hạ để trả thù nhà mà rốt cuộc mối thù ấy lại không phải là của mình, tôi thấy vừa buồn cười, vừa chua xót, cay đắng… Có thể nói một số nhân vật kiếm hiệp thực sự đã trở thành nhân vật biểu tượng văn học như bạn nói. Nhắc đến “ngụy quân tử” người ta nhớ ngay đến Nhạc Bất Quần, nhắc đến vẻ đẹp không tì vết người ta nhớ ngay đến Tiểu Long Nữ, khù khờ mà được người đẹp chắc chắn là Quách Tĩnh… Và tôi cho rằng dù có thêm nhiều “trường phái” kiếm hiệp khác nhau nữa ra đời thì những giá trị này sẽ vẫn mãi mãi được nhắc tới.

- Theo dõi sự phát triển của tiểu thuyết kiếm hiệp, chúng ta nhận thấy sự chuyển giao giữa các thế hệ. Sau khi nhóm Thần châu ngũ hiệp và những người cùng thời “rửa tay gác kiếm”, “quy ẩn giang hồ” thì sứ mệnh “phát dương quang đại” của thể loại này được trao cho nhóm Thần châu tân ngũ hiệp và các tác giả trẻ khác. Cùng với đó là sự biến chuyển, thay đổi từ kiếm hiệp cổ điển sang tân kiếm hiệp (tiên hiệp). PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, chị nhận định thế nào về sự biến chuyển này? Phải chăng kiếm hiệp cổ điển đã hết dư địa phát triển nên buộc phải thay đổi để tồn tại?

+ Theo tôi, tiểu thuyết hay truyện ngắn luôn là thể loại không dừng lại. Chúng sẽ tiếp tục phát triển để thích ứng với sự thay đổi của xã hội, của tâm lí con người. Trên nhiều forum, diễn đàn kiếm hiệp, bạn đọc yêu thích kiếm hiệp vẫn tranh cãi về việc họ thích Kim Dung, Cổ Long hay Huỳnh Dị, thậm chí “đào bới” cả những tác giả viết nhiều, viết hay mà chưa được “võ lâm quần hùng” thừa nhận như Long Nhân… Như vậy không thể nói kiếm hiệp cổ điển hết sức hấp dẫn mà chẳng qua chúng ta chứng kiến thêm nhiều nữa các “môn phái” kiếm hiệp ra đời, mà tân kiếm hiệp hay tiên hiệp là một ngôi sao đang lên. Thậm chí bây giờ thị hiếu và tiếp nhận của độc giả cũng phức tạp, đa dạng hơn xưa. Nếu như ngày xưa không ai bàn cãi ngôi vị “chưởng môn” tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung thì ngày nay người ta miệt mài “luận võ” xem ai mới là chưởng môn xứng đáng. “Kì ảo vương” Tiêu Đỉnh hay Huỳnh Dị, rồi còn Bộ Phi Yên, Thương Nguyệt, Phượng Ca, Tiêu Đoạn… toàn những tên tuổi có thể nói đang “rắp tâm” muốn ngồi vào ngôi vị chưởng môn kia.

- Tiểu thuyết kiếm hiệp cổ điển mặc dù vẫn có những tác phẩm hay như bộ Liên hoa lâu hệ liệt của Đằng Bình nhưng xu hướng chuyển sang tiên hiệp hiện nay đang ngày càng trở nên rõ ràng. Theo tôi, sự biến chuyển giữa kiếm hiệp cổ điển sang tiên hiệp là sự thay đổi về “thi pháp thể loại”. Sự thay đổi này diễn ra nhanh chóng đến mức khiến nhiều người ngỡ ngàng mà những “lời qua tiếng lại” giữa Kim Dung và Bộ Phi Yên về việc thế nào mới là tiểu thuyết kiếm hiệp đích thực là minh chứng rõ nét nhất. Thú thật, đọc một số tiểu thuyết tiên hiệp tôi vừa thích thú, vừa choáng váng. Nhân vật - thay vì thực thi lí tưởng “thế thiên hành đạo” như ở kiếm hiệp cổ điển, họ khát khao mơ ước “ngã vi thiên”, “ngã lập thiên” và sẵn sàng bất chấp thủ đoạn để đạt được điều đó. Mạch truyện không còn xoay quanh mâu thuẫn giữa danh môn chính phái - bàng môn tà giáo, giữa anh hùng hào kiệt - tà ma ngoại đạo, giữa thiện - ác, giữa tội ác và công lí, mà chuyển sang hành trình “tu tiên” với việc mạnh được - yếu thua, thuận ta thì sống, cản/ nghịch ta thì chết. Tính chất đời thường phồn tạp rất rõ, dấu ấn chi phối của địa vị xã hội, danh tiếng, tiền bạc rất rõ. Mọi vật đều có thể mua bán, trao đổi bằng linh/tiên thạch. Không có kẻ thù/ bạn bè vĩnh cửu, chỉ có lợi ích vĩnh cửu… Sự thay đổi này có thể giải thích như thế nào và nó phản ánh điều gì, thưa PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh?

+ Ở trên tôi cũng đã nhắc đến sự phức tạp, đa dạng trong tâm lí con người đương đại. Bất cứ thể loại tiểu thuyết nào đi chăng nữa muốn thu hút, hấp dẫn cũng phải bám rễ vào những tố chất, đặc trưng của đương đại mới tạo được tiếng vang. Tính chất hậu hiện đại trong tiểu thuyết đương đại thế nào thì trong tiểu thuyết tân kiếm hiệp cũng sẽ như thế. Nhân vật hay chủ đề của câu chuyện sẽ không còn chỉ ở một trong hai cực chính-tà, đúng-sai, thiện-ác… mà như bạn nói, nó sẽ phức tạp, quanh co, khó lí giải hơn, đúng với bản chất con người đương đại. Và cũng nói thêm, kể cả những nguyên tắc làm người cũng thay đổi khi nhân vật trải qua một biến cố nào đó. Nếu ở kiếm hiệp cổ điển, nhân vật có hai con đường, hoặc “sa vào ma đạo” hoặc “cải tà quy chính” thì ở tiên hiệp nhân vật thường thuộc diện “nửa chính nửa tà”, tất cả tùy thuộc vào góc nhìn, cảm nhận của bạn đọc. Điều này là tất yếu khi ở trào lưu hậu hiện đại, tác giả đã trao cho bạn đọc quyền năng vô hạn trong việc đánh giá và tiếp nhận tác phẩm. Đây là một trong những đặc điểm hậu hiện đại nhất của kiếm hiệp hiện đại. Nếu ngày trước bạn đọc thường ngợi ca các mối tình đẹp trong tiểu thuyết kiếm hiệp chúng ta hay nhắc đến như Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh, Tiêu Phong - A Châu, Trương Vô Kỵ - Triệu Mẫn, Dương Quá - Tiểu Long Nữ… thì ngày nay, kể cả những mối tình đồng tính trong Trần Tình Lệnh, Sơn Hà Lệnh… cũng được ngợi ca. Đấy là điều không tưởng ở các thập niên trước. Ngoài ra, việc miêu tả cảnh trí, chiêu thức trong tiên hiệp cũng phong phú hơn, mang màu sắc kì ảo, có hơi hướm “fantasy” của tiểu thuyết phương Tây hơn… Điều này cho thấy có một số thay đổi lớn trong thi pháp biểu hiện mà bạn vừa bàn ở trên. Sự thay đổi này khá hòa nhập với các trào lưu của tiểu thuyết đương đại thế giới.

- Chúng ta đã bàn khá nhiều về tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc. Giờ hãy nói một chút về kiếm hiệp Việt. Thưa PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, chị nhận định thế nào về tiểu thuyết kiếm hiệp Việt?

+ Theo tôi, kiếm hiệp Việt Nam cũng khá thú vị, có cái để đọc. Thật ra ngay khi chúng ta tiếp nhận tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc ở nửa đầu thế kỉ XX, chúng ta cũng đã tạo ra được một trào lưu kiếm hiệp Việt Nam tiền chiến. Ví như Phạm Cao Củng, ngoài truyện trinh thám, ông viết tiểu thuyết kiếm hiệp. Khi viết kiếm hiệp, ông lấy bút danh Văn Tuyền. Những tiểu thuyết kiếm hiệp của ông Lục kiếm đồng, Chu long kiếm, Võ hùng kiệt… cũng có số lượng bạn đọc nhất định. Ngoài Phạm Cao Củng, một số nhà văn nổi tiếng khác cũng từng thử sức với kiếm hiệp như Khái Hưng Tiêu Sơn tráng sĩ, Từ Khánh Phụng (dịch giả dịch truyện Kim Dung) với Hỏa Long thần kiếm, Trạm Lư bảo kiếm… Phan Cảnh Trung (cũng là dịch giả truyện Kim Dung) với Hiệp khách giai nhân. Ngoài ra cũng còn nhiều tác giả chú tâm, chuyên chú vào kiếm hiệp như Trần Đại Sỹ, Lý Phật Sơn, Vũ Ngọc Đĩnh... Tiểu thuyết kiếm hiệp Việt dựa vào truyền thuyết, lịch sử, văn hóa Việt nên cũng tạo ra được những nét riêng. Hiện tại, những hoạt động sáng tác, thưởng thức, bình chọn diễn ra khá sôi nổi trên không gian mạng. Có thể nói, so với một số dòng văn học đại chúng khác như tiểu thuyết trinh thám hay tiểu thuyết đồng tính, tiểu thuyết kiếm hiệp Việt Nam vẫn có nhiều tác giả và tác phẩm hơn.

- Quả thật, mặc dù bức tranh kiếm hiệp Việt có những điểm sáng nhưng chúng ta phải công nhận một thực tế là kiếm hiệp Việt chưa có tác phẩm đỉnh cao. Trong mấy thập kỉ qua, tiểu thuyết kiếm hiệp Việt ở cả hai khuynh hướng “dĩ Trung vi trung” và “thoát Trung” đều không có thành tựu nổi bật. Những nỗ lực của các thế hệ đi trước như Hoàng Ly, Sơn Linh, Hàn Giang Nhạn, Ưu Đàm Hoa… hay của các tác giả trẻ gần đây như Hoàng Tùng, Keo Chuối… đều chỉ tạo nên những cơn gió nhẹ thoảng qua. Thưa PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, đâu là những nguyên nhân khiến tiểu thuyết kiếm hiệp Việt vẫn chỉ ở tầm “bình bình” như vậy?

+ Tiểu thuyết kiếm hiệp Việt Nam mới chỉ có những tác phẩm “đọc được” chứ chưa có tác phẩm đỉnh cao. Văn học Việt từ trước đến giờ vốn không có truyền thống viết về kiếm hiệp. Tiểu thuyết kiếm hiệp như tôi nói ở trên mới manh nha từ thập niên 30 của thế kỉ trước, tính đến giờ chưa được một thế kỉ, đã vậy lại còn ngắt quãng, gián đoạn nhiều. Lịch sử nước mình không có hiệp khách, không có bang hội, môn phái nên chất liệu khá nghèo nàn cho các nhà văn chắp bút. Và điều tiên quyết, quan trọng nhất là chúng ta không có những tài năng, những cây bút viết kiếm hiệp lớn ở tầm “duy ngã độc tôn” nên đành chịu vậy chứ biết làm sao. Ở lĩnh vực nghệ thuật nào, thể loại nào tài năng cũng là yếu tố quyết định. Cái này chúng ta đều rất minh bạch rồi. Mặt khác, tiểu thuyết kiếm hiệp Việt Nam không phát triển một phần cũng do khâu xuất bản và nghiên cứu, phê bình. Ở thị trường sách kiếm hiệp, kiếm hiệp Trung Quốc đã lấn át hoàn toàn kiếm hiệp “made in Vietnam”. Các nhà xuất bản Việt chỉ chăm chăm dịch, in kiếm hiệp Trung Quốc để thu lợi nhuận chứ ít đoái hoài đến kiếm hiệp Việt. Giới nghiên cứu, phê bình thì gần như “ngoảnh mặt làm ngơ” với thể loại này.

- Tình trạng “ngoảnh mặt làm ngơ” của giới nghiên cứu, phê bình với tiểu thuyết kiếm hiệp thật sự đáng buồn. Theo hiểu biết của tôi, mãi đến tận năm ngoái (2020), tiểu thuyết kiếm hiệp (cả Việt Nam lẫn Trung Quốc) mới được “điểm xuyết” “vài thành công lực” trong công trình Văn học đại chúng trong bối cảnh Việt Nam đương đại của một cơ quan nghiên cứu văn học lớn, chính thống là Viện Văn học. Đến thời điểm hiện tại, giới phê bình văn học nước nhà - vốn mạnh, đông nhất trong các loại hình nghệ thuật - vẫn chưa tổ chức nổi một buổi “Hoa sơn luận kiếm” để đánh giá, xếp hạng “binh khí phổ” cho những tác giả - tác phẩm kiếm hiệp Việt. Vì sao giới phê bình lại “ghẻ lạnh” với tiểu thuyết kiếm hiệp như vậy thưa PGS. TS Trần Lê Hoa Tranh?

+ Nói đến những ý cuối của câu hỏi trên thì anh hỏi ngay câu này luôn rồi! Vì sao giới phê bình, nghiên cứu chúng ta không mặn mà với tiểu thuyết kiếm hiệp nói chung, và kiếm hiệp Việt Nam nói riêng? Có lẽ chúng ta - những nhà nghiên cứu, phê bình vẫn còn mang nặng dấu ấn hàn lâm quá sâu. Chúng ta cho rằng chỉ những hiện tượng văn học hàn lâm, bác học, đỉnh cao mới xứng đáng cho chúng ta nghiên cứu. Ngày trước, tôi có viết một bài về tiểu thuyết ngôn tình, một đàn anh thân thiết đã nói tôi rằng: giết gà dùng dao mổ bò vậy cô, nghĩa là trong thâm tâm, chúng ta chưa nhìn nhận vai trò của những hiện tượng văn học đại chúng cần thiết và quan trọng như thế nào đối với xã hội. Nhà nghiên cứu, phê bình cần bước ra khỏi “tháp ngà văn học” nhiều hơn nữa, hướng đến những hiện tượng văn hóa, văn học đang chiếm lĩnh đời sống tinh thần của đại đa số độc giả, quan tâm, lí giải và có những đánh giá, định hướng thị hiếu nhiều hơn nữa. Tôi không nghĩ rằng viết một bài về nhà văn đoạt giải Nobel sang trọng hơn viết về Kim Dung và ngược lại. Phê bình hay nghiên cứu hướng đến đối tượng đại chúng cũng mang lại những cần thiết và ích lợi cho cộng đồng, góp phần tái cấu trúc nền văn học đương đại một cách toàn diện gồm: sáng tác - tiếp nhận - nghiên cứu - phê bình.

- Không chỉ trong phê bình, dấu ấn, vị thế trong đời sống văn chương nói riêng, đời sống xã hội nói chung của tiểu thuyết kiếm hiệp Việt cũng rất mờ nhạt. Đây là một hiện tượng khá khó hiểu ở Việt Nam. Rõ ràng kiếm hiệp có một lượng người hâm hộ đông đảo thuộc đủ mọi tầng lớp nhưng chỉ hoạt động sôi nổi trên không gian mạng, mang tính tự phát, là sân chơi riêng của một nhóm người chứ không có sự bảo trợ của các cơ quan văn học chính thống như Hội Nhà văn Việt Nam, không có sự PR “tiền hô hậu ủng” của giới báo chí truyền thông… Dường như trên phương diện chính thống, người Việt khá khắt khe, dè dặt khi bàn về kiếm hiệp. Trong khi đó ở Trung Quốc, tiểu thuyết kiếm hiệp thật sự trở thành một phần của nền văn hóa, được giới tinh hoa và người dân thường công nhận, ưa thích. Họ có Hội nghiên cứu văn học võ hiệp Trung Quốc, có những giải thưởng danh giá cho tiểu thuyết kiếm hiệp. Tác phẩm của Kim Dung nằm trong top các tác phẩm văn học được yêu thích, có ảnh hưởng nhất với công chúng, được đưa vào giảng dạy cho học sinh và đám tang của ông vào năm 2018 là một sự kiện văn hóa lớn của đất nước Trung Quốc. Thưa PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, tại sao người Trung Quốc lại cởi mở hơn, phóng khoáng hơn người Việt trong tiếp thu, nhìn nhận, đánh giá tiểu thuyết kiếm hiệp và làm sao để kiếm hiệp Việt có thể “luyện hóa”, “phi thăng” lên cảnh giới cao hơn?

+ Mình không so sánh với Trung Quốc được trong lĩnh vực này, cái đó phải thừa nhận. Họ có truyền thống võ hiệp lâu đời từ xã hội đến văn học. Nhân vật hiệp khách thỏa chí tang bồng, công toại thân thoái, trừ gian diệt bạo là hình mẫu tiêu biểu của người Trung Hoa từ xa xưa, trở thành một bộ phận cấu tạo nên bản sắc văn hóa Trung Hoa, giúp phân biệt nền văn hóa này với các nước khác. Từ thời nhà Hán, Sử kí Tư Mã Thiên đã có thiên “thích khách liệt truyện” ghi lại những câu chuyện truyền kì về những hiệp khách. Tiếp xúc sớm cả ngàn năm như vậy, bảo sao độc giả Trung Quốc lại không thoáng, không cởi mở trong đánh giá, tiếp nhận với tiểu thuyết kiếm hiệp. Việt Nam mình không có điều đó. Văn hóa người Việt từ xưa đến nay vẫn chưa xem kiếm hiệp là một phần của mình nên mới dẫn đến hiện tượng thích nhưng vẫn dè dặt, khắt khe như bạn nói. Cho nên, để văn học kiếm hiệp Việt Nam phát triển và được nhìn nhận đòi hỏi nhiều yếu tố lắm: tác giả, tác phẩm, sự đầu tư và ủng hộ của giới xuất bản, sự quan tâm của truyền thông, sự “tiếp tay” của phê bình và nghiên cứu… Tổng hòa tất cả những yếu tố đó trong hàng thập kỉ nữa, văn học kiếm hiệp Việt Nam may ra mới có thể “xưng bá võ lâm” được, còn không chúng ta mãi chỉ đọc kiếm hiệp Trung Quốc và lấy những hình mẫu Tiêu Phong, Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ, Sở Lưu Hương, Phó Hồng Tuyết… của Trung Quốc làm những hình mẫu hiệp khách mơ mộng cho mình mà thôi!

- Xin cảm ơn PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh về cuộc trò chuyện này!

ĐOÀN MINH TÂM thực hiện

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 02.11.2021.

Thông tin truy cập

60794597
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14098
24669
60794597

Thành viên trực tuyến

Đang có 331 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website