Đây được xem là sự kiện văn hoá của thành phố lớn nhất phương Nam, có nhiều tác động đến đời sống văn học, nhất là giới viết văn trẻ, được dư luận quan tâm.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tham luận đề dẫn của nhà thơ Phan Hoàng, Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM, người trực tiếp tổ chức thực hiện cuộc hội ngộ văn trẻ.
Viết thật hay và sống thật nghĩa tình!
PHAN HOÀNG
1.
Nhìn lại 36 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, đội ngũ các nhà văn trẻ của thành phố đã nối tiếp nhau xuất hiện, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, chưa bao giờ lực lượng các cây bút tuổi đời dưới 40 của thành phố lại xuất hiện đông đảo như hiện nay: khoảng gần 100 người. Có bạn đã xuất bản cả chục đầu sách. Có bạn đã đoạt các giải thưởng văn học của thành phố, quốc gia, quốc tế. Có bạn đã có vị trí nhất định trên văn đàn. Và cũng có bạn còn ngồi trên ghế nhà trường, mới bước đầu tìm cách khẳng định mình nhưng sớm thể hiện được tài năng và nhiệt huyết văn chương. Đặc biệt hơn, có những bạn say mê và lặng lẽ sáng tác, nhưng mãi loay huay chẳng biết gửi đăng báo thế nào, in sách ra sao; họ bước vào thế giới văn chương tự nhiên đơn độc như “cỏ dại” và cứ thế mà vươn lên… Đó là một thực tế mà ít người biết được.
Hoàn cảnh xuất thân của các nhà văn trẻ thành phố cũng là một nét văn hoá đặc biệt ít nơi nào có được. Có người sinh trưởng tại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Có người từ miền Tây lên. Có người từ miền Đông xuống. Có người từ miền Bắc, miền Trung vào. Đa số họ tốt nghiệp từ các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, có người học từ nước ngoài về, nghĩa là họ có nền tảng cơ bản về văn hoá tri thức trước khi đi vào con đường văn chương.
Rõ ràng đội ngũ các nhà văn trẻ của Thành phố Hồ Chí Minh rất phong phú và đa dạng. Điều quan trọng là làm sao tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho các cây bút trẻ phát triển tài năng, gắn bó lâu bền với nghề, để họ cống hiến hết khả năng sáng tạo văn học của mình, cũng chính là góp phần sáng tạo nên những sản phẩm văn hoá cao cấp cho đời sống tinh thần của thành phố và đất nước ta.
2.
Vừa qua, đã nảy sinh ý kiến rằng có nên tổ chức hội nghị nhà văn trẻ hay không. Tôi xin khẳng định việc tổ chức hội nghị này là cần thiết. Vì sao?
Ai cũng thừa biết sáng tạo văn học là công việc lặng lẽ tự thân của mỗi cá nhân. Trang văn được độc giả đón nhận là niềm hạnh phúc lớn nhất của nhà văn. Tuy nhiên, bất cứ làm nghề gì con người cũng cần có nhu cầu mở rộng quan hệ giao lưu, chia sẻ lẫn nhau. Với người cầm bút trẻ, nhu cầu ấy càng lớn. Không nhà văn tài năng nào mà cả đời chẳng cần đến bạn văn, chẳng cần tình đồng nghiệp, chẳng cần đến sự tương tác trong đời sống văn học.
Trong khi đó, dù sinh sống, làm việc, học tập cùng một thành phố, nhưng do hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, không phải các bạn văn trẻ dễ dàng được gặp nhau. Nhiều bạn biết tên nhau, đọc tác phẩm của nhau, nhưng chưa bao giờ chạm mặt. Thậm chí có những bạn văn trẻ từ hội nghị 5 năm về trước tới bây giờ mới gặp lại nhau. Có bạn văn cũng có mặt ở đây mà trước đây tôi chỉ biết qua trang văn, đã gửi email đến tôi rằng: Em say mê sáng tác đã gần mười năm, nhiều lúc muốn gặp gỡ các bạn văn để cùng tâm sự sẻ chia nhưng không biết phải làm cách nào, bây giờ nghe nói có một hội nghị viết văn trẻ như thế này em rất vui… Còn có bạn đang là sinh viên đã nói: Em có vài truyện ngắn đầu tay in trên báo, đến toà soạn nhận nhuận bút rồi về, muốn gặp một bạn văn trẻ có truyện cùng đăng hoặc một bậc nhà văn đàn anh nào đó thật khó vô cùng, có lúc thử chủ động gọi điện làm quen thì họ tỏ ra nghi ngại…
Tôi hết sức xúc động khi đọc những dòng này. Tại sao chúng ta không tạo cơ hội cho các bạn văn trẻ gặp gỡ nhau, tiếp lửa cho niềm đam mê trang viết của họ?
Vì vậy, hội nghị những người viết văn trẻ thành phố không chỉ là dịp hội tụ và nhìn lại đội ngũ viết trẻ, mà còn là cơ hội tốt để các bạn giao lưu, luận bàn, sẻ chia lẫn nhau những trăn trở về cuộc sống và nghề nghiệp, mở rộng mối quan hệ đồng nghiệp.
Gặp bạn văn cũng là dịp để mỗi người tự nhìn lại mình, nhìn lại trang viết của mình, nhắc nhở mình, tự bồi đắp và nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo.
Tôi tin rằng, không khí vui tươi trẻ trung từ hội nghị này sẽ tiếp thêm sinh khí, động lực, năng lượng và khai mở nhiều ý tưởng mới cho trang viết sắp tới của các bạn văn trẻ chúng ta.
3.
Điều quan trọng nhất đối với người viết văn vẫn là chất lượng trang văn của mình.
So với các thế hệ nhà văn đi trước, các nhà văn trẻ hiện nay có nhiều điều kiện tốt hơn, từ môi trường sống, học tập, sáng tạo và công bố tác phẩm. Nếu như trước đây khi tác phẩm viết ra chỉ in trên báo giấy hoặc xuất bản thành sách thì ngày nay nhờ internet mà trang văn các bạn nhanh chóng tiếp cận được bạn đọc. Mạng thông tin điện tử cũng mang lại rất nhanh cho các bạn những kiến thức về đời sống xã hội lẫn văn học thế giới.
Nhờ đó, các bạn văn trẻ đã có những cách nhìn mới, tiếp cận mới, bút pháp mới, tạo dựng không gian thẩm mỹ mới. Trên giá sách của các nhà sách hay mỗi gia đình luôn xuất hiện tác phẩm văn học mới của các nhà văn trẻ thành phố. Nhiều tác phẩm còn được liên tục tái bản, được chuyển thể kịch bản dựng thành phim, dịch ra tiếng nước ngoài. Nhiều nhà văn trẻ thường xuyên được các nhà xuất bản, công ty sách, báo chí văn nghệ đặt hàng. Và tên tuổi họ đã trở thành “thương hiệu” ăn khách mà không rẻ tiền.
Đề tài mà các bạn đề cập cũng rất đa dạng. Một số người có cái nhìn phiến diện đã cho rằng các nhà văn trẻ chỉ loanh quanh cái tôi cá nhân, tình yêu đôi lứa, tình dục và những chuyện “hot”. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ họ, chúng ta nhất định sẽ có những cái nhìn khác đi. Các nhà văn trẻ đã khám phá lịch sử oai hùng và đau thương của dân tộc bằng sự suy nghiệm của riêng mình. Một sự suy nghiệm tỉnh táo nhờ độ lùi của thời gian. Họ cũng cọ xát và đồng cảm với những số phận bất hạnh rất đời thường. Họ lên tiếng trước cái ác, cái xấu, bất công. Họ cảnh báo những nguy cơ về môi trường, về sự băng hoại đời sống gia đình, về thói ích kỷ, về lòng tham không đáy, về sự lãnh cảm, về những cái chết đang gặm nhắm tâm hồn con người giữa thời đại kỹ thuật số...
Trang văn trẻ cũng đi sâu vào tâm lý của thị dân, nhất là giới trẻ đang sống cuồng sống vội giữa dòng chảy thị trường. Họ thể hiện được tình yêu, lý tưởng sống và cả sự sa ngã của một bộ phận giới trẻ đang du học ở nước ngoài hay cố đi tìm “miền đất hứa” ở xứ người. Thậm chí trong những trang văn tưởng chừng trống rỗng, cô đơn về thân phận làm người cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang chạy theo lợi danh mà đánh mất nhân cách, quên mất trách nhiệm của mình trước cộng đồng, trước mảnh đất mà mình đang sống.
Và trên hết, các nhà văn trẻ thành phố đều có ý thức trách nhiệm về sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút. Họ thể hiện trách nhiệm ấy bằng những hình tượng văn học và không gian thẩm mỹ đầy tính sáng tạo. Họ có cách nhìn khác, bút pháp khác với những thế hệ nhà văn đi trước. Cái sự khác ấy là điều cần thiết cho sự phát triển văn học. Và bằng tâm thế của thế hệ mình, trang văn của họ cho thấy tình yêu cháy bỏng nghề nghiệp, sự quan sát tinh tế và nhạy cảm, toát lên những vẻ đẹp nhân bản vĩnh hằng. Họ ước mơ cuộc sống của mỗi con người tốt đẹp hơn, thành phố phát triển hơn, đất nước trường tồn và giàu mạnh hơn.
Với tư cách là một đồng nghiệp tôi cảm thấy rất tự hào trước sự sáng tạo mạnh mẽ và thành quả văn học đáng trân trọng của các bạn văn trẻ thành phố, nhất là những bạn có mặt hôm nay.
4.
Cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt.
Giữa dòng cao tốc thông tin, đôi khi thiếu chọn lọc, chúng ta rất dễ bị phân tâm. Giữa dòng sản phẩm làm ra quá nhiều, đôi khi thiếu chọn lọc, trang viết của chúng ta sẽ dễ rơi vào hàng thứ phẩm, mì ăn liền.
Có bạn vì muốn bán sách chạy, muốn sớm nổi tiếng, đã sa đà vào sex hay những chuyện dung tục tầm thường. Thậm chí có người không có tài năng văn chương, lợi dụng tên tuổi của mình ở lĩnh vực giải trí nào đó, đã nhảy bổ vào sân văn bằng những trang viết tầm phào mà cứ ngỡ mình đã trở thành nhà văn rồi.
Hiện tượng đạo văn trong giới viết trẻ cũng đáng báo động. Đạo văn bản, đạo ý tưởng. Đạo văn trong nước, đạo văn nước ngoài. Đạo thô thiển. Đạo tinh vi. Nạn đạo văn có thể đánh lừa một bộ phận bạn đọc, nhưng không thể đánh lừa những người đọc có tầm và bạn văn sành nghề. Cái sự đạo ấy cũng là biểu hiện cái thói háo danh, chạy theo cái lạ hoặc lười biếng sáng tạo.
Đồng thời, trong tình đồng nghiệp với nhau, đôi khi vì thiếu kiềm chế hay vì thói tị hiềm ích kỷ, có người đã lợi dụng thông tin mạng để công kích, lăng mạ nhau. Thậm chí những sinh hoạt văn học bình thường mang tính tập thể, như hội nghị văn trẻ hoặc ngày thơ hàng năm, có những bạn văn đã thốt những lời lẽ thiếu thiện ý xây dựng.
Ai cũng biết rằng con đường văn chương là đầy chông gai, thử thách. Tại thành phố chúng ta đang ngồi đây, có bao lớp nhà văn đàn anh vì lý tưởng sống, vì những trang văn phản ánh số phận bất hạnh của con người, sự tồn vong của dân tộc, mà họ đã đổ nhiều mồ hôi và công sức, đánh đổi cả mạng sống của mình. Trân trọng những thế hệ đi trước để chúng ta rút ra những bài học quý báu cho thế hệ mình, giúp chúng ta trưởng thành hơn.
Dù đã có những thành quả nhất định, nhưng những gì mà các nhà văn trẻ đạt được cũng chỉ mới là bước đầu. Từ kinh nghiệm các bậc đàn anh cho thấy, muốn tiến xa trên con đường văn chương, ngoài tài năng đòi hỏi mỗi nhà văn cần phải luôn tự đào luyện mình về tri thức, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp, mà trong đó có sự bao dung, tình thân ái giữa những người cầm bút với nhau.
Trên tinh thần đó, từ diễn đàn của Hội nghị Những người viết văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 3, tôi muốn gửi tới các bạn văn trẻ thông điệp rằng: Chúng ta hãy cố gắng viết thật hay và sống thật nghĩa tình. Chân trời văn học tươi sáng đang chờ đón các bạn.
Nguồn: http://www.nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/viet-that-hay-va-song-that-nghia-tinh.html