Cực lạc là đây

Thơ Hồ Xuân Hương có cung Ma và cõi Phật. Đó là sự sống. Và Mùa Xuân cũng thế. Nếu gạt bỏ bóng tối thì ánh sáng cũng biến mất. Nếu không có một vũng tang thương thì cũng không có Mùa Xuân Cực lạc.

Hồ Xuân Hương, người mà dịch giả John Balaban xưng tụng là "nhà thơ của thế giới" (a world - class poet), là "nữ Bồ Tát" (Bodhisattva). Khi Xuân Hương nhìn ngắm Mùa Xuân, nàng sẽ thấy gì?

Khi nàng lên đài cao nhìn Mùa Xuân Tây Hồ thì thời gian chiêu mộ và trời nước như đảo chuyển và trở về nguyên thủy. Cái nhìn của một nữ thần, phải chăng?

Hãy nhìn với nàng đi.

Hãy đến Đài Khán Xuân. Và nhìn ngắm như một nhà thơ.

Chính là bạn đang ngắm nhìn nhà thơ, ngắm nhìn bản thân thơ ca.

Chơi Đài Khán Xuân

Êm ái chiều xuân tới khán đài,
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai.
Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng,
Một vũng tang thương nước lộn trời.
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
Nào nào Cực lạc là đâu tá,
Cực lạc là đây chín rõ mười.

Thơ Hồ Xuân Hương có cung Ma và cõi Phật. Đó là sự sống. Và Mùa Xuân cũng thế. Nếu gạt bỏ bóng tối thì ánh sáng cũng biến mất. Nếu không có một vũng tang thương thì cũng không có Mùa Xuân Cực lạc.

Chính vì thế mà đang êm ái và lâng lâng lại có thể vang động những gầm sóng, lộn trời. 

Vì Xuân Hương không chỉ có "êm ái" và "lâng lâng". Cái nhìn của Xuân Hương không bao giờ đứng yên. Chỉ trong đôi mắt chết, sự vật mới đứng yên.

Êm ái chiều Xuân. Xuân có một dáng vẻ (chiều) dường như êm ái. Êm ái như những bước thiền hành.

Nhà thơ và Mùa Xuân đồng hành, đang êm ái bước tới khán đài bên Hồ Tây.

Đài đang chờ đợi khách đến ngắm Xuân, nhưng xưa kia đài được xây vì một lẽ khác, để xem binh lính thao diễn kiếm cung, tập trận.

Cùng một cái đài thôi mà có thể duyệt quân hoặc khán Xuân. Hơn thế, đôi mắt là một cái đài thiêng. Nhà thơ nhìn ngắm và thế giới được tạo dựng. Cả hai dường như trong trẻo, lâng lâng, không bụi.

Bụi là những tạp niệm. Nó có đó nhưng phải lắng đi. Vì khi ta êm ái thì bụi cũng êm ái. Khi ta êm ái thì ba ngàn thế giới cũng lắng đọng, êm ái. Khi ta cuồng nộ thì một hạt bụi cũng cuồng nộ.

Và mùa Xuân thì êm ái đến thế trong lòng Xuân Hương.

Nhưng cái êm ái, lâng lâng ấy không kéo dài lâu. Bởi vì Xuân Hương rất tinh nghịch. Nàng bước khỏi Tịnh Độ một bước và vào cung Ma. Nàng qua lại giữa hai cõi bằng những bước thơ lạ kỳ.

Tại sao vậy? Bởi vì nàng nghe những hồi chuông chiêu mộ. Nghe như những tiếng sóng gầm. Những tiếng sóng của thời gian.

Đau khổ dường như là một tên gọi khác của thời gian. Nhà thơ nghe những con sóng của nó rền rĩ. Chiêu chiêu, mộ mộ.

Để sóng cuốn mình đi, nhà thơ muốn sống và đau khổ như một con người. Không có cuộc trải nghiệm này cũng sẽ không có Tịnh Độ.

Và trong cái vũng tang thương gọi là đời sống ấy có nước có trời, có bóng tối lẫn lộn ánh sáng. Điều quan trọng là ở đâu có nước mà không có bóng của thiên đàng?

Một vũng tang thương nước lộn trời.

Ở đây có lẽ bản Anh dịch của Balaban cố bắt kịp cái hồn của Xuân Hương: We see heaven upiside - down in sad puddles.

Ta thấy thiên đàng "lộn ngược" trong vũng nước buồn. Cho dù thiên đàng lộn ngược, lẫn lộn với nước đời thì vẫn là bóng của thiên đàng. Ta, Bà có thể chỉ là cái bóng của Tịnh Độ? Nhưng ý tứ Xuân Hương đúng ra là lẫn lộn, pha lẫn; bầu trời kia pha lẫn trong vũng tang thương trần thế.

Emily Dickinson, nàng thơ Mỹ đồng điệu với Xuân Hương, từng viết rằng: Tôi đi đến thiên đàng. Cái làng con là đấy... Tôi có thể vào Làng. Xem như người cùng Hội. Vinh quang.(I went to heaven. "Twas a small town... I could be. "Mong such unique. society)

Bầu trời trong vũng nước, hay thiên đàng là một cái làng con, hai nàng thơ đã phóng tỏa một cái nhìn xanh, xanh thăm thẳm.

Tang thương là bể dâu, và chỉ là một vũng nước nhỏ. Hoặc là trong biển rộng cũng như vũng nước đều có bầu trời.

Vũ trụ thì như thế, thời gian thì như thế. Còn con người thì sao?

Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.

Con người rất nhỏ nhưng những gì mà hình hài mong manh ấy mang chứa lại rất mênh mông và sâu thẳm, nghìn trùng và muôn trượng, vộ tận, không cạn, không vơi.

Quẻ "Tỉnh" trong Kinh Dịch cũng gợi lên một nguồn nước vô tận nơi con người. Thôn ấp thì thay đổi chứ nguồn nước thì không. Nước mạch chảy hoài, ai cũng lấy nước đó mà dùng, mà giúp người qua lại. Nước giúp đỡ mọi người mà dường như vô tâm.

Nguồn nước đó đối với Xuân Hương là nguồn ân bể ái. Không cạn, không vơi mà cũng không đủ. Cũng như Emily Dickinson:

"Tôi ái ân vô tận.
Bằng chứng là đây.
Tôi chưa hề sống đủ.
Cho đến khi yêu đầy."

(That I did alsway love.
I bring thee proof.
That till I loved.
I never lived enough).

Tình có thể là đau khổ nhưng e rằng chưa từng đau khổ, khó có thể vào thiên đàng. Những người yêu đầy, sống đủ như Emily, như Hồ Xuân Hương đã là hình bóng của thiên đàng.

Hơn nữa, tình yêu như bể như nguồn của họ trải rộng ra khắp cõi đời, thiên nhiên, càn khôn và không bỏ sót những giống loài nhỏ bé (con ốc, lá cỏ, bánh trôi, con ong, ...). Họ hồn nhiên, chân thành và xa lạ với mọi thứ giả trá, lừa mị.

Chính vì thế họ biết thế nào là Cực lạc. Cũng như nữ sĩ Sei Shônagon của Nhật thời Heian. Trong tập tùy bút lừng danh của mình, Sei viết:

"Những điều tuy xa mà gần:
Cực lạc.
Thuyền.
Nam nữ."

Trong cảm thức của Sei thì Cực lạc (Gokuraku, phiên âm đúng là Cực lạc) là cái gì gần gũi, thân quen, cái cảm thức mà chắc chắn Hồ Xuân Hương và Emily đều đã ngộ.

Nào là Cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây chín rõ mười.

Cực lạc chính là cái hiện tiền. Là ở đây. Là bây giờ đây. Là chính ta đây.

Cực lạc là sự sống cụ thể, rõ ràng (chín rõ mười), không phải là thời điểm, hay địa điểm xa xôi nào. Đừng đi tìm đâu đâu.

Như vần thơ của Thiền Lão đời Lý:

"Đãn tri kim nhật nguyệt.
Thùy thức cựu xuân thu."
(Tháng ngày chỉ biết hôm nay.
Còn xuân thu cũ ai hoài làm chi!).

Ta nghe rất rõ tự thoại vô cùng sống động mà tinh tế của Hồ Xuân Hương:

- Cực lạc là đâu?
- Cực lạc là đây.

Ta đau khổ vì tâm trí ta là một kẻ lang thang điên rồ. Tâm trí ta. Hắn lang thang lúc thì tìm về quá khứ, lúc thì tìm đến tương lai. Hoặc là một nơi chốn khác. Hoặc là đi tìm một kẻ khác.

Cực lạc là đây - Hồ Xuân Hương đã nói như thế.

Là bây giờ đây. Vì chỉ có cái bây giờ đang tiếp xúc với ta và mở rộng quanh ta. Nếu hỏi bây giờ là lúc nào thì câu trả lời xứng đáng nhất phải là: "Bây giờ!".

Là ở đây. Nếu không ở đây thì cũng chẳng ở đâu. Vì bằng cách nào ta đồng thời ở đây mà lại còn ở một nơi nào khác?

Là chính ta đây. Ta phải sáng tạo bầu trời và mặt đất cho mình. Vì không ai làm điều đó cho ta được. Nếu ta khát nước thì ai có thể uống thay ta?

Cực lạc là đây. Không thể tin vào một lời hứa hẹn nào khác.Về hôm qua hoặc ngày mai Lewis Caroll đã chế giễu cái ảo tưởng thời gian ấy trong câu chuyện về bé Alice. Hoàng hậu Trắng (The White Queen) nói với Alice:

"Luật lệ là, chỉ có mứt ngày mai và mứt hôm qua - Nhưng không bao giờ có mứt hôm nay". (The rule is, jam tomorrow and jam yesterday but never jam today).

Điều đó có thể diễn dịch như sau: Ta hứa với ngươi Cực lạc ngày mai và Cực lạc hôm qua - nhưng không bao giờ có Cực lạc hôm nay.

Nhưng Xuân Hương nói: Cực lạc là hôm nay, là Đây!

Xuân Hương đã cứu độ những tâm hồn ngây thơ như Alice. Mứt hay là bánh trôi của cô không phải là bánh vẽ.

Bánh trôi ấy là Đây.
Cực lạc của Xuân Hương là Đây.


***

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 13 (ngày 18/2/2006)

Thông tin truy cập

60423149
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4124
6820
60423149

Thành viên trực tuyến

Đang có 1611 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website