Tham luận đọc tại Hội thảo Phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn - 80 năm nhìn lại
Bản tham luận của chúng tôi gồm có hai phần. Xin lần lượt trình bày dưới đây:
I. BIỆN HỘ CHO THƠ MỚI VÀ TIỂU THUYẾ`T TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, NHÂN ĐƯA HAI SỰ KIỆN VĂN HỌC NÀY VÀO CHƯƠNG TRÌNH THPT CẢI CÁCH GIÁO DỤC:
1. Từ Đại hội 6 của Đảng (1986), đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.
Từ bấy đến nay, ngành giáo dục đã tổ chức hai cuộc cải cách về chương trình và sách giáo khoa THPT.
Cuộc cải cách thứ nhất khởi động từ cuối thế kỷ XX, chủ yếu đổi mới về nội dung chương trình và sách giáo khoa. Cuộc cải cách thứ hai tiến hành từ đầu thế kỷ XXI, chủ yếu đổi mới về phương pháp giảng dạy. Từ phương pháp gọi là thầy giảng, trò ghi chép, đến phương pháp hướng dẫn học sinh tự mình đọc hiểu tác phẩm văn học.
Cuộc cải cách thứ hai do GS Trần Đình Sử chủ biên.
Cuộc cải cách thứ nhất do tôi phụ trách. Chương trình và sách giáo khoa đổi mới lần thứ nhất này được gọi là chương trình và sách giáo khoa cải cách giáo dục (CCGD).
Muốn hiểu chương trình CCGD môn Văn được đổi mới (về nội dung) như thế nào, cần biết nội dung của chương trình trước đó.
Có thể nói một cách khái quát và văn tắt rằng: Nội dung chương trình trước cải cách được biên soạn theo quan niệm đồng nhất văn học với chính trị. Tiêu chuẩn nghệ thuật chỉ là thứ yếu. Tiêu chuẩn cao nhất, tiêu chuẩn số một để đánh giá văn học hồi ấy là tiêu chuẩn chính trị hiểu theo nghĩa rất hạn hẹp. Nghĩa là tác phẩm đưa vào chương trình trước hết phải minh họa đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng từng giai đoạn lịch sử. Ưu tiên số một vẫn dành cho văn học cách mạng, đặc biệt là văn thơ Hồ Chủ Tịch và thơ Tố Hữu.
Ở đây tôi chỉ nói riêng về văn học giai đoạn 1930 – 1945 với hai sự kiện: tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn và phong trào Thơ mới mà cuộc hội thảo này đề cập đến.
Hai sự kiện văn học nói trên chẳng những không được đưa vào chương trình học mà còn bị coi là loại sách cấm đối với cả xã hội. Đấy là một loại văn học bị coi là độc hại, thậm chí phản động. Làm công tác nghiên cứu khoa học hồi ấy muốn đọc các tác phẩm của TLVĐ và phong trào Thơ mới cũng như tất cả các tác phẩm gọi là lãng mạn ở thư viện quốc gia Hà Nội, phải có giấy giới thiệu của Thủ trưởng cơ quan nghiên cứu mới được cấp loại thẻ đặc biệt để đọc loại sách cấm này.
Được giao chủ biên biên soạn chương trình và sách giáo khoa CCGD tôi mạnh
dạn đưa ra phương châm: Chương trình Văn trước hết phải là chương trình Văn. Nghĩa là tuyển tác phẩm phải đặt tiêu chuẩn nghệ thuật lên hàng đầu. Tôi quan niệm không có giá trị nghệ thuật, tác phẩm văn học chỉ là con số không. Tất nhiên nội dung tác phẩm cũng phải tiến bộ, lành mạnh phù hợp với yêu cầu giáo dục tư tưởng cho học sinh của nhà trường cách mạng.
Tôi đã đưa vào chương trình lớp 11 đoạn trích một chương trong cuốn tiểu thuyết của Khái Hưng. Chương Cháu Ai (cuốn Nửa chừng xuân), và 10 bài thơ mới của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Thâm Tâm, Nguyễn Bính.
Trong hoàn cảnh của những năm 80, 90 của thế kỷ trước khi quan niệm về văn học còn nặng nề như nói ở trên, việc đưa tiểu thuyết TLVĐ và Thơ mới vào chương trính THPT như thế đã gây sốc đối với những đầu óc bảo thủ. Họ đã viết bài đăng báo và tung dư luận phê phán chương trình mới.
Với tư cách chủ biên biên soạn chương trình, tất nhiên tôi phải viết bài giải thích. Hồi ấy mỗi cuốn sách giáo khoa được xuất bản đều có in kèm theo một tài liệu gọi là hướng dẫn thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Trong tài liệu này, tôi đã phát biểu ý kiến biện hộ cho tiểu thuyết TLVĐ, phong trào Thơ mới và văn học lãng mạn nói chung.
2. Hồi này, phổ biến nhất là hai quan niệm sai lầm sau đây về văn học lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945.
a/ Đối lập văn học lãng mạn với văn học hiện thực phê phán về thế giới quan giai cấp: Văn học lãng mạn thuộc thế giới quan tư sản tiêu cực và phản động; văn học hiện thực phê phán phản ánh thế giới quan của tầng lớp tiểu tư sản nghèo gần gũi với nhân dân lao động và cách mạng.
b/ Văn học lãng mạn có hại cho cách mạng vì nó ru ngủ con người trong thân phận nô lệ, đưa con người tới những giấc mộng hảo huyền, thoát ly vào thiên nhiên, vào vũ trụ, vào thế giới siêu hình, vào tình yêu hưởng lạc cá nhân chủ nghĩa, gieo rắc tư tưởng bi quan, tâm trạng sầu thảm, đối lập với tinh thần lạc quan cách mạng. Nó khiến cho độc giả quay lưng lại với cách mạng, đánh lạc hướng thanh niên ra khỏi con đường cách mạng mà Đảng đã chỉ ra từ 1930.
3. Để bác bỏ quan niệm sai lầm thứ nhất, lập luận của tôi là:
Hiện thực và lãng mạn là hai khuynh hướng cảm hứng thẩm mỹ khác nhau đáp ứng hai nhu cầu khác nhau của tâm hồn con người. Cho nên hai khuynh hướng văn học này thường tồn tại song song với nhau trong lịch sử văn học các dân tộc.
Trong thực tế, có nhiều nhà văn sáng tác theo cả hai khuynh hướng cảm hứng này: Chẳng hạn Vũ Trọng Phụng viết Giông Tố, Số Đỏ là hiện thực , nhưng viết Dứt Tình là lãng mạn; Nguyễn Công Hoan viết Bước Đường Cùng là hiện thực, nhưng viết Tắt Lửa Lòng hay Lan và Điệp là lãng mạn, trong khi thế giới quan chẳng có gì thay đổi. Sở dĩ người ta gọi các ông là những nhà văn hiện thực vì tài năng, sở trường của các ông không phải ở bút pháp lãng mạn, nên các ông chủ yếu viết theo cảm hứng hiện thực. Có những cây bút khó xác định được là hiện thực hay lãng mạn, vì các nhà văn này có khả năng viết hay về cả hai khuynh hướng nói trên, như Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh chẳng hạn.
Tóm lại đối lập lãng mạn với hiện thực về thế giới quan giai cấp là sự vận dung quan điểm giai cấp một cách thô thiển trong nghiên cứu văn học, đồng thời rất xa rời, nghĩa là không hiểu gì về thực tế của đời sống văn học.
4. Để bác bỏ quan niệm sai lầm thứ hai, tôi phải vận dụng quan điểm lịch sử cụ thể trong nghiên cứu văn học. Nghĩa là phải đặt tác phẩm vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể khi nó ra đời, đặc biệt phải tìm hiểu không khí tâm lý xã hội cụ thể, trong đó nhà văn sinh sống, hít thở và sáng tác . Nhà triết học Mác xít Plékhanov cho rằng : Nếu không hiểu tâm lý xã hội thì “không thể tiến lên một bước nào trong lịch sử văn hóa, nghệ thuật, triết học…” [1].
a/ Giai đoạn lịch sử 1930 -1 945, có hai bộ phậm văn học tồn tại song song: bộ phận văn học công khai hợp pháp bao gồm hai dòng văn học lãng mạn và hiện thực phê phán, và bộ phận văn học bất hợp pháp, hoạt động trong vòng bí mật, tức dòng văn học cách mạng.
Các cây bút lãng mạn (cũng như hiện thực phê phán) làm sao biết được Đảng Công sản ra đời và đường lối chính trị của Đảng, cũng như làm sao biết được có sự tồn tại của văn thơ cách mạng, vì những sự kiện ấy chỉ diễn ra trong vòng bí mật và bị chính quyền thực dân ra sức bưng bít và khủng bố.
Từ 1936 đến 1039 là thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương. Do một chính phủ cấp tiến lên cầm quyền ở Pháp (thuộc đảng Xã hội) có nhiều chính sách rất cởi mở đối với các thuộc địa, nên ở Việt Nam trong thời gian này, đảng Cộng sản được hoạt động công khai, tư tưởng của Đảng có điều kiện đến được các nhà văn lãng mạn và công chúng của họ. Nhưng Đảng Cộng sản đâu có được độc quyền truyền bá tư tưởng của mình. Biết bao luồng tư tưởng khác cũng đến với họ, nhất là tư tưởng của giai cấp thống trị. Mặt khác các nhà văn lãng mạn và công chúng của họ (nói chung là các tầng lớp thị dân mà chủ yếu là trí thức tư sản, tiểu tư sản, trong khi rất nhạy cảm đối với vấn đề dân tộc, dân chủ, lại rất khó tiếp thu tư tưởng cộng sản. Học thuyết giai cấp rất khó lọt vào đầu óc của họ. Họ càng không thể tin được giai cấp công nhân, giai cấp vô sản có khả năng hiểu được các học thuyết cách mạng và lãnh đạo cách mạng. Nói chung, quan niệm phổ biến của họ là làm cách mạng và lãnh đạo cách mạng chỉ có thể là những trí thức. Chỉ có trí thức mới có thể đọc được và hiểu được các học thuyết cách mạng này khác. Không kể các nhà văn lãng mạn, ngay cả những cây bút hiện thực như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng đều có quan niệm như thế. Trong phóng sự Việc Làng, Ngô Tất Tố từng ví xã hội như cái xe bò lên dốc, nhân dân là những người đẩy xe, còn người trí thức là người đi trước cầm càng. Trong Bước Đường Cùng, Nguyễn Công Hoan cũng nói đến một làng kia, do có trí thức cầm đầu nên thực hiện được nhiều cải cách rất tiến bộ. Trong Giông Tố, Vũ Trọng Phụng có xây dựng mấy nhân vật cách mạng theo những xu hướng khác nhau. Tất cả đều là trí thức, thi dụ: “ nhà cách mạng quốc gia” Tú Anh là hiệu trưởng Đại Việt học hiệu, tri huyện Cúc Lâm, một đảng viên Đảng xã hội Pháp, từng tham gia
biểu tình với nhà văn Romain Rolland ở Paris có bằng cử nhân Luật, còn ông già Hải Vân “nhà cách mạng quốc tế” là một đại trí thức, được Vũ Trọng Phụng giới thiệu như một người rất lỗi lạc “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự”…
Hồi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy đại học, tôi có tìm đến những nhà văn của thời kỳ văn học 1930 – 1945, lúc ấy vẫn còn sống và làm việc ở Hà Nội, để tìm hiểu. Tôi gặp thầy Nguyễn Lương Ngọc vốn là một cây bút của nhóm Xuân Thu nhã tập. Thầy Ngọc cho biết, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, có một thanh niên Cộng sản đến tuyên truyền vận động thầy. Thầy đã từ chối. Vì thầy cho rằng nước Việt Nam ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, 90% dân số là nông dân, giai cấp công nhân rất ít. Vì thế nếu nói đảng của nông dân thì còn nghe được, chứ nói đảng của giai cấp công nhân thì rất vô lý. Mặt khác, giai cấp công nhân, không có trí thức, hiểu sao được học thuyết Mác – Lê nin mà lãnh đạo cách mạng!.
Như thế là tôi đã phân tích tâm lý xã hội của các nhà văn lãng mạn (cả các cây bút hiện thực phê phán) để giải thích vì sao họ không biết gì về đường lối chính trị của Đảng và dù có biết cũng khó tiếp thu được những tư tưởng ấy.
b/ Giờ tôi chuyển sang phân tích tâm lý xã hội những công chúng của văn học lãng mạn. Nhà văn hiện thực Nga thế kỷ XIX, ông Turguéniev, viết một cuốn tiểu thuyết nhan đề “Cha và con”. Trong tác phẩm này, có một nhân vật phát biểu đại ý như sau: anh ta ví tâm hồn con người như một chiếc valy. Anh ta nói, chiếc “valy tâm hồn” của con người không bao giờ chịu để trống rỗng cả. Nếu không có gì tốt đẹp để vào đấy, thì có khi phải nhét cỏ khô vào cho đầy. Tôi cho đó là một quy luật tâm lý co thể vận dụng vào trường hợp công chúng của các trào lưu văn học lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945.
Công chúng này (nói chung là tầng lớp trí thức tư sản, tiểu tư sản), do không biết hay không hiểu tư tưởng cộng sản nên những tư tưởng ấy không thể có trong chiếc “valy-tâm hồn” của họ được. Trong khi đó thực dân Pháp và tay sai của chúng dùng mọi phương tiện thông tin (sách báo, phim ảnh, sách giao khoa …v.v) để cố tình nhét vào những chiếc “valy-tâm hồn” của họ tư tưởng nô dịch, tư tưởng sùng bái đại Pháp , và các tư tưởng tiêu cực, phản động khác. Nhưng họ đã không chịu “nhét” vào tâm hồn mình những tư tưởng ấy, mà “nhét” vào Thơ mới, tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, và những tác phẩm lãng mạn khác (không kể các tác phẩm hiện thực phê phán). Những tác phẩm ấy đúng là không dạy họ làm cách mạng, không kêu gọi họ đứng lên chống Pháp, nhưng đã giúp họ biết yêu thiên nhiên đất nước mình, biết yêu những tâm hồn Việt Nam trong sáng với những mối tình chân thực, biết yêu tiếng mẹ đẻ của mình …. , biết buồn nỗi buồn mất nước, biết đau, biết nhục vì cảm thầy”thiếu quê hương” ngay trên đất nước mình. Như thế chẳng có hại gì cho cách mạng mà trái lại chuẩn bị cho họ về tư tưởng để sẵn sàng hưởng ứng cách mạng.
Cần hiểu rằng, họ đến với cách mạng, chưa phải vì hiểu biết và tin tưởng ở lý tưởng cộng sản, mà chỉ vì lòng yêu nước và khát vọng tự do, vì mang nỗi đau, cái nhục của người dân mất nước, của thân phận nô lệ. Chuẩn bị cho họ những tư tưởng ấy, không phải là văn thơ cách mạng mà họ chưa được tiếp xúc (mà dù có tiếp xúc họ cũng không thích lắm, vì văn thơ cách mạng có nhiều hạn chế về nghệ thuật), mà chính là những tác phẩm lãng mạn (và hiện thưc) mà họ đã đặt vào chiếc “valy-tâm hồn” của mình: ấy là phong cảnh thơ mộng của chùa Long Giáng trong Hồn bướm mơ tiên hay cảnh núi đồi trung du trong Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng, là cảnh Tràng Giang trong thơ Huy Cận, cảnh thôn Vỹ Dạ trong thơ Hàn Mặc Tử, cảnh liễu rủ bên hồ của mùa thu Hà Nội trong thơ Xuân Diệu (Đây mùa thu tới), cảnh thôn Đoài, thôn Đông với hàng cau, vườn trầu, mái đình, cây đa của làng quê Việt trong thơ Nguyễn Bính. Ay là hình ảnh đáng yêu của những chàng trai, cô gái Việt – từ những thôn nữ “Chân quê” trong thơ Nguyễn Bính, Anh Thơ …. đến những cô “gái mới” hiện đại trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn đều có một vẻ đẹp và cái duyên dáng riêng của người phụ nữ Việt Nam; từ những trang thanh niên dứt bỏ gia đình, quyết ra đi vì nghĩa lớn trong Đôi bạn của Nhất Linh, hay thơ Thế Lữ, Thâm Tâm, đến những con người rất đổi tài hoa trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân mà niềm tự hào dân tộc thể hiện ở thái độ trân trọng rất mực đối với những giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền của người Việt …. Đó cũng là tiếng thở dài, tiếng nức nở vốn là giọng điệu chủ đạo của Thơ mới, gợi nhắc nỗi đau mất nước của mỗi người dân Việt dưới ách thực dân v.v… Lòng yêu nước ấy đúng là yếu đuối và tiêu cực, nhưng dù sao nó cũng khiến cho những người trí thức tư sản, tiểu tư sản ấy, niềm mong muốn đất nước thoát khỏi vòng nô lệ, giành được độc lập tự do. Cho nên phần lớn các nhà văn, nhà thơ lãng mạn cùng với công chúng của họ đã nhiệt tình chào đón Cánh mạng Tháng 8-1945, và sau đo, tích cực tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thắng lợi cuối cùng. Sự thật lịch sử đó là bằng chứng không thể phủ nhận được, đã chứng thực cho tấm lòng của họ đối với Tổ quốc là có thật.
II. TỪ KINH NGHIỆM CỦA PHONG TRÀO THƠ MỚI, THỬ SUY NGHĨ VỀ TÌNH HÌNH ĐỔI MỚI CỦA THƠ CA HÔM NAY.
1. Từ kinh nghiệm phong trào Thơ mới (1932 – 1945), có thể rút ra một quy luật này: mọi cuộc cách tân hiện đại hóa văn học nghệ thuật chỉ đạt được thành tựu mong muốn khi hội đủ hai điều kiện sau: Một là phải tiếp nhận được một cách chu đáo các trường phái văn học hiện đại trên thế giới, hai là phải nắm vững và phát huy được truyền thống văn học nghệ thuật của dân tộc. Cắt đứt truyền thống, cắt đứt ký ức nghệ thuật của dân tộc, mọi mưu toan đổi mới văn học đều thất bại.
Trong một bài viết trên mạng, Nguyễn Trọng Tạo có dẫn một ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến: “Thơ trước hết phải mang tới một cái gì khác cổ điển (trước nó), nhưng chỉ có khác thì khó đọc, mà chỉ có cổ điển thì đọc thấy nó tẻ. Thơ nào đọc thấy khang khác mà vẫn phảng phất cổ điển thì đấy là thơ đích thực mang tới giá trị mới” [2]. Tôi cho rằng ý kiến ấy cũng là một cách diễn đạt quy luật đổi mới của thơ ca nói trên . Backtin từng nói đến “Trí nhớ của thể loại văn học” . Văn học có trí nhớ bền vững của nó đối với truyền thống không thể phủ nhận trong mọi cách tân văn học.
a/ Chủ nghĩa tư bản xâm nhập vào nước ta cùng với chế độ thực dân từ cuối thế kỷ XIX. Với sự hình thành những đô thị có tính chất tư bản chủ nghĩa, cùng với ảnh hưởng của tư tưởng, văn hóa phương Tây hiện đại qua các trí thức Tây học, ý thức cá nhân xuất hiện ở các tầng lớp thị dân, cái tôi cá nhân cá thể (individu) ra đời.
Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, nó đòi hỏi phải hiện đại hóa cho phù hợp với tâm hồn, với thị hiếu của nó.
Chủ nghĩa tư bản cùng với chủ nghĩa thực dân, xâm nhập vào Nam bộ rất sớm, ngay từ cuối thế kỷ XIX (sớm hơn miền Bắc). Nhưng ở miền lục tỉnh Thơ mới kém phát triển, ít thành tựu. Vì ở Nam bộ không có truyền thống thơ ca phong phú và lâu đời. Ở đây cái tôi cá nhân cá thể bắt gặp truyền thống nhạc tài tử, đã cất lên thành ca cải lương. Ở miền Bắc, cái tôi cá nhân cá thể xuất hiện sau, nhưng nhờ truyền thống thơ ca phong phú, nó đã cất lên tiếng nói của nó trong phong trào Thơ mới (1932 – 1945). Như thế có nghĩa là tiếng nói văn nghệ của cái tôi cá nhân cá thể ở miền Nam là ca cải lương. Ơ miền Bắc là thơ mới lãng mạn .
b/ Về sự tiếp nhận ảnh hưởng của văn học phương Tây hiện đại của Thơ mới, có hiện tượng này rất đáng chú ý: Cùng với chủ nghĩa thực dân Pháp, văn học Pháp được du nhập vào nước ta với đủ loại trường phái khác nhau qua các thời kỳ lịch sử: Chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực v.v. Nhưng tổng kết phong trào Thơ mới, tác giả Thi nhân Việt Nam nhận thấy, các nhà Thơ mới chủ yếu chịu ảnh hưởng của trường thơ tượng trưng mà tiêu biểu là nhà thơ Baudelaire. Hiện tượng này ngẫm ra không phải ngẫu nhiên. Các nhà Thơ mới tìm đến Baudelaire là tìm đến sự gặp gỡ rất thú vị giữa Đông và Tây, giữa cổ điển và hiện đại, giữa khát vọng đổi mới thơ ca với ký ức về truyền thống lâu đời của thơ ca dân tộc đã ra đời từ ngót 10 thế kỷ trước.
Đặc điểm của thơ tượng trưng là không chú trọng miêu tả những cảnh vật, những màu sắc của thiên nhiên đã định hình rõ rệt, không biểu hiện những tình cảm của con người có tính xác định rõ ràng. Các nhà thơ tượng trưng muốn vận dụng khả năng của mọi giác quan, từ thị giác, thính giác, đến xúc giác, khứu giác, để cảm nhận và diễn tả được những biến thái tinh vi, mơ hồ của thiên nhiên, cũng như những rung động mong manh, thầm kín của lòng người. Họ muốn cảm nhận linh hồn ẩn kín bên trong của tạo vật, chứ không quan tâm đến hình xác bên ngoài của thế giới. Đặc điểm ấy của trường thơ tượng trưng Pháp thời hiện đại có những nét gặp gỡ với Đường thi ra đời từ nghìn năm trước. Hoài Thanh, tác giả Thi nhân Việt Nam cũng đã thấy như thế. Ông viết : “hai lối thơ (thơ đường và thơ trường phái tượng trưng) đều ghét lý luận, ghét kể chuyện, ghét tả chân” [3].
2. Phong trào thơ mới (1932 -1945) sở dĩ đãđạt được thành tựu rực rỡ, vì đã được chuẩn bị chu đáo về cả hai điều kiện nói trên. Tạo ra được hai điều kiện ấy, tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh có một vai trò vô cùng quan trọng. Phạm Quỳnh chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp chí này, vừa là một trí thức Tây học, vừa là một người am hiểu Hán học. Một cách có ý thức, ông chủ trương phải kết hợp Đông và Tây mà ông gọi là “thổ nạp Á Âu” để xây dựng một nền văn học hiện đại cho đất nước trên cơ sở bảo tồn “quốc hồn quốc túy An nam”. Ông đã tập hợp được những trí thức Tây học có đủ tài để phiên dịch, truyền đạt, phân tích, giảng giải văn thơ hiện đại Pháp một cách cụ thể, cặn kẻ cho độc giả. Đồng thời, tập hợp những nhà Hán học, cựu học có úy tín nhất đương thời để phiên dịch, phiên âm, chú giải kho tàng văn học Hán Nôm của dân tộc cung cấp cho người đọc. Có thể khẳng định, tạp chí Nam Phong thực sự là một trường học đã đào tạo nên các thế hệ nhà văn hiện đại Việt Nam nữa đầu thế kỷ XX.
Về bản thân các nhà Thơ mới cũng vậy. Họ rất có ý thức, đồng thời có đủ khả năng để tạo ra cho mình hai điều kiện nói trên. Họ hầu hết đều là những trí thức Tây học rất thạo tiếng Pháp. Cần biết rằng, thời Pháp thuộc, tiếng Pháp được dạy từ cấp I. Tốt nghiệp Tiểu học, những học sinh giỏi đã có thể đọc được tiếng Pháp. Vũ Trọng Phụng chỉ có bằng tiểu học mà có thể phiên dịch được văn học Pháp. Ông là tác giả bản dịch vở kịch Lucrèce Borgia của Victor Hugo. Nhưng phần lớn các nhà Thơ mới đều có trình độ học vấn cao hơn. Không ít người có bằng Tú Tài, cử nhân như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Hoàng Chương…. Với trình độ tiếng Pháp như thế, họ có dư khả năng đọc thẳng thơ văn Pháp từ nguyên bản.
Nói chung họ không biết chữ Hán, không đọc được chữ Nôm. Nhưng đã có tờ Nam Phong giúp họ một cách chu đáo. Về mặt trang bị cho mình tri thức về văn học cổ, họ tỏ ra rất có ý thức.
Hãy lấy trường hợp nhà thớ Xuân Diệu làm ví dụ.
Khi Xuân Diệu xuất hiện như một “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới’ (Hoài Thanh), nhiều người lấy làm sửng sốt trước những bài thơ có vẻ rất Tây. Nhiều cách nói của người Tây được ông sử dụng thoải mái. Có những câu thơ của Xuân Diệu dường như được dịch thẳng từ thơ Pháp. Vì thế nhiều người tưởng rằng ông chỉ đọc thơ Pháp mà trở thành nhà Thơ mới. Thực ra không phải. Khi tôi nghiên cứu Xuân Diệu, nhà thơ còn sống. Ông đã cho tôi mượn mấy cuốn vở ghi chép những bài thơ ông tập làm từ khi còn là cậu học sinh cấp II ở Quy Nhơn. Hóa ra Xuân Diệu đã tập làm rất nhiều bài thơ theo các thể cổ điển: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, lục bát v.v… theo các đề tài truyền thống như vịnh sử, vịnh cảnh, vịnh vật… Ông còn sáng tác một số bài thơ phỏng theo các bài thơ mà ông ưa thích của Tản Đà, Trần Tuấn Khải, như bài Thề Non nước, Gánh nước đêm… Ông còn dựa theo sự chỉ dẫn của tạp chí Nam Phong, làm hàng loạt bài thơ theo các thể từ khúc cổ điển … Xuân Diệu là con một ông Tú tài Hán học (đỗ Tú tài hai lần nên gọi là Tú kép) nên từ nhỏ ông đã có điều kiện tiếp xúc với thơ văn cổ. Như thế là nhà Thơ mới Xuân Diệu đã tự đào tạo mình từ trường học của thơ ca cổ điển, trước khi đến với thơ ca phương Tây hiện đại.
3. Từ kinh nghiệm đó của phong trào Thơ mới, hãy thử suy nghĩ về tình hình thơ ca của ta hôm nay.
a/ Văn học ta trong 30 năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nói chung là sự minh họa tư tưởng của Đảng, nhằm phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu. Trong xã hội cũng như trong văn học, ý thức cộng đồng lấn át ý thức cá nhân, cái ta của bầy đàn dồn ép cái tôi cá nhân cá thể, khiến nó dường như không cất được tiếng nói trong văn chương một thời. Vì thế sau này, khi hết thời bao cấp, Nguyễn Minh Châu đã “đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa”, và Nguyễn Khải trước khi ra đi đã để lại một bài tự thuật “Đi tìm cái tôi đã mất”.
Chiến tranh chấm dứt, đất nước đổi mới, một thế hệ nhà văn gọi là”hậu chiến” ra đời – Một thế hệ “tự cởi trói” đã phát huy đến cao độ ý thức cá nhân cá thể. Họ muốn làm một cuộc cách mạng mới – ở đây chỉ nói riêng về lĩnh vực thơ ca – một cuộc cách mạng triệt để, phá bỏ mọi hình thức, mọi cách diễn tả của thơ ca các thế hệ trước. Hoạt động của họ khá ồn ào, sôi nổi, vì một mặt, họ rất hăng hái và đầy tự hào, mặt khác họ rất đông, quá đông. Ngày xưa, khi biên soạn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh cho biết ông đã phải đọc hơn một vạn bài thơ. Ngày nay, nếu ai đó muốn biên soạn một cuốn Thi nhân Việt nam đương đại, chắc phải đọc tới hàng triệu triệu bài.
b/ Nhưng quan sát tình hình thơ hiện nay, hầu như mọi người đều thấy nổi cộm lên sự thật này: người làm thơ thì nhiều mà người đọc thơ thì ít. Thơ in ra chỉ để tặng chứ không thể bán, vì không có ai mua, mà người được tặng thơ cũng không chịu đọc. Vì thơ rắc rối quá, khó hiểu quá lại chẳng có vần điệu gì cả. Tất nhiên ngôn ngữ thơ không dễ hiểu như ngôn ngữ văn xuôi. Phan Ngọc gọi là thứ ngôn ngữ “quái đản”. Nhưng thơ xưa không phải không có những bài khó hiểu, như một số bài của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đình Thi chẳng hạn. Khó hiểu nhưng người đọc vẫn cảm thấy hay, vẫn đem đến cho họ cảm xúc. Và một khi đã có cảm xúc thì thế nào cũng cảm nhận được ở những vần thơ kia một ý nghĩa nào đó, tuy có thể chỉ thấp thoáng, mơ hồ – nghĩa là chỉ cảm thấy mà không diễn giải ra được.
Nhiều bài thơ của thế hệ hậu chiến hôm nay dường như cố tình làm ra khó hiểu chỉ để khó hiểu, cố tình “quái đản” chỉ để “quái đản”, chẳng gây ra được cảm xúc gì cho người đọc, và như thế thì cũng chẳng gợi ra được ý nghĩa gì. Có thể gọi là sự khó hiểu hay sự “quái đản” vô nghĩa lý.
Một câu hỏi đặt ra : hay là công chúng văn học ngày nay quá bảo thủ, lạc hậu nên không hiểu được cái hay của thơ họ? Một số cây bút thuộc thế hệ hậu chiến, tuy rất trẻ, nhưng khá kiêu ngạo. Họ coi những công chúng không hiểu, không thích thơ họ đều là những đầu óc hủ bại, ngu dốt, thiếu kiến thức, nên không hiểu được thế nào là thơ “hậu hiện đại” – một thứ nhãn mác mới mẻ và sang trọng họ thường dán lên những bài thơ của mình. (không phải ngẫu nhiên mà sinh thời, Xuân Diệu cho rằng trên đời có ba loại người rất kiêu ngạo: một là đứa trẻ lên ba, hai là những cô gái đẹp, ba là các nhà văn trẻ [4].
c/ Ngày xưa khi tìm hiểu quá trình vận động, phát triển của phong trào Thơ mới, Hoài Thanh nhận thấy có hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, người viết cố tình đưa văn xuôi ồ ạt vào thơ để phá hết mọi luật lệ, phép tắc, vần điệu của thơ cũ. Hồi ấy nhà thơ Nguyễn Thị Kiêm từng có một câu thơ kéo dài đến 27 chữ. Đây là giai đoạn Thơ mới đối lập quyết liệt với quá khứ, muốn đoạn tuyệt hẳn với truyền thống. Họ giễu cợt thơ cũ rất ác, đến Tản Đà cũng không tha. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn Thơ mới thực sự hiểu được bản thân mình và tìm ra được cách diễn đạt tương xứng với hồn thơ đích thực của mình. Hoài Thanh gọi gia đoạn này là giai đoạn đổi mới tinh thần của thơ. Ở giai đoạn này, Thơ mới mới thực sự ra đời với linh hồn và diện mạo của nó, thể hiện ở những bài thơ hay xuất hiện hàng loạt. Trong lĩnh vực văn học, như đã nói, thơ không hay thì dù cũ hay mới cũng chỉ là con số không. Giai đoạn một nói cho gọn, có thể gọi là giai đoạn “phá” (phá cái cũ), giai đọan hai có thể gọi là giai đoạn “xây” (xây cái mới). Ở giai đoạn “phá”, Thơ mới chưa ra đời, nên người ta định nghĩa nó không đúng là “thơ tự do”. Xuân Diệu lúc đầu cũng hiểu như thế nên ông tưởng các thể từ khúc (câu dài, câu ngắn không tuân theo phép tắc của thơ luật Đường) là thơ tự do, thức thơ mới. Phải đến giai đọan “xây”, Thơ mới mới thực sư ra đời, và Hoài Thanh mới đưa ra được định nghĩa chính xác. Ông so sánh những bài thơ hay của hai thời đại (cũ, mới) và xác định : “Ngày trước là thời chữ Ta, bây giờ là thời chữ Tôi”.
Ở giai đoạn này Thơ mới chẳng những không đối lập với thơ cũ mà còn tìm về thơ cũ như tìm về gốc gác, dòng dõi của mình. Nó lấy làm tự hào vì tổ tiên của nó là Nguyễn Du và Tản Đà. Hoài Thanh đại diện cho các nhà Thơ mới, đã lấy một câu thơ Nguyễn Du để đề từ cho cuốn Thi Nhân Việt Nam của mình: “của tin gọi một chút làm ghi”, và đã kính cẩn cung chiêu anh hồn Tản Đà về dự hội Tao Đàn của các nhà Thơ mới, coi ông như nhà thơ của “hai thế kỷ”, đã báo trước sự ra đời của phong trào Thơ mới.
d/ Hiện nay, nếu như có một cuộc cách tân thơ ca lần thứ hai, thì nó đang ở giai đoạn nào? Chắc hẳn mới ở giai đoạn “phá” – cái mới nếu có thực, thì cũng chưa xuất hiện. Người ta đang đập phá cái cũ, đang muốn đoạn tuyệt với cái cũ. Người ta chưa hiểu trong huyết quản của mình vẫn có dòng máu tuôn chảy từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân hương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, v.v. Thơ Việt, dù đổi mới thế nào vẫn là thơ Việt, vẫn phải mang hồn Việt đã tiềm tàng trong thơ Việt từ nghìn năm trước.
đ/ Một câu hỏi nữa đặt ra: Bao giờ thì cuộc cách tân thơ ca lần này (nếu như có thật) bước sang giai đoạn thứ hai? Xem chừng khó đoán định được. Vì những điều kiện của sự đổi mới thơ ca chưa được chuẩn bị chu đáo, từ hoàn cảnh khách quan của đời sống văn hóa, xã hội, đến ý thức chủ quan của người làm thơ: Thế hệ thơ hậu chiến hôm nay, mấy ai có đủ trình độ ngoại ngữ để đọc được trực tiếp nguyên bản các tác phẩm văn học nước ngoài như các nhà Thơ mới (1932 – 1945)? Mặt khác, xem ra họ cũng không có ý thức và điều kiện để tìm hiểu kho tàng văn thơ truyền thống của dân tộc. Một tạp chí “Nam Phong mới” rất cần đối với họ lúc này.
Tuy nhiên cuộc cách tân thơ ca, nếu quả thực là một yêu cầu bức thiết của nền văn học đất nước hôm nay thì chỉ có thể trông cậy vào họ chứ vào ai được!
TP.HCM, tháng tám 2012
Ch thích:
[1] Chuyển dẫn từ Nguyên lý triết học Mác xít, Phần II, NXB Sự Thật – 1962.
[2] “Hiện tượng vè hóa, văn xuôi hóa và cũ hóa thơ … Cần báo động”.
[3] Một thời đại trong thi ca – Thi nhân Việt Nam.
[4] Lời mở đầu một bài giảng ở trường Viết Văn Nguyễn Du (1981).