Tìm hiểu thơ ca đô thị miền Nam giai đoạn 1945-1954

 (Lê Thụy Tường Vi, Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012)

Từ cuối thế kỷ XIX đến 1945, thơ ca Nam Bộ đã cho thấy hai điểm trội là tính chất tiên phong và hướng đến công chúng, đặc biệt là công chúng bình dân.

Có lẽ không cần phải bàn nhiều về đặc điểm thứ nhất bởi các sử liệu đã cho thấy: sự kiện ra đời tờ báo Quốc ngữ đầu tiên (Gia Định báo – 1865), truyện ngắn hiện đại đầu tiên (Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản – 1887), bài thơ mới đầu tiên (Tình già của  Phan Khôi – 1932) và người phụ nữ đầu tiên đăng đàn diễn thuyết và tranh luận văn học (Nguyễn Thị Kiêm – 1933)… đều xảy ra tại miền Nam.

Về đặc điểm thứ hai, trong lời tựa tập Thơ ý của Hồ Văn Hảo năm 1943, nhà thơ Vân Đài có viết: “Lối thơ Nam Kỳ thường lời không đẹp và ý cũng ít đẹp”. Vân Đài giải thích ngắn gọn là ngôn ngữ và phong cảnh Nam Kỳ dẫn đến đặc trưng thơ như thế. Tuy nhiên, trong Bức tâm thơ gởi bạn làng văn và bạn đọc làm lời dẫn cho cuốn Cô Sáu Tàu Thưng, xuất bản 1950, nhà thơ Dương Tử Giang nêu lên một ý mà chúng tôi cho rằng xác đáng hơn nhận xét của Vân Đài: “Và tôi nghĩ “câu văn trước, tư tưởng sau”, câu văn cho dễ hiểu mới giúp tập sách len lỏi vào đại chúng được” (tr.6). Đồng thời, ông cũng đánh giá rất nghiêm khắc rằng nhà văn phải chịu trách nhiệm khi “đa số độc giả, tức là đại chúng, bị bỏ rơi, là vì tất cả nhà văn không làm tròn sứ mạng mình” (tr.5).

Hướng đến công chúng – đó là một trong những tiêu chí lớn của nền văn nghệ Nam Bộ từ thuở trứng nước. Chính vì vậy, trong khi những bài Thơ Mới đầu tiên ở khu vực phía Bắc đậm màu sắc cá nhân, lãng mạn, thì Thơ Mới Nam Bộ lại có khuynh hướng hướng ngoại, phản ánh hiện thực. Hai nhà Thơ Mới đầu tiên của Nam Bộ là Manh Manh nữ sĩ và Hồ Văn Hảo đều có nhiều bài thơ viết về cuộc sống cơ hàn, nhọc nhằn của những người nghèo khó: Tình thâm, Con nhà thất nghiệp… (Hồ Văn Hảo); Thơ gửi cho em Vân, Hai cô thiếu nữ… (Nguyễn Thị Manh Manh). Sang đến thời kỳ 1945-1954, hiện thực xã hội vẫn là nội dung chiếm ưu thế trong thơ ca Nam Bộ.

Dưới đây là một số nhận xét về đặc điểm của thơ ca đô thị Miền Nam thời kỳ 1945-1954.

 

1.      Tư thế dấn thân

Mở đầu tập Thơ mùa giải phóng2 xuất bản năm 1949, Sơn Khanh3 viết:

Đã chết rồi!

Thời của những tờ thơ tim tím ngập ngừng trong sóng mắt.

Đã liệm rồi!

Thời của những nụ cười đỏ thắm thập thò trên chiếc môi son!

Cả một thế hệ mơ màng khóc gió hờn trăng đã lùi dần vào quá khứ.

(Giữa mùa chinh chiến - Sơn Khanh)

Đó không phải là lời nói suông, thơ ca tranh đấu Nam Bộ thật sự đã “liệm” những đề tài “khóc gió hờn trăng” để đụng chạm đến tình cảm bức thiết hơn của thời đại - tình yêu nước. Đâu phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà thơ Nam Bộ lúc này tự vấn về trách nhiệm của người thi sĩ, như Ái Lan4 với bài thơ Sứ mạng thi nhân; Hồ Đình Phương5 với Làm thi sĩ… Ở mảng đề tài này, báo chí Nam Bộ còn thu hút được tác phẩm của những cây bút phía Bắc gửi bài cộng tác. Theo liệt kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm trong Văn chương tranh đấu miền Nam (tr.422) và Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950 (tr.29-30), chỉ trong 5 năm đầu 1945-1950, 25 tập thơ được xuất bản, trong đó 10 tập mang nội dung cổ vũ cho cuộc kháng chiến. Do tình hình tư liệu khó khăn, chúng tôi vẫn chưa có thống kê chính xác những bài đăng rải rác trên các báo. Căn cứ vào số lượng thi phẩm xuất bản, chúng tôi tin rằng trong 10 năm này, Nam Bộ đã trở thành trung tâm của thơ ca của những cây bút sẵn sàng dấn thân vào cuộc kháng chiến.

1.1 Dấn thân phản ánh hiện thực

Giọng điệu dấn thân này tựa trên một cơ sở rất vững chắc đó là hiện thực đời sống, phản ánh những kiếp đời trôi nổi, lầm than của đồng bào. Thơ ca Nam Bộ sử dụng khá tốt chất tự sự, giúp người viết “kể” được những câu chuyện về cuộc đời trôi nổi, lầm than của những người lao động nghèo khó. Bài thơ Có lý nào của Ái Lan là một ví dụ. Tác giả vẽ ra cảnh trời nắng như thiêu,

Một đám người mặc quần áo vải bô,

Rách tươm tưa để bày cả thịt da

(Có lý nào - Ái Lan)

Không chỉ cắm mặt nhặt đá đến nát thịt, trầy da, mà họ còn bị đe dọa đến khiếp đảm bởi “chú cai lục bộ”. Trong khi đó, tiếng ngựa xe, tiếng nói chuyện, tiếng hũ lô vận chuyển át cả tiếng khóc khát sữa và tiếng gọi mẹ của hai đứa trẻ, con chị “cô ly” nhặt đá. Bài thơ “bấm” đúng khoảnh khắc “lòng đau như xé” của người mẹ nghèo vừa xót con khóc, vừa sợ hãi “cập-rằng”, không dám dừng tay dỗ con. Bất bình không dám phản ứng nhưng Ái Lan hé lộ cho người đọc biết trong thâm tâm, bà mẹ ấy đã nhen nhóm ý nghĩ phải thay đổi cuộc đời:

Bất bình quá! Trời ơi! Đau đớn lắm!

Có lý nào đời ta cứ chìm đắm,

Trong đau thương trong u ám mãi sao?

Không! Không! Không! Ta phải tính phương nào,

Hầu tranh đấu để nâng cao đời sống

(Có lý nào - Ái Lan)

Chất tự sự giúp tác giả kể được khá tròn trĩnh một cảnh huống đau lòng. Thế nhưng, tình huống ấy vẫn còn mang tính cá biệt. Vì vậy, đọc bài thơ thấy xót xa nhiều hơn căm phẫn, thấy thương ba mẹ con chị “cô ly” hơn là khái quát thành nỗi thương cảm cho những người lao động nghèo khó. Có lý nào đánh một dấu hỏi lớn về sự bất công trong xã hội nhưng đồng thời cũng cho thấy nhận thức về sự bất công và đấu tranh vẫn còn mơ hồ.

Với dung lượng lớn hơn, bốn trang giấy; câu chuyện có nhiều tình tiết hơn, “thơ bình dân” Cô Sáu Tàu Thưng của Dương Tử Giang6 đã cho thấy bước tiến dài trong nhận thức của người cầm bút về bất công xã hội. Tác phẩm là một câu chuyện, được kể bằng thơ, vô cùng giản dị về cả cốt truyện, tình tiết lẫn nhân vật. Hai mẹ con cô Sáu ở xóm Bàn Cờ, vì chút nhan sắc mà cô lọt vào mắt một “thầy chú”. Gạ gẫm không được, hắn bắt cóc và làm nhục cô. Mẹ con cô Sáu không bằng không chứng, chẳng thể kiện cáo gì, đành cắn răng chịu nhục. Ngày ngày cô đi bán chè tàu thưng nuôi thân, không còn dám tưởng đến chuyện chồng con. Trên đường đi bán, cô gặp nhiều cảnh lạ mắt bèn về hỏi chị Tư, vợ một anh thợ máy nhà hàng xóm. Nhờ đó, cô biết thế nào là bãi công, là đoàn kết để đấu tranh, được chị Tư dạy chữ và trên hết, cô hiểu rằng:

Và khắp đâu đâu xa cũng như gần

Cả dân tộc Việt Nam đem cả sức mình tranh đấu

Liên tưởng đến tiếng súng đêm khuya, cô không giấu

Được nỗi vui thấy ngày thắng lợi gần kề

Ngày mà cô bỏ được gánh nặng nề

Để làm những việc ích lợi hơn cho dân cho nước

Từ đây, cô Sáu Tàu Thưng ngày ngày vẫn đi bán chè nhưng hình ảnh của cô đã thay đổi:

Trên tay thường có tờ báo hoặc quyển sách con con

Và đôi khi thấy mặt cô vui tươi, nói trôi chảy, tiếng cười giòn

Họp với bạn lao động, sinh viên bàn về vấn đề tranh đấu

Và những buổi trưa, trong túp tranh của cô, những cô chè đậu

Cháo giò heo, cháo gà, bì bún và hàng rong

Ngồi quanh cô học quyển vỡ lòng

Chữ i, chữ tờ để mở óc khôn như tất cả đồng bào ở nơi khác.

Kết thúc truyện, cô Sáu bàn với mọi người cần dẫn dắt:

Các chị em đang lặn ngụp trong vũng bùn vật dục sa hoa

Cho họ trông thấy ánh sáng đang chói loà

Trọn một góc trời Đông, của dân tộc Việt Nam tranh đấu.

Nội dung tác phẩm đơn giản đúng như thiện chí của tác giả là viết để “nhiều anh chị em trong giới cần lao đọc” (tr.6) nhằm hiểu biết về thời thế đương đại chứ đừng mải mê với “cang thường đạo cả, an phận chờ mạng trời, quân tử ăn không cầu no…” trong các truyện thơ Nôm từ trăm năm trước. Điểm đáng lưu ý là tác giả không nói chung chung đến đấu tranh nữa mà ở đây đã đề cập đến vấn đề giai cấp, thậm chí, nhắc đến chân dung của một người “đang tranh đấu vì dân”. Đáng tiếc là, với hình thức những câu thơ dài, độ gieo vần mỏng, truyện thơ có lẽ không dễ thuộc để được kể rộng rãi như mong đợi của tác giả. Như vậy, đấu tranh cấp là một điểm mới trong mảng nội dung phản ánh hiện thực của thơ ca Nam Bộ. Thế nhưng chỉ mới dừng ở đó, vấn đề giai cấp chưa kết tinh được thành tựu đáng kể trong thơ ca Nam Bộ.

Trong khi đó, về đề tài tình yêu quê hương và lòng căm thù giặc, thơ ca ở các đô thị Nam Bộ phóng bút tự nhiên, nhuần nhuỵ, tinh tế hơn rất nhiều. Tiêu biểu là Tha La của Vũ Anh Khanh7. Bài thơ vừa có “câu chuyện”, vừa có sự sâu lắng của những cảm xúc mạnh mẽ. Nhân vật trữ tình là một viễn khách, bàng hoàng trước xóm đạo năm xưa “có trái ngọt cây lành im bóng lá” giờ hiu hắt, tan tác. Lý do khiến Tha La giờ đây trở nên hoang tàn vừa bi, vừa hùng mà vừa giản dị, nhẹ tựa lông hồng:

Người nước Việt ra đi vì nước Việt

Tha La vắng vì Tha La đã biết

Thương giống nòi, đau đất nước lầm than.

Giản dị thế thôi - “Người nước Việt ra đi vì nước Việt”! Cái tên Tha La, hoá ra chẳng còn là tên của riêng một xóm đạo - đó là tên gọi chung của bất kỳ thôn xóm nào, bất kỳ một giáo dân nào, bất kỳ một người Việt nào vượt qua được nỗi toan tính giữa được và mất, giữa riêng và chung, giữa sự phân biệt bên này và bên kia, để chỉ nghĩ đến cái nghĩa lớn nhất lúc ấy là nghĩa đồng bào, đất nước.

Nếu chỉ dừng ở tiếng gió rợn, tiếng địch ai oán; nếu chỉ dừng ở nỗi nghẹn ngào của viễn khách trước cảnh bể dâu, bài thơ ắt đã không lay động cả một thế hệ thanh niên kháng chiến đến vậy. Tha La tiến xa hơn những tác phẩm cùng thời bởi người đọc thấy ở đó nỗi đau thương trong phạm vi cộng đồng hẹp đã biến thành nghĩa cử mang tầm vóc dân tộc. Bởi vậy, đoạn thơ về sự hoàn tục của các con chiên, có đau xót nhưng nhẹ thênh:

Quỳ cạnh Chúa đám chiên lành run rẩy:

- Lạy đức Thánh Cha

Lạy đức Thánh Mẹ

Lạy đức Thánh Thần

Chúng con xin về cõi tục để làm dân

Rồi… cởi trả áo tu

Rồi… xếp kinh cầu nguyện

Rồi… nhẹ bước trở về trần

Khi nói đến cảm giác nhẹ thênh trong đoạn thơ này, chúng tôi có liên tưởng đến một tứ thơ rất “xao xác” từng xuất hiện ở miền Bắc:

Những phố dài xao xác heo may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Ở phần sau chúng tôi sẽ đề cập đến sự khác biệt giữa thơ ca hai miền Nam - Bắc nhưng chính ở đây, ở tâm thế ra đi vì nghĩa lớn, người Việt dù nơi nào cũng giống nhau, dù biểu hiện là “nhẹ bước trở về trần” hay ngang tàng “đầu không ngoảnh lại”.

“Tác phẩm văn học còn lại với đời sau chủ yếu không phải như những cứ liệu thông sử mà nhân chứng về cách nghĩ, cách cảm của con người trong một thời”8 – Vũ Anh Khanh đã làm được điều đó với Tha La.

Báo Mới năm 1953-1954 còn chọn đăng nhiều tác phẩm của các tác giả miền Bắc khác như Tạ Tỵ với Mưa trên Hà Nội; Vũ Hoàng Chương với hai bài Xuân cảm; Hoàng Công Khanh với Bức thư Thái Bình…  đều nhắc đến sự mất mát, đổ nát trên quê hương.

Trong khi các nhà thơ miền Nam thiên về miêu tả theo xu hướng hiện thực:

Bỗng đâu nghìn tiếng nổ vang

Chiến chinh đã lướt tới làng của tôi

Khói bay ngập một góc trời

Máu hồng loang ở một đời hy sinh

(Làng tôi - Mộc Lan Châu)

thì các nhà thơ miền Bắc thường gửi gắm trong ngoại cảnh ấy nỗi niềm riêng, như bài thơ chất ngất lặng im của Tạ Tỵ dưới đây:

Tường in vết đạn

Trũng hằn hố mắt đầu lâu

Tay nắm bàn tay giận dữ

Mắt khờ lạc hướng tinh cầu

(Mưa trên Hà Nội - Tạ Tỵ)

Rõ ràng bài thơ không hướng đến mục đích khắc hoạ bức tranh hiện thực mà chủ ý mang vào ngoại cảnh những vết hằn tâm trạng. Sau những “màu cổ độ”, cống rãnh “nhầy nhụa”, vết đạn “đầu lâu”, những nỗi “nhớ tuổi mòn”… là cõi lòng còn tan hoang hơn cả quê hương. Nỗi đau mất quê hương không cần, hay không thể, diễn tả thành lời, nghiến vào sự lặng im “Buồn không nói” khi bài thơ kết thúc. Dù đăng trên một tờ báo ở Sài Gòn song giọng điệu giàu chất chiêm nghiệm và những hình ảnh dày liên tưởng trong thơ Tạ Tỵ khác hẳn với các tác giả Nam Bộ.

Văn học khác lịch sử ở chỗ, nó đi vào số phận từng cá nhân. Văn học Nam Bộ đã làm được việc xây dựng những số phận cá nhân từ quan điểm giai cấp, như vừa dẫn trên đây. Đáng tiếc là sức sống của những nhân vật này còn hạn chế, hình tượng còn mờ nhạt. Điều đó cho thấy vấn đề giai cấp đi vào thơ ca chưa đủ độ chín muồi. Nhìn chung trong mảng phản ánh hiện thực, thành công lớn nhất của thơ ca Nam Bộ là đáp ứng được nhu cầu của mọi tầng lớp độc giả, từ độc giả thợ thuyền, buôn gánh bán bưng cho đến trí thức. Đến đây, cần ghi nhận xu hướng “nam tiến” của các cây bút Bắc Kỳ, đã góp phần tạo nên sự đa giọng điệu rất thú vị cho văn chương vùng đất mới. Qua những tác phẩm ở mảng nội dung này, người cầm bút ở Nam Bộ hiện ra trong tư thế của người sẵn sàng ngập chân dưới bùn để cất lên tiếng nói của những con người lầm than, muốn đòi lại công bằng cho cuộc đời mình.

1.2 Dấn thân vào kháng chiến

Song song với mảng phản ánh hiện thực, văn học Nam Bộ giai đoạn này cũng vang lên những khúc tráng ca hào sảng, thôi thúc mọi người tham gia kháng chiến, như Lời sông núi của Hồ Đình Phương. Mỗi khổ thơ bắt đầu bằng một sự tích bi thiết: “Ta: Nam Quan! Phi Khanh gào oan tủi”, “Ta: Hát Giang! Chập chờn trong gió lốc”, “Ta: Yên Báy! Khắc sâu lời trung khiết”, “Ta: Lam Sơn! Tạc giữa trời mái tóc”, “Ta: Đống Đa! Quang Trung giàu mưu chước”, “Ta: Bạch Đằng! Sóng cười không sợ hổ”. Nhắc lại chuyện xưa để kêu gọi:

Thanh niên Việt muôn đời danh tuấn sĩ

Tiến ngay lên ta lật đổ cường quyền.

(Thanh niên Việt Nam - Hồ Đình Phương)

Đa phần các cây bút đô thị, ở các mức độ khác nhau, đều “đáp lời sông núi”.

Ái Lan là một giọng thơ nữ rất quyết liệt của văn học Nam Bộ giai đoạn này. Tập Trên đường, xuất bản năm 1949, là một tập thơ rất đáng lưu ý bởi ý thức công dân đậm đặc. Dù nói bằng giọng ca dao (Ca dao), giọng tâm sự của người chinh phụ (Người chinh phụ), của người hậu phương (Tặng thương binh), của người cầm bút tự nhận lãnh sứ mệnh (Sứ mạng thi nhân)…, cả tập thơ đều trĩu nặng trách nhiệm công dân:

Quê nhà tối, sáng, chiều, trưa,

Lòng hằng mong mỏi sớm đưa tin mừng:

Em tôi tranh đấu không ngừng,

Hay em đã chết anh hùng liệt oanh

Chị mong em thác rạng danh

Hơn là uý tử tham sanh nhơ đời

            (Nhắn em – Ái Lan)

Đến cả cơn trằn trọc trong quán trọ đêm mưa cũng không ngoài nỗi băn khoăn về thế sự, thời cuộc:

Giọt mưa rỉ rả bên ngoài

Lệ lòng em cũng vắn dài như mưa

Bốn bề ai đã thức chưa?

Tiếng gà rộn rã, giọt mưa vẫn còn

(Mưa đêm – Ái Lan)

Là một nhà thơ nữ thế mà tư thế “trên đường”, tư thế dấn thân của Ái Lan rất tích cực, xông xáo.

Cùng với Ái Lan, Mộng Tuyết lại góp một giọng thơ rất hồn nhiên vào cuộc kháng chiến. Ngay từ ngày 23-8-1945, Mộng Tuyết đã viết bài thơ Dưới cờ, ba khổ, ngắn nhưng tràn trề niềm hân hoan được sống đời độc lập, tự do. Bà mang tâm thế hân hoan ấy vào cuộc kháng chiến, hồn nhiên và chân thành chào đón sự khởi đầu mới. Thơ Mộng Tuyết có sự chia ly chứ không có chết chóc, có chiến tranh nhưng vẫn có những lời thề hẹn sắt son và nếu như có nỗi đau đớn, thì sẽ có những Chữ thập hồng xoa dịu:

Là ngọc ngà đem giữa chiến trường

Là ngà ngọc điểm khí hiên ngang

Là ngà ngọc kết nên đôi nét

Chữ thập hồng tươi ánh nắng vàng

(Chữ thập hồng – Bân Bân nữ sĩ)

Bài thơ Chữ thập hồng ca ngợi những người nữ cứu thương của Mộng Tuyết vẫn còn tràn trề không khí lãng mạn của thời kỳ trước 1945. Quán tính này cũng là dễ hiểu. Văn học không thể đứt gãy hay chuyển hướng lập tức chỉ sau những biến cố lịch sử.

Tập Thơ mùa giải phóng xuất bản năm 1949 giới thiệu ba bài thơ của Phạm Tử Quyên, gồm: Nhớ mẹ, Sen trắngGiây phút chạnh lòng. Đặt cạnh Ái Lan và Mộng Tuyết, không khí thơ Phạm Tử Quyên càng đặc trưng bởi sự đằm thắm, giàu nữ tính, chan chứa tình nhà và tình nhà luôn được đặt dưới tình nước:

Thân một trót sinh thời quốc loạn

Cũng liều má phấn với giang sơn

(Giây phút chạnh lòng – Phạm Tử Quyên)

Thơ Phạm Tử Quyên vừa toả ra không khí cổ kính, tao nhã bởi mật độ từ Hán Việt dày, vừa đậm đà sự nồng nhiệt và chân tình của một người sống có lý tưởng. Bài Nhớ mẹ đề tặng: “Kính tặng các bà Mẹ đau khổ vì chiến tranh” và Sen trắng “riêng tặng các bạn gái đô thành và…”, cả hai bài thơ đều không vướng víu một chút nấn ná, hoài nghi nào. Nhân vật trữ trình của Phạm Tử Quyên đã vạch ra cho mình con đường đi dù gian khó nhưng thẳng tắp, không một khúc quanh. Ngay cả ở Những giây phút chạnh lòng, tác giả tự nhận mình “ruột tằm răn rối những hoàng hôn” thì ấy cũng chỉ là cái chạnh lòng rất người, rất phụ nữ của một cô gái xa nhà thương nhớ mẹ. Hai câu kết buông ra nhẹ nhàng mà sắt đá hơn cả một lời thề:

Mẹ ơi! Lòng mẹ bao nhiêu lạnh,

Thấm đượm tim con vạn ý hờn.

(Giây phút chạnh lòng - Phạm Tử Quyên)

Nói chung, các nhà thơ Nam Bộ nghiễm nhiên nhận lấy trách nhiệm công dân “thân bảy thước nợ tang bồng gánh nặng”, không một chút so đo hơn thiệt. Nhà thơ Chim Xanh đã nói thay cho thế hệ của mình ở phương Nam lời thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh rằng:

Ta chiến sĩ vẫn là người chiến sĩ

Chốn lao tù hay trong cảnh tự do

Đem máu tim xây đắp lại cơ đồ

Tận hơi thở cũng hãy còn tranh đấu.

(Lời chiến sĩ - Chim Xanh)

Điểm đáng lưu ý là thói quen trích dẫn điển tích, điển cố (Chim Xanh, Sơn Khanh, Nguyễn Bính dẫn Kinh Kha trong Lời chiến sĩ, Hành phương Nam Sông Dịch lạnh; Hoàng Tố Nguyên, Trúc Khanh dẫn Chiêu Quân trong Vọng hướng sao rơiNằm trong tử địa) cũng như thói quen sử dụng hình ảnh ước lệ mang lại cho thơ ca tranh đấu Nam Bộ một trường liên tưởng rất mênh mang. Nó tạo một bầu không khí bán kim bán cổ, pha trộn giữa hình ảnh những người chiến sĩ tham gia vào cuộc kháng chiến vệ quốc với hình ảnh những hiệp sĩ giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha. Nói cách khác, giai đoạn 1945-1954, các thi sĩ đô thị Nam Bộ đã xây dựng nên hình ảnh những chiến sĩ – hiệp sĩ.

Một trong những yếu tố tạo nên vẻ đẹp của văn học giai đoạn 1945-1954 ở cả hai miền chính là cách nhìn đầy lãng mạn về sự hy sinh và cái chết. Nếu như Quang Dũng miêu tả cái chết như một lần nằm xuống: “Gục bên súng mũ, bỏ quên đời”, thì Hồ Thi miêu tả cái chết của người anh hùng lộng lẫy “xác bạc máu đào”:

Nước non - u tối âm thầm

Hồn ngươi như mảnh trăng rằm trên cao

Hỡi ơi - xác bạc máu đào

Hy sinh vì nước tự hào lắm thay

Khí thiêng cao ngất từng mây

Ngàn sau vẫn lấy chuyện này làm vinh.

(Trần Bình Trọng - Hồ Thi)

Thậm chí, Xuân Miễn9 còn miêu tả một Đoàn quân ma, chết rồi hồn vẫn chưa tan được vì canh cánh nỗi “quốc hờn”:

Đi về đâu đoàn người đeo kiếm báu?

- Nặng quốc hờn đi trả nợ non sông.

Và đi đâu lá cờ in sắc máu?

- Xoá đêm mơ, nhuộm lại mảnh trời hồng

(Đoàn quân ma - Xuân Miễn)

Ở đây, một lần nữa cái tứ của Xuân Miễn và Quang Dũng, thơ Nam và thơ Bắc, lại gặp nhau: “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.

Cũng như bao con dân Việt trên cả nước, những nhà thơ miền Nam đã tiếp nhận trọng trách lịch sử không chút gợn toan tính. Lòng yêu nước đã giao thoa cùng tinh thần trọng nghĩa của người Nam Bộ làm nên phong thái người công dân - trượng phu rất đặc trưng trong thơ ca kháng chiến 1945-1954.

 

Tóm lại, nội dung dấn thân của thơ ca đô thị Nam Bộ 1945-1954 chưa bao giờ phong phú như thế, đặc biệt là phong phú về số lượng. Đáng tiếc nhất là số lượng thì nhiều nhưng vẫn thiếu những tác phẩm tiêu biểu. Xuất phát từ nỗi bất bình về những đau thương mà đồng bào và quê hương phải gánh chịu; từ tình yêu nước thương nòi mà chiến đấu, thơ ca ở các đô thị miền Nam không chỉ kêu gọi đấu tranh thuần tuý mà còn chan chứa nhiều cung bậc của tình mẹ con, tình chồng vợ, tình gia đình…

 

2.      Tinh thần bi quan

Tập Ngọn gió nồm của Khắc Minh Phan Huy Anh10 gồm 41 bài thơ, in năm 1950, mang âm hưởng chung là những cảm xúc cá nhân trước tình gia đình, thiên nhiên, Thiên Chúa… Thế nhưng, ngay cả khi người viết không có chủ đích, thảng hoặc đây đó trong tập thơ vẫn bắt gặp những bài thơ miêu tả chiến tranh rất hiện thực:

Từ đồng quê, xóm hẻm đến hang cùng

Gây những cảnh não nùng đầy khiếp sợ

Đây người đổ ruột, đó kẻ óc tan

Đây vài nhà cháy, đó cửa tan hoang

Tiếng than thở đầy trời không kể xiết

(Khi tôi nghe tiếng tàu bay – Khắc Minh)

Rõ ràng chiến tranh đã xộc vào từng gia đình, phơi bày diện mạo chết chóc của nó ở từng ngõ ngách, thôn xóm. Vì vậy, dù có chọn thái độ bàng quan, người làm thơ vẫn không thể nào bưng tai, bịt mắt trước biến động ấy. Nhà thơ có thể không trực tiếp miêu tả chiến tranh, nói đến chiến tranh song sự tàn phá của cuộc chiến vẫn được phản ảnh qua cách tác giả quan sát cuộc đời, qua cảm giác mất mát quê hương. Như trong hai bài thơ của Đại Ẩn Am mà tập Thơ mùa giải phóng chọn đăng, cả hai đều tràn ngập nỗi đau xót trước cảnh chém giết cũng như oán thán sự vô nghĩa của chiến tranh:

Sợ chết giết nhau giành lấy sống

Giành nhau cho được sống huy hoàng

Yêu sống, giết nhau không ngại chết

Giành nhau cho được chết vinh quang

(Chinh chiến - Đại Ẩn Am)

Thế nhưng, Đông Hồ không xuất phát từ sự chán ngán chiến tranh để đi đến hành động dấn thân, tích cực mà lại đẩy mình vào tình trạng bi quan, ngoảnh mặt với thời cuộc khi tin rằng “vạn vật từ xưa đã chủ trương”:

Ôi! Đến bao giờ chinh chiến hết?

- Hỏi làm chi nhỉ chuyện hoang đường

Than làm chi nhỉ đời ly loạn

Vạn vật từ xưa đã chủ trương

(Chinh chiến - Đại Ẩn Am)

Thành Vinh cũng chia sẻ cùng nỗi hoang mang của Đông Hồ khi chứng kiến cảnh khổ đau của mọi kiếp người:

Ôi đã mấy thu đông,

Trôi vào mùa binh lửa

Những mẹ già tựa cửa

Mắt lệ trông xa vời

Những trẻ mồ côi

Bơ vơ giữa biển đời sương gió

Những chiến sĩ lăn mình trên trận địa

Áo nhuộm hồng vai lả gánh giang sơn

Từ đáy biển lệ dâng triều sóng

Ai mở khăn sầu xoá ý tang?

(Chiếc khăn tay - Thành Vinh)

Tâm trạng bế tắc, lẩn quẩn hoặc bưng tai bịt mắt này không phải hiếm thấy trong thơ ca Nam Bộ thời kỳ 1945-1954. Chúng phối với nhau thành một bè trầm, ảm đạm, bi quan nhưng thật sự đã tồn tại trong văn học đô thị. Điều đáng bàn là giọng điệu yếm thế này chỉ là một trong những, chứ không phải là tất cả, thơ ca Nam Bộ và khi đề cập đến chúng, cũng cần đặt trong bối cảnh lịch sử để đánh giá, nhận định cho hợp lý.

Nguyễn Bính, nhà Thơ Mới có nhiều duyên nợ với Nam Bộ, lại tự đày mình trong nỗi bi phẫn đầy màu sắc hoài cổ với những cầu Tư Mã, nhiếp chính băm mặt, ấp Tiết, Kinh Kha, Hàn Tín, Bá Nha - Tử Kỳ… Những điển tích hùng hồn đó, kỳ thực, chỉ nhằm bộc bạch một cách khoa trương nỗi cô độc. Hay nói cách khác, không khí thời đại đã tạo điều kiện cho nhà thơ khuếch đại tâm sự cá nhân. Rời khỏi cây đa, bến nước, con đò miền Bắc, Nguyễn Bính đóng vai một kẻ ly hương vừa buồn nỗi mình, vừa thương nỗi nhà, thể thơ bảy chữ trở nên phù hợp hơn là lục bát, giọng thơ cũng chuyển thành gân guốc, bứt rứt:

Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự

Giày cỏ gươm cùn ta đi đây.

Ta đi? Nhưng biết về đâu chứ?

Đã dấy phong yên khắp bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi

(Hành phương Nam - Nguyễn Bính)

Tự hỏi rồi tự trả lời, muốn đi nhưng vẫn cứ ở, Nguyễn Bính đã mang vào thơ Nam Bộ nỗi loay hoay ít thấy trong thơ ca vùng đất mới.

Thế nhưng, phải đợi Hợp tấu của Đinh Hùng thì nỗi u uất mới chạm đến cực điểm. Bài thơ đầy ắp biểu tượng, đăng trên báo Mới số Xuân Quý Tị (tr.21). Hợp tấu dựng nên cả một bản hoà âm xuyên thời gian, bản hoà âm của những tang điền thương hải; vọng âm của quá khứ đã tiêu trầm; của những sự huy hoàng chớp bóng; của máu, lửa, thịt, xương, thây ma, cổ mộ chập chờn; của thần nữ, thiên tiên hư hoặc… - bản hợp tấu lộng lẫy về sự sụp đổ. Sự đổ vỡ cuối cùng xảy ra khi chính nơi trú ngụ của loại người cũng mất hút:

Chúng ta khóc như một bầy thú dữ

Lòng dã man nghe trái đất tan tành.

(Hợp tấu - Đinh Hùng)

Không một lời nhắc đến chiến tranh, cũng không đả động đến hiện thực, Hợp tấu của Đinh Hùng là một vũ trụ kỳ dị và hoàn toàn khác biệt, song ở đó, người đọc vẫn nhận ra một thế giới tinh thần đổ vỡ và nỗi tuyệt vọng đến kỳ cùng. Thế giới ấy là chiếc gương soi của hiện thực. Hay nói khác đi, sự cộng hưởng những biến cố thời đại và cá nhân đã làm tiền đề cho bản hợp tấu sụp đổ này dấy lên một cách thống thiết.

Quả là lý thú khi nhờ Đinh Hùng, sự khác biệt trên tiến trình cách tân văn học ở hai miền Nam - Bắc được khắc hoạ rõ nét hơn. Các nhà thơ phía Bắc đã rất nghiêm túc và miệt mài với quá trình cách tân nghệ thuật. Thơ ca miền Bắc đã bước từ lãng mạn sang hẳn tượng trưng, như vừa thấy ở thơ Đinh Hùng, chỉ trong mười lăm năm. Ngược lại, tại miền Nam, các nhà thơ Nam Bộ “hài lòng” với trào lưu lãng mạn và giờ đây, trong bối cảnh chiến tranh, khuynh hướng của Nam Bộ là hướng về hiện thực. Điều đó chứng tỏ ở Nam Bộ, cách tân thơ ca nói riêng, nghệ thuật nói chung, không phải là ưu tiên hàng đầu. Mối quan tâm trước hết của những người làm nghệ thuật ở phía Nam là tính thực tiễn, tức công chúng và xã hội.

 

3.      Nỗi niềm đô thị

Về bản chất, đô thị là nơi ô hợp và bèo nước. Là nơi để đến, không phải để về. Là nơi sự sum họp đã có mầm mống ly tán. Nhất là trong tâm thức người Việt đã quen với ruộng đồng, sông nước, đò giang v.v. Đâu phải tự nhiên mà trong những bài thơ ca ngợi quê hương trên đây, hình ảnh quê nhà luôn luôn là ruộng đồng, vườn tược, dòng sông… chứ không phải là đô thị. Đô thị mang hai khuôn mặt trái ngược nhau xa hoa và khốn khó, đông đúc và cô độc. Hai diện mạo ấy được phản ánh vào thơ ca qua hình ảnh người lao động tha phương cầu thực, những trí thức băn khoăn, cảm giác bất trắc, hoài nhớ…

Thương mến của Xuân Linh là bài thơ tiêu biểu phản ánh cuộc sống khốn khó, chật vật của người lao động ở đô thị. Tác phẩm không chỉ đề cập đến cuộc đời tạm bợ, nguyên nhân dẫn dắt đến cảnh huống ấy, mà còn hé lộ được ước mơ tha thiết nhất của những người lao động nghèo. Nhờ vậy, bức tranh hiện thực hiện ra có chiều sâu, dễ lay động. Đây là một trong những bài thơ chúng tôi đánh giá xuất sắc nhất trong mảng nội dung phản ánh cuộc sống của những người lao động tha phương cầu thực ở đô thị. Chính qua những tác phẩm như thế, diện mạo tầng dưới của đô thị hiện lên một cách rất sâu sắc và vẫn chưa hề cũ, cho đến giờ phút này, khi đã bước sang thế kỷ XXI. Sau đây là nguyên văn bài thơ:

Ngủ một giường

Ăn một chiếu

Anh không hiểu tôi còn ai hiểu

Anh không thương tôi thì còn ai thương!

Tình ta như bể đại dương

Lòng ta như cơn gió sớm…

Chúng ta làm thuê

Chúng ta làm mướn

Chúng ta xa nhà

Sáng anh dậy năm giờ

Lên chiếc xe còng lưng đạp

Mặc những ngày gió mưa ướt át

Mặc những ngày nắng chói lên cao!

Khi anh đau

Tôi ngồi bên an ủi!

Đây chén thuốc

Đây bát cháo đường

Gần nhau ta mến nhau

Đêm đêm bên dĩa đèn dầu

Ta kề bên nhau thủ thỉ

Bao giờ thanh bình nhỉ?

Bao giờ ngày mai đến?

Cho ta về quê xưa

Sống cùng với muối với dưa

Sống cùng với vợ con chờ bao năm.

(Thương mến – Xuân Linh)

Không chỉ đáng chú ý về mặt nội dung, bài thơ còn có sự kết hợp những câu thơ dài, ngắn thất thường diễn tả sự bấp bênh trong cuộc sống và hai câu lục bát kết bài bày tỏ ước mơ sống êm ấm bên gia đình.

Người nghèo khó phiêu dạt đến đô thị để mưu sinh mong trở về quê đã đành, những trí thức sống tại đô thị cũng “phân vân như dòng nước ngã ba sông” bởi cảm thấy cô độc giữa phố xá, hàng quán, người xe:

Xa lạ quá! Cánh chim lìa tổ ấm

Nhìn đại dương ngợp thấm ý cô đơn

Nỗi băn khoăn trống trải chiếm tâm hồn,

Đời thiếu mất vẻ thuần lương trìu mến.

(Về thành - Hồ Văn Hảo)

Cảm giác thị thành trong thơ Mộc Lan Châu còn tao tác hơn cả nỗi bơ vơ trong thơ Hồ Văn Hảo. Nỗi sầu tưởng như hiện hình, động chạm vào được, trải theo những bước chân tuyệt không vang lên một hồi âm, như đi giữa “thành phố chết” - Mộc Lan Châu đã diễn tả rất tinh tế nỗi cô đơn đô thị:

Gót nện vỉa hè thành phố chết

Sầu dâng vũng đọng bước ta đi

(Đêm mưa thành phố - Mộc Lan Châu)

Trên con đường rời khỏi đồng ruộng tiến đến phố thị, từ người lao động đến người trí thức Nam Bộ đều tràn ngập nỗi bất an. Nỗi bất an về thân phận con người chính là một nét chấm phá rất đặc trưng của thơ ca ở các đô thị.

Đến đây chúng tôi muốn lưu ý đến một điểm đặc biệt trong thơ ca đô thị: hình ảnh quê hương. Song song với những tác phẩm phản ánh một quê hương tan nát vì chinh chiến, nhiều bài thơ khác ở đô thị Nam Bộ lúc bấy giờ vẫn vẽ nên những cảnh êm đềm, thanh bình trên quê hương. Có thể điểm qua: Tình trong khung lụa của Viên Lăng, Vĩ Dạ quê tôi của Đức Thương, Tát nước của Huỳnh Hưng, Nắng sớm của Tiêu Ngân, Đêm làng của Nguyễn Huy Phước, Bức tranh quê của Hồ Đình Phương, Chiều của Mộc Lan Châu, Nước thuyền của Xuân Chính, Túp lều tranh của Kim Động, Đồng quê, Về quê cũ của Hồ Văn Hảo…

Hình ảnh quê nhà trong những bài thơ này thật trong sáng, cả những vui, buồn, ý tình, âu lo của con người… cũng bình dị và đặc biệt nhất là không có dấu vết chiến tranh.

Em cầu mong:

Cho trời không lộng gió,

Nắng không hanh,

Mưa về muôn ngõ,

Cho mùa chiêm được lúa,

Lúa chiêm vàng, nhựa sống của muôn dân

Mai đây lúa rợp cánh đồng,

Bõ công ai bón ai trồng bấy nay.

Rồi đây:

Lạnh về trong gió heo may,

Em đan áo rét cho người xa xăm

Lụa em che ấm nẻo lòng,

Áo em phủ cả trời đông vạn người…

(Tình trong khung lụa - Viên Lăng)

Phải chăng quê hương không chỉ là đồng lúa, là nắng mưa, là tình nghĩa…, mà tự thẳm sâu, còn là nơi chốn nương thân bình yên của mỗi con người? Một quê hương an lành hay đổ nát cũng không đơn thuần là phản ánh hiện thực, nó còn là sự phản ánh nội giới của chính tác giả. Vì vậy, khoan vội đánh giá những bài thơ này bàng quan trước hiện thực. Chúng tôi cho rằng viết về quê hương, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương là một nhu cầu có thật và không bao giờ cạn. Hình ảnh một quê hương vẹn toàn, an lành có khả năng xoa dịu sự khắc nghiệt của hiện thực. Nếu đứng trên góc độ dấn thân, quả là những tác giả, tác phẩm này bàng quan với thời cuộc nhưng nếu nhìn rộng hơn, nhiều cách phản ánh khác nhau về cùng một vấn đề cũng thể hiện tính dân chủ của đô thị vậy.

 

Tạm kết

Dưới đây là một số nhận xét của chúng tôi sau khi tìm hiểu về thơ ca đô thị miền Nam 1945-1954.

Về tác giả: Khác với giai đoạn trước, hầu hết các tác giả đều là người gốc gác miền Nam, văn chương thuần Nam Bộ. Thời kỳ 1945-1954 bắt đầu xảy ra tình trạng nhiều tác giả đã thành danh ở các vùng, miền khác tiếp tục hoạt động văn học ở các đô thị miền Nam, như: Nguyễn Bính, Thuỵ An, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương… Sự cộng hưởng giữa tinh thần Nam Bộ và những tác giả khác vùng miền đã tạo nên giọng điệu phong phú, nhiều bè phức tạp ở văn học đất mới.

Về nội dung:

Ở các vùng đô thị, chiến tranh ít lộ diện trực tiếp nhưng vẫn xuất hiện trong cảnh chạy loạn; trong tâm thế buồn nản, bi quan của người nghệ sĩ. Tình trạng đa chiều, đa tâm trạng, đúng với tính chất dân chủ của đô thị khiến việc tìm hiểu thơ ca Nam Bộ phức tạp nhưng khá hấp dẫn.

Nếu so với truyện và ký, thơ ca Nam Bộ thời kỳ 1945-1954, thơ ca có những thành tựu nhất định song chưa xuất sắc. Một trong những nguyên nhân nằm ở lực lượng sáng tác. Nam Bộ thời kỳ này hiếm nhà thơ thuần tuý làm thơ - những gương mặt tiêu biểu của thơ ca như Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Dương Tử Giang, Ái Lan v.v. cũng đồng thời là những cây bút viết văn xuôi. Nguyên nhân thứ hai, thơ ca đô thị Nam Bộ đã sớm nhận thức và thực hành việc viết cho những đối tượng độc giả khác nhau. Vì vậy, về cách tân nghệ thuật, thơ ca ở các đô thị miền Nam không mạnh bằng ở phía Bắc, các tác giả chú trọng hơn đến việc viết cho công chúng đại trà.

Qua những khảo sát trên đây, chúng tôi mạnh dạn khẳng định rằng người miền Nam có xu hướng xem văn học là văn học chức năng. Bình thường, văn học được nhấn mạnh ở chức năng giải trí; khi biến loạn, văn học được xem như vũ khí chống giặc, như một phương tiện để thức tỉnh xã hội. Tư tưởng Đồ Chiểu xem ra vẫn thấm nhuần rất sâu trong tâm thức của các nhà văn miền Nam:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng thằng gian bút chẳng tà

Trong những năm thơ ca miền Bắc phải cố gắng để làm quen và thích nghi với điều đó thì chưa bước sang thập niên 50 của thế kỷ XX, thơ ca Nam Bộ nhanh chóng, một lần nữa lại tiên phong, quy tụ được những cây bút thơ ca của cả nước và đạt được những thành tựu nhất định.

LTTV.

 

Tài liệu tham khảo

1.  Nhiều tác giả. (2004). Từ điển văn học. Hà Nội: Nxb Thế Giới.

2.  Võ Văn Nhơn. (2007). Văn học Quốc ngữ trước 1945 ở Thành phố Hồ Chí Minh. TPHCM: Nxb Tổng hợp - Nxb Văn hóa Sài Gòn.

3.  Huỳnh Như Phương. (2010). Lý luận văn học. TPHCM: Nxb Đại học Quốc gia.

4.  Nguyễn Văn Sâm. (1969). Văn chương tranh đấu miền Nam. Sài Gòn: Nxb Kỷ Nguyên.

5.  Nguyễn Văn Sâm. (1972). Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950. Sài Gòn: Nxb Lửa Thiêng.

6.  Thanh Việt Thanh. (1993). Thẩm Thệ Hà thân thế và văn nghiệp, TPHCM: Nxb TPHCM.

7.  Lê Ngọc Trà. (2005). Lý luận và văn học. TPHCM: Nxb Trẻ.

________________

 

1 Báo cáo được thực hiện với sự giúp đỡ về tư liệu của TS. Võ Văn Nhơn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm, gia đình nhà văn Thẩm Thệ Hà, gia đình nhà thơ Đông Hồ và nhà sưu tập Hoàng Minh. Người viết xin trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của quý vị.

2 Nhiều tác giả. (1949). Thơ mùa giải phóng. Sài Gòn: Nxb Sống Chung.

3 Sơn Khanh, Nguyễn Tử Việt là bút danh của luật sư Nguyễn Văn Lộc. Ông sinh năm 1922 tại Châu Thành, Vĩnh Long. Từ năm 1954-1968, ông học cử nhân rồi thạc sỹ Luật tại Pháp, sau đó hoạt động chính trị tại miền Nam, làm thủ tướng dưới thời Ngô Đình Diệm. Sau 1969, ông chuyển sang hoạt động giảng dạy. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: Giai cấp (1949), Tàn binh (1949), Loạn (1971).

4 Ái Lan là bút danh của nhà thơ Lê Liễu Huê (1910-1976). Bà xuất thân trong một gia đình quê gc ở Quảng Trị, vào Nam từ sớm, có truyền thống hoạt động báo chí. Bà từng cộng tác với các báo lớn từ năm 1928. Ái Lan có tập thơ Trên đường, xuất bản năm 1949.

5 Cước chú này dẫn theo Lê Mộng Hoà, Thi nhân Huế, xuất bản năm 1960. Hồ Đình Phương, còn có các bút danh Nhật Hồ, Phương Nhật Hồ. Tác phẩm đăng trên các báo: Tiếng Chuông, Ánh Sáng, Quần Chúng, Tân Học, Thẩm Mỹ, Phụ Nữ, Văn Nghệ Tiền Phong... Ông sinh ngày 1-3-1927 tại Huế, chánh quán Phước Tích, Thừa Thiên. Đã học các trường Pellerin, Hồng Đức... (Huế), tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh năm 1958, tại Sài Gòn. Các tác phẩm đã xuất bản của Hồ Đình Phương xuất bản trong giai đoạn 1945-1954, gồm: Hai cuộc sống (thơ, 1951); Tình thế hệ (thơ, 1952);  Ai tìm lý tưởng (kịch thơ, 1952); Sưởi nắng (thơ; 1953, tái bản 1954).

6 Dương Tử Giang là bút danh của nhà báo, nhà thơ, nhà cách mạng Nguyễn Tấn Sĩ (1915-1956). Ông còn các bút danh khác: Trước Giang Tử, Nhiêu Ân, là tác giả của hàng trăm bài báo và các tập truyện ngắn, tác phẩm phóng tác, tiểu thuyết, truyện thơ và một số kịch bản tuồng.

  Theo Từ điển Văn học bộ mới, ông sinh ngày 15-3-1915, tại xã Nhơn Thạnh, quận Giồng Trôm, thị xã Bến Tre. Tuy nhiên, trang web tỉnh Bến Tre (www.bentre.gov.vn) lại ghi ông sinh năm 1914, không có ngày tháng. Cũng trang web này xác nhận ông mất năm 1956, trong vụ phá ngục Tân Hiệp: “Lúc ấy, anh 38 tuổi, cái tuổi tràn đầy sinh lực”, tức ông phải sinh năm 1918. Như vậy, trang web tỉnh Bến Tre đã cung cấp thông tin bất nhất về năm sinh của Dương Tử Giang và cũng không trùng với thông tin trong Từ điển Văn học.

  Ông từng làm bầu gánh hát, dạy tiểu học, thư ký, trước khi gia nhập làng báo Sài Gòn. Gia nhập làng báo, Dương Tử Giang viết cho Mai, Sống của nhóm Đông Hồ; Thanh Niên của Huỳnh Tất Phát; Thanh Niên Mới do Hoàng Phố chủ biên; Ngày Mai của Trúc Khanh và cả Tri Tân ở Hà Nội… Từ năm 1946 đến 1950, ông chủ trương tuần báo Văn Hoá với tôn chỉ: “Người đời từ trước ai không chết / Cốt để lòng son rọi sử xanh”, sau đó lần lượt là các tờ Thế Giới, Thứ Năm… Đầu năm 1947, ông bị bắt giam ba tháng tại bót Catinat, Sài Gòn. Năm 1950, ông thoát ly ra Khu 9.

  Sau hiệp định Genève (1954), Dương Tử Giang được phân công về lại Sài Gòn, vận động tích cực về tài chính lẫn bài vở để xuất bản các tờ Công Lý, Điện Báo, Duy Tân. Ngày 8-10-1955, trong chiến dịch khủng bố những người kháng chiến cũ, Dương Tử Giang bị bắt. Ngày 2-12-1956, trong cuộc nổi dậy phá trại, vượt ngục của tù nhân chính trị tại trại giam Tân Hiệp (Biên Hoà), Dương Tử Giang hy sinh ngay cửa ngõ nhà lao.

7 Nhiều tài liệu khác nhau ghi các thông tin bất nhất về Vũ Anh Khanh. Tên thật của ông có thể là Vũ Văn Khánh, Võ Văn Khanh hoặc Nguyễn Năm, sinh tại Phan Thiết, Bình Thuận (có tài liệu ghi là Tây Ninh) năm 1926. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Các tài liệu đều thống nhất ghi rằng ông mất tại sông Bến Hải song chưa xác định được là vào năm 1956 hay 1957, khi đang ở độ tuổi 30. Ba mươi năm tuổi đời ngắn ngủi và vỏn vẹn bốn năm cầm bút (1947-1950), Vũ Anh Khanh kịp lưu lại một gia tài văn chương phong phú gồm cả tiểu thuyết (Cây ná trắc, 1947; Nửa bồ xương khô, 1949; Bạc xỉu lìn, 1949); truyện ngắn (Sông máu, 1949; Đầm Ô Rô, 1949; Bên kia sông, 1949; Ngũ Tử Tư, 1949) và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của văn đàn Nam Bộ khu vực đô thị.

8 Lê Ngọc Trà. (2005). Lý luận và văn học. TPHCM: Nxb Trẻ, tr.47.

9 Xuân Miễn tên khai sinh là Nguyễn Xuân Miễn (1922-1990). Ông còn các bút danh Hải Phong, Huỳnh Phong Hải. Ông sinh tại Thanh Liêm, Hà Nam, tham gia Nam tiến từ tháng 3-1945 vào chiến khu An Phú Đông (Sài Gòn). Năm 1954, ông tập kết ra Bắc làm phóng viên Báo Quân Đội Nhân Dân, sau chuyển công tác về Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội cho đến khi nghỉ hưu tại TPHCM.

  Xuân Miễn là tác giả các tập thơ: Rung động (1938), Lửa binh (1946), Khói lửa phương Nam (1948), Gói đất miền Nam (1960), Chặng đường hành quân (1971), Một tiếng Xamakhi (in chung với Duy Khán, Phạm Ngọc Cảnh, 1981), An Phú Đông (1982) và nhiều tập văn khác.

10 Cước chú sau đây dẫn theo “Thay lời tựa” do Nam Sơn viết cho tập Ngọn gió nồm. Khắc Minh Phan Huy Anh làm chủ bút báo Tuổi Xuân (Quy Nhơn) năm 1933; Cẩm thành tạp chí (Quảng Ngãi), 1936; nhật báo Pháp Việt báo (Huế), 1940. Ông cũng là trợ bút các tạp chí Livres et Revues, Revues Lectures ở Quy Nhơn; Vì Chúa – tạp chí Công giáo ở Huế. Về các sáng tác của Khắc Minh: Nam Sơn cho biết năm 1930, Khắc Minh đã hoàn tất bộ truyện trinh thám 10 quyển nhưng không xuất bản; Cuộc đời, Bốn chục đoá hoa trong vườn thượng uyển, không ghi thể loại và năm xuất bản; kịch Dưới đèn (1932) bị mất bản thảo trước khi in và dịch tiểu thuyết Tàu Tiểu trung duyên (1934), nhà in Mỹ Thắng (Nam Định) phát hành.

 

 

Thông tin truy cập

63698752
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19044
23426
63698752

Thành viên trực tuyến

Đang có 145 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website