Trước thời Nguyễn Cao, nền văn học trung đại Việt Nam đã xuất hiện nhiều tác phẩm mang đậm sắc thái du ký như thơ đề vịnh, cảm tác, ngẫu hứng, thơ đi sứ, thơ tha hương, những ghi chép, ký sự, nhật ký... Đến Nguyễn Cao, các sáng tác của ông đều bộc lộ tâm trạng, ý chí, khí phách một nhà nho hành đạo, một bề tôi trung, một bậc sĩ đại phu thời kì cận đại trước ách xâm lược của thực dân Pháp. Bên cạnh những bài thơ được sáng tác với cảm hứng anh hùng, yêu nước tha thiết, một bộ phận trong thơ ông là những bài thể hiện vẻ chân thực, nét tinh khôi của phong cảnh quê hương, đất nước. Đây là những bài thơ thuộc thể tài du ký, viết nhân các chuyến du ngoạn ở các vùng miền. Khi qua thăm mỗi địa danh, nơi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, ông đều có làm thơ đề vịnh, bày tỏ tình cảm và suy tư của mình.
***
Nguyễn Cao (1837-1887) tên thật là Nguyễn Thế Cao, hiệu Trác Phong, quê ở làng Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ông là nhà thơ - nghĩa sĩ yêu nước nổi tiêng. Sinh thời ông từng làm quan để dẹp loạn Thanh phỉ, đi khai khẩn đất đai và hệ trọng hơn, hai lần sau ông ra làm quan là để cầm quân đánh giặc cứu nước. Sau ông bị giặc Pháp bắt và hành hình bên hồ Hoàn Kiếm.
Trước thời Nguyễn Cao, nền văn học trung đại Việt Nam đã xuất hiện nhiều tác phẩm mang đậm sắc thái du ký như thơ đề vịnh, cảm tác, ngẫu hứng, thơ đi sứ, thơ tha hương, những ghi chép, ký sự, nhật ký... Đến Nguyễn Cao, các sáng tác của ông đều bộc lộ tâm trạng, ý chí, khí phách một nhà nho hành đạo, một bề tôi trung, một bậc sĩ đại phu thời kì cận đại trước ách xâm lược của thực dân Pháp. Bên cạnh những bài thơ được sáng tác với cảm hứng anh hùng, yêu nước tha thiết, một bộ phận trong thơ ông là những bài thể hiện vẻ chân thực, nét tinh khôi của phong cảnh quê hương, đất nước. Đây là những bài thơ thuộc thể tài du ký, viết nhân các chuyến du ngoạn ở các vùng miền. Khi qua thăm mỗi địa danh, nơi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, ông đều có làm thơ đề vịnh, bày tỏ tình cảm và suy tư của mình.
Các bài thơ du ký của Nguyễn Cao được sáng tác chủ yếu bằng chữ Hán, cơ bản nằm trong tập thơ Trác Phong thi văn tập. Những sáng tác thơ du ký trong tập thơ này không nhiều song đây lại là một phương diện sáng tác khá sâu sắc, tinh tế của ông. Có thể kể đến một số bài thơ du ký tiêu biểu: Tặng Vĩnh Nghiêm tự tăng (Tặng nhà sư chùa Vĩnh Nghiêm), Tiền du Hương Sơn (Dạo chơi Hương Sơn lần đầu), Trùng du Tuyết Sơn đăng Bảo Đài (Lại dạo chơi núi Tuyết, trèo lên Bảo Đài), Vịnh Hương Sơn Giải Oan tự (Vịnh chùa Giải Oan ở Hương Sơn), Hồi trình độ Yến Vĩ châu (Đường về qua đò Đuôi Én), Hậu du Hương Sơn (Chơi Hương Sơn lần sau), Tặng Thiên Trù tăng ngũ thập tuế (Tặng nhà sư chùa Thiên Trù năm mươi tuổi), Hương Sơn hội văn ca quản ngẫu thành (Trong hội chùa Hương nghe giọng ca tiếng sáo, ngẫu nhiên thành thơ), Tứ môn đệ Cử nhân Phạm sinh tòng du Hương Sơn (Thơ đưa cho học trò là Cử nhân họ Phạm đi theo dạo chơi Hương Sơn), Văn Giang chu hành (Đi thuyền ở Văn Giang), v.v... Chỉ riêng với thắng cảnh chùa Hương, Nguyễn Cao đã có tới sáu bài thơ. Những ghi chép đậm chất trữ tình trong thơ du ký Nguyễn Cao không chỉ bộc lộ lòng thương cảm đối với nhân dân trong buổi loạn lạc, niềm lạc quan trong cuộc đời mà còn ghi lại cảm xúc và tình yêu thiên nhiên của tác giả khi thăm thú, du ngoạn qua các địa phương, các nơi danh thắng.
Trong đời Nguyễn Cao đã từng đến vùng quê Lục Nam và có thơ đề vịnh cảnh đẹp núi Tuyết - Bảo Đài (có ý kiến cho rằng núi Tuyết - Bảo Đài ở Hà Nam): “Khứ tuế kim niên thướng Bảo Đài,/ Thảo hoa y cựu mãn thiền khai./ Tuyết hồ hữu chủ tàng thâm động,/ Thạch kính duyên nhân tảo lục đài./ Hôn hiểu tiều ca phan thụ khứ,/ Sinh hoàng cầm vận độ vân lai./ Sử năng kết ốc mưu chung lão,/ Trường thử tiên cư khả bất hồi”. Bản dịch nghĩa: “Năm ngoái, năm nay lên Bảo Đài,/ Cỏ hoa vẫn nở đầy lối thiền như trước./ Bình tuyết có chủ giấu trong hang sâu,/ Đường đá đã vì người mà quét sạch rêu xanh./ Sớm tối tiếng hát người hái củi vin cành cây bay đi,/ Tiếng chim hót như tiếng sênh tiếng hoàng vượt mây mà tới./ Giá được làm nhà để qua trọn tuổi già,/ Thì cứ ở mãi cảnh tiên này, không về nữa cũng được. Bản dịch thơ của Phan Văn Các: “Bảo Đài năm ngoái đến năm nay,/ Hoa cỏ như xưa vẫn nở đầy./ Bình tuyết, hang sâu như có chủ, Rêu xanh, đường đá quét vì ai./ Tiều ca sớm tối vin cành lượn,/ Chim hót sáo khèn vượt ráng bay./ Giá được dựng nhà mà dưỡng lão,/ Chẳng về, ở mãi cảnh tiên này[1]. Bản dịch khác của Khương Hữu Dụng: “Năm trước năm nay lên Bảo Đài,/ Khắp chùa vẫn đó cỏ hoa tươi./ Động ôm hồ tuyết còn đây chủ,/ Lối sạch rêu xanh bởi có người./ Sớm tối tiều ca vin cội núi,/ Véo von chim hót lướt mây trời./ Cảnh già phỏng được nhà đôi mái, / Ở mãi làng tiên chẳng trở lui”.
Khu vực núi Tuyết - Bảo Đài đương thời Nguyễn Cao còn là miền rừng sơn thủy hữu tình và có cả nhiều loài muông thú. Nhìn rộng ra, Bảo Đài là dãy núi đất nổi lên giữa thung lũng sông Lục Nam và sông Thương. Không chỉ một lần nhà thơ Nguyễn Cao đã đến thăm nơi đây. Phong cảnh tô bày trước mắt là không gian hoa lá Cỏ hoa vẫn nở đầy lối thiền như trước, tưởng như muôn năm rồi vẫn thế! Men theo sườn núi còn có hang sâu, đường đá sạch lối rêu xanh. Không thấy một bóng người đâu, chỉ nghe xa vọng đâu đây tiếng ca của người lấy củi hòa lẫn với tiếng chim rừng Sớm tối tiếng hát người hái củi vin cành cây bay đi - Tiếng chim như tiếng sinh tiếng hoàng vượt mây mà tới. Chính không gian yên bình hòa điệu giữa cảnh sắc thiên nhiên và con người như thế đã là một cảnh tiên giữa cõi trần[2]… Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì đây cũng chính là cảnh quan môi trường sinh thái lý tưởng, nơi nhà thơ coi như “cảnh tiên” để mà ao ước Giá được làm nhà để qua trọn tuổi già - Thì cứ ở mãi cảnh tiên này chẳng trở về nữa. Bức tranh thiên nhiên trong thơ Nguyễn Cao có cảnh vật, có tiếng chim, có mây trời, có hình bóng con người nhưng sao vẫn đượm chút bâng khuâng trước vẻ đẹp bất biến của tạo vật. Và trong từng lúc nào đó, quả tình Nguyễn Cao nhận được niềm an ủi, thích thảng khi tạm xa lánh cõi đời. Ông tìm về thiên nhiên không phải là trốn tránh cuộc đời mà còn để tự khẳng định mình, tách biệt mình với thế giới trần tục và hòa đồng cùng đất trời, cây cỏ. Đó cũng là tiếng nói trữ tình sâu lắng và một nét đẹp trong tâm hồn nhà thơ Nguyễn Cao với miền quê núi Tuyết - Bảo Đài một thuở...
Ngay cả khi đi thăm bạn, qua vùng đất mới, lòng ông cũng khấp khởi yêu thích, mừng vui với đồng đất, cảnh vật xứ người: “Kim Anh mộng lý vãng lai tần,/ Phong vũ kim triêu ấp lộ trần./ Thu thảo mãng tùng Xuân Bảng địa,/ Mã sơn hình thế Tản Viên lân./ Thiên hoài ngô thổ đa tân kiến,/ Thả hỷ điền mưu cộng cố nhân./ Thùy đạo thử phi đồ báo niệm,/ Niết trung vị Thượng nhất kinh luân”. (Kim Anh trong mộng vẫn thường qua lại luôn,/ Sớm nay mưa gió thấm ướt bụi đường./ Cỏ thu rậm rạp đất Xuân Bảng,/ Núi Ngựa, hình thế gần giống như Tản Viên./ Lòng riêng nhớ vùng quê ta thấy nhiều cái mới,/ Lại mừng được bàn chuyện ruộng đồng với cố nhân./ Ai bảo đó không phải nỗi niềm lo báo đáp?/ Niết trung, Vị thượng chung một kinh luân) (Qua xã Xuân Bảng, huyện Kim Anh, trong mưa cùng Tán tương Đào niên huynh nói chuyện đồn điền)
Một lần khác khi qua chùa Hương, được ngắm cảnh chùa Giải oan và làng Đuôi Én… Nguyễn Cao không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của cỏ cây, mây, nước nơi đây. Ông đã sáng tác bốn bài thơ về cảnh non nước chùa Hương. Tiền du Hương sơn (Dạo chơi Hương sơn lần đầu) và Hậu du Hương sơn (Dạo chơi Hương sơn lần sau) là hai bài thơ được sáng tác trong những lần đến chùa Hương khác nhau của tác giả. Lần đầu đến Hương sơn, nhà thơ say sưa trước cảnh sơn thủy hữu tình. Phong cảnh nơi đây đẹp đến độ đã khiến “Du khách” trong bài thơ Tiền du Hương Sơn quên hết mỏi mệt: “Hương Sơn xuân vọng thảo thê thê,/ Du khách kinh tòng Tuyết lĩnh tê (tây)./ Cưỡng khứ khước vong cân lực bệnh,/ Khán lai bất giác mục tâm mê…” (Núi Hương Sơn, mùa xuân trông ra cỏ xanh rờn,/ Du khách từ phía tây núi Tuyết đi qua./ Gắng bước đi quên cả gân sức mỏi,/ Ngắm nhìn bất giác mắt và lòng đều mê say…)
Nếu như Tiền du Hương Sơn được Nguyễn Cao viết với cảm xúc vui tươi thì Hậu du Hương sơn lại là tâm sự hoài niệm, bâng khuâng khó tả của nhà thơ. Cuộc dạo chơi Hương Sơn lần thứ hai này được nhà thơ miêu tả với những cảnh “sơn u thủy diệc u” (núi vắng mà sông cũng vắng), “thiền u kính” (lối thiền vắng vẻ), v.v… đã khiến người đọc cảm động: “Hương Tích sơn u thủy diệc u,/ Thám u trùng đáo vị u ưu”. (Hương Tích đây, núi vắng mà sông cũng vắng/ Một lần nữa lên thăm cảnh vắng, mà buồn vì cảnh vắng.)
Lần thứ hai trở lại Hương Sơn, trong lòng nhà thơ chất chứa nỗi buồn. Nhà thơ phân vân và đặt câu hỏi: “Tích du thượng kí thiền u kính,/ U kính như kim tự tích phầu?”. (Chuyến dạo chơi trước còn ghi lại trên lối thiền vắng vẻ,/ Lối vắng ấy đến nay có còn giống trước kia?)
Như vậy, mỗi lần đến Hương sơn là một lần nhà thơ tức cảnh sinh tình làm thơ đề vịnh. Cùng là thơ viết về một địa danh nhưng ở những thời điểm khác nhau thì cảm xúc của nhà thơ cũng có sự thay đổi. Lần đầu đến với Hương Sơn là cảm xúc bỡ ngỡ, lạ lẫm, vui thích trước cảnh vật mới. Còn lần thứ hai đến Hương Sơn, trong lòng nhà thơ Nguyễn Cao lại mang tâm sự bâng khuâng, hoài niệm.
Trong những bài thơ du ký viết về cảnh chùa Hương của Nguyễn Cao còn có bài Hồi trình độ Yến Vĩ châu (Đường về qua đò Đuôi Én). Bài thơ miêu tả cảnh đẹp thơ mộng trên núi dưới thuyền, sau đây là bốn câu thơ đầu của bài thơ này: “Tầm phương khách đáo Hương Sơn động,/ Phản trạo nhân tòng Yến Vĩ thôn./ Thủy nhược tri dư ưng tự động,/ Sơn như tống khách khước vô ngôn…” (Tìm hoa, khách đến động núi Hương,/ Trở mái chèo, người về qua làng Đuôi Én./ Nước như quen biết ta, nên tự chảy,/ Núi như tiễn khách, nhưng chẳng nói năng chi…)
Đến Hương Tích, du khách phải đi đò qua làng Đuôi Én. Vẻ đẹp hài hòa của cỏ, cây, mây, nước chốn này như thực như mơ. Thuyền dẫn lối du khách vào Hương sơn với những hình ảnh thật sống động: “phản trạo” (trở mái chèo), “Thủy nhược tri dư ưng tự động” (Nước như quen biết ta, nên tự chảy), v.v…
Thăm cảnh Hương Sơn, Nguyễn Cao hòa nhập vào thiên nhiên đất trời và vui cùng vẻ đẹp cuộc sống do con người sáng tạo nên. Nơi đây có tiếng đàn tiếng sáo hòa trong cảnh sắc núi non: “Nhất thốc liên đài ỷ bích nham,/ Mỹ lai tân chủ tận đông nam./ Thủy quan sơn sắc y tiên độ,/ Cầm vận ca thanh bán bất am./ Hội kháp thường xuân huyên khách ngữ,/ Tăng do cựu thức sách thi đàm./ Du nhân đáo thử ưng thần khế,/ Tiên tại vân gian Phật tại am”. (Hương Sơn hội văn ca quản ngẫu thành). Dịch nghĩa: “Một tòa đài sen tựa vào vách đá biếc,/ Khách và chủ trong ngày hội đẹp đều ở cả phía đông nam./ Cảnh sắc núi sông vẫn hệt như độ trước,/ Điệu đàn giọng hát đến một nửa là không quen./ Hội diễn ra đúng mùa xuân rộn vang tiếng khách,/ Nhà sư vốn là người quen cũ hỏi chuyện thơ./ Du khách đến cảnh này hẳn là diệu hợp,/ Khác nào tiên trong mây, Phật trong am chùa. (Trong hội chùa Hương nghe giọng ca tiếng sáo, ngẫu nhiên thành thơ). Phan Văn Các dịch thơ: “Tựa lưng đá biếc một đài sen,/ Từ mé đông nam chủ khách lên./ Cảnh núi sắc sông in độ trước,/ Giọng đàn tiếng hát nửa không quen./ Sư như bạn cũ bàn thơ phú,/ Hội đúng ngày xuân tiếng khách chen./ Khách du trước cảnh tâm thần hợp,/ Tâm ở trong mây Phật ở chiền”.
Trong thơ du ký của Nguyễn Cao đáng chú ý có một bài thơ viết về ngôi chùa Vĩnh Nghiêm. Chùa này còn có tên là chùa Đức La (nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) vốn là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng, từng có nhiều vị sư đạo cao đức trọng trụ trì. Có một ngày nào đó, nhà thơ - nghĩa sĩ yêu nước Nguyễn Cao (1837 - 1887) đã đến nơi đây vãng cảnh và làm thơ tặng nhà sư: “Lao lao nhất hoạn ái lâm thiền,/ Thử địa phùng quân định túc duyên./ Đạo lý thuyết lai đa diệu khế, / Thế trần giải khước dĩ cao niên./ U thâm hoa kính tương thành tịch,/ Khoách lạc biều thanh thượng oán huyên./ Hợp thị băng hồ kham ấn nguyệt,/ Vĩnh am môn ngoại kỷ tình xuyên. (Tặng Vĩnh Nghiêm tự tăng). Bản dịch nghĩa: “Một đời làm quan lận đận lại thích đến thăm chùa,/ Gặp cụ ở đây, hẳn là có duyên nợ từ trước./ Lẽ đạo nói ra thấy nhiều điều khế hợp huyền diệu,/ Bụi đời khi cởi được thì tuổi đã cao rồi./ Lối hoa thâm u sắp trở nên tịch mịch,/ Tiếng quả bầu rỗng tếch còn hiềm ồn ào quá./ Hợp lại bình băng đáng in dấu nguyệt,/ Ngoài cửa am chùa Vĩnh biết mấy cảnh Tình Xuyên. (Tặng nhà sư chùa Vĩnh Nghiêm). Phan Văn Các dịch thơ: “Một quan lận đận thích thăm thiền,/ Gặp cụ nơi đây hẳn túc duyên./ Lẽ đạo nói ra nhiều diệu hợp,/ Bụi trần giải được đã cao niên./ Lối hoa sâu thẳm chừng nên tịch,/ Tiếng quả bầu không vẫn rộn phiền./ Xứng với băng hồ in dấu nguyệt,/ Vĩnh am ngoài cửa mấy Tình Xuyên”.
Câu chuyện gặp nhà sư ở đây thực ra chỉ là cái cớ để nhà thơ - nghĩa sĩ Nguyễn Cao bày tỏ tâm sự riêng và những cảm nhận của mình trước thời thế. Nhà thơ vui mừng khi được gặp nhà sư, thán phục những điều huyền diệu trong lẽ đạo bởi sự “khế hợp” và thấy như “có duyên nợ từ trước”, song trước sau vẫn ý thức được bản thân “tuổi đã cao rồi” và cảm nhận nỗi buồn thời thế như ám cả vào lối cỏ hoa thâm u đang “sắp trở nên tịch mịch”, tiếng quả bầu rỗng “còn hiềm ồn ào quá”. Tất nhiên ở đây tác giả vẫn sử dụng cách nói khoa trương, cực tả truyền thống khi bày tỏ tâm sự về mối quan hệ giữa đạo và đời, giữa thời thế và nỗi lòng cá nhân, đồng thời cũng thể hiện được trạng thái phân vân trong nhận thức - một thứ sản phẩm tinh thần phù hợp với hoàn cảnh lịch sử dân tộc về cuối thế kỷ XIX. Rút cuộc, đến đôi câu kết thì nhà thơ trở lại hòa nhập với vẻ đẹp vĩnh hằng của cảnh chùa trước đất trời: Hợp lại hình băng đáng in dấu nguyệt - Ngoài cửa am chùa Vĩnh biết mấy ban mai!...
Là một nhà thơ - nghĩa sĩ, hầu hết những sáng tác của Nguyễn Cao viết về cảm hứng nhân đạo và cảm hứng yêu nước. Bên cạnh hai cảm hứng chủ đạo trên, trong tổng thể thi văn của Nguyễn Cao còn xuất hiện mảng thơ du ký. Thơ du ký của Nguyễn Cao có sự đan xen giữa cảnh và tình. Cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp làm lay động tâm hồn thi sĩ và luôn là nguồn cảm hứng bất tận để thi nhân chấp bút, tạo lập một dòng quan niệm thẩm mỹ độc đáo. Trong dòng chảy chung đó, thơ du ký ở Trác Phong thi văn với những dấu ấn riêng biệt đã góp phần định hình giá trị thi văn của Nguyễn Cao trong nền thơ dân tộc giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX...
Tháng 4-2013
Tài liệu tham khảo
1. Phan Văn Các (Sưu tầm, phiên dịch và giới thiệu) (1992): Thơ văn Nguyễn Cao. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Nguyễn Hữu Sơn (1986): Về một vài đặc điểm thơ văn Nguyễn Cao. Tạp chí Văn học, số 5, Hà Nội.
TRAVEL POEMS BY NGUYEN CAO
Abstract
Before Nguyen Cao, many writings with travelling inspiration had appeared in Vietnamese medieval literature such as scenery-ispired poems, emotion-inspired poems, sudden-inspiration poems, going-away poems, embassador’s poems, chronicles, journals, etc. Poems by Nguyen Cao express emotion and spirit of an active Confucian scholar, a faithful servant, a great pre-modern intellectual facing the French invasion. His poems written while travelling across many areas demonstrate his patriotism and the beauty of his mother land.