​Nguyễn Du và những siêu vượt nghìn đời

TTO - Truyện Kiều của Nguyễn Du từ lâu đã thuộc vào hàng danh tác của nền văn học Việt Nam, nhưng nếu phải trả lời câu hỏi rằng tại sao với Truyện Kiều, Nguyễn Du được xem là thiên tài, thì chưa chắc ai cũng nói trôi chảy được.  

  			PGS. TS. Đoàn Lê Giang (trái) và nhà văn Nhật Chiêu giới thiệu Kim Ngư truyện và Truyện Kiều tại Cà phê thứ bảy - Ảnh: L.Điền

PGS. TS. Đoàn Lê Giang (trái) và nhà văn Nhật Chiêu giới thiệu Kim Ngư truyện Truyện Kiều tại Cà phê thứ bảy - Ảnh: L.Điền

Chương trình Cà phê thứ bảy chuyên đề văn học sáng 5-12 tuy không trực tiếp trả lời vấn đề ấy, nhưng với nội dung giới thiệu Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Ngư Truyện của Bakin (Nhật Bản) trong mối tương quan cùng một xuất xứ là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc), một lần nữa những lý do để các thế hệ yêu văn học ca ngợi Nguyễn Du là thiên tài được làm sáng tỏ. Đây cũng là hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015).

Bakin hiện thực còn Nguyễn Du lãng mạn

Với cách dẫn chuyện tài hoa và sâu sắc của nhà văn, nhà giáo Nhật Chiêu, PGS. TS. Đoàn Lê Giang trình bày bài khảo cứu về Kim Ngư truyện đối sánh với Truyện Kiều. Đây cũng là kết quả bước đầu của ông sau quá trình hơn một tháng đi tìm hiểu và khảo cứu văn bản Kim Ngư truyện tại Nhật Bản vừa qua.

Khách tham dự có thể hình dung những đặc điểm của Kim Ngư truyện khi Bakin tiếp nhận cốt truyện từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Bakin là nhà văn hàng đầu của Nhật thời Edo, và Kim Ngư truyện ra đời trong trào lưu Nhật Bản tiếp nhận hàng loạt tiểu thuyết Minh, Thanh của Trung Quốc.

Trái ngược với phong cách phóng khoáng chuộng khai thác các nội dung tính dục, Bakin lại là trường hợp cá biệt khi ông chuyển thể Kim Vân Kiều truyện thành Kim Ngư với nội dung được Nhật Chiêu gọi là “đứng đắn hóa” nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân.

Bên cạnh đó là giá trị hiện thực của Kim Ngư truyện được ghi nhận bởi Bakin đã đặt lại hệ thống tên gọi nhân vật của Kim Vân Kiều truyện: Nhân vật chính Thúy Kiều đổi thành Ngư Tử, Thúy Vân là Ất Ngư, Kim Trọng là Đình Tỉnh Kim Trọng Lang, Thúc Sinh là Thúc Thái Lang, Sở Khanh thành Thử Tứ Lang…Đồng thời thay các địa danh Trung Quốc trong Kim Vân Kiều thành các địa danh của Nhật Bản. TS. Đoàn Lê Giang nhận định rằng, Kim Ngư truyện đã được bản địa hóa (Nhật Bản hóa) rất cao qua thủ pháp của Bakin.

Bên cạnh đó, Kim Ngư truyện khai thác yếu tố hiện thực, thể hiện qua các lần Ngư Tử bán mình, được mô tả chi tiết về giá cả, trao đổi....

  			Bìa quyển Kim Ngư truyện lưu tại Thư viện đại học Waseda, Nhật Bản

Bìa quyển Kim Ngư truyện lưu tại Thư viện đại học Waseda, Nhật Bản

Theo TS. Đoàn Lê Giang, Nguyễn Du đã dùng thi pháp lãng mạn cổ điển, ông không chỉ miêu tả con người mà miêu tả cả thân phận nhân vật. Chẳng hạn như ông dụng công miêu tả tài nghệ đàn của Thúy Kiều với khúc ca Bạc mệnh là ám ảnh nhất, thì Bakin đã bỏ hết các chi tiết ấy, chỉ miêu tả Ngư Tử là “tiếng đàn tsushikoto (trúc tử cầm) thì học đến tuyệt kỹ, hiếm có trên đời”.

Vấn đề là văn chương dường như có những bí ẩn riêng nào đó, bằng chứng là một tác phẩm được bản địa hóa cao như vậy, đáp ứng phong vị của độc giả Nhật Bản như Kim Ngư truyện vậy, mà vẫn không nổi tiếng như Truyện Kiều của Nguyễn Du nổi tiếng ở Việt Nam, mặc dù Nguyễn Du vẫn giữ nguyên cả tên nhân vật lẫn các địa danh trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Lý giải vấn đề này, là đụng đến chỗ “thiên tài” của Nguyễn Du.

Mắt trôi sáu cõi, lòng thấu nghìn đời…

Bakin và Nguyễn Du khác nhau về thi pháp khi sáng tạo Kim Ngư truyệnĐoạn trường tân thanh. Vấn đề là những sáng tạo nào của Nguyễn Du lại “từ chỗ cá nhân gặp được cả nhân loại” như cách nói của giới lý luận về tài năng văn chương?

TS. Đoàn Lê Giang dẫn ra trường hợp xử lý nhân vật Đạm Tiên: Trong khi Bakin miêu tả cuộc đời Đạm Tiên (đổi tên là Địa Ngục) bình thường như bao cuộc đời bình thường khác, thì Nguyễn Du đã dụng công để khắc họa cuộc đời đau khổ đầy ấn tượng của Đạm Tiên, để từ đó làm phát sinh một khái niệm có tầm nhân loại: Phận đàn bà.

Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung, cái “lời chung” ấy của Nguyễn Du có phải là chung trong thời của Nguyễn đâu, hay thời Gia Tĩnh đâu, mà chung suốt cho cả nhân gian từ ấy đến giờ đấy chứ. Ở điểm này, nhà giáo Nhật Chiêu dẫn thêm lời nhận định của Mộng Liên Đường Chủ Nhân dành cho Nguyễn Du, gồm tám chữ “nhãn phù lục hợp, tâm quán thiên thu” tức là: Con mắt trôi suốt sáu cõi, tấm lòng thấu cả nghìn đời.

Sự tài tình trong ngôn ngữ Nguyễn Du

Nhà giáo Nhật Chiêu cho rằng, mỗi từ của Nguyễn Du như một “chân trời ý nghĩa”, nó sinh sôi, sống động và tái tạo như hoa cỏ trong cuộc đời.

Câu chuyện Phó tổng thống Mỹ dẫn Kiều trong một sự kiện chính trị sau Nguyễn Du 250 năm là một ví dụ. Hay như từ “mùi nhớ” trong câu “Hương gây mùi nhớ…” quả là một sáng tạo tài tình, một từ mới nảy ra bởi chính Nguyễn Du.

“Từ Mùi nhớ của Nguyễn Du thậm chí còn mới hơn từ Biển nhớ của Trịnh Công Sơn”, Nhật Chiêu ví von.

Tại sao lại nói như vậy? Tại vì Nguyễn Du không phải viết văn như Bakin hay Thanh Tâm Tài Nhân. Ông không đứng bên ngoài mà kể, trái lại, ông đau cái đau của nhân vật như đau với cái thấy của mình. “Ông như tán thân mình ra để hòa cùng với cõi nhân gian, thiên tài là ở chỗ có tấm lòng như vậy, tâm Bồ tát cũng là như vậy”, Nhật Chiêu khẳng định.

Trong phần trao đổi, một bạn đề nghị lý giải vì sao Nguyễn Du không chọn cách phóng tác, tức mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân rồi đổi cả hệ thống nhân danh địa danh trong truyện kiểu như Bakin, và rằng nếu như vậy thì người đọc Việt tiếp tiếp nhận có dễ hơn chăng, gần gũi hơn chăng?

Điều này được nhà giáo Nhật Chiêu lý giải có thể là do có liên quan đến nhận thức chính trị của Nguyễn Du. Bằng chứng là chính vua Tự Đức - một người mê Kiều - vẫn đòi nọc Nguyễn Du ra đánh bằng roi. Thế thì liệu Nguyễn Du có dám tự phóng tác ra một bối cảnh truyện với địa danh và nhân vật ở Việt Nam không?

Theo Nhật Chiêu, Nguyễn Du để nguyên nhân danh địa danh Trung Quốc và chỉ chuyển thể Kim Vân Kiều truyện thành Đoạn trường tân thanh bằng thơ lục bát là một sự tự vệ cần thiết ở một đất nước quá đa đoan. “Cứ hình dung, chỉ cần một tên nịnh thần nào đó ton hót với vua rằng, Nguyễn Du viết câu “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” là có ý làm phản đấy, thì cuộc đời của Nguyễn Du cũng xong luôn”, Nhật Chiêu chia sẻ. Ngay cả cách xử thế như vậy cho tác phẩm của mình, kể ra, cũng là cơ trí của bậc thức giả siêu vượt cả thời đại mình rồi.

Huống chi, Đoạn trường tân thanh còn được cái duyên lọt vào mắt xanh của học giả phương Tây từ sớm. Chính Abel des Michels đã dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du từ năm 1884 và giới thiệu cho các học giả, nhà văn ở Pháp. Đây cũng chính là một “nhân duyên” để Đoạn trường tân thanh được cộng đồng quốc tế biết đến nhiều hơn, siêu vượt các tác phẩm còn lại của văn học Việt Nam, hơn cả Kim Ngư truyện và dĩ nhiên là hơn hẳn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20151205/nguyen-du-va-nhung-sieu-vuot-nghin-doi/1015402.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63540789
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12048
25711
63540789

Thành viên trực tuyến

Đang có 192 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website