Văn xuôi Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ XXI – một vài ghi nhận

Tóm tắt

Mười lăm năm – một nửa chặng đường của thời kỳ đổi mới của văn học – chỉ riêng xét về lực lượng sáng tác văn xuôi đã có quá nhiều điều để nhận định. Bên cạnh những cây bút của thế kỷ trước vẫn tiếp tục sáng tác sung sức, lực lượng kế thừa trẻ đang trưởng thành cả trong lẫn ngoài nước. Sự kiện các nhà văn hải ngoại xuất bản sách tại Việt Nam là bước đầu chứng tỏ sự hội nhập của bộ phận văn học người Việt ở nước ngoài vào đời sống văn học trong nước.

Từ khóa: văn xuôi Việt Nam, 15 năm, đổi mới văn học…

 

Nhớ lại non 40 năm trước, Đại hội toàn quốc lần thứ 6 (1986) của ĐCSVN đã chính thức đưa ra cương lĩnh nhằm đổi mới toàn diện, sâu sắc đất nước. Sau đó nhiều mặt của xã hội sớm có những chuyển biến hết sức tích cực. Từ một quốc gia thiếu lương thực triền miên. Việt Nam nhanh chóng trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo. Trong nước, tình thế “ngăn sông cấm chợ” đầy nghịch lý bị xóa bỏ. Về đối ngoại, Nhà nước đã có thông điệp rõ ràng: “VN muốn làm bạn với toàn thế giới”. Trên thực tế vị thế chính trị của nước ta đã hoàn toàn khác trước, lần lượt trở thành thành viên tích cực của ASEAN, APEC v.v…

Văn học nghệ thuật cũng đã nhanh chóng hòa nhập với những đổi thay nức lòng người ấy. Rất đáng ghi nhận cuộc gặp gỡ lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 đại biểu văn nghệ sĩ trong 2 ngày 6 và 7/7/1987 tại Hà Nội.

Hơn 2 tháng sau (12/1987) giới văn nghệ hân hoan đón nhận Nghị quyết 05 của Bộ chính trị về văn hóa văn nghệ. Hai văn bản hết sức quan trọng, vừa nguyên tắc, vừa thoáng mở, đổi mới này đã trở thành những định hướng chính yếu để người cầm bút yên tâm, phấn khởi, cũng như để bất cứ ai quan tâm hoặc có trách nhiệm với mảng hoạt động đặc thù này có thể thống nhất với bộ phận lãnh đạo cao nhất của Đảng về nhận thức lý luận, về đường lối chủ trương phương hướng, để tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển nhảy vọt, tương xứng với kỳ vọng của nhân dân.

Quả nhiên liền sau đó, văn học cũng như nhiều lĩnh vực văn hóa văn nghệ khác đã có một vụ bội thu về số lượng và đạt giá trị cao về chất lượng. Những thành tựu đáng khích lệ ấy đã mở đầu cho một dòng chảy mới của sự sáng tạo nghệ thuật, theo một quỹ đạo mới, và không lệch chuẩn. Dòng chảy ấy ào ạt, hứng khởi cho mấy năm đầu đổi mới, sau đó nó bình thản chảy trôi và không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Có thể nói mỗi thời đoạn tiếp theo cao thấp, nhiều ít có thể khác nhau nhưng đều có những thành quả mới bởi lẽ sự đổi mới là một xu thế không thể đảo ngược.

Vậy 15 năm gần đây tính từ TK XXI đến nay, nói hẹp trong phạm vi văn xuôi của nước ta, có gì đáng trân trọng? Trước hết cần khẳng định: hoàn cảnh sống và viết của người cầm bút dù chưa hết khó khăn, vướng cản, nhưng về cơ bản đã khác trước rất nhiều. Biển Đông dù có lúc dậy sóng, không khí vùng biên ải thỉnh thoảng trở nên nặng nề, nhưng về cơ bản đất nước được sống trong cảnh thanh bình. Nền kinh tế nước ta liên tục gặp những thách thức lớn, nhưng mức sống của văn nghệ sĩ cũng như của toàn dân ngày một cải thiện. Tiềm lực văn hóa của người cầm bút được nâng lên một cấp độ đáng kể, nhờ một loạt điều kiện thuận lợi chủ quan cũng như khách quan. Chưa bao giờ cuộc hội nhập của nước ta ngày nay so với các lần hội nhập trước kể từ cuối thế kỷ XIX với văn hóa nhân loại lại bình đẳng tự nguyện và sâu rộng như đang có. Song song việc tiếp tục đón nhận những phát hiện mới trong kho tàng trí tuệ của cha ông, nhà văn được đánh thông nhiều con đường lớn đến với chân trời văn nghệ của nhân loại – những giá trị rất quý của những nền văn học nghệ thuật khắp năm châu. Giới nghiên cứu lý luận của nước ta cũng đã hỗ trợ tích cực, kịp thời cho giới sáng tác bằng những thành tựu nghiên cứu của họ cũng như đã giới thiệu những tinh hoa của hệ thống lý luận văn hóa văn nghệ thế giới.

Người nghệ sĩ được chủ động tự do sáng tác như Nghị quyết 05 của Bộ chính trị đã định hướng vì “tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị địch thực trong văn hóa văn nghệ, để phát triển tài năng”. Tất nhiên mọi người đều hiểu quyền tự do ấy “được quy định bởi trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội”.

Văn nghệ sĩ đã sớm gắn bó với định hướng đúng đắn, cởi mở này trong 15 năm cuối TK XX, và đến 15 năm đầu TK XXI, các yêu cầu mang tính nguyên tắc ấy đã trở thành nhân tố chủ yếu trong bầu khí quyển sáng tạo nghệ thuật. Tất nhiên rải rác đây đó, lúc này lúc khác cũng có một số ý kiến trái chiều, nhưng không lớn và không ảnh hưởng bao nhiêu đến không khí sáng tác.

Về đội ngũ viết, có thể lưu ý mấy hiện tượng sau đây:

Lớp nhà văn chủ lực của ba thập kỷ 70-80-90 của thế kỷ trước như Ma Văn Kháng, Nguyễn Trí Huân, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Quang Hà v.v…sau một chặng đường sáng tác đáng nể, đến nay xuất hiện thưa thớt hẳn đi. Có lẽ do gánh nặng tuổi tác chăng? Với một số có thể do bận bịu với công tác quản lý chăng?.

Thế nhưng có những cây bút tỏ ra vẫn sung sức như ngày nào. Nguyễn Khắc Phê lần lượt “trình làng” ba cuốn tiểu thuyết Thập giá giữa rừng (2003), Những ngọn lửa xanh (2008) và đáng chú ý hơn cả: Biết đâu địa ngục thiên đường (2010).

Chu Lai tiếp tục chuỗi tác phẩm gây ấn tượng Vòng tròn bội bạc, Bãi bờ hoang lạnh, Ăn mày dĩ vãng, Phố…bằng những tiểu thuyết được người đọc quan tâm: Cuộc đời dài lắm (2002), Khúc bi tráng cuối cùng (2004).

Nổi trội hơn cả trong thế hệ tuổi đã “lên lão” này có Nguyễn Xuân Khánh, trong 15 năm, tính từ năm 2000 – lúc đã 68 tuổi đến nay, ngoài những tập truyện ngắn dễ thương viết cho thiếu nhi (Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi, Mưa quê và bản dịch hai chuyên khảo rất quý của Gustave Le Bon (Tâm lý học đám đông) và của Jean Piaget (Sự hình thành biểu tượng của trẻ nhỏ), ông cho xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết dày dặn, qui mô và được đặc biệt đón nhận: Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa. Thành ngữ quen thuộc “Gừng càng già càng cay” rất thích hợp để nói về sức sáng tạo sung mãn của cây bút cao niên tuổi đã 83 Nguyễn Xuân Khánh.

Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa của ông có một hướng đi lạ. Nhà văn đề cập đến nền móng của văn hóa dân tộc – văn hóa làng với sự phức hợp giữa tinh hoa của những nguồn “ngoại nhập” như đạo Nho, đạo Phật và dòng chảy, nội sinh từ truyền thống tín ngưỡng của dân tộc từ ngàn xưa. Đạo Mẫu. Riêng tác phẩm Hồ Qúy Ly đem lại cho người đọc một hứng thú đặc biệt, buộc người đọc phải suy nghĩ về nhiều vấn đề quan trọng của lịch sử. Bản chung khảo của cuộc thi tiểu thuyết 1998-2000 của Hội nhà văn VN đã nhận xét xác đáng: “Hồ Qúy Ly đã góp phần nâng vị thế của tiểu thuyết lịch sử lên tầm cao mới. Lịch sử trở thành tiểu thuyết nhờ xúc cảm của chủ thể và như vậy trở nên dồi dào sự sống và sức cuốn hút”.

Dưới con mắt của những sử gia chính thống trước đây. Hồ Qúy Ly là một người mưu lược nhưng gian hiểm, có tài nhưng tham vọng cá nhân bất chính quá lớn, hành sử quyết đoán nhưng lạnh lùng tàn bạo. Nguyễn Xuân Khánh đã có cách nhìn lịch sử và nhân vật lịch sử khác trước, khoa học hơn công bằng hơn , hợp với “nhân tâm thế đạo”. Ông khắc họa một hình tượng Hồ Qúy Ly có cả ánh sáng và bóng tối, những mặt tốt đẹp và những vệt xấu xa, nhưng điều cơ bản là lúc vận nước chông chênh rất cần những người như ông. Tư tưởng nghệ thuật của người viết ẩn sâu trong các trang văn: một triều đại dù rực rỡ như nhà Trần nhưng khi đã suy bại đến mức như lời tiên đoán của Trần Nguyên Đán (vận nước sắp mất) hoặc như lời thơ của Trần Quang Triều ( Vượng khí một thời chôn dưới cỏ)…thì nhất thiết phải có những nhân vật đáp ứng được yêu cầu sống còn của đất nước, của nhân dân chứ không phải của một triều đại nào đấy. Nguyễn Xuân Khánh đã đặt vào miệng một nhân vật “Nhà Trần bạc nhược lắm rồi! Cứ gì nhà Trần, vua nào chả là vua. Thèm đổi đời lắm rồi! (Hồ Qúy Ly, tr 50).

Một tiểu thuyết gia lịch sử khác – nhà văn Hoàng Quốc Hải tâm đắc với tư duy nghệ thuật của bạn đồng nghiệp, đã chỉ ra 4 nguyên nhân khiến Nguyễn Xuân Khánh thành công: Tác giả đã chọn được thời điểm lịch sử và nhân vật mà mình yêu thích; đã tạo được cảm hứng tự do, gạt ra ngoài mọi ràng buộc; đã thể hiện được tính công bằng lịch sử. Và ngoài những thông tin về lịch sử, tác giả còn gửi những thông điệp mà bạn đọc cần, vì thế tiểu thuyết tránh được đơn điệu. Đó là những nhận xét xác đáng.

Dòng tiểu thuyết lịch sử gần đây lại có những thành quả mới. Có thể nhắc đến tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4-75 của Trần Mai Hạnh, người đã từng là phóng viên chiến trường đặc biệt là giai đoạn kết thúc 20 năm chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tác phẩm đầy ắp tư liệu lịch sử của cả 2 phía đặc biệt là bên kia chiến tuyến. Tất cả hệ thống tư liệu xác thực ấy đã được tác giả sử dụng để dựng lên một bức tranh toàn cảnh về 4 tháng cuối cùng của chính phủ và quân đội VNCH.

Cũng cần nhắc đến tác phẩm mới nhất của Khuất Quang Thụy: tiểu thuyết Đối chiến. Gần giống với Trần Mai Hạnh, nhà văn dựa vào 2 nguồn tài liệu: những trải nghiệm của bản thân tại chiến trường đường 9 Nam Lào, đồng thời anh khai thác tài liệu của đối phương. Chất tư liệu của Đối chiến khá đậm, nhưng so với tác phẩm của Trần Mai Hạnh chất tiểu thuyết nổi trội hơn.

Có thua ít nhiều về tuổi đời và tuổi nghề, nhưng thế hệ trung niên cũng đã có vị trí ổn định trong văn học VN đương đại vài chục năm nay, mà Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… là đại biểu.

Trước năm 2000 Hồ Anh Thái đã khẳng định sức sáng tạo dồi dào với một bút pháp mới mẻ qua hàng loạt tiểu thuyết và tập truyện ngắn. 15 gần đây, anh tiếp tục cho ra mắt các tiểu thuyết Mười lẻ một đêm, Đức Phật-nàng Savitri và tôi, Dấu về gió xóa…và những tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Sắp đặt và diễn, Nói bằng lời của mình.

Có thể do gắn bó lâu với văn học đương đại và với cuộc sống sôi động của Ấn Độ cũng như phương Tây nên Hồ Anh Thái đã hình thành cho mình cách viết luôn biến hóa đổi thay theo hướng hiện đại, từ cấu trúc tác phẩm đến văn phong. Cách viết này lúc đầu có thể khá xa lạ với thói quen, nếp cũ cảm thụ văn chương của đông đảo người đọc. Sự lạ lẫm ấy đến bây giờ chưa hẳn đã hết.

Cũng trong thế hệ này, và cũng có ý thức đổi mới thi pháp thể loại, có thể nhắc đến những nhà văn đang độ chín của nghề như Tạ Duy Anh (Thiên thần sám hối, Đi tìm nhân vật…), Nguyễn Bình Phương (Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy , Ngồi…), Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa) v.v…

Có một cây bút không có sự cách tân nghệ thuật mạnh bạo như các nhà văn kể trên, nhưng 15 năm qua vẫn tự tạo cho mình một không gian đủ rộng để tung hoành: đó là Nguyễn Nhật Ánh. Từng đi Thanh niên xung phong, từng là nhà giáo, rồi anh chuyển sang viết văn từ hơn 30 năm nay. Ít có cây bút nào sung sức như Nguyễn Nhật Ánh. Anh lại khéo chọn một đối tượng để viết về họ và để phục vụ việc đọc sách của họ: Thanh thiếu niên. Tiếp nối hàng chục cuốn xuất bản trước đó như: Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối, Nữ sinh (1989), Thiên thần nhỏ của tôi, Phòng trọ 3 người, Mắt biếc, Thằng quỷ nhỏ (1990), Hoa hồng xứ khác, Bong bóng lên trời (1991), Bồ câu không đưa thư, Những chàng trai xấu tính (1993), Trại hoa vàng (1994), Út Quyên và tôi, Buổi chiều Windows (1995), Kính vạn hoa (nhiều tập) (1995-1996) v.v… Tính từ năm 2000 trở đi, số lượng đầu sách của anh có ít hơn nhưng dày dặn hơn và có chiều sâu hơn: Chuyện về xứ Lang Biang (4 tập 2006), Tôi là Bê-tô (2007), Đảo mộng mơ (2010), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2011) v.v…Riêng cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – tác phẩm được giải thưởng ASEAN 2010, trong vòng 6 năm (2008-2014) đã được tái bản 46 lần. Ở bìa 4 của cuốn sách Nguyễn Nhật Ánh trân trọng ghi “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Đúng thế. Tác phẩm đáng để cho cả trẻ em và người lớn đọc. Trẻ nhỏ đọc để hiểu và yêu mình hơn và người lớn đọc để cảm thông với con trẻ hơn. Nguyễn Nhật Ánh có một văn phong trong sáng, đậm chất thơ và đậm chất nhân văn.

Cùng trong thế hệ này nhưng ít tuổi hơn một chút, cây bút nữ Nguyễn Ngọc Tư rất đáng chú ý. Tính đến nay chị có 19 năm lao động nghệ thuật, sở trường về truyện ngắn và ký. Có thể kể tới các tập Ngọn đèn không tắt, Ông ngoại, Biển người mênh mông, Cánh đồng bất tận, Khói trời lộng lộng. Tập Cánh đồng bất tận (2005) có lúc cũng đã gặp những phản ứng trái chiều dữ dội. Có ý kiến cho là “tác giả đã có cái nhìn méo mó, đen tối về nông thôn và người nông dân, không đúng với hiện thực nông thôn Nam Bộ”. Ngày 10 tháng 4/2006 tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau đã yêu cầu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh “Phê phán nghiêm khắc” nhà văn. Dư luận của bạn đọc và văn nghệ sĩ lại khác. Tuoitre.com.vn ngày 21/11/2005 đã ghi nhận: “Cánh đồng bất tận đã hâm nóng một cách thầm lặng không khí buồn tẻ của đời sống văn chương…mọi sự ở đây đều bị đẩy tới tận cùng, đau đớn đến tận cùng, yêu thương đến tận cùng, cái giá mà con người ở đây phải trả cũng tận cùng oan nghiệt” đã bộc lộ “sự hồn hậu nồng ấm mà cay đắng của nhà văn”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng trên VN Express 10/4/2006 đã nói rất gọn: “Tôi luôn thích tác phẩm này”.

Như để kết thúc cuộc tranh luận không chính thức nhưng nảy lửa ấy, ngày 13/10/2006 Hội Nhà văn VN quyết định trao Giải thưởng sáng tác 2006 cho tập Cánh đồng bất tận.

Ngẫm ra, có sự trái chiều như thế cũng không lạ, bởi nó bắt nguồn từ sự khác nhau quá sâu sắc giữa hai khuynh hướng cảm nhận và phê bình văn học. Chính từ những va đập dữ dội ấy tâm thức và năng lực của người viết cũng như những người có trách nhiệm quản lý văn hóa tư tưởng và những công chúng bình thường mới có điều kiện chuyển đổi theo hướng Nghị quyết 05 của Bộ chính trị như đã trình bày ở trên. Nguyễn Ngọc Tư gần đây có cho in tập tiểu thuyết Sông. Có lẽ chị định thử sức trong một thể loại mới dài hơi hơn. Chỉ tiếc thể nghiệm này chưa thành công. Vì thế người đọc vẫn luôn dành cảm tình đặc biệt cho một Nguyễn Ngọc Tư -truyện ngắn và một Nguyễn Ngọc Tư – tản văn. Tự nhiên tôi lại nhớ đến cây bút truyện ngắn xuất sắc Nguyễn Huy Thiệp. Anh cũng viết tiểu thuyết, nhưng tác phẩm của anh nhanh chóng bị quên đi, trong khi đó có thể cả tin nhiều truyện ngắn của anh sẽ được nhiều thế hệ người đọc tiếp tục mến mộ.

Thế nhưng, “đường dài mới hay sức ngựa”, sự sáng tạo chưa thật thành công của hai cây bút Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Huy Thiệp trong lĩnh vực tiểu thuyết không có nghĩa là họ sẽ tiếp tục thất bại một khi họ chuẩn bị tiềm lực kỹ hơn, nghiền ngẫm về đặc điểm khi pháp thể loại thấu đáo hơn

Sẽ rất đáng lo ngại nếu lực lượng viết thiếu lớp trẻ kế thừa. Trong phạm vi văn xuôi, tình hình khá lạc quan. Tín hiệu tích cực ấy được phát ra từ nhiều nguồn. Các tổ chức văn học, các tờ báo và một số nhà xuất bản đã góp sức động viên phong trào sáng tác trong thế hệ trẻ, nhằm phát hiện tài năng mới. Chỉ xin đưa một dẫn chứng: Nhà xuất bản Trẻ (TpHCM) kiên trì liên tục tổ chức các cuộc thi “Văn học tuổi 20” tính đến nay đã được 5 lần (1994-1995/2000-2001/2004-2005/2009-2010) và lần thứ 5 vừa mới kết thúc (2012-2014). Chỉ riêng lần thi thứ 5 đã có những con số rất đáng khích lệ: 328 tác phẩm dự thi, trong đó có 149 truyện dài và 179 tập truyện ngắn. 18 tác phẩm vào chung khảo và 9 tác phẩm được trao giải. Cả 18 tác phẩm này đều đã đến tay bạn đọc. Trừ Nguyễn Ngọc Thuần (tác phẩm Cơ bản là buồn, giải nhì) đã là cây bút quen thuộc với 6 đầu sách, cả tiểu thuyết và tập truyện ngắn, còn hầu hết đều là “lính mới”, kể cả người chiếm giải cao nhất (Nhật Phi – tác phẩm Người ngủ thuê).

Dù có thể cầm bút chưa lâu nhưng nhiều tác giả đã khiến người đọc bất ngờ, thích thú về những trang viết đậm ý nghĩa tìm tòi, đổi mới về thể loại, từ phương thức tự sự, cấu trúc tác phẩm đến việc mạnh dạn sử dụng những yếu tố, thủ pháp nghệ thuật không dễ thành công như độc thoại, siêu thực, kỳ ảo.

Có thể không hẳn những tác giả được xếp thứ hạng cao trong các cuộc thi đều sẽ trở thành nhà văn, nhưng nếu chung thủy với nghề sẽ có không ít người sẽ trở nên quen thân với độc giả, như các cây bút Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc được vinh danh ngôi đầu trong các lần thi trước, góp vào văn xuôi VN đương đại những tiếng nói nghệ thuật mới.

Xin nói them một trường hợp hi hữu: cây bút nhí Đỗ Nhật Nam. Em năm nay mới 14 tuổi (sinh 2001) tại Nhật Bản. Được sự chăm sóc chu đáo và khoa học của gia đình, Nhật Nam phát triển một cách tốt đẹp cả về thể lực và trí tuệ, sớm sử dụng tốt Tiếng Việt cũng như Tiếng Anh. Lúc 7 tuổi em dịch 2 cuốn Nạp điện và Mặt trời mọc, Mặt trời lặn, lập kỷ lục “ dịch giả nhỏ tuổi nhất VN”. 11 tuổi, Nhật Nam lại có kỷ lục mới: “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất được xuất bản” với tác phẩm Tớ đã học Tiếng Anh như thế nào?.

Em tiếp tục dịch một tác phẩm khá “người lớn” của John C. Maxwell “Tôi tư duy, tôi thành đạt”. Năm sau (2013), khi 12 tuổi Đỗ Nhật Nam lại có một cuốn tự truyện mới, dày dặn hơn (316 trang), chững chạc về tư duy nhưng vẫn rất hồn nhiên về văn phong, cách diễn đạt: Những con chữ biết hát. Tập tự truyện này đã lý giải một cách thuyết phục vì sao em có sự phát triển khác thường như thế. Nhật Nam không thể nói đến những tố chất “trời cho” của em, nhưng đã làm rõ môi trường sống của em (gia đình – nhà trường, mẹ cha – thầy cô – bè bạn) thật lý tưởng, tràn đầy tình thương yêu và hội đủ những điều kiện chăm sóc dạy dỗ một cách khoa học. Cuốn sách cuốn hút những bạn đọc cùng lứa tuổi với Nhật Nam qua những tình tiết, sự việc quen thuộc nhưng thú vị, hết sức bổ ích và được diễn đạt một cách trong sáng dung dị; đồng thời cũng giúp cho những ông bố bà mẹ “ngộ ra” những bí quyết chăm sóc con cái, đơn giản thôi nhưng thật hợp lý, mà nếu không nắm bắt đặc trưng tâm lý lứa tuổi và thực sự tôn trọng nhân cách, cá tính con trẻ thì không thể thành công.

Chưa nên khẳng định điều gì về tương lai của cây bút niên thiếu này, nhưng ta có cơ sở để tin tưởng và chờ đợi, vì em đã tích lũy được khá nhiều những thuận lợi cơ bản và cần thiết.

Có một hiện tượng văn học mà mươi năm gần đây ngày càng được người đọc quan tâm: những đóng góp của các nhà văn Việt Nam sống và viết ở nước ngoài.

Do những biến động lịch sử dữ dội đẩy đưa, từ năm 1954 trở đi số người Việt định cư ở nước ngoài tăng dần. Trong mấy năm 1975-1979 ở một số thành thị miền Nam đã có một làn sóng di cư khá lớn. Họ sinh sống ở gần 90 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Tính đến cuối thế kỷ 20, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã lên tới 2.7 triệu người. Con số thống kê gần nhất, đến cuối năm 2014, cộng với số mới ra đời và một bộ phận người lao động xuất khẩu, một bộ phận du học sinh ở lại làm việc, lập gia đình, định cư tại chỗ, tính ra đã có 4 triệu rưỡi người Việt sống ở hơn 100 nước.

Lãnh đạo Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến bộ phận này của cộng đồng dân tộc. Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” do ông Phan Diễn, Thường trực Ban Bí thư, ký ngày 26/3/2004 đã nhận định “Mặc dù sống xa Tổ quốc, đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hoá và hướng về cội nguồn…”.

Nghị quyết cũng đã khẳng định: “Đảng và Nhà nước luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

11 năm sau, ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam lại ban hành một chỉ thị mới (số 45 – CT/TW) “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36 – NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”. Chỉ thị này khẳng định những điều cơ bản đã nêu trong Nghị quyết trước, đồng thời nhấn mạnh đến yêu cầu cần “Tập trung thực hiện thật tốt” vào một số nội dung trọng tâm. Cụ thể, Chỉ thị nhấn mạnh đến việc “giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” và “tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài khi về Việt Nam sinh sống và làm ăn”. Chỉ thị còn yêu cầu “Có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu”.

Trên thực tế, tình hình đã diễn ra như nhận định của Bộ Chính trị. Số người VN ở nước ngoài về thăm gia đình, quê hương, đất nước ngày càng đông. Cuối mỗi năm con số ấy phải tính đến đơn vị triệu. Dòng tiền đổ về để giúp người thân, đồng thời để đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh sản xuất liên tục tăng. Riêng năm 2014 đã đạt 12 tỷ USD. Theo lời mời của các đơn vị khoa học (Viện Nghiên cứu, Trường Đại học…) nhiều tri thức cao cấp đã về nước dự hội thảo, trình bày các chuyên đề khoa học, tham gia giảng dạy đào tạo cán bộ khoa học cấp cao – Đại học và Trên Đại học, Sau Đại học.

Về văn học, có một hiện tượng đẹp, thể hiện tinh thần hoà hợp dân tộc cũng như xu thế toàn cầu hoá, dân chủ hoá của văn học đương đại VN: các nhà văn VN ở nước ngoài - ở Mỹ, Pháp và nhiều nước khác, đã gửi bản thảo của mình về các nhà xuất bản lớn trong nước để in.

Trước hết, điểm danh lực lượng sáng tác này tuy chưa nhiều nhưng cũng khá đa dạng. Có Cao Huy Thuần, một giáo sư từng dạy Đại học Huế trước năm 1975, sau đó nhiều năm là giáo sư Đại học Pháp. Ông đã cho in hàng chục tác phẩm về triết học, tôn giáo, đạo đức, văn học tại các nhà xuất bản trong nước. Cũng từ Pháp có các cây bút nữ Việt Linh, Thuận. Ở Đức có Nguyễn Văn Thọ, Hiên Bonnin Trần; Ba Lan có Trần Quốc Quân. Ở Na Uy có cây bút nữ cao tuổi Lệ Tân Sitek. Từ thành phố Toronto ở Canada có sự góp mặt của Nguyễn Thu Hoài. Và từ Hoa Kỳ, nhiều nhà văn cũng đã giới thiệu tác phẩm của mình với bạn đọc trong nước: Nguyễn Mộng Giác, Phan Việt, Chị Đẹp (bút hiệu của Lê Phương Thảo) v.v…

Hệ thống tác phẩm của họ khá đa dạng về thể loại: Phan Việt viết cả truyện ngắn (Phù phiếm chuyện) lẫn tự truyện (Xuyên Mỹ). Chị Đẹp viết tuỳ bút (Ve vãn Sài Gòn). Nhiều người viết tản văn: Năm phút với ga xép của Việt Linh, Nhật ký Sen trắngChuyện trò của Cao Huy Thuần, Vì cuộc đời là những chuyến đi của Hiên Bonnin Trần. Thể loại truyện dài cũng được ưa chuộng và đã gây ấn tượng cho người đọc: Những đêm không ngủ ở Toronto của Nguyễn Thu Hoài, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Tuyết hoang của Trần Quốc Quân, Quyên của Nguyễn Văn Thọ, Ngã ba đường của Lệ Tân Sitek v.v…

Các nhà văn hải ngoại quan tâm đến nhiều đề tài lý thú.

Hai tác giả Phan Việt (trong Xuyên Mỹ) và Hiên Bonnin Trần (trong Vì cuộc đời là những chuyến đi) là du học sinh, sau đó định cư ở xứ người, đã thể hiện da diết nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nỗi cô đơn giằng xé, nhưng rồi họ kiên trì vươn đến một cuộc sống hoàn toàn tự lập, khẳng định ý thức cá nhân đối với bản thân mình và những người xung quanh. Ngược lại, Chị Đẹp (trong Ve vãn Sài Gòn) làm người đọc cảm động về sự quyến luyến, gắn bó với nơi chị đã từng sống thuở nhỏ. Tác giả luôn hồi cố, đối chiếu Sài Gòn hôm qua của tuổi niên thiếu với Sài Gòn hôm nay, khi chị đã trưởng thành và lâu ngày mới được gặp lại. Tác giả yêu Sài Gòn nhưng rất tỉnh táo hiểu mảnh đất này còn là của hàng triệu người khác: “Sài Gòn mãi mãi là một người tình để mình ve vãn, không bao giờ thuộc về mình. Vì Sài Gòn có ký độc quyền cho một ai đâu”.

Cao Huy Thuần quan tâm đến một vấn đề trọng đại. Ông kể lại những câu chuyện có vẻ giản đơn, nhỏ bé. Như để “kể cho tuổi 15 và phụ huynh” (Nhật ký Sen trắng) và có khi để nhàn đàm với những ai tri kỷ (Chuyện trò). Nhưng đọc xong mỗi trang tản văn cô đọng hàm súc của ông, người đọc như bị ám ảnh vấn vương, buộc phải nghĩ đến những tầng nấc sâu của những ý tưởng nhân sinh, những khía cạnh đa dạng của cuộc sống.

Hai bộ tiểu thuyết dày dặn, dài hơi của Nguyễn Văn Thọ (Quyên) và Trần Quốc Quân (Tuyết hoang) thật sự có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Do bề dày đáng nể của tác phẩm, hai tác giả có điều kiện xây dựng hai bức tranh toàn cảnh giàu sức ám ảnh của thân phận người xa xứ.

Một cô gái Hà Nội (Quyên, trong tác phẩm cùng tên) theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức, tưởng rằng đến với địa đàng, không ngờ lại sa vào địa ngục, trôi nổi trong cuộc phiêu lưu chín năm đầy giông bão, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và những dày vò, tủi nhục. Một thanh niên trí thức (Nguyên trong Tuyết hoang) được du học Ba Lan, nhanh chóng bị (hay tự nguyện?) cuốn vào cơn xoáy lốc của việc kiếm tiền, với hy vọng đổi đời, lên “soái”.

Trong bối cảnh hỗn loạn của Đông Đức, Ba Lan – nói rộng ra của các nước Đông Âu những năm 80 của thế kỷ trước, đâu chỉ có cá biệt hai phận người khốn khổ đó. Những công nhân xuất khẩu lao động, những cán bộ có chức quyền, những trí thức khoa học cấp cao…Tất cả đều ngập chìm trong ảo mộng làm giàu. Lắm khi ảo mộng thành ác mộng, bi kịch. Bi kịch lớn nhất là con người hoặc bị chìm trong đau khổ tuyệt vọng hoặc bị tha hoá biến chất.

Có thể coi mười lăm năm qua là chặng đường hội nhập đầu tiên của một bộ phận văn học người Việt ở hải ngoại vào dòng sông lớn của văn học hiện đại VN. Số lượng tác phẩm được giới thiệu trong nước tuy chưa nhiều nhưng là một tín hiệu đáng khích lệ. Có thể cả tin, sự hội nhập này sẽ càng tăng tiến mạnh mẽ. Văn đàn dân tộc sẽ đông vui hơn về lực lượng sáng tác, đa dạng hơn về khuynh hướng và giọng điệu nghệ thuật. Và hệ quả tất yếu sẽ là: đông đảo người đọc trong và ngoài nước sẽ được hưởng thụ những giá trị có chất lượng cao do văn học mang tới.

Mười lăm năm – một nửa chặng đường của thời kỳ đổi mới của văn học, nói rộng ra, của đất nước. Chỉ riêng lĩnh vực văn xuôi đã có quá nhiều điều đáng phân tích, nhận định, đánh giá. Việc này có cái khó của nó, vì sự kiện, hiện tượng văn học còn tươi nguyên, chưa đủ khoảng cách thời gian lùi xa cần thiết để nắm bắt, khái quát. Tuy vậy, rõ ràng đây là việc cần làm của nhiều nhà nghiên cứu, để từ đó vững tin hướng tới cái đích lớn của công cuộc đổi mới văn học trong tương lai.

Nguồn: Bình luận văn học niên san 2015, tr. 7-15

Thông tin truy cập

63658719
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2437
17595
63658719

Thành viên trực tuyến

Đang có 586 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website