- Hơn 30 năm của thời kì đổi mới, xã hội và nền văn học Việt Nam có nhiều thay đổi thức thời nhưng có lẽ, viết về chiến tranh vẫn là nguồn đề tài vô tận. Tuy nhiên, gần đây, có thể thấy rõ ràng là ngày một ít hơn những tác phẩm về chiến tranh. Tọa đàm Viết về chiến tranh thời đổi mới do Tạp chí VNQĐ phối hợp với tạp chí Nghiên cứu văn học - Viện Văn học tổ chức sáng 6/12 lại mở ra cho những người sáng tác, nghiên cứu lí luận phê bình những cách nhìn mới về chủ đề này.
Không có những bài tham luận dài được đem ra đọc, tọa đàm là buổi gặp mặt của những cây bút cứng tay viết về chiến tranh như Chu Lai, Bảo Ninh, Khuất Quang Thụy, Anh Ngọc,… và những nhà nghiên cứu như PGS Nguyễn Hữu Sơn, PGS Lưu Khánh Thơ, TS Lê Hương Thủy, TS Đỗ Hải Ninh… Những người làm nghề nói về công việc của mình một cách khách quan khiến buổi tọa đàm thực sự có được những ý kiến giá trị, gần gũi, cởi mở về đề tài cũ mà không cũ này.
Cần tháo lỏng cách nhìn về chiến tranh
Các sáng tác thay đổi nhiều về thể loại nhưng không có nhiều thành tựu là nhận định của PGS Lưu Khánh Thơ qua các nghiên cứu về chiến tranh trong trường ca và thơ hiện đại. Cũng theo bà, thơ không có nhiều thành tựu trong thời kì đổi mới như văn xuôi. Do có đặc trưng về thể loại nên vẫn có sự phát triển theo cách khác như cái nhìn về chiến tranh, nhưng vẫn tập trung kiểu âm vọng – chủ yếu là hào hùng, ca ngợi chứ chưa trực diện, thậm chí còn né tránh. Cũng hiểu cho các nhà thơ khi áp lực thời đại lúc nào ảnh hưởng đến cách viết. Việc đánh giá, xuất hiện đề tài đi vào chiều sâu cần thẳng thắn mới tạo ra được dòng chảy mạnh mẽ. Điều này theo bà chỉ có được khi có sự thay đổi về cách nhìn và khai thác chiến tranh ở mảng giới, tình cảm nam nữ, giới trẻ…
Từ góc độ sáng tác, nhà văn Chu Lai nói thành tựu văn học có được hay không là do cảm nhận của chính độc giả. Theo ông, lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc đa đoan và có nhiều điều để khai thác, thậm chí càng khai thác càng màu mỡ. Nếu như sợ thế hệ sau không viết nhiều về chiến tranh thì chúng ta nên hiểu rằng, người viết cần thời gian để chiêm nghiệm, cũng như cần một độ lùi cần thiết, ví dụ như Chiến tranh và hòa bình, được Lev Tolstoy viết sau khi chiến tranh kết thúc 50 năm. Chiến tranh không phải ngày hội, chủ đề chiến tranh bây giờ dù có thế nào với tất cả sự trần trụi vẫn phải toát lên phẩm chất con người bởi văn học chính là đi tìm bản ngã con người.
Tuy nhiên, tác giả Ăn mày dĩ vãng chia sẻ, hiện nay vẫn còn tồn tại cái nhìn định kiến về văn học. Điều này khiến cho các nhà văn có thể sẽ thiếu thẳng thắn trong chính các tác phẩm của mình. Nếu không tháo lỏng cách nhìn về chiến tranh thì chúng ta sẽ mãi sợ nó. Nhưng cũng có thể thấy rằng, việc các nhà xuất bản mở cửa, khoáng đạt và cởi mở với các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh ở những góc nhìn mới là minh chứng về việc chúng ta đang sẵn sàng đón nhận nhiều góc tiếp cận mới trong chiến tranh hơn nữa.
Nhà văn Bảo Ninh cho rằng đổi mới là cuộc cách mạng trong tư duy dân tộc. Và đổi mới làm thay đổi bộ mặt văn học, có nhiều cơ hội, thách thức nhưng đôi khi một số người đọc tự mình khép lại thành quả văn chương khi cho rằng văn học Việt Nam mang tính định hướng và không đọc các tác phẩm nào của văn học Việt Nam. Nhưng thực tế đó là thói quen "vớ vẩn" làm ánh sáng văn chương không phát ra được bên ngoài. Do đó, không có nhiều tác phẩm của Việt Nam được dịch và quảng bá với độc giả quốc tế.
Văn học chiến tranh Việt Nam mới là tiếng nói của một phía
Đó là ý kiến nhà nghiên cứu Trần Đăng Trung, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn sau những nghiên cứu của mình về văn học viết về chiến tranh Việt Nam. Anh chia sẻ rằng, văn học Mỹ về chiến tranh Việt Nam có hơn 600 tiểu thuyết ở mọi góc nhìn. Tuy nhiên, vẫn dừng lại ở việc phản ánh đơn nhất với mỗi nhóm tham gia ở những góc nhìn, quan điểm khác nhau khi tham gia vào cuộc chiến. Trong vòng một thập kỉ gần đây, các nhà văn, học giả Mỹ chú ý đến mảng đề tài kí ức chiến tranh bởi chính họ cũng nhận ra rằng có sự bất bình đẳng và nhiều kí ức có sự lần át kí ức chiến tranh của những dân tộc khác.
Nhà thơ Anh Ngọc có quan điểm về sự đổi mới trong thơ: Người làm thơ hãy tự đọc lên những câu thơ của mình, mới hay không nằm ở phía cảm nhận của bạn đọc. Các nhà văn trong lúc tôn trọng đề tài thì cần có tính độc lập trong cách viết. Ví dụ như bài thơ Cây xấu hổ của tôi nhận được nhiều lời khen và chính nhà thơ Xuân Diệu cũng khen là “tươi xanh quá” nhưng tôi tự nhận thấy rằng tôi chưa có 50% sự thật của mặt trái chiến tranh trong đó. Hay trong bài thơ Vị tướng già, tôi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm ông 84 tuổi có câu: “Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ/ Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây”. Tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi phản đối bài thơ vì miêu tả vị tướng “thơ ngây”. Nhưng sự thật là tôi chỉ miêu tả lại Cụ đúng như những gì tôi thấy ở độ tuổi 84.
Nhà văn Khuất Quang Thụy, người cả đời viết về đồng đội lại cho rằng câu chuyện đổi mới không còn mới nữa mà đã cũ rồi. Câu chuyện sau này không phải do chúng ta viết mà là của những người trẻ sau này, chỉ cần nghĩ là cứ làm với tinh thần độc lập mà thôi. Văn học của chúng ta là nền văn học khác biệt với những nền văn học khác ở chỗ có tổ chức, được tổ chức và tạo được dấu ấn, làn sóng trong đời sống. Việc của những nhà văn là lựa chọn tiếp tục đối thoại hay đối mặt với lịch sử.
Dấu ấn chiến tranh không thể phủ nhận trong chính cuộc sống hôm nay nhưng để dòng chảy đó chảy mãi trong nền văn học đòi hỏi sự cố gắng của không chỉ các nhà văn mà còn có cả sự tiếp nhận của chính độc giả, những nhà quản lý và nghiên cứu lý luận phê bình văn học.
THU OANH
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội, ngày 6.12.2017.