Văn học thiếu nhi buổi đầu ở Làng Sông

Để phát huy đầy đủ giá trị của di sản sách báo Làng Sông, trong đó có các tác phẩm văn học thiếu nhi, thiết nghĩ cần phải nhanh chóng tái bản và nghiên cứu một cách hệ thống

Năm 1868, nhà in Làng Sông được thành lập, đặt trong khuôn viên Tiểu chủng viện Làng Sông (Tuy Phước, Bình Định).

Vai trò của chữ quốc ngữ

Bên cạnh các ấn phẩm về tôn giáo, kinh tế, du lịch, giáo dục..., Làng Sông còn xuất bản sách văn học cho thiếu nhi. Gần đây, nhờ nỗ lực của Thư viện Quốc gia (Hà Nội), bạn đọc bước đầu đã được tiếp xúc với tác phẩm "Trước cửa thiên đàng" (Jacques Đức, 1923), "Vì thương chẳng nệ" (Đảnh Sơn, 1924), "Ngai vàng" (Jacques Lê Văn Đức, 1925) và "Hai chị em lưu lạc" (Pierre Lục, 1927). Những cuốn sách này giúp chúng ta hiểu biết đầy đủ hơn về văn học thiếu nhi Việt Nam ở buổi đầu hình thành; đồng thời thấy rõ hơn vai trò của chữ quốc ngữ đối với nền văn hóa, văn học dân tộc trong thời kỳ hiện đại.

20191227

Một số cuốn sách xuất bản của Làng Sông

Nhìn vào thực tiễn văn học Việt Nam, chúng ta thấy hoạt động sáng tác cho thiếu nhi diễn ra khá muộn. Mãi cho đến đầu thế kỷ XX, một số cây bút: Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Văn Ngọc, Tản Đà, Khái Hưng... bắt đầu quan tâm tới việc viết sách cho các độc giả nhỏ tuổi. Sự ra đời của văn học thiếu nhi, cố nhiên, liên quan tới nhiều nguyên nhân khác nhau - trong đó, không thể bỏ qua vai trò của chữ quốc ngữ.

Từ cuối thế kỷ XIX, chữ quốc ngữ đã được chính quyền đương thời đưa vào sử dụng trong công sở và nhà trường. Theo ghi nhận chung, ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và các địa phương khác có nhiều trường lớp được mở ra, trẻ em đi học ngày một đông. Nhờ đó, một lớp độc giả mới hình thành, ham thích đọc sách và đủ khả năng tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm văn chương. Thực tế này đã đặt ra cho các nhà văn nhiệm vụ là phải viết sách cho các em xem, tránh cho các em phải đọc các loại sách báo nhảm nhí, độc hại. Với đặc điểm "dễ đọc, dễ viết", chữ quốc ngữ trở thành một phương tiện phù hợp, bảo đảm cho hoạt động sáng tác và tiếp nhận văn học diễn ra thuận lợi. Nói cách khác, nếu không có chữ quốc ngữ, văn học thiếu nhi khó có thể nảy sinh vào những năm đầu thế kỷ XX. Nhận định này càng trở nên chắc chắn khi chúng ta nhìn lại thời kỳ trung đại, thấy hoàn toàn thiếu vắng tác phẩm văn học thiếu nhi. Lý do của hiện tượng này, hẳn nhiên, có liên quan tới những trở ngại do chữ Hán, chữ Nôm gây ra.

Nơi khởi phát văn học thiếu nhi

Lâu nay, các nhà nghiên cứu đều thống nhất văn học thiếu nhi xuất hiện vào những năm 20 của thế kỷ XX. Khi đưa ra nhận định như vậy, các nhà nghiên cứu đã dựa vào thời điểm ra đời của tiểu thuyết "Quả dưa đỏ" (Nguyễn Trọng Thuật - năm 1925) và tập thơ "Nhi đồng lạc viên" (Nguyễn Văn Ngọc - năm 1928). Giờ đây, lúc sách báo Làng Sông được "khai quật", chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi biết thêm những tác phẩm mới, ra đời còn sớm hơn tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Thuật. Cụ thể, đó là "Trước cửa thiên đàng" (Jacques Đức - xuất bản 1923) và "Vì thương chẳng nệ" (Đảnh Sơn - 1924). Cả hai đều là tác phẩm kịch, viết theo phong cách kịch nói của phương Tây. Đặc biệt, trên bìa chính mỗi cuốn sách đều có dòng chữ rất trân trọng: "Cho nhi đồng nữ".

Cùng thời với Làng Sông, còn có 2 cơ sở in ấn chữ quốc ngữ khác là nhà in Đàng Ngoài (Hà Nội) và Tây Đàng Trong (Gia Định). Cả 3 cơ sở này đã xuất bản hàng ngàn ấn phẩm sách báo khác nhau. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nguồn sách báo này bị mất mát gần hết. Hiện tại, chỉ còn một ít sách báo của Làng Sông được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội (241 đầu sách) và Thư viện Quốc gia Pháp (các số báo Lời thăm). Lưu ý tới điều này để thấy trong tình hình tư liệu như hiện tại, hoàn toàn có thể xem Làng Sông là nơi khởi phát của văn học thiếu nhi Việt Nam. Đó là một vinh dự, một đóng góp của Nước Mặn - Làng Sông (Bình Định) trên tư cách nơi khai sinh, đồng thời là trung tâm truyền bá chữ quốc ngữ.

Chỗ thú vị là Làng Sông không chỉ sử dụng nguồn bản thảo từ Nam Bộ gửi ra mà còn có tác giả sáng tác tại chỗ. Chúng tôi muốn nhắc đến Pierre Lục (1868-1927), tác giả của nhiều cuốn sách cho trẻ em. Trong đó, "Hai chị em lưu lạc" là cuốn sách cuối cùng, một "tiểu thuyết cho trẻ nhỏ" hướng vào hai mục đích căn bản của văn học thiếu nhi là giải trí và giáo dục. Trong lời "Tựa", ông viết như sau: "Đã có nhiều tiểu thuyết cho người lớn mà chưa thấy tiểu thuyết cho trẻ nhỏ coi chơi. Vậy tôi soạn cuốn này đặng cho trẻ nhỏ coi, chẳng những giải khuây, mà lại nhứt là đặng học đòi gương lành thói tốt".

Ngày nay, nghệ thuật văn học thiếu nhi đã thay đổi nhiều, song các tác phẩm của Làng Sông vẫn không vì thế mà suy giảm giá trị. Để phát huy đầy đủ giá trị của di sản sách báo Làng Sông, trong đó có các tác phẩm văn học thiếu nhi, thiết nghĩ cần phải nhanh chóng tái bản và nghiên cứu một cách hệ thống. 

Truyền dạy lòng nhân ái

Trải gần một thế kỷ hoạt động, nhà in Làng Sông đã xuất bản được một khối lượng lớn sách báo quốc ngữ, góp phần quan trọng vào công cuộc truyền bá chữ viết và văn hóa quốc ngữ những năm đầu thế kỷ XX.

Văn học thiếu nhi Làng Sông mang đậm màu sắc Kitô giáo. Đó là điều dễ hiểu, khi các cây bút là người công giáo. Tuy vậy, những bài học giáo dục mà họ chủ trương truyền dạy cho các em như lòng nhân ái, đức tin, hiếu kính... luôn phù hợp với quan niệm chung của xã hội. Do đó, các tác phẩm có khả năng mở rộng được tầm ảnh hưởng đối với bạn đọc cả trong và ngoài cộng đồng Kitô giáo.

Lê Nhật Ký (Trường Đại học Quy Nhơn)

Nguồn: Người lao động, ngày 25.12.2019.

Thông tin truy cập

60531466
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12959
10018
60531466

Thành viên trực tuyến

Đang có 374 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website