Nhớ Võ Hồng, người 'đánh thức thiên lương'

Hội thảo khoa học quốc gia "Hoài cố nhân - kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng" vừa diễn ra chiều 24-4 tại tỉnh Phú Yên, quê hương nhà văn.

TS Trần Lăng - hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên - trình bày đề dẫn hội thảo - Ảnh: DUY THANH

Hội thảo do Trường ĐH Phú Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Viện Khoa học giáo dục - văn hóa - thể thao - du lịch Đà Lạt, Trường ĐH Thái Bình Dương tổ chức.

Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, nhà văn, học trò của ông đến từ nhiều nơi trong cả nước.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà văn Võ Hồng, khẳng định những đóng góp của ông với văn chương và giáo dục; trao đổi thông tin về những công trình nghiên cứu mới về Võ Hồng, đánh giá mối quan hệ giữa văn học và văn hóa thông qua những tác phẩm viết về quê hương và những nơi ông từng sống, học tập, làm việc.

Võ Hồng là một nhà văn đôn hậu, yêu quê hương và con người. Ông kể chuyện đời cũng như kể chuyện mình: trầm tĩnh, thận trọng và khiêm nhường.

Tự điển Văn học (bộ mới, NXB Thế Giới; 2004)


20220426

Gia đình nhà văn Võ Hồng - Ảnh tư liệu chụp năm 1956

Gia tài văn chương đáng nể

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Trần Lăng - hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên - cho biết nhà văn Võ Hồng sinh tại làng Ngân Sơn (xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Giấy khai sinh ghi ông sinh ngày 5-5-1921, nhưng theo lời chính ông kể thì ngày sinh đúng của ông là 21-1-1923.

Đề dẫn đã giới thiệu Võ Hồng là nhà văn có nhiều đóng góp cho văn học Việt Nam, nhất là giai đoạn 1954 - 1975 ở miền Nam. 

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Võ Hồng là mẫu nhà giáo - nhà văn lương thiện, trong sáng và tận tụy với nghề. Ông đã để lại một di sản văn chương đồ sộ gồm 6 tiểu thuyết và truyện dài, hàng trăm truyện ngắn và rất nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi.

Hoài cố nhân (1959) là tác phẩm đầu tiên được xuất bản của Võ Hồng, như "giấy thông hành" đưa ông vào con đường văn chương, với tinh thần hoài niệm như một đặc trưng xuyên suốt các trang viết của ông.

Có hơn 60 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, người thân, học trò... của Võ Hồng gửi đến hội thảo, tập trung vào 5 nhóm chủ đề: "Võ Hồng - văn và đời", "Những vùng đất trong văn chương Võ Hồng", "Võ Hồng viết cho thiếu nhi", "Gia đình và nhà trường trong sáng tác của Võ Hồng", "Mấy phương diện nghệ thuật văn xuôi Võ Hồng" đã cho thấy sự quan tâm của giới nghiên cứu đối với đời văn của Võ Hồng.

Thế đứng đặc biệt của Võ Hồng 

PGS.TS Trần Hoài Anh (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) trong tham luận "Nhà văn Võ Hồng và sự hiện hữu trong đời sống văn học miền Nam 1954 - 1975" đã nêu sự chọn lựa hiện sinh của Võ Hồng trong hành trình sống và viết là hành trình khẳng định nhân vị: nhà văn - nhà giáo của mình trước cuộc đời.

Theo ông, "Võ Hồng không muốn mình là một phóng thể lẫn vào đám đông của một xã hội còn nhiều vấn đề làm đau nhói trái tim nhân hậu và yêu thương luôn khắc khoải ưu lo trước phận số con người của ông. 

Không những thế, hành trình sống và văn chương Võ Hồng còn là sự kết tinh từ những giá trị văn hóa truyền thống luôn hướng về cội nguồn và tình tự dân tộc để thực hiện kỳ vọng thức nhận trong tâm thức người đọc, nhất là thế hệ trẻ, những giá trị đạo đức luân lý cao đẹp của dân tộc nhằm góp phần giữ gìn "sinh mệnh văn hóa" Việt trong bối cảnh có nhiều sự "chênh chao" văn hóa ở miền Nam lúc bấy giờ".

Trong tham luận "Võ Hồng - phẩm hạnh của văn chương" gửi tới hội thảo, GS.TS Huỳnh Như Phương (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã khảo sát, bình luận về đời văn và tác phẩm của Võ Hồng từ ba mối quan hệ: truyền thống và hiện đại, chính trị và văn hóa, đạo đức và nghệ thuật.

"Nhà văn trân quý truyền thống mà không bàng quan với hiện đại, không tách rời chính trị nhưng lấy văn hóa làm chọn lựa căn bản, coi trọng đạo đức nhưng vẫn giữ tư chất nghệ thuật. Có thể nói đó là thế đứng đặc biệt của Võ Hồng trong một giai đoạn phức tạp, bi tráng của lịch sử đất nước và lịch sử văn học dân tộc" - ông Phương viết.

Nhớ Võ Hồng, người đánh thức thiên lương - Ảnh 4.

Bài viết của GS Huỳnh Như Phương trên Tạp chí Văn Nghệ TP.HCM

PGS.TS Võ Văn Nhơn (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) trong tham luận của mình đã nêu rằng nhiều người tỏ ra khó hiểu vì Võ Hồng là người Tây học, giỏi tiếng Pháp, nhưng hầu như trong văn chương của ông không có dấu vết gì từ các trào lưu tư tưởng thời thượng của thời kỳ đó. 

"Trong khi cả miền Nam đang lên cơn sốt với những chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, phân tâm học, với những trang viết đậm màu sắc tình dục thì ông vẫn thủ thỉ tâm tình về quê hương, về tuổi thơ. Có lẽ chính nghề dạy học đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn chương của ông. Giản dị, mực thước, thận trọng, kỹ lưỡng nhưng cũng không kém phần tươi mát, nên thơ, đó là những biểu hiện trong tác phẩm của ông" - ông Nhơn nhận định.

Nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong (Trường ĐH Khoa học Huế) trong tham luận "Võ Hồng - người đi đường dài không mỏi" nhấn mạnh rằng: "Qua trang viết, Võ Hồng thường biểu lộ mọi điều tốt lành cho mọi người, mọi nhà... Thế giới nhân vật của ông là thế giới của những con người yêu thương, độ lượng. Dưới ngòi bút của ông, nhân vật nào cuối cùng cũng có thể trở thành con người tốt. Ông đánh thức thiên lương ở mỗi người, bằng cách kéo tất cả những gì tốt đẹp về phía mình, những người tốt bụng về đứng chật tâm hồn nhân ái, ấm áp tình người của mình".

Kết luận hội thảo, TS Trần Lăng nhận xét rằng 100 năm đã qua, một ngàn năm cũng sẽ qua, nhưng những gì nhà văn Võ Hồng để lại cho hậu thế là quan trọng, là giá trị văn chương, văn hóa không thể phủ nhận. "Ông đã ra đi, hóa thân thành cát bụi, nhưng vui mừng là tác phẩm của nhà văn vẫn đang sống tiếp cuộc đời của người sinh ra nó" - ông Lăng nói.

Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU (chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam):

Võ Hồng làm hiển lộ phẩm hạnh của văn chương

Tôi tâm đắc với tiêu đề tham luận của nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương "Võ Hồng - phẩm hạnh của văn chương".

Trong cách nhìn của tôi đối với tác phẩm của Võ Hồng, tôi cho đây là một định nghĩa vô cùng chính xác. Ông là một trong những người làm hiển lộ phẩm hạnh của văn chương - đó cũng chính là phẩm hạnh của con người.

Sứ mệnh của văn chương là làm cho con người sống đúng phẩm hạnh của mình. Trong thời buổi mà không ít người sống với những tranh giành, mưu mô, ích kỷ, vô cảm, giá lạnh, hận thù, thì tôi nghĩ những tác phẩm của nhà văn Võ Hồng đã góp phần vào sứ mệnh phục sinh những tâm hồn bị tàn phá.

Khi biết tin tôi vào Phú Yên dự hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Võ Hồng, một nhà văn nói với tôi là "Võ Hồng cũ lắm rồi". Tôi nói với anh ấy rằng: "Không, chúng ta nhìn nhầm. Võ Hồng không phải viết về những cái cũ, mà ông đưa chúng ta về những giá trị vĩnh hằng nhất, xuyên qua mọi thời đại, mọi biên giới".

Duy Thanh

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 25.4.2022.

 

Thông tin truy cập

63689214
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9506
23426
63689214

Thành viên trực tuyến

Đang có 874 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website