Nhà văn Bảo Ninh nói đời sống xã hội làm cho những người lính như ông dịu đi những 'chấn thương' vì chiến tranh, chứ tự thân mỗi người thì không làm được.
Nhà văn Bảo Ninh tại buổi giao lưu vào sáng 16-11 - Ảnh: THÁI THÁI
Ngày 16-11, khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức buổi gặp gỡ, trò chuyện cùng nhà văn Bảo Ninh và GS Hà Mạnh Quân (Đại học Montana, Mỹ) - người dịch các tác phẩm của Bảo Ninh. Nhắc nhớ "Nỗi buồn chiến tranh" tại chương trình, Bảo Ninh chia sẻ nhiều điều về tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh - cuốn tiểu thuyết được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt suốt mấy chục năm qua. Nỗi buồn chiến tranh kể về câu chuyện của người lính tên Kiên, dòng thời gian trong sách đan xen giữa hiện tại đầy ám ảnh, hồi ức mất mát về chiến tranh và mối tình đầu giữa Kiên và cô bạn học Phương. Tác phẩm đã đi sâu vào nỗi niềm cá nhân của người lính để bật lên những câu chuyện cảm động nhất về chiến tranh. Năm 1991, cuốn tiểu thuyết được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, sách được dịch và xuất bản đi hàng chục quốc gia trên thế giới.
Trước câu hỏi "Có phải Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh để chữa lành cho những "chấn thương" trong quá khứ?", nhà văn trả lời:"Vì cuộc chiến ở Việt Nam rất dài và mang tính chất toàn dân, sau khi đi bộ đội về thì người lính sẽ lao vào cuộc sống bình thường, anh ấy gặp toàn những người từng tham chiến nên không đơn độc. Năm tháng của cuộc sống sau chiến tranh là rất gian lao. Toàn dân chìm trong đời sống đó. Từ đây, những người lính được đời sống xã hội xung quanh làm cho dịu đi, chứ không phải tự mình làm được.Cách viết văn chỉ là một trong những việc làm ở đời sống mới, ngoài ra còn có các hoạt động như kiếm sống, hòa mình vào mọi người, trả ơn nghĩa đến thế hệ của mình. Cho nên, đó không hẳn là chữa lành".
Xuất bản những truyện ngắn của Bảo Ninh
Trong sự nghiệp văn chương cá nhân, Bảo Ninh đã viết một số truyện ngắn về đề tài chiến tranh, trong đó có nhiều tác phẩm ấn tượng như Khắc dấu mạn thuyền, Bội phản, Bí ẩn của làn nước...Vào tháng 3 năm nay, quyển sách Hà Nội at midnight (Hà Nội lúc 0 giờ) - tập hợp 12 truyện ngắn đặc sắc của Bảo Ninh - đã được ra mắt. Người chọn và dịch tuyển tập này là GS Hà Mạnh Quân (Đại học Montana, Mỹ).Theo ông Quân, điểm đặc biệt trong văn phong của Bảo Ninh nằm ở ngôn từ. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh dùng ngôn từ rất đẹp, có kết cấu câu chuyện hay với nhiều chuyển biến bất ngờ, điều này khiến độc giả không thể đoán trước.Sau khi ra mắt Hà Nội at midnight, đã có nhiều độc giả gửi mail cảm ơn, thăm hỏi Bảo Ninh. Ông Quân nói: "Tôi thấy phản hồi của mọi người khá tốt, 90% đến 100% độc giả đánh giá 4, 5 sao. Những đánh giá này đều là người nước ngoài và họ không biết tiếng Việt. Tờ báo nổi tiếng của Mỹ Washington Post đã có bài phỏng vấn Bảo Ninh nhằm quảng bá cho cuốn sách này".Trong quá trình chuyển ngữ, ông Quân kể khó khăn nằm ở việc một số tác phẩm của Bảo Ninh không trình bày theo cấu trúc tuyến tính thông thường. Ông Quân đôi khi không biết chi tiết nào xảy ra trước, chi tiết nào xảy ra sau, cái nào là suy tưởng, cái nào là giấc mơ. Để giải quyết vấn đề này, ông Quân dành nhiều thời gian để trao đổi kỹ với nhà văn.
Thái Thái
Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 16.11.2023.