Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn

Hồi mới lớn, đọc bài thơ Người hàng xóm của Nguyễn Bính, mình cứ thích hoài hai câu đầu tiên “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”. Rồi mơ mộng, sau này mình có chồng, mình sẽ bắt chồng làm một cái hàng rào gỗ quanh nhà, mình sẽ rải hạt mồng tơi xuống cho nó bò lên quấn quýt, nhà sẽ vừa đẹp, vừa mát mắt, lại có rau sạch nấu canh cho con ăn hay nhúng lẫu bò, lẫu vịt nấu chao cho cả nhà. Rồi mình sẽ hái trái mồng tơi, bày cho con làm mực tím để viết, để vẽ như hồi xửa hồi xưa của mình, cái hồi mình còn là đứa con nít nhà quê.

Đi học rồi ở lại Sài Gòn lập nghiệp, mới biết cái mơ ước ngôi nhà có giậu mồng tơi bao quanh giữa trung tâm thành phố thì chỉ có… đại gia mới dám mơ. Mình may mắn hơn đám bạn, có chồng là theo chàng về dinh, không phải ở trọ như thời sinh viên nữa. Nhưng ngôi nhà không như mơ mộng thời trẻ trâu của mình, mà là một ngôi nhà ống, cửa sổ còn không có nói chi đến hàng rào và giậu mồng tơi trước sân. Được vài năm, chồng quyết định chuyển nhà từ phố về quê, xa nội thành hơn, đi lại cực hơn nhưng được cái rộng rãi, trong lành, nhiều cây xanh và quan trọng là chừa được miếng đất nhỏ bên cạnh cho bà nội tụi nhỏ trồng rau. Bà là nông dân chính hiệu, thương con phải bỏ quê vào Sài Gòn, chớ cái cốt cách nông dân không bỏ được, ở không là bệnh.

 

Mình hí hửng bắt chồng đóng gỗ làm cái hàng rào trong mơ cho mình trồng mồng tơi,  bị chồng mắng cho cái tội…sến và chủ quan, ở Sài Gòn mà làm cái hàng rào như thế thì khác gì mời trộm vào nhà. Thế là một dãy hàng rào bê tông sừng sững mọc lên, mình buồn hiu, cũng may còn miếng đất nhỏ cạnh nhà cho mình gieo mồng tơi và một cái hồ cá nhỏ xíu trong sân cho hai thằng con trai nuôi cá vàng, cứ đi về là tranh nhau cho cá ăn.

 

Giậu mồng tơi cạnh nhà rồi cũng lên xanh mướt mắt, thỉnh thoảng mình ngoái qua nhà hàng xóm rồi tủm tỉm vì nhớ đến câu ca của ông cha: “Gần nhà sao chẳng sang chơi, để em hái ngọn mồng tơi bắt cầu”. Rồi nghĩ, hàng xóm láng giềng chứ cả tỉ năm mới nói chuyện với nhau một lần, cái hàng rào bê tông của hai nhà đều cao lừng lững mà còn cửa đóng then cài thấy sợ. Giờ mà mời nhau “sang chơi” có khi còn bị… nghi ngờ vì có đôi ba lần mở miệng nói chuyện với nhau là cũng vì…đụng độ.

 

Hôm trước mình dậy thật sớm vì đột nhiên tỉnh giấc, le te đi bộ quanh khu phố, đi ra mà quên khép cửa ngoài. Đi mấy vòng, quay về  nhà thì thấy mẹ chồng than thở "con đi ra không khép cửa, chó nhà hàng xóm lại tha dép đi rồi". Mình cáu, bữa giờ không biết là phải mua bao nhiêu đôi dép mới để đi trong nhà ngoài sân, bao nhiêu cái thảm chùi chân và bao nhiêu cái chổi rồi. Hàng xóm có mấy con chó cưng, sáng thả ra đi ị, cứ rình rình cửa nhà mình mở là chạy vô ăn trộm, nhai nát be nát bét ra rồi tha lôi khắp nơi. Đã vậy còn cứ nhè giậu mồng tơi thơ mộng của nhà mình mà vô đó ị, mấy túi hạt giống vừa rải xuống đã bị chúng bươi tung tóe. Mấy lứa cải mới lên xanh non dập nát bét hết trơn.

 

Mình bấm chuông cửa hàng xóm, mặt một đống hùng hùng hổ hổ, kêu “anh nhốt chó lại đi nha, tui mà thấy nó chạy qua nhà tui nữa là tui vác cây tui đập cho gãy giò ráng chịu đó”. Nói xong quày quả bỏ về, mới chợt nhớ, hình như đây là câu đầu tiên mình nói chuyện với hàng xóm trong cả năm ni.

 

Chiều đón con về, thấy cũng đồng chí hàng xóm ngồi chơi trên ghế đá trước sân nhà, bên cạnh là... cái con chó ưa gặm dép kia. Bình thường có gặp vậy mình cũng cười cái xã giao rồi dắt xe vô nhà. Nhưng bữa ni lại đang sẵn cái cơn dép chổi hồi sáng, mình điên quá lại gào lên “trời ơi, ghế nhà tui không cho chó ngồi lên nha, 4 cái chân đầy đất, con tui ngồi lên dơ hết quần nó thì sao?”. Câu này là câu thứ hai trong năm nói chuyện với hàng xóm

 

Lâu ni, điên cái đám chó mèo của hàng xóm lắm mà chưa hề kêu réo tiếng nào. Từ cái bữa con mèo của lão qua chén sạch đám cá trong hồ nhà mình thì mình thù lắm, tính nói mà bị cản nên nhịn. Giờ đến chuyện chó xơi luôn 2 đôi dép vừa mua chưa được 24 tiếng đồng hồ và bươi nát bét cái giậu mồng tơi của mình thì làm sao mà mình dịu dàng cho nổi?

 

Mà hàng xóm láng giềng, nếu không có chuyện chó mèo này nữa thì cả năm cũng chẳng có nói với nhau câu nào dù chỉ cách nhau cái bức tường và đám mồng tơi xanh mướt, tới lúc nghe tiếng kèn tang ma thì mới lục đục rủ nhau đi thắp nhang, kiểu này tối lửa tắt đèn sao dám kêu nhau? Nghĩ vậy thì để bụng vậy chớ cũng chẳng dám nói ra, đổ lỗi tại cái bức tường bê tông lạnh lùng cứng ngắt, ngăn không có mấy ngọn mồng tơi nhà mình bắt cầu sang bên ấy chớ đâu phải lỗi tại mình? Rồi tự an ủi, đến cả ông nhà thơ Nguyễn Bính dẫu tương tư cô hàng xóm muốn rụng hết tim gan mà cũng còn đổ lỗi cho cái đám lá mong manh kia, “giá không có giậu mồng tơi, thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng”. Huống hồ chi mình đứng ở phía bên này của cái tường ximăng đã cao cao vút mà còn cắm một mớ miểng chai tua tủa bên trên. Coi bộ giống đề phòng hàng xóm hơn là phòng trộm, rồi nghĩ hổng chừng tay hàng xóm lâu lâu giáp lá cá vời cái mặt khó đăm đăm của mình có khi hắn cũg lăn tăn câu thơ của ông thi sĩ nhà quê Nguyễn Bính: “chẳng bao giờ thấy nàng cười”.

 

Nói là phải làm ngay, chiều nay đi làm về, mình phải mở miệng cười thật tươi và chào hàng xóm một câu thật to mới được, rồi phải thả con mình ra cho nó sang chơi với con hàng xóm, lâu lâu… vứt cho chó hàng xóm miếng cá, miếng thịt. Vậy mới đúng tinh thần của ông cha khuyên răn xưa nay là “bán anh em xa mua láng giềng gần” chớ.

 

                                                                                                       SG 10.5.2016

 

Nguồn: Bản tin Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, số 174/2016 

 

 

 

 

Thông tin truy cập

63675513
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19231
17595
63675513

Thành viên trực tuyến

Đang có 338 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website