Nhật Chiêu- Người thắp lửa văn chương

Trong thời đại mà sự lãng mạn và tình yêu dành cho văn chương là một sự hoang phí, thì thầy tôi- Phan Nhật Chiêu vẫn sống với văn chương như phải thở hàng ngày. Văn chương đã ngấm vào máu ông từ thưở nhỏ. Khi cha mất, điểm tựa cho ông tiếp tục tồn tại là thế giới thần tiên trong những trang sách. Chính vì thế, mỗi một quyển sách, mỗi một nhân vật, mỗi một triết lý như những người bạn tri kỷ đi cùng thầy suốt một hành trình làm người.

Tôi vinh hạnh được làm học trò ông trong những năm tháng học ở trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM. Những giờ thầy dạy, tôi đều có mặt. Có mặt để nghe được những nhận định sắc sảo của ông về một nhân vật, về một triết thuyết, hay một trào lưu văn học…Ông giảng văn học Nhật Bản, về thơ Haiku như một người sống trong lòng nước Nhật. Ông bình luận về tác phẩm nhà thơ Hoàng Chân Y-Hàn Quốc như một người tri kỷ nắm rõ những sâu kín của bạn mình. ..Thuở ấy, ông là thần tượng của chúng tôi về một tấm gương tự học, về sự uyên bác và đặc biệt là tình yêu sâu đậm đối với văn chương.

Ông phân tích những phi lý điển hình trong tập truyện ngằn Vụ án của Franz Kafka sâu sắc như đã từng là nhân vật K, đã từng nếm trải những phi lý trong cuộc đời, trong dòng chảy của cuộc sống,trong lòng xã hội….Nhưng tôi nhớ nhất, tôi còn nhớ rất rõ cái cảm giác rùng mình khi nghe ông khi bình luận về vở kịch –Vua Oedipe: “Sự- thật –làm- mù -mắt- Oedipe”- Một ẩn ý sâu xa mà vở kịch nổi tiếng trên gửi đến nhân loại, mà ít ai nhìn thấy. Càng sống, càng trải nghiệm tôi càng thấm cho nhận định sắc sảo của ông về triết lý câu chuyện. Cũng như thế có những sự thật mà khi tâm sự với tôi về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện giáo dục của nước nhà mà mắt ông rướm lệ.

Nhưng.

Dù nghiên cứu và uyên bác văn chương, triết học Đông Tây Kim Cổ nhưng trong những giờ giảng dạy văn học nước ngoài của ông, trong những buổi trà đàm với học trò, ông vẫn say mê “ trưng bày” cho chúng tôi những tinh túy của nền văn học Việt Nam qua những câu tục ngữ, ca dao mà chúng tôi không được dạy trong nhà trường, chưa từng đọc đến, biết đến :

Ai về Giồng Dứa qua truông,

Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em

Cũng có lúc ông say mê phân tích vẻ đẹp, vẻ lung linh, vẻ thiền siêu Việt trong ngôn ngữ thơ của Nguyễn Trãi:

Người ảo hóa khoe thân ảo hóa

Thuở chiêm bao thốt sự chiêm bao

Cũng có lúc ông thích thú giảng giải cho chúng tôi sự độc đáo, tài nghịch chữ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng,

Một vũng tang thương nước lộn trời.

Cũng có lúc ông trầm ngâm với những câu Kiều đầy uy lực của một thứ Tiếng Việt Thần Thánh:

Tưởng bây giờ là bao giờ

Rõ ràng mở mắt mà ngờ chiêm bao.

Hay

Chén hà sánh giọng quỳnh tương,

Dải là hương lộn bình gương bóng lồng.

Cứ thế, cứ thế ông truyền lửa tình yêu văn chương của ông qua những ngọn lửa văn chương đang chuẩn bị tắt ngắm của chúng tôi bởi những giờ Văn mà không Văn, bởi những lời giảng khô cằn vì thiếu nhựa sống.

Tôi thiết nghĩ, giá như mọi giáo viên dạy Văn cho học sinh ở phổ thông đều có lửa như ông, rồi những bộ sách giáo khoa Văn các khối lớp chứa nhiều hơn những câu thơ tinh túy của nền văn học Việt Nam thì bây giờ trình độ cảm thụ văn chương, viết Văn của các em không quá tệ.

Ông đã truyền cho tôi, cho bạn bè tôi một tình yêu văn chương sâu đậm để chúng tôi không phải bỏ về giữa chừng bởi những tiết dạy thiếu đi cái hồn của ngôn ngữ Việt, thiếu đi cái tâm và cái tình của một người đi khai hoang những mảnh vườn tri thức.

Đến bây giờ, hôm nào vì cuộc sống bon chen mà ngọn lửa cho văn chương trong tôi sắp tắt ngúm, tôi lại đến trò chuyện cùng ông. Và lạ một điều, chỉ cần nghe ông đọc một truyện ngắn ông vừa sáng tác, hay một phát hiện mới trong những văn liệu cũ thì huyết quản trong tôi lại nóng lên. Đặc biệt là những tác phẩm của văn học Việt Nam.

Tôi ngưỡng mộ ông vì ông rât coi trọng tự học chứ không chạy theo bằng cấp. Ông cũng là một trong những giảng viên đại học không có bằng thạc sĩ, tiến sỹ nhưng đã "dạy" nghiên cứu sinh, học viên cao học qua các chuyên đề văn học…Ngoài ra, ông cũng biên soạn nhiều giáo trình có giá trị như Văn học Nhật Bản, Câu chuyện văn chương phương Đông,Thơ ca Nhật Bản,Nhật Bản trong chiếc gương soi…Gần đây, đọc những truyện ngắn ông sáng tác trong tập truyện Mưa mặt nạ, Người ăn gió và quả chuông bay đi…tôi thấy ông đã trút hết tinh lực của mình vào từng con chữ để trở thành Kẻ Sáng Tạo Cô Đơn. Nhưng đến tuổi lục tuần ông làm độc giả bất ngờ với tập thơ Tôi là một kẻ khác vừa hiện sinh vừa cổ điển bởi sắp thơ tượng hình Kinh Dịch.

Xin cho tôi gọi ông là Thầy- một người thầy đúng nghĩa là người truyền lửa cho thế hệ mai sau. Một người Thầy luôn giữ được linh hồn mình trước những thứ phù phiếm của cái chợ đời.

Nguồn: Báo Giáo dục và thời đại số 279/2016 (21.11.2016)

Thông tin truy cập

63748163
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11034
35223
63748163

Thành viên trực tuyến

Đang có 743 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website