Quốc Sinh tên thật là Lê Quốc Sinh, sinh năm 1974 tại Khánh Hòa. Học chuyên ngành Văn học, Khoa Ngữ văn và Báo chí, khóa 1992 - 1996. Hiện đang là giáo viên PTTH tại Khánh Hòa.
Ðã đăng thơ, nghiên cứu, phê bình văn học trên Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn, Nha Trang, Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ…
Giải thưởng: giải tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền Phong, giải Ba cuộc thi thơ Bút mới của báo Tuổi Trẻ 1995, giải Nhì - không có giải Nhất, cuộc thi "Thơ hay Khánh Hòa 2010" của tạp chí Nha Trang.
Tác phẩm: Tập thơ Sống đầu (NXB Trẻ, 2004)
Trang web Khoa Văn học xin trân trọng giới thiệu một chùm thơ của Quốc Sinh:
Đường thanh xuân phiêu bồng
gửi Tu Bông,
nhiều đêm mải miết tối
đường xa ra Tu Bông
mang bao nhiêu bổi hổi
đêm thanh xuân phiêu bồng
đường thanh xuân bạt thổi
trận trận gió Tu Bông
đèo Tân Dân vừa tới
đã nghe gió thét đồng
ơi từng ngọn cao vời
ơi từng chân kiêu bạc
ngọn gió và chân gió
xoáy ngang đêm bời bời
nhiều đêm mải miết tối
đường xa ra Tu Bông
trăng đầu mùa ven biển
xanh lưng trời Vạn Long
trăng ngõ chợ Vạn Phước
sáng ánh mặt rượu khuya
trăng đọng câu ai hát
bên mênh mông ao đìa
*
tuổi thanh xuân sôi nổi
như tấm gió Tu Bông
tình thanh xuân nở chật
một đóa trăng trong lòng
*
cà phê Lan ngày đó
ban sơ mà ấm nồng
người qua sông ngày đó
để đắng lại giọt mong
những cơn mưa ngày đó
đập từng hồi trên không
những chợt buồn ngày đó
sớm mai trôi theo dòng
những mộng mơ ngày đó
mây bay ngoài Đầm Môn
những rạo rực ngày đó
sóng Cổ Mã dập dồn
đường thanh xuân ngày đó
sách vở không lối mòn
những chân trời ngày đó
hầm mộ cũ vùi chôn
*
gió trăm mùa khôn lớn
trăng trải mấy bận tròn
ngày thanh xuân vang động
giữa dâu bể vàng son
*
bao giờ quay trở lại
tuổi thanh xuân phiêu bồng
những đêm mải miết tối
đường xa ra Tu Bông
bao giờ quay trở lại
câu hát đẫm mưa khuya
gió cùng trăng mê dại
níu rùng nhau không lìa.
Nha Trang, 6-2017
thường có mưa về mỗi cuối đêm
nghe mát lạnh từng ngón chân
gió len vào ô cửa
anh nằm im
cố níu giấc mơ vừa dang dở
con ốc sên ẩm ướt bò qua thềm
thường réo rắt ngày lên xanh ngăn ngắt
tháng 6, Nha Trang bình minh tung nắng mật
anh tản bộ
chợt thấy chân mình như lãng khách
mới mẻ giữa phố quen
những vẻ hoa lệ cứ dồn đổ chật phía đông
anh đếm không hết bao nhiêu khách sạn cao tầng bung nở suốt con đường Trần Phú
cát trắng thơm tho(*) ngày xưa giờ còn không?
dã tràng ơi
ngác ngơ di trú
dáng ai ngồi nép bên cây cầu bắc qua cửa sông
nhìn xuống hòn Đá Chữ
mây đương bay
là khói nhang từ tháp Bà Po Nagar hay khói sóng trong lòng
của người lữ thứ
anh còn nhớ những cây xà cừ
năm nào
phủ mát xanh đường Lý Tự Trọng
trắng áo mộng, tan trường
guốc mộc chen nhau quanh chiếc xe cà rem
anh còn nhớ trên đường Phương Câu có mấy hiệu sách cũ
nhớ những trưa hoang mênh mông
dòng Cái trôi ngang Lư Cấm
tịch mịch
im lìm
những người bạn của anh đã đến và đã trở lại nơi này không phải để đi tìm những vũ trường, quán bar, những resort, villa... diêm dúa
phải chăng họ muốn tìm
muốn được chạm vào hồn cốt một Nha Trang?
giữa va đập của phát triển, quy hoạch, dựng xây...
với gìn giữ tinh nguyên bản sắc
thản nhiên ngoài kia
một vùng vịnh biển vẫn căng tràn.
Cuối giảng đường
tôi vào lớp như chiếc lá lạc xuống chiều
luôn đến ngồi nơi chiếc bàn cuối
ở đấy lắng lên nghe chìm nổi
đôi khi đọc những bức vẽ trên tường
ngoài vòm cửa thường xanh khoảng sân trường
áo qua hiên ngỡ là bóng nắng
giáo sư đã già, tóc và kính trắng
bất động trước bảng đen từng ngày
buổi sáng vào lớp xoa đôi bàn tay
thầm thì mong điều bình yên sẽ tới
tôi nhìn từ sau những mái đầu màu tối
những đôi vai giữa các dãy bàn
từng buổi học bỏ dần lại thời gian
những sinh viên vẫn đi từ cuối giảng đường lên hết
lướt qua tôi rồi lẫn vào nhau mất
tôi lẻ loi cách họ như đảo nhỏ rơi vuột đất liền
thôi, cúi mình xuống những lặng im riêng
một nỗi u buồn, một lỗi lầm đã cũ
một lần chợt quen nhau mà mãi còn âm ỉ
tôi run lên như nét bút trong lặng lẽ đợi chờ
rồi một hôm chiếc bàn nơi cuối lớp vắng không
người có nhớ...
Văn khoa, 1995