Tản văn
Tuy ra trường đã tròn 5 năm, nhưng không hiểu sao mỗi lần có dịp về lại Linh Trung, Thủ Đức hay đi ngang số 10 - 12 Đinh Tiên Hoàng, lòng tôi lại rạo rực và mơn man bao cảm xúc. Nhân văn, đối với tôi, là cả một khoảng trời tuổi trẻ trong veo, trìu mến.
Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh là nguyện vọng duy nhất của tôi trong kì thi đại học năm đó. Mười tám tuổi, tôi khăn gói bước chân vào giảng đường đại học nơi thành phố phương Nam xa lạ chỉ với tình yêu sâu sắc dành cho văn chương và cả sự bướng bỉnh, liều lĩnh của tuổi trẻ. Những buổi chiều mưa rơi dai dẳng, những đêm mất ngủ nằm trằn trọc trong căn phòng trọ nhỏ, nước mắt chảy ướt gối vì nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ. Tôi tự thấy giấc mơ văn chương của mình sao mà phù phiếm quá.
Vậy mà rồi ngôi trường ấy “đền” cho những nỗi buồn thơ dại của tôi cả một gia tài lớn đủ để tôi biết ơn và nhớ thương suốt cả đời mình.
Không ở nơi đâu mà sinh viên lại “thần tượng” và kính trọng thầy cô như ở Nhân văn. Mỗi thầy cô là một tấm gương và động lực lớn lao về nghiên cứu khoa học, kiến thức và phong cách sống. Chỉ cần nhìn thấy bóng dáng các thầy cô từ xa, hay được thầy cô đáp lại lời chào bằng những nụ cười là chúng tôi có thể vui râm ran cả ngày dài. Những giờ kiên trì ngồi nắn nót viết từng nét chữ Hán, chữ Nôm; những môn văn học nước ngoài, văn học Việt Nam, lý luận văn học “vật vã” đọc tác phẩm, làm bài thuyết trình, tiểu luận khiến chúng tôi cảm nhận được sâu sắc không khí của nghiên cứu văn học, khiến những người trẻ say mê và khao khát kiến thức nhận ra mình đã chọn đúng chân trời, trúng “đường bay”. Chúng tôi hạnh phúc còn vì chúng tôi được nói những điều chúng tôi cảm nhận và đề xuất cả những cách hiểu mới với sự động viên, khơi gợi và lắng nghe đầy chăm chú của thầy cô. Giữa thời buổi mà “văn chương hạ giới rẻ như bèo”, chúng tôi vẫn chắt chiu tình yêu của mình và nói về các tác phẩm với tất cả sự trân quý, nâng niu.
Văn Khoa còn mang đến cho tuổi trẻ của tôi những người bạn lòng. Những đêm chúng tôi ngồi cùng bên nhau giữa bầu trời khuya để cùng đợi mưa sao băng. Có những hôm chúng tôi thức đến khuya để đọc tiểu thuyết, đọc thơ cho nhau nghe. Cùng động viên nhau học, chăm sóc cho nhau khi đau ốm và san sẻ những ngày tháng đầy khó khăn. Cả thời phổ thông, tôi luôn cảm thấy mình trưởng thành hơn các bạn cùng lớp và thường trực cảm giác cô đơn vì không tìm được bạn. Nhưng ở Văn Khoa, tôi có những người bạn có thể say sưa nói với nhau cả tiếng đồng hồ về một từ dùng đắt trong một câu thơ.
Sau 5 năm ra trường, con đường mà những cựu sinh viên Văn Khoa chúng tôi phải đi, có lẽ chông chênh hơn rất nhiều so với những ngành học khác. Điều ấy, ngay từ khi lựa chọn, chúng tôi đều đã đoán biết. Nhưng có lẽ, được học ở ngôi trường ấy là một hạnh ngộ đáng quý hơn tất thảy. Hiện nay, tôi may mắn được trở thành giáo viên Ngữ văn cho một trường phổ thông, và vẫn đang hằng ngày gieo vào lòng học trò mình tình yêu dành cho văn chương và những bài học tốt đẹp về nhân cách. Đó là cách để tôi thể hiện lòng biết ơn với thầy cô và ngôi trường đại học của mình.
60 năm – một hành trình đầy tự hào của một mái trường, một gia đình lớn. Mong Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh mãi là khoảng trời êm ấm để nuôi dưỡng những khát vọng phi thường.
Phùng Thị Hạ Nguyên
Cựu sinh viên Khoa Văn học
(Khóa 2008 – 2012)