Nhà văn Nguyễn Quang Thân ra đi thật như một sự đột ngột. Lâu nay gặp ông ít ai nghĩ đây là một người đã ngoài 80 bởi dáng đi, giọng nói còn rất sôi nổi, mạnh mẽ.
Nói chuyện với ông ít ai nghĩ đây là một nhà văn đã có 60 năm cầm bút vì mỗi tác phẩm của ông viết ra vẫn tươi mới, sắc sảo. Viết văn, viết báo, viết kịch bản phim, ở thể loại nào cũng có một Nguyễn Quang Thân đáng nhớ đối với độc giả. Bởi Nguyễn Quang Thân biết lật xới các vấn đề của hiện thực và lịch sử để văn chương không chỉ phản ánh mà còn suy ngẫm.
Còn nhớ truyện ngắn Người không đi cùng chuyến tàu khi xuất hiện đã khiến người đọc giật mình như được báo động sự thật về một cách nhìn nhận và đánh giá con người. Và rồi các tiểu thuyết Ngoài khơi miền đất hứa, Con ngựa Mãn Châu, Hội thề khẳng định ngòi bút viết văn khám phá sự thật của Nguyễn Quang Thân.
Kịch bản phim Cây bạch đàn vô danh của ông cũng là sự tiếp tục mạch viết ấy để rồi từ những con chữ trăn trở của nhà văn, nhà làm phim đã tạo nên một bộ phim hay gây ám ảnh cho người xem.
Mấy năm gần đây ông vẫn đều đặn viết báo ở mục bàn luận thời sự và những bài báo đó càng cho thấy phẩm chất nhà văn của ông luôn bám sát đời sống, quan sát mọi chuyện liên quan đến con người để rồi dưới cái nhìn phân tích của một nhà văn đau đáu thời cuộc những con chữ bật ra nhiều khi phẫn nộ, xót xa, đau thương.
Nguyễn Quang Thân có lối viết hiện đại. Đọc văn ông người đọc không thấy và không được dễ dãi, xuôi chiều. Tiểu thuyết Con ngựa Mãn Châu có tính tự truyện cuốn hút người đọc cùng nhân vật trở lại một thời quá khứ chưa xa nhưng không dễ thấy ra những nghịch lý trớ trêu của lịch sử và số phận.
Tác phẩm như chưa khép lại và hẳn là tác giả còn có dự định và bút lực để tiếp tục mạch văn này. Bây giờ nhà văn ra đi, nhân vật Quang đành không đi hết đường đời của mình. Tiểu thuyết Hội thề viết cho dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, ông chọn cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nhưng suy ngẫm lịch sử ở đây là về vai trò và vị trí của người trí thức trong thăng trầm chính sự.
Tác phẩm được giải A cuộc thi tiểu thuyết (2006 - 2009) của Hội Nhà văn Việt Nam, có gây ra tranh luận về cách nhìn lịch sử, nhưng nó đã góp phần đổi mới cho thể loại tiểu thuyết lịch sử đang được quan tâm trong văn học nước ta hiện nay.
Lối văn của Nguyễn Quang Thân có sự tiếp sức của những điều ông tiếp thu từ văn học nước ngoài qua cái đọc của ông. Tôi nhớ hồi ở Hà Nội, ông từng đọc tôi nghe những bài thơ của M. Tsvetaeva, một trong những nhà thơ Nga xuất sắc nhất thế kỷ 20 có một số phận bi thương, do ông dịch. Ông bảo chưa đọc thơ Tsvetaeva là chưa biết thơ Nga.
Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân đã tạo nên một gia đình văn chương đầm ấm và ông đã là nguồn cảm hứng, động lực cho người bạn đời nửa sau của mình thoát cảnh “gia đình bé mọn” để có những tác phẩm ngày càng sâu lắng. Căn nhà của hai nhà văn giờ đây vắng bóng một người.
Nguyễn Quang Thân đã rời bỏ miền đất hứa về cõi yên tĩnh đời đời, để những trang văn sống tiếp mình ở cõi nhân gian. Và Chú bé có tài mở khóa sẽ giúp người đọc mở cánh cửa vào văn chương của ông - nhà văn Nguyễn Quang Thân.
PHẠM XUÂN NGUYÊN