Phạm Quỳnh sinh 1892 (có tài liệu nói 1893), mất 1945. Nam Phong tạp chí ra đời 1917, chấm dứt 1934. Phạm Quỳnh làm Nam Phong (là chủ nhiệm và chủ bút) từ 1917 đến 1932, trong 15 năm, từ tuổi 25 đến 40. Khi Phạm Quỳnh vào Huế làm việc triều đình, Nam Phong được giao cho Nguyễn Tiến Lãng và sống thêm hai năm nữa. “Suốt trong 17 năm tồn tại, Nam Phong đã đăng 1.391 bài tiếng Việt, 414 bài tiếng Pháp, không kể phần Hán văn, tổng cộng đã công bố gần hai nghìn bài. Trong gần hai nghìn bài này đã có 123 tác giả viết tiếng Việt, 41 người viết tiếng Pháp… Người viết nhiều nhất là Phạm Quỳnh (còn ký bút danh Thượng Chi, Hồng Nhân) với 458 bài tiếng Việt và 33 bài tiếng Pháp (chưa kể chữ Hán), chiếm khoảng trên dưới 30% tổng số bài đã đăng trên Nam Phong, số bài còn lại khoảng 50 - 60% là do 162 người viết, trung bình cứ một tuần trong 17 năm tồn tại của Nam Phong, bên cạnh các công việc khác, Phạm Quỳnh viết được và đăng được một bài” (Nguyễn Văn Khoan).
Bởi vậy, ngay từ đương thời tạp chí này, Phạm Quỳnh đã được coi là linh hồn của Nam Phong. Nói tới Nam Phong là nói tới Phạm Quỳnh và ngược lại.
* * *
Nhưng phần lớn thời gian trong một trăm năm qua, việc đọc Nam Phong để xét Phạm Quỳnh và xét Phạm Quỳnh để đọc Nam Phong là cả một quá trình vật lộn trong nhận thức và học thuật của cả một thời kỳ.
Ông đã bị các nhà nho Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng phê phán nghiệt ngã: “Những người học thức kiến văn chưa được một nắm, nhân cách giá trị chẳng là bao, mới lom lem những học thuyết ông Mạnh, ông Lư, bập bẹ những cách ngôn họ Trang, họ Liệt, thì đã nghiễm nhiên tự lập làm một đấng văn hào, tự xưng khai hóa quốc dân, mà không ngó lại mình đã khai hóa hay chưa; thôi thì bài diễn văn chất đống, sách du ký đầy thùng, thôi thì tán xằng, tán nhảm, nói bậy nói càn không còn có nghĩa lý chính đáng chi nữa”.
Ông đã bị nhà cách mạng Đặng Thai Mai kết tội nặng nề: “Tờ tạp chí hàng tháng này là một công cụ hết sức tốt của chủ nghĩa thực dân trong mười mấy năm ròng rã (...) Mácti, tên trùm mật thám Đông Dương hồi đó, đã trao đủ bửu bối cho Phạm Quỳnh”.
Ông đã bị nhà trí thức Nguyễn Văn Trung kết án gay gắt: “Nếu phải kết án Phạm Quỳnh thì... kết án Phạm Quỳnh thời làm báo vì lúc đó Phạm Quỳnh có khả năng mê hoặc, lừa bịp một số người, và sở dĩ mê hoặc, lừa bịp được là vì Phạm Quỳnh làm chính trị bằng văn hóa núp dưới danh nghĩa một người viết báo, nhà trí thức, nhưng thực ra là một cán bộ chiến tranh chính trị của phòng nhì phủ Toàn quyền”.
* * *
Đối lại những ý kiến phủ nhận Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong là những ý kiến khẳng định, đề cao. Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan ngay từ thập niên 1940 đã viết: “Trong mười sáu năm chủ trương tạp chí Nam Phong, ông đã xây đắp cho nền móng quốc văn được vững vàng bằng những bài bình luận và khảo cứu rất công phu, mà từ Bắc chí Nam người thức giả đều phải lưu tâm đến. Nhiều người thanh niên trí thức đã có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong tạp chí để bồi bổ cho cái học còn khuyết điểm của mình. Thậm chí có người đã lấy Nam Phong làm sách học mà cũng thâu thái được tạm đủ tư tưởng học thuật Đông Tây”.
Học giả Vương Hồng Sển khi được hỏi về cái câu “Truyện Kiều còn tiếng ta còn…” của Phạm Quỳnh đã nói: “Câu này chỉ có nghĩa là tiếng nói của mình chải chuốt hay ho được như Kiều thì đạt tới trình độ tương đối rồi và tiếng của ta mà mất, để các tiếng ngoại quốc xâm nhập tức là tới lúc nước mất. Tiếng nói là chìa khóa mở bất kỳ cánh cửa nào”.
* * *
Phạm Quỳnh từ chỗ bị coi là một “bóng đen” trong lịch sử chính trị suốt một thời gian dài, đến thời kỳ Đổi mới, đã dần dần được rọi sáng, lộ sáng, để từng bước hiện ra chân dung một “nhà văn hóa tiên phong” (chữ dùng của Vũ Ngọc Phan) trong buổi đầu nền văn hóa hiện đại Việt Nam. Địa vị và vai trò của Phạm Quỳnh đối với văn hóa Việt Nam 30 năm đầu thế kỷ XX ngày càng được khẳng định. Các sách ông viết và tập hợp bài viết của ông lần lượt được in lại. Các sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông được in ra. Các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ về tạp chí Nam Phong được bảo vệ ở nhiều trường đại học. Một tọa đàm nhân 100 năm ra đời Nam Phong đã được Hội Nghiên cứu lịch sử Việt Nam tổ chức cuối năm 2017.
Đặc biệt lần đầu tiên những bài viết bằng tiếng Pháp của Phạm Quỳnh được dịch ra tiếng Việt và xuất bản đã khiến giới nghiên cứu và đông đảo độc giả kinh ngạc, khâm phục. Đó là tập Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932 (NXB Tri Thức & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2007). Cuốn sách gồm những bài nói và bài viết của Phạm Quỳnh trên báo chí và trước Viện Hàn lâm Pháp tập trung vào một chủ đề xuyên suốt là sự tồn tại và phát triển của giống nòi và dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước đã bị biến thành thuộc địa.
Từ trên diễn đàn của giới hàn lâm chính quốc, nhà trí thức thuộc địa trẻ tuổi Phạm Quỳnh đã tự hào nêu bật truyền thống và sức sống của dân tộc mình để yêu cầu kẻ thù đang xâm lăng mình phải thay đổi đường lối khai hóa thực dân. Ông nói: “Dân nước Nam không phải là một tờ giấy trắng; đó là một cuốn sách cổ chứa đầy những dòng chữ được viết bằng một thứ mực không thể tẩy xóa từ bao đời nay; không một chất thử nào có thể tẩy xóa chúng được hoàn toàn và người ta không thể tự do muốn viết gì vào đấy thì viết. Người ta chỉ có thể đóng lại cuốn sách cổ đó theo một cách mới, bày biện nó theo lối hiện đại hơn, chứ đừng mơ tới việc viết vào đó một thứ chữ xa lạ đè lên thứ chữ đã có từ ngàn xưa.
Như vậy vấn đề đặt ra ở đây là cần phải biết đưa lại cho người Nam thứ giáo dục nào để khi truyền bá cho họ thứ văn hóa hiện đại bậc cao mà họ cần có thì không phải là “phi dân tộc hóa” họ, làm họ mất đi bản sắc dân tộc và cá tính lịch sử của mình, biến họ thành một trong những dân tộc vô định hình, không sinh khí, không còn nét độc đáo nào nữa, như một số thuộc địa cũ của Pháp đã bị sa vào” (1922). Khi con người bị lâm tình thế, họ phải buộc lựa chọn thái độ ứng xử từ chỗ đứng của mình. Trong hoàn cảnh lịch sử đất nước đã mất vào tay người, Phạm Quỳnh thuộc phái chấp nhận chung sống, nhưng đó phải là cuộc sống chung “dưới khẩu hiệu một chính sách thực sự tôn trọng nhau”. Diễn biến lịch sử là vừa tất yếu vừa mù quáng. Và Phạm Quỳnh đã phải trả giá cho quan niệm và sự lựa chọn của mình.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên (phải) thay mặt cha là Phạm Quỳnh nhận tôn vinh từ Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh - Ảnh: L.Điền
Nhưng lịch sử ở hướng đi hiện nay của đất nước lại đang cần đến quan niệm của ông như một hành trang, một gợi ý cần thiết. Lấy một thí dụ là khi ông “suy nghiệm về lịch sử nước Nam” để trình bày cho những người Pháp biết. Đây là một suy nghiệm của ông: “Việc ở sát ngay một nước lớn liên tục muốn áp đặt sự chi phối nặng nề của nó, đã khiến cho người nước Nam có một tính cách mềm dẻo đôi khi kìm hãm nó trong một tính hai mặt. Tất cả các quan hệ của nước Nam với Trung Hoa đều nhuốm đậm tính chất này, biểu hiện trong việc tìm cách vì nể ít ra là về bên ngoài người láng giềng hùng mạnh mà bên trong vẫn giữ được nền tự chủ của mình. Vì vấn đề “thể diện” đối với Thiên Triều là rất quan trọng, nên các vua nước Nam bên ngoài tỏ ra hết sức kính trọng đối với Trung Hoa, đồng thời vẫn không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để gây cho họ những bất ngờ chẳng dễ chịu chút nào, nếu họ quên mất quá khứ mà muốn làm cho quyền bá chủ hoàn toàn là danh nghĩa của họ trở thành thực tế” (1930). Đó là một cách yêu nước của Phạm Quỳnh. Trường hợp Phạm Quỳnh vẫn đang chờ đợi những khám phá đi sâu, và một sự đánh giá khách quan, khoa học, theo một sử quan công chính.
Cuốn sách này, cùng những trước tác khác của Phạm Quỳnh đã và rồi sẽ còn được trả lại không gian văn hóa tinh thần của nước nhà, là kết tụ những tư tưởng, cảm xúc, tâm trạng của một nhân vật lịch sử đã can dự, ở những tầm mức khác nhau, vào tiến trình chính trị văn hóa của nước nhà khoảng đầu thế kỷ XX. Ông đã chấp nhận và chịu đựng lịch sử. Ông đã thành nạn nhân của lịch sử. Nhưng lịch sử xã hội là lịch sử của con người. Karl Marx có nói đại ý: cơ bản nghĩa là xét sự vật tận gốc rễ của nó, mà gốc rễ của con người chính là bản thân con người. Đọc Phạm Quỳnh chính là mở ra cánh cửa tìm đến gốc rễ của ông, tìm về cơ bản của ông, và qua ông là cả một thời kỳ lịch sử mới trôi qua nhưng nhiều khoảng sáng tối đan xen. Đọc ông cũng để đi tìm câu trả lời Phạm Quỳnh là ai.
Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh 2018 vinh danh Phạm Quỳnh là một cách trả lời như vậy.
Nguồn: Người đô thị, ngày 30.4.2018.