Tinh thần sinh thái trong văn phê bình

20200414 4

GỬI ĐÂY CHÚT DUYÊN TÌNH ĐỌC - Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Xuân

Như Book & Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2019

Có người chỉ là ghi lại những cảm tưởng của mình trong và sau khi đọc, như bạn nếu đọc xong một cuốn sách thấy có cảm xúc, suy nghĩ và rồi viết nó ra thì đấy cũng là một dạng phê bình, tuy chỉ mới dừng lại ở mức cảm nhận. Còn những người được gọi là nhà phê bình văn học chuyên nghiệp thì họ đầu tiên cũng đọc cũng ghi lấy những cảm nhận trực giác của mình, nhưng sau đó họ sẽ đọc kỹ hơn, sẽ có sự phân tích nghiên cứu những văn bản văn chương đã đọc và dùng các lý thuyết và thao tác nghiên cứu để chỉ ra chiều sâu của tác phẩm và hệ thống lại những đặc điểm sáng tác, trước tác của một tác giả. Đọc các sách phê bình văn học như vậy độc giả được nâng tầm hiểu biết và thưởng thức văn chương của mình và phần nào cũng được trang bị cách đọc văn chương nhờ dõi theo cách viết của nhà phê bình nghiên cứu.

Hôm nay tôi mang đến cho bạn cuốn "Gửi đây chút duyên tình đọc" của Nguyễn Thị Thanh Xuân, một nhà khoa học nhân văn và một giảng viên đại học ở TPHCM. Tại sao tên sách lại có chữ “duyên tình”? Ở lời mở sách tác giả đã nói: “Trong hành trình đến với văn chương, việc đọc là vô cùng, việc viết là hữu hạn, bởi chúng ta có thể có vô số ngày gặp gỡ, nhưng chỉ có những khoảnh khắc bừng lên cảm hứng sẻ chia: khi đó cái đọc trở thành cái viết. Đây, chút duyên tình đọc, của một người, xin gửi đến mọi người…” (tr. 8). Nghĩa là không phải cái đọc nào cũng thành được cái viết. Mười tám bài viết trong tập sách này là mười tám khuôn mặt văn chương Việt đã được tác giả Thanh Xuân giao tình hạnh ngộ và khi tập hợp lại thành cuốn sách định danh là “chân dung văn học” chị cũng muốn được đón đợi sự hạnh ngộ giao tình của độc giả.

Mười tám khuôn mặt văn chương Việt với chiều dài sống gần một trăm năm đã được Thanh Xuân nghiền ngẫm và viết ra trong khoảng 15 năm đầu thế kỷ XXI. Họ là những ai? Là Phan Khôi “làm văn học”. Là Thiếu Sơn “nhà văn chính trực”. Là Hoài Thanh “người tri kỷ của thơ ca Việt”. Là Bích Khê “con suối xanh lặng lẽ”. Là Hồ Hữu Tường “như tôi nhìn thấy”. Là Triều Sơn “người mộng những chân trời”. Là Nguyễn Đổng Chi “viết phóng sự”. Là Tô Hoài “tưởng niệm”. Là Bùi Giáng “bản nhiên”. Là Trịnh Công Sơn “người tình của thiên nhiên”. Là Nguyễn Thị Thụy Vũ “đã trở lại”. Là Phùng Khánh – Thích Nữ Trí Hải “biển tuệ, vườn từ ái”. Là Lê Giang “khúc Aria của một đời người”. Là Nhật Tuấn “nhà văn chuyên nghiệp”. Là Mang Viên Long “phật tính trong trang viết”. Là Lưu Quang Vũ “dòng mưa ánh sáng”. Là Vô Ưu - Ngô Thị Kim Cúc “những mùa văn”. Là Nguyễn Nhật Ánh “qua năm tháng”. Người đầu thế kỷ người cuối thế kỷ, người lạ người quen, người biết người chưa biết, người còn người mất, người xa người gần, mười tám văn nhân họp mặt trên trang viết của Thanh Xuân tạo nên một phần bức tranh văn học Việt Nam thế kỷ XX nhiều sôi động nổi chìm, nhiều góc khuất tối sáng.

Mười tám bài viết được tác giả viết ra không phải theo một hệ thống nhất quán từ đầu mà theo từng thời điểm, hoàn cảnh, có bài là tham dự hội thảo khoa học, có bài là cho một công trình nghiên cứu, bài thì theo phong cách khảo cứu, bài thì mang giọng điệu tùy bút. Nghĩa là có những trường hợp nếu không có sự kiện đó thì không có bài viết đó (đây là trường hợp chung cho nhiều nhà phê bình văn học ở nước ta lâu nay, kể cả người viết bài này). Nhưng một khi đã viết thì Thanh Xuân đều viết kỹ càng, chu đáo, và ít nhiều đều có những phát hiện của mình cho đối tượng được viết, hoặc giả cũng là làm mới đối tượng bằng cái viết của mình. Xâu chuỗi thống nhất mười tám bài là con mắt và tấm lòng của người viết tinh tế, sâu sắc, đồng cảm. Dùng một cụm từ của chị, có thể nói trong sách này Nguyễn Thị Thanh Xuân đã phê bình văn theo “tinh thần sinh thái”.

Cái được đầu tiên của cuốn sách "Gửi đây chút duyên tình đọc" là mở cho giới nghiên cứu và công chúng văn học biết được và biết thêm về một số nhân vật văn học. Như Phan Khôi (1887 – 1959) mà gần đây mới được đưa ra ánh sáng lại, Thanh Xuân đã đi sâu phân tích cách làm văn học của một nhà nho tân học để khẳng định vị trí của ông là người khơi nguồn dòng chảy có phần tù đọng của văn học Việt Nam và người mở toang các cánh cửa trong ngôi nhà văn học Việt Nam lắm khi ngột ngạt. Tác giả đã đặt Phan Khôi ở một vị trí cao: “Những giá trị mà ông xác tín trong nằm hệ thống giá trị phổ quát mà nhân loại không thôi mong mỏi, hướng về. Nhưng Phan Khôi cũng mãi mãi là người cô đơn trong khí phách, trong hoài bão của mình, cả thời ông sống và cho đến hôm nay” (tr. 28). Như Hồ Hữu Tường (1910 – 1980) mà đến nay nhiều người còn chưa biết là ai thì bài viết của Thanh Xuân đã trình hiện ông là “một con người vượt thoát hoàn cảnh, có lòng say mê với chữ nghĩa, có một nghị lực khác thường, một trí tuệ năng động, một sự lạc quan và tự tin hiếm thấy” (tr. 94). Nhiều bài viết trong tập là theo mạch trả sự thật cho lịch sử, ở đây là lịch sử văn chương, nhất là về những nhân vật văn học ở vùng đất Nam Bộ và ở nửa nước trước đây. Trước sách này, PGs, Ts. Nguyễn Thị Thanh Xuân đã chủ biên một cuốn sách lớn mang tên "Nghiên cứu lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865 – 1954" (NXB Giáo dục, 2018) trong đó chị viết phần tổng luận hơn ba trăm trang và viết riêng về bốn nhân vật mà khi làm sách "Gửi đây chút duyên tình đọc" chị đã lấy đưa vào ba người là Thiếu Sơn, Hồ Hữu Tường, Triều Sơn. Đây là sinh thái nhân văn cần thiết cho cái nhìn khoa học vào diễn trình văn học Việt Nam thế kỷ XX bao quát cả nhiều vùng đất nước, cả nhiều thời kỳ lịch sử, cả nhiều số phận văn nhân, cả nhiều cách nhìn nhận đánh giá.

Trong thời đại toàn cầu đang lo vấn đề sinh thái môi trường, nhà phê bình đọc văn đã chú tâm nhìn ra và nói lên điều này trong sáng tác của các tác giả mà chị đọc. Từ khóa của tập sách có thể gọi là tự nhiên, thiên nhiên. Ở hai bài viết về Bích Khê “con suối xanh lặng lẽ” và Lưu Quang Vũ “dòng mưa ánh sáng” không hẳn là do cái tên của hai thi nhân này cho chị chiết tự ra thế, mà đấy là do đời và thơ của họ nó ứng kỳ lạ với cái tên họ có. Nhưng cũng nhờ nhà phê bình mà người đọc ngẫm ra ý vị trong tên người của họ. Chị lắng nghe Trịnh Công Sơn “người tình của thiên nhiên” như ông tự nhận.  Chị thấy tên các tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ hay gắn với những thành tố của tự nhiên trong một thế giới nghệ thuật nói về con người. Chị dùng hình ảnh “cỏ” để nói về văn và người Lê Giang. Chị lấy Biển và Vườn để nói về dịch giả Phùng Khánh – Ni sư Trí Hải. Chị hình dung chặng đường văn của Ngô Thị Kim Cúc qua các mùa. Chị đề nghị một cách đọc Nguyễn Nhật Ánh với “con mắt tự nhiên” của tuổi thơ trong trẻo để hiểu sâu hơn thông điệp được nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. Đó là cách đọc theo “tinh thần sinh thái” để hiểu “Văn chương cần giúp con người tiếp nhận thế giới một cách rộng rãi hài hòa tự nhiên, khiêm nhu, không tự đắc, không khai thác tối đa các sở thích vốn có của con người” (tr. 280). Cách hiểu này sẽ góp một hướng mở cho cuộc tranh luận quanh truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh lâu nay là thiên về hoài niệm tuổi thơ mà ít phản ánh cuộc sống thực tế. Cách đọc Văn Chương trong quan hệ với Tự Nhiên này của Thanh Xuân tựu trung ở bài về Bùi Giáng với hai tiếng “bản nhiên”. “Đọc ông tôi nhận ra rằng cái gọi là Văn Hóa con người chẳng là gì so với Tự Nhiên” (tr. 164), nhà phê bình kết luận và khẳng định.

Nguyễn Thị Thanh Xuân viết phê bình có một giọng văn khúc triết, mềm mại, tỉnh và say, tinh và tình. Văn phê bình của chị “đối ngẫu và hòa âm” như ở đoạn văn này: “Ra đi và Trở về, Bước vào và Bước ra là tinh thần của thơ ca và tư tưởng của Bùi Giáng. Ra đi với nhân loại, trở về với quê nhà. Ra đi với triết học, trở về với thơ ca. Ra đi với sách vở, trở về với nghiệm sinh. Ra đi với chữ nghĩa trở về với tâm cảm. Ra đi với nhân gian trở về cùng tinh thể” (tr. 165). Chú ý là ở hai câu cuối trong đoạn này tác giả không còn để dấu phẩy giữa hai vế câu, chắc có dụng ý. Thanh Xuân là người thận trọng câu chữ trong viết phê bình, có để công tìm tòi từ ngữ và sáng tạo cách diễn đạt để tăng sức hấp dẫn và thuyết phục người đọc về điều mình nói. Bài viết về Bích Khê có thể coi là tiêu biểu cho lối viết phê bình của Thanh Xuân có lập ý lập tứ và khai triển câu chữ nương theo ý tứ hình ảnh để trình bày luận điểm. Một cách viết như thế gây được thích thú cho người đọc. Chị cũng thường dùng mẫu câu “A mà B, A mà không B” để diễn tả những cảm nhận văn chương thành suy luận học thuật: “Táo bạo mà không cầu kỳ, ngẫu nhiên mà không tùy tiện, giàu chất suy tưởng mà không suy lý” (tr. 170, nói về sáng tạo ngôn từ của Trịnh Công Sơn); “Mộc mạc mà tinh tế, cứng cỏi mà yếu mềm, quyết liệt mà nhẫn nhịn, nghịch ngợm mà dịu dàng, nguyên tắc mà linh hoạt” (tr. 209, nói về cái tôi tự sự/trữ tình của Lê Giang).

Và thế, đọc cuốn sách này ta được hưởng cái duyên và lây cái tình của người viết – Nguyễn Thị Thanh Xuân. Người đọc nào muốn tìm hiểu sâu thì đây là một sự hướng dẫn, chỉ đường. Người đọc nào thoáng qua cũng có thể thích thú và thấy gợi mở. Người trong nghề cũng được kích thích suy nghĩ, tạo hứng khởi nghề nghiệp. Mười tám bức chân dung văn học trong "Gửi đây chút duyên tình đọc" từ nét vẽ ngòi bút của người viết sẽ mãi là thanh xuân trong văn học sử và đời sống văn chương.

Phạm Xuân Nguyên

Nguồn: Dân Việt, ngày 14.04.2020.

Thông tin truy cập

63736584
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
34678
22198
63736584

Thành viên trực tuyến

Đang có 469 khách và không thành viên đang online

Danh mục website