Vào cuối tháng 3/2025, tôi có tiếp quý thầy ở Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đi tiền trạm để chuẩn bị đưa đoàn sinh viên Khoa Văn học của trường đi thực tập thực tế nghiên cứu văn học ở Bình Thuận. Và rồi, thầy PGS. TS. Phan Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Văn học của trường đã đưa đoàn gồm 10 giảng viên và 110 sinh viên của trường về Bình Thuận để tiếp cận thực tế khảo sát, nghiên cứu với quỹ thời gian từ ngày 10/4 - 19/4/2025.
Mục tiêu của đoàn là triển khai cho sinh viên Khoa Văn học năm thứ ba đi thực tập thực tế nghiên cứu tác giả, tác phẩm văn học dân gian, văn học hiện đại Việt Nam và tư liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, nhằm mục đích: Sinh viên thực hành các phương pháp nghiên cứu điền dã; Thực hành các kỹ năng phỏng vấn, nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật; Thực hành kỹ năng tiếp cận nghiên cứu các loại hình văn bản Hán Nôm; Nâng cao các kỹ năng mềm; Giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với đời sống xã hội, từ đó phát triển toàn diện các năng lực để thực hành nghề nghiệp; Xây dựng mối quan hệ giữa Khoa Văn học, nhà trường với các địa phương, đồng thời quảng bá hình ảnh khoa và nhà trường; Tư liệu văn học dân gian, văn học hiện đại Việt Nam và Hán Nôm sưu tầm được sẽ phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và xuất bản tư liệu; Nhận biết, đánh giá về đặc điểm loại hình và diện mạo, giá trị tư liệu văn học dân gian, văn học viết và di sản Hán Nôm địa phương; Góp phần vào việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Trước khi đưa đoàn về địa phương, thầy Trưởng Khoa Văn học có nhắn tin nhờ tôi cung cấp số điện thoại của các nhà thơ, nhà văn trong tỉnh. Đoàn đã làm việc với Hội Văn học Nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chia làm nhiều nhóm để tiếp cận gặp gỡ với anh em hội viên sáng tác thơ văn trên địa bàn tỉnh từ huyện Tuy Phong đến huyện Đức Linh. Kế hoạch của đoàn phân công rất cụ thể: Sinh viên chuyên ngành Văn học sưu tầm văn học dân gian tại các làng nghề truyền thống; nghiên cứu tác giả và tác phẩm văn học hiện đại Việt Nam tại địa phương với đối tượng là các tác giả tiêu biểu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận; sinh viên chuyên ngành Hán Nôm sưu tầm, nghiên cứu tư liệu Hán Nôm.
Trong đó có 2 tổ sinh viên chuyên ngành Hán Nôm; 15 tổ sinh viên chuyên ngành Văn học. Ở chuyên ngành Văn học, các sinh viên đã tiếp xúc khảo sát, phỏng vấn, tìm tư liệu nghiên cứu với 63 tác giả thơ, văn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận.
Có thể nhận thấy, đây là một đợt khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá văn học Bình Thuận trên quy mô khá rộng lớn để có cái nhìn tổng thể về văn học địa phương, đặc biệt là mảng văn học hiện đại. Bởi từ trước đến nay, tuy có sưu tầm, nghiên cứu, nhưng đó là công trình thuộc nhóm nhỏ, hoặc của một số cá nhân.
Trong đợt đi thực tập thực tế nghiên cứu lần này, vào tối ngày 12/4, đoàn đã hợp tác với sinh viên Trường Cao đẳng Bình Thuận, Đài Phát thanh & Truyền hình Bình Thuận, UBND phường Phú Thủy và một số văn nghệ sĩ địa phương tổ chức đêm văn nghệ Hội ngộ tháng 4 Phan Thiết, giao lưu trong không khí thân tình, cởi mở, tạo sự giao cảm hòa nhập thân thiện giữa sinh viên với địa phương.
Qua ghi nhận bước đầu, thầy cô hướng dẫn các tổ – nhóm sinh viên đã khảo sát, sưu tầm được với khối lượng tư liệu rất phong phú về các thể loại, theo chỉ tiêu đề ra: Viết bài nghiên cứu khoa học về tác giả tác phẩm với độ dài từ 40 đến 60 trang giấy A4 (theo tổ); Bản thảo bài báo theo các tiêu chí của bài đăng trên tạp chí văn nghệ hoặc tạp chí nghiên cứu chuyên ngành trên cơ sở tư liệu sưu tầm với độ dài khoảng 10 trang A4 (theo tổ). Các nhóm sinh viên chuyên ngành Hán Nôm đã thu thập được những văn bản Hán Nôm ở các đình, chùa, nhà thờ, nhà cổ, miếu và ở một số nhà sưu tầm nghiên cứu ở địa phương. Các nhóm sinh viên chuyên ngành Văn học đã trực tiếp trao đổi với các tác giả thơ văn đương đại, đã thu thập được khối lượng tác phẩm khá phong phú ở các thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, ký, tản văn, nghiên cứu phê bình; phỏng vấn tác giả để tìm hiểu về cảm hứng sáng tác, đề tài sáng tác, dụng ý nghệ thuật trong quá trình sáng tác. Từ đó tìm hiểu về thế giới nghệ thuật để phát hiện ra nét riêng biệt về văn phong – tìm ra phong cách của từng tác giả.
Hy vọng rằng sau chuyến đi thực tế sưu tầm nghiên cứu văn học ở Bình Thuận, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM thu hoạch và sử dụng những sản phẩm một cách hiệu quả và có sự phản hồi lại với địa phương. Mong muốn trong thời gian tới, Khoa Văn học tiếp tục phối hợp với địa phương tổ chức những hội thảo khoa học về những thành tựu văn học Bình Thuận trong thời gian qua.
Võ Nguyên
Nguồn: Báo Bình Thuận Online, ngày 18.4.2025.