Tôi biết bút danh Lê Nguyên Ngữ từ trước năm 1975, hồi tôi học lớp 11 ở Đà Nẵng, có đọc một số bài thơ của anh trên tạp chí Văn, Bách khoa. Nhưng lần đầu gặp mặt anh không ngờ ở trên quê hương thơm ngát mùi nước mắm, lúc tôi ra trường dạy học ở trường trung học Phan Bội Châu, ghé vào một quầy sách anh bán và cho thuê khá khiêm tốn ở cạnh ga xép Phan Thiết. Bấy giờ cả nước đói nghèo, cuộc sống mưu sinh hết sức vất vả, anh đem tủ sách của anh ra vừa bán vừa cho thuê, chủ yếu là sách cũ, để lo tiền chợ qua ngày.
Ngoài bút danh Lê Nguyên Ngữ, anh còn những bút danh khác như Nguyễn Ngê Lư, Lê Nguyên, nhưng tên thật là Lê Văn Tám, sinh năm 1949 (tuổi Kỷ Sửu), quê ở Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Lê Nguyên Ngữ viết nhiều thể loại, tiểu thuyết, kịch bản phim, ký, nhưng nổi trội trong sự nghiệp sáng tác của anh cho đến nay là thơ và truyện ngắn. Truớc năm 1975, anh chỉ làm thơ và có thơ đăng trên nhiều tạp chí ở đô thị miền Nam (từ năm 1969). Sau 1975, thế mạnh của anh là truyện. Thời kỳ này viết văn với anh là một nghề để kiếm sống – sống bằng ngòi bút, nên tác phẩm của anh xuất hiện khá đều trên các báo, tạp chí ở các địa phương và trung ương. Đặc biệt là các cuộc thi sáng tác, ở địa phương này, tên anh được xếp vào danh sách số 1 của những người đoạt giải văn chương, có trên 25 lần nhận thưởng. Từ những năm 1990 – thế kỷ trước, cái tên Lê Nguyên Ngữ đã trở thành quen thuộc trong giới văn nghệ cả nước. Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001.
Lữ khách thương đau.
Nhìn về đội ngũ sáng tác ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, trong “Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945 – 1975” của Nguyễn Bá Thành(1), có nhận định: “Nhóm thứ ba là nhóm xuất hiện sau 1954: Nguyên Sa, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Viên Linh, Hoàng Trúc Ly, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Du Tử Lê, v.v. Ngoài ra còn kể đến một loạt các tác giả trẻ sinh ra trong những năm 1940, đầu những năm 1950, nhưng đến những năm 1960, đầu những năm 1970 thơ của họ đã giữ vị trí chủ chốt trên văn đàn: Lê Nguyên Ngữ, Hà Vũ Giang Châu, Mường Mán, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Miên Thảo, Nguyễn Miên Thượng, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Ngọc Lư, Phạm Chu Sa, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Bắc Sơn, Hà thúc Sinh,…
Trước năm 1975, ở Bình Thuận, Lê Nguyên Ngữ cùng một số nhà thơ như Nguyễn Bắc Sơn, Huỳnh Hữu Võ, là người lính làm thơ trong quân đội Việt Nam cộng hòa, khi ấy cái nhìn về quê hương mỗi người có khác nhau. Quê hương trong cảm thức người lính – nhà thơ Lê Nguyên Ngữ là quê hương dưới vòm trời chiến tranh đổ nát, buồn hiu quạnh: “Đêm ngủ thềm nhà tranh ngói vụn/ Nhìn trăng chinh chiến vắt ngang đầu/ Trăng bầm trên máu, vàng trên xác/ Làng vắng không người rợn chó tru/ Đêm Tây nguyên trời không muốn sáng/ Em chạy phương xa có ngóng về/ Có thấy trăng vàng trên xác mẹ/ Trên xác người nằm khắp nẻo quê”(2). Một quê hương tang tóc, máu xương rùng rợn: “Dân trong vùng chết bấn loạn rứa thê/ Ngày chạy giặc thây người như đất cục/ Xác thúi, xác tươi sâu dòi lúc nhúc/ Đường Trị-Thiên đạn lửa đỏ ngút trời/ Ruộng tiếp đồng chân chạy mỏi, mòn hơi/ Mà chết chóc vẫn còn vây trước mặt/ Miền đất sống còn đâu xa lăng lắc...”(3). Cảm nhận quê hương trong thơ Lê Nguyên Ngữ chủ yếu là đau thương, khi đón xuân về cũng xù xì, nhếch nhác khó coi: “Buổi sáng mùa Xuân tồi diện mạo/ Râu cằm như thể mìn ba râu/ Lính thú biên cương buồn “rạc gáo”/ Xuân đến trong ta quá đổi sầu”, cảm thấy mình lạc lõng cô đơn trong không gian mịt mờ phương hướng: “Xuân đến áp lưng sườn đá dựng/ Nhìn rừng vây núi, núi mây vây/ Chẳng biết phương nào phương cố quận?/ Phương nào cũng thấy khói mây bay”(4). Nỗi buồn mất niềm tin hầu như miên man: “Ta không là mùa thu/ Sao lòng đầy lá chết/ Ta không là truông rừng/ Sao chiều đi chẳng hết/ Hai mươi rồi ba mươi/ Ta hoài nghi năm tháng”(5); nhìn quê hương không biết đến ngày về: “Biên tái chiều sương buồn chất ngất/ Nhớ nhà ta như dại như ngây/ Nghĩ đến ngày về quê quán cũ/ Thân này da ngựa có bọc thây?”(6). Ngay cả trong cảm xúc lứa đôi cũng nhuộm màu úa héo, chạnh lòng rơi rụng theo chiến chinh: “Chiều cuối thu ngưng nghẹn điệu khèn/ Lá úa rơi vàng trong đáy mắt/ Của người Thượng nữ buồn sơn khê”(7). Bao quanh là không gian chia lìa, trống vắng: “Đường có đưa về dãy núi cao/ Mây mù, khí đá có vờn nhau?/ Hay đã đến ngày mây bỏ núi/ Ta cô đơn mà núi cũng cô đơn! […] Cắn nhẹ lá rừng ta làm thơ/ Tặng người con gái chiều đơn sơ/ Em ạ! Đêm nay rừng lạnh lắm/ Lòng ta cũng lạnh đến vô bờ!”(8).
Một mái tình quê
Sau năm 1975, Lê Nguyên Ngữ tiếp tục sáng tác thơ. Cảm hứng quê hương trong thơ anh có những chuyển biến khác trước. Nhìn dấu tích tháp Chàm gợi nhớ một miền quê, lẫn trong sắc màu văn hóa: “Chẳng biết vừa thu hay cuối hạ ?/ Mà thơm hương cốm, lúa đòng xanh/ Ka-tê mùa lễ chen xiêm áo/ Tháp cổ mưa chiều nghiêng tiếng chiêng !/ Ai dáng em về trong điệu múa ?/ Lưng Chàm xoay tít những hoa văn” (Mưa chiều tháp cổ – 1991). Cảm nhận cuộc đời trở nên trong sáng, trẻ trung: “Tháng giêng/ Ừ nhỉ tháng giêng ngoan/ Xuân ngõ em về mầu rất xoan/ Cúc vàng ra đóa bên đường nắng/ Ngóng tuổi thương nên cải mới ngồng” (Tháng giêng ngoan – 1991). Tết đến bây giờ thiêng liêng, ấm áp: “Thời khắc bỗng ngừng trôi/ Phút chín mươi điểm rồi/ Hương trầm thơm ngai ngái/ Giao thừa hồn chơi vơi” (Giao thừa – 2009). Nhưng trong cảm thức thơ Lê Nguyên Ngữ không lạc quan một cách hời hợt trước cuộc sống những năm sau 1975, mà luôn suy gẫm, cảm thương về những mảnh đời còn nhiều cơ cực, gian nan. Đó là tâm trạng nỗi niềm của những trẻ em phải bỏ học đi bán vé số: “Chiều nao em bán qua trường cũ/ Sân lớp ngày xưa luống ngậm ngùi/ Trường học, trường đời chia mấy ngã?/ Trăng rằm thoát đó đã xa xôi…! (Trăng rằm thoát đó, 1989). Hay thực trạng cuộc sống người dân đi kinh tế mới ở những làng quê trung du mà cái nghèo vẫn cứ đeo bám: “Ngồi lại bên chiều kinh tế mới/ Quán nghèo, bếp lửa, khói trung du/ Uống lên ly rượu mưa hiên tạt/ Một nửa men chiều, một nửa thu” (Quán chiều phố huyện – 1991)
Tình đời qua những trang văn
Truyện của Lê Nguyên Ngữ – truyện ngắn cũng như tiểu thuyết, kết cấu diễn tiến chậm rãi – phần nào có chất chậm rãi sử thi, nhưng khác ở chỗ dẫn dắt vấn đề để tạo tình huống bất ngờ, nhiều khi dồn nén đẩy lên đỉnh cảm xúc. Thế mạnh của Lê Nguyên Ngữ sau năm 1975 là văn xuôi, chủ đề phong phú, với những thiên truyện ngắn đầy ắp tình đời, nhưng luôn nghiêng về nỗi buồn số phận. Đọc truyện Lê Nguyên Ngữ, ta bắt gặp đề tài cảm hứng quê hương thời chiến trong quá khứ đầy biến động, những hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã. Trong thời chống Pháp, ở vùng Tà Dôn, Diệu Liên là cô gái xinh đẹp, biết bao chàng trai theo đuổi. Nhưng Liên chỉ yêu Tạo, một thanh niên kháng chiến. Đến khi kháng chiến kết thúc, Tạo có tên trong danh sách tập kết ra Bắc. Đêm chia tay, hẹn hò hai năm sau gặp lại, Diệu Liên quyết định hiến dâng đời mình cho tình yêu. Ngụy quyền miền Nam lúc ấy củng cố chính quyền, truy tố những người dính dáng đến Việt Minh, trong đó có cha Diệu Liên. Tay phó xã Hưng vin cớ để tìm cách đe dọa, mục đích muốn lấy Liên làm vợ – cùng lúc Liên phát hiện ra mình đã có thai với Tạo. Để bảo vệ cái thai trong bụng và tính mạng của cha, không còn cách nào khác, Liên đồng ý lấy phó xã Hưng. Đến khi sinh nở, Liên bị băng huyết. Tình trạng sức khỏe ốm yếu, không thể gắn bó quan hệ vợ chồng với Hưng, Liên lập bàn thờ Phật tu tại gia. Mãi đến mười bốn năm sau, Liên mới gặp lại Tạo, đó là vào: “Một khuya ngày giáp tết Mậu Thân, anh đã về giữa hồi kinh công phu của chị. Trong sự hội ngộ, lâu rồi cứ tưởng chỉ có trên cõi Niết Bàn, Diệu Liên đã ngã mười bốn năm chờ đợi của mình vào vòng tay anh mà khóc điếng, khóc mùi”. Thương cho đứa con gái tên Hòa mười bốn năm qua cứ nghĩ phó xã Hưng là cha ruột của mình. Trời sắp sáng, “sực nhớ hôm đó là ngày phó xã Hưng hẹn đến lo việc tết”, “chị đã vội giục anh ra hầm bí mật”. Hưng và tên thiếu úy cảnh sát đến. “Ngồi chưa ấm chỗ, dường như đánh hơi được sự khác thường nào trong đôi mắt của chị” , hắn ra ngoài xuýt gà quan sát. Chờ khi hắn về, chị vội ra hầm bí mật thì than ôi, đàn gà đã bươi chải làm lấp lỗ thông hơi. Chị vội cạy nắp hầm nhảy xuống thì anh đã lạnh khắp cả người. Rồi chị lặng lẽ sống theo tháng ngày với cái am thờ Phật tại gia. “Trong lúc chị đang tụng kinh chiều” vào ngày 30/4/1975, với bao nỗi niềm, chị nhận được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tác giả để nhân vật mượn cửa nhà Phật che giấu những nghiệt ngã riêng tư của bản thân, cửa Phật giúp Liên che được mắt trần tục của kẻ quyền lực si tình suốt mười bốn năm, nhưng không có được phép mầu để đem lại hạnh phúc tình yêu lứa đôi, nên nỗi buồn cứ mãi vấn vương. (Chuông chiều cuối năm).
Trong tiểu thuyết Sao mai lấp lánh, Lê Nguyên Ngữ tái tạo quá khứ trong một không gian địa lý – xã hội hẹp, xoay quanh cái ấp Lương Sơn Tây với Khu Lê nhưng đầy biến động để nhân vật Khá – cô bé vị thành niên xuất hiện, thơ ngây, sống trong cái ấp đang diễn ra cuộc xung đột chính trị giữa địch và ta, cho đến khi bé Khá trưởng thành, biết nhận thức về cách mạng, âm thầm ôm ấp một tình yêu đơn phương trong sáng với nhân vật Kiệt, cũng là lúc Khá cầm súng bước vào chiến trường với những cuộc đụng độ nảy lửa khốc liệt. Kết thúc tiểu thuyết cũng là những dòng viết kết thúc trận đánh trong tư thế người làm chủ chiến trường: “Khá chậm chạp ra khỏi cơn mê. Tay cô vẫn còn nắm chặt lấy băng đạn, cẳng chân có đùi bị bắn nát nằm quặt ngang, gác lên người Kiệt. Trên người cô, thêm một dòng nước nhớp nháp nào đó bò chầm chậm men theo dây nịt ngực căng cứng. Khá lại như mơ hồ chìm đắm vào cơn khát cháy người của Khu Lê. Khá cố mở thật to mắt lần cuối cùng. Trận địa tự nhiên yên tĩnh như nhà mồ. Pháo sáng của giặc cũng đã tắt phụt đi hồi nào. Khá đảo tròng mắt về phía tây, ngôi sao Mai nằm nghiêng lấp lánh sáng mãi về phía cô như đã mãn nguyện về một điều gì.” (Sao mai lấp lánh –1989).
Cuộc chiến gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng trong cảm thức Lê Nguyên Ngữ như vẫn còn nguyên vẹn. Những ngày năm 1975, cuộc tháo chạy của tàn quân Việt Nam cộng hòa là một thảm nạn trên chiến trường Bình Thuận. Trên các tuyến đường bộ từ Phan Rang vào Phan Thiết đã bị quân đội Việt Cộng chọc thủng kiểm soát nhiều đoạn. Nhóm tàn quân chỉ còn cách, kẻ cởi áo lính thay áo dân thường, nhóm lính khác ra biển cướp thuyền chạy theo đường thủy. Thuyền lênh đênh trên sóng nước, nắng lên, cơn khát đe dọa, số người ngồi trên thúng không biết chèo, không biết bơi, “Chiếc thúng loay hoay, lắc lư rồi gối uể oải lên từng chợn sóng. Chợt có tiếng can rơi và nước bắn ra từ miệng Liêm: - So, nhìn gì kia! Một chiếc ghe không biết từ đâu hiện lên, đang nhằm hướng ba người tiến đến. Tốc độ khá nhanh. Trên buồng lái gió thổi bay ngang lá cờ xanh đỏ sao vàng càng lúc càng rõ dần. Lá cờ đã khiến trung tá Liêm kêu không kịp uống ngụm nước. - Trời… Việt Cộng rượt theo! Giờ thì thấy rõ trên ghe có những người đội mũ tai bèo và súng ống tua tủa. “Thì ra… là mày !”, “Đoàng… đoàng… đoàng…!” Thúng chao đảo. So hốt hoảng nhìn sang thì vừa lúc Liêm, tay súng ngang đầu đang bật ngửa ra ngoài. Cùng lúc Mùa lăn quay vào lòng thúng. “Trời !”. So chụp súng không kịp, bàng hoàng kêu lên. Sự việc xảy ra quá đột ngột. Trung tá Liêm đã bắn Mùa rồi tự sát. So vội ôm đỡ lấy Mùa. Trời biển chòng chành. Trong tích tắc trên vành thúng nghiêng qua, So thấy trung tá Liêm đang ngửa người chìm trôi dần trong biển…” (Mơ hồ trên biển nắng, 11-2020).
Chiến tranh trong hồi tưởng của nhà văn là nỗi đau bi thảm.
Một hiện thực xã hội khác vào những năm 1989, 1990 của thế kỷ trước, ai đã từng sống ở vùng quê này khó quên được hiện tượng huê hụi đã làm điêu đứng, tan nát biết bao gia đình từ thành thị đến nông thôn. Ngòi bút nhiều nhà văn không bỏ qua hiện tượng này, trong đó có Lê Nguyên Ngữ. Anh xây dựng nhân vật Thuần, cô gái nông thôn, lấy chồng sinh con, cha chồng chết, rồi chồng chết, chỉ có một đám ruộng vỡ hoang để lại. Cuộc sống khó khăn, Thuần ra sức canh tác đám ruộng để nuôi con. Một hôm, Hoạt – anh láng giềng, qua nhà Thuần rủ chơi huê. Lúc đầu, Thuần rất e ngại, nhưng sau nghe Hoạt thuyết phục: “Chẳng lẽ tôi với chị lại giật nhau ư, ra vô thấy mặt ? (...) dây hụi tôi xổ kỳ này “toàn những tay sừng sỏ và quyền thế, tiền bạc cả !”. Nghe Hoạt phân tích, đúng là không có việc làm nào thu lãi nhanh như vậy, Thuần nghe theo, dừng tất cả các sinh hoạt đồng áng, nuôi heo, góp tiền đóng huê lấy lãi. Lúc đầu, thu nhập vô cùng hấp dẫn. Nhưng đùng một cái, tin bể hụi động trời, chủ hụi bỏ trốn. “Bây giờ thì cả xóm Tre nợ nần đan chéo, chằng chịt lẫn nhau. Ai cũng là con nợ, đồng thời là chủ nợ bát nháo cả lên... (...) Cả xóm Tre chạy quáng lên như nhà có đại tang. Chỗ nào cũng gặp cảnh xiết nợ, cấn nợ.”. “Trong nhà trước kia đồ đạc, tiện nghi là thế mà giờ trống huơ, trống hoác, chỉ còn trơ cái nền gạch”. “Riêng Thuần, sau khi bù trừ các khoản đưa đi lấy về xong, còn nợ Hoạt ba triệu hai ! (...) tiền triệu dù trong lời nói cũng là điều hiếm hoi, vậy mà bây giờ... (...) Lấy đâu ba triệu hai để trả...”. “Khoảng nửa đêm, có tiếng Hoạt gọi Thuần ở cửa sau. Thuần mừng rú lên lao ra. Người Hoạt nồng nặc mùi rượu...”. Hắn đểu cán: “anh cho tất cả”, chỉ xiết đám “ruộng hoang”. Kết truyện: “Nắng cuối buổi chiều vẫn không ngớt trải xuống một màu vàng thắc thỏm trên thửa ruộng hoang” của cha chồng và chồng để lại đã rơi vào tay Hoạt. (Ruộng hoang).
Nỗi lòng với trẻ
Đọc truyện Lê Nguyên Ngữ, tôi gặp những hình ảnh anh khá dụng công xây dựng, là những con thú như chó, gà, khỉ… gắn với những mảnh đời cơ cực trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng đầy cảm xúc, qua cách dẫn dắt truyện rất nhân tình, đã chạm đến những điều sâu thẳm lay động lòng người, những điều thuộc về nhân đạo và dã man, đôi khi làm người đọc muốn rơi nước mắt. Con chó Nô khôn ngoan hằng ngày dắt bé Hiền đi ăn xin để nuôi mẹ bệnh tật ở quê, cùng Hiền trú ẩn qua đêm nơi đầu đường xó chợ, thường đêm nó tru lên, Hiền bảo đó là nó hát. Nhưng quá cơ cực, cuối cùng, trong tình cảnh hết sức xót xa, Hiền đành nhẫn tâm bán con chó. (Tiếng hát trăng bên thành cổ). Hay con chó Ni của H’Riêng, nó thường đưa H’Riêng đến trường để học, nhưng khi phát hiện ra tiệm thịt cầy của lão Tất bên đường, nó sợ, không dám đưa H’Riêng đến trường nữa. H’Riêng thương nó lắm. Nhưng cha H’Riêng quen nhậu với bạn bè, lâu không biết lấy gì đãi lại, nên bắt H’Riêng đem con Ni đến nhà lão Tất đổi thịt đem về đãi bạn. H’Riêng tìm cách để cứu con chó thoát nạn. Tình cảm của H’Riêng với con Ni mang ý nghĩa nhân văn và giá trị nhân đạo tỏa sáng từ tâm hồn trẻ thơ. Nó mâu thuẫn, xung khắc với tính cách, nhân phẩm người cha say xỉn. Tác giả đặt ra vấn đề không nhỏ về hình thành nhân tính để giáo dục đạo đức cho con cái từ trong gia đình (Điều ngạc nhiên của Ni). Còn con khỉ Stonny là điểm nhấn trong quan hệ của Hà với người lính Mỹ tên Jack để sinh ra thằng Chiến mà nhân vật tôi – là người lính Việt Nam cộng hòa, phải gánh lấy bao nỗi niềm khi chiến tranh kết thúc với đứa con lai, khi Hà là vợ anh chết và Jack – tình nhân của Hà, đã về bên kia Thái Bình Dương (Điệu luân vũ đầu tiên). Chuyện con khỉ B’Li trong “Mùa xuân B’Li không về”, cũng như hình ảnh con gà Nổ của bé Liên trong “Con gà Nổ và mùa xuân của em tôi” đều toát lên ý nghĩa nhân tình ấy. Trong chùm truyện về đề tài tuổi thơ, có thể nói truyện “Mông Xà Lai” là bi thảm nhất: Thằng bé lên sáu, sống ở vùng rừng núi, lần đầu tiên theo mẹ xuống thị xã bán củi để mua con heo đất, nên nó nắm áo mẹ bám theo. Mẹ bán củi xong, dẫn đến hàng mua heo đất, thì hỡi ơi, một thằng cướp giật tiền của mẹ nó. Mẹ bỏ nó lại rượt đuổi theo thằng cướp. Khi nó hoảng hốt không biết mẹ ở đâu, thì có một người đàn ông tên Đúng dụ dỗ nó theo. Nó mất mẹ từ đó, về ở với người đàn ông tên Đúng xa lạ, sau này nó gọi là ba Đúng. Đôi mắt nó thoạt đầu bị nhậm, ba Đúng xức thuốc mãi không hết, cuối cùng bị mù. Một đêm nó nằm ngủ, không thấy đường, bị đá rơi trúng chân, ba Đúng bó thuốc cho cũng không hết, thành què. Thân hình như thế nên ba Đúng gọi vui nó là Mông Xà Lai, rồi quen dần. Từ khi đui què, ba Đúng đưa nó đến chợ với cây gậy, dạy nó cách ăn xin, hết ngày, ba Đúng lại đưa nó về. Ngày này qua tháng nọ, nó cứ thế đi ăn xin đem tiền về nuôi ba Đúng. Khi ba Đúng bịnh, phải nhập viện, nó vẫn lần mò lên viện để lo cho Đúng. Bây giờ Đúng mới thấy ăn năn hối hận, nói hết sự thật cho nó biết, chính ông làm cho nó đui què để đi ăn xin về nuôi ông. Nói xong ông lại mê đi. Nó khóc ngất, phần thương cho nó ít mà sợ ông Đúng chết thì nhiều. Khi biết ông tàn nhẫn với nó, nhưng nếu dùng số tiền nó để dành được tìm về quê nhà trong trí nhớ non nớt xa mù của nó cũng chẳng biết nơi đâu, mà nó bỏ đi thì ai lo thuốc thang cho ba Đúng, dẫu sao nó ở với ông lâu nay cũng bén tiếng quen hơi rồi, nếu ông chết thì nó sống với ai. Chỉ cần ba Đúng hối hận thế là nó đã ấm lòng. Nghĩ thế, khi đếm số tiền ba Đúng đưa cho nó không đủ để mua thuốc, nên “Mông Xà Lai ôm luôn theo con heo đất và khua gậy, “chấm phẩy” vội vàng về hướng hiệu thuốc của bệnh viện”. Truyện khắc họa lại nghịch cảnh tàn ác có thật một thời đến xé lòng. Con người đối xử với nhau – cụ thể người lớn đối xử với trẻ con, khốn nạn hơn súc vật. (Mông Xà Lai – 1994).
Chuyện từ góc khuất
Đề tài trong sáng tác văn xuôi của Lê Nguyên Ngữ sau 1975 rất phong phú, cũng nằm trong dòng chảy chung của văn học thời hậu chiến, luôn bám sát hiện thực cuộc sống đang diễn ra chung quanh. Tác giả đi sâu vào tìm hiểu, phân tích những ngóc ngách riêng tư sâu kín cá nhân trong cuộc đời thường, khai thác về con người số phận, có thể về kinh tế, về tình cảm lứa đôi, tình cảm vợ chồng trong những nghịch cảnh khác nhau. Lê Nguyên Ngữ thành công khi khai thác dẫn dắt mạch truyện với những yếu tố bất ngờ.
Viết về tình yêu lứa đôi, tác giả đề cập đến nhiều lứa tuổi. Một cô gái Huế đôi mươi đến miền biển xa lạ này tình cờ quen với một anh Tường, khi tình cảm từ phía Tường nảy nở thì bỗng dưng không thấy cô gái mỗi sáng đến xin nước giếng nữa. Anh thơ thẩn quyết chí đến tìm nhà của cô gái ấy mới hay cô đã về Huế lấy chồng. Anh lảo đảo quay về, những ngày cuối năm – sắp Tết, trước mắt anh “sương mù giăng khắp nẻo.” (Sương sớm). Nhân vật tôi chơi trên bãi biển tình cờ sút quả bóng chệch hướng đúng vào vĩ cá của người làng chài, làm cá phơi đỗ tung bay khắp hướng, bị bà chủ nhà “chửi từ tam đại chửi sang, tứ đời chửi xuống”, nhân vật tôi "đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt đi lượm cá”, mất hết một buổi “lượm xong phơi lại đàng hoàng”, nhưng lại được làm quen với cô gái trong nhà ra trợ giúp. Nhân vật tôi về nhà thấp thỏm nhớ thương. Sau bất ngờ, lại bà chủ nhà kia đưa cô gái ấy đến nhà anh để may áo. Anh dồn hết công sức để may cho cô bé tên Nguyễn Thị Sen Hạ ấy chiếc áo dài kiểu Chăm. “Chiếc áo dài mà tôi miệt mài bao đêm với đường kim mũi chỉ”. Áo đã may xong, nhưng đến ngày ba mươi Tết rồi vẫn chưa thấy Sen Hạ đến lấy, anh phải lặn lội đem áo đến nhà thì mới biết Sen Hạ là cô học trò người Chăm ở trọ, vì gia đình có đại sự nên cô đã bỏ học về quê rồi. Kết truyện: “Tết nay “năm tuổi” nên tôi không đi chơi đâu, chỉ co cuộn ở hiệu may chú tôi với chiếc áo dài của Sen Hạ.” (Chiếc áo dài kiểu Chăm).
Cô gái ấy tên Dần, đặt tên theo tuổi. Con gái tuổi Dần thường cao số, khó lấy chồng. Sự thật đến với Dần gần như thế, khi xuất ngũ đã đứng tuổi rồi, cô quyết định về một nông trường để xem vận số tình duyên ra sao. Nhưng có người giới thiệu cô về làm thư ký ở ủy ban xã, lại phụ trách phần làm giấy hôn thú cho những cặp nam nữ cưới nhau. Một hôm tình cờ cô đọc hồ sơ kết hôn của một cô gái tuổi Dần, lại gợi cho cô suy nghĩ về bản thân chuyện lập gia đình. Đang lúc ấy thì một một thương binh đến ủy ban xã xin giấy phép đặt bàn bi-a. Hóa ra đó là đồng đội của cô ở cùng đơn vị trước đây, thân tình như anh em. Trò chuyện vòng vo rồi hỏi đến chuyện gia đình, Tùng nói sẽ giới thiệu cho Dần một người, làm Dần nhen nhóm hi vọng. Qua nhiều lần Tùng hứa giới thiệu Dần với người ấy, nhưng cứ lỡ hẹn hoài. Rồi một ngày cuối năm, Dần quyết định hỏi Tùng địa chỉ người ấy để gửi quà tặng. Đến nơi không gặp Tùng, hỏi người nhà của anh, chẳng ai biết người cô muốn gặp. Điều đó làm cô ngẫm lại các thông tin của Tùng về người bạn nào đó mà Tùng bảo giới thiệu cho cô không ai khác ngoài anh, người con trai tuồi Dần, thương binh, độc thân, lớn hơn Dần một giáp, đích thị là Tùng rồi, chứ còn ai vào đây nữa. Tác giả kết truyện một cách nhẹ nhàng về mối tình của người con gái tên Dần theo đuổi: “Chiều càng xuống càng đẹp, dòng sông trước mặt Dần càng trở nên êm đềm với những chiếc lá phong du vàng xuộm đó đây trên mặt nước. Ai biết được mai này chúng ta sẽ trôi về đâu trên dòng sông nhiều bờ lắm bến.(...) Những trái phong du cứ như muôn tín hiệu tròn mềm phát đi, lăn mãi, bay hoài trong không gian mùa thu đầy gió chiều, nắng muộn”. (Mùa thu như cây phong du)
Từ những diễn biến tâm lý yêu đương cho đến những thực trạng cuộc sống vợ chồng, cả những chuyện bạo lực gia đình – là một hiện thực nhiều khi tưởng chừng như khuất lấp, nhưng nó đeo bám dai dẳng hàng ngàn năm trong cuộc sống cộng đồng, với những góc độ phức tạp khác nhau. Bạo lực nhiều khi do ích kỷ ghen tuông. Chuyện ghen tuông đưa đến hành động bao lực đã đi vào văn học từ thời thần thoại xa xưa cho đến giờ. Ở Việt Nam, Sơn Tinh – Thủy Tinh vì ghen mà đã làm nên lũ lụt khổ lụy biết dường nào. Ở văn học nước ngoài, bởi một Hera mà thần Zues với Ixion bao phen tranh chấp (Thần thoại Hy Lạp); vì hiểu nhầm mà Rama đã tàn nhẫn với Sita (Ramayana – Ấn Độ); ta bắt gặp một Hoạn Thư hành hạ Thúy Kiều (Truyện Kiều – Nguyễn Du); một Othello vì ghen mà giết chết Desdemona (Othello – W. Shakespeare). Có khi vì nghèo đói, bế tắc mà dẫn đến nhục hình như vợ chồng người hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu,… Ở Lê Nguyên Ngữ là một góc nhìn khác. Chị Ba quê vùng sông nước miền Tây, lấy chồng là Thậm ở Thuận Sơn miền Trung. Thậm trước đi bộ đội, nay phục viên, hằng ngày đạp xích-lô. Chị Ba ở nhà chăm con và bếp núc. Những lúc ru con, chị hát những bài ca Nam bộ. Không hiểu vì lý do gì mà mỗi lần Thậm nghe những làn điệu Nam bộ chị hát thì anh nổi cơn thịnh nộ, văng tục, cấm đoán, không muốn chị tơ tưởng điều gì về quê hương của chị, buộc chị hát những bài ở Thuận Sơn quê anh để ru con. Nhưng những điệu hát bài chòi quê anh chị không hát được, nên những lúc ở nhà một mình chị mới dám hát ru con những làn điệu ngọt ngào của sông nước miền Tây. Có lần đột xuất anh về bắt gặp chị hát, lại thấy ai đó cho chị mượn một tờ tạp chí Sông Hậu, anh nổi lôi đình: “Đù ... mẹ mày, tao đã nói là không có Sông Tiền, Sông Hậu gì xuất hiện trong cái nhà này nữa hết !”. “Mày nghe rõ chưa... rõ chưa, rõ chưa...!”. Lẫn trong câu nói hằn học là “tiếng giấy bị nhàu vò”. “Tờ báo của tui, của tui... Anh không được động đến tờ báo của tui... !”, rồi tiếng vật lộn huỳnh huỵch và tiếng giằng khóc hu ... hu... của chị Ba. Tiếng khóc rỉ ran, tấm tức... (Từ trong nỗi nhớ).
Đọc văn xuôi Lê Nguyễn Ngữ, tôi bắt gặp ở đó những trang viết chậm rãi, đôi khi chùng chình rảo bước qua cuộc đời số phận, nhiều lúc vắt qua những mảnh đời tuổi thơ vướng vào không gian giăng bẫy trái ngang, gióng lên lời cảnh báo đạo đức về phía kẻ trưởng thành, cũng như những đồng cảm nâng niu với những người thương tật. Một ngòi bút văn xuôi đầy tính nhân văn. Trong thơ Lê Nguyên Ngữ ngoài những tình đời trải lòng tỉnh say cùng quê hương xứ sở, nhiều khi chếnh choáng khề khà phơn phớt hơi men của chàng lãng tử như chính cái phong cách lãng tử của Lê: “Bên núi hai ta cùng bóng núi/ Rượu dê vừa rót đã be… he… / Bạn dáng thiền sư bên chiếu cỏ/ Và giống phàm phu lúc uống khè…!/ Bạn nói mùa đông chừng sắp hết/ Dê đàn sẽ béo lúc sang xuân/ Ta nói mồng Năm xưa là Tết/ Giấy đỏ đầu dê nhớ dán sừng/ Bạn nói cầm tinh mình tuổi cọp/ Bây giờ nghèo đói hóa gần dê/ Thì thôi, ta nói đời là thê!/ Ngẫm nghĩ mà thương Bá Lý Hề”… (Mùa xuân uống rượu với người chăn dê – nhớ Bùi Giáng).
______________
(1) NXB Đại học Quốc gia Hà nội, 2015; (2) Chiều ngút khói –Tap chí Văn, năm 1972; (3) Quán tản cư - Tap chí Bách khoa, số 378, thang 8/1972; (4), (6) Trường Sơn xuân quạnh đồn biên trấn – Tạp chí Văn, số Tân niên 1973; (5) Xế đời đao thủ phủ - đăng ở Giai phẩm Thời tập, 1974; (7) Mai xa bản thượng – Giai phẩm Thoát, 1972); (8) Chiều đơn sơ – Tạp chi Văn và nguyệt san Tiền phong, 1973. Những bài thơ sau 1975 đều trích trong tập Thơ Lê Nguyên Ngữ, NXB Hội Nhà văn, 2012.
Lê Nguyên Ngữ: Tác phẩm chính đã xuất bản: Tiếng vó ngựa đêm cuối năm (tập truyện, in chung, 1997); Tâm sự một bàn tay, tập truyện, in chung, 1987; Mùa xuân B’Li không về, tập truyện 1994; Tiếng hát trăng bên thành cổ, tập truyện, 1994; Điệu luân vũ đầu tiên, tập truyện, 1994; Ký ức chiều, tập thơ, in chung, 1995; Sao mai lấp lánh, tiểu thuyết, 1998; Người bạn nhỏ nơi ga xép, tập truyện, 2001; Tìm chồng trong động rắn, tập truyện, 2002; Mùa trở gió, tập truyện, 2005; Ba cô xá chí ma vương, tập truyện, 2006; Thơ Lê Nguyên Ngữ, tập thơ, 2012; Cùng in chung trong rất nhiều tuyển tập trong và ngoài nước. Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam”.
Nguồn: https://hvhnt.binhthuan.gov.vn/News/tacgiatacpham/2021/04/463.aspx