Một nghệ sĩ thực thụ vừa có những giây phút thu mình vào chốn cô đơn cùng tận rồi lại trải lòng ra trăm nẽo với đời: “Có khi nghĩ trời sinh một mình ta là đủ/ Vì đám đám đông quậy bẩn nước hồ đời/ Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn/ Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi” (Mai sau dù có bao giờ) đã không còn “choàng vai” bè bạn trên cõi nhân gian này nữa mà vĩnh viễn đi vào “cuộc rong chơi” trong thế giới phiêu bồng bên kia từ lúc 08 giờ 50 ngày 04/8/2015 tại nhà riêng ở Phan Thiết – thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn.
Bản thân anh sống “Ở đời như một nhà thơ Đông phương”, “chiêm bái đồng lúa chín vàng” để “thấy lòng hảo tâm của trời đất”, “chiêm bái ngọn bất đèn” để “tìm thấy sự ấm áp vô cùng của lửa”, “chiêm bái hạt muối”, “chiêm bái hạt mè”, “có lần chiêm bái một hạt mưa sa” để thấy “khuôn mặt trẻ con”, “đôi mắt chim người nữ” rồi “bỗng rùng mình biến thành vũ trụ”. Nhân từ và thiền định.
Trong nền văn học đương đại, Nguyễn Bắc Sơn là một trong những con người rất hiếm sống mang cả chất đời trộn lẫn chất thơ. Hồi trước 1975, anh làm “lính cậu”, trình làng bạn đọc “Chiến tranh Việt Nam và tôi”, gây ra một tiếng vang với giọng điệu ngang tàng mà thống thiết, ngao ngán sự chém giết của chiến tranh ở một tâm hồn hết sức nhân văn: “Trong thành phố này ta là người phản chiến/ Sống thật âm thầm, ai hiểu ta đâu”, “Trời đất bao la ta chỉ một mình” , có khi muốn “chặt đi bàn tay trái”, “muốn thọc mù con mắt phải” để không còn “bắt một người làm thơ như ta đi làm lính” (Cười lên đi, tiếng khóc bi hùng), hết sức tâm trạng, hết sức nỗi niềm vốn “hiền khô” của người “lính cậu”, “Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt/ Xin giã từ đời vũ khí huy chương/ Xin trở về như một kẻ hoàn lương/ Xin vứt hết xin bắt đầu lại hết.” (Tiệc tẩy trần của người sống sót). Bởi thấy đời lính của chính mình thật là vô vị: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm/ Đốt tiền mua vội một ngày vui” (Mật khu Lê Hồng Phong).
Đối với đồng ngũ cùng thời, anh nhận ra cái điều chân thật nhất với giọng ngang tàng mà đầy những xót xa cho thân phận: “Ngửi mày một tí xem làm sao/ Thân thể mày bay mùi binh đao/ Ngày trước mày hiền như cục đất/ Giờ mở miệng ra là chửi tục/ Hà hà ra thế con nhà binh/ Ngôn ngữ thơm tho như mùi cứt” (Bài hát khổ nhục). Và ngay cả trong tình yêu nam nữ, đôi lúc chạnh lòng như mất niềm tin, nhưng trong tâm khảm tận cùng vẫn phân định rạch ròi, dù cuộc đời với bao bão táp đi qua, giáng xuống thì hình bóng em vẫn cứ thấp thoáng mang theo: “Vì người đàn bà nào cũng như người nấy/ Nên ta bảo mình thôi hãy quên em/ Nhưng người đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy/ Nên suốt đời ta nhớ nhớ quên quên” (Mai sau dù có bao giờ).
Anh cũng không ngần ngại khắc họa chân dung của mình: “Ta sống ở đời như một kẻ nhàn du/ Trôi qua tháng, trôi qua ngày, trôi trên cuộc đời huyễn mộng/ Trôi từ chiếc nôi ra đến nấm mồ/ Trên trái đất có rừng già núi non cùng sông biển/ Trong người Nguyễn Bắc Sơn có kẻ làm thơ/ Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng/ Hoặc nhà thơ theo khí hậu từng mùa” (Chân dung Nguyễn Bắc Sơn).
Trước 1975, thơ anh viết không nhiều, nhưng với giọng thơ rất ấn tượng về phong cách ấy đã để lại một Nguyễn Bắc Sơn lan tỏa nhiều nơi. Hồi năm 1974, nhà thơ Anh Ngọc “trong lúc làm biên tập viên phần văn hóa văn nghệ tờ Quân đội nhân dân” đã từng đọc mấy dòng “Mai ta đụng trận ta còn sống…” (Chiến tranh Việt Nam và tôi) trong bài viết của nhà nghiên cứu Thạch Phương đã tạo cho ông một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ: “Mấy câu thơ gợi cho tôi bao điều tò mò. Với một người lớn lên ở miền Bắc, được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa như tôi, thì cái thế giới trong thơ Nguyễn Bắc Sơn quá là xa lạ”. Thế nên, khi tiến quân vào Phan Thiết, cái đêm 18/4/1975 ấy, Anh Ngọc đã tìm gặp được Nguyễn Bắc Sơn, rồi cũng đêm ấy đến thẳng nhà Nguyễn Bắc Sơn (dẫu lúc ấy hai người ở hai chiến tuyến khác nhau), nhưng chính cái hồn thơ kia đã nhanh chóng kết họ lại với nhau trở thành đôi bạn thân thiết. (Theo Cuộc hội ngộ lạ lùng quá sức tưởng tượng – Anh Ngọc, 1995). Rồi tập thơ lại được tái bản tại Thư Ấn Quán Hoa Kỳ, 2005).
Bây giờ tác giả “Chiến tranh Việt Nam và tôi” như những gì trong thơ anh đã viết: “Trôi từ chiếc nôi ra đến nấm mồ”. Nhưng theo di chúc của anh, sáng ngày 06/8, gia đình sẽ đưa anh vào Vũng Tàu để hỏa táng và rước tro về rải trên ngọn núi đẹp nhất của quê nhà – núi Tà Cú. Tro xác phiêu diêu. Hồn phách phiêu diêu về miền cực lạc.
Phan Thiết, ngày 5/8/2014
Võ Nguyên
____________________
* Những câu thơ trong bài viết đều trích trong tập “Chiến tranh Việt Nam và tôi”.
Nguồn: Báo Bình Thuận số ngày 7/8/2015