Faculty of language literature – Hue University of Sciences
Abstract
Comics (manga) is not only a Japanese literary and art genre, but also a contemporary cultural symbol of Japan's power, and it has a pervasively regional and international influence. Manga quickly obtained the achievements both in terms of content (dramatic situations, sexual elements, psychological gender ...) and form (perspective drawing, language, motion effects ...), creating a unique style of manga, with a variety of famous authors and works and becoming one of the most attractive part of Japanese literature for the readers over the world. The influence of manga was very strong. It impacted on many comics traditions of the other countries in East Asian region. However, while learning many things from Japanese manga, the comics of other East Asian countries have their own specific style, maintaining their national identity in the process of exchanging and creating.
CÁC ĐẶC TRƯNG CỦA TRUYỆN TRANH NHẬT BẢN TRONG TƯƠNG QUAN VỚI TRUYỆN TRANH ĐÔNG Á
Tóm tắt
Truyện tranh (manga) không đơn thuần là một thể loại văn học đặc trưng, mà còn là một biểu tượng văn hóa đương đại đầy quyền lực của Nhật Bản, có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng khu vực và cả quốc tế. Thể loại văn học đặc biệt này đã sớm xác định được những thành tựu cả trên phương diện nội dung (tính bi kịch, yếu tố nhục thể, tâm lý giới tính…) và hình thức (phối cảnh, phương thức trình bày ngôn ngữ, hiệu ứng chuyển động…) , tạo nên một phong cách manga đặc thù, với những tác gia và tác phẩm nổi tiếng tiêu biểu, trở thành một trong những bộ phận văn học Nhật Bản có sức quyến rũ với bạn đọc lớn nhất trên thế giới. Tầm ảnh hưởng của manga đối với truyện tranh Đông Á là hết sức sâu sắc, làm biến đổi nhiều truyền thống đặc thù của các nền truyện tranh trong khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiếp thu các đặc điểm nghệ thuật của manga đương đại, các nền truyện tranh còn lại ở khu vực Đông Á vẫn giữ được những phong cách nghệ thuật riêng, hoặc nỗ lực xác lập một bản sắc nghệ thuật riêng trong quá trình giao lưu và sáng tạo.
CN. Phạm Phú Phong- ThS. Phan Tuấn Anh
Các đặc trưng của truyện tranh Nhật Bản trong tương quan với truyện tranh Đông Á
Phan Tuấn Anh - Phạm Phú Phong
Khoa Ngữ văn - Đại học Khoa học Huế
1. Tổng quan lịch sử truyện tranh và truyện tranh Nhật BảnTruyện tranh được xem là loại hình văn học chiếm ưu thế trên văn đàn hiện đại, bởi số lượng xuất bản và các dịch vụ giải trí đi kèm. Nhưng cũng chính bởi truyện tranh đang sở hữu một quyền lực truyền thông mạnh mẽ trong đời sống hiện đại, nên người ta vẫn thường nhầm lẫn rằng truyện tranh đơn thuần là một hiện tượng văn hóa mới nảy sinh trong một vài thập niên gần đây. Những văn bản khởi thuỷ của truyện tranh đã được ra đời từ rất sớm, theo nhà nghiên cứu Chu Mạnh Cường [1], đó là những câu chuyện về thần linh cùng những Pharaoh, những vị thiên tử được vẽ cũng như chú thích trên các bức tường của Kim Tự Tháp Ai Cập và những lăng mộ vua chúa ở Trung Hoa. Dựa trên những cứ liệu lịch sử [7], [1], có thể xem truyện tranh đã được bắt nguồn từ những sáng tác sơ khai của nhân loại - những hình vẽ xâu chuỗi cách đây ít nhất 20 nghìn năm trong động đá, hay loại tranh mang chữ tượng hình Ai Cập cổ đại trong các lăng mộ nằm sâu giữa sa mạc hoang vu. Những bức vẽ trong động đá Lascaux (Pháp) từ trước Công nguyên là những bức tranh đầu tiên, đồng thời cũng là những câu chuyện đầu tiên (được kể bằng tranh) của loài người thuật lại cuộc sống của họ trong thời tiền sử. Tương tự như thế, tranh và chữ tượng hình trong lăng mộ Neferronpet (Ai Cập) thế kỷ 19 trước Công nguyên cũng là những câu chuyện miêu tả sự tôn vinh vua chúa như những vị thần. Các bức phù điêu trên đá cách đây 2400 năm ở đền thờ Parthenon (Hy Lạp) chính là những câu chuyện dài về các vị thần thánh trên đỉnh Olympus. Cũng có người xem bức tranh Adam và chúa trời trên trần nhà tu viện Sistin Chapel (Italya) năm 1511 chính là hiện thân cụ thể cổ xưa nhất của loại hình truyện tranh trên thế giới. Cuối cùng, bức vẽ trong tiểu thuyết Đám cưới của William Hogarth năm 1745 là một câu chuyện minh họa hiện đại rất gần với truyện tranh ngày nay.
Sở dĩ chúng ta có thể quan niệm những hình ảnh vẽ trên Kim Tự Tháp Ai Cập và các hoàng lăng Trung Hoa là khởi thủy của truyện tranh, chứ không phải của hội họa hay điêu khắc, là bởi sự có mặt của những hình thức ngôn ngữ tượng hình cổ dưới các hình vẽ. Các yếu tố hình vẽ đó đã trình bày những diễn biến có tính chất tự sự. Hơn nữa, chính sự khác biệt trong nguyên lý nghệ thuật biểu hiện như tính tự sự, tính chuyển động, tính liên kết giữa các hình vẽ đã giúp chúng tôi củng cố thêm niềm tin rằng, truyện tranh chính là một loại hình văn học chứ không phải loại hình hội họa hoặc bất cứ hình thức nghệ thuật nào khác.
Chúng ta có thể xem truyện tranh hiện đại được manh nha ra đời vào năm 1825, với sự kiện nhà giáo Rodolphe Topffer soạn cho học sinh của mình những câu chuyện có ảnh minh họa (Những chuyến đi quanh co, Ông lão Mộc). Bước sang năm 1865, tác giả W.Busch lần đầu tiên cho xuất bản những cuốn truyện tranh về hai đứa trẻ nghịch ngợm: Max và Moritz. Mặc dù những tác phẩm trên đã dần xác lập một loại hình văn học mới, nhưng cái mốc đánh dấu cho sự ra đời của truyện tranh hiện đại là năm 1896. Bởi lẽ vào thời điểm này, những lời đối thoại trong truyện tranh đã được ghi vào những vòng tròn, trông giống như những “bong bóng” mà chúng ta vẫn thường thấy hiện nay trong mỗi tác phẩm. Như vậy, có thể hình dung sự xuất hiện của truyện tranh trong xã hội hiện đại không phải là dấu chân bước ra từ hư vô, mà nó đã luôn trải dài cùng với quá trình phát triển của lịch sử nghệ thuật nhân loại.
Nền truyện tranh có uy thế nghệ thuật và tầm vóc xuất bản lớn nhất hiện nay trên thế giới chính là truyện tranh Nhật Bản (manga). Với manga, thủ đô của nền truyện tranh thế giới đã từ phương Tây (mà chủ yếu là Pháp, Mỹ, Bỉ) chuyển về phương Đông trong nửa cuối thế kỷ XX. Vai trò của manga đối với nền truyện tranh phương Đông không chỉ là một người tiên phong và là thành tựu cao nhất, mà còn đóng vai trò kích thích, cổ vũ và tạo ra những cảm hứng mới cho các nền truyện tranh Đông Á phát triển. Sở dĩ có sự “lớn mạnh thần kì” của manga, ngoài những tác động từ điều kiện kinh tế, sự tiếp thu học hỏi cầu thị từ comics (truyện tranh phương Tây), truyện tranh Nhật Bản còn dựa trên một nền tảng văn hóa lâu đời, một lịch sử các hình thức sơ khai của truyện tranh hết sức phong phú.
Có thể nói, tinh thần và học thuyết đầu tiên đã làm sản sinh ra truyện tranh ở Nhật chính là giáo lý và triết học của Phật Giáo. Theo nhà nghiên cứu Ezi Izawa [5], trong suốt những năm cuối thế kỉ thứ VI và thứ VII sau Công nguyên, nền văn minh Trung Hoa đã tràn vào Nhật Bản đem theo cả tinh thần Phật giáo. Tiền thân của manga chính là các di chỉ tranh tường còn lưu lại trên những ngôi chùa cổ. Điều đáng ngạc nhiên trong những bức tranh này chính là, chủ đề của nó không hoàn toàn là Phật giáo. Những bức tranh ở hai ngôi chùa cổ có tên Tooshoodaiji và Hooryuuji không phải vẽ về con người và loài vật, mà còn vẽ về cả những vật thể như “linga và yoni” (từ ngữ chúng tôi tạm dùng). Có thể tinh thần phồn thực và hài hước của người dân bản địa đã hòa quyện và thống nhất với tinh thần Phật giáo mới du nhập vào trong những ngày sơ khai.
Trong chính cái nôi Phật giáo ấy, một hòa thượng đồng thời cũng chính là một tác giả truyện tranh đầu tiên đã thực sự xuất hiện. Nhà sư Toba sống vào đầu thế kỉ XII sau Công nguyên chính là người đã vẽ những bức manga khởi thủy cho Nhật Bản. Tác phẩm của ông có tựa đề là Chojugiga (tên tiếng anh là Animal scroll), đây là một tác phẩm viết về thế giới loài vật đã được nhân cách hóa một cách sâu sắc. Tác phẩm này được xem có giá trị tương đương như một tác phẩm văn học viết, đây là tác phẩm truyện tranh được thể hiện bằng hình thức “tranh cuộn” (tiếng Nhật gọi là Emaki, tiếng Anh gọi là Picture scroll). Mặc dù nét vẽ trong Chojugiga còn hơi hướng mang phong cách hội họa Trung Hoa, nhưng nội dung thì rất hài hước và đời thường, khác hẳn với phong cách nghiêm trang của người Hán. Tác phẩm được thể hiện không theo cách phân chia trong những ô tranh như bây giờ, đó là một chuỗi tranh liên tục kéo dài gần 80 feet. Chojugiga có thể tạm dịch là Những bức tranh vui về động vật và chim chóc. Đó là một tác phẩm không tô màu, giống hệt như manga hiện đại ngày nay mà chúng ta vẫn thường thấy (không tô màu trên trang truyện). Đây là một tác phẩm có vai trò cực kỳ quan trọng, bởi nó đã phản ánh một cách châm biếm xã hội phong kiến đương thời qua sự nhân cách hóa: Ếch thì mặc áo cà sa, thỏ là một thương gia, cáo thì chắp tay thờ cúng. . . Chính tinh thần hài hước này đã làm tiền đề cho việc hình thành thể Zenga sau này trong truyện tranh Nhật Bản.
Nói chung, có thể quy những tiền thân của manga theo hai cách chính. Đó là dựa trên cơ sở phân chia đề tài và dựa trên cơ sở phân chia chất liệu thể hiện. Xét trên phương diện chất liệu, có thể quy các hình thức tiền thân của manga vào ba tiểu loại chính:
- Chất liệu tranh tường: Vào khoảng những thập niên đầu tiên của thế kỉ XIII, những bức tranh tường đã bắt đầu xuất hiện trên các điện thờ ở Nhật Bản. Các bức tranh này có tính chất thô mộc, chủ yếu chuyển tải các nội dung về linh vật cũng như các truyền thuyết. Các câu chuyện như thế này về sau đã dần trở thành một phần trong văn hóa Nhật Bản. Nó đã không ngừng phát triển trong hằng trăm năm về sau và phân nhánh thành nhiều chủ đề đa dạng.
- Chất liệu giấy: Tất nhiên, biểu tượng và thành tựu lớn nhất của chất liệu này phải kể đến tác phẩm Chojugiga của nhà sư Toba. Nhưng có một thực tế là, vào thời kì sơ khai của manga, chất liệu giấy vừa khó sản xuất vừa khó bảo quản nên thật sự những truyện tranh được thể hiện trên giấy là không nhiều.
- Chất liệu gỗ: Trong khoảng thời gian đầu thế kỷ XVI, các bức tranh tường đã được thay bằng những bức tranh gỗ. Vào thời đại Edo (1603 - 1868), các chủ đề được thể hiện trên các bức tranh gỗ đã có nhiều sự phát triển lớn. Nó được mở rộng từ chủ đề tôn giáo ra chủ đề châm biếm, thế tục và cả khỏa thân. Có tài liệu cho rằng thuật ngữ “manga” đã được dùng lần đầu tiên vào chính thời gian này để chỉ một phong cách nghệ thuật mới.
Xét theo chủ đề, chúng ta có thể phân chia các tiền thân của manga vào một số bộ phận chính như sau:
- Chủ đề Phật giáo: Đạo Phật là nơi sản sinh ra manga, các họa sĩ truyện tranh (mangaka) đầu tiên cũng chính là những nhà sư, chính vì vậy, chủ đề lớn nhất trong thời kì đầu của manga đương nhiên thuộc về ý thức hệ của tôn giáo này. Nói chung, chủ đề Phật giáo thể hiện trong manga thời kì đầu thường được xoay quanh sáu nội dung chính bao gồm: thiên đàng; địa ngục; con người; động vật; cô hồn và Ashura (người khổng lồ). Các tác phẩm như Jgoku Zoshi; Gaki Zoshi; Zamai Zoshi… đã miêu tả sự đau khổ của con người bằng bút pháp hiện thực đậm nét. Những cô hồn nhảy múa trước mặt con người đang co rúm vì sợ hãi, ma quỷ thì ăn no say mùa màng trong khi con người phải quằn quại trong những thứ dơ bẩn… Nét đáng chú ý cơ bản ở chủ đề Phật giáo vào thời kỳ này đó là, tác phẩm luôn ẩn chứa những nét hài hước. Dù thế giới ma quái đến đâu thì ta vẫn nhận ra những niềm hy vọng được thắp lên từ chính trong bản thân của cuộc sống.
Sở dĩ có hiện tượng ấy là bởi, tinh thần Phật giáo ở Nhật vào thời kì này chính là tinh thần theo “chủ nghĩa thế tục”. Các tăng lữ vừa truyền đạo nhưng cũng đồng thời ủng hộ cho những việc “suy đồi” giống như các câu chuyện trong các cuộn Conetest. Vào giữa thế kỷ XVII, chủ đề Phật giáo có những sự chuyển mình lớn, từ đó thể loại Zenga đã được ra đời. Đây là một thể loại truyện tranh sơ khai có sự kết hợp của Lão giáo, Phật giáo và những câu chuyện đời thường. Thể Zenga đã biến những câu chuyện vui đùa thành các nội dung đáng suy nghĩ. Ở đó, nội dung các tác phẩm truyện tranh đã diễn ra sự kết hợp tài tình giữa những điều hết sức bình thường trong cuộc sống với các chân lý âm trầm và cao siêu.
- Chủ đề thế tục: Song hành với chủ đề Phật giáo trong lịch sử, đó là chủ đề về đời sống thường ngày của con người. Chủ đề thế tục trong các hình thức tiền thân được gọi là Unko manga (hoặc Shit comics). Tác phẩm Hohigassen đã miêu tả câu chuyện về một số người đàn ông đang thi nhau xem ai… đánh rắm được nhiều nhất. Tác phẩm Yobutsu hay cuốn Kurabe (không rõ năm ra đời và tác giả đã viết) thì miêu tả về những người đàn ông đang so sánh… linga của mình xem ai lớn hơn (!). Có lẽ đây là những chủ đề gây sốc với chúng ta ngay cả trong thời hiện đại, tuy nhiên, trong lịch sử manga đó không phải là sự kiện quá đỗi đột xuất. Người Nhật bản địa với tính cách vui đùa và có phần phồn thực trong tín ngưỡng dân gian tỏ ra rất mạnh bạo khi thể hiện các chủ đề mang tính chất “cấm kỵ” như trên. Có thể đây cũng chính là cơ sở chính yếu cho thực trạng yếu tố sex rất hay xuất hiện trong manga hiện đại. Thậm chí, điều này còn có thể xem là tiền thân của thể loại hentai và ecchi sau này trong manga hiện đại. Trải qua nhiều thế kỉ sau, nguời Nhật đã tổ chức trên truyền hình một cuộc thi… xem ai là nguời đánh rắm được nhiều nhất. Quả thật, cho đến nay, người Nhật vẫn là những người thích đùa và không ngại xấu hổ ngay cả ngoài trang sách…
- Chủ đề ma và kinh dị: Manga và anime (hoạt hình Nhật Bản) hiện đại luôn xuất hiện các yếu tố siêu linh như một đặc trưng lớn, một thủ pháp nghệ thuật đặc thù và là một cách thức để xây dựng tính cách nhân vật. Sở dĩ có điều đó là bởi, ngay trong chính những hình thức tiền thân của manga, chủ đề ma và kinh dị đã có sự phổ biến và được duy trì qua nhiều giai đoạn. Gaki Zoshi là tác phẩm được viết vào những năm cuối thế kỉ XII (khuyết danh), tác phẩm này đã miêu tả nỗi đau đớn của con người dưới sự hành hạ của ma quỷ. Tám trăm năm sau, vào năm 1970, Juji Akiyama dựa trên tinh thần ấy đã sáng tác nên bộ truyện tranh về chủ đề ma quỷ nổi tiếng mang tên Ashura.
Vào thế kỉ thứ XV, danh họa Mitsunobu Tosa đã vẽ tác phẩm kinh dị gần như đầu tiên mang tên Night walk of the hunđre demon. Sau này, với sự kế thừa xuất sắc của Shigeru Mizuki, các tác phẩm truyện tranh ma quái và kinh dị đã bắt đầu ra đời một cách hệ thống. Từ đó, yếu tố siêu linh, ma quỷ đã trở thành một nét đặc thù trong manga, khác hẳn với truyện tranh phương Tây (comics) luôn rất kỵ các chủ đề này.
2. Quá trình hiện đại hóa và các đặc điểm của manga hiện đại
2.1. Quá trình hiện đại hóa
Từ những hình thức tiền thân trong lịch sử, vào đầu thế kỷ XIX, manga đã có những biến chuyển mạnh mẽ nhằm hiện đại hóa. Và sự phát triển mạnh mẽ của manga trong thế kỷ XX chính là một biểu tượng cho sự thần kỳ Nhật Bản, bất chấp thiên tai, chiến tranh, thảm họa hạt nhân và những chấn thương tinh thần. Điểm lại quá trình hiện đại hóa manga, ta có thể rút ra một số điểm chính như sau.
- Thứ nhất: Sự thay đổi về hình vẽ và cách thức đánh bóng tranh
Nhìn chung, rất nhiều ý kiến từ xưa đến nay vẫn xem cách vẽ của manga là học hỏi từ comics. Tuy nhiên, có thể thấy trước thời kỳ hiện đại hóa, chủ yếu cách vẽ của manga chịu sự ảnh hưởng của bút pháp hội họa Trung Quốc. Chỉ từ khi có sự xâm nhập của văn hóa phương Tây, người Nhật mới vẽ các tác phẩm của mình một cách có chiều sâu hơn, biết chú ý đến không gian và các mặt phẳng hơn. Từ đó, manga đã được tiếp thu các kỹ thuật của hội họa hiện đại, cùng những ứng dụng về không gian và điểm nhìn của điện ảnh và nhiếp ảnh. Osamu Tezuka là người đi tiên phong trong việc áp dụng các kỹ thuật không gian vào manga. Ông từng thuật lại trong tiểu sử của mình: “Hầu hết manga được vẽ với chiều sâu bối cảnh tạo hình giống như trên một sân khấu kịch. Lối đi của diễn viên từ bên trái đến bên phải sân khấu luôn là tâm điểm của khán giả. Tôi đã nhận ra rằng không có cách nào khác để xây dựng một cảm xúc mạnh mẽ về tâm lý với cách dàn dựng này, vì thế, tôi bắt đầu áp dụng những kỹ xảo điện ảnh từ các bộ phim Pháp, Đức mà tôi từng học. Tôi thao tác với những cận cảnh và cảnh xiên góc, và cố gắng sử dụng nhiều ảnh và giấy vẽ để bắt được các chuyển động của nhân vật. Chính vì thế, mỗi tác phẩm thường dài hơn 1000 trang” [11,8].
- Thứ hai: Cách ghi lời thoại theo kiểu “bong bóng” của Phương Tây
Ngôn ngữ chính là một trong hai yếu tố cơ bản (cùng với hình vẽ) dùng để biểu đạt nội dung tác phẩm. Chính vì những lý do cơ bản ấy, việc học hỏi người phương Tây trong cách sử dụng lời thoại ở manga là một bước tiến rất quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa. Các hình thức tiền thân của truyện tranh Nhật Bản chỉ ghi chú thích dưới các khung tranh. Bước vào giai đoạn hiện đại, các mangaka đã bắt đầu biết sử dụng các “bong bóng” trong việc thể hiện lời thoại. Đây là một bước ngoặt lớn, bởi nó cho ra đời hình thức đối thoại trực tiếp trong manga. Đưa nền truyện tranh Nhật Bản bắt kịp với trình độ hiện đại của comics cũng như xích lại gần hơn với nghệ thuật hoạt hình. Cũng cần phải lưu ý rằng, trong truyện tranh ngôn ngữ đối thoại luôn chiếm ưu thế cả trên bề mặt văn bản và cả trên nhiệm vụ truyền đạt nội dung. Manga hiện đại ngày nay hầu như chỉ còn tồn tại ngôn ngữ đối thoại, do đó, sự tiếp thu cách ghi lời thoại từ comics có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa.
- Thứ ba: Sự xuất hiện của kỹ thuật in hiện đại
Một trong những lý do để hình thức tranh cuộn (Emaki) của tác giả Toba không lưu hành rộng rãi và chiếm được ưu thế so với tranh tường và tranh gỗ là vì, chất liệu giấy quá khó để có thể lưu hành và sao chép (mỗi cuộn tranh thường rất dài và khó bảo quản). Chính vì vậy, sự kìm hãm lớn nhất đối với sự phát triển của manga trong năm thế kỉ trước đó chính là, người ta không thể tìm ra một phương thức phát hành và xuất bản tối ưu. Bản thân hình thức tranh tường và khắc gỗ ngoài ưu điểm là bền bỉ với thời gian đều không thể là phương thức tối ưu để di chuyển và sao chép. Chỉ từ khi du nhập công nghệ in hiện đại đến từ nền công nghiệp cơ khí của người phương Tây, thì vấn đề nan giải trên mới thực sự được giải quyết triệt để. Ít nhất, nó biến manga từ một hình thức nghệ thuật trở thành một ngành công nghiệp thực sự (có ông chủ tư bản, có máy móc, có công nhân và hàng hóa). Sự xuất hiện của ngành in còn mang hai ý nghĩa to lớn khác. Một là, nó giúp cho việc sao chép các tác phẩm truyện tranh một cách chính xác trong một khoảng thời gian nhanh nhất trong trình độ in cho phép. Truyện tranh có đặc điểm thể hiện bằng hình vẽ, chính vì vậy, chúng ta không thể nào chép tay lại như các tác phẩm văn học viết khác. Do đó, ý nghĩa trong việc sao chép tác phẩm của ngành in là rất lớn lao. Hai là, ngành in đã giúp thiết lập mạng lưới phân bố và phát hành sản phẩm ra khắp nước Nhật. Điều này có nghĩa là thị trường truyện tranh được hình thành và mở rộng. Đối với ngành công nghiệp hàng hóa, việc nghiên cứu thị trường và quảng bá sản phẩm là vô cùng quan trọng. Nhờ đó, manga đã dần khẳng định được chỗ đứng trong xã hội Nhật Bản nhìn từ góc độ thương mại hóa.
Dưới sự ảnh hưởng của người phương Tây, Nhật Bản cũng bắt đầu có một tạp chí trào phúng đầu tiên mang tên Marunnaru Chimbon (1871) tương tự như tạp chí trào phúng Punch của châu Âu. Sau khi điểm qua ba cơ sở chính cho quá trình hiện đại hóa diễn ra, chúng ta sẽ tiến hành tổng kết một số điểm mốc và thành tựu chính mà manga hiện đại đã đạt được.
a. Sự ra đời của mangaka hiện đại đầu tiên
Người được xem là một mangaka (tác giả truyện tranh) hiện đại đầu tiên ở đất nước mặt trời mọc (Nippon) chính là Shumboko Ono. Năm 1702, Shumboko Ono đã làm một cuốn sách bằng tranh đầu tiên với các chương mục rõ ràng. Nhìn nhận một cách chính xác, tác phẩm của Shumboko Ono chính là một cuốn sách tranh chứ chưa phải là một câu chuyện manga hoàn chỉnh như bây giờ. Tác phẩm mang tựa đề Tobae của Shumboko Ono mặc dù còn nhiều khác biệt so với manga ngày nay, nhưng nó đã đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời của hiện tượng văn học Ukiyoe sau này của manga Nhật Bản. Chính vì lý do đó, người Nhật vẫn xem Shumboko Ono là mangaka hiện đại đầu tiên.
b. Cuốn manga hiện đại đầu tiên và sự ra đời của thuật ngữ “manga”
Một cuốn manga đích thực theo phong cách hiện đại đã được ra đời vào năm 1815 (chưa tìm thấy tư liệu về tên tác phẩm). Tác giả của tác phẩm mang tính lịch sử đó chính là Hokusai (1760 - 1849). Trong suốt sự nghiệp của mình, mangaka này đã cho ra đời hơn 30.000 tác phẩm có giá trị. Hokusai cũng chính là tác giả của bức tranh khắc gỗ nổi tiếng Great Wave, một di sản của người Nhật trong thời đại ngày nay. Cũng chính từ Hokusai, thuật ngữ “manga” đã chính thức ra đời. Người Nhật vốn có thói quen ghép âm để tạo ra từ mới. Không nằm ngoài tiền lệ ấy, từ “manga” theo nhà nghiên cứu Eri Izawa được cấu tạo từ hai thành phần có gốc Hán. Trong đó, “man” có nghĩa là: tự do, vô tình, ngẫu nhiên, tự coi mình là nhẹ, bất thường; “ga” có nghĩa là tranh. Như vậy, “manga” là một thuật ngữ dùng để định danh những cách biểu đạt câu chuyện một cách bất thường, độc đáo và sáng tạo qua hình thức tranh vẽ. Hokusai là một người theo trường phái hội họa châu Âu, ông thậm chí còn nổi tiếng ở nước ngoài hơn cả trong nước. Từ “manga” của Hokusai đã bắt đầu thông dụng vào những năm cuối thế kỉ XVIII qua các tác phẩm như Mankaku Zuhitsn của Suzuki Kankei (1771); Shiji no Yukikai của Santa Kyoden (1798) và Mang Hyakujo của Aikawa Minwa (1814).
c. Mangaka chính thức trở thành một nghề nghiệp
Vào khoảng cuối thế kỉ XIX, các tác phẩm truyện tranh đầu tiên được đăng tải trên tạp chí John Pulitzers New York World, đã chính thức biến “họa sĩ” truyện tranh trở thành một nghề nghiệp thực sự. Lúc này các tác giả truyện tranh đã có thể sống bằng tiền do chính hoạt động nghệ thuật của mình làm ra. Thậm chí, không ít mangaka lúc này đã trở nên giàu có nhờ nền công nghiệp manga đang hết sức phát triển. Tuy vậy, vào khoảng những năm 1920 đến 1930, chính phủ Nhật bắt đầu gây khó khăn cho các tác giả truyện tranh. Rất nhiều tòa báo và nhà xuất bản bị đóng cửa vào thời gian này do những động cơ chính trị. Trong khói lửa của chiến tranh thế giới lần thứ hai, các mangaka đã bị đè nén gay gắt, họ buộc phải gia nhập các Tenkou (một dạng cưỡng bức vào các đội tuyên truyền cho chính quyền quân phiệt). Nếu ai hợp tác sẽ được tặng thưởng lớn, còn ai chống đối sẽ bị thẳng tay đàn áp. Sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, nghề mangaka dần lấy lại được thần sắc qua sự xuất hiện của một loạt các công ty xuất bản truyện tranh nhỏ, thường được gọi là Red Book (cuốn sách đỏ). Một trong những tác giả Red Book nổi tiếng lúc này chính là một sinh viên y khoa có tên Tezuka Osamu. Người được tôn vinh như cha đẻ của manga hiện đại không ai xứng đáng hơn Tezuka Osamu. Nhân vật Atom vĩ đại (tên tiếng Anh là Astro Boy) đã đưa manga lần đầu tiên “vượt biên” ra khỏi quần đảo Nhật Bản để được hâm mộ trên toàn thế giới. Năm 1945, cậu sinh viên y khoa Tezuka trong khi xem một bộ phim hoạt hình mang tên Momotarou Uminokaihei với phong cách Wall Disney đã chợt nảy ra một cảm hứng sâu sắc và bắt đầu suy ngẫm về nghề mangaka. Năm 1947, tác phẩm Shin Takarajima (Tân đảo giấu vàng - tên tiếng Anh là New Treasure Island) đã được xuất bản dưới dạng akahon (sách đỏ - tên tiếng Anh là Red Book) và đạt được 400.000 bản, chính thức mở màn cho sự bành trướng của manga hiện đại. Có thể nói, nét vẽ của Tezuka mang hơi hướng phương Tây khá rõ, cụ thể là bị chi phối bởi phong cách Wall Disney ở các nét tròn trong việc thể hiện nhân vật. Ông cũng đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại của điện ảnh, nhiếp ảnh vào manga nhằm đưa loại hình văn học này thực sự trở thành một nghệ thuật hiện đại. Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của Tezuka đối với lịch sử manga không chỉ biểu hiện trong những phát kiến về hình thức. Các bộ manga nổi tiếng của ông trên khắp thế giới đều thấm đẫm tinh thần nhân đạo, kêu gọi bảo vệ môi trường cũng như cảnh báo con người trước hành vi của chính mình. Tezuka cũng là người khai sinh ra Anime (hoạt hình chuyển thể từ truyện tranh) ở Nhật Bản. Chỉ từ Tezuka trở đi, manga và anime mới phát triển trở thành một nghệ thuật chân chính, một nền công nghiệp khổng lồ cũng như có tiếng nói quyết định trên thị trường truyện tranh thế giới.
2.2. Đặc điểm của manga hiện đại
a. Các đặc điểm về hình thức
Một trong những đặc điểm lớn nhất trong hình thức biểu hiện của manga đó là độc giả phải đọc từ phải sang trái (read right to left) một tác phẩm. Điều này ngược hẳn hoàn toàn với cách đọc thông thường của chúng ta ngày nay. Trong những tạp chí manga hiện đại, có sự phổ biến xuất bản sang những quốc gia Âu - Mỹ như Shounen Jump hiện vẫn đang giữ nguyên cách đọc truyền thống này. Đặc trưng hình thức thứ hai, đó là nghệ thuật biểu hiện giới tính. Tương tự như trong thực tế, sự khác biệt về hình thể và phong cách giữa nam và nữ là một yêu cầu có tính chất bắt buộc trong manga. Khi vẽ bàn tay người đàn ông, các mangaka sẽ nhấn mạnh về chiều ngang, các nét hơi đậm và gãy thể hiện sự cứng rắn đặc trưng của giới tính. Bàn tay nữ thì sẽ được thể hiện bằng nét thon dài và lướt ngang. Trong manga, người ta cho phép tác giả vẽ bàn tay của nhân vật nữ dài hơn so với thực tế, mắt to hơn rất nhiều so với mũi và miệng, tạo ra một không gian long lanh ở vị trí cửa sổ tâm hồn. Mắt của nhân vật nữ có lông mi dài và cong trên một khuôn mặt tròn. Trong khi đó, mắt của nhân vật nam phải hơi dài, mi mắt thô và khuôn mặt gãy khúc tạo ra những khối mảng và góc cạnh.
Xét trên bề mặt hình thức của manga, quy luật phối cảnh viễn cận rất được một số tác giả như Tezuka, Akira Toriyama… chú trọng sử dụng. Chính nhờ cách phối cảnh này mà manga đã có tính cinematic (tính chất điện ảnh) - một trong những tính chất cơ bản nhằm phân biệt manga hiện đại với những hình thức tiền thân của nó. Phối cảnh sáng tối cũng hết sức được chú trọng, nhưng chủ yếu là kỹ năng dùng các mảng đậm nhạt, sáng tối chứ không phải kỹ thuật dùng màu sắc (do manga trừ bìa truyện hầu như không tô màu trong tác phẩm). Nhìn chung, quy luật phối cảnh ước lệ vẫn là quy luật có tính chất quyết định trong manga.
b. Các đặc điểm nội dung
Truyện tranh Nhật Bản luôn đề cao bốn phẩm chất chủ yếu của con người trong cuộc sống: vị tha, tình bạn, đoàn kết và đồng đội. Cũng nhờ chính những phẩm chất đáng quý này mà người Nhật đã từ khói bụi của phóng xạ bước lên trở thành một siêu cường kinh tế. Sự thể hiện tinh thần dân tộc trong manga là một nhiệm vụ, một bài học giáo dục cũng như là nơi để thể hiện sự tự hào. Nội dung Manga không xây dựng những con người siêu đẳng như Spiderman (người Nhện); Batman (người Dơi); Superman (Siêu nhân)… như trong comics. Manga cũng không xây dựng những nhân vật hoàn toàn xấu xa như tên tể tướng Iznogoud (trong bộ comics cùng tên). Đối với truyện tranh Nhật Bản, con người luôn được miêu tả hiện thực như bản chất vốn có của nó trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là, có cái anh hùng đi liền với cái hèn nhát; cái cao thượng đi liền với sự thù hận; ước mơ gắn liền với dã tâm. Đặt trong mối tương quan với comics, các yếu tố siêu nhiên có tính chất tâm linh như phép thuật, bùa chú, ma quỷ, hồn vía… có sự xuất hiện nhiều hơn hẳn trong manga. Như chúng tôi đã có dịp đề cập đến trong phần phân tích lịch sử manga cũng như trường phái shounen, siêu linh chính là một đặc điểm lớn trong cách quan niệm về thế giới của truyện tranh Nhật Bản. Mặt khác, nhờ sự phát triển trên phương diện hình thức, cụ thể là việc sử dụng nhiều hình vẽ chỉ để diễn đạt một trạng thái cảm xúc hoặc chuyển động, manga đã tạo điều kiện cho yếu tố nội dung đi sâu vào nội tâm nhân vật. So với những nền truyện tranh khác, manga luôn vượt trội về khả năng phân tích nội tâm nhân vật trong từng tình huống, từng trạng thái cảm xúc khác nhau.
Tezuka từng nói: “Tiềm lực của manga không chỉ là gây cười, tạo ra nước mắt, làm sợ hãi hay tức giận. Tôi xây dựng những câu chuyện có kết thúc không nhất thiết phải thực sự tốt đẹp” [11,8]. Thật vật, manga không phải là những câu chuyện cổ tích bằng tranh, nó nằm rất gần với một thể loại bi kịch bằng hình vẽ. Trong các tác phẩm của truyện tranh Nhật Bản, đôi lúc kết thúc và tình tiết của nó còn buồn hơn một vở bi kịch Hy Lạp. Như vậy, manga không phải là những câu chuyện đọc nhằm giải trí, nó là cả một vấn đề phức tạp về xã hội loài người, những vấn đề mà chúng ta vẫn rất cần suy ngẫm. Chính vì thế, manga không đơn thuần là loại hình văn học dành cho trẻ em, mà đối tượng của nó hết sức phong phú trên mọi lứa tuổi. Mọi chủ đề trong đời sống như tình dục, chiến tranh, cái chết, tận thế… đều có thể đưa vào manga một cách sâu sắc và mang tính hiện thực nhất. Dẫu vẫn còn nhiều sự kết thúc trong các bộ manga làm chúng ta băn khoăn, cũng như, vẫn còn nhiều lời chê trách truyện tranh Nhật Bản không gieo cho trẻ em những niềm tin vào cuộc sống. Nhưng rất có thể rằng, cuộc đời không phải là một điều gì đó rất buồn, nhưng hạnh phúc có lẽ sẽ không bao giờ là phổ biến. Giống như một lần Albert Camus từng nói: “Không một chân lý nào không mang theo mình niềm cay đắng của nó.”
Nhìn lại gần 1000 năm quá trình hình thành và phát triển của truyện tranh Nhật Bản, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định được rằng, cùng với Samurai, Geisha, hoa Sakura (hoa anh đào), võ Sumo, núi Fuji (Phú Sĩ), Shinto (Thần đạo), thơ Haiku, áo Kimono, rượu Sake… Manga đã thực sự trở thành một phần quan trọng trong lịch sử đất nước Phù Tang. Manga không chỉ là “comics của người Nhật Bản” mà thực sự đã trở thành một bộ môn nghệ thuật, một yếu tố văn hóa xuyên suốt mọi thời kỳ trên quần đảo của Thái dương thần nữ. Đọc manga, chúng ta có thể hiểu về quá khứ, biết về hiện tại và dự báo được tương lai của đất nước Nhật Bản. Khác với những biểu tượng văn hóa như Ninja, Samurai hoặc Geisha đang ngày một mài mòn trong những bước thăng trầm cuối cùng của lịch sử, mọi thứ với manga dường như mới chỉ bắt đầu…
3. Tầm ảnh hưởng và sự tương tác của manga trong bối cảnh
truyện tranh Đông Á
a. Manga trong tương quan với truyện tranh Hàn Quốc
Nếu như truyện tranh Nhật Bản được định hình bằng khái niệm manga, truyện tranh phương Tây là comics thì khái niệm “manhwa” được dành cho truyện tranh Hàn Quốc. Có thể nói, truyện tranh Hàn Quốc là một nền truyện tranh trẻ, có bước khởi đầu khá muộn so với những “siêu cường” truyện tranh khác, nhưng lại đạt những thành tựu phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây. Ngày nay, manhwa thực sự đã trở thành một phương tiện truyền thông chính, cùng với âm nhạc và phim truyền hình trong công cuộc quảng bá văn hóa Hàn Quốc do chính phủ nước này khởi xướng.
Bắt đầu từ những năm 1909, theo nhà nghiên cứu Kim Nak Ho và Park In Ha [3], manhwa đánh dấu sự ra đời bằng việc đăng tải những tác phẩm truyện tranh của tác giả Lee Do Yong trên tờ báo Deahan Minbo. Cho đến năm 1924, nhật báo Shosun Ilbo cho phát hành những mẩu truyện tranh đả kích chế độ, chính quyền. Chế độ cai trị của người Nhật đã nhân sự kiện này ra tay đàn áp dã man làm cho truyện tranh Hàn Quốc gần như mất hẳn một thời gian. Sự gượng dậy của manhwa bắt đầu từ năm 1925, một tờ báo mang tên Dong - Ailbo bắt đầu công bố những series truyện tranh được vẽ bởi tác giả Suk - Joo. Công cuộc khôi phục truyện tranh vẫn tiếp tục được tiến hành trong những năm sau đó. Giống như một con hổ nằm yên đợi những thời cơ tóm lấy con mồi, chỉ bốn năm sau, các tác giả truyện tranh Hàn Quốc lại tiếp tục sự nghiệp của mình. Ahn Suk - Joo bắt đầu viết tác phẩm ManmoonManhwa nổi tiếng. Trong thị trường truyện tranh Hàn Quốc lúc này, có hai bộ phận truyện tranh tồn tại song hành. Một bộ phận là manga Nhật Bản được du nhập vào với tính chất tuyên truyền cho các chính sách của Nhật, mặt còn lại là bộ phận manhwa của chính người Triều Tiên bản địa. Như vậy, đặc điểm đầu tiên và cũng là lớn nhất của manhwa đó chính là niềm tự hào dân tộc, sự phản kháng trước văn hóa ngoại lai và đó còn là nơi thể hiện lòng yêu nước. Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, cả manga của người Nhật và manhwa của người Hàn đều ra đời trong một thời điểm mà dân tộc của họ vẫn đang còn là nô lệ, đất nước còn chiến tranh hoặc chia cắt. Sự trỗi dậy và phát triển của cả hai nền truyện tranh này luôn mang ý nghĩa phát huy tinh thần văn hóa dân tộc, chống lại những âm mưu thống trị và đồng hóa của kẻ thù thông qua truyện tranh. Ở trường hợp người Nhật, manga của họ phải đấu tranh với một “kẻ thù truyện tranh khổng lồ”, đó chính là comics của người Mỹ. Đối với người Hàn Quốc, “kẻ thù truyện tranh” của họ cần phải chống chọi lại, lại chính là… manga của người Nhật Bản. Bao giờ cũng vậy, một nền văn hóa - nghệ thuật dù có vĩ đại đến bao nhiêu cũng chỉ có thể xác lập sự ảnh hưởng của mình thông qua những giá trị tinh hoa. Mọi sự cưỡng bức và đàn áp thông qua văn hóa thường có tác dụng ngược lại, kích thích và thúc đẩy tinh thần dân tộc bản địa trỗi dậy mạnh mẽ. Manga là một nền truyện tranh thực sự đồ sộ, mặc dù vậy, thực tiễn lịch sử đã cho thấy, nó đã hoàn toàn thất bại trong cuộc đồng hóa truyện tranh Hàn Quốc.
Từ những năm 80 trở đi, ước mơ về một nền dân chủ của người Triều Tiên một lần nữa bị dập tắt khi người Mỹ tái chiếm đóng đất nước này. Gần như ngay lập tức, những tác phẩm manhwa có nội dung anh hùng ca ra đời. Tiêu biểu cho thể loại này là Lee Hyun Se với tác phẩm kinh điển Gong Po Eviwae In Gudan (The Terrifying mercenary baseball team - Đội bóng chày đánh thuê đáng sợ). Giai đoạn này cũng chứng kiến sự hình thành của manhwa hiện đại, sự hoàn chỉnh về nội dung và hình thức trong tác phẩm đã gần giống với những tác phẩm mà chúng ta đang đọc hiện nay. Manhwa lúc này cũng bắt đầu đi vào con đường “duy mỹ hình thức”, giống như cách thức mà người Hàn vẫn thường sử dụng trong điện ảnh. Xét về nội dung, manhwa lúc này đã có những truyện xã luận của của Park Jea Dong, tình cảm tâm lý của Kim Soo Jung và đặc biệt là những câu chuyện lê thê dành cho phái nữ đã bắt đầu xuất hiện. Những tác giả như Kim Dong Wha, Han Seung Won và Hwang Mina là những người đã có công sáng tạo ra một thể loại “shoujo của manhwa”. Với sự ra đời của tạp chí Renaissance (Phục Hưng), thực sự manhwa dành cho giới nữ với những nội dung tâm lý tình cảm đã được hoàn tất về chỗ đứng nghệ thuật. Từ đây, đi liền với sự phát triển kinh tế, manhwa đã không còn phụ thuộc vào các manhwabang mà đã trở thành một ngành công nghiệp lớn mạnh. Giai đoạn từ những năm 1900 cho đến nay người ta đã và đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của manhwa ở tầm vóc thế giới. Những tác phẩm truyện tranh lớn của manhwa ngày nay như Goong của So Hee Park; Ám hành ngự sử của Youn In Wan & Yang Kyung Il… thực sự đã bắt đầu cho cuộc chinh phục của mình trên đỉnh Chomolungma của nền nghệ thuật đương đại.
b. Manga trong tương quan với truyện tranh Trung Quốc
Khái niệm về “manhua” (truyện tranh Trung Quốc) từ lâu đã không còn mới mẻ đối với độc giả Việt Nam. Mặc dù không nổi bật bằng manga, comics hoặc manhwa trên thế giới, nhưng manhua vẫn luôn giữ được một vị trí đặc biệt. Có thể nói, cách thể hiện hình vẽ của manga và manhwa hiện nay đều có nguồn gốc từ hội họa Trung Hoa. Văn hóa và tư duy Đông Á, Đông Nam Á nói chung đều bị ảnh hưởng và chi phối bởi người Hán. Thứ chữ viết tượng hình mà người Hàn và người Nhật hiện đang dùng cũng có xuất xứ từ Trung Quốc. Bởi vậy, sự ra đời của truyện tranh Trung Quốc như là một tất yếu, đóng vai trò như một hệ quả của những tiền đề vững chắc đã có trong lịch sử. Như chúng ta đã biết, sự ra đời của manhua đã manh nha từ thời nhà Đường. Lúc này đã xuất hiện những tác phẩm “thi họa bất phân”. Sự phân định giữa hội họa và thi ca trong lịch sử nghệ thuật Trung Quốc cũng chưa bao giờ rõ ràng trong những tác phẩm như vậy. Điều đó hiển nhiên sẽ là một cơ hội tốt cho truyện tranh ra đời và phát triển. Tuy nhiên, lịch sử chưa bao giờ được phát triển dễ dàng theo những đường thẳng, nó luôn bao gồm những bước giật lùi, những khúc quanh có khi như một đường xoáy trôn ốc. Thật sự là, mặc dù có một truyền thống lâu đời, nhưng manhua vào thời kỳ cận - hiện đại không có sự phát triển nào nổi bật. Có nhiều lý do phức tạp để lý giải cho vấn đề này, nhưng tựu chung lại chúng ta có thể đưa ra ba nguyên nhân chính:
- Thứ nhất: Sự bảo thủ trong quan niệm về thể loại
Đối với người Trung Quốc, chính thống và tà thống, chính danh và ngụy danh luôn là những phạm trù vô cùng quan trọng. Những thể loại nào được xem là chính thống như thơ, phú, chiếu, tấu… thì luôn được coi trọng. Trong khi đó, những thể loại bị xem là tà thống như tiểu thuyết, truyện ngắn mà đặc biệt là truyện tranh thì rất ít khi được thừa nhận là nghệ thuật đích thực. Không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm truyện tranh đầu tiên góp phần cho sự ra đời của manhua hiện đại, đều xuất phát từ Hong Kong và Đài Loan chứ không phải trên Trung Quốc đại lục.
- Thứ hai: Không có một ngành công nghiệp truyện tranh đủ mạnh
Người dân Trung Quốc thời cận đại chủ yếu vẫn là nông dân. Đối với lực lượng này, nhu cầu giải trí bằng những hình thức nghệ thuật hiện đại như truyện tranh hầu như là rất ít. Thực sự trong lòng văn hóa Trung Quốc, truyện tranh chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu của dân tộc này trong chiến lược bảo tồn và phát triển văn hóa như Nhật Bản và Hàn Quốc. Những biến động về chính trị và kinh tế của Trung Quốc cứ trôi qua, nó chỉ chứng kiến sự phát triển và thăng hoa của những thể loại khác như truyện ngắn và tiểu thuyết, còn truyện tranh vẫn dậm chân tại chỗ do không có được một ngành công nghiệp phát hành và lăng xê đủ mạnh như manga.
- Thứ ba: Sự hạn chế của đề tài
Nói chung, lịch sử đề tài của manhua từ trước cho đến nay vẫn chủ yếu trung thành với hai nội dung chính, đó là truyện tranh có tính lịch sử và truyện tranh có tính chất giao đấu. Sự tồn tại của manhua chủ yếu dựa vào công tác chuyển thể các tác phẩm văn học lớn trong lịch sử như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Phong Thần, Tây du kí… ra truyện tranh chứ chưa tìm được những cách thể hiện mới, những nội dung mới mang tư tưởng và dấu ấn thời đại như manga. Công cuộc chấn hưng manhua chỉ thực sự bắt đầu từ giữa thế kỷ XX, với cảm hứng được mang lại từ sự lớn mạnh của manga, bắt đầu từ sự xuất hiện của tác giả Alfonso Wong - một Tezuka Osamu của truyện tranh Trung Quốc, ngoài ra, cũng phải kể đến một Yosulan - một Rumiko Takahashi của manhua hiện đại. Những bộ truyện tranh nổi tiếng thế giới hiện nay của manhua như Phong Vân (Mã Vinh Thành – Đan Thanh) và Chú Thoòng (Vương Trạch) đang đánh dấu sự phát triển vững chắc của truyện tranh Trung Quốc hiện đại.
c. Manga trong tương quan với truyện tranh Việt Nam
Bộ phận chủ yếu và cũng quan trọng nhất có vai trò quyết định sự vận động và phát triển của truyện tranh Việt Nam hiện đại trước tiên phải kể đến truyện tranh Nhật Bản. Đã có hơn 20 triệu bản Doraemon được phát hành ở nước ta, như vậy, cứ bốn người Việt Nam lại có một người đang sở hữu một cuốn Doraemon. Tầm ảnh hưởng của manga đối với truyện tranh Việt Nam đang ngày càng bao quát và sâu sắc hơn. Ngày 3/12/2005, Quỹ Tokyo và Đại sứ quán Nhật Bản cùng Bộ văn hóa thông tin và nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức hội thảo mang chuyên đề “Khám phá bản sắc văn hóa trong truyện tranh và phim hoạt hình”. Một số tham luận chủ yếu như “Vai trò của truyện tranh trong giáo dục và thể hiện bản sắc dân tộc”; “Con đường thúc đẩy sự hiểu biết nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản”; “Vâng! Đúng. Đó chính là manga” thật sự đã vạch rõ mối quan hệ giữa truyện tranh Nhật Bản và truyện tranh Việt Nam. Nhờ vào một số lượng lớn các tác phẩm đã xuất bản tại Việt Nam, cũng như quá trình quảng bá và giới thiệu không ngừng của những nhà hoạch định chiến lược phát triển, manga thực sự đã trở thành động lực và cảm hứng cho truyện tranh Việt Nam. Tạp chí 4.A.M (For anime - manga) thực chất là một ấn phẩm chuyên đề về truyện tranh Nhật Bản chứ không phân tích về thế giới truyện tranh nói chung. Các trang web như http://accvn.net; http://thanhdiamanga; http://truyentranh.com thực chất cũng chỉ chủ yếu đề cập đến đời sống văn học của truyện tranh Nhật Bản. Các bộ phận truyện tranh khác như comics, manhua, manhwa nếu như có được đề cập đến, cũng chỉ là sự điểm xuyết cho thêm phần phong phú. Các lễ hội truyện tranh, hội chợ, các hình thức cosplay đang được tổ chức phổ biến hiện nay trong giới trẻ Việt Nam cũng đơn thuần trực thuộc “ý thức hệ manga”. Quá trình ảnh hưởng của manga lên truyện tranh Việt Nam còn biểu hiện trên nhiều mặt. Đã có 150 sinh viên của Đại học dân lập Hồng Bàng vừa được tuyển sinh vào chuyên ngành “Hoạt hình - manga - kỹ thuật số” trong năm 2007. Như chúng ta đã thấy, một phần chính yếu nhất trong nội dung đào tạo của các sinh viên này là chuyên về truyện tranh, nhưng truyện tranh ở đây cụ thể là manga chứ không phải comics hay một nền truyện tranh nào khác. Mọi giáo viên giảng dạy chuyên ngành này đều được tu nghiệp tại Nhật, hoặc là, do chính người Nhật trực tiếp đứng lớp. Như vậy, sự phụ thuộc vào truyện tranh Nhật Bản của chúng ta không chỉ bắt đầu từ những chiếc lá xum xuê, nó được đóng đinh ngay dưới những tầng đất sâu với một bộ rễ chắc chắn. Manga ảnh hưởng lên truyện tranh Việt Nam không chỉ từ người hâm mộ, nó chi phối ngay cả tư duy của một thế hệ cầm bút sáng tạo chuyên nghiệp đầu tiên về truyện tranh ở nước ta. Nói cách khác, đó là sự chi phối không chỉ từ con tim mà còn từ lý trí, là sự phụ thuộc không chỉ về tình yêu mà còn từ nguồn chất xám.
Vấn đề gì cũng có tính hai mặt của nó. Chúng tôi cho rằng, việc phụ thuộc quá sâu của nền truyện tranh non trẻ của nước ta vào manga có mặt đáng mừng, nhưng có mặt cũng rất đáng lo ngại. Mừng vì chúng ta sẽ có một cơ sở vững chắc, một kho tư liệu, kinh nghiệm cũng như sự giúp đỡ về chuyên môn và tài chính. Nhưng điều đáng quan ngại là, những bộ truyện tranh lớn của chúng ta trong thời gian gần đây đều có cách vẽ y hệt manga (Orange; Ngọn đèn sinh tử, Nước mắt thiên sứ…). Sự phát huy tinh thần dân tộc trong nội dung và hình vẽ của truyện tranh Việt Nam là chưa được thể hiện. Về lâu về dài sau này, nếu thị trường truyện tranh cũng như giới sáng tác và người hâm mộ nước nhà vẫn chịu sự chi phối sâu sắc từ manga thì hẳn nhiên Việt Nam sẽ trở thành “bản sao truyện tranh” của người Nhật Bản. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Thuần từng tâm sự: “Các họa sĩ nhí hôm nay vẽ giống truyện tranh Nhật, điều này về lâu dài sẽ không tốt” [2,18]. Nhưng không thể phủ nhận mối giao lưu này cũng mang lại nhiều lợi điểm đáng quý. “Truyện tranh Việt Nam đang có những khởi sắc đáng chú ý. Sự “đổ bộ” tràn ngập của manga vào thị trường Việt Nam đã tạo ra một lớp người đọc truyện tranh đáng kể, kéo theo niềm hứng thú viết và vẽ truyện tranh” [6,2]. Thật vậy, trong quá trình hình thành và phát triển của truyện tranh nước nhà, sự học hỏi tiếp thu và phát huy bản sắc dân tộc là hai quá trình song hành không được tách rời và cực đoan nhất nguyên hóa. Chúng ta đã có cho mình cơ sở nhằm nuôi dưỡng những ước mơ thông qua các bộ truyện tranh như Thần đồng đất Việt, Orange.
Trong những lúc buồn chán và bi quan nhất của cuộc đời, hẳn rằng chúng ta sẽ rất cần được ủi an trong “niềm vui và sự hiền minh” của một “khoa học vui tươi” (Die frohliche wissenschaft) như cách nói nổi tiếng của Nietzsche. Bằng những hình ảnh vui nhộn, nội dung thấm đẫm tính nhân văn, truyện tranh thực sự đã giúp cho con người nhận thức “chân dung và hành trình tư tưởng của nhiều khuôn mặt lớn trong lịch sử nhân loại, từ Đức Phật, Platon, Aristote đến Kant, Shakespear, Rousseau, Heghel, Marx… những thông tin chính xác và cô đọng về nhiều ngành khoa học quan trọng, từ xã hội học, tâm lý học, đạo đức học đến ngôn ngữ học, toán học và vật lý học hiện đại” [12,1]. Hòa chung với sự phát triển mạnh mẽ của loại hình truyện tranh trên thế giới, truyện tranh Nhật Bản trong những thập kỷ qua thực sự đã trở thành một vấn đề mang tính “trung tâm và đỉnh cao”. Vai trò và vị thế của manga ngày nay không chỉ đơn thuần là sự đột phá mang tính chất bước ngoặt. Thật ra, manga đã chú trọng kế thừa, hoàn thiện nghệ thuật của mình dựa trên một lịch sử phát triển lâu dài và những bài học quý giá từ các nền truyện tranh lớn trên thế giới. Sự phong phú và thành công về mặt nghệ thuật của manga không chỉ thể hiện bằng số lượng bản in khổng lồ và những món lợi nhuận kếch xù thu được. Chính sự phát triển không ngừng của các trường phái, sự hoàn thiện cả trên phương diện nội dung và hình thức, đã giúp cho manga nâng cao sâu sắc tính nghệ thuật của mình. Đời sống của truyện tranh nói chung và truyện tranh Nhật Bản nói riêng cũng vì thế mà vô cùng sôi động. Từ cảm hứng ấy, các nền truyện tranh “đang phát triển” ở Đông Á, trong đó có truyện tranh Việt Nam đang vùng lên mạnh mẽ, trong khi những “gã khổng lồ” như manga và comics cũng ra sức củng cố “nền quân chủ lập hiến” của mình. Hợp tác và đấu tranh, học hỏi và phát huy, phủ định và kế thừa, mâu thuẫn và thống nhất… đó chính là những mối quan hệ phức tạp trong thế giới truyện tranh “đa cực” ngày nay ở Đông Á.
Tài liệu tham khảo
1. Chu Mạnh Cường (2006), “Một thoáng truyện tranh thế giới buổi sơ khai”, Tạp chí 4.A.M, số 18, Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Sâm Cầm (2006), “Nhà văn - họa sĩ Nguyễn Ngọc Thuần”, Tạp chí Truyện tranh Việt 13+, số 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Kim Nak Ho và. . . (2006), “Giới thiệu sơ lược về truyện tranh Hàn Quốc và bản sắc văn hóa Hàn trong manhwa”, Tạp chí 4.A.M, số 18, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Hotwart (2006), “Manga - cái nhìn từ hai phía”, Tạp chí 4.A.M, số 17, Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Eri Izawa (2005), “Lịch sử manga”, http://accvn.net/dien dan/manga.
6. Trúc Lâm (2006), “Họa sĩ Hoàng Tường”, Tạp chí Truyện tranh Việt 13+, số 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Nguyễn Nam và. . . (1999), Văn hóa nghệ thuật thế kỉ XX, NXB Văn học, Hà Nội.
8. Duy Ngọc (2006), “Manga với lịch sử và văn học”, Tạp chí 4.A.M, số 19, Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Võ Chí Nhân (2006), “Văn hóa đọc manga”, Tạp chí 4.A.M, số 17, Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Võ Chí Nhân (2006), “Triết lý sống trong manga”, Tạp chí 4.A.M, số 19, Thành phố Hồ Chí Minh.
11. Cao Phong (2005), “Vài điều về manga hiện đại”, Tạp chí 4.A.M, số 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
12. Rius (2006), Nhập môn Marx, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.