Nhà biên kịch Hạnh Ngộ (Ngô Thị Hạnh) được biết đến là một tay viết xuất sắc ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, cô là biên kịch, đồng biên kịch của nhiều tác phẩm truyền hình đắt giá Mắt bão, Sống gượng, Nhà trọ có 4 cô chiêu,.. cùng các dự án điện ảnh Ám ảnh (2016), Găng tay đỏ (2016).
Trò chuyện cùng Người Đưa Tin, nhà biên kịch Hạnh Ngộ bày tỏ sự tâm huyết với dự án Bóng của thị thành đang phát sóng, được đông đảo công chúng đón nhận.
Bên cạnh đó, cô cũng đưa ra nhiều quan điểm dưới góc nhìn của một nhà biên kịch. Đồng thời, có cái nhìn tổng quan về thị trường phim truyền hình Việt hiện nay.
"Không có gì mới dưới ánh sáng mặt trời"
PV: Bóng của thị thành được lấy cảm hứng từ đâu? Tên phim có ý nghĩa/ dụng ý nào sâu sắc, thưa chị?
Nhà biên kịch Hạnh Ngộ: Từ cuộc sống của những người trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các bạn trẻ nhập cư dù khó khăn, dù sống trong nhà trọ tồi tàn cỡ nào thì cũng luôn nuôi một giấc mộng đẹp: tiếp tục học hành tử tế và mưu sinh để đem tiền về quê trả nợ, ở đây, nhân vật nữ chính là trả nợ cho sự sai lầm của người cha trong quá khứ. Giờ người cha đó đã quay đầu nhưng “món nợ cũ” vẫn theo họ từ quê đến chốn thị thành.
“Bóng của thị thành” là một hình tượng văn học, nó thể hiện khát khao của người từ xa đứng nhìn về thành phố, cũng là biểu tượng cho những gì đẹp đẽ hoặc bí ẩn, những khát khao chưa thể kiếm tìm.
PV: Đội ngũ biên kịch có lo sợ mô-típ “hoàng tử - lọ lem” thời hiện đại bị trùng lặp nội dung với phần lớn các nội dung khác cùng đề tài?
Nhà biên kịch Hạnh Ngộ: Khi sáng tác, nhất là sáng tác phim truyện truyền hình - chúng tôi luôn phải đồng ý với quan điểm "không có gì mới dưới ánh sáng mặt trời", nội dung - motip luôn là nền tảng, chúng ta không thể làm một “cái gì đó mới tinh”, "bình cũ rượu mới” luôn là điều chúng tôi cân nhắc.
Có thể vẫn là motip đó, nội dung đó, nhưng nhân vật phải khác - nhân vật mới là điểm thu hút khán giả - họ hấp dẫn bởi thói quen mới, suy nghĩ khác biệt, đầy sức sống và cuốn hút ngay từ khi họ xuất hiện là chúng tôi quyết tâm xây dựng. Chúng tôi tự tin, có thể khán giả quá chán với mô-típ "hoàng tử - lọ lem” nhưng sẽ yêu Trang Phạm đáng yêu - nghị lực & dám đứng lên từ sai lầm; Hoàng Nam giàu tình cảm nhưng lại không chấp nhận với sự áp đặt trong hôn nhân…
Ngoài câu chuyện tình yêu Trang Nam, phim còn truyền tải tình cảm cha con, tình thân gia đình, bà cháu, những mâu thuẫn thế hệ được tháo gỡ bằng yêu thương… những đề tài luôn có thể cũ nhưng vẫn luôn hấp dẫn, bởi nó là hơi thở của cuộc sống này.
PV: Qua những diễn biến cao trào, có xung đột, có sâu lắng thì thông điệp chính bộ phim hướng đến là gì?
Nhà biên kịch Hạnh Ngộ: Dù bạn là ai thì nếu nỗ lực sống hết lòng với điều bạn mơ ước, sống thật lòng với tình yêu bạn có được dù "tình cờ", thì hạnh phúc sẽ đến với bạn dù bạn không mong chờ.
PV: Dưới góc nhìn của một nhà biên kịch, môn đăng hộ đối có phải là yếu tố rất quan trọng đối với hai nhân vật chính?
Nhà biên kịch Hạnh Ngộ: Môn đăng hộ đối không còn quan trọng nhưng khác biệt về văn hóa sống, thái độ và hành vi mới là điều đáng nói, làm sao để hiểu nhau khi họ sinh ra từ những gia đình rất khác biệt. Sự khác biệt luôn hấp dẫn và phát sinh tình yêu, nhưng để giữ được tình yêu đó thì cần thấu hiểu, biết cách chia sẻ và điểm cốt lõi là tôn trọng sự khác biệt đó, chúng ta có thể vượt qua được khác biệt về văn hóa hay cái gọi là "ngăn cách giàu nghèo”, không môn đăng hộ đối.
PV: Quan điểm của nhà biên kịch Hạnh Ngộ thế nào về vấn đề này khi áp vào đời sống thực?
Nhà biên kịch Hạnh Ngộ: Bản thân tôi ngoài đời thực cũng gặp vấn đề này, nhưng nó vi tế hơn, không bởi sự giàu nghèo hay chức tước, mà bởi quá khác nhau về lối sống, khoảng cách vùng miền, và khi tình yêu không đủ lớn, lại không sống gần nhau thì khó lòng giữ được tình yêu đó đến cùng. Dù sao, thái độ sống của tôi luôn cởi mở, hết lòng chăm lo và thành thật, để dù có chuyện gì đi nữa, thì quả mình gặt về sẽ không quá đắng.
PV: Theo biên kịch Hạnh Ngộ, thử thách lớn nhất trong tình yêu của người trẻ là gì?
Nhà biên kịch Hạnh Ngộ: Là chính họ. Người trẻ sai lầm không muốn giải thích, mất kết nối với thế hệ đi trước, họ không muốn xin lời khuyên từ thế hệ trước, họ tự tin mình có cả thế giới qua internet. Nhưng internet không phải còn người, không ấm áp, không có sự vị tha - quá lạnh lùng.
Chỉ cần họ chia sẻ nhiều hơn với người mình yêu, và hiểu rằng khi yêu, là lúc người trẻ phải thừa nhận mình cần người khác, có thể không cần sống chung, nhưng cần thấu hiểu và cả sự vị tha thì mới giữ được tình yêu ấy.
PV: Thế giới nội tâm của nhân vật được xây dựng thế nào, thưa chị?
Nhà biên kịch Hạnh Ngộ: Câu hỏi này thì khán giả phải xem phim mới biết, vài câu trả lời trên báo không đủ, thậm chí có thể gây hiểu lầm. Chỉ là nhân vật của phim truyện thì luôn luôn thay đổi, họ không từ A đến B mà từ A đến D. Họ chịu đựng thực tại, có sai lầm rồi sửa chữa, có oán trách nhưng thái độ sống vẫn luôn tích cực, sống sao để có lợi cho mình và người khác.
Trang Phạm bị hãm hại hết lần này đến lần khác, chỉ vì 1 sai lầm trong quá khứ, nhưng cô ấy vẫn với thái độ "trả quả" chứ không hận thù, cô ấy muốn thoát khỏi ràng buộc với tiền bạc, cần tiền nhưng không vì thế mà tham lam, đánh mất nhân tính. Có những lúc nhân vật khóc, là khi biên kịch cũng trăn trở khôn nguôi, với một tình yêu mong rằng nhân vật thực được như đời, nhưng vẫn phải đẹp - đáng mơ ước!
PV: Điều gì sẽ làm Bóng của thị thành có điểm nhấn và bản sắc riêng giữa rất nhiều phim Việt đang cùng phát sóng?
Nhà biên kịch Hạnh Ngộ: Đây là sự nỗ lực của toàn bộ ekip, không chỉ có biên kịch hay đạo diễn, hoặc diễn viên. Tất cả mọi người đều cố gắng hết sức cho tác phẩm, trong điều kiện sản xuất không có phim trường như hiện nay, gần như các ê-kíp phải nỗ lực gấp đôi khi thâu tiếng trực tiếp, chăm chút từng khung hình đẹp hoặc câu chuyện phim làm sao cho đặc biệt nhất. Chúng tôi, nhóm biên kịch Hạnh Ngộ - Cẩm Tú - Nguyễn Quỳnh thật sự hạnh phúc khi hầu hết các diễn viên đều yêu vai diễn của mình trong phim này.
Điểm nhấn là phim viết về người trẻ năng động của thành phố Hồ Chí Minh, thông qua 3 nhân vật trẻ trung, tràn đầy sức sống: Trang Pham; Hoàng Nam & Mai Lan - họ “mưu cầu hạnh phúc” với cách mới mẻ, khác biệt. Về hình thức thể hiện, bộ phim cũng được nhìn từ góc nhìn của người trẻ, nhịp phim nhanh và hấp dẫn, mỗi tập gần như đều có 1 bí mật của nhân vật được “bật mí” , từ tuyến chính đến tuyến phụ…
Bàn chuyện kịch bản - phim
PV: Theo biên kịch Hạnh Ngộ, yếu tố nào quan trọng nhất để giúp một bộ phim thành công?
Nhà biên kịch Hạnh Ngộ: Phim phải gần gũi với khán giả, khán giả thấy được mình qua nhân vật, nhưng cũng phải mới lạ về cách thể hiện để khán giả thấy mình được thư giãn bằng cách hồi hộp chờ đợi, háo hức “tìm tòi” từ cái nhìn của nhân vật trong phim.
Sự hấp dẫn của 1 bộ phim phụ thuộc vào quá nhiều thứ, tuy nhiên “có bột mới gột nên hồ” - yếu tố tiên quyết vẫn là nội dung câu chuyện hấp dẫn, mới mẻ nhưng lại phải không quá “xa lạ” với người xem.
PV: Chị đánh giá thế nào về thị trường phim Việt thời gian gần đây?
Nhà biên kịch Hạnh Ngộ: Khán giả đón nhận phim Việt Nam, nhất là phim truyện truyền hình Việt Nam nhiều hơn trước, sự khen chê của khán giả cũng làm cho những người sáng tác thêm phấn chấn, được kích thích và tiếp tục sáng tác.
Tôi thích một số phim của VFC sản xuất (phát sóng VTV3 & VTV1), được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và diễn viên thật sự sống hết mình với nhân vật. Phim phía Nam thì dòng phim xưa của đài Vĩnh Long vẫn thu hút khán giả. Phim ở HTV gần đây cũng có nhiều bộ rất đáng xem, người làm phim cũng đã rất kiên trì trong tình trạng hiện nay. Tuy thị trường phim hiện nay không bằng 3-4 năm về trước (trước dịch bệnh năm 2020) nhưng một số bộ phim lại đi vào chiều sâu, sản xuất kỹ lưỡng hơn chứ không ồ ạt. Nói chung, đã là món ăn tinh thần thì phải cần tử tế, cẩn trọng, cả ê-kíp khi thực hiện nó và thái độ của người xem khi đánh giá về nó.
PV: Điều mà một nhà biên kịch lo sợ nhất là gì? (không có nguồn cảm hứng, kịch bản không được từ trang giấy thành phim,...)
Nhà biên kịch Hạnh Ngộ: Có thể là vế thứ 2, vì như vậy có nghĩa là “bao nhiêu công sức đổ sông đổ biển”. Nếu bạn viết truyện/thơ, bản thảo không được in thì bạn có thể để 5 năm/ 10 năm sau vẫn in, không lo lắng gì! Tuy nhiên, kịch bản phim thì sẽ cũ đi sau 2 năm. Nếu bạn viết thành phẩm 1 bộ phim 30 tập ròng rã suốt 4-5 tháng, sau đó vì nhiều lý do không thể sản xuất được, thì không chỉ là tiếc công sức, mà thời gian tuổi trẻ bạn đầu tư cho nó cũng quá nhiều.
Cảm ơn Nhà biên kịch Hạnh Ngộ đã dành thời gian chia sẻ!
Phạm Thị Thu Thảo
Nguồn: Người đưa tin, ngày 21.3.2024.
Nhà biên kịch Hạnh Ngộ, tên đầy đủ là Ngô Thị Hạnh, cựu sinh viên khóa 2001-2005, ngành Văn học, khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh |