Được ấp ủ qua nhiều thế hệ cán bộ Đoàn - Hội, năm 2021, Liên chi Hội Sinh viên khoa Văn học lần đầu tiên ra mắt Đội hình chuyên Tri thức trẻ, nằm trong khuôn khổ chiến dịch Mùa Hè Xanh 2021, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.
Thấu hiểu những khó khăn của sinh viên khiếm thị trong quá trình học tập, nghiên cứu tại Khoa, năm nay đội hình chuyên Tri thức trẻ tập trung đẩy mạnh công tác chuyển các loại sách, báo, ấn phẩm thành các sản phẩm phục vụ cho người khuyết tật, người khiếm thị và hỗ trợ cập nhật dữ liệu, xây dựng hệ thống dữ liệu thư viện trực tuyến an toàn, dễ tiếp cận. Đội hình đã thực hiện công trình “Lắng nghe sách nói” nhằm phát hành các sản phẩm sách nói đến các bạn học sinh, sinh viên khiếm thị. Đội hình chủ yếu tập trung vào việc ghi âm các đầu sách: giáo trình các môn đại cương, một số tác phẩm văn học nổi tiếng và các tập thơ và tản văn. Bên cạnh đó, với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến cho mọi người, đặc biệt chú trọng đối tượng thụ hưởng là sinh viên và người khiếm thị, Đội hình đã cho ra mắt chuyên mục phát thanh “Ầu ơ sách kể”, được phát hành trên kênh YouTube của Liên chi Hội Sinh viên khoa Văn học, nhằm tạo ra không gian âm thanh trên nền tảng trực tuyến vừa mang lại nhiều kiến thức bổ ích, mới lạ, vừa có chức năng giúp người nghe thư giãn trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Chịu trách nhiệm chính ở ban Phát thanh, bạn Bùi Thị Huyền Trân - Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi Hội, Đội phó Đội hình chuyên Tri thức trẻ chia sẻ: “Việc phát hành sách nói là cơ hội để Ban Chỉ huy Đội hình được làm việc với các đối tác là NXB, các trung tâm khiếm thị, tác giả về những vấn đề bản quyền, từ đó có thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực mà chúng mình lần đầu thử sức. Ban đầu, việc tìm hiểu về các vấn đề tác quyền còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhờ có sự giúp sức của Chi ủy - Ban Chủ nhiệm khoa Văn học mà các khó khăn dần được thầy và trò tháo gỡ”.
Ảnh 2: Ấn phẩm công bố Công trình tuyên truyền văn hóa dân gian - Một công trình trọng điểm trong chiến dịch lần này.
Hướng đến mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện xây dựng văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức, tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học - nghệ thuật, các loại hình văn hóa dân gian, di tích lịch sử - văn hóa, Đội hình đã thực hiện công trình Tuyên truyền Văn hóa dân gian với bài đăng ra mắt công trình trên fanpage Đội hình chuyên Tri thức trẻ nhận về hơn 5000 lượt tiếp cận và hơn 500 lượt tương tác (bao gồm cảm xúc, bình luận, chia sẻ). Công trình gồm các hoạt động như: Bộ câu đố dân gian “Năm canh ngẫm lời tiền nhân”, Bộ ca dao, tục ngữ “Còn lời xưa, còn hồn Việt”, Chuỗi bài viết Tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng dân tộc “Vua hùng và Tứ bất tử”, Chuỗi video Giáo dục thiếu nhi qua kho tàng truyện cổ Việt Nam “Tích tịch tình tang”,... được trải dài xuyên suốt 2 tháng diễn ra chiến dịch. Để thực hiện công trình, các chiến sĩ đã chú trọng đầu tư, nghiên cứu tài liệu, tập trung chuyển thể văn hóa Việt Nam thành các ấn phẩm, sản phẩm hữu hình, giáo dục các bạn thiếu nhi về lòng yêu nước, tăng cường niềm yêu thích, tìm tòi về văn hóa lịch sử dân tộc.
Ảnh 3: Bộ flashcard ca dao, tục ngữ “Còn lời xưa, còn hồn Việt”
Bên cạnh những công trình kể trên, Đội hình chuyên Tri thức trẻ cũng chú trọng triển khai chương trình âm nhạc dân tộc học đường qua Chuỗi video Tìm hiểu về các loại hình nghệ thuật dân gian “Âm vang từ dân gian” phát sóng trên kênh TikTok Liên chi Hội Sinh viên khoa Văn học. Ở đây, các video sẽ khai thác những đặc điểm nổi bật của các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian (cải lương, múa rối, chèo, tuồng,...), dân ca (hát xoan, quan họ, ví, dặm…), vè,... Sản phẩm mang những thông điệp tích cực về giữ gìn những nét đặc sắc nghệ thuật dân gian lâu đời và tăng thêm niềm yêu thích những thể loại này đối với các bạn sinh viên. Việc sử dụng nền tảng TikTok - mạng xã hội đang được giới trẻ tại Việt Nam yêu thích cũng là một cách hiệu quả để lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc đến các bạn trẻ.
Ngoài ra, Chuỗi video tìm hiểu phong tục tập quán trên 06 vùng văn hóa Việt Nam “Phiêu lưu cùng 3T” của đội hình cũng phát huy được chuyên môn của chiến sĩ tình nguyện trong hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch tại địa phương. Với nguồn nhân lực đa dạng đến từ khoa Du lịch, Văn hóa học, Quan hệ quốc tế, Văn học,... chuỗi video được xây dựng chỉn chu từ mặt nội dung đến hình ảnh, bao gồm có 6 kỳ phát sóng, đi qua các vùng: Đông Bắc - Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ để giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa và du lịch ở mỗi vùng.
Ảnh 4: Chuỗi bài viết Tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng dân tộc “Vua hùng và Tứ bất tử” cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực về sự chỉn chu từ nội dung đến các ấn phẩm truyền thông.
Chia sẻ về những cơ hội và thách thức khi phải hoạt động tình nguyện trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, bạn Mai Phan Anh Thư - Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi Hội, Đội trưởng Đội hình chuyên Tri thức trẻ cho biết: “Tình nguyện trực tuyến” đòi hỏi cả đội hình cần khai thác tối đa các nền tảng mạng xã hội phổ biến - điều mà trước đây còn khá mơ hồ và ít Đội hình thực hiện. Việc đẩy mạnh hoạt động trên đa dạng các kênh truyền thông cũng giúp Đội hình có thêm bài học về việc xử lý khủng hoảng truyền thông, đối mặt với các vấn đề bản quyền, cũng như ngày một trau chuốt, nâng cao yêu cầu kỹ thuật để phát hành sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Do chỉ hoạt động trực tuyến, nên đây cũng là thử thách cho Ban Chỉ huy trong việc tìm cách gắn kết các bạn chiến sĩ, không ngừng tiếp lửa qua các hoạt động hội họp để cả tập thể giữ được tinh thần nhiệt huyết xuyên suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Đây là một bài học kinh nghiệm quý giá mà Ban Chỉ huy đã đúc kết được thông qua chiến dịch lần này.
Ảnh 5: Buổi họp Đội hình đầu tiên của Đội hình chuyên Tri thức trẻ.
Bài toán vận dụng thế mạnh chuyên môn ngành học của các bạn chiến sĩ vào các công tác tình nguyện đã được Ban Chấp hành Liên chi Hội Sinh viên khoa Văn học hóa giải, từ đó tạo nên các hoạt động có nội dung chỉn chu, đảm bảo tính học thuật mà vẫn gần gũi, dễ tiếp cận đến các đối tượng thụ hưởng. Với một diện mạo tươi trẻ và giàu bản sắc dân tộc, chuỗi chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hy vọng rằng, Đội hình chuyên “Tri thức trẻ” đã phần nào cống hiến sức trẻ vào các công tác chung của xã hội, cũng như có thể thổi được một làn gió mới, góp phần điểm tô thêm vào bức tranh tình nguyện đa sắc màu.
BCH Đội hình Tri thức trẻ