K.VH - Chiều ngày 03/12/2022, Đoàn - Hội Khoa Văn học đã tổ chức chương trình Talkshow giao lưu cựu sinh viên và định hướng nghề nghiệp “Tiên học Văn - Hậu làm Nghề” diễn ra tại Hội trường Tổng hợp Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM (cơ sở Thủ Đức).
Với những chia sẻ đến từ 2 diễn giả: Biên tập viên, nhà văn Phương Huyền và nhà Biên kịch, nhà văn, nhà thơ Hạnh Ngộ, chương trình đã mang đến cho các bạn sinh viên khoa Văn học nói riêng và các bạn sinh viên có đam mê với nghề viết nói chung một góc nhìn thực tế về cơ hội nghề nghiệp tương lai của ngành, cũng như giải đáp cho câu hỏi: “Ta cần chuẩn bị những gì để đến với nghề?”.
Hiện nay, có rất nhiều người suy nghĩ sinh viên khoa Văn sau khi ra trường sẽ trở thành nhà văn, nhà thơ hay công tác trong lĩnh vực sáng tác. Nhưng thực tế, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên ngành Văn học có thể đa dạng ở các lĩnh vực khác như truyền thông, báo chí, điện ảnh và truyền hình,... Là một phóng viên, biên tập viên lâu năm trong nghề, chị Phương Huyền chia sẻ trong cơ quan của chị có rất nhiều sinh viên xuất thân từ những khoa khác nhau và đều làm nghề lâu dài, chị khẳng định rằng các bạn sinh viên đều có cơ hội công bằng như nhau - dù là sinh viên khoa Văn hay bất kỳ khoa nào khác, điểm khác biệt là nằm ở thái độ, nỗ lực và tình yêu nghề của mỗi người.
Diễn giả Phương Huyền cho rằng, học văn không nhất thiết phải làm nghề nhà văn, nhà thơ bởi lẽ “Làm văn, làm thơ là một trong những tố chất bổ trợ, bồi dưỡng cho tâm hồn nghệ thuật trong mình”. Sinh viên học ngành Văn khi ra trường có thể làm được rất nhiều ngành nghề khác. Với chị, việc học văn là một công cụ để bổ trợ cho công việc sau này, đồng thời chính công việc của chị là một phóng viên, một biên tập viên đã góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương trong chị.
“Có những người bạn của chị và chị Hạnh học báo chí nhưng ra trường không làm báo. Với chị, học chỉ là một phương tiện, còn mình làm nghề như thế nào, có giỏi nghề hay không thì ấy lại là câu chuyện bạn có đam mê với công việc đó hay không, có sống chết với công việc đó hay không?” Đồng thời, chị Phương Huyền cũng chia sẻ về những khó khăn khi nộp đơn thi vào Đài phát thanh như vấn đề về giọng địa phương, những kiến thức chuyên môn về báo chí chưa được học,... nhưng nhờ niềm đam mê và sự yêu nghề, chị vẫn trụ lại và đến hiện tại chị thực sự hạnh phúc với lựa chọn của mình.
Theo diễn giả Hạnh Ngộ, ở nghề Biên kịch, ý tưởng là yếu tố quan trọng nhất và cũng là điểm mạnh của người khoa Văn. Sự sáng tạo ý tưởng sẽ được trau dồi qua quá trình quan sát và rung cảm với cuộc sống xung quanh, còn kỹ thuật viết có thể được học hỏi và rèn luyện trong quá trình làm nghề. Ngoài ra, phải có “độ lì” với nghề, phải không ngừng thử những điều khác, điều mới, không bỏ cuộc khi gặp khó khăn hay thất bại. Chị Hạnh Ngộ chia sẻ, chị cũng từng phải đối mặt với những nốt trầm trong sự nghiệp như đánh giá từ khán giả, áp lực từ nhà đầu tư,... nhưng chính “độ lì” và tình yêu với nghề giúp chị vẫn vững bước.
Ngoài những chia sẻ trên, các bạn sinh viên đã được đặt những câu hỏi trực tiếp và nhận được câu trả lời đến từ hai vị diễn giả ngay tại hội trường. Những câu chuyện, kinh nghiệm và lời khuyên đến từ hai diễn giả Hạnh Ngộ và Phương Huyền có thể mang đến cho các bạn sinh viên những chia sẻ, gợi mở để phần nào xua tan đi những mơ hồ trong quá trình xác định nghề nghiệp cũng như giúp các bạn có được định hướng rõ ràng hơn để chuẩn bị những hành trang cần thiết cho tương lai.
Nguyễn Xuân Thiều Hoa